Tiếng vó ngựa lộp cộp, lộp cộp! Tôi đánh xe ngựa suốt ngày, có cô ấy ngồi bên, tối về nằm ngủ một mình trong căn chòi tiếng vó ngựa lại vẳng bên tai, thế là hình ảnh cô ấy lại hiện ra, như cô ấy đang cùng ngồi với tôi, sát cạnh bên. Và thế là tôi thức dậy ngồi vào bàn viết. Tôi chỉ viết về đêm, trong những lúc yên tĩnh như thế này. Căn chòi ngăn đôi tôi một bên con ngựa một bên, tôi ngồi viết bên này con ngựa dậm chân đuổi muỗi bên kia. Hàng xóm yên ngủ cả. Đêm tối càng tĩnh mịch tôi viết càng hăng say. Tôi thích viết lắm! Từ xưa tôi đã thích viết rồi. Hồi đi học khi phải đọc bài tôi cứ cà lăm cà lặp nhưng viết thì trôi chảy lắm. Không biết do đâu tôi có khả năng đó. Nhưng thật ra trước kia tôi chỉ viết vậy thôi, chủ yếu kể chuyện những điều tai nghe mắt thấy, thích thì viết chớ chẳng thấy có sự rung động nào, chỉ khi đến quen biết cô ấy tôi mới thấy những trang viết của tôi có ý nghĩa, khi viết tôi như được gần cô ấy và những trang viết của tôi là những kỷ niệm của tôi với cô ấy, chỉ riêng tôi mà thôi, viết xong tôi đem chôn xuống ao rau muống để không còn ai đọc được.
Sau này khi biết tôi hay viết cô ấy thường trách tôi chẳng biết giữ gìn, rằng người biệt động phải dấu tung tích tôi lại để phơi mặt mình ra, tôi bào chữa rằng tôi chỉ viết chuyện đời riêng của tôi không ghi tên tuổi địa chỉ gì cả, viết xong tôi đem chông xuống ao rau muống thì còn ai đọc được.
Nhưng có lần cô ấy lại khen tôi: "Anh viết hay quá! Em không viết được. Em biết nhiều chuyện nói bao nhiêu cũng được nhưng sao viết chữ nghĩa không ra".
Thật ra không mấy lần cô ấy gặp tôi viết. Cô ấy ở trong xóm với bà chị tôi, tôi ít vào trong đó. Tôi cất căn chòi ở gần đường lớn để tiện bề đánh chiếc xe ngựa đi về. Sau này trở thành người trong đội biệt động tôi càng ít về trong đó hơn, để tránh bị liên lụy. Hai người biệt động ở chung với nhau sự nguy hiểm sẽ tăng gấp đôi. Tôi cũng ngại về trong ấy vì sợ nghe bà chị tôi cằn nhằn về chuyện vợ con. Bà chị tôi muốn tôi lấy vợ nhưng tôi còn có thể lấy ai được nữa, thương ai được nữa?
Nhưng lâu lâu nhớ cô ấy quá tôi lại tuôn về, đánh theo cả chiếc xe ngựa khiến mấy ông già trong xóm cười ngất: "Coi thằng quỉ câm đánh xe ngựa qua cả ao rau muống kìa". Và như phần số của tôi như vậy, những hôm tôi về trong xóm cô ấy lại không về, tôi tức mình ra ao cắt đầy một xe rau muống đem ra chợ bán đem tiền về cho bà chị tôi để bà để dành cưới vợ cho tôi.
Tôi vào đội biệt động, thực sự chỉ là đánh xe chở người chở "hàng" cho cô ấy, cứ như cô ấy là người chỉ huy trực tiếp của tôi vậy. Thường trước chuyến công tác cô ấy báo trước cho tôi một ngày tôi chuẩn bị ngựa xe sẵn sàng, hôm sau trời chưa sáng cô ấy đến gõ cửa căn chòi của tôi, gõ một cách khó khăn vì chẳng có miếng ván nào để gõ cả, thế là cô ấy kêu toáng lên tôi liền trở dậy thắng ngựa vào xe, cô ấy tiếp tôi một tay vừa làm vừa cười nói huyên thuyên, xong rồi cô ấy lên ngồi phía trước với tôi chúng tôi đánh xe ra đi, cô ấy vẫn cười nói thỉnh thoảng lại nghiêng sát vào người tôi, gặp đám lính chặn lại xét hỏi cô ấy lại cười nói đẩy đưa với chúng và chúng tôi đi qua trót lọt hết. Nhưng bận trở về mới gay go. Chúng tôi chở thêm người và "hàng" dấu trong mấy chiếc giỏ đựng trái cây bên trên có bày mấy chiếc bánh bao có dấu kíp nổ trong đó, bọn lính lại chặn lại xét hỏi và cô ấy lại cười nói đẩy đưa và chúng tôi lại đi qua trót lọt. Nhưng có một lần có một tên lính chết đói như thế nào bỗng chỉ một chiếc bánh bao đòi ăn và cô ấy cầm lấy đưa luôn cho nó khiến tôi kinh hoàng tưởng chiếc kíp nổ sẽ nổ tung trong bụng tên lính và chúng tôi cũng tiêu đời luôn. Nhưng rồi sau đó cô ấy cười nói:
- Em đã tính trước rồi mà. Em quá biết đám lính chết đói này nên đã chuẩn bị sẵn cho chúng mấy chiếc bánh "không nhân". Em thương chúng không muốn cho chúng chết anh còn trách em điều gì?
Không biết từ lúc nào và bằng cách nào cô ấy vào được trong xóm tôi. Thằng Mặt Mâm khoe là chính nó đã đưa cô ấy vào. Có thể lắm, thằng trời đánh đó chuyện gì cũng làm được. Một bữa nó sang nói với bà chị tôi: "Có cô tiên đẹp lắm lạc vào xóm mình bà đem về làm dâu đi". Đó là tôi nghe bà chị tôi kể lại vậy thôi. Nhưng một bữa tôi về đã thấy cô ấy ở trong nhà rồi lăng xăng dọn dẹp nhà cửa nấu cơm nấu nước cười nói ríu tít với bà chị tôi như người quen thân lâu lắm rồi vậy. Bà chị tôi cũng có vẻ thích mê cô ấy nhưng lại làm bộ cằn nhằn tôi: "Mày đừng ngấp nghé làm gì nó không chịu lấy mày đâu". Tôi ngấp nghé gì đâu, tôi mới về tới thôi mà? Tôi vào trong nhà không cả chào hỏi cô ấy bắt chiếc ghế ngồi một góc coi như không phải nhà tôi. Cô ấy nấu cơm dọn ra ngồi xếp hai chân qua một bên kêu tôi cùng ăn nhưng tôi nói tôi ăn ngoài chòi để xe ngựa rồi, cô ấy bèn ăn với bà chị tôi, vẫn cười nói cho đến tối lên giường nằm với bà chị tôi các câu chuyện vẫn không dứt. Tôi ngồi hút thuốc một chập rồi lấy chiếu trải nằm luôn ở đó, bỏ mặc con ngựa với chiếc xe ngoài căn chòi, nhưng tôi nào ngủ được cô ấy cứ nói chuyện thành ra coi như tôi thức sáng đêm cùng với các câu chuyện của cô ấy.
Sáng ra tôi trở dậy đi về nhà để xe của tôi cô ấy liền chạy theo nói:
- Cho em theo với! Em thích đi xe ngựa lắm!
Tôi không ừ hử gì ráo cứ để mặc cô ấy đi theo. Chúng tôi về căn chòi tôi hì hục bắt ngựa vào xe, cô ấy tiếp tôi một tay, lại huyên thuyên về chuyện ngựa nghẻo như cô ấy cũng là dân đánh xe ngựa vậy. Rồi chúng tôi đánh xe ra đi cô ấy ngồi sát vào tôi giành lấy dây cương và trời đất ơi, con ngựa ngoan ngoãn đi theo cô ấy như nó bị cô ấy bỏ bùa mê vậy. Người đi đường đều ngoảnh nhìn hai chúng tôi, chắc thấy cô ấy nói nhiều quá, hoặc tưởng chúng tôi là vợ chồng mới cưới. Chúng tôi đi suốt ngày không biết để làm gì, tới chiều tối cô ấy theo tôi về luôn ngoài căn chòi, tôi tháo ngựa ra cô ấy đi vòng quanh xem xét chỗ tôi ở rồi trở lại nói với tôi:
- Anh có căn chòi đẹp quá! Anh ở đây được rồi về trong nhà làm gì, con trai lớn rồi cứ bám theo chị làm sao cưới vợ.
Rồi cô ấy lại đi rảo quanh nữa, chút sau thấy lôi về một đám con nít hô hào chúng dọn dẹp quét tước chung quanh phút chốc cả căn chòi tôi đã sạch sẽ trống quang. Rồi cô ấy nấu cơm cùng ăn với tôi. Cô ấy nói:
- Tôi đã ở nhà chị anh rồi coi như tôi là em gái anh. Hay chị cũng được. Chị anh có vẻ không ưa tôi nhưng tôi cứ ở, tôi có ăn thịt anh đâu mà sợ!
Đó là ngày đầu tiên. Ngày hôm sau và nhiều ngày sau nữa cô ấy cùng đi với tôi như vậy, tôi ngạc nhiên vì tính tình hoạt bát của cô ấy nhưng tôi cũng thấy cô ấy có nỗi buồn sâu xa nào đó. Thỉnh thoảng đang cười nói cô ấy bỗng ngưng bặt mắt nhìn có vẻ lo âu trầm lặng, rồi khẽ thở ra một hơi dài lặng lẽ. Nói chung cô ấy thường có những nét tương phản như vậy, cứ vui buồn bất chợt cứ như thời tiết mưa nắng không thể nào biết trước được. Ngay vẻ ngoài của cô ấy cũng vậy, cô ấy ăn bận sang trọng cử chỉ duyên dáng nhưng nhìn kỹ vẫn thấy rõ là một cô gái quê. Và có lần tôi nhìn thấy tuồng chữ của cô ấy, cứ như gà bới vậy.
Không nhớ lúc nào tôi làm việc cho đội biệt động. Đúng ra tôi làm việc cho cô ấy. Cô ấy thường đón xe tôi đi, giới thiệu với nhiều cô gái khác nữa cùng đi, các cô có cùng một kiểu đùa giỡn bỡn cợt với đám lính gác dọc đường khiến xe tôi đi qua một cách dễ dàng, không mấy khi bị xét hỏi. Sau này nhớ lại tôi nghĩ là tôi đã đoán ra việc làm của cô ấy và các cô gái kia từ lâu rồi nhưng tôi không nói ra. Hỏi chuyện người khác tôi rất ngại. Cho đến một hôm sau khi đánh xe hết cả ngày về nhà cùng ăn cơm trong đêm khuya vắng lặng cô ấy bỗng nói:
- Em thật ngại quá! Chắc anh biết việc làm của tụi em rồi chớ gì? Biết nhưng không nói ra phải không? Vậy là anh cho tụi em làm phải không? Nhưng em ngại rồi sẽ làm liên lụy cho anh...
Cô ấy còn nói nhiều nữa nhưng tôi không nghe hết, tôi đang lo điều cô ấy sắp nói tới. Và quả nhiên cô ấy nói tiếp:
- Hay là như vầy: tụi em không đi xe anh nữa! Em đã ở nhờ nhà chị em rồi lại còn làm khổ anh...
Tôi không thể tưởng tưởng được bắt đầu từ ngày mai tôi đánh xe ngựa không có cô ấy ngồi bên. Tôi liền nói:
- Không, cứ đi đi.
Tôi chỉ nói cụt ngủn như vậy, đó là kiểu nói của tôi, nhưng tôi đâu cần gì thấy cô ấy vui mừng là tôi thỏa lòng rồi. Thế là bữa cơm tối hôm đó thành một bữa cơm vui, cô ấy hớn hở bắt qua chuyện khác kể đủ thứ chuyện về cô ấy, chuyện hồi cô ấy còn nhỏ ở với bà mẹ dưới Long Xuyên, lúc cô ấy năm sáu tuổi gì đó, bà mẹ phải cột chân cô ấy vào cọc chèo để hai mẹ con chèo xuồng vô đồng giăng câu bắt cá sống qua ngày. Đó là thời kỳ khổ cực và sau này cũng vậy, cuộc đời cô ấy là một chuỗi dài những năm tháng khốn khó chẳng lúc nào sung sướng thảnh thơi. Nhưng cô ấy là một cô gái không chịu an phận, chẳng chịu ăn hoài củ co củ ấu cô ấy ra chợ Long Xuyên tìm việc làm, rồi lên Sài Gòn, cô ấy bươn chải nhưng sự khốn khó chẳng buông tha cô ấy. Cho đến một hôm cô ấy đang ngồi rửa ngói ở bến sông Cầu Ông Lãnh thì tình cờ gặp được một người, người ấy đem cô ấy về một chỗ có cơm ăn áo mặc, được học hành và bắt đầu làm công việc không phải cúi đầu tủi nhục như trước kia. Cô ấy nói chuyện với tôi suốt đêm, không dấu giếm gì cả, và sáng hôm sau mọi chuyện lại như cũ, như không hề có điều bí mật ghê gớm cô ấy nói với tôi, xe vẫn được đánh đi cùng với cô ấy và những cô gái khác và những giỏ trái cây chết người ấy.
Thỉnh thoảng tôi có đi dự những cuộc họp hoặc những khóa huấn luyện ngắn hạn, vẫn cô ấy đưa đi, ở đó tôi được gặp một người cô ấy giới thiệu là người chỉ huy, đó là một người đàn ông cao lớn trắng trẻo, có vẻ là người có học, lời nói cử chỉ có vẻ đàng hoàng đỉnh đạc nhưng không hiểu sao tôi thấy có phần nào xa lạ. Thế là ít nói tôi lại càng ít nói hơn, tôi gần như chưa nói chuyện với người ấy lần nào. Người đó cũng có vẻ lạnh nhạt với tôi. Nhưng có một lần người ấy bỗng đi ra sau vỗ vai tôi cười nói:
- Cô ấy nương náu nhà anh chúng tôi thật biết ơn anh lắm.
Tôi không nói gì cả, tôi không biết chuyện ơn nghĩa gì ở đây.
Từ ngày vào công tác, nghĩa là đánh xe ngựa đưa cô ấy và những cô gái khác đi với những "bánh trái" mang theo tôi thấy chẳng có thêm khó khăn gì, trừ chuyện nguy hiểm có thể xảy ra. Nhưng chẳng thấy có chuyện nguy hiểm gì cả, ngược lại tôi có được cô ấy ngồi bên, tối về cùng ăn cơm với cô ấy, tôi cho con ngựa ăn cô ấy đi rảo quanh nhà rồi vào coi những trang viết của tôi cười nói:
- Anh vẫn viết, không nghe lời em à? Đã chôn kỹ dưới ao rau muống chưa? Thôi coi như anh viết luôn dùm em, sau này có ai đọc được người ta biết chuyện cả hai chúng mình.
Rồi cô ấy lại nói:
- Ôi anh dễ thương quá, em không lỡ thương người khác em sẽ thương anh.
Một hôm cô ấy bảo tôi:
- Hôm nay mình đi thăm nghĩa trang đi anh, mình giả làm vợ chồng đi thăm bà cố. Anh nhớ nhắc em mua nhang đèn.
Chúng tôi bỏ xe ngựa ở nhà đi xích lô, cô ấy gần như ngồi trong lòng tôi lại còn nghiêng đầu sát vào tôi cười nói, dù đường lúc đó vắng tanh bác xích lô già mặt lạnh tanh, tôi thấy không cần thiết phải giả làm vợ chồng làm gì.
Nghĩa trang ở đường Nguyễn Trãi, một khu đất rộng có tường bao quanh, cạnh một tòa nhà xây bằng đá tảng kín mít có lính Mỹ thường xuyên ra vào, tôi đoán là đám sĩ quan không quân vì ở đó gần sân bay Tân Sơn Nhất. Cả hai bên cổng nghĩa trang và tòa nhà đều có lính gác. Chúng tôi có đem theo khẩu súng ngắn và trái lựu đạn để phòng thân, cô ấy dấu trong chiếc giỏ xách, tới gần cổng cô ấy xuống xe cho bác xích lô cả một nắm tiền nhưng khi mua nhang đèn bánh trái cô ấy trả giá từng đồng một, còn cãi cọ một chập với người bán hàng nữa. Có hai tên lính gác đi tới lui, một tên dừng lại nhìn chằm chằm vào chiếc giỏ xách khiến tôi chột dạ nhưng cô ấy cứ cười nói như không:
- Em cúng bà cố em mà. Em không biết mặt bà cố nhưng ông bà thì phải cúng.
Chúng tôi lách qua cổng đi vào. Nghĩa trang có nhiều cây to bóng mát, các dãy mả xếp thành từng hàng đều đặn, phần nhiều đã cũ, có ngôi lớn bằng căn nhà có mái che và hàng rào bao quanh, phía trước có cẩn gạch men màu sắc lòe loẹt diêm dúa. Lại có những ngôi mả chỉ là một nắm đất đơn sơ chẳng thấy có nhang đèn gì cả chỉ có lá khô rụng đầy. Như đã biết trước cô ấy dẫn tôi đi thẳng đến một ngôi mả sát bờ tường, phía bên tòa nhà của tụi Mỹ, bên trên có tàng cây bông giấy che kín có thể từ đó leo qua bên tòa nhà một cách dễ dàng. Trong lúc cô ấy bày nhang đèn ra tôi ngó quanh ngôi mả, liếc nhìn tấm mộ bia ngạc nhiên thấy đó không phải mả "bà cố" nào cả mà chỉ là mả một đứa con nít mới chết. Nhưng cô ấy không màng gì tới chuyện đó quì xuống lầm thầm khấn vái với vẻ nghiêm trang thành kính, tôi nghe vô số tiếng "bà cố" thốt ra trong lời khấn, không biết hai tên lính gác tình cờ đi ngang nghe thấy sẽ hiểu chúng tôi như thế nào.
Rồi cô ấy bắt tôi cùng quì khấn và thì thầm vào tai tôi:
- Bên kia là tòa nhà của tụi Mỹ. Chút nữa anh dòm kỹ rồi đêm mai ta leo qua đó.
- Đặt trái hả? - Tôi hỏi.
- Chưa đâu. Đêm mốt mới đặt. Em dẫn anh vô để anh quan sát. Phải tính toán thật kỹ. Tính trong đầu thôi.
Cô ấy kéo tôi đứng dậy đi ra phía sau ngôi mả tìm chỗ trống bày đồ ăn ra kêu tôi cùng ăn, nói:
- Mình ăn phần của bà cố. Em thương bà cố em lắm. Ôi mả nhiều quá, người ta chết nhiều quá! Nhưng người chết không được chôn ở đây thì chôn ở đâu?.
Người đi viếng nghĩa trang rất đông, lũ lượt tới lui trên các lối đi. Nhưng nhiều người như đi chơi vậy thôi chớ không viếng ai cả, trông họ thảnh thơi nhàn tản, như đi dạo mát. Nhưng dưới bước chân họ sỏi vẫn kêu lạo xạo như tiếng vỡ vụn âm thầm của xương cốt.
Chỉ mới quá trưa một chút thôi, chúng tôi còn phải ở đây tới tối. Ăn xong cô ấy lại bày nhang đèn ra khấn vái nữa, và tôi ngạc nhiên xiết bao khi thấy trong lúc lầm rầm khấn vái cô ấy đã rưng rưng nước mắt khóc. Không biết cô ấy tìm đâu được mối thân tình với "bà cố" vu vơ nào đó thực chất chỉ là một đứa nhỏ mới sinh. Trời xế chiều dần. Chúng tôi đợi đến độ năm giờ, nghĩa trang chuẩn bị đóng cửa tìm chỗ kín núp vào, hai tên lính gác xem xét rồi đóng cổng chúng tôi ung dung trở ra ngôi mả tìm chỗ nằm nghỉ.
Nhưng chẳng có chỗ nào cả, chỉ có khoảng nền gạch phía sau ngôi mả tương đối phẳng và sạch. Thế là chúng tôi nằm xuống bên nhau.
Trời đã tối, đèn bên kia bật sáng, tụi Mỹ bắt đầu ra chơi bóng trên sân. Cô ấy nói:
- Chúng chơi dã cầu đó anh, trò chơi gì kỳ cục em không biết. Nhưng bọn chúng thì em biết. Đó là đám phi công lái máy bay bỏ bom chỉ cần một thằng với một chiếc máy bay chúng phá tan làng xóm hết.
Tôi làm thinh và cô ấy lại nói tiếp:
- Chút nữa anh hãy quan sát thật kỹ coi chúng đông ra sao sân bóng thế nào từ đây tới đó bao xa. Anh hãy coi kỹ chỗ khán đài đó là chỗ mình đặt trái, nên đặt trái chỗ nào cách mắc dây ra sao làm sao xóa dấu vết, phải tính trước hết tính đến từng giây chừng làm rồi không còn tính được gì đâu. Anh ngủ hả?
- Không.
- Anh làm được không?
- Được.
- Vậy anh ngủ đi. Chút nữa chúng ra đông mình leo qua coi, đứng bờ tường này coi thôi.
Một con chó từ đâu đến nằm phủ phục canh chúng tôi. Chắc là chó hoang, ốm trơ xương, lông xám xịt, tai nhọn hoắc và mỏ như dính lọ. Nó nhìn chúng tôi đăm đăm khiến cô ấy lo sợ nhưng nó không có vẻ gì muốn sủa cả, còn lộ vẻ thân thiện muốn làm quen. Chắc nó đi hoang lâu lắm rồi chán cảnh một thân một mình rồi. Tôi thảy cho nó một miếng bánh nó không hề động đậy nhưng tôi quay đi một chút nó lại miếng bánh đã biến mất. Tôi thảy cho nó miếng bánh nữa, lần này nó ăn ngay, ăn một cách chậm rãi từ tốn như con chó nhà giàu.
Tôi và cô ấy nằm sát vào nhau, qua khe hở của tàng cây bông giấy có thể thấy được bầu trời đầy sao.
Đám Mỹ đã kéo ra sân bóng đông lắm rồi, nghe tiếng chúng ồn ào bên ấy, tiếng chúng chơi bóng và cả tiếng ồn ào cãi cọ như có một cuộc nhậu lớn bên đó.
- Đi, anh. - Cô ấy nói - Phải ghi nhớ tất cả. Cô ấy thêm. Chúng tôi trở dậy tìm cách leo qua bờ tường. Tàng cây bông giấy thật rậm, gần như che khuất tất cả, cô ấy người nhỏ xíu nên tôi bồng đưa qua đầu tường một cách dễ dàng. Rồi tôi cũng leo qua theo liền sau đó. Sân bóng của tụi Mỹ hiện ra sáng ánh đèn, tụi Mỹ chơi bóng trên sân, ngồi trên khán đài, đi tới lui cầm rượu uống cười nói ngả ngớn với nhau. Tòa nhà cạnh đó, cao sừng sửng, tôi đã từng biết nó rồi trong những lần đánh xe ngựa qua lại nhưng trong đêm trông nó càng cao lớn hơn. Các phòng đều sáng đèn, có tám dãy phòng phía trước, bên hông bốn dãy. Có thể có từng hầm bên dưới. Một chiếc ống khói lớn nhô lên trắng toát phía sau, chắc của nhà máy điện riêng của tòa nhà. Sân bóng rộng chừng nửa mẫu đất, đèn sáng trưng, có chiếc khán đài nhỏ với năm bảy hàng ghế tụi Mỹ chen nhau ngồi chật cả. Từ chỗ chúng tôi đứng tới đó chừng ba trăm thước, hoàn toàn trống trơn, có mấy chậu kiểng và một hàng rào mỏng có thể dùng kéo cắt sắt cắt được nhưng làm sao đem thứ đó vào nghĩa trang cùng các thứ đồ cúng kiến được?
Cô ấy nói:
- Anh thấy hết chưa? Anh dòm kỹ chưa! Mình sẽ đặt trái chỗ chiếc khán đài đó và đêm ngày mốt vào giờ này không thằng Mỹ nào còn sống sót hết.
Rồi cô ấy lại nói:
- Chúng chơi trò kỳ cục quá anh thấy không? Nhưng chúng ném bom thì chính xác lắm. Con em đang ở dưới quê, em đánh chận chúng trên này để chúng không đi ném bom con em.
Công việc đêm nay của chúng tôi chỉ có như vậy thôi. Đúng ra là cho riêng tôi vì cô ấy đã biết trước rồi. Chúng tôi leo trở qua nghĩa trang và còn cả đêm dài trước mặt. Chúng tôi có thể leo tường ra ngoài nhưng chúng tôi không muốn liều lĩnh, biết đâu tụi tuần tra có thể bắt gặp.
Con chó đã bỏ đi rồi và chúng tôi lại nằm bên nhau. Cô ấy nói:
- Thôi mình ngủ đi chờ sáng mai ra về. Ta sẽ thay nhau thức gác. Anh ngủ trước đi. Ôi anh hiền quá! Để em cưới vợ cho anh nghe? Em sẽ tìm một cô hiền hậu chớ không lanh chanh dữ dằn như em. Anh không ngủ hả?
Cô ấy cứ nói hoài làm sao tôi ngủ được. Lại còn nằm sát vào tôi, luôn day trở nữa. Mỗi lần cô ấy nghiêng người một chút là tôi cảm thấy đụng phải bộ ngực căng tròn của cô ấy.
- Anh không ngủ vậy ta nói chuyện chơi chút nghen? - Tiếng cô ấy lại vang lên - Lâu rồi anh không về trong nhà phải không? Em cũng bận việc quá. Ôi anh ở cái xóm thật kỳ, từ đời thuở nào không có điện phải không? Cứ như ở dưới quê vậy. Ôi em nhớ quê em quá. Em nằm lơ mơ một chút lại thấy em hồi còn nhỏ chân bị cột vào cọc chèo, mẹ em phải làm như vậy để hai mẹ con chèo xuồng ra đồng giăng câu bắt cá. Cánh đồng nước mênh mông không có bến bờ gì cả. Em bò loanh quanh trên sạp xuồng thỉnh thoảng thò tay ra ngoài ngắt những lá sen, bông súng, với những con cua nhỏ xíu trên những giề lục bình. Chắc bây giờ con Mai Hương cũng như em vậy.
Cô ấy thủ thỉ bên tai tôi tiếng khẽ đến nổi tôi tưởng tiếng từ trong trí tôi vang lên. ánh đèn từ bên kia sân bóng dọi lên tàng cây bông giấy hắt xuống chỗ chúng tôi nằm một làn ánh sáng lờ mờ. Cô ấy nằm thẳng người, tôi liếc nhìn sang thấy cô ấy đang thở phập phồng.
- Nói gì đi anh, nói chuyện cho đỡ buồn. - Cô ấy lại nói - Em nói chuyện nhiều quá phải không? Sao anh không hỏi gì em hết vậy, không muốn biết gì về em hết hả? Không muốn biết em gắn bó với ai, tại sao em không có chồng lại có con, sao anh không hỏi một câu nào hết vậy? Đời em cũng cay đắng lắm anh ơi, một thân một mình lên thành phố như vầy giờ lại thêm gánh nặng coi cái, em đã gởi con em về cho mẹ em nhưng làm sao em yên được. Thật ra em cũng muốn lấy chồng cho rồi, cho đâu đó có nơi có chốn nhưng chuyện đời đâu suông sẻ như đũa trong ống được. Người em gắn bó đó mà, người cha của đứa con em lại không muốn cưới em làm vợ. Anh ấy nói bận công tác. Anh ấy là người chỉ huy có trách nhiệm với nhiều người cớ không phải với một người. Anh ấy muốn coi em là người lính hơn là người vợ. Em nói em cũng vậy, em cũng bận công tác cũng có trách nhiệm với nhiều người nhưng em không vì việc này mà bỏ việc kia. Nhưng thôi giờ em không cần nữa, anh ấy có muốn em cũng không cần. Con em sau này cũng không cần đâu. Kìa anh ngủ à? Thức một chút đi anh, thức nghe em nói hết chuyện này. Nhưng thôi em đã nói hết rồi. Ôi em nhớ con em quá, sữa em căng đầy nhức buốt cả ngực. Xong trận này em phải về thăm con em mới được, em ở lâu với nó một chút, công tác thì cũng có khi có thì. Trời sắp sáng chưa anh? Ôi sao trời nhiều quá, mỗi người có một ngôi sao chưa chắc đã hết số đó. Nhưng ngôi sao nào là của em?.
Con chó trở lại từ hồi nào nằm ngó ra ngoài như để canh chừng dùm chúng tôi.
- Dạo đó em đã lớn hơn một chút có thể tiếp mẹ em lặn móc củ co củ súng - Cô ấy lại nói tiếp - Có một người đàn ông lớn tuổi chắc muốn tán tỉnh mẹ em cứ chèo xuồng quanh chỗ hai mẹ con em cười nói trêu chọc: "Bà mẹ trẻ có cô con gái đẹp quá! Ba nó đâu? Sao lại cho con gái ăn củ co như vậy? Con gái ăn củ co nhiều mọc lông xấu lắm". Em nghe vậy thì sợ quá. Em bèn nói với mẹ em: "Má cho con ra chợ Long Xuyên tìm việc làm có tiền ăn cơm con sợ ăn củ co mọc lông xấu lắm". Mẹ em nghe vậy liền cười nói: "Ôi thằng cha già mắc dịch chỉ giỏi dọa con nít". Nhưng rồi mẹ em buồn rầu nói tiếp: "Đi đi con! Mẹ không nuôi nổi con me cũng không thể cản, con lớn rồi cứ bươn chải có khi cũng nở mày nở mặt được với người ta". Em liền khăn gói ra đi. Chợ Long Xuyên rộng lớn nhà cửa san sát người đi đông nghẹt ngoài đường. Em quá giang một chiếc ghe chở cá từ bến sông bước lên đi thẳng lại nhà lồng chợ tìm gặp được một bà bán cá mập mạp xin làm công không chỉ xin được ăn cơm thôi. Bà bán cá mập mạp tra hỏi em đủ điều nào em bao nhiêu tuổi sao em còn nhỏ vậy mà phải đi làm công, em ăn được bao nhiêu mà đòi ăn, em có ngay thẳng không có hay ăn cắp vặt không. Rồi bà cũng chịu cho em làm, cho em ăn cơm còn trả tiền công, cho em ở nhà nữa. Nhưng em đâu chỉ muốn ở Long Xuyên, em còn muốn lên Sài Gòn, em muốn học được một nghề để bảo đảm cho tấm thân, thí dụ như nghề thợ may chẳng hạn. Em cũng nghe nói Sài Gòn đông đúc lắm, chắc có cái gì hay ở đó người ta mới tụ tập đông như vậy.
- Và rồi em lên Sài Gòn, cũng quá giang một chiếc ghe chở cá, cũng lên từ một bến sông, chiếc ghe cá trở về và em thấy mình đứng trơ ra ở đó với những bao tải đựng chuối, cần xé đựng khô, thùng sắt đựng cá nước mắm nước tương... Có một đống ngói đóng rêu xanh chất vuông vức như một hầm mộ. Thành phố xây toàn nhà nóc bằng ngói được đưa về nông thôn. Thấy em đứng đó một bà ốm nhom bước tới nói: "Ngói của tôi đó cô dòm ngó cái gì?" Em nói: "Tôi không thèm ăn cắp ngói của bà tôi không có nhà cửa gì đâu. Nhưng bà rửa ngói sạch đi bán được giá hơn". Bà ốm la lên: "A con nhỏ khôn lanh quá! Cô chịu rửa cho tôi không?". "Bà trả tiền khá một chút thì tôi rửa". Em nói. Chẳng dễ moi tiền bà ốm này nhưng dù sao em cũng có được việc làm. Ngói từ đâu tuôn về chất đống ở đó, bà ốm cấp cho em chiếc thùng chiếc bàn chải thế là em xuống sông múc nước đem lên xối rửa kỳ cọ từng miếng ngói một đến nó đỏ au lên nhưng hai bàn tay em ngâm lâu trong nước thâm tím lại, bị cọ xát vào ngói đến rướm máu. Em ăn ngủ luôn tại đống ngói, kêu cơm dĩa từ một quán cơm bình dân gần đó và mướn chiếc ghế bố đặt giữa đống ngói, suốt ngày rửa ngói mệt đừ người tối đến cứ thế cuộn mình trong chiếc chăn ngủ một giấc từ chập tối cho tới sáng, mặc cho hai bàn tay rát buốt và chuột chạy lạo xạo dưới lưng.
- Em rửa ngói ở đó lâu lắm, đi đâu rồi cũng trở về đó, ngói cả thành phố tuôn về đó em không bao giờ thiếu ngói để rửa. Em vẫn ngủ trong đống ngói vẫn với chiếc ghế bố và bầy chuột đó, ngủ một giấc từ tối tới sáng không thèm mộng mị gì cả. Nhưng có một đêm tiếng còi cảnh sát cứ ré lên từng chập khiến em không ngủ được. Không phải đuổi bắt đám bụi đời, em có quen bọn chúng có động em biết liền. Em liền ngồi dậy, và khi tiếng còi đến sát bên em thấy có một người thanh niên chạy tới với vẻ hoảng hốt như muốn tìm chỗ trốn. Không có chỗ nào tốt hơn chỗ này, em nghĩ như thế nhưng vẫn ngồi yên. Anh ta không nhìn thấy em, chỉ nhìn thấy đống ngói. Đó là một thanh niên chừng hăm bảy hăm tám, cao lớn trắng trẻo, bận quần áo tươm tất như sinh viên nhưng lấm lem rách nát cả. Anh ta vẫn nhìn đống ngói và khi tiếng còi cảnh sát lại ré lên anh ta liền nhảy tọt vào. "Con gái nhà ai ngủ lang thế này?", bị bất ngờ anh ta làm ra vẻ thản nhiên nói. "Có núp thì núp đi" Em nói. Và nói tiếp: "Coi như tôi không biết gì hết nghen". Em thật liều lỉnh nhưng may tụi cảnh sát đã chạy đi hướng khác. Thế là chúng em ngồi nói chuyện với nhau. Anh thanh niên kể chuyện mình, nói anh là sinh viên, chỉ có tham gia biểu tình thôi mà tụi cảnh sát rượt đuổi như thế này. "Biểu tình làm gì vậy?". Em hỏi. "Biểu tình chống Mỹ". Anh thanh niên nói. "Tụi Mỹ qua chiếm nước mình rồi cô ở trong cái hang này không biết gì hết à?". "Tôi không biết". Em nói. "Nhưng cái hang này vừa cứu mạng anh đó". Anh thanh niên cười: "Tôi cám ơn cô, rồi tôi sẽ trả ơn". Em cười hỏi: "Trả ơn thế nào, có nhà lầu ở không?". Anh thanh niên đáp: "Nhà lầu không có nhưng cũng có nhà, tôi sẽ tìm cho cô chỗ ở đàng hoàng hơn cái hang ngói này".
- Em tưởng anh ta nói chơi vậy thôi không ngờ tuần lễ sau thấy anh ta trở lại đỉnh đạc trên một chiếc xe hơi du lịch quần áo sang trọng, đến gặp bà ốm chủ ngói hỏi chuyện em làm việc thế nào em đã rửa ngói xong chưa tiền bạc đã lãnh đủ chưa rồi kêu em lấy quần áo lên xe đi theo anh. Anh thanh niên đưa em về một căn nhà không phải nhà lầu biệt thự nhưng rất rộng chỉ có một người phụ nữ đứng tuổi cai quản, thấy có đám thanh niên đi đi về về cười nói ồn ào, không làm gì cả chỉ có thấy chụm đầu vào nhau bàn chuyện ngày giờ giấc biểu tình, tụi Mỹ đóng quân ở đâu và tàu của chúng cặp bến chưa. Người phụ nữ đứng tuổi tên gọi là "dì Hai" không chồng nên tính tình rất khó khăn, em giúp dì nấu nướng quét tước dọn dẹp bị dì rầy la suốt ngày, nhưng dì cũng chịu khó dạy em học chữ, đọc báo cho em nghe và canh chừng đám con trai không cho chọc phá em. Anh thanh niên không mấy khi đến đó nhưng thông qua "dì Hai" em biết anh ấy thường theo dõi chăm sóc em. Hẳn việc học của em cũng do anh ấy dặn bảo. Và rồi em bắt đầu được giao làm những việc lặt vặt như đi đưa thư, dẫn người đi chỗ này chỗ kia. Lâu lâu "dì Hai" cho em về Long Xuyên thăm mẹ em. Nói chung cuộc sống của em thoải mái hơn nhiều, chỉ riêng việc học may ước nguyện của em không nghe anh ấy nhắc tới. Nhưng như vậy cũng đủ cho em rồi, từ đời thuở nào ngoài mẹ em có ai thương em như vậy đâu, nếu không có anh ấy giờ này hẳn em còn rửa ngói ngoài bến sông...".
Cô ấy ngưng kể ngang giữa chừng khiến tôi thắc mắc tự hỏi: còn điều gì nữa cô ấy không muốn kể với tôi? Nhưng tôi không hỏi, bao nhiêu đó cũng quá đủ cho tôi đau xót cả nỗi lòng rồi.
Trời sáng hồi nào không hay. Chúng tôi trở dậy tìm chỗ chôn dấu khẩu súng ngắn và trái lựu đạn, chờ có người vào viếng nghĩa trang chúng tôi trồi ra bày trò cúng kiến rồi trà trộn theo đó đi ra ngoài.
Vậy là mất cả một ngày đêm chỉ để cho tôi nhìn qua sân bóng của tụi Mỹ. Hay để tôi nghe chuyện đời cô ấy?
Chiều hôm sau chúng tôi lại làm một "cuộc" y như vậy, nhưng lần này trong giỏ xách có bộc phá và kíp nổ. Khi hai tên lính nhìn vào chiếc giỏ cô ấy lại nói: "Em cúng bà cố em mà. Em không biết mặt bà cố em nhưng ông bà thì phải cúng". Chúng tôi đến chỗ ngôi mả và mọi chuyện lại diễn ra như ngày hôm qua. Nhưng đêm đến nằm bên nhau cô ấy không nói gì cả. Tôi thì nôn nao trong bụng. Lần đầu tiên tôi kề cận với hiểm nguy như thế này, ý nghĩ mình sẽ không còn nữa khiến tôi đau thắt ruột gan. Tôi còn trẻ quá! Cô ấy cũng vậy. Tất cả chúng tôi đều ở lứa tuổi thanh niên, chiến tranh cần sức trẻ của chúng tôi. Nhưng đó chỉ là ý nghĩ trong đêm tối, lúc nằm yên mà thôi. Đến mười giờ đám Mỹ tàn cuộc chơi đi ngủ chúng tôi trở dậy leo tường sang bên đó, nương theo bóng tối bờ rào và những chậu cây kiểng chạy thẳng một mạch đến chỗ khán đài. Chúng tôi không đem theo kéo cắt sắt, định liều lỉnh leo lên bên trên nhưng may quá, có một lỗ thủng chỗ lưới nào, chắc của một tên Mỹ nào đó chui trốn khỏi cuộc nhậu. Chúng tôi chun qua đó. Trong lúc làm những việc đó không một ý nghĩ nào có trong đầu tôi hết. Chỉ có hành động, vậy thôi. Một chiếc xe giép từ đâu bỗng hiện ra bật đèn pha sáng rực chúng tôi nhanh chóng nép mình vào sau một chậu kiểng. ánh đèn pha lướt qua khỏi chúng tôi lại chạy đi. Tôi chạy theo sau cô ấy, làm đúng theo cô ấy từng động tác một. Tôi cũng có học mấy khóa huấn luyện ngắn hạn về đặc công và tôi đã áp dụng không chút sai sót. Chiếc xe vẫn còn đảo tới lui nhưng chúng tôi không ngại gì lắm, chúng tôi chỉ cần đứng yên khi ánh đèn pha lướt tới thôi. Loại ánh sáng chói gắt ấy chúng chỉ có thể phân biệt được những vật di động mà thôi.
Khán đài đây rồi. Vắng tanh vắng ngắt, chỉ có vương vải những vỏ lon bia và đủ thứ rác rưởi khác. Chúng tôi nhanh chóng đặt trái, mắc dây điện, đặt kíp nổ, đồng hồ hẹn giờ, dấu kỹ các mối dây và xóa mọi dấu vết, mọi thao tác đều đúng với kế hoạch định trước ở nhà. Đúng ra là ở trong đầu. Rồi chúng tôi chạy trở lại bờ tường leo qua nghĩa trang nằm chờ sáng trà trộn với người vào viếng đi trở ra về nhà. Mọi việc vậy là trót lọt hết, không gặp khó khăn nào cả.
Nhưng khó khăn lại chờ chúng tôi ở nhà. Chúng tôi vừa về tới anh ấy tìm đến nói ngay:
- Thôi không đánh nữa - Anh ấy nói - Ngày mai vào gỡ trái đem ra thôi.
Chúng tôi sững sờ. Cô ấy nói:
- Sao vậy?
- Không sao cả, đó là lịnh trên - Anh ấy nói - Gài trái mấy giờ?
- Chín giờ. Thì cũng đúng...
- Phải vào gỡ đem ra - Anh ấy lạnh lùng nói - Rồi sẽ đánh lớn, đánh đồng loạt chớ không đánh lẻ mẻ như thế này.
Cô ấy quay đi không hỏi gì nữa. Tôi cũng không nói gì, cũng không dám nhìn cô ấy. Chút sau anh ấy nói tiếp, giọng đã bớt lạnh lùng:
- Vào gỡ trong lúc tụi Mỹ còn chơi bóng phải không? Vậy phải làm sao đây?
- Anh hỏi tụi này hả? - Cô ấy hỏi lại, vẫn không quay lại.
- Gay go quá - Anh ấy nói giọng dịu hơn nữa, cố nhìn vào mặt cô ấy - Nhưng đâu có cách nào khác. Lịnh trên mà. Em làm được không?
- Không được cũng phải được - Cô ấy nói - Em đã đặt trái em phải gỡ ra, có đúng không?
- Em phải cẩn thận - Anh ấy nói, vẻ thương cảm hiện rõ trên nét mặt - Mình sắp đánh lớn cần phải giữ gìn lực lượng.
Đó là buổi sáng. Buổi chiều chúng tôi vào nghĩa trang lại cũng làm một "cuộc" y như vậy nhưng lần này là để vào gỡ đem trái trở ra. Cô ấy ăn bận thật diện, quần gin áo pun, trong giỏ xách lúc nào không có gì cả nhưng khi hai tên lính dòm vào, cô ấy lại la lên:
- Em cúng bà cố em mà, em thương bà cố em lắm. Lạy bà cố thì phải lạy mấy lạy hả anh?
Lại leo qua tường nhưng lần này ngay trong lúc tụi Mỹ đang chơi bóng. Không được để cho trái nổ, không được để cho tụi Mỹ chết. Cô ấy nói với tôi:
- Để mình em qua thôi. Em sẽ giả làm gái làng chơi nhào vô chúng. Em sẽ tìm cách lần tới chỗ đặt trái gỡ cho được sợi dây điện rồi mặc cho chúng muốn làm gì em thì làm. Ôi sao em cực quá vầy nè!
Đồng hồ nhích từng phút đến sốt ruột. Chúng tôi nằm bên nhau lắng nghe tiếng tụi Mỹ chơi bóng lịch bịch bên kia. Cô ấy coi đồng hồ liên tục, như đồng hồ chết máy vậy. Rồi cô ấy nói:
- Thôi em đi đây, giờ chắc tụi chúng say rồi. Chúng say em sẽ dễ gỡ sợi dây điện nhưng không biết chúng làm tình làm tội thân em đến thế nào. Để cho chúng sống cũng cực như vậy sao?
Cô ấy leo qua tường và tôi chỉ còn cách ngồi bên này chờ đợi. Tôi đợi mãi, lâu lắm, lắng nghe tiếng bóng lịch bịch cứ tưởng như cô ấy là trái bóng đang lăn trong tay tụi Mỹ. Sao chúng cứ chơi mãi, hôm nay chúng mắc chứng gì vậy? Cho đến lúc tôi tưởng đêm trôi qua rồi, trời sáng và tôi không còn cách gì gặp cô ấy nữa thì nghe có tiếng đập lịch bịch vào tường tôi liền chạy tới thòng tay xuống lôi cô ấy lên.
Trông cô ấy mà thảm thương: tóc rối bù, quần áo rách bươm, mặt mày tay chân trầy suể và đầy những vết thâm tím. Và lại còn nồng nặc mùi rượu nữa! Cô ấy ngã chúi vào người tôi cười sặc sụa tôi tưởng như cô ấy đang khóc nức nở:
- Chúng giành giựt em với nhau anh ơi! Đứa này tưởng em là của đứa kia nên cứ giành nhau. Em kệ chúng muốn làm gì thì làm, cố lần tới chỗ sợi dây điện. Em đã gỡ được sợi dây điện rồi nhưng anh coi thân em đến nông nỗi như vầy nè.
Cô ấy cứ cười nói và còn muốn hét lên khiến tôi phải bụm miệng cô ấy lại. Nhưng đến nửa đêm tỉnh rượu cô ấy lặng thinh không nói gì nữa.
Trời sáng chúng tôi ra cổng tên lính gác nhìn cô ấy rồi nhìn tôi nháy mắt:
- Làm gì dữ vậy em? Làm gì đến nỗi tan nát đời hoa thế hả?
Chúng tôi về nhà anh ấy hỏi:
- Gỡ được sợi dây điện rồi chớ? Trái không nổ chớ?
Cô ấy lạnh lùng đáp:
- Anh có thể vào kiểm tra lại.
- Thôi được rồi - Anh ấy nói - Nhưng mặt mày quần áo em sao vậy?
- Có sao đâu. Em giỡn chơi với tụi Mỹ chút thôi.
Mấy ngày sau chúng tôi dò la thấy tòa nhà không động tịnh gì cả, vậy là chúng không hay biết gì, không hay có người vào đặt trái rồi gỡ đem trở ra. Tuy vậy để cảnh giác tôi nghỉ một thời gian tìm chỗ tránh né, được rảnh rỗi viết hết trang này tới trang khác đem chôn xuống ao rau muống.