Nguyễn bước xuống thang máy bay, anh lựng khựng mất vài giây vì mài ngắm lại khung cảnh thân quen của quê nhà, dù chỉ là cảnh ở phi trường.
Sài Gòn chắc đang vào mùa mưa. Những vũng nước nhỏ và mặt đường trơn ướt khiến anh lâng lâng xúc cảm.
Trên xe buýt chở hành khách từ máy bay vào bến, trong khi anh lia mắt ngắm ngoài cửa sổ thì Xuân Bình lại vướng víu khổ sở vì một túi xách nặng chịch, anh ta càu nhàu.
- Cậu sao mà sung sướng quá vậy, chẳng lẽ cậu mua quà về ít lắm à?
Nguyễn quay lại nhìn Xuân Bình cười:
- Cũng có mua đấy chứ. Gia đình, bạn bè đều có đủ.
Xuân Bình than thở:
- Chẳng biết cậu mua ra sao mà thong dong quá, chứ tôi tay xách nách mang khổ quá trời.
Nhìn hai túi xách vuông vức, nặng nề của Xuân Bình, Nguyễn thắc mắc:
- Trong này là gì vậy? Quà à?
- Không. Toàn là sách thôi. Tôi ém tất cả vào đây.
- Sao không bỏ luôn vào valy? - Anh ngạc nhiên.
Xuân Bình vỗ vỗ vào hai túi xách cười:
- Thỉnh thoảng cũng có nạn lạc hành lý ở sân bay đấy, cậu không biết sao? Quần áo quà cáp trong valy mất còn được chứ mất mấy quyển sách quí giá này làm sao tôi chịu được.
Nguyễn bật cười:
- Vậy là anh tự làm khổ mình rồi.
- Đành chịu vậy - Xuân Bình lắc đầu.
Bước xuống xe buýt, hai người làm thủ tục lấy hành lý.
Xuân Bình cởi phăng áo khoác mồ hồi mồ kê nhễ nhại trên mặt. Anh hỏi Nguyễn khi đẩy xe chất hành lý ra cửa:
- Về chung Taxi với tôi không?
Nguyễn lắc đầu:
- Tôi có người nhà đón.
Xuân Bình ngạc nhiên:
- Giờ này mà nhà cậu cũng ra đón à?
Nguyễn cười:
- Cũng không khuya quá đâu. Anh có về chung thì quá giang một thể?
Xuân Bình xua tay:
- Thôi khỏi vậy. Cám ơn cậu. Để cậu gặp người thân tự nhiên và thoải mái hơn.
Nguyễn cười không ép.
Có tiếng gọi anh từ bên ngoài hàng rào. Anh đẩy xe nhanh lại.
Mẹ anh vui mừng ôm chầm lấy anh. Bà chị thứ hai đứng cạnh cũng cười xòa.
Chia tay Xuân Bình, Nguyễn theo mẹ và chị ra xe. Ngồi trong chiếc Corolla tiện nghi, anh cười hỏi chị Thục:
- Anh chị lại mua xe à?
Bà chị lắc đầu trả lời:
- Em cũng biết tánh ảnh rồi đó. Cứ một, hai năm lại có mua sắm mới. Hết xe đến nhà suốt à.
- Vậy cũng tốt mà chị Thục. Tiện nghi hơn, thoải mái hơn.
Chị Thục trề môi:
- Thoải mái đâu không thấy chị chỉ thấy cực thêm thôi. Cứ mới quen vơi chiếc xe này, anh lại đổi chiếc khác, chỗ ở cũng vậy, hàng xóm láng giềng mới quen lại đổi nhà khác phải làm quen làm thân lại. Riết rồi chị có cảm giác như chị với mấy đứa nhỏ là dân du mục vậy. Mệt thấy mồ.
Bà Lương góp tiếng:
- Thì chồng con làm ăn được, cho nó thoải chí sắm sửa đi. Nó thành công trong sự nghiệp còn lo lắng đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho vợ con là tốt lắm rồi.
Chị Thục cười:
- Nói vậy chứ con cũng đâu dám than nhiều. Có điều lần này ảnh đổi nhà đẹp thật, nhưng lại xa mẹ quá. Con ít có điều kiện dẫn mấy đứa nhỏ qua thăm mẹ thường như trước.
Bà Lương khoát tay:
- Không sao. Miễn con nhớ, thỉnh thoảng con và con Thanh đưa cháu ngoại về thăm là mẹ mừng rồi. Dành thời giờ nhiều cho tụi nhỏ học hành cũng được.
Chị Thục liếc vào kính hậu cười nói:
- Mẹ cũng có tất cả năm, sáu đứa cháu rồi, nhưng chỉ toàn là cháu ngoại mà thôi. Không biết chừng nào cậu Út nhà mình mới nhớ phận sự mà cho mẹ một vài đứa cháu nội mẹ nhỉ?
Nguyễn giấu tiếng cười. Cái câu này anh nghe đã mấy chục lần rồi, hai năm qua vắng hẳn âm thanh, bây giờ nghe lại thấy thật buồn cười.
Anh liếc nhìn sang. Mẹ anh lặng thinh ngắm phố xá. Chết thật! Chẳng lẽ mẹ lại áp dụng chiến thuật dỗi?
Chiến thuật này của mẹ vốn có từ lâu, nhưng từ khi anh đưa Yến Linh về giới thiệu và mẹ tỏ ý không hảo cảm với cô lắm thì mẹ thôi ý định thúc ép anh lấy vợ.
Giờ đây, khi anh và Yến Linh đã không còn gì, có lẽ mẹ lại biểu lộ sự khao khát có cháu nội nữa rồi.
Nguyễn cũng đưa mắt nhìn ra cửa xe, ngắm đường phố. Cảnh vật dường như không đổi trong ký ức anh, nhưng còn tin tức người xưa sao đã lâu quá rồi vẫn chưa có mảy may.
Anh chợt buồn.
Phương Duy. Ngày ấy sao anh cứ dùng dằng, không soi rọi được trái tim mình sớm, để đến khi cô bị xúc phạm anh không kịp chở che, để đến khi cô lặng lẽ bỏ đi biệt, anh mới bàng hoàng nhận ra mình mất mát.
Hai năm trời học tập và nghiên cứu, những lúc một mình anh lại da diết nhớ nụ cười của cô.
Anh đã bên cô lúc mẹ cô mất, lúc cô thất chí, lúc cô tự đứng dậy được. Vậy mà anh không có mặt lúc cô tủi nhục để thanh minh cho cô, bảo vê cho cô. Vì cái gì? Chỉ vì cái tính không quyết đoán trước tình cảm của anh mà ra. Anh đã tự làm hại cô, tự làm khổ mình.
Đứng lặng lẽ ngoài ban công, Nguyễn không nghe tiếng gõ cửa. Bà Lương mở cửa bước vào, trên tay bà là một khay trà nhỏ.
Nhìn dáng Nguyễn cô độc đứng phía ngoài, bà đặt khay trà xuống bàn thấp trong gốc, rồi đi đến cạnh anh.
- Không ngủ được hả con?
Nguyễn giật mình quay lại. Thấy mẹ anh khẽ cười:
- Dạ, mẹ cũng chưa ngủ sao?
Bà Lương cười chỉ vào bàn trong:
- Mẹ đoán là con khó ngủ và... có thể cần người tâm sự, nên đã pha cho con ấm trà nóng đây. Trà từ Đà Lạt anh con gởi về đấy, chắc chắn là quen thuộc và đậm hương vị hơn những vị trà mà ở nước ngoài con từng uống.
Nguyễn bật cười, anh gật đầu:
- Vậy ta vào uống trà đi mẹ, đã lâu rồi con chưa uống lại trà mẹ pha.
Khi đã ngồi với tách trà bốc khói trên tay, màu xanh của trà thật óng ánh trên nền men sứ trắng, Nguyễn hít một hơi chậm và dài như muốn nuốt cả mùi hương dìu dịu và tinh khôi bốc ra từ miệng tách.
Hớp một ngụm trà, vị đắng, chát nhẹ nhàng và quen thuộc khiến anh thấy lòng lâng lâng xúc cảm:
- Mẹ vẫn pha trà tuyệt như xưa.
Câu nói của anh làm bà Lương mỉm cười.
Khi xưa, lúc ông Lương còn sống, bà thường tự pha trà và uống với ông, nhưng giờ phút thư giãn của ông và bà luôn quẩn quanh mùi hương của trà.
Ông mất đi, bà như cũng mất đi cái thú pha trà và trầm ngâm đếm thời gian trong những đêm vắng. Chỉ thỉnh thoảng khi con gái và con rể tụ họp về nhà, bà mới pha trà cho cả nhà uống.
Hôm nay trên đường từ sân bay về nhà, nhìn vẻ trầm lặng của Nguyễn, bà đoán biết tâm sự của con trai, nên muốn dùng hương vị thanh cao của trà để nó dịu bớt lòng.
Tằng hắng nhỏ, bà hỏi:
- Con còn nhớ đến con bé ấy?
Nguyễn ngẩng lên nhìn mẹ. Sự im lặng tố cáo nỗi lòng anh.
Bà Lương nói khoan khoái:
- Mẹ biết con khó mà quên được, nhưng khi con đi, mẹ cũng đã mấy lần điện thoại hỏi những chỗ con ghi, chỗ nào cũng không có tin tức, ngay cả nhà con bé. Cho đến khi ở lần điện thoại cuối cùng để hỏi tin, lần đó chỉ sau khi con đi ba tháng...
Nguyễn nín thở lắng nghe. Giọng bà Lương đều đều:
- Mẹ gọi về nhà con bé, những lần trước không ai nhấc máy, nhưng lần đó có người đã nhấc máy, đó là một người đàn ông giọng cáu kỉnh và bất lịch sự lắm. Hắn nói Phương Duy có ở nhà và đang tắm, có cần đập cửa nhà tắm gọi ra không. Mẹ dã cám ơn rồi cúp máy.
Nguyễn cúi đầu khẽ hỏi:
- Mẹ nghĩ Duy có bạn trai nên đã viết thư khuyên con nguôi đi chuyện cũ?
Bà Lương gật đầu:
- Mẹ muốn con yên tâm tu nghiệp không còn áy nay gì về chuyện cũ. Giờ đây con đã về đây rồi, con có thể kiểm chứng lại suy đoán của mẹ.
Nguyễn trầm ngâm. Ngày ấy nhận được thư của mẹ, bức thư không nói rõ, chỉ khuyên anh đừng suy nghĩ nhiều về Duy nữa. Anh đã tức tốc điện về hỏi mẹ, bà chỉ vỏn vẹn nói anh biết Duy đã có bạn, vậy thôi. Trách nhiệm không cho phép anh bồng bột quay về, nhưng tin tức ấy của Duy luôn là dấu hỏi lớn ray rứt lòng anh.
Nhìn thẳng anh, bà Lương nói nhẹ:
- Mẹ không biết suy đoán của mẹ đúng không, nhưng mẹ đã mất nhiều ngày suy nghĩ để cuối cùng quyết định viết thư cho con như thế. Mẹ muốn con có một thời gian để cân nhắc tình cảm của mình. Mẹ sợ nếu chỉ vì áy náy vì chuyện làm rùm lên một cách vô học của Yến Linh mà con nghĩ đến Phương Duy thì là chuyện ngộ nhận mà thôi. Còn nếu con thật sự yêu thì hai năm trở về, con có thể tìm gặp cũng chưa muộn.
Nguyễn sững sờ nhìn mẹ. Anh không hiểu những suy nghĩ của bà. Tại sao lại như vậy? Hai năm cho anh yên tâm nghiên cứu, lợi ích cho anh thật đấy, nhưng còn Duy? Hai năm qua cô ra sao? Không bạn bè, không chỗ làm, không ai hiểu sự uất ức và tủi nhục vô lý mà cô gánh chịu. Đâu sẽ là nơi cô nương tựa và tìm được sự đồng cảm tin yêu?
Mẹ anh là phụ nữ, là người mẹ. Người mẹ nào cũng nghĩ đến lợi ích và hạnh phúc của con mình trước tiên. Nhưng mẹ cũng có con gái kia mà, tại sao mẹ có thể ích kỷ như thế đối với một cô gái nhỏ đang lâm vào tình huống cần một sự thông cảm tế nhị, một sự an ủi chở che.
Nguyễn thở dài lặng thầm.
Bà Lương quan sát anh và bà chợt nghe lòng se lại. Bà như thoáng phát hiện sự im lặng nặng nề của Nguyễn và ánh mắt buồn rầu, chua chát của anh. Đó là một trách cứ nhẹ nhàng dành cho bà. Nguyễn vốn là đứa con tinh tế, anh không thốt ra lời chỉ vì bà là mẹ anh. Nhưng bà hiểu anh đang xa dần bà. Sự gần gũi, tin tưởng về tinh thần mà bà muốn có giữa hai mẹ con, giờ đây đã dần phai đi rồi sau những lời nói của bà.
Trà đã nguội, đêm đã khuya. Hai mẹ con vẫn ngồi đó, quanh bàn trà, nhưng không khí ấm cúng đã bay mất theo hương trà rồi.
Hai người một già một trẻ mỗi người chìm đắm trong một luông tư tưởng riêng, nhưng cùng chung cảm nhận chua xót và buồn.