Buổi sáng mặt trời chưa lên đã nóng bức, mặt nước cũng phả ra hơi nóng, cây cối im lìm, chim chóc núp kín trong các lùm bụi, thỉnh thoảng một vài con bay vọt lên như để rũ bớt hơi nóng rồi đâm bổ xuống toàn thân bất động như một chiếc lá khô. Bông điên điển nở vàng phản chiếu lung linh trên mặt nước. Đồng nước rộng hầu như không có bến bờ gì cả, thỉnh thoảng nổi lên những gò đất, những thửa ruộng có bờ ao rồi lại thấy tiếp nối những dãy nước trắng xóa bập bềnh những lá sen lá súng, những đám lúa ma mọc lẫn với lục bình, cỏ lác. Rải rác có những cụm rừng tràm ngập nước lấp xấp, bông tràm nở trắng tỏa mùi hương dìu dịu có vị ngọt của mật ong.
Hương và Tân ra đi từ sáng sớm, trên chiếc xuồng ba lá. Tân chèo lái, không biết anh chàng Việt Kiều học chèo ở đâu, coi cách anh lách mái chèo qua những lùm cây hoặc gạt qua những đám cỏ thật thành thạo. Hương hơi mũi bằng chiếc dầm con cố chống đỡ vào những bờ đất lùm cây để lấy đường đi tới. Họ đi len lỏi qua lại, như không có chủ đích gì cả. Hương không nói với Tân đi đâu, như có điều bí mật riêng tư. Thỉnh thoảng Hương bắt Tân dừng lại để nhắm hướng nhưng có thấy đường sá gì đâu. Đồng nước mênh mông chỗ nào cũng giống chỗ nào. Nhưng Tân vẫn mãi miết chèo không hỏi gì cả, ra sức chống đỡ với những đám rong cứ quấn lấy mái chèo, nhiều lúc anh phải quẩy mạnh đến làm sục bùn lên. Hai tay Tân mỏi nhừ nhưng người anh nóng ran, thật sảng khoái.
Có một chỗ nước trong vắt Tân muốn dừng lại tắm một chút quá. Tân nhớ mình có tắm trên đồng nước như vầy một lần rồi, không biết ở đâu, lúc nào. Có khi là trong giấc mơ.
Nắng đã lên cao chói chang cả đồng nước. Vẫn không thấy có làng xóm nhà cửa gì cả. Hương đi đâu? Tân đẩy mạnh mái chèo và chiếc xuồng rướn vào một đám cỏ. Tân buông chèo cười khì.
Hương gắt:
- Anh chèo cái gì vậy?
Tân vẫn cười:
- Tại em cứ dẫn anh đi lung tung.
- Anh biết cái gì? Anh cứ chèo đi! Đi theo đường này nè!
- Có thấy đường sá gì đâu?
- Anh cứ đi theo em. Em ở đây từ hồi nhỏ đồng nước này như nhà em. Anh thấy cụm rừng tràm trước mặt kia không?
Chẳng thấy có cụm rừng tràm nào cả. Hương chỉ một hướng vu vơ nào đó và Tân lại tiếp tục chèo, như đang thực hiện một cuộc chạy tiếp sức. Lại qua những dãy nước trắng xóa, những lạch nước đầy rong và cỏ ống, cuối cùng không thấy Hương đưa tay chỉ gì cả một cụm rừng tràm chợt hiện ra, Hương rà dầm cho cặp xuồng vào gác dầm xách chiếc giỏ to nặng bước lên. Tân cũng gác chèo đi lên theo sau. Cụm rừng tràm nằm trên một gò đất bốn bên nước trắng xóa gợn sóng như nó đang trôi nổi bập bềnh vậy. Có một căn nhà trong đó. Căn nhà lá xám xịt tới sát bên Tân mới nhìn thấy. Nhà khá rộng, đủ ba gian hai chái nhưng cũ kỹ, mái lá đã mục nát và cột chèo nhiều chỗ phải chấp vá. Hàng lu nước trước cửa sứt mẻ gần hết. Một người đàn ông ngồi ở hàng hiên trước cửa không già lắm nhưng hom hem, tóc bạc xơ xác mặt mày buồn thiu. Có vẻ như ông đã ngồi đó từ lâu lắm rồi.
Hương cúi xuống với người đàn ông, hơi cười cười:
- Dượng khỏe không? Con là Hương về thăm dượng đây dượng có nhìn ra không?
Người đàn ông ngước nhìn Hương với ánh mắt vô hồn, không nói gì cả. Hương đi vào nhà cất tiếng gọi lớn:
- Dì ơi dì!
Một người đàn bà cao lớn tay chân xương xẩu từ trong đi ra nói:
- Tao biết mày về rồi.
- Sao dì biết? Con Thúy đâu rồi? - Hương ngồi xuống bộ ván chính giữa nhà bày đồ đạc từ trong giỏ xách ra - Con đem quà về cho dì đây. Hồi Tết con có gởi cho con Thúy xấp vải nó có được không?
Một con chó cao lòng khòng lông xám xịt ướt sủng nước từ ngoài chạy xộc vào sủa lên mấy tiếng rồi nhảy cởn lên mừng Hương cuống quít. Hương quay lại nhìn con chó:
- Con Vàng phải không? Chị Thúy mày đâu?
- Nó đi giăng câu - Người dì nói, ngồi xuống bên Hương nhìn mớ đồ đạc bày ra trên ván - Con mua đồ chi nhiều vậy nè? Con mần ăn ở Sài Gòn khá không?
Con Vàng chạy đến hửi hửi vào chân Tân. Tân cúi xuống vuốt đầu nó:
- Vui quá hả mày? ở đây vắng khách buồn quá hả?
Người dì nhìn Tân:
- Thằng cháu nào đây?
- Việt kiều đó dì - Hương nói không ngẩng lên - Anh ấy về đây lội nước chơi đó.
Con Vàng chợt ngẩng lên rồi chạy ra cửa sủa cuống quít, rồi thấy đi vào một cô gái chừng mười lăm tuổi da ngăm đen cao mảnh khảnh, quần áo ướt sủng nước nhỏ ròng ròng theo từng bước đi.
- Được ít cá thôi má ơi - Cô gái nói không nhìn ai cả - Tại cá không chịu ăn câu.
Hương nhìn đăm đăm vào cô gái:
- Mày không nhìn ra tao hả Thúy? Làm mặt lạ hả? Dì coi con Thúy kìa dì!
Người dì nói:
- Con nhỏ này vô duyên như vậy đó, chỉ giỏi chơi với con chó thôi. Đi nấu cơm cho anh chị mày ăn Thúy à.
Thúy nói:
- Chị ấy ba năm mới về một lần ai còn nhìn ra?
Hương trợn mắt:
- Ba năm hả? Vậy hồi Tết ai về đây dẫn mày ra chợ Long Xuyên coi chiếu bóng và ăn kem? Mày cũng không có ngủ khách sạn nằm giường nệm với tắm nước nóng hả?
Tân lại cúi xuống thì thầm với con chó:
- Mày săn bắt được cái gì? Lặn bắt cá được không?
Hương ngạc nhiên nhìn Tân:
- Anh nói chuyện với ai vậy? Thôi đừng có bá láp, ra đây em nói chuyện này - Hương kéo Tân ra ngoài hàng hiên đứng dựa vào gốc cột đối diện với chỗ ông dượng ngồi - Em kể vắn tắt chuyện nhà này rồi anh đừng hỏi gì nữa nghen. Hai người kia không phải dì dượng em đâu, cũng không có bà con họ hàng gì hết. Hồi xưa bà ngoại em định gả mẹ em cho dượng ấy. Chuyện thanh niên trai gái trong làng ấy mà. Dĩ nhiên chuyện không thành, mẹ em ra chợ Long Xuyên rồi lên Sài Gòn, mẹ em đâu muốn lấy chồng đẻ con lẩn quẩn trong xóm như các cô gái xứ này. Tuy vậy hai gia đình cũng thành chỗ quen biết, và lần này mẹ em về đây tổ chức cuộc binh biến nhổ cái đồn mẹ em ra đây nằm cả ngày, ai cũng tưởng mẹ em chịu lấy dượng em, dù lúc đó mẹ em đã đẻ em rồi. Sao có chuyện kỳ cục vậy? Mẹ em đã mỏi mệt muốn được nghỉ ngơi chăng? Hay mẹ em đoán được trận đánh gay go sắp tới, mẹ em sợ phải chết bỏ em bơ vơ một mình?
- Em hỏi anh hả?
- Thôi ta vô nhà đi.
Tiếng người dì sau bếp:
- Con Thúy đâu rồi? Biểu nó nấu cơm nó chạy đi đâu rồi?
Hương đi vào:
- Để con dì à. Dì tưởng con gái Sài Gòn không biết nấu cơm hả? Ôi sao nước ngập tràn đồng mà cá ít quá như vầy nè?
Tiếng người dì:
- Có nước có cá nhưng phải giăng bắt mới có được. Nhà này có ai đâu? Dượng con bịnh hoạn như vậy còn con Thúy chỉ lo chơi với con chó.
- Dượng còn bịnh suyển hoài hả?
- Bịnh suyển và đủ thứ bịnh khác. Như dượng con nuôi bịnh vậy. Cũng từ trận bom năm ấy. Bom sao lại sanh ra bịnh suyển dì cũng không biết nữa.
Tân đi xuống bếp. Hương quay sang Tân giải thích:
- Dượng bị trúng một trái bom anh à, đang ở dưới nước dượng văng vọt lên như con cá bị dập đầu vậy - Rồi quay sang người dì Hương nhoẻn miệng cười - Chút xíu nữa con thành con của dượng rồi phải không dì?
Người dì thở dài:
- Tao không biết, hồi đó tao chưa về nhà này. Sau này cũng không khi nào dượng mày kể lại chuyện đó với tao. Dượng mày kín tiếng như một nấm mồ vậy.
- Thật tình dượng có thương mẹ con không?
- Đã nói tao không biết mà.
- Để con hỏi dượng.
- Mày giỏi hỏi đi. Ông ấy ngồi trơ trơ ra đó hằng mười mấy năm rồi, như trái bom đã cướp mất hồn ông ấy. Hay cái gì khác tao không biết. Mà thôi chuyện lâu quá rồi con à.
Con Vàng có vẻ thích khách lạ cứ quấn lấy Tân. Thúy lại hiện ra quần áo lại ướt sủng nói:
- Đi giăng câu không chị Hương? Đi không Vàng? Chị khỏi làm gì hết ngồi trên xuồng cũng bắt được cá.
Hương lừng khừng:
- ừ, đi thì đi! Đi không anh Tân? Về đây tranh thủ đi chơi chớ không lẽ cứ lẩn quẩn trong nhà? Mày đừng dạy khôn tao Thúy à, chuyện đồng nước tao rành gấp mười lần mày.
Họ xuống xuồng đem theo giàng câu và một tay lưới. Tân chèo, Hương và Thúy ngồi soạn giàng câu, móc mồi, giủ sạch tay lưới. Con Vàng ngồi chồm chổm đằng mũi. Họ đi thẳng ra giữa đồng tìm chỗ cỏ mọc lưa thưa cũng không trống trải quá, bủa giàng câu. Trời bỗng mù mây. Hai cô gái dọn luồng thả dây câu. Tân buông mái chèo ngồi hút thuốc. Con Vàng cong mình gãi lưng rồi chăm chú ngó tìm cái gì dưới nước.
Dây câu đã bủa xong, hai cô gái ngồi thì thầm nói chuyện với nhau.
- Bồ chị đó hả? Thúy nhướng mắt về Tân hỏi.
- Mày con nít biết gì! - Hương rầy rà.
- Em mười sáu rồi - Thúy nói - ở xóm trên có chị Hồng mười bảy tuổi đã đẻ con.
- Có chồng không?
- Em không biết.
- Tao không bồ bịch với ai hết, anh ấy muốn đi chơi tao cho đi theo vậy thôi.
- Việt kiều hả?
- Cũng là người Việt mình mày kỳ thị cái gì?
Thúy chợt đưa mắt nhìn quanh nói:
- Ba bị bom ngay chỗ này nè.
- Đâu? Chỗ nào? - Hương cũng đưa mắt nhìn quanh, không biết nhìn vào chỗ nào.
- Chỗ này nè - Thúy đưa tay chỉ cũng không biết chỗ nào - Bom nổ dưới nước chị thấy gì được? Ba em ở ngay chỗ đó, đang lặn gỡ tay lưới thế là ba em văng vọt lên nằm trên chạc cây kia kìa.
Cũng khng có cái cây nào ở đây cả. Nhưng mặt Thúy tái xanh, như trái bom vừa mới nổ xong.
Dây câu chợt động đậy. Hương cuống quít nhoài người ra ngoài giở dây câu lên: một con cá nhỏ xíu vảy ánh bạc giãy giụa một cách tuyệt vọng ở đầu dây câu. Hương huơ tay mãi mới tóm được con cá, chán nản quay lại nhìn Thúy nhưng Thúy lơ đãng ngó ra ngoài như không màng gì tới chuyện câu kéo nữa. Tiếp theo cá ăn rộ nhưng cũng toàn thứ láo nháo như vậy. Hương nói:
- Cá lớn đâu hết rồi?
Thúy nói:
- Chị phải rán đợi, chị mau chán như con nít vậy.
- Mày dạy khôn tao hả?
Cuối cùng họ cũng được một con cá lóc đen mun, chừng hơn nửa ký, Hương gỡ con cá bằng cả hai tay, kêu Tân cùng phụ giúp. Con Vàng chạy lăng xăng chung quanh sủa inh ỏi.
Bỗng dưng hai cô gái bỏ tất cả ngồi lại bên nhau tiếp tục câu chuyện. Hương nói:
- Em ốm quá Thúy à. Em phải ăn nhiều mới được.
- Em không ăn được - Thúy nói - Em xấu lắm hả? Chị cũng xấu. Má chị đẹp lắm!
- Mày biết má tao hả?
- Em coi mình. Em ghé nhà bà ngoại chị hoài. Chị không đẹp bằng má chị, chỉ được cái lớn tướng thôi. Chắc chị giống ba chị. Má chị ăn bận đủ kiểu coi sang trọng lắm, ra vẻ dân Sài Gòn lắm. Má chị lấy ai mà giàu dữ vậy? Em chưa chụp được tấm hình nào cả, có chụp chung với mấy con nhỏ bạn nhưng chúng cứ giành đứng trước làm em bị mất một cái tai. Chị làm phóng viên không có máy chụp hình chụp cho em à? Phải chi bà ngoại chị chịu gả má chị cho ba em thì mình đã thành chị em rồi.
- Chị em làm sao được hả con khùng, làm sao mà có mày?
- Má em rán đẻ em rồi không đẻ nữa, thành ra em như con gái mồ côi. Là do ba em bị bịnh hoài. Ba em bị trúng bom mất hết hồn vía. Hay do ba em cứ tưởng nhớ tới má chị?
- Mày biết chuyện đó hả?
- Má em kể. Má em nói má chị đẹp vậy lại là con gái Sài Gòn làm sao ba em không mê được. Má chị không thèm lấy ba em, chê ba em là dân nhà quê. Nhưng tại sao có lần má chị đến đây ở cả ngày, như muốn làm dâu nhà này vậy? Chắc chán chuyện gì đó ở Sài Gòn. Đâu phải lúc nào ở Sài Gòn cũng được sung sướng phải không?
- Mày nhiều chuyện quá con nhỏ à.
- Em còn nghe chuyện này nữa.
- Chuyện gì?
- Em quên mất rồi!
- Mày không rán nhớ thì mày chết.
- à, đó là chuyện má chị có lần đến đây ở cả ngày.
- Hồi đó có mày hả?
- Má em kể lại. Má em kể nhiều chuyện lắm. Ba em suốt ngày ngồi một chỗ không nói gì cả, má em thì cứ nói láp giáp một mình hoài. Má em kể hồi má chị chèo xuồng chở chị tới đây, chân chị bị cột vào cọc chèo, má chị cặp xuồng lại bồng chị lên thả cho chị bò trên sân chơi rồi lấy chổi dọn dẹp nhà cửa, ra sau bếp rửa chén nấu cơm, cơm chín rồi má chị dọn ra mời cả nhà ăn, má chị ngồi gần nồi cơm bới cho cả nhà như là con dâu trong gia đình vậy. Còn ba em thì cứ cúi gằm ăn cơm không nói gì cả. Má chị ở nhà này suốt ngày, chị bắt đâu được con cua nhỏ xíu cho nó bò trên sân còn má chị thì kể chuyện Sài Gòn cho mọi người nghe, nào chuyện bến sông vườn thú rạp chiếu bóng sân banh rạp hát có diễn tuồng cải lương. Má chị nói chuyện nhiều lắm mọi người trong nhà ai cũng thích nghe chỉ có ba em không nghe bỏ đi ra ngoài ngồi ở hàng hiên. Cho tới chiều tối lúc chuẩn bị ra về má chị bỗng lặng thinh không nói gì nữa, rồi ôm siết chị vào lòng nói: "Ôi phải chi tôi được ở lại đây với con tôi, nó còn nhỏ quá tôi muốn nuôi nó lớn lên một chút". Rồi má chị bồng chị xuống xuồng chèo đi, chút sau ba em cũng xuống xuồng chèo đi theo. Ba em không đi theo má chị mà chỉ đi ra đồng thôi. Suốt đêm hôm đó ba em chèo xuồng ngược xuôi trên đồng cất tiếng hát vang vang. Ba em tuy xấu người nhưng có giọng hát hay lắm, ba em không hát chỗ đông người chỉ hát trên đồng trống trong đêm khuya thanh vắng. Cả vùng này ai cũng thích giọng hát của ba em. Những người già về khuya không ngủ được thường thức dậy ăn trầu hút thuốc lắng nghe giọng hát của ba em, khen mẹ em khéo nuôi người bịnh có giọng hát hay như vậy. Nhiều ngày sau đó ba em trở nên âm thầm lặng lẽ. Dạo đó đã gần Tết Mậu Thân rồi ba em vẫn đi giăng câu trên đồng như thường lệ, cho đến Tết súng nổ rộ lên khắp nơi ba em liền bỏ xuồng quăng dây câu cuộn bộ quần áo nói: "Tôi đi Sài Gòn đây". Không ai dám cản ba em cả, ba em đi lên đó suốt cả tháng trời, không biết tìm ai, gặp được cái gì khi trở về cũng âm thầm lặng lẽ như vậy.
- Sau đó rồi dì dượng lấy nhau như thế nào?
- Ba em bị bom văng lên nằm trên chạc cây chết giấc ở đó, má em chèo xuồng đi ngang nhìn thấy liền đưa xuống chở về nhà, không phải nhà này mà nhà má em bên kia cánh đồng. Má em nuôi ba em cả nửa tháng trời, đút từng muỗng cháo, ba em đỡ một chút má em chở ba em trả về bên này rồi ở lại đây nuôi ba em nữa. Chỉ có như vậy thôi mà má em thương ba em, kỳ quá hả chị?
- Mày kể tiếp đi!
- Má em thường nói với ba em: "Tôi không cần ông thương tôi, tôi đẻ với ông đứa con rồi một mình tôi thương ông cũng được".
- Mày nghe được từ trong bụng dì hả?
- Má em kể mà. Má em nói láp giáp suốt ngày làm sao không nghe được?
Họ câu thêm ít cá nữa rồi chèo xuồng ra về. Trời đã đứng trưa, xuồng vừa cặp bến con Vàng lăng xăng chạy lên trước như để khoe cá bắt được. Cơm đã dọn sẵn mọi người ngồi vào ăn. Hương ngồi gần nồi cơm bới cho tất cả mọi người. Thúy ăn thật mau, liếc nhìn mẹ rồi bới thêm một chén đầy gắp thức ăn đút xuống gầm bàn cho con chó. Tân ăn hai chén đầy, ăn thêm chén nữa vẫn còn đói nhưng anh ngượng không ăn thêm nữa. Cá tươi và công việc chèo chống khiến anh ăn ngon miệng. Ông dượng ăn thật chậm, không nói chuyện cũng không nhìn ai, như ngẫm nghĩ với từng miếng cơm của mình.
Người dì nói:
- Ông đưa chén cho con Hương bới thêm chén nữa. Hương à gắp thức ăn cho dượng mày. Sao ông cứ im thin thít vậy? Con Hương về đây thăm ông, ông không biết hả?
Thúy lanh chanh nói chen vào:
- Ba không thương chị Hương. Ba nói con gái quê bỏ lên Sài Gòn ba không thương.
Người dì nạt:
- Tao may miệng mày lại bây giờ. Lấy cái chén đôi đũa lên. Con chó biết ăn đũa hả?
Hương nói:
- Con chào dượng từ hồi sáng nhưng dượng không mang kiếng nên không nhìn ra. Dượng có nhìn ra con không? Tại con lâu về quá hả?
Người dì nói:
- Con nên về đây thường hơn con à, về thăm bà ngoại con rồi thăm dì dượng, mình không phải họ hàng cũng không phải là người xa lạ. Con làm báo ở Sài Gòn hả? Làm báo là làm cái gì mà bận rộn quá vậy?
Thúy lại chen vào:
- Chị ấy lấy chồng rồi không về nữa đâu.
Hương trợn mắt:
- Tao may miệng mày lại...
Người dì quay sang Tân:
- Thằng này sao từ sáng tới gì không thấy mở miệng vậy? Cũng giống dượng mày hả? ở bên Mỹ có lạnh lắm không con?
Trời nghiêng xế nóng hầm hập. Mọi người tản ra tìm chỗ nghỉ trưa. Người dì nằm trên chiếc võng bàng sau nhà đưa cọt kẹt, nhai trầu bỏm bẻm. Thúy chơi với con chó ngoài sân. Ông dượng ra ngồi ở chỗ hàng hiên cố hữu của mình. Hương dẫn Tân đi ra chỗ bến nước. Có một bụi cây gừa lớn ở đó cành gie ra ngoài nước. Hương leo lên ngồi trên một chiếc caành thòng chân khỏa nước. Tân ngồi dưới chân Hương. Đồng nước im ắng, chẳng thấy có con chim nào bay lên nhưng nghe tiếng chúng rù rì đâu đó, như đang truyền tin cho nhau.
Hương vẫn khỏa nước nhìn quanh nói:
- Thí dụ như anh có một căn nhà như thế này, có thêm tiện nghi một chút nhưng ở giữa đồng nước như thế này, anh ở được bao lâu?
Tân cười:
- ở với ai?
- Với ai kệ anh.
- Anh không biết.
- Cũng không tưởng tượng được hả?
- Anh tưởng tượng làm chi?
- Anh thật dở. Em cũng vậy, em ở Sài Gòn quên hết chuyện làng quê rồi. Em đang cố nhớ lại đây. Em đang cố tưởng lại qua câu chuyện của mẹ em. Bắt đầu từ đây, trên chiếc xuồng chân bị cột vào cọc chèo này. Mẹ em từ đây ra chợ Long Xuyên rồi lên Sài Gòn ngồi rửa ngói ở một bến sông, đi lang thang làm đủ nghề nhưng không học được nghề may, rồi vào đội biệt động tự mình đi đặt trái, có lần vào đặt trái rồi phải vào gỡ đem trở ra. Mẹ em làm không thua ai, như bất cứ người đàn ông nào, bởi người chiến sĩ biệt động phải tự mình làm tất cả. Rồi mẹ em đẻ em, có con mà không có chồng. Rồi dự trận đánh cuối cùng ấy, cả đội chỉ có mẹ em là nữ nên mẹ em phải lãnh nhiệm vụ trấn áp bọn lính gác, lấy thân mình che đạn cho cả đội tiến công vào. Làm sao mẹ em làm được tất cả những việc ấy, làm sao gánh nổi cái gánh nặng trên đôi vai nhỏ xíu của mẹ em?
Có tiếng ho phía sau. Ông dượng ra tới từ hồi nào đang đứng sừng sững phía sau hai người, cao lòng khòng, hai tay xương xẩu buông thỏng, chân run run như cố chống đỡ cái cơ thể rả rời chỉ còn khung xương ấy.
Hương quay lại tươi cười:
- Dượng không ngủ hả?
- Không...
- Dượng ngồi xuống đây đi.
- Đi với tao đi.
- Đi đâu?
- Cứ đi theo tao.
Ông dượng lần lại chỗ chiếc xuồng bước xuống ngồi vào chính giữa, lưng thẳng đơ, mắt ráo hoảnh. Hương và Tân cùng xuống xuồng theo, vẫn Tân chèo lái Hương bơi mũi. Họ đi thẳng ra đồng theo hướng tay ông dượng chỉ. Trời vẫn còn nắng nhưng đã thấy có mây đen đùn lên ở chân trời. Gió bắt đầu thổi mạnh. Họ qua một cụm rừng tràm, một chiếc đầm sen nở đầy, vào một con lạch rong mọc lượn lờ, hai bên bờ hai hàng tràm mọc thẳngng như hai hàng lính đứng gác. Qua khỏi con lạch lại thấy một đầm nước nữa, như qua một vùng trời nào khác.
- Gần tới chưa dượng? - Hương hỏi.
- Cứ đi đi! - Ông dượng đáp.
Gió thổi mạnh hơn, giờ đây chiếc xuồng của họ như chiếc lá bập bềnh trên đồng nước xôn xao sóng vỗ. Trời tối dần rồi bỗng nhiên mọi tia sáng đều tắt phụt, trời tối mờ mờ, bàng bạc, cùng một sắc độ như nhau giữa trời và nước. Có cái gì lù lù trước mặt, như một chiếc ghe lớn, hoặc lưng một con trâu khổng lồ. Ông dượng chỉ tay cho xuồng cặp lại.
- Cái gì ở đây vậy dượng? - Hương hỏi.
- Cứ lên đi! - Ông dượng đáp.
Ông dượng đi lên trước, bước đi chao đảo, người cao lênh khênh như bồng bềnh trong gió. Hương và Tân đi lên theo sau. Đó là một gò đất phủ đầy một loại cỏ có bông nở tim tím, rải rác có những bụi cây đầy gai góc. Họ đi dần lên, dò dẫm từng bước chân trong cỏ. Càng lên trên bông càng nở nhiều, tím ngát trên đỉnh gò.
- Đây nè - Ông dượng dừng lại đưa tay chỉ, Hương và Tân nhìn mãi mới thấy một ngôi mả nằm đơn côi lạnh lẽo trong một đám cỏ.
- Mả ai đó hả dượng? - Hương hỏi.
- Mả má con đó - Ông dượng đáp.
Im lặng một lúc rồi ông dượng nói tiếp:
- Dượng đắp lên vậy thôi, thấy chỗ này có bông đẹp dượng đắp lên ngôi mả để tưởng nhớ tới má con chớ chẳng có gì trong đó hết.
- Ôi dượng kỳ quá đi! - Hương ngồi thụp xuống với ngôi mả gần như khóc nấc lên.
- Cũng phải có chỗ nào để đốt nhang cho má con chớ - Ông dượng điềm nhiên nói.
- Dượng kể đi! - Hương đã bình tỉnh trở lại vẫn ngồi gục đầu xuống ngôi mả nói.
- Dượng không biết gì đâu, dượng quên hết rồi. - Ông dượng đáp.
- Hay để con kể dùm dượng nghen? - Hương nói, tiếng chao đi trong gió - Dượng đắp ngôi mả này sau khi đi Sài Gòn về phải không? Dượng gặp ai trên đó? Ai nói cho dượng biết mẹ con chết? Có phải dượng bắt đầu như thế này không: dượng quá giang một chiếc ghe cá lên một bến sông, ở đó người ta chỉ đến một bà chủ ghe ngói, bà chủ ghe ngói chỉ vào trong một xóm gọi là xóm Năm Từng nhưng chẳng có nhà lầu gì trong đó cả, chỉ có nhà cửa thấp lè tè bùn lầy nước đọng, dượng tìm đến nhà một bà già mù, bà chỉ qua nhà một tay tên là út Mặt Mâm, dượng mò theo tay ấy đến một tòa nhà nhưng không còn kịp nữa rồi, đội biệt động đã đột nhập vào bên trong, dượng đứng lại bên ngoài với một người nữa, một người đàn ông cao lớn trắng trẻo, cả hai đều không nghe thấy gì, tòa nhà này dày bị âm u đã nuốt mất tất cả, một tiếng súng nổ một hình bóng thoáng qua của mẹ con cũng không, dượng đứng ngó rồi về đây đắp ngôi mả này.
Mây đen vẫn đùn lên nhưng gió thổi mạnh xua tan đi tất cả. Trời quang dần. Có mấy ngôi sao xuất hiện trên nền trời. Hương vẫn ngồi choàng tay ôm lấy gò mả. Tân ngồi xuống kế bên, ngước nhìn lên một ngôi sao đang nhấp nháy. Ông dượng vẫn đứng. Tiếng côn trùng ếch nhái nổi lên vang vang trên đồng nước. Sương đêm tỏa hơi lạnh, nhưng mặt nước lại tỏa ra hơi ấm, trời nước hòa quyện làm thành bầu không khí nồng ấm và đi dần vào cõi tối tăm sâu thẳm của nó.
Hương bỗng nói:
- Dượng thương mẹ con hơn hết thảy, không ai thương mẹ con bằng dượng phải không?
Tiếng Hương có lẫn nước mắt nhưng Tân không thấy buồn chút nào. Anh nghĩ mình có thể ngồi mãi như thế này, ngồi suốt đêm cho đến sáng hôm sau chờ đón mặt trời lên.