Con mèo
Lê văn thảo
Tôi chỉ thích nuôi chó. Không thích nuôi mèo. Tôi không thích cái tính lạnh lùng, khinh bạc của giống mèo. Một mình tôi như thế cũng đủ rồi. Nhà tôi từ lâu lúc nào cũng có nuôi một con chó còn mèo thì không hề. Nhưng không nuôi cũng như nuôi, lúc nào cũng thấy có mèo chạy rần rần trên mái nhà, đồ ăn thức uống để hở một chút là biến mất, căn bếp nhà tôi quanh năm suốt tháng như cửa hàng ăn miễn phí cho chúng vậy. Nhiều bữa tôi đang ngồi làm việc, giữa ban ngày ban mặt chợt thấy có hai con mèo lặng lẽ như hai bóng ma đi băng qua, không biết từ đâu đến và đi về đâu. Nói chung coi như lúc nào cũng có một đám mèo "thường trú" ở nhà tôi. Và thời gian biểu của chúng là như thế này : ban đêm chạy rần rần trên mái nhà cất tiếng kêu gào rú đến ghê rợn, ban ngày nằm ườn ra hoặc thả tới lui ở những góc vắng, dáng điệu đài các phong lưu như những công nương thái tử.
Thỉnh thoảng tôi đi làm về mở cửa vào nhà thấy có một vị mèo nằm dài ra trên ghế sa lông nhìn tôi với ánh mắt như tôi là khách còn nó mới là chủ vậy.
Không, tôi không thích nuôi mèo chút nào.
Nhưng rồi tôi phải nuôi. Bị bắt buộc thôi. Một bữa tôi vào cơ quan thấy có một đám mèo con bò loằng ngoằng dưới chân. Một cô thư ký có mèo nhà đẻ đem vào cơ quan coi ai muốn nuôi thì bắt về nuôi. Ai chớ tôi không hề. Nhưng cô thư ký nói : "Anh nuôi một con đi, con mèo mướp này nè. Anh suốt ngày lầm lì, con mèo cũng vậy, không ai làm phiền ai đâu" Khó cưỡng lại các cô gái, nhất là các cô thư ký. Thế là tôi xách cổ con mèo con về. Nó nhỏ xíu, dù sao cũng rất dễ thương. Thằng con bảy tuổi của tôi thì thích mê. Nhưng chỉ được mấy ngày thôi, như thông thường những đứa trẻ, nó lại quay ra với những tranh truyện,bóng đá, trò chơi điện tử của nó. Con mèo lớn lên cũng bắt đầu đánh đu với đám bạn nó trên mái nhà. Lại chạy đuổi nhau rần rần kêu gào rú trong đêm và nằm ườn ra ban ngày. Ngoài chuyện đó ra, cùng chuyện thỉnh thoảng chọc cho con chó sủa váng lên, tôi không biết con mèo làm công chuyện gì. Không thấy nó bắt chuột. Mà cũng không có chuột đâu mà bắt. Căn nhà nhỏ xíu thằng con tôi đá banh suốt ngày chuột nào dám thò đầu ra.
Và rồi con mèo có chửa. Hóa ra đó là một con mèo cái, tôi quên để ý tới điều đó. Một lần, lâu lắm rồi, giờ tôi mới nhớ lại, hôm đó giữa ban ngày tôi ngồi làm việc con mèo đi chơi đâu về dẫn theo một con mèo cụt đuôi, lông vàng rực một cách kỳ quái, con mèo nhà tôi ngước nhìn tôi kêu "meo meo" ý như muốn giới thiệu, còn thằng cụt đuôi đi len lén theo sau như một tên trộm. Ra như vậy đó, sống một mình chưa đủ còn đàn đúm bạn bè nữa. Tôi đứng dậy "xù" một tiếng thằng cụt đuôi quay ra chạy mất, con mèo nhà tôi đứng nhìn tôi kêu "meo meo" ý như muốn nói : "Bạn tôi mà ông không biết sao?"
Ra là bạn đấy, "bạn đời" đấy. Nó có chửa trờ lên nặng nề, thường nằm dài ở ghế sa lông, sau đó đi đẻ đâu không biết một hôm dẫn đám con về, đi thành hàng một, hai con lông xám xịt giống nó và một con lông vàng rực giống y như thằng quỷ cụt đuôi. Nhà tôi chỉ có hai cha con còn nó về đây có cả một gia đình. Rồi chúng cứ sanh đẻ nữa nhà tôi thành cái gì ? Phải chặn lại từ đầu. Nhưng thằng con tôi lại sa vào mê đám mèo con. Phải tìm cách thuyết phục ông nhỏ. Tôi nói ở cơ quan tôi có nhiều cô chú muốn nuôi mèo lắm, có một chú nhà rất nhiều chuột và một cô có người yêu đi Tây, cần có một con mèo để vuốt ve. Thật ra không có cô chú nào cả, tôi chỉ có đám bạn nhậu của tôi, tôi sẽ tìm cách trong các cuộc nhậu nhét con mèo con vào túi xách của chúng, nhậu say rồi đi khật khưỡng về nhà mở túi xách con mèo con chui ra, đám con nít vui mừng tíu tít chị vợ cũng quên đi chuyện rầy rà, coi như sóng gió tạm yên một lúc rồi sau đó muốn ra sao thì ra.
Và rồi tôi làm được hết, ba cuộc nhậu ba con mèo !
Từ đó về sau tôi cứ theo cách đó mà làm, và làm liên tục, bởi con mèo nhà tôi đẻ nhiều vô số kể. Ước chừng nó đã có con đàn cháu đống rồi và vẫn cứ mượt mà óng ả ban ngày đi phơi nắng ban đêm gào rú trên mái nhà. Nó không hề già. Tôi chưa từng thấy một con mèo già bao giờ.
Con mèo nhà tôi lại đẻ nữa, lần này chỉ có hai con nhưng tôi biết nhét chúng vào đâu? Tôi đã nhét giáp vòng trong túi xách đám bạn nhậu tôi rồi. Một lần thì được, lần thứ hai đám vợ chúng sẽ sinh nghi. Trong lúc đó thằng con như thường lệ suốt ngày ôm ấp vuốt ve hai con mèo con, nói hai con mèo con này là đẹp nhất. Quả hai con mèo con đẹp thật, lông nửa vàng nửa xám như cha mẹ chúng biết cách pha màu vậy. Nhưng các con mèo con trước cũng đẹp vậy thôi. Tôi nói với thằng con : "Không được đâu con, cơ quan ba lại có cô có người yêu đi Tây rồi, không phải một cô mà là hai cô" Nói rồi tôi xách hai con mèo con đi. Tôi nhắm một chỗ rồi. Đó là đoạn đường vắng ở gần nhà tôi, cặp bờ tường xí nghiệp nào đó rất vắng người qua lại. Tôi sẽ thả hai con mèo con ở đó chúng lẩn quẩn một lúc rồi sẽ có người bắt về nuôi. Hoặc giả chúng mò tới một quán ăn gần đó, rất đông khách, tôi qua lại thường thấy có nhiều chó mèo đến gặm xương ở đó. Như vậy chúng không hẳn là sống trong nhà nhưng cũng không phải lang thang ngoài đường.
Tôi đến đó lúc trời tối, đúng ra là gần giữa khuya. Tôi phải đợi thằng con tôi ngủ say. Quán đã đóng cửa, đoạn đường cạnh bờ tường cũng không có ai, thật là tiện. Nhưng tôi cẩn thận không thả hai con mèo ở gần quán, có thể có người nào đó dòm qua khe cửa thấy được việc làm kỳ cục của tôi. Tôi thả hai con mèo ở chỗ đoạn đường vắng, giũ chúng ra từ trong chiếc túi xách, chúng rớt xuống đứng ngẩn ngơ một lúc rồi bắt đầu hít hửi bò lê trên mặt hè đường ẩm ướt, tối mờ mờ, bốn chân nhỏ xíu run rẩy choải rộng ra, cất tiếng kêu ri rỉ như tiếng con nít khóc. Đành phải vậy thôi, tôi tự nhủ, ai cũng phải tự tìm cách nuôi sống lấy mình, dù là hai con mèo con đi nữa. Tôi vội quay về sợ thằng con tôi thức giấc giữa chừng, và cũng sợ phải nghe tiếng kêu ri rỉ của hai con mèo con.
Thằng con tôi ngủ say cho tới sáng. Nhưng sáng ra vừa thức giấc đưa mắt nhìn quanh nó liền hỏi tôi hai con mèo con đâu. Tôi đáp ậm ừ không ra lời lẽ gì cả rồi bắt qua chuyện khác. Thằng con tôi cho tôi yên được hai ngày, tới ngày thứ ba bất chợt, không báo trước gì cả, nó nhắc lại hai con mèo con, hỏi cụ thể hơn, tôi cho ai hai con mèo, người đó tên gì. Tôi thấy chuyện đã không đơn giản. Không thể bày chuyện các "cô chú", chắc nó đoán biết có chuyện gì rồi, nó sẽ hỏi nữa và tôi sẽ sa lầy vào một đống các câu hỏi của nó. Đành phải nói sự thật thôi. Nhưng cũng nên nói sự thật một nửa. Tôi bèn nói tôi đem cho một người bạn nhưng giữa đường nó xổng mất. Xổng chỗ nào ? Tôi chỉ chỗ. Nó bảo tôi dẫn tới đó. Thì đi. Chúng tôi đến đó cũng vào lúc trời tối, thằng con tôi nhìn đoạn hè đường trống trơn, ẩm ướt, tối mờ mờ, hỏi :
- Hai con mèo con đâu rồi ? Tôi gắt :
- Nó ở đâu làm sao ba biết được ? Thôi đi về đi !
- Nhưng chúng ngủ ở đâu ? - Thằng con tôi vẫn dai dẳng - Đường trống trơn ướt nhẹp như vầy làm sao chúng ngủ được ?
- Giống mèo không ngủ con à - Tôi biện luận - Con không nghe chúng chạy rần rần suốt đêm trên mái nhà đó sao ?
- Nhưng còn ăn, chúng lấy gì ăn ?
- Chúng tự kiếm ăn thôi, mình cũng vậy, ba lo cho con là quá lắm rồi. Con chịu về chưa ?
Thằng con tôi chịu về. Và không hỏi gì nữa. Nhưng như vậy lại khiến tôi càng đâm bực. Không thể yên được với cái kiểu lặng thinh như thế này. Như có tội ác nào đó treo trên đầu vậy. Thế là đêm đêm tôi lại mò ra chồ đoạn đường vắng, kiểu như phạm nhân không cưỡng lại được việc trở lại chỗ hiện trường, tôi đứng một lúc nhìn mặt hè đường ẩm ướt, tối mờ mờ, mong gặp lại hai con mèo con và cũng sợ gặp phải chúng.
- Thằng con tôi có vẻ đã quên hai con mèo con. Nhưng một bữa tôi vô ý dẫn nó đến ăn sáng ở chiếc quán gần đó thế là nó sực nhớ hỏi bà chủ quán :
- Cô có thấy hai con mèo con của cháu ở đây không?
Bà chủ quán đáp:
- Không thấy. Ai biết mèo nào là của ai, ở đây chó mèo rần rần không chịu nổi.
- Hai con mèo của cháu bị xổng ra ở đây nè.
- Sao lại xổng ? Có ai ăn cắp hả? Thời buổi bây giờ quân ăn cắp đầy đường không biết ai là ai đâu.
Tôi hối thằng con tôi ăn lẹ để còn kịp đi học.
Ngày tháng trôi qua. Thỉnh thoảng tôi lại đi qua chỗ đoạn đường vắng nhưng giờ chắc hai con mèo đã lớn rồi có gặp tôi cũng không nhìn ra. Tôi tin chúng vẫn còn sống, giống mèo khó chết lắm, nhưng sống như thế nào tôi không biết.
Con mèo nhà tôi không hiểu tại sao không đẻ nữa, tuy nó vẫn thon thả, óng mượt. Nó chán cảnh đẻ không được nuôi con, hay muốn cảnh báo tôi điều gì ? Nhà tôi có cửa lớn và cửa sổ. Con chó nằm cạnh cửa lớn, nó biết phận sự của nó. Con mèo đi chơi về thường tót vào theo đường cửa sổ, để tránh gặp con chó, và cũng để phô trương tài leo trèo của mình. Nhưng đôi lúc nó muốn chọc phá. Nó từ ngoài đi vào, giả như vô tình theo đường cửa lớn, ngó lơ đâu đó rồi bất thình lình thò tay ra tát con chó một cái. Thế là om sòm cả lên. Con chó nhảy lồng lên cất tiếng tru thảm thiết con mèo nhảy tót lên đầu tủ ngồi lim dim mắt ngó xuống như muốn nói : "Cái gì vậy? Ai ? Thì sao nào ? Giỡn một chút không được sao?"
Con mèo từ ngày thôi bận bịu trên mái nhà thường giở trò chọc phá con chó nhiều hơn, chuyện om sòm coi như xảy ra hàng ngày. Nhìn cảnh con chó to xác tru tréo tôi thật thấy ngán ngẩm nhưng chuyện "chó mèo" của chúng nó tôi không can dự vào làm gì.
Nhưng rồi xảy ra một chuyện khác hẳn. Như tôi đã nói con mèo nhà tôi về sau này có vẻ tu tỉnh, ít chịu đàn đúm với đám bạn mèo hàng xóm của nó, thường ngày ngồi yên trên nóc tủ lim dim mắt ngẫm nghĩ sự đời gì của nó. Nhưng đám mèo hàng xóm lại không chịu để cho nó yên. Đôi lần buồn chán nó thả đi chơi một lúc rồi lộn trở về, một con mèo khác đuổi theo sau. Một bữa tôi thấy nó chạy hộc tốc về, vẻ hoảng sợ lắm và vô ý thế nào lại chạy đâm sầm vào cửa lớn, nơi con chó đang ngồi canh giữ. Lại om sòm rồi đây. Tôi chắc mẩm con chó sẽ không bỏ lở cơ hội gỡ lại những bàn thua lần trước. Nhưng lạ sao con chó không vồ con mèo mà tránh đường cho con mèo chạy vào, và con mèo không nhảy lên nóc tủ như thường lệ mà đứng lại nép sau lưng con chó. Và rồi con chó xồ ra phía trước và tôi thấy xuất hiện ở cổng một con mèo không biết của nhà ai, lớn một cách kinh khủng, như một con beo. Và rồi trận hỗn chiến xảy ra, mù trời mù đất giữa con chó nhà tôi và con beo nhà hàng xóm, tôi và con mèo ngồi trong dòm ra chỉ thấy một khối cuộn tròn như một cơn lốc xoáy.
Sau khi yên trở lại, con mèo nhà hàng xóm bỏ chạy và con chó quay trở vào mặt đầy máu, con mèo vẫn ngồi sau lưng con chó và con chó ngước nhìn tôi như muốn nói : "Phải vậy thôi, dù sao cũng là người nhà với nhau".
Buổi chiều thằng con tôi đi học về tôi kể lại chuyện đó, nó trầm ngâm một lát rồi bỗng nói :
- Con nhớ hai con mèo con quá ba ơi !
Thằng con tôi có kiểu nói bắt quàng như vậy nhưng tôi không nói gì nữa, để yên cho tôi cả năm tôi còn không quên được.
9 - 1996