Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tôn giáo, Chính Trị >> Nẻo Về Của Ý

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 8137 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nẻo Về Của Ý
Thích Nhất Hạnh

Chương 1

POMONA là cái tên cái nhà gỗ trong rừng của tôi đang ở. Nguyên Hưng cứ tưởng tượng một buổi sáng thức dậy ở Phương Bối Am, lúc bảy giờ. Chim chóc hát vang rừng và ánh sáng tràn vào thành từng vũng lớn. Tôi đến đây vào một buổi tối; xe hơi len lỏi trên những con đường rừng thành ra không thấy gì. Sáng dậy, tôi giật mình vì tiếng chim hót, vì căn nhà gỗ và sự yên tĩnh mà đã hơn một năm nay tôi thiếu thốn. Ở Nữu Ước dù thức dậy lúc ba giờ khuya ta cũng vẫn nghe tiếng xe cộ đi lại. Tôi nhớ hồi mới về Nữu Ước, suốt một tuần lễ tôi không ngủ được. Tôi than phiền với một người quen. Anh ta mua biếu tôi một thứ bông sáp để nhét vào tai khi đi ngủ. Cố nhiên là đỡ ồn rồi, nhưng tôi vẫn không ngủ được bởi vì không thể quên được vì không thể quên được cái cảm giác là lạ trong hai tai. Mãi mấy hôm sau tôi mới làm quen với tiếng ồn và mới ngủ được. Thực ra, tất cả chỉ là vấn đề thói quen. Có người đã quen với tiếng tích tắc của đồng hồ, thiếu nó thì cũng không ngủ được. Nguyên Hưng không nhớ hồi anh Cường lên chơi và ngủ lại Phương Bối Am sao. Đã quen với tiếng xe cộ đường Hồng Thập Tự nên nằm ở Phương Bối anh ấy cũng không ngủ được vì cái yên tĩnh kỳ lạ của núi rừng Đại Lão.
Tôi thức dậy trong một sự yên tĩnh như thế ấy ở Pomona. Tiếng chim hót vang rừng những không thể nói là tiếng ồn. Nó lại càng làm cho sự yên lặng thêm sâu hơn về bề sâu là khác. Tôi khoác chiếc áo nhật bình đi ra ngoài. Thật ra một cảnh tượng thần tiên. Tôi có ngờ đâu căn nhà gỗ này nằm bên một chiếc hồ lớn - lớn hơn cả hồ Dalat. Mặt hồ sáng loáng phản chiếu nắng buổi mai, đẹp rực rỡ như tranh thần thoại. Bờ hồ là cây rừng; lá cành mang nhiều mầu sắc. Trời sắp ngả sang thu rồi đó, Nguyên Hưng.
Tai tôi thoáng nghe tiếng cười đùa. Tôi vừa đi vào con đường mòn vừa gài khuy áo, tìm tới gần chỗ phá xuất ra tiếng nói cười trẻ em. Đi chừng hai trăm thước tôi thấy hiện ra một khu có sân rộng, có tới mấy chục ngôi nhà gỗ như Pomona, nhưng bé hơn Pomona. Bọn trẻ con đang rửa mặt, đánh răng. Đây là là Cherrokees, trại của các em nhỏ từ bảy đến mười một tuổi. Rải rác trong rừng còn có năm hay sáu làng nữa, của những lứa tuổi lớn hơn. Khu rừng mấy trăm mẫu này hiện dùng làm trại hè - trại Ockanickon, cho học sinh. Để trốn nắng thành phố, tôi đã về đây, sống với thiên nhiên, với rừng xanh, hồ biếc và trẻ thơ. Tôi sẽ ở lại đây vài ba tuần nữa trước khi trở về lo công việc mùa thu.
Ngay đầu tôi đã ở chơi suốt ngày với các cậu bé làng Cherrokees. Các cậu bắt đâu được một chú nai con mới sinh được ba bốn ngày. Mẹ nó đã bỏ nó đi đâu mất. Các cậu bé đem nó về trại nuôi. Ban giám đốc trại làm cho các cậu ấy một cái nhà lưới rộng, có hai phòng, để nuôi chú nai con. Chúng đặt tên con nai là Datino. Datino có bộ lông mầu vàng điểm nhiều chấm sao trắng rất đẹp. Datino được các cậu bé cho ăn cháo tấm trộn với sữa tươi, và bắp cải non. Sống được tám tuần lễ ở trong trại rồi, Datino đã lớn. Nhờ sự chăm sóc của các cậu bé, nó đã cao chừng bốn tấc tây. Tôi cũng hay quanh quẩn với các em chung quanh cái nhà lưới của Datino và hay hái những cành có lộc non cho Datino gặm. Pomona thanh tịnh quá khiến tôi ít ưa đi đâu nữa. Tôi có đem về đây mấy cuốn sách nhưng không đọc. Nguyên Hưng nghĩ đọc làm sao được khi rừng cây thanh tịnh như thế kia, hồ nước xanh mát như thế kia, tiếng chim hót trong trẻo thế kia. Có những buổi sáng tôi đi vào trong một khu rừng thưa và ở lại đó một mình cho đến chiều. Tôi đi thơ thẩn trong rừng hay nằm dài trên những thảm rêu mềm mại, khoanh tay nhìn trời xanh, mây trắng. Những lúc như thế này tôi thấy tôi đổi khác. Có thể nói là tôi tìm thấy rõ mặt mũi chân thực của tôi thì đúng hơn. Những nhận xét, những cảm nghĩ, những quan niệm không còn giống như những nhận xét những cảm nghĩ những quan niệm hồi tôi còn ở Nữu Ước. Tôi thấy sự vật sáng hơn, khỏe hơn và ít tầm thường hơn. Chiều hôm qua tôi ngồi trên một chiếc thuyền con và tự chèo lên phía Bắc của hồ, trên một cây số. Tôi ngồi chơi giữa những bông súng cho tới khi trời nhuộm mầu tím mới bơi về. Tối quá, tí nữa thì không tìm ra được cái bến xinh xắn của Pomona.
Rừng ở đây không có sim như ở Phương Bối nhưng có một thứ trái cũng tìm và ngọt như sim, gọi là blueberries. Sáng hôm nay tôi đưa hai chú bé chừng tám tuổi vào hái blueberries ăn đến chát cả mồm cả miệng. Hai cậu bé nói chuyện huyên thuyên không ngớt. Một cậu nói chuyện ông Ba Bị mà cậu trông thấy hồi hôm. Ông kẹ của cậu có sừng trên trán và đang lúc cậu ngủ, trong một chiếc lều ở Cherokees, thọc tay vào cửa sổ lều định bắt cóc cậu. Cậu nói chuyện một cách say sưa, thành thực. Có lẽ có một ông Kẹ giả nào đó thì mới khiến cậu tin chắc như vậy được. Tôi vừa nghe vừa cười, vừa lo hái blueberries. Hồi lâu, không thấy phản ứng chi, cậu tức quá, dừng lại, nói một cách thất vọng: “Ông không tin lời của em”. Tôi trả lời: “Có chứ, tôi tin, nhưng tin vừa vừa thôi”. “Tại sao?” “Tại vì khó tin quá, tôi cố gắng mới có thể tin em một ít như vậy”. Cậu buồn xo. Chiều đến, cậu dắt tới Pomona một cậu bé để làm chứng. Cậu này cũng kể chính cậu cũng thấy ông Ba Bị. Hai cậu tranh nhau hùng biện, cố làm cho tôi tin. Cuối cùng tôi phải gật đầu công nhận “Thôi được, tôi tin lời hai cậu”. Tôi nhói như vậy và đứng dậy đưa hai cậu về trại Cherrokees.
Nguyên Hưng, trong những ngày như ngày hôm nay tôi nhớ Phương Bối quá đi. Có phải là thỉnh thoảng đến Phương Bối, ngày xưa, chúng ta cũng hay mang một vài em bé đi thám hiểm núi rừng Đại Lão hay không? Rừng Đại Lão Sơn hoang vu rậm rạp và nguy hiểm hơn đây nhiều. Chẳng thế mà có bận chúng ta đã gặp cả cọp. Tôi nhớ Phương Bối Am quá cho đến nỗi nhiều đêm nằm mơ thấy về Phương Bối. Nhưng tội nghiệp chưa, chẳng bao giừo về tới được Phương Bối cả. cứ về gần tới Phương Bối thì y như là có một trở lực gì ngăn chận lại. Vì thế càng nhớ, càng xót xa thêm. Quê hương chúng ta đã không phải là Phương Bối sao? Nguyên Hưng thường nói: “Phương Bối không thuộc về chúng ta. Chính chúng ta thuộc về Phương Bối”. Phải có những ràng buộc mật thiết lắm với Phương Bối mới có thể nói những câu tương tợ như vậy. Phải có những gốc rễ ăn sâu vào Phương Bối lắm mới có thể biểu lộ được tình cảm như thế ấy. Tôi biết lắm. Người ta thường nói chỉ có những kỷ niệm đau buồn mới ở lâu với con người. Sự thực không hẵn như vậy. Nguyên Hưng, có phải những ngày sung sướng nhất của chúng ta là những ngày ở Phương Bối không? Và có phải vì những ngày đáng ghi nhớ ấy mà chúng ta hướng về Phương Bối từ bất cứ phương trời nào, nhưng những bông hoa hướng dương kia không?
Những ngày khai sinh của Phương Bối không có mặt Nguyên Hưng. Hồi dó Nguyên Hưng còn ở Dalat. Chúng ta đã đi từ thất vọng này sang thất vọng khác trong niềm ao ước tìm một lối thoát cho chúng ta, cho thế hệ những người trẻ tuổi muốn đem lý tưởng đạo Phật làm đẹp cho cuộc đời. Nguyên Hưng trẻ hơn tôi đến gần mười tuổi, nhưng mà Nguyên Hưng cũng đã chịu biết bao nhiêu nỗi thảm nhục rồi. Chúng ta đã đau khổ vì tình trạng chính trị của đất nước. Chúng ta lại còn đau khổ vì tình tdrạng của đạo Phật. Hồi ấy chúng ta đã nói tới vấn đề hiện đại hóa đạo Phật. Hồi ấy chúng ta đã cố gắn mọi cách gây ý thức về một nền Phật giáo dân tộc để mong phục hồi sinh lực dân tộc trong ước vọng xây dựng xứ sở. Tôi dã làm báo đã viết sách. Nào báo Hướng Thiện, nào báo Liên Hoa, nào báo Sen Hái Đầu Mùa. Năm 1955, chắc Nguyên Hưng còn nhớ, tôi được Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam giao cho chủ bút tờ Phật Giáo Việt Nam. Lúc đó, tôi đã có dịp gây ý thức về một nền Phật giáo nhân bản và dân tộc. Tôi cũng đã thấy rõ tính cách rời rạc phân tán của tổ chức đạo Phật, nên đã cố gắng viết tất cả những gì tôi nghĩ về một nền Phật giáo thống nhất toàn vẹn. Tôi chắc Nguyên Hưng biết rõ những nguyên do gần xa trong ngoài của sự rời rạc. Hơn hai năm sau, tờ báo bị đình bản. Lý do là hết tiền. Nhưng kỳ thực, đó là vì các nhà lãnh đạo Phật giáo miền Trung và miền Nam không chịu đựng được những lọat bài nói về vấn đề thống nhất thực sự. Trong một buổi họp, họ đã lấy cớ hết tiền để kết liễu sinh mệnh của tờ báo. Họ có nói: “Ai lại tờ báo của Tổng hội mà đi dạy Tổng hội về vấn đề thống nhất bao giờ”.
Nguyên Hưng, thế là chúng ta mất khí giới cuối cùng. Chính trị thì khôn ngoan, tìm đủ mọi cách cho tiềm lực dân tộc không có cơ phát hiện. Tổ chức Phật giáo thì thủ cựu, chia rẽ. Chúng ta, những người trẻ tuổi, không có tiền bạc. Không có uy thế, không có một “miếng đất để cắm dùi”, làm sao thực hiện được ước mộng? Sau một thời gian ốm đau tưởng chết, tôi rút về nằm ở ngôi chùa nhỏ bé và an tĩnh ở Blao. Còn Nguyên Hưng và các bạn thì mỗi người phiêu lưu một ngả. Lần thất bại này có lẽ là lần thất bại to lớn nhất có phải không Nguyên Hưng?
Tôi về nằm ở chùa Blao, nhưng cũng không được yên ổn mấy, bởi vì đây là chùa quận hội Phật giáo. thỉnh thoảng có chị Diệu Âm ở Djiring vào đem cho thuốc men, và một ít trái cam tươi. Chị Diệu Âm, mà công trình đối với Phương Bối không phải là nhỏ, nay đã nằm yên dưới lòng đất rồi. Có phải chính nhờ chị mà chúng ta có đủ can đảm và kiên nhẫn để tạo dựng nên Phương Bối phải không Nguyên Hưng?
Tôi xin trở lại câu chuyện những ngày đầu tiên khai sanh Phương Bối. Ấy là vào khoảng Vu Lan năm 1957. tôi có nói với chị Diệu Âm: “Chúng tôi mất chiếc neo cuối cùng rồi. Có lẽ đức chúng tôi đang còn mỏng quá. Chúng tôi phải trở về trong một cái vỏ cứng để tu luyện trong một thời gian đã. Chị kiếm cho chúng tôi một nơi ẩn dật đi”.
Chị Diệu Âm hồi ấy trú tại Djiring trong một tịnh xá tên là Mai Lâm. Mai lầm tức là Rừng Mai. Chính vì vậy mà hồi chị mất, để nhớ chị chúng ta đồng ý đặt tên cho chiếc cầu gỗ phía trước cửa rừng Phương Bối là Cầu Mai. Cầu Mai bây giờ có lẽ đã mục nát rồi. Lâu nay, từ Huế, có khi nào Nguyên Hưng lăn lội về ghé thăm Phương Bối và chiếc cầu xinh đẹp đó không?
Chị Diệu Âm nói: “Tôi tiếc không nhường Mai Lâm lại cho các chú được, bởi vì tôi không có thẩm quyền. Chớ nếu tôi nhường được tôi sẽ nhường ngay. Tôi về Huế, ở chùa Thiên Minh”. Quý hóa thay tấm lòng của chị Diệu Âm. Tôi cười, trả lời: “Chị mà về Thiên Minh thì còn tệ hơn là chúng tôi không có chỗ ở”. Và Nguyên Hưng ơi, chính trong những giờ đàm luận ấy mà chúng tôi thấy nẩy sinh trong óc các ước muốn và dự định thành lập một khu tĩnh cư trên rừng Đại Lão. Khu ấy sẽ rất yên tĩnh, sẽ ít ai đến được. Khu ấy sẽ rộng, sẽ có đru núi đồi, suối, vườn, tĩnh đường, thư viện, thiền thất. Chúng ta cần một nơi như thế, có phải không Nguyên Hưng. Chúng ta phải có một nơi như thế để quay về. Để chữa cho lành những vết thương rướm máu. Để nuôi dưỡng bồi đắp lại những gì mà chúng ta đã phí phạm. Để chuẩn bị cho một cuộc hành trình khác. Niềm tin, sự trong trắng của tâm hồn chúng ta đã bị hao tổn một cách nặng nề. Chúng ta nhận thức được điều đó, và chúng ta quyết định tìm con đường phải đi. Phải trị liệu, phải bồi đắp, phải nuôi dưỡng trước đã. Nếu không, chúng ta sẽ mất chúng ta. Tôi đã ước ao có một nơi do chúng ta mới thực hiện được công trình “tu luyện” cần thiết. Bởi vì chúng ta sẽ không thể lmà được gì nếu vẫn phải sống mãi cái đời ăn gửi, nằm nhờ.
Nguyên Hưng biết, hồi đó, chúng ta đã có vào khoảng trên hai vạn cuốn sách. Núi rừng, cây, suối, thiền thất và thư viện hấp dẫn chúng ta như một dòng nước mát đối với kẻ bộ hành trong sa mạc, như gói quà trong rổ chợ của bà mẹ đối với đưa con thơ. Tôi đã bàn với Thanh Tuệ, với chị Diệu Âm. Thế là chúng tôi nhất định thực hiện cho kỳ được. Cái đời bấp bênh của chúng ta phải được rẽ qua một hướng mới.
Đại Lão Sơn vốn là một khu rừng núi phía trên đèo Blao, cách đèo chừng sáu cây số. Từ Saigon lên bằng quốc lộ số 20 đến cây số 180, nhìn sang tay trái về phía những núi đồi cao nhất: đó là rừng Đại Lão. Muốn tới Phương Bối Am, ta phải từ Blao đi về phía đèo bằng quốc lộ. Đến cây số 180, ta phải bỏ quốc lộ băng qua chừng ba cây số đường rừng. Hồi ấy, đất rừng ở đây được xem như là vật sở hữu của những người Thượng. Những khu đất gần hai bên quốc lộ thì hoặc đã được khai thác trồng trọt, hoặc đang còn là đất rừng - nhưng là thứ đất rừng của người Kinh đã mua lại từ người Thượng. Người Thượng thường chịu bán đứt đất rừng cho người Kinh bằng một giá hạ. Vượt ba cây số đường rừng, chị Diệu Âm, tôi và một người bạn tên là anh Điều làm trắc nghiệm viên dừng lại để nhìn ngắm khu rừng núi hùng vĩ và huyền bí trước mặt. Đó là Phương Bối tương lai. Phương là thơm, là quý. Bối là lá bối đa, một thứ palmier lá dài. Ngày xưa chưa có giấy người ta viết kinh trên thứ lá ấy. Phương Bối nói lên được ý hướng quý trọng và phụng sự nền văn học đạo Phật của chúng ta. Phương Bối là lý tưởng của chúng ta có phải vậy không Nguyên Hưng?
Khu rừng núi kia nằm trong địa hạt làng B’su Danglu của người Thượng. Sau mấy tuần khó nhọc chị Diệu Âm, anh Điều và tôi tìm được vị trí và được bản đồ của khu dất chúng tôi muốn mua lại của người Thượng. Khu đất rộng 25 ha 9525, như vậy là gần hai mươi sáu mẫu tây đất rừng. Mà Nguyên Hưng có biết hồi đó chúng tôi mua với giá bao nhiêu không? Hai trăm năm mươi đồng bạc Việt Nam một mẫu. Giá của khu rừng gần hai mươi sáu mẫu là sáu ngàn năm trăm đồng. Nguyên Hưng đừng tưởng chúng tôi bắt ép người Thượng hiền lành để mua đất của họ bằng một giá rẻ đâu nhé. Bởi vì đấy là giá chính thức họ bán cho mọi người. Hồi ấy, chúng tôi có tặng thêm cho những người Thượng kia ba ngàn rưỡi bạc nữa đấy.
Nguyên Hưng có biết chúng tôi mua bán với ai không? công tác mua bán với hai người Thượng hiền lành. Một người tên là K’Briu. Người kia tên là K’Brôi. Cả hai đều không biết chữ. Nhưng vị chánh tổng của họ. Chánh tổng Mã Blao, tên là K’bres và vị quận trưởng Thượng của họ, tên K’Dinh thì biết chữ và ký bằng bút máy. Một buổi sáng tháng tám trời nắng ấm, Tuệ và tôi đi vào quận để làm giấy. Gặp các ông K’Briu, K’Brôi, và vài người nữa. Rồi tôi ký tên vào mua cái văn tự bán đất (Sao lại bán nhỉ. Phải là mua mới đúng chứ?) đầu tiên trong đời. Văn tự đó như sau:
VĂN TỰ BÁN ĐẤT
Giữa hai đàng,
Những người Thượng tên K’Briu, tên K’Brôi dân làng B’su Danglu, tổng Mã Blao quận Blao, tỉnh Đồng Nai Thượng, bên này, và tăng sĩ Nhất Hạnh, nhà ở chùa Phật Học, bên kia.
Đã thỏa thuận như sau: Những người Thượng, chiếu thượng, do văn tự nầy, đã bằng lòng bán đứt cho tăng sĩ Nhất Hạnh một khoảnh đất kê khai như sau:
VỊ TRÍ: Một khoảnh đất diện tích 25ha 9525 (hai mươi lăm mẫu tây chín ngàn năm trăm hai mươi lăm thước vuông) tọa lạc tại làng B’su Danglu quận Blao, tỉnh Đồng Nai Thượng, ngang cây số 180-/-900, quốc lộ 20, Bắc giáp đất ông Trương Út và đất rừng, Nam giáp đất rừng và đất ông Trần Ngọc Quýnh.
Đông giáp đất rừng và đất ông Trần Ngọc Quýnh, Tây giáp đất ông Đặng Văn Lân và đất ông Trương Út. (bản đồ đính hậu).
NGUỒN GỐC: Những người Thượng tên K’Briu, K’Brôi trước sự hiện diện của ông Phó Lý làng B’su Danglu cam kết rằng khoảnh đất trên hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của họ, chưa hề cầm cố, để đương hay sai áp, và cũng không phải là công điền công thổ của làng.
QUYỀN SỞ HỮU: Văn tự đoạn mãi này xác nhận sự di chuyển quyền sở hữu và tăng sĩ Nhất Hạnh được trọn quyền sở hữu trên khoảnh đất trên, kể từ ngày thành lập văn tự này.
GIÁ CẢ: Khoảnh đất này đã thỏa thuận đoạn mãi với giá là 6.500đ00 (sáu ngàn năm trăm đồng bạc chẵn) và đã giao trước sự hiện diện ông Đại Diện Hành Chánh Blao, ông Chánh Tổng Mã Blao và ông Quận trưởng đồng bào Thượng chứng kiến cho các người bán đất đã lãnh đủ số tiền và điểm chỉ vào văn tự này vì không biết chữ, không biết ký.
Bên mua phải đăng bộ thổ, đóng bách phần cùng các thứ thuế khác tại bộ điền địa Đà Lạt.
Làm tại Blao ngày mùng 7 tháng 8 năm 19…
Dưới văn tự, có dấu điểm chỉ của K’Briu, K’Brôi của phó lý làng B’su Danglu, có chữ ký của Chánh tổng Mã Blao và K’Bres của quận trưởng Thượng K’Dinh và của ông Quận trưởng quận hành chánh Blao nữa. Bên cạnh chữ ký của K’Brôi, K’Briu, là chữ ký của tôi, tăng sĩ Nhất Hạnh. Thế là, Nguyên Hưng ơi, tôi đã trở thành địa chủ rồi đó. Địa chủ của gần hai mươi sáu mẫu tây đất rừng. Tha hồ sau này cho cộng sản tố khổ. Biết đâu trong khu rừng núi gần hai mươi sáu mẫu ấy, lại không có vài vị chúa sơn lâm lưu trú. Ở nông trại Đại Hà các ông Ba Mươi dã chẳng thỉnh thoảng về chơi ban đêm đó sao?

<< Chương 14 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 737

Return to top