Cô gái đi vào cửa sau
Lê văn thảo
Một ngày giáp Tết, sau ngày giải phóng không lâu, buổi sáng vợ tôi đi chợ, hai con tôi đi chơi, tôi rảnh rỗi đi ra thăm khu vườn kiểng nhỏ xíu của tôi trước cửa nhà coi có giò phong lan nào kịp nở chưng ngày Tết không. Không có giò nào đâm bông cả, chỉ toàn lá với lá. Các chậu kiểng cũng vậy. Thời buổi này cây cỏ cũng thích thức ăn nhân tạo có bỏ phân hóa học vào chúng mới chịu đâm bông kết trái. Trong lúc tôi đang cố tìm chợt nghe có tiếng nói từ phía sau :
- Chú tìm cái gì vậy ? Cho cháu vào thăm nhà một chút được không ?
Tôi quay lại thấy một cô gái từ phía sau đi tới tươi cười hớn hở. Cô chừng hai mươi lăm tuổi, người cao dong dỏng, mặt đẹp, ánh mắt thông minh nhưng nước da tái xanh và ăn bận coi không được tề chỉnh lắm, quần vải ka ki áo thun, đi đôi dép Thái Lan mòn dẹt khoác chiếc áo màu xám hình như của bộ đội. Trông cô tự nhiên thanh thản, đi tới đứng sát vào tôi nhìn thẳng vào mặt tôi tươi cười rồi quay ra ngắm khu vườn kiểng. Thấy có vòi nước nằm dưới đất cô cúi xuống cầm lên vặn tưới, vun vẩy ống cao su làm nước văng tung tóe bắn cả vào người tôi.
Tôi ngó ra sau thấy cánh cổng sau hé mở. Vợ con tôi đi sớm lúc tôi còn ngủ cánh cửa chưa gài do đó mới xảy ra tình trạng có cô gái lạ đột nhập vào như vầy.
Nhưng cô ta muốn gì, cái cô gái tự nhiên như người ngoài hành tinh này ?
Cô gái như đọc được ý nghĩ của tôi, nói :
- Chú đừng ngạc nhiên, cháu sẽ kể chú nghe. Nhưng chú hãy canh chừng chiếc cửa sổ kia dùm cháu.
- Chiếc cửa sổ nào ?
- Chiếc cửa sổ trên lầu nhà kế bên kìa ! Chú không thấy à ? Trong phòng đó có anh sinh viên hay dòm lén cháu lắm.
Tôi ngạc nhiên :
- Đâu có anh sinh viên nào, đó là phòng của một ông họa sĩ già kia mà ?
- Không già lão gì đâu - Cô gái cương quyết ngắt lời tôi - Tại chú già nên thấy ai cũng già. Chú bao nhiêu tuổi rồi ? Bốn mươi ? Hay năm mươi ? Coi chú cũng chưa đến nỗi nào, tại chú đi lom khom nên coi mới già. Ba cháu hồi xưa cũng vậy.
Tôi hoàn toàn không quen cô gái, nhớ rõ không hề gặp cô ở đâu. Cô đi lầm nhà, hay trò mánh mung gạt gẫm gì đây ?
ánh mắt thông minh của cô gái lại nhìn xoáy vào tôi, vẻ tự nhiên của cô khiến tôi hoang mang :
- Chú đừng nhìn cháu như vậy, cháu không làm phiền gì đâu. Cháu chỉ vào đây thăm căn nhà này chút thôi. Chuyện là như vầy : nhà này là nhà nước phân cho chú ở sau ngày giải phóng phải không ?
- Phải.
- Hồi trước giải phóng nhà này là nhà của cháu.
- à ...
Thấy tôi có vẻ như hiểu ra cô gái tươi cười nói tiếp :
- Lâu rồi cháu không ghé thăm căn nhà cũ nơi cháu từng sanh ra. Cháu nhớ lắm, gần Tết lại càng nhớ.
- Tôi dẫn cô đi thăm nhà nghen ?
- Khỏi, cháu dòm qua được rồi. Cháu còn nhớ như in mà. Cháu nói chuyện chơi với chú một chút rồi đi thôi.
Không muốn đi sâu vào chuyện nhà cửa nhưng tôi thấy cần phải biểu lộ đôi chút thông cảm :
- Bây giờ cô đi đâu ?
Cô gái cười :
- ở xa lắm, chú không biết đâu. Chú đừng ngại, cháu có nhà khác rồi, nhà lớn lắm, nhưng đông người ồn ào không vui như ngày xưa. Hồi đó cháu ở một mình với ba má cháu, là con một được cưng chiều muốn gì được nấy. Lại thêm có anh sinh viên hay dòm ngó ra vẻ thương mến cháu nữa.
- Hồi đó cô bao nhiêu tuổi ?
- Mười lăm. Lớn rồi phải không ? Thành con gái rồi ai cũng khen cháu đẹp giống y má cháu. Nhưng má cháu nghiêm lắm không cho cháu chuyện vãn giỡn hớt với con trai đâu. Má cháu thường rầy cháu : "Con Hương không được dòm lên lầu thằng sinh viên, con gái không được dòm ngang dòm ngửa như vậy". Nhưng cháu đâu có dòm lên lầu anh sinh viên. Còn việc anh ta dòm xuống cháu làm sao ngăn được ?
- Cô tên Hương à ?
- Đúng ra cháu tên Yến. Cháu nhiều tên lắm. Má cháu còn rầy cháu nhiều chuyện khác nữa nào cháu không chịu dọn dẹp phòng học, làm biếng rửa chén, cặp tóc cứ quăng vung vít... Nhưng má cháu thương cháu lắm, cháu ngủ một mình trên lầu má cháu thường giữa đêm chạy lên coi cháu có đắp mền không, có thò tay ra ngoài mùng bị muỗi cắn không ?
- Nhà này đâu có lầu ?
- Người ta phá rồi đó, giờ người ta hay phá nhiều thứ lắm. Phòng riêng của cháu hồi đó rất đẹp, cháu ngồi học bài trên lầu một chút rồi ôm tập vở xuống bếp ngồi bên má cháu học tiếp. Ba cháu không hiểu sao cũng đem báo xuống đó đọc. Nhưng má cháu đang bận rầy cháu một chập rồi rầy sang ba cháu. Ba cháu cười với cháu : "Cha con mình chia nhau bị rầy sẽ đỡ hơn con à" Ôi chuyện kể của cháu nhiều lắm, nhà chỉ có cháu với ba má thôi nhưng rất nhiều chuyện. Mà thôi chú kể chuyện chú đi. Vợ chú đâu ? Chú có con không ?
- Vợ tôi đi chợ Tết rồi. Tôi có hai đứa con gái chắc chúng đi chơi đâu đó.
- Con chú lớn chưa ?
- Một đứa mười lăm một đứa mười ba.
- Vậy coi như chúng là em của cháu. Cháu thèm có em lắm. Cháu con một được cưng chiều nhưng cũng buồn. Chỉ có một mình những lúc bị rầy không nói gì đến lúc được cưng chiều không biết khoe với ai. Nhiều khi lại thêm phiền. Một lần cháu bị sốt ba má cháu túc trực bên đầu gường, ba cháu ngủ gà ngủ gật má cháu thức suốt, lâu lâu má cháu nhéo ba cháu một cái ba cháu choàng thức dậy ôm lấy đầu cháu nói: "Ôi con gái của ba nóng quá ! Ba nóng dùm con được không ?"
- Bây giờ cô không ở với ba má nữa à ?
- Không, cháu lớn rồi mà. Cháu ở với nhiều người nhà rất lớn nhưng đông đúc ồn ào không chịu nổi. Cho nên thỉnh thoảng cháu bỏ trốn đi chơi như thế này, tình cờ đi ngang đây nhớ lại nhà cũ cháu ghé vào thăm qua một chút. Thôi bây giờ không có ba cháu ở đây coi như chú là ba của cháu. Cháu sẽ đợi thím đi chợ về, thím sẽ là má của cháu. Rồi còn mấy đứa em nữa, rồi cả nhà mình sẽ quây quần bên nhau. Còn mấy ngày nữa Tết rồi phải không ? Hồi xưa ngày Tết nhà cháu rất vui, hăm chín ba mươi cả nhà đi mua sắm, mùng một tiếp khách tại nhà mùng hai mùng ba về bên nội bên ngoại. Nhưng cháu thích nhứt đêm ba mươi rước ông bà nhà đóng kín cửa tắt hết đèn trên lầu ngoài sân chỉ bật đèn ở phòng khách cháu và ba má cháu ngồi lại bên nhau má cháu bày bánh trái ra đốt nhang cúng lạy, ba cháu rì rầm kể chuyện cho cháu nghe, những chuyện ông cố ông sơ từ đâu hồi nào xa lắc nhưng cháu nghe rất thích, tưởng như ông bà sống lại về ăn Tết với cháu. Chú kể được như vậy không ?
- Chắc không được đâu.
- Tội nghiệp chú quá ! Thôi để cháu kể chuyện cho chú nghe, nhưng chú canh chừng trên lầu kia dùm cháu.
- Ông họa sĩ già hả ?
- Không, anh sinh viên. Anh ấy hay dòm cháu lắm làm cháu mắc cỡ. Rồi lại bị má cháu rầy. Đâu phải lỗi của cháu, cũng đâu phải lỗi của anh ấy. Vậy là cháu tức mình, cháu khóc. Ba cháu cười nói : "Ôi con gái tôi ngộ không kìa !". Má cháu nói : "Ngộ cái gì, có hư thì có !". Nhưng rồi má cháu cũng cười bày bánh trái ra đốt nhang khấn vái. Gần tới giao thừa rồi, không biết ông bà về tới chưa nhưng má cháu cứ khấn vái, cháu thấy vậy thôi khóc bắt ba cháu chơi cờ ca rô với cháu. Cháu thua liền mấy ván giận dỗi cự nự rùm lên má cháu rầy cháu rồi rầy sang ba cháu. Vừa lúc đó nghe có tiếng gõ cửa. Ai đến vào giờ này? Hóa ra anh sinh viên . Anh ta leo xuống lầu từ hồi nào qua nhà cháu xin lửa về nhóm bếp. Nấu nướng gì trong giờ giao thừa ? Má cháu sai cháu đi lấy lửa cháu làm thinh không nhúc nhích má cháu thấy vậy bèn mời anh ấy ở lại ăn bánh đón giao thừa hỏi thăm chuyện gia đình nhà cửa. Nhà đâu ba má đâu mà giờ này còn ở đây ? Anh ấy mồ côi không có cha mẹ nhà cửa gì cả, một thân một mình vừa học vừa làm mà được như vậy. Khá đấy ! Nhưng cháu lại buột miệng nói khác đi : "Vậy sao không lo học dòm ngó cái gì ?" Má cháu nạt : "Ai dòm mặt mày?" rồi vội đem thêm bánh trái ra để khỏa lấp. Vậy là buổi đón giao thừa có thêm một người, nếu cháu không ngủ gục chắc anh ấy sẽ ở chơi tới sáng. Cháu ngủ gục ngay trên ghế, nhưng anh ấy ra về rồi cháu không ngủ được, ba má cháu ngủ rồi cháu vẫn còn nằm thao thức do vậy cháu là người đầu tiên nghe bom nổ...
- Bom nổ ?
- Đúng. Chú không biết bom đạn là gì đâu hả ? Chú sống yên bình quá mà.
- Bom nổ ở đâu ?
- Bên kia kìa, ngay nhà anh ấy, bom nổ từng tràng cháu chạy ra thấy nhà anh ấy sụp đổ tan tành cả...
- Chỉ nhà bên kia thôi hả ?
- Phải. Cháu còn sống đây chú không thấy sao ? Cháu đứng bên này nhìn sang còn anh ấy thì đã chết.
- Tôi thật không hiểu.
- Chú hiểu làm sao được, chú có biết bom đạn là gì đâu. Có sống trong chiến tranh mới biết. Thôi cháu về đây. Cám ơn chú đã cho cháu ghé thăm nhà.
Cô gái đứng dậy đi thẳng, cửa nhà sau vẫn còn hé mở cô cứ thế đi ra.
Rất lâu sau một hôm cũng vào ngày giáp Tết tôi đến nhà người bạn chơi kể lại chuyện đó người bạn cười nói:
- Con nhỏ khùng đó ! Nó cũng đến đây nói đủ thứ chuyện nhà cửa tôi thấy nó kỳ quá mới rình theo té ra không có nhà gì cả, nó ở trong bịnh viên tâm thần.
- Bịnh viện tâm thần à ? - Tôi hỏi.
- Phải - Người bạn nói - Nó bị bắt nhốt trong đó khùng không biết gì cả, tới ngày giáp Tết tỉnh lại đôi chút lẻn trốn ra ngoài tìm đến những nhà được nhà nước giao ở sau ngày giải phóng, biết mình không biết gì chuyện cũ thế là nó kể lể đủ thứ chuyện nào là con một được cưng chiều có anh chàng sinh viên nào đó dòm ngó.
- Cô ấy có kể về một trận bom nào đó.
- Chuyện đó thì có. Đâu hồi năm 68, ở đâu không biết, cả nhà nó chết hết chỉ còn mình nó còn sống. ở bịnh viện người ta chỉ biết vậy thôi.
- Còn chuyện đón giao thừa ?
- Thì cũng vậy thôi. Thiếu thốn tình cảm mà, năm hết Tết đến ai không nhớ đến ông bà cha mẹ. Kể cũng tội nghiệp, mới mười lăm tuổi đầu chưa hưởng hết tình yêu của cha mẹ, chưa biết đến tình yêu lứa đôi bỗng dưng bị một trái bom nổ chụp trên đầu còn lại trơ trọi một mình như vậy. Nhưng cũng may chỉ có mấy ngày Tết thôi còn suốt năm nó khùng không biết gì cả - Người bạn kết luận rồi nói sang chuyện khác.
10 - 1997