Hôm sau, trong buổi đại triều đông đủ bá quan văn võ, vua Chey phán:
- Thời gian gần đây, giặc Xiêm không dám quấy phá nước ta nữa, dân ta từ kinh đô đến các miền biên ải xa xôi đều được yên ổn làm ăn, các khanh biết nhờ đâu không? Chính là nhờ uy lực của nước Đại Việt là nước thông gia của Chân Lạp ta. Hai nước đã thông hiếu với nhau, thề giúp đỡ nhau, coi nhau mật thiết như môi với răng. Vậy, tại sao ta không thể mở rộng lòng coi người dân Đại Việt như dân Chân Lạp? Một số người Việt vì sinh kế phải đến làm ăn trên đất nước ta, họ có tội tình gì mà ta phải xua đuổi, xa lánh, quấy phá làm hại đến họ? Trẫm nghĩ rằng đó chỉ là hành động nông nổi của một số dân ngu dốt bị người ta xúi giục. Trẫm đã xuống chiếu cho các khanh phải giúp đỡ, che chở họ, thế mà đến nay họ vẫn gặp không biết bao nhiêu là khó khăn về mặt an ninh. Tại sao vậy? Phải chăng chính kẻ thù của dân tộc ta ngầm nhúng tay vào để gây mâu thuẫn giữa hai dân tộc Đại Việt và Chân Lạp? Các khanh phải giải thích những điều lợi hại ấy cho dân chúng hiểu hầu tránh gây ra những lỗi lầm đáng tiếc, có thể làm sứt mẻ tình hòa hiếu giữa hai dân tộc. Chư khanh có làm được việc đó không?
Đại thần Mông Cun với giọng chua xót tâu:
- Thần xin góp ý thêm về việc này. Những chuyện bức hiếp người Việt quả có xảy ra nhiều nơi thật, nhưng không phải do dân bản xứ gây nên mà phần nhiều lại do các sắc dân ngoại kiều khác, cũng chỉ vì sự va chạm mâu thuẫn quyền lợi với nhau thôi. Bởi thế, vấn đề tuy nhỏ mà giải quyết thì lại rất khó. Thần nghĩ chúng ta chỉ có quyền khuyên ngăn, hòa giải họ chứ không thể nào thẳng tay trừng trị những kẻ phạm tội được. Mà không thẳng tay trừng trị được thì kẻ phạm dễ sinh khinh nhờn, dễ tái phạm, dễ làm cho kẻ xấu khác bắt chước. Giả như một người Xiêm giết một người Việt, theo luật, người Xiêm đó phải bị xử tử, nhưng nếu chúng ta thi hành hình án ấy, nước Xiêm lập tức có cớ để gây hấn với ta, họ sẽ làm khó làm dễ đủ điều. Đó là kinh nghiệm qua bao nhiêu lần trước dưới thời tiên vương. Nhiều phán quan chỉ vì xử án quá ngay thẳng nghiêm minh, làm mích lòng cường bang, lật qua lật lại vị phán quan ấy bỗng trở thành vật cúng thần. Cái thế nước ta bây giờ khó là ở chỗ đó! Cho nên các quan chức địa phương thường làm ngơ trước những vi phạm kia. Thần trộm nghĩ đây chính là lúc thánh thượng nên minh định lại phép nước, bố cáo cho quốc dân lẫn ngoại kiều cùng biết rõ ràng. Có như thế, kẻ cầm cân công lý mới có chỗ dựa vững chắc để làm việc chí công vô tư! Lúc đó mới mong những sự tranh chấp quyền lợi giữa các ngoại kiều được giải quyết công bằng thỏa đáng!
Vua Chey lại hỏi:
- Còn ai có ý kiến gì về vấn đề này nữa không?
Hoàng thân Nặc Nậu bước ra tâu:
- Thần cũng đồng ý với đại thần Mông Cun về việc bệ hạ nên minh định lại phép nước thì người thi hành phép nước mới vững lòng làm việc được. Ngày nào phép nước chưa được tái minh định, thần e những kẻ thi hành phép nước vẫn còn phải e dè vì sợ phải gánh chịu những hậu quả bất ngờ do mình thi hành đúng trách nhiệm. Đó là chưa nói đến những kẻ a dua theo thời, lạm dụng sự thiếu rõ ràng của phép nước, tùy tiện theo ý mình khi phân xử, có thể gây ra những tình trạng tồi bại hơn!
Vua Chey nói:
- Minh định lại phép nước, đó là một ý kiến rất hay. Trẫm sẽ cho người nghiên cứu và thực hiện. Lâu nay nước Chân Lạp ta bị cường bang lấn áp, kỷ cương nghiêng đổ, pháp luật lơi lõng đã thành lề. Nay muốn chấn chỉnh cũng phải đi từng bước, không thể thực hành tức thời được. Trước mắt, chúng ta không nên để cho người Việt bị chèn ép, bắt nạt, vì như thế, chúng ta sẽ làm giảm thiện cảm của chính quyền Thuận Hóa, một chính quyền đang triệt để ủng hộ nước ta chống lại người Xiêm. Do đó, trẫm quyết định cho phép cộng đồng di dân người Việt thành lập những đội võ trang để họ có thể tự vệ. Chư khanh có ý kiến gì về vấn đề này không?
Vua Chey vừa phán xong, lập tức các quan lớn nhỏ nhốn nháo đưa mắt nhìn nhau. Nhà vua nhìn thấy rõ vẻ bất mãn, giận dữ biểu lộ bất thần trên gương mặt nhiều đại thần của mình. Nhưng thoáng chốc, mọi người đều biết kìm hãm sự biểu lộ thứ tình cảm có thể gây tai họa cho mình ấy lại. Dù vậy, không khí buổi chầu vẫn không thoát trạng thái ngột ngạt khó thở. Một lát sau, quan đại thần Nôn San bước ra tâu:
- Hoàng thượng cho phép thần trình bày: Từ cổ chí kim, chấp nhận một cộng đồng kiều dân sống trên đất nước mình được võ trang tự vệ vẫn là việc đại cấm kỵ. Như thế có khác chi đem cọp về nuôi trong nhà! Khi nó trở chứng bất ngờ muốn ăn thịt mình thì làm sao mình trở tay cho kịp? Xin thánh thượng xét lại vấn đề này!
Vua Chey chưa kịp phán lời gì thì đại thần Mông Cun lại tâu:
- Xin thánh thượng coi việc an ninh quốc gia là trọng, ta không thể chấp nhận một cộng đồng ngoại kiều nào được võ trang tự vệ trong lãnh thổ mình như thế. Nó chắc chắn sẽ như là một cái ung nhọt nhức nhối trong thân thể ta. Khi nó đã phát tác, muốn trừ bỏ nó đi sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, nếu thánh thượng cho phép người Việt làm như vậy, lỡ người Xiêm, người Hoa, người Mã Lai cũng bắt chước mà đòi hỏi như thế, bệ hạ sẽ trả lời họ sao đây? Thần cúi xin bệ hạ xét lại chuyện này kẻo rồi hối hận không kịp!
Vua Chey vẫn chăm chú theo dõi phản ứng của mọi người. Bây giờ thì ngài thấy rõ cái việc mà ngài nói với hoàng hậu Ngọc Vạn "Chuyện này không khó lắm, đừng bận tâm" ấy lại thật sự không dễ chút nào. Khi hai ông Nôn San và Mông Cun tâu bày lý lẽ phản bác, vua Chey đã thấy hầu hết các quan đều tỏ vẻ tán đồng. Đại thần Mông Cun tâu bày xong chưa kịp bước lui thì đã có nhiều vị đại thần khác dợm bước ra. Vua Chey thấy tình hình quá bất lợi như vậy bèn phán:
- Thôi, tạm thời hãy gác việc ấy lại đã! Bây giờ chúng ta bàn sang chuyện khác...
*
Sau khi bãi chầu, vua Chey thẫn thờ trở về cung. Ngài không ngờ một đấng chủ tể đang được muôn dân tin cậy, ủng hộ như ngài giờ lại gặp cảnh tiến thoái lưỡng nan thế này. Nếu chiều ý hoàng hậu Ngọc Vạn, ngài sẽ bị thần dân phản đối, sự nguy hại chưa biết tới mức nào. Cái gương phụ thân ngài cũng vì hoảng sợ trước sự phẫn nộ của dân chúng mà phải nhường ngôi cho ngài đâu xa xôi gì! Nhưng ngài đã hứa như đinh đóng cột với hoàng hậu Ngọc Vạn như thế, biết ăn nói làm sao bây giờ? Làm phật lòng hoàng hậu Ngọc Vạn là điều ngài càng nên tránh. Nào tình yêu! Nào ơn nghĩa! Sau lưng hoàng hậu là một hậu thuẫn vững chắc bảo vệ cho ngai vàng của ngài: triều đình Thuận Hóa! Ngài biết bọn tay chân người Xiêm còn rất nhiều đang nín thở qua sông, chịu đặt mình dưới quyền ngài, nhưng nếu gặp cơ hội, họ sẽ không để cho ngài yên. Ngài biết còn một số hoàng thân quốc thích đang nhòm ngó đến ngai vàng của ngài. Hoàng hậu Ngọc Vạn như một lá bùa mà ngài cần có để trừ ma yểm quỉ. Nếu không có lá bùa Ngọc Vạn việc gì sẽ xảy đến cho ngài? Hàng vạn quân Xiêm hung tàn sẽ tràn sang chà đạp đất nước ngài, tàn sát đồng bào ngài! Những kẻ có tinh thần thân Xiêm, bài Việt sẽ ra mặt nối dáo cho giặc. Rồi dân tộc ngài, bản thân ngài sẽ đi về đâu? Các quan cũng có lý của họ, người Việt cũng có thể không khác gì người Xiêm! Nhưng với ngài, ít nhất ngài đã chứng kiến sự tàn ác dã man của người Xiêm, còn người Việt thì ngài chưa thấy gì. Vả lại, ngài đang là con rể của chúa Thuận Hóa! Ai hiểu cho lòng ngài? Chưa bao giờ ngài cảm thấy mình cô đơn ghê gớm như lúc này! Không dựa vào Đại Việt thì bị người Xiêm bắt nạt, muốn dựa Đại Việt tất phải nhượng bộ này nọ lại làm cho quốc dân nghi sợ, phản ứng. Chưa bao giờ ngài cảm thấy thấm thía nỗi đau nhục ê chề của người cầm quyền một đất nước nhược tiểu ở bên cạnh những cường bang đến như thế! Ta làm sao để có binh hùng tướng mạnh? Ta làm sao để tự lực tự cường? Nhà vua suy nghĩ đến phờ phạc cả người, đầu nhức như búa bổ mà vẫn không thể nào tìm ra được một lối thoát...
Thế rồi vua Chey lâm bệnh. Ban đầu tưởng bệnh sơ sài, ngài vẫn gượng ra triều coi việc. Nhưng mấy ngày sau thì ngài không kham nổi nữa. Ngài phải nằm liệt giường uống thuốc cả tháng. Mọi việc triều chính bấy giờ phải tạm thời giao cho hoàng thân Nặc Nậu và đại thần Nôn San xử lý.
Vào thời gian vua Chey nằm bệnh, hoàng hậu Ngọc Vạn mỗi ngày vẫn tới vấn an, săn sóc thuốc men cho ngài. Trong khi đó, hoàng hậu Pha Luông vì cố tránh mặt hoàng hậu Ngọc Vạn nên rất ít khi gặp mặt vua được lâu. Bà vẫn cho người hầu thăm chừng trước, khi biết chắc không có mặt hoàng hậu Ngọc Vạn bà mới đến thăm vua. Lại có lúc bà đang ở bên cạnh vua mà thấy hoàng hậu Ngọc Vạn đến, bà liền tìm cớ cáo từ ra về. Thành ra chỉ ở Tả cung và Hữu cung mà hai người cách trở như sao Hôm và sao Mai.
Một hôm, nhân lúc thấy vua Chey hơi khỏe người, hoàng hậu Ngọc Vạn nói:
- Thánh thượng khỏe lại thế này thiếp thật mừng khôn xiết. Mấy hôm liền thánh thượng nằm liệt giường làm thiếp lo sợ lắm. Nếu thánh thượng có mệnh hệ nào thì chắc thiếp cũng xin theo hầu thánh thượng ở chốn tuyền đài thôi!
Vua Chey cười:
- Ái khanh nói gì mà nghe dễ sợ vậy? Phong tục Chân Lạp đâu có như phong tục Chiêm Thành khi vua mất thì hoàng hậu phải thiêu thân chết theo vua? Hậu đừng lo sợ điều đó!
Ngọc Vạn thưa:
- Thiếp đâu có sợ việc đó! Trái lại, thiếp còn mong được theo hầu bệ hạ nữa chứ! Thiếp chỉ sợ hoặc bệ hạ không muốn cho thiếp theo, hoặc phong tục Chân Lạp không cho phép, để thiếp phải ở lại cõi trần trong cô đơn, bị người ta chèn ép hành hạ thì khổ biết bao nhiêu!
Vua Chey lộ vẻ ngạc nhiên:
- Ái khanh sao lo xa quá. Ai mà có thể chèn ép hành hạ ái khanh được?
Ngọc Vạn hạ giọng:
- Nói bệ hạ bỏ qua cho, thật tình thiếp khiếp sợ người Lào lắm! Ngày còn ở Đại Việt, thiếp vẫn nghe nói người Lào sở trường về những môn thư, yểm, họ có thể làm cho kẻ thù của họ điên khùng, tật nguyền, dở chết dở sống... Như bệ hạ thấy đó, Hữu hoàng hậu gặp thiếp đâu thì tránh mặt đó, bà ta có thương gì thiếp! Nói trời không nghe lỗ miệng, nếu bệ hạ có bề nào thì con của bà ta sẽ lên kế vị, khi đó e rằng thân thiếp sẽ không có đất chôn chứ chẳng chơi đâu!
Nói xong, hoàng hậu Ngọc Vạn cúi mặt khóc sùi sụt... Vua Chey bất chợt thấy bực mình: Đàn bà sao mà giống nhau đến thế! Nhưng rồi vẻ bi thương của hoàng hậu đã khiến nhà vua cảm thấy mủi lòng... Ngài cũng hơi ngạc nhiên vì từ nhỏ ngài chưa nghe ai nói người Lào sử dụng bùa ngải bao giờ. Ngài an ủi:
- Hậu chớ quá lo mà sinh ốm. Người Lào mà bùa phép nỗi gì? Trẫm chưa hề nghe ai nói đến chuyện đó!
Hoàng hậu Ngọc Vạn nói:
- Vì người Lào quá kín đáo nên bệ hạ không rõ đấy thôi! Khi họ đã ghét ai thì kẻ ấy khó mà thoát tai biến!
Vua Chey bỗng nói đùa:
- Có khi nào hoàng hậu Pha Luông đã thư trẫm không? Thời gian gần đây trẫm thưa thớt tới Hữu cung bà ấy có giận ghét trẫm không biết?
Ngọc Vạn nghiêm trang nói:
- Biết đâu được! Nhưng bệ hạ đâu cần lo chuyện đó. Bùa phép chỉ hại được những kẻ tầm thường như thiếp, còn bệ hạ mang chân mạng đế vương có thần linh phò trợ thì ai mà hại được!
Tuy không hẳn tin lời hoàng hậu Ngọc Vạn, nhưng từ đó, vua Chey cũng dè chừng hoàng hậu Pha Luông.