Ta phải biết ngay từ lúc ban đầu rằng tịnh khẩu là một phương pháp thực tập rất sâu sắc chứ không phải là chuyện cấm nói. Tịnh khẩu không có nghĩa là không nói mà thôi. Nó có nghĩa là quán chiếu bằng chánh niệm của mình những điều gì mình định nói, nhưng vì tịnh khẩu mà mình không nói. Mỗi khi ngứa miệng và muốn nói một cái gì đó, ta nên lập tức lấy cuốn sổ tay ra và chép xuống rằng "hồi nãy mình đã tính trả lời như thế này: ... "Rồi mình viết đúng nguyên văn những tiếng những lời mà mình muốn nói xuống giấy. Những lời đó trong đời sống hàng ngày có thể gây đổ vỡ, có thể gây nội kết. Vài giờ hay vài ngày sau ngồi đọc lại những giòng đó, ta quán chiếu và đặt vấn đề, đặt câu hỏi. Nếu là người nghe thì ta sẽ đáp ứng lại với những lời đó bằng thái độ nào, bằng lời nói nào. Người đã có thể nghe câu phát biểu này của mình thuộc về hạng người nào? Người đó thường hay có những mặc cảm và những nội kết nào? Sau khi quán chiếu, ta có thể tự nói: "Hú hồn! May quá! Mình đã không phát ngôn thiếu chánh niệm như vậy, nhờ mình tịnh khẩu." Lần thứ hai, khi nghe người ta nói một câu gì đó hay khi thấy người ta làm một cái gì chướng tai gai mắt, tập khí của mình lại thức mình. Nó nói "phải nói" hoặc "ít nhất phải làm cái gì chứ!"
Nhờ đang tịnh khẩu ta mới có dịp dừng lại và nhận diện tập khí. Ta hãy lắng nghe cái tâm của ta, ta hãy lắng nghe nội kết của ta, ta hãy lắng nghe cái tập quán của ta để xem cái tâm đó, cái nội kết đó, cái tập quán đó muốn nói cái gì. Rồi ta mới lấy cuốn sổ tay của mình ra và chép những lời mà mìng đã định nói xuống để quán chiếu. Ta không bỏ qua bất cứ một lời nói nào ta nói trong tâm. Ta phải đọc lại, phải quán chiếu lại, phải thấy được gốc rễ của những lời nói đó của ta và những hậu quả có thể có của những lời nói đó. Đó là sự thực tập quán chiếu.
Quán chiếu có nghĩa là nhìn để thấy được gốc rễ và hậu quả. Một cái cây luôn luôn có gốc rễ và hoa trái của nó. Gốc rễ giúp cây thành hình và hoa trái là cái mà cây cống hiến. Một lời nói cũng vậy. Nếu ta nói một lời nào thì lời nói đó có gốc rễ của nó. Ta tìm hiểu tại sao ta lại muốn nói như vậy, tại sao ta đang nói như vậy và tại sao ta đã nói như vậy. Niềm đau đã sẵn có ở trong ta cần được nhận diện. Ta phải gọi tên, phải chỉ ra cho rõ những khối nội kết đó, những gốc rễ, những khối nội kết làm căn bản đưa tới lời nói mà tôi đã suýt nói đó." Và sau khi thấy được gốc rễ rồi, ta phải quán chiếu để thấy được hậu quả của lời nói đó. Nếu lời nói này mà được nói ra thì sẽ đem tới những hậu quả nào? Người nghe sẽ phản ứng như thế nào? Và sau khi họ phản ứng rồi thì cái tình trạng tâm hồn mình sẽ ra sao? Sự đỗ vỡ do một lời nói gây ra không phải chỉ là ở bên ngoài, lời nói kia còn gây đỗ vỡ ngay chính trong lòng mình. Nó tàn phá hết hai bên. Nó làm ung thối môi trường sinh hoạt. Mình tưởng nói ra cho khỏe, ai ngờ nói ra lại càng mệt, càng khổ, càng chuốc lấy khổ đau vào thân, trong tâm của mình. Mình làm khổ mình. Và cứ như vậy mình quán sát trong thời gian bảy ngày hay trong thời gian mười bốn ngày.
Ta phải thực tập tịnh khẩu cho thật sâu sắc, tại vì tịnh khẩu ở đây nghĩa là tịnh tâm, tịnh ý và chuyển hóa. Trong khi quán chiếu, ta phải thấy rằng người bên kia, người nghe, có thể cũng không phải là một người bình thường. Người nghe cũng có những nội kết, những thành kiến, những gốc rễ đau khổ của họ. Và họ nghe qua những nội kết đó, họ không nghe với một cái tâm vô tư. Mình nói một câu nói thương yêu, không hờn giận, mà người ta còn có thể hiểu lầm được và người ta còn giận mình được; huống hồ là mình nói một câu phát xuất từ sự buồn bực, tức tối và giận hờn của mình.
Nhiều khi ta nói một câu nói có tính cách xây dựng mà người kia lại nhận thức như là một câu nói thách đố hay chê bai. Cái đó do vọng tưởng, do tri giác sai lầm của người ấy. Ta phải cẩn thận. Nếu lời nói của mình có gốc rễ từ sự giận hờn, tức tối, khổ đau và bực bội của mình thì sức tàn phá của nó đối với người kia sẽ lớn lao biết mấy? Nó tàn phá người kia và sẽ trở lại tàn phá chính thân tâm của mình. Và trong cái thời gian bảy ngày hoặc hai tuần ấy, nếu thực tập cho thật vững chãi, ta có thể có chuyển hóa rất lớn. Còn những người thực tập tịnh khẩu mà không làm gì hết ngoài cái chuyện không nói, những người đó không đi xa hơn được. Những người đó chỉ có an ninh trong vòng bảy ngày thôi, rồi sau đó lại mất an ninh.
Nếu chúng ta thuộc truyền thống đạo Bụt, nếu chúng ta muốn thực tập chuyển hóa tam nghiệp thì thỉnh thoảng trong gia đình hay trong tăng thân, ta cũng nên xin cho ta một thời gian tịnh khẩu. Trong thời gian thực tập, từng hơi thở, từng bước chân, khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ngồi, chúng ta phải ở trong chánh niệm thì mới có cơ hội và năng lượng để có thể thấy được tâm ý của chúng ta. Ý nguyện muốn thương, muốn làm hạnh phúc cho ngườI kia, ý nguyện muốn hòa giải, muốn tạo sự an lạc và hạnh phúc, tuy có mặt trong lòng ta, nhưng điều đó không có nghĩa là ta đang đứng về phe của lẽ phải. Bên kia, người kia có thể cũng đang đứng về phe của lẽ phải. Bên kia, người kia có thể cũng đang có ý nguyện muốn yêu thương mình, muốn làm hạnh phúc và hòa giải với mình, và cũng có thể nghĩ rằng người ấy đứng về phe chính, còn chính mình mới đứng về phe tà, tức là phe không muốn thương yêu, không muốn hòa giải. Do đó chúng ta nên biết rằng ý nguyện muốn thương yêu, muốn hòa giải không đủ. Nó có thể rất yếu khi phải đọ sức với cái lực lượng của những nội kết, những khổ đau trong ta. Những nội kết và những khổ đau đó, chính chúng ta đã làm cho chúng lớn lên và chính trong cái quá trình giao tiếp với nhau, hai bên đã làm cho những nội kết của nhau lớn lên. Đã có sự leo thang trong thời gian.
Cô gái kia và bà mẹ đã thực tập như vậy trong khoảng mười năm trước khi cô gái lên mười chín tuổi. Vì vậy tới mười chín tuổi là cô chịu không nổi nữa. Cô đã bỏ nhà, bỏ nước ra đi. Trong cô có chín năm nội kết. Trong bà mẹ cũng có chín năm nội kết. Vì vậy, cả cô cả bà, tuy đều có ý hướng hòa giải, nhưng mỗi khi hai người gặp lại nhau là chiến tranh bùng nổ. Trong thời gian thực tập tịnh khẩu, thỉnh thoảng ta cần phải nhờ cậy những người trong gia đình mình hay trong tăng thân. Thỉnh thoảng những người trong gia đình hay trong tăng thân mình muốn hỏi mình một chuyện và mình phải trả lời. Trong trường hợp đó, ta có thể cầm một cây bút và một mảnh giấy để trả lời người đó. Trong khi viết, chúng ta có thể bình tĩnh hơn và chúng ta hãy tập viết một mình. Chúng ta hãy để cho người khác đang thực tập tịnh khẩu có thì giờ viết câu đó ra một cách bình tĩnh, vì người đó cần có đủ thì giờ quán chiếu những điều mình viết. Viết xong ta đọc lại xem những điều này có đúng là đã được viết ra trong sự bình tĩnh và trong chánh niệm hay không. Nếu không thì ta xé miếng giấy và viết lại trên một miếng giấy khác, cho đến khi nào thấy rằng những điều mình viết đó có thể đem lại an ninh thì mới đưa cho người kia. Vì vậy không những người thực tập tịnh khẩu thực tập mà cả những người trong tăng thân, trong gia đình cũng đều thực tập. Họ phải có thì giờ để giúp cho người kia thực tập một cách sâu sắc.