Trong lá thư bà đã nhắc lại những kỷ niệm hạnh phúc lúc hai người mới gặp nhau. Viết một lá thư như thế tốn vào khoảng một giờ mấy mươi phút. Và trong một giờ mấy đó bà lại tưới tẩm một lần nữa những hạt giống của hạnh phúc, của kỷ niệm ngày xưa. Bà thấy khỏe quá đi. Viết xong lá thư, bà nhẹ người, tuy rằng ông chưa đọc. Bà xếp thư lại, bỏ vào phong bì, và viết chữ "Anh" lên rồi đem lên lầu, để nơi bàn viết của ông. Lúc nào ông đọc cũng được. Sự thật là viết xong lá thư, bà đã thấy con người của mình khỏe ra rồi.
Đó là phép lạ của sự tưới tẩm những hạt giống tích cực của hiểu biết và thương yêu. Không đợi người kia, không cần người kia. Ở đây người thiếu phụ không có thầy, không có bạn, không có tăng thân, bà chỉ có cái hộp bánh LU thôi. Quý vị đừng khinh thường những gì quanh chúng ta, một con đường thiền hành, một gốc cây, hay một em bé đều có thể là một yếu tố của tăng thân mà chúng ta đã bỏ quên. Đáng lý ông ấy đi bảy ngày mới về. Nhưng đến ngày thứ hai, sau khi sắp đặt công việc xong, ông nhớ lại cú điện thoại. Và ông nhớ lại lời dặn của bà, rõ ràng từng tiếng, chưa bao giờ bà nói bằng cái giọng đó: Xong công việc thì về với em. Và ông không muốn ở thêm nữa. Ông gọi điện thoại cho hãng máy bay. Ông muốn dành một sự ngạc nhiên cho bà.
Khi về tới nhà, ông đi thẳng lên studio. Bà ở dưới này. Bà đã sống thanh thản được hai ngày rồi. Bà đã biết thế nào ông cũng đọc lá thư kia. Nhưng bà nghĩ nếu ba, hay năm, hay bảy ngày sau ông mới đọc thì cũng không sao hết. Vấn đề là bà đã viết được lá thư đó và bà đã thấy trong người khỏe ra. Ông về và thấy cái thư trên phong bì đề chữ "Anh" trên bàn. Ông ta ngồi đọc và ông ta ở lại trên đó rất lâu. Rất lâu, trong thời gian đọc, tất cả những hạt giống hạnh phúc của ông đã được lá thư đó tưới tẩm. Và ông khám phá lại được cái hình ảnh của nàng tiên ngày xưa. Tuy bà không có chú ý giúp ông, nhưng lá thư đó đã trở thành một phép mầu nhiệm: nó tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc và kỷ niệm của ông ngày xưa. Và lần đầu tiên sau tám năm, ông khám phá lại được như bà là tại sao bà đã trở thành như vậy. Một người con gái dịu hiền, một người con gái tươi mát như thế, bây giờ tại sao lại trở thành khó khăn và chua chát như vậy. Mình đã làm gì? Mình đã chịu trách nhiệm nào trong việc đó? Nhà văn Pháp Antoine Saint Expery nói rằng: Anh chịu trách nhiệm về bông hồng của anh (Tu es responsable de ta rose).
Ông thấy rất rõ là nếu bà ra nông nỗi như vậy, một phần cũng là tại ông. Tại ông sống không có chánh niệm. Ông ở trên lầu rất lâu để chiêm nghiệm, để đọc lại lần thứ hai lá thư đó. Và khi xuống, ông xuống với ý định là sẽ thay đổi sự sống của mình đi, làm thế nào để phục hồi được người đàn bà tươi mát ngày xưa mà chính mình đã mong đợi sẽ cùng mình sống suốt đời. Tôi thấy hai vợ chồng đó có một cơ hội làm mới lại, một cơ hội Beginning Anew. Và chúng ta ai cũng mong mõi họ thành công.
Trường hợp chúng ta cũng vậy. Mỗi người trong chúng ta đều có cơ hội làm lại thâm tình với người thân của chúng ta. Người đó có thể là con trai hay con gái ta. Có thể là mẹ, là cha ta. Có thể là chồng hay vợ ta. Và chúng ta biết phương pháp thực tập rồi. Chúng ta phải tạo ra một khung cảnh để có thể tiếp xúc lại với những hạt giống tươi mát trong sáng cũ, để có thể tưới tẩm được những hạt giống của kỷ niệm thật hạnh phúc, thật hiểu biết và thương yêu trong quá khứ và cũng để chuyển hóa. Ý muốn hòa giải, muốn thương yêu, nhưng chúng ta không đủ tự do để thương yêu. Chúng ta muốn hòa giải, nhưng chúng ta không đủ tự do để hòa giải. Đó là do những khối nội kết trong ta, những khối tập khí ở trong ta quá lớn.
Tu tập là chuyển hóa nội kết. Nếu có tài tổ chức, quý vị hãy cùng cái tài đó để sắp đật lại đời sống hàng ngày của mình, sắp đặt lại tăng thân của mình. Vì tổ chức có thể đóng một vai trò rất quan trọng. Nhờ biết tổ chức mà sự tiếp xúc với những bực bội và phiền não hàng ngày sẽ được giảm thiểu tới mức tối đa. Chúng ta phải nương vào nhau, chúng ta phải nương theo ánh sáng của Phật pháp để chuyển hóa bản thân. Thân tâm chúng ta có nhẹ nhàng tươi mát thì chúng ta mới giúp chuyển hóa người kia được. Tu học không phải là chỉ cần công phu mà còn cần sự thông minh, cần sự sáng tạo, cần có niềm vui.
Trong những yếu tố để tạo thành sự hiểu biết và giải thoát có yếu tố của sự hoan hỷ. Thất Giác Chi là bảy yếu tố đ졠tới sự hiểu biết, giác ngộ, trong đó có yết tố Hỷ, Xả và Khinh An. Hỷ là sống như thế nào mà mỗi ngày mình có được niềm vui. Mình vui và người kia cũng vui. Nếu trong cuộc sống hàng ngày của anh mà không có niềm vui thì anh không đang thực tập Hỷ của Thất Giác Chi. Khinh An tức là nhẹ nhàng, không nặng nề lo lắng, giận hờn, không có áp lực nhiều, không bị stress (căng thẳng). Xả là không dính mắc, không kỳ thị. Trong bảy yếu tố giác ngộ có ba yếu tố có thể nhờ một phần vào cách tổ chức mà đạt được: yếu tố Hỷ, yếu tố Xả và yếu tố Khinh An. Chúng ta sống như thế nào để đừng bị sức ép của công việc và của xã hội đè sau lưng mình. Chúng ta sống như thế nào để đừng bị dính mắc, để được thảnh thơi, đó là yếu tố Xả. Khinh An là sự nhẹ nhàng, thảnh thơi, không bị áp lực, dầu là áp lực hòa giải, dầu là áp lực phải thương, phải yêu. Mình cảm thấy mình có không gian ở trong con người mình, và xung quanh mình. Và mình phải cho những người kia có không gian ở trong tâm họ và xung quanh họ. Hỷ nghĩa là sống như thế nào để mình có niềm vui và người kia cũng có niềm vui.
Thiếu ba yếu tố Hỷ, Xả, và Khinh An thì bốn yếu tố còn lại của Thất Giác Chi là Tinh Tấn, Trạch Pháp, Niệm và Định khó thành tựu lắm. Tu hành mà không có niềm vui, không có sự nhẹ nhàng thì không đạt tới sự thành công. Tịnh khẩu không phải là một pháp môn buồn nản hay tiêu cực đâu. Tịnh khẩu nhưng ta vẫn có thể cười hoài. Trong một tăng thân năm sáu chục người, có thể có hai ba người đang thực tập tịnh khẩu. Rồi đến lượt hai ba người khác. Chúng ta phải dùng trí tuệ của chúng ta, dùng óc sáng tạo của chúng ta để cho sự tu tập của chúng ta càng ngày càng vững mạnh, càng có kết quả. Một hôm nào đó tôi sẽ nói về sự áp dụng Thất Giác Chi, tức là bảy yếu tố của giác ngộ, vào trong sự chuyển hóa cái giận, cái buồn, cái khổ đau của chính chúng ta.