Con muốn biết chuyện gì nữa về mẹ con? Ngoại đã nói hết rồi và ngoại cũng không còn nhớ chuyện gì nữa, đầu óc ngoại đã mù mờ, ngoại chỉ còn nghĩ tới chuyện về với ông bà thôi. Sao bỗng dưng hôm nay con về đây lôi những chuyện đó ra? Ngoại chỉ còn có mỗi mình con, con là giòng máu cuối cùng của nhà này, ngoại muốn con lấy chồng đẻ con, đẻ bao nhiêu cũng được đem về đây ngoại nuôi hết cho. Ngoại đã nuôi mẹ con, nuôi con, giờ nuôi thêm con của con nữa đâu có sao. Hồi mẹ con đem con về đây con còn ẳm ngửa, hàng xóm chẳng có ai cho con bú thép ngoại phải nấu cháo pha đường cho con uống, con lớn lên một chút ngoại cho con ăn cơm nhão với cá chà bông, cũng may con là đứa nhỏ dễ ăn lớn mau như thổi. Cả xóm không có đứa nhỏ nào lớn mau như con. Đến khi con biết đi lẩm đẩm ngoại bồng con xuống xuồng cột chân con vào cọc chèo chèo đi giăng câu bắt cá. Tháng đôi lần ngoại chèo xuồng đưa con ra chợ Long Xuyên bán bông. Ngoại có trồng mấy liếp bông huệ sau vườn, ngày rằm ba mươi mồng một, ngày thanh minh giáp Tết ngoại cắt bông đem ra chợ bán, ngoại cột chân con vào cọc chèo vì dòng Cửu Long sóng dồi cuồn cuộn. Đến chợ ngoại lại cột chân con vào chân sạp hàng để con khỏi bò đi lung tung và để mấy con nhỏ bạn hàng khỏi bồng con lên hun hít. Khách mua bông của ngoại rất đông, đủ hạng người giàu nghèo, ai cũng có việc phải cúng kiếng, họ khen bông của ngoại mập lâu tàn, ngoại nghĩ chắc họ thương ngoại phải nuôi con trong cảnh đơn chiếc. Lại có những người mua bông chỉ để được ngắm nghía con mà thôi. Con có nước da trắng giống mẹ con, còn cao lớn thì không biết giống ai.
Có một lần có một người về đây thăm con. Đó là một người đàn ông cao lớn trắng trẻo, khi người đó bồng con lên con giống người đó đến nỗi ngoại tưởng con là con của người ấy. Người đó về một lần thôi, nói để thăm con, rồi bận việc phải đi ngay. Còn về đây thường xuyên là một người trẻ tuổi tính tình chừng mực ăn nói khôn khéo, mang theo rất nhiều đồ đạc cho ngoại và cho con, nói là của mẹ con gởi, không hiểu sao con có vẻ không ưa người ấy, có lần người ấy cho con trái quít con liền ném trả. Tánh con đã kỳ cục từ hồi ấy.
Có một năm lụt lớn nước sông Cửu Long ngập tràn, dòng sông chảy xiết đục ngầu phù sa, cánh đồng lớn phía sau nhà mình thành một biển nước trắng xóa sóng nhồi như ngoài sông lớn. Vậy mà nước cứ dâng lên mãi nhà cửa vườn tược ngập lút, cây trái chết hết ruộng ngoài đồng cũng mất trắng, coi như chết đói tới nơi. Mấy liếp huệ của ngoại cũng chết sạch, vậy là ngoại đem con luôn xuống xuồng chèo vào ở luôn trong đồng. Chẳng có chỗ nào khác để sống ngoài cánh đồng này, cá tôm không thiếu gì nhưng ngoại là đàn bà phải làm công việc của đàn ông như dọn luồng móc mồi bủa giăng câu một mình ngoại làm hết chẳng biết nhờ cậy vào ai. Nhưng con là đứa nhỏ dễ ăn dễ ngủ, cơm trộn với khoai con vẫn ăn được một tô đầy rồi chơi với con cua vớt được trên giề lục bình, sau đó nằm lăn ra ngủ, thức dậy ăn một chén đầy nữa. Nước cứ nập lên mãi như mọi nguồn nước từ cùng trời cuối đất đều đổ về đây, ban ngày ngoại chèo tới lui giăng câu bắt cá, ban đêm tìm một cụm rừng tràm nào đó neo lại, con ăn rồi chơi đùa một li con ngủ còn ngoại thì cứ nằm thao thức mãi. Tiếng côn trùng nỉ non, tiếng ếch nhái âm vang như tiếng gọi của âm hồn từ đời thuở nào làm ngoại cứ nhớ tới ông bà tổ tiên rồi nghĩ mà thương cho xứ sở nghèo nàn ngập lụt liên miên này.
Con rạch trước cửa nhà mình dẫn vào trong đồng, ở khoảng giữa có con đường nhựa cắt ngang, có chiếc cầu đúc với chiếc đồn có chừng trung đội lính đóng ở đó. Đó là một cái đồn mạt hạng, chỉ có chiếc bót gác nhỏ xíu cao nghệu phía trên như cái chuồng bồ câu, đám lính và vợ con chúng sống chui rúc dưới gầm cầu như chúng không phải là lính mà là chuột đồng chuột nhủi vậy. Những lần chèo xuồng vô đồng ngoại đều phải đi ngang đó, cùng với mẹ con ngày xưa và con sau này, bọn lính quen mặt ngoại thường lên tiếng trêu chọc, thằng trưởng đồn già chát mặt đen xì cứ hay cười phá lên: "Đẻ con nữa hả bà ngoại? Không có chồng đẻ con được sao?". Ngoại không thèm chấp chi các đám điên khùng ấy, ngồi hoài một chỗ đầu óc chúng mụ mẫm rồi, cứ tưởng con sau này là mẹ con ngày trước. Vả chăng những năm đó ngoại đã già lão gì đâu, ngoại đẻ mẹ con lúc ngoại mới mười sáu tuổi và mẹ con đẻ con cũng đâu đến hai mươi. Ngoại bèn nói: "Mấy ông chọc phá làm chi bà cháu tôi nghèo khổ phải sống dưới xuồng mấy ông ở dưới gầm cầu cũng có hơn gì đâu". Thằng trưởng đồn bèn cười giả lả: "Tụi tôi nói chơi thôi bà ngoại trẻ đừng giận. Ôi cô cháu dễ thương quá! Tôi biết mẹ nó hồi xưa mà, cô ấy cũng bị cột chân vào cọc chèo như vầy. Cô ấy đã lớn đẻ con rồi hả? Bà ngoại trẻ gả con gái đi xa, đám lính tôi không có đứa nào vừa mắt bà ngoại trẻ sao?". Thật ra chúng chỉ buồn miệng nói chơi, chúng cũng đáng thương, nhưng một lần mẹ con về, ngoại kể lại chuyện đó mẹ con liền bồng con chèo xuồng ra đồn mắng như tát nước vào mặt thằng trưởng đồn: "Tôi lấy ai đẻ con mắc mớ gì tới mấy ông? Ngữ sống dưới gầm cầu như mấy ông đẻ được đứa con như vầy không?". Đám lính thụt mặt hết, mẹ con là đứa con gái dữ dằn cả xóm này ai cũng biết. Rồi hôm sau mẹ con lại bồng con chèo xuồng ra đồn nữa, ngoại sợ quá mượn xuồng chèo ra theo thì thấy mẹ con nói chuyện cười vui với đám lính, con chơi giỡn với đám con chúng, ngoại không hiểu ra sao.
Con về đây rảnh rỗi về thăm lại trong đồng con à. Đó là cánh đồng đã nuôi sống gia đình ta, nuôi ngoại, mẹ con rồi tới con, những cơn thắt ngặt đi vào trong đó là có cái ăn. Nhưng đâu chỉ có chuyện đó, ngoại còn gặp được người trong đó nữa. Thương lắm con à! Đồng ruộng hoang vu nhưng ngoại đi hoài rồi cũng gặp, đó là những người bận đồ đen đi tới lui âm thầm như những chiếc bóng, họ ngồi chồm hổm trong bìa rừng nhìn ra, thế là ngoại bạo dạn đi vào bắt chuyện với họ: "Mấy ông là ai vậy? Làm gì trong này?". "Việc ai nấy làm bà à". Họ đáp. "Tụi tôi biết bà quá mà, bà là bà bán bông phải không? Bà có con hồi nào vậy? Ôi cô nhỏ đẹp quá!". Đó là hồi giặc Tây và đứa nhỏ họ khen là mẹ con. Sau này họ cũng khen con như vậy. Họ nói: "Mau quá, vậy là đã hai cuộc kháng chiến rồi!". Họ cho ngoại nào mật ong, khô mắm, hồi mẹ con chỉ được quần áo cũ tới con được toàn đồ mới nói của miền Bắc gởi vào toàn là của Liên Xô, Trung Quốc gì đó. Có lần ngoại chống xuồng vào hẳn trong chỗ ở của họ nhìn thấy những chiếc chòi nhỏ thấp lè tè lợp đưng lác nhưng những chiếc hầm núp thì thật lớn. Rừng ngập nước nên họ phải xăn quần lội từ chỗ này tới chỗ nọ.
Một năm trước ngập chưa từng thấy, như là bão lụt vậy, mẹ con về với ngoại nhắc mẹ con vào trong đồng chơi, gọi là để biết ơn những người đã cho mẹ con mật ong và quần áo cũ. Mẹ con nói:
"Con sẽ vào. Nhưng để con ra ngoài đồn cái đã"..
"Chi vậy? - Ngoại hỏi - Mày lại định quậy phá cái gì nữa đó?"
"Con không quậy phá" - Mẹ con nói - Nhưng mắc mớ gì chúng nhốt ông già ngoài đó?"
"Ông già nào? - Ngoại hỏi..."
"Một ông già cả trăm tuổi rồi, ốm nhom răng rụng không còn cái nào không biết tội tình gì bị chúng nhốt như vậy".
"Ông già trăm tuổi hả? Ai nói cho mày biết?"
"Không ai nói con cũng biết. Mẹ con vẫn một mực. Không trăm tuổi thì cũng chín chục. Mắc mớ gì chúng nhốt người ta?"
"Chúng nhốt người hằng ngày mà. Mày đừng lo chuyện bá vơ, về đây chơi với con Hương, ở chơi với nó đi".
"Con sẽ chơi với con Hương nhưng con đi một chút. Hương à má đi một chút nghen?"
Ngoại biết không thể cản mẹ con được, còn con thì không biết gì cả vẫn chơi với con cua trên sàn nhà. Mẹ con nói tiếp:
"Chúng nhốt ông già dưới hầm, đúng ra là dưới gầm cầu của chúng thôi. Nhưng ba ngày rồi ông già không ăn, chén cơm vẫn để trước mặt làm sao ông sống được? Con phải tìm cách cứu ông già. Má giữ con Mai Hương dùm con. Con cột chân nó vô gốc cột này nghen?"
Rồi mẹ con đi, hai bà cháu mình ở lại với nhau. Ngoại nấu cho con nồi cháo con ăn hai chén đầy, chơi với con cua một chút rồi nằm sải tay ngủ một giấc dài tới lúc mẹ con về con vẫn chưa thức dậy. Mẹ con nói:
"Con đã gặp thằng trưởng đồn rồi".
"Chuyện ông già hả?" - Ngoại hỏi.
"Con hỏi thẳng thằng trưởng đồn không sợ gì cả. Con nói con biết hết. Sao con không biết được? Té ra chúng nhốt ông già vì ông có con đi làm Việt cộng. Chúng nói chúng sẽ thả ông già chừng nào người con ra đầu hàng. Có cái kiểu đổi chác gì kỳ cục vậy? Má thấy sao?"
"Tao biết đâu công chuyện của mày".
"Nhưng má biết thằng trưởng đồn đó không?"
"Thằng mặt đen xì đó hả? Có lần má đi bắt hôi đìa chung với nó. Nhà nó nghèo lắm tới năm Thìn lụt lớn cả nhà nó bị dịch bịnh hết chỉ còn một mình nó".
"Thôi con đi đây".
"Mày đi đâu?"
"Con sẽ nhổ cái đồn đó không tốn một phát súng cho má coi".
"Mày tính chuyện chống cột vá trời hả con?"
"Con làm được chuyện gì con làm. Hương ở nhà với ngoại má đi chút nữa nghen con!"
Rồi mẹ con lại ra đi. Nước ngập lé đé sàn nhà, ngập cả phía sau sàn bếp, ngoại phải lội lỏm bỏm trong nước nấu cháo cho con. Bông điên điển nở vàng cả cánh đồng sau nhà. Con thức dậy ăn cháo với cá kho rồi lấy cần câu tập câu cá. Đến xế chiều không thấy mẹ con về lại thấy đám lính đồn kéo tới súng ống khua lắc cắc, thằng trưởng đồn mặt đen xì bước lên nhà hỏi:
"Con gái bà đâu rồi?"
Ngoại sợ hết hồn nhưng không dám để lộ ra, hỏi lại:
"Con gái tôi học may ở Sài Gòn về thăm con nó và thăm bà con chòm xóm mấy ông hỏi cái gì?"
Thằng trưởng đồn cười nói:
"Tụi tôi không hạch hỏi gì đâu. Cô ấy đã ra chơi ngoài đồn với tụi tôi giờ tụi tôi vào thăm lại cô ấy thôi".
Ngoại thấy thằng trưởng đồn có vẻ xuống nước bèn hỏi tới:
"Mấy ông muốn làm gì thì làm hả? Tại sao ông già một trăm tuổi mà mấy ông giam người ta?"
"Một trăm tuổi hả?"
"Thì chín chục. Ba ngày rồi ông không ăn cơm thì làm sao sống được?".
"Tại ông ấy không chịu ăn".
"Mấy ông bảo ông ấy đổi mạng con mà làm sao ông chịu đổi".
"Chớ tụi tôi để con ông ấy làm du kích bắn lại tụi tôi hả?".
"Thì mấy ông chết đi chớ đâu có kiểu thế mạng như vậy. Như tôi đây có con đi Việt cộng mấy ông cũng bắt giam tôi hả?".
"Bà có con đi Việt cộng hả?".
"Tôi nói thí dụ thôi. Nhà tôi toàn đàn bà con gái như vầy cầm súng bắn lại được mấy ông hay sao?".
"Thôi đi bà ơi". Thằng trưởng đồn có vẻ muốn giảng hòa. "Bà không biết và tôi cũng không biết gì đâu. Tốt nhất con gái bà về bà nhắn tụi tôi mời cô ấy ra đồn chơi".
"Mời mọc cái kiểu gì vậy?".
"Mình quen nhau quá mà". Thằng trưởng đồn giả lả. "Tụi tôi biết cô ấy là người tốt bụng và tụi tôi đến đây không bắt bà đãi cơm đâu, chỉ xin chén trà uống thôi. Tụi tôi thấy bà chèo xuồng đi ngang đồn hoài, hồi cô ấy còn nhỏ xíu cũng bị cột chân vào cọc chèo như cô nhỏ này nè. Cô ấy học may trên Sài Gòn à?".
"Nó cũng kiếm nghề mần ăn thôi".
"Coi sang lắm, ra vẻ dân thành phố lắm. Nhưng thấy chèo xuồng cũng được, cũng chưa quên hả?".
"Nó có sống dưới gầm cầu đâu mà quên".
"Thôi mà, đã cho uống trà thì đừng có châm chọc".
Đám lính lạo xạo một chút rồi ra về. Trời tối, muỗi bay lào xào dưới chân. Ngoại đốt một mẻ trấu un khói để đuổi muỗi cho con rồi nổi lửa nấu cơm cho con ăn hai chén đầy chơi với chiếc cần câu một chút rồi nằm lăn ra ngủ gối đầu lên chiếc cán cần câu, ngoại phải rán hết sức mới bồng con được lên giường. Rồi ngoại lên nằm trên chiếc võng bàng kế đó lấy trầu ra ăn. Ngoại ăn trầu từ hồi còn con gái, vui với bạn gái đi cấy và cũng để cho môi được đỏ hồng. Lớn lên rồi ngoại không ăn trầu nữa cho đến sau này nuôi mẹ con rồi nuôi con trong cảnh đơn chiếc ngoại buồn mới ăn trầu trở lại. Ngoại chỉ ăn trầu về đêm, lúc mẹ con và con đã ngủ, không ngủ được ngoại ngồi nhau trầu nhóc nhách cho tới sáng.
Ngoại nằm võng nhai đến ba bả trầu mẹ con mới về tới. Con vẫn còn ngủ say. Mẹ con cột xuồng vào chân cột nhà lên nhà có vẻ mệt, ngồi thừ ra dưới chân ngoại. Ngoại hỏi:
"Con đi đâu về đó?"
"Má chưa ngủ à? - Mẹ con hỏi lại - Con Hương ngủ lâu chưa? Ôi con mệt quá! Thôi má ngủ đi con còn có chuyện này một chút".
"Chuyện gì?"
"Chuyện con má biết làm gì. Má ngủ đi! Mai con đi Sài Gòn má à!".
"Mày đã chơi với con Hương được gì đâu?".
"Con bận việc quá! ở Sài Gòn cũng bận mà về đây cũng bận. Phải làm lẹ lên không ông già chết mất. Con làm xong rồi. Chút nữa con gặp thằng trưởng đồn báo cho nó biết mọi việc. Thôi má ngủ dưới võng con nằm với con Mai Hương một chút".
Mẹ con lên giường nằm với con, hai mẹ con nằm cạnh nhau ngoại thấy chẳng mấy chốc con sẽ bằng mẹ con. Ngoại nằm thiu thiu được một lúc chợt nghe có tiếng xuồng rẻ nước rồi thằng trưởng đồn hiện ra. Nó đi một mình không súng ống gì cả cặp xuồng lại cóm róm bước lên nhà. Mẹ con đặt con nằm lại cho ngay ngắn sửa lại mùng mền rồi bước ra đón thằng trưởng đồn. Hai người ngồi nói chuyện ở một góc nhà phía trước nhưng căn nhà nhỏ xíu ngoại nghe được hết.
Mẹ con nói:
"Tôi gặp họ rồi. Họ nói ông già chết họ sẽ diệt cái đồn. Họ để mấy ông muốn làm gì thì làm à? Ông già không chịu đổi mạng người con, chắc vậy rồi. Ông có con ông có đổi như vậy không? Họ cũng không chịu để ông già chết mà không làm gì. Vậy chỉ có cách lấy cái đồn thế mạng vào đó".
"Cả vợ con tụi tôi hả?". Thằng trưởng đồn hỏi.
"Mấy ông đưa vợ con ra chỗ khác đi, đàn bà con nít chết làm gì. Nhưng mấy ông không thể đi, đúng không? Mấy ông đã lãnh lương tháng này rồi. Hay mấy ông nghĩ có thể chống cự được?".
"Tụi tôi chỉ có một trung đội thôi".
"Và súng ống thì có từ đời tám hoánh nào phải không? Còn họ thì quân ngủ như rừng súng ống rợp trời, tôi có vô trong đó rồi tôi thấy hết. Vậy mấy ông chống cự được bao lâu, một ngày hay hai ngày? Nếu phải chịu đựng cả tuần thì còn đủ gạo ăn không? Phải tính trước đi, không tính được cách này thì tính cách khác".
"Cách gì?".
"Tôi không biết, đó là chuyện của mấy ông. Mấy ông là chỗ quen biết tôi nói vậy thôi".
Thằng trưởng đồn có vẻ suy nghĩ:
"Cô nói cô có gặp họ à?".
"Tôi gặp và họ nhắn như vậy". Mẹ con nói. "Ngày mai tôi đi Sài Gòn rồi, tôi còn có việc của tôi".
"Tụi tôi không còn gặp cô nữa à".
"Gặp tôi làm chi? Nhưng nếu mấy ông muốn gặp họ thì...".
Tiếp theo hai người nói gì nữa ngoại không nghe được, rồi sau đó nghe thằng trưởng đồn thở phì phò, ho khúc khắc. Rồi mẹ con nói lớn lên:
"... Thôi như vậy hén, tôi đã sắp xếp hết rồi, ông già sống và mấy ông cũng sống. Tại sao lại phải chết? Mấy ông chết vì cái gì?".
Thằng trưởng đồn xuống xuồng bơi đi và mẹ con lại vào nằm với con lặng thinh không nói gì cả. Con vẫn ngủ say. Cho đến lúc gà gáy hiệp nhứt mẹ con trở dậy nói:
"Con đi đây má à".
"Mày đi đi". Ngoại nói. "Mày về có mấy ngày làm đủ chuyện tao mệt quá. Thôi đừng hôn hít để cho con Hương ngủ. Lấy xuồng nhà mà đi, ra tới bến đò gởi ở quán bà Ba, chút sáng ra hai bà cháu tao ra lấy về. Trời lạnh lắm bận thêm áo con à. Lấy áo má kia mà bận".
"Thôi con đi". Mẹ con lại nói. "Má nuôi con Hương dùm con. Con bận lắm không biết chừng nào mới về được. Có khi con không về được nữa. Hương à má đi nghe con!".
Mẹ con cúi xuống nhìn con một lúc, không dám hôn sợ con thức giấc. Rồi mẹ con lẳng lặng chèo xuồng ra đi. Đó là lần cuối cùng mẹ con về đây.
Đã gần Tết rồi. Đó là Tết Mậu Thân năm 68. Mẹ con đi không lâu có người đàn ông bơi một chiếc xuồng cụt mũi đến gặp ngoại. Ngoại nhớ có gặp ông ta trong đồng rồi. Người đàn ông nói: "Chào bà bán bông! Bà còn nhớ tôi không? Chà cô nhỏ lớn quá! Con gái bà nhắn tôi đến đây. Tôi lên nhà được chớ?".
Ngoại đáp:
"Lên đi! Nhà không có đàn ông, chỉ có hai bà cháu tôi thôi. Ông hẹn gặp ai hả?".
"Thằng trưởng đồn tới chưa?".
"Chưa".
"Tôi đợi nó một chút. Cái giống ôn dịch đó phải chịu đựng chúng thôi. Cháu bà bao nhiêu tuổi rồi?".
"Nó mới năm tuổi".
"Vậy mà lớn quá! Còn con gái bà thì nhỏ xíu. Nó giống ba nó hả".
"Con gái tôi dặn không được nói chuyện với ông".
"Tôi cũng không có chuyện gì để nói với bà. Nhưng tôi ở trong đồng buồn lắm. Bà không có thuốc đã khách hả?".
"Tôi chỉ có thuốc xỉa thôi, tôi ăn trầu mà".
"Cũng được. Bà thảy ra đây, không cần phải ra. Thuốc của bà khét quá, như lông trâu vậy. Nhưng còn hơn hút râu bắp với vỏ tràm". Người đàn ông hút thuốc phà khói rồi bắt đầu huyên thuyên. "Rầu quá bà ngoại trẻ à. Tôi ở trong đồng ngập nước đã đành lâu lâu ra xóm thấy nước vẫn ngập đầy dân tình cứ lội lỏm bỏm mần ăn gì được. Bà ngủ chưa? Ngủ đi! Tôi ngồi đây hút thuốc nói chuyện một mình cũng được. Tôi buồn lắm! Bà còn trẻ vậy đã có cháu bồng tôi già chát như vầy chẳng có được đứa con để hôn hít. Tôi ở trong đồng lấy vợ đâu được mà đẻ con? ở chung với tôi có một thằng có vợ sẵn ở ngoài xóm rồi lâu lâu nó móc vợ vô thăm, thế là cứ đẻ con sòn sòn, sướng thật. Tuổi bà ngoại trẻ còn lấy chồng được đó, lấy đi để đẻ con cho hai dì cháu chúng chơi với nhau cho vui".
"Con gái tôi nhắn ông đến có chuyện gì?".
"Chuyện với thằng trưởng đồn thôi. Bà nhất định không ngủ hả?".
"Tôi dỗ cháu tôi ngủ cái đã".
"ừ con nít ngủ trước người lớn ngủ sau. A, sao thằng trưởng đồn chưa tới cà?".
"Ông định làm gì nó?".
"Không làm gì đâu".
"Không làm chuyện gì nó cũng đủ khổ rồi".
"Bà thương nó hả?".
"Tôi thương thân tôi thôi. Với con gái tôi và cháu ngoại tôi. Tôi là đàn bà đâu nghĩ xa được chuyện gì".
"Bà nói y như con gái bà vậy. Con gái bà bỏ đi đâu lâu lâu về một lần lại bày đủ thứ chuyện làm cực tụi tôi. Tụi tôi rảnh đâu cực thân với cái đồn quèn như thế này. Tôi trả bà gói thuốc nè".
Rồi người đàn ông ngồi im lặng hút thuốc, đốt hết điếu này tới điếu khác không thấy thảy trả gói thuốc. Chút sau nghe có tiếng động nước rồi trưởng đồn chèo xuồng tới cặp xuồng lại lò dò bước lên. Hai người ngồi nói chuyện với nhau trong bóng tối ngoại nghe được tiếng còn tiếng mất.
"Ông già chết mấy anh xuống địa ngục hết". Người đàn ông nói.
"Tụi tôi đâu muốn, lịnh trên mà". Thằng trưởng đồn đáp.
"Lịnh trên nào?".
"Thì trên huyện, trên tỉnh".
"Không đi lính sao có lịnh?".
"Tại ông già không chịu ăn cơm".
"Anh có con anh chịu đổi mạng không?".
"Tôi không có con".
"Đã nói anh xuống địa ngục mà".
Họ còn nói gì nữa rồi ngoại nghe thấy tiếng cười đàn ông:
"Thôi như vậy hén, đúng giờ rồi... Anh chỉ cần mở cửa đồn ra... Không ai nổ phát súng nào hết...".
Rồi một lúc lâu nữa, giọng khác hẳn:
"Thằng lính đồn có lương cho điếu thuốc thơm coi! Lương khá không? Chà lâu quá, nhớ hôm nào mình còn đi chăn trâu chung với nhau. Làm sao không cưới nổi vợ vậy? Thật tình tao muốn đưa mày xuống địa ngục quá!".
Họ ra về. Trời dứt mưa, nước rút dần, con mày mò mãi rồi cũng câu được con cá nhỏ xíu con cứ khoe mãi.
Đã giáp Tết rồi, hai bà cháu mình dọn dẹp căn nhà, lau bàn thờ lư hương để có được chút nhang khói. Đêm ba mươi ngoại bắt con thức tới giờ giao thừa, con còn nhỏ cũng phải biết lúc nào ông bà mình về ăn Tết với mình. Con thức khuya rồi dậy trễ, sáng mồng một trời sáng bạch con vẫn còn ngủ cho tới lúc một người đi ngang ngoài đường la vào với ngoại:
"Có hay gì chưa? Đám lính đồn bỏ trốn hết rồi, vắng tanh vắng ngắt như bị ma đuổi vậy".
Chẳng có ma nào cả, ngoại nghĩ bụng. Là do mẹ con đó thôi. Ngoại mừng quá không biết làm sao báo tin cho mẹ con biết. Ngoại đâu biết rằng lúc đó meẹ con cũng đang dự trận ở Sài Gòn và đã chết sau đó mấy ngày. Một người trẻ tuổi về báo cho ngoại biết tin đó, nếu không còn có con không biết làm sao ngoại sống được. Cho tới giờ ngoại cũng thường tự hỏi mình như thế.