Cô áo hồng, cô áo tím
Lê văn thảo
Hai người bạn gái tình cờ gặp nhau ở phòng đợi sân bay. Thu Nga cùng chồng đi nước ngoài. Ngọc Quyên đi tiễn một người bạn. Họ là bạn học với nhau hồi ở trường phổ thông, lên đại học thỉnh thoảng còn gặp nhau, sau ra trường lo bươn chải với cuộc sống đã hơn mười năm rồi họ không còn gặp nhau nữa, thậm chí không còn nhớ đến nhau. Họ ôm chầm lấy nhau mừng mừng tủi tủi, phần thương nhớ bạn nhưng cái chính là thương nhớ cho tuổi trẻ của mình, họ cứ đứng đó giữa đám người ồn ào qua lại, một lúc sau mới dìu nhau ngồi xuống một chiếc băng. Thu Nga vốn tính lúc nào cũng ồn ào, phấn khích, vuốt ve cánh tay áo màu tím của Ngọc Quyên nói một thôi đến không kịp thở :
- Ôi mày già quá rồi Quyên à. Mày hơn tao một tuổi, băm ba phải không ? Nhưng mày cũng còn đẹp. Mày bận chiếc áo tím này hợp với nước da của mày lắm, hợp với tính kín đáo của mày nữa. Hồi ở trường mày vẫn là đứa biết ăn mặc. Nhớ hồi xưa vui quá ! Mà lại thảnh thơi nữa. Mày không thể tưởng tượng được ra trường rồi tao bù đầu bù cổ đến thế nào đâu. Đủ thứ chuyện hết. Đầu tiên là chuyện lấy chồng. Phải tìm cho được thằng chồng cái đã. Nhưng cũng không được vội. Tao không lấy tay H. tao cặp trong trường như tụi bây tưởng đâu. Ra ngoài đời rồi tao mới thấy có khối đàn ông cho mình lựa chọn. Năm cuối trường đại học có một đoàn làm phim đến "giao lưu" với trường tao, tao chen lên ngồi trên "bắt nhãn" với tay diễn viên đẹp trai, bày trò xin chữ ký để hỏi địa chỉ, rồi ngay ngày hôm sau đột đến nhà hắn để làm quen, rồi mấy ngày hôm sau hai đứa đã đi bơi xuồng ở núi Bửu Long, ăn nem nướng ở Thủ Đức. Thực bụng tao không ham gì tay diễn viên mặt bột ấy, cái chính là tao nhắm vào lão đạo diễn kia, lão hơi lớn tuổi một chút nhưng có tiền, có thế lực. Một tháng sau, từ tay diễn viên tao bắt qua được lão đạo diễn, lại cũng đi bơi xuồng, ăn nem nướng, lão cho tao đóng phim, vai phụ thôi nhưng tao cũng được nhiều người biết tiếng, nhờ phim thì ít mà nhờ đi cặp với lão đạo diễn thì nhiều. Nhờ có đám điện ảnh "lăng xê", tao bắt qua làm quen với đám ca nhạc sân khấu, thậm chí còn có một ông nhà thơ già lụ khụ chịu khó đưa đón tao nữa. Tao đi dự các buổi tiếp tân, chiêu đãi, các buổi ra mắt của các đoàn làm phim, tiếp các đoàn ca nhạc nước ngoài, khánh thành các tượng đài, có lần tao còn dự một buổi trồng cây ở nghĩa trang liệt sĩ nữa. Rồi tao bắt qua làm quen với đám Việt kiều, bắt bồ được với một doanh nhân gốc người Cà Mau nhưng chỉ nói được tiếng Việt bập bẹ. Cũng vì việc này tao nhận được thư khuyên lơn của một con nhỏ bạn cũ, không nhớ là đứa nào, biểu tao nên tốp bớt lại thì vừa. Tốp cái gì ? Giả dụ tao đói nghèo mạt rệp có đứa nào nuôi tao không ? Thời buổi này mạnh ai nấy sống, có trăm cách sống khác nhau, cứ tự do lựa chọn, riêng tao quyết sống theo cách của tao.
- Còn con ? - Ngọc Quyên hỏi lại.
- Con gì ?
- Mày có được mấy con ? - Ngọc Quyên nói giọng thật dịu dàng - Tao muốn hỏi rốt rồi mày lấy ai, đời sống con cái ra làm sao ?
- Tao có lấy chồng đâu mà có con ? Dại gì lấy chồng trong thời buổi này. Có chồng phải lo đủ thứ chuyện, nào lo cho con, nào phục vụ chồng, đằng này cứ sống nhởn nhơ bắt bồ hết đứa này rồi tới đứa khác để cho đám đàn ông phục vụ mình.
- Chà tao phục mày quá. Thật ra hồi xưa mày đã như vậy rồi - Ngọc Quyên nhướn mắt chỉ vào phòng trong - Còn bây giờ mày đi đâu vậy ? Có phải tay Việt Kiều nói tiếng Việt bập bẹ đó không ?
- Không phải đâu, đó là tao kể chuyện hồi xưa mà. Từ đó tới giờ tao cặp với hàng chục thằng như vậy. Nhưng đại khái chúng cũng giống nhau hết. Thằng này cũng là một thằng Việt kiều, cũng chỉ nói được tiếng Việt bập bẹ, tao mới quen hắn đây thôi, hắn hứa đưa tao sang Paris, mua nhà mua xe cho tao, đổi lại tao sống một năm với hắn.
- Trời ơi, tao không hiểu sao mày sống được như vậy mà không nổ tung lên... Mà thôi mỗi đứa mỗi cách, tao chỉ sợ mày lớn tuổi rồi, còn đường con cái... Nhưng mà mày cũng còn đẹp, mày bận chiếc áo màu hồng này coi sang trọng quá, hồi xưa trong trường mày gần như hoa khôi rồi còn gì.
- Mày nghe chuyện tao ngán lắm phải không ? Vậy mày kể chuyện mày đi.
- Chuyện tao có gì đâu mà kể.
- Tao chắc mày lấy tay T. bạn học mày quen từ hồi trong trường, rồi hai đứa ra trường cùng làm nghề giáo, ky cóp dành dụm mua căn nhà và đẻ con hàng đàn chớ gì ?
- Tao thì vậy thôi. Đúng là tao lấy anh T. và đã có ba đứa con rồi, hai trai một gái. Tụi tao mua được căn nhà ở ngoại thành, nhà nhỏ thôi nhưng có được khoảng đất trống vợ chồng tao tính trồng cây bạch đàn. Anh T. đang có công trình nghiên cứu khoa ngữ văn, ngành cổ học, đang viết nhiều bài về địa danh xưa của thành phố. Tao thì sắp được lên lương. Đám con tao học giỏi lắm, thường ở mười hạng đầu. Nói chung cuộc sống vợ chồng tao không còn gì phải lo nữa. Nhưng mà tao rất bận, tao phải về lẹ để còn lo cơm nước giặt giũ...
- Mày về đi. Tao cũng đi đây, anh chồng hờ của tao chắc đã làm xong thủ tục, đang la hét trong đó. Ngày mai tao đã có mặt ở Paris rồi. Sau "giao kèo ngắn hạn" một năm chắc tao sẽ bay sang Mỹ, hoặc Uỏc, hoặc Thụy Sĩ... Tao đã thủ sẵn một lô địa chỉ các thằng bồ cũ của tao trong túi đây. Tao sẽ đi cùng trời hết, tao sẽ bay lên tới trời.
- Mày cứ bay đi, còn tao sống ở đây với chồng con tao thôi. Tao sẽ trồng cây bạch đàn, con cái tao sẽ lớn lên, chồng tao sẽ có công trình nghiên cứu được in thành sách... Tụi mình còn gặp nhau không ?
- Chắc không đâu, không còn kịp đâu... Tao thương mày quá Quyên ơi, sao mày cực quá !
- Mày cũng cực quá, tao cũng thương mày quá !
Họ lại ôm chầm lấy nhau, nước mắt đầm đìa rồi buông nhau ra mỗi người đi mỗi ngả.
Thu Nga cùng anh chồng hờ lên máy bay tìm chỗ ngồi, máy bay cất cánh lấy độ cao rồi bắt đầu nổ máy rì rì một điệu buồn chán, suốt thời gian đó hai người không nói gì với nhau. Thu Nga trở nên đăm chiêu, nghiêm nghị, không còn vẻ hào hứng, phấn khích như lúc ở sân bay nữa. Có mấy vết nhăn xuất hiện ở đuôi mắt, khóe miệng. Chiếc máy bay vẫn rì rì, có cảm giác nó không bay đi đâu cả. Anh chồng hờ ngáp, bật ghế nhắm mắt ngủ. Thu Nga giở báo ra đọc, lấy kiếng ra tô mắt tô môi rồi ngó bâng quơ ra ngoài cửa sổ. Từng cụm mây trắng xốp như bông trôi lừng lững ra phía sau.
Anh chồng hờ thức dậy, lại ngáp, hỏi :
- Hồi nãy em làm gì ở phòng đợi lâu quá vậy ? Qua bên Tây em phải tập có thói quen công nghiệp, làm gì cũng phải đúng giờ giấc. Cuộc sống bên đó cứ rầm rập, không ai đợi mình đâu.
Thu Nga cáu kỉnh :
- Thì anh cứ rầm rập với họ, mắc mớ gì tới em.
- Anh lo cho em thôi. Anh chỉ sống với em một năm, theo đúng hợp đồng. Sau đó rồi em đi đâu ?
- Chuyện đó cũng không mắc mớ gì tới anh.
- Cũng theo đúng hợp đồng anh sẽ mua xe, mua nhà cho em. Còn tờ hôn thú ?
- Anh cứ cất lấy mà xài.
- Em buồn bực chuyện gì vậy ? Hồi nãy em gặp người nhà hả ?
- Em gặp một con bạn cũ, tụi em học với nhau hồi nhỏ. Nó lấy được thằng chồng hiền lành mần ăn chăm chỉ lắm, đẻ được ba đứa con, mua được căn nhà có được khoảng đất tính trồng cây bạch đàn.
- Cây bạch đàn là cây gì ?
Thu Nga ngạc nhiên quay sang nhưng anh chồng hờ đã lại nhắm mắt ngủ rồi. Cô ngó ra ngoài cửa sổ nhưng không ngắm mây trôi nữa mà đang hình dung cảnh Ngọc Quyên trở về nhà, ba đứa con chạy ra mừng, anh chồng đủng đỉnh đi theo sau tay cầm sấp giấy tủm tỉm cười nói : "Anh nấu cơm xong rồi, em tắm lẹ đi rồi ăn cơm không các con chúng đói. Anh đã viết xong phần cuối bài địa danh... ".
- "Mình cần nhà lầu xe hơi để làm gì ? - Thu Nga nghe tiếng nói từ lòng mình cất lên giọng vừa xa lạ vừa quen thuộc - Mình đâu cần phải đi đây đi đó, mình thấy mỏi mệt lắm rồi, có vui thú gì đâu. Cái mình cần bây giờ là một ngôi nhà, một người chồng với một đám con, mình sẽ chọn một nơi thật yên tĩnh cho chồng làm việc, con cái chơi đùa thoải mái và chung quanh có khoảng đất để mình trồng thật nhiều cây, cây bạch đàn hay cây gì cũng được".
Trong cơn mơ màng, Thu Nga cứ hình dung mãi những chuyện như vậy, và có lúc cô tưởng như chiếc máy bay không bay đi mà đang vòng trở lại, đáp xuống nơi cô vừa ra đi.
Ngọc Quyên đạp xe đạp lọc cọc về nhà. Trời tối, con đường lồi lõm không một bóng đèn, càng lúc càng vắng lặng như ở miền quê. Căn nhà nhỏ, thấp, nằm nép mình dưới một tàn cây lớn tỏa bóng đen sì. Đám con đã ngủ, anh chồng mình trần đang ngồi đập muỗi ngoài sân. Anh nói :
- Nhà hết gạo nên mấy cha con anh mua bánh mì ăn rồi. Em ăn mì tôm nghen ?
Ngọc Quyên thở ra mệt nhọc, đáp :
- Được rồi để đó em, em không đói.
- Anh vừa kiểm tra tập vở bọn nhỏ, thấy toàn điểm hai điểm ba, anh mới la chúng một trận.
- Kệ chúng, học cho giỏi lắm rồi cũng không làm vương làm tướng gì được đâu.
- Khoảng đất trống anh tính không trồng cây bạch đàn, nó không kinh tế, anh tính trồng cây...
- Anh muốn trồng cây gì thì trồng.
- Xong bài khảo cứu về địa danh thành phố, anh tính viết tiếp bài nghiên cứu về danh xưng trong nhà chùa.
- Trời ơi, anh toàn lục chuyện cũ xì gì ở đâu đâu.
Ngọc Quyên vào ngồi ở ghế xa lông, không bật đèn, trong bóng tối cô dễ dàng hình dung thấy căn phòng sáng trưng ở sân bay, cửa kiếng bóng loáng, hành khách ăn vận sang trọng xách những chiếc túi căng phồng ra vào tấp nập, ngoài kia là sân bay, đường băng, từng chiếc máy bay trắng toát bay vút lên như một mũi tên. Một trong những chiếc máy bay có Thu Nga ngồi trong đó, ngày mai cô sẽ xuống Paris. Rồi thì Luân Đôn, Nữu Ước... Rồi nào là khách sạn, những buổi tiếp tân, tiệc tùng, khiêu vũ... Ôi ước chi Ngọc Quyên đi được một chuyến đi như thế, được ở trong một phòng khách sạn sáng sủa, thơm tho, sống nhởn nhơ vui thú, không phải bận tâm về chuyện con cái học hành, gạo hết khoảng đất trống cần phải trồng cây bạch đàn hay cây gì khác.
Trong bóng tối, Ngọc Quyên cứ ngồi yên như vậy mà mơ tưởng mãi ...
8-1992