Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Mưa hạ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 24186 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mưa hạ
Khánh Mỹ

Chương 5

- Không hiểu tại sao nhỏ Duy khoái mặc áo len chỉ độc màu đỏ - Út càu nhàu - Cái màu chói mắt quá làm Út cứ sót mũi hoài, phải tháo vô tháo ra năm lần bảy lượt.
Duy cười khì trêu cô Út:
- Màu đỏ mới đẹp chứ Út, ai như mấy cái màu xám xì xám xịt của Út, nhìn chán mắt làm sao.
- Mấy màu đỏ phổ thông và đơn giản nhẹ nhàng, màu đỏ của mi rợ quá chừng nhìn không nhu, không nhã một chút nào.
- Vậy mới hợp với nhỏ Duy đó cô Út!
Duy còn đang định lên tiếng trêu chọc cô Út thì nghe tiếng Uyển Thanh cắt ngang. Cô ngẩng nhìn lên, Uyển Thanh và Phong đang đi xuống thang lầu. Phong lịch lãm còn chị Uyển Thanh duyên dáng, thanh cao. "Trông họ thật xứng đôi". Duy nghĩ bụng, lạ lùng là mình đang dửng dưng khi lại phải đụng mặt Phong.
Uyển Thanh xuống hết bậc thang đến bên Duy nói:
- Đúng không? Tánh phá phách ngang bướng của nhỏ đâu có hợp với mấy màu nhu mì. Bởi vậy nhỏ mặc toàn màu nóng. Màu đỏ, màu xanh két, màu cam toàn mấy màu tướng không hà, ngó mới đẹp và hợp với phong cách của nhỏ.
- Con khen màu đẹp vậy con cũng thích mấy màu đó hả? - Cô Út hỏi Uyển Thanh.
Uyển Thanh gật đầu.
- Dạ thích chứ dì Út.
- Vậy sao con không mặc mấy màu đó? Út thấy con mặc chỉ toàn màu trắng thôi.
Uyển Thanh nhìn xuống bộ áo vấy cô đang mặc. Quả thật nó cũng như nhiều bộ quần áo cô có, cũng toàn màu trắng.
Cô mỉm cười:
- Con cũng không hiểu sao nữa. Con rất thích có vài chiếc áo màu sắc như Duy nhưng... dường như chưa có được.
Ngẩm nghĩ một lát, cô lại nói thêm:
- Từ nhỏ mẹ đã cho con mặc toàn trắng, mẹ bảo hợp với nước da trắng của con, nhìn sẽ... thanh thoát. Từ đó trở đi mỗi khi con muốn mua mặc thử những áo quần màu, mẹ cũng phân tích rằng nó không hợp với con. Mặc những áo quần màu sắc như thế sẽ dễ thu hút cặp mắt người xung quanh, mà con thì hay thẹn nên mẹ bảo sẽ không tự nhiên trong bộ quần áo đó. Cho nên... lần nào con muốn.. cũng lưỡng lự, rồi đành thôi.
Đưa mắt ngắm nhìn cái áo len màu cam có nhiều hoa vằn sặc sỡ trước ngực Duy đang mặc, Uyển Thanh nói vẻ ngưỡng mộ.
- Nhỏ Duy thì khác. Dù thiên hạ có chú mục nhìn ngó ra sao, nhỏ cũng có bản lĩnh phớt lờ hết cả mà vui vẻ, mà tỉnh bơ như chốn không người vậy, phải không nhỏ?
Duy mỉm cười không đáp. Cô chả để ý người ta có ngó ngắm những cái áo màu sắc của cô không. Nói đúng ra cô chưa từng để ý đến điều này. Mà quả thực là thế thì có sao đâu, miễn là cô mặc được màu cô thích, làm được cái cô thích là được rồi, có ăn nhằm chi thiên hạ mà sợ nhỉ?
Quay sang Phong đang đứng tựa bên cây dương cầm ở cạnh chân thang, cô Út hỏi:
- Cậu Phong mấy hôm nay đi tham quan Đà Lạt đã chán chưa nhỉ? Có còn cảm thấy Đà Lạt buồn tẻ như lần trước không?
Phong vội trả lời cô Út Sa:
- Dạ thật ra... Đà Lạt rất đẹp... nhưng vì hơi thưa người nên không rộn rịp như Sài Gòn thôi ạ.
Uyển Thanh có vẻ vui khi thấy Phong cũng đã góp chuyện. Cô không để ý lắm đến câu nói của Phong. Còn Duy, cô đang quan sát và ngẫm nghĩ. Dường như ngày trước Phong vẫn thường hay có cách nói vô thưởng vô phạt như thế này, nhưng sao lúc đó cô vẫn nghe xuôi tai nhỉ? Phải chăng là loại người khi yêu thì nhắm mắt, bưng tai yêu bừa, mọi lời nói của Phong đều là vàng ngọc, còn khi đã tỉnh táo thì mới phát hiện được những điểm vô duyên của anh?
Thấy Duy lặng thinh, Uyển Thanh giải thích:
- Duy biết không, anh Phong lần đâu lên chỉ ba bốn buổi là than buồn, xin phép mẹ ảnh về Sài Gòn ngay - Cô liếc anh - Còn lần này ảnh lên một mình, đã gần tuần lễ rồi vẫn đòi chị đưa đi chơi đây đó suốt cả ngày chưa thấy chán.
Duy nhìn Uyển Thanh ngạc nhiên. Vậy đây là lần đến thăm gia đình lần thứ hai của Phong. Chỉ mới lần thứ hai?
Duy biết rõ chị Uyển Thanh xưa nay được cô Hai bọc rất kỹ. Hầu hết lúc nào cũng ở trong nhà. Ngoài Đà Lạt, chị chưa bao giờ đi đâu xa nên Sài Gòn, Vũng Tàu, Nha Trang, Huế... vẫn chỉ là một cái tên suông đối với chị. Tốt nghiệp Trung học đã sáu năm nay, nhưng chị không thi đại học, mà nghe lời mẹ, chị ở nhà học thêu thùa may vá và... học đánh đàn. Cô Hai vẫn giữ gìn chị trong một cuộc sống trưởng giả khép kín. Chị ít giao tiếp, ít bạn bè. Vậy tại sao chị lại quen biết Phong? Phong chỉ lên Đà Lạt một lần, và lần này lại được cô Hai giới thiệu thân mật như một vị hôn phu của chị. Vậy thực sự chuyện này là sao? Phong có ý đồ gì?
Duy nhíu mày nhìn Phong, chỉ thấy anh lẩn tránh tia mắt sắc bén của cô. Duy dựa vào lưng ghế, mơ hồ như mới nhìn thấy được thêm một mặt trái của Phong.
Trước sân nhà bỗng nghe lao xao tiếng cười chào, mọi người trong phòng khác nhìn ra cửa, "chắc nhà sắp có khách rồi đây" Duy thầm nghĩ.
Ước đoán của Duy hoàn toàn chính xác, chỉ có điều linh tính của cô không đủ nhạy bén để biết trước khách khứa là ai thôi.
Nội bước vào phòng khách đầu tiên, miệng cười tươi như hoa. Cha Vinh đi sau, đĩnh đạc và thân thiện. Còn một người cao to đi sau cuối, mà khi mới xuất hiện trong tầm mắt, Duy đã mím môi lại liền. "Lại là hắn, tên bác sĩ nhiều chuyện".
Nội vui vẻ bảo cô Út:
- Hôm nay mẹ mời được Cha và cậu Nguyễn đến dùng cơm chung với chúng ta. Con vào chuẩn bị bàn ăn đi, bảo Uyển Thanh hay Duy phụ một tay.
Duy lên tiếng ngay:
- Để con phụ cô Út.
Trong gian bếp, cô vừa bước vào là bị cô Út túm ngay lấy, giọng cô lo lắng:
- Chết rồi Duy ơi, Út đâu có biết trước mình có khách, thức ăn không có nhiều sao bây giờ.
Duy ngạc nhiên:
- Khi nãy thấy Út rôti gà mà?
Cô Út chắt lưỡi:
- Út chỉ mua có nửa con gà, ăn làm sao đủ. Mà bây giờ tối rồi, chợ đâu còn bán nữa.
Duy cũng ngớ người ra chả biết làm sao. Cô đâu có rành lắm mấy món ăn chế biến cầu kỳ của Út. Ở Sài Gòn, cô và mẹ ít khi làm bếp. Thường thì cô chỉ nấu nồi cơm, còn thức ăn thì mua ở tiệm cơm gần nhà, người ta làm sẵn.
Cô thừ người ngẫm nghĩ cũng chả sáng ra tí nào. Chợt như nhớ ra, cô nói:
- Bây giờ Út nấu nồi cơm nhỏ đi, cơm bới từ từ đến hết nồi lớn thì nồi nhỏ sẽ cũng vừa chín tới.
Cô Út à một tiếng, lăng xăng lấy gạo vo để nấu thêm. Còn Duy, cô đến mở chạn và lắc đầu. Cô Út Sa quả là người siêng đi chợ nên nấu bữa nào, đi chợ bữa đó. Trong chạn chả có gì ngoài mấy trái cà, dăm của hành, tỏi, và mớ xà lách xanh tươi.
Duy nói tếu:
- Con thấy Út nhắc chảo gà rôti lên lần nữa, cho vào đó nửa chén nước mắm mặn là được rồi đó.
Cô Út đang lui cui bật mở bếp ga, cô quay lại nhăn mặt với Duy:
- Cứ đùa hoài, ráng nghĩ cách dùm Út coi.
Duy bắt đầu đi "thị sát" mấy món ăn Út nấu khi nãy còn đang đậy lại cẩn thận. Cô lẩm bẩm
- Chà! Chảo gà rôti ít thật, chỉ mươi miếng. Nội cái tay bác sĩ to mồm đó ăn không cũng gần hết. Còn... món bông cải xào lòng gà cũng... khiêm tốn giống món kia. Chỉ vọn vẹn hai món thì làm sao mà đủ đây.
Cô Út đã tạm yên với mối lo về cơm, cô quay lại than thở.
- Lâu rồi nhà mình không có khách, lại là khách đột xuất, đến hai người lận. Út đâu có chuẩn bị gì được.
Đột nhiên Duy thắc mắc:
- À, Út này, hình như hôm nay Út không nấu canh phải không?
Cô Út gật:
- Tại Út nghĩ có món xào rồi...
Duy cắt ngang:
- Khoan đã, Út có trữ trứng gà cho bữa điểm tâm sáng mai không?
Cô Út sáng mắt vỗ hai tay vào nhau kêu lên
- À! Phải rồi, Út còn trứng gà mà.
- Bao nhiêu trứng? - Duy hỏi nhanh.
- Sáu trứng.
Cô Út vừa trả lời xong là phát hiện ngay sự thật cũng chẳng đi tới đâu. Sáu trứng gà, loại trứng bé xíu để sáng ăn la-cót. Bây giờ thì làm gì được với mớ trứng quá ít ỏi này?
Duy thất vọng:
- Sao Út đi chợ... hà tiện thế nhỉ? Trứng mua nhiều cũng để lâu được cơ mà? Cái gì mà chỉ còn sáu trứng, đâu đủ để chiên.
Cô Út rên rỉ:
- Thì Út có biết đâu.
Duy chép miệng:
- Thôi được rồi, có bao nhiêu làm bấy nhiêu vậy - Rồi cô phân công - Mấy cái trứng đó Út lấy ra để con làm cho, Út dọn bàn đi. Bên ngoài chắc chuyện vãn đã hơi lâu rồi đấy, ta phải làm mau kẻo nội nhắc.
Cô Út nghe lời Duy lấy mớ trứng ra rồi quay qua bày biện bàn ăn.
Còn Duy, nguyên vật liệu ít ỏi kia cũng tương ứng với tài nghệ và kinh nghiệm nấu ăn của cô. Cô xăn tay áo bắt đầu lôi tất cả cà, hành, tỏi xuống, tịch thu luôn mớ tôm khô.
- Mi làm gì đó Duy? Sáu cái trứng gà chiên chỉ được một tẹo à? - Cô Út đàng sau Duy đang nhóng cổ hỏi.
Chắc cô Út đã bày bàn xong rồi, Duy "sai" tiếp:
- Út nhặt và rửa mớ xà lách đi.
- Nhưng mi làm món chi mà...
- Con nấu nồi canh.
Cô Út trợn mắt:
- Gì? Có rau gì đâu mà nấu canh?
Duy vừa nhanh tay làm vừa cắt nghĩa:
- Món này mẹ và con thường nấu. Lẹ lắm cũng dễ ăn nữa.
Cô Út nhặt rau mà mắt nhìn mãi theo tay Duy. Cô xào cà, đổ nước vào. Lửa lớn nên nồi canh của cô cũng mau sôi. Duy thả tôm khô, đánh trứng rồi trút luôn vào, nêm nếm, và thở phào.
- Thế là xong.
- Xong rồi? - Út kinh ngạc - Mi nấu ăn cái kiểu gì hổ lốn thế? Món này gọi là canh gì? Ăn... được không đây?
Duy ra vẻ phật ý:
- Con chả biết nấu ăn nên canh gọi là gì cũng đâu có biết. Tùy ý muốn gọi thế nào thì gọi. Canh trứng gà, canh cà trứng, canh Thái Bình Dương hay gì gì đó cũng được, và tùy Út muốn dọn ra hay không.
Cô Út chưa kịp nói vuốt Duy thì Uyển Thanh đã khoan thai vào bếp:
- Út ơi, nội hỏi xong chưa?
- Xong rồi, xong rồi. Con ra nói với nội mời khách vào được rồi - Út trả lời - Nhớ lên phòng mời mẹ con xuống.
- Mẹ con xuống rồi, đang tiếp khách với nội ở ngoài - Uyển Thanh vừa đi vừa nói vọng lại.
Khi cô Út quay lại thì đã thấy Duy bày thêm dĩa rau xà lách, chén nước mắm ớt lên bàn cạnh thố canh nóng nghi ngút khói.
- Xà lách chấm nước mắm mặm à? - Cô Út hỏi.
Duy gật đầu:
- Ăn với canh này nè Út. Mẹ và con vẫn ăn như vậy.
Mọi người đã lục tục vào phòng ăn. Nội ở đầu bàn, cạnh đó là cha Vinh, rồi đến Nguyễn. Dãy bên này là cô Hai, Uyển Thanh và Phong.
Cô Út luôn lãnh phần bới cơm nên ngồi cuối dãy. Khi Duy rửa tay xong đến bên bàn mới phát hiện chỗ ngồi còn lại là cạnh Nguyễn, cô nhún vai ngồi xuống. Duy ngẩng lên, bắt dính đúng phóc ánh mắt theo dõi của Nguyễn.
- Gì? - Cô hất hàm hỏi nhỏ. Giọng du côn lạ.
Nguyễn nghiêm người bỏ nhỏ vào tai cô:
- Tưởng cô hết bệnh cảm thì thôi. Ai ngờ tôi lại sắp phải ra toa trị ghẻ ngứa nữa chứ.
- Gì? Ai mà bị... - Duy đang định sừng sộ thì khựng người khi bắt gặp cái nhìn ngạc nhiên lẫn sợ hãi của Uyển Thanh, Phong, và cô Út ở đối diện. Cô thở ra cái phì. Tức thật! May mà nội ngồi cùng dãy và lại ở đầu kia của bàn ăn, nếu không Duy đã bị nội trừng mắt la rầy rồi.
Mọi người đã mời nhau cầm đũa. Ở trên bàn là đĩa gà trông khá ngon mắt, mọi bữa cô Út thường bày món mặn trên cà chua xắt khoanh và xà lách. Tiếc là rau và cà đã bị Duy tịch thu thành dĩa rau ăn chung với món của mình, nếu không, món gà của cô Út còn hấp dẫn hơn so với đĩa gà và cải xào ngon lành của cô Út thì thố canh của Duy trông thật lạc lõng đến buồn cười, may mà màu sắc của cà chua còn làm tươi tắn một chút mới đỡ.
Cô Hai ân cần gấp cho Nguyễn miếng thịt gà, và nói như trách Duy:
- Con Duy có hết bệnh là nhờ cậu Nguyễn mát tay biên toa thuốc đấy, vậy mà chẳng để ý tiếp và cám ơn người ta.
Duy cười biết lỗi:
- Con quên mất.
Cô gắp tiếng cho anh... cọng rau xà lách, miệng tươi cười, cô nói qua kẽ răng với Nguyễn.
- Mời ăn rau. Cho anh biết một bí mật nhé, món thịt và cải xà lách có bàn tay ghẻ ngứa của tôi nhúng tay vào đấy, không chừng có vài con cái ghẻ...
Chén cơm trên tay Nguyễn chựng lại mất mấy giây. Duy đã đánh trúng tâm lý nhìn đâu cũng ngán vi trùng của mấy ông bác sĩ. Dù Nguyễn vẫn biết rõ trò gán ghép ghẻ ngứa vào đôi tay Duy là từ anh mà ra, chứ tay cô trắng trẻo và mịn màng chán, có mụt miếc, ghẻ ghiếc gì đâu. Nhưng sao cô nói câu ghê gớm đó, Nguyễn cũng... bần thần cả người, miếng gà mới nuốt cứ muốn nhợn lên, nhợn xuống.
Duy ngồi khoan khoái, miệng tủm tỉm cười. Nguyễn liếc sang và mím môi. Đây đúng là đối thủ của anh đây, cô ta muôn đời không thể nào làm anh dễ chịu được. Thật là loại người khó trị.
Thấy Nguyễn lom lom nghiêng ngó cánh rau xà lách Duy vừa gắp trên chén, như ráng tìm coi có con sâu nào không. Cặp kính cận trễ xuống sóng mũi cứ như mấy ông bác sĩ già.
Duy vừa nhóp nhép cơm vừa thì thào:
- Này bác sĩ, trợn vừa thôi. Cặp mắt anh lồi ra ghê quá. Có khi nào rớt đánh bộp vào chén không nhỉ?
Nguyễn há miệng ra suýt kêu lên. Trời đất ơi! Ở đâu ra thứ con gái ăn nói gớm ghiếc, kinh khủng vầy nè trời!
Cô Út Sa từ nãy đến giờ để ý đến hai người. Bàn ăn khá rộng nên cô không nghe được những tiếng gì như rầm rì, nhưng khi thấy Nguyễn há hốc mồm, cô hoảng hốt run giọng hỏi nhỏ.
- Sao thế? Cậu Nguyễn bị... gì thế?
Ngay lập tức Duy chồm dậy tử tế trả lời thế bằng một câu nhỏ nhẹ mà đầy vẻ thương xót:
- Dạ... anh bác sĩ mắc xương gà đó Út... Tội nghiệp!... Sao Út chặt gà to thế?
Cô Út lính quýnh xắn một cục cơm lớn gần bằng nắm tay Duy:
- Nuốt cục cơm này thử coi xuống không cậu Nguyễn... tôi xin lỗi...
Duy nhanh nhẹn đỡ lấy chén cơm từ trên tay Nguyễn để hứng lấy... "viên thuốc thần kỳ" của cô Út. Trả chén về chỗ cũ, Duy nói rất chân thành:
- Cô Út tôi kê toa cho bác sĩ nè, ráng nuốt đi nhé, mong sao cục xương đừng mắc ở cổ anh mãi như thế.
Trời ơi! Có ai biết cho Nguyễn đang "hầm" khủng khiếp. Đúng là anh đang có cái gì đó mắc ở cổ thật. Đó không phải là cục xương gà nào cả, mà chính là cơn tức tối đến nghẹn cả lời. Tức ơi là tức cái con nhỏ mặt mày câng câng mà chót chét bên cạnh. Nguyễn nhìn một lượt ánh mắt ái ngại của cô Út Sa, ánh mắt khó hiểu của Phong, rồi anh lại ngó xuống chén. Cục cơm to như trứng ngỗng nằm kềnh ở miệng chén như trêu người.
Nguyễn biết dù có nuốt cả cục cơm vĩ đại đó, cơn tức của anh cũng chẳng thông xuống đâu. Họa may... họa may... Nguyễn bặm môi nhìn mặt Duy, cô đang cười một cái cười lửng lơ khó ưa, họa may được dùng hai ngón tay... bóp lấy cái mũi đang hỉnh ra kia thì mới hòng trôi sự ấm ức khó chịu kia đi.
Cô Út Sa nhắc chừng:
- Cậu Nguyễn à, cậu có...
- Tôi không sao - Nguyễn vội trả lời - Cám ơn chị, tôi... không có gì...
Cô Út thở phào nhẹ nhõm, chắc cô tưởng cục xương đã trôi đi.
Nguyễn nhìn những đĩa thức ăn mà phân vân quá xá. Trông ngon lành là thế nhưng sao anh thấy chùn tay, Nguyễn đành chan món canh gì đó còn nóng, mong rằng dễ nuốt trôi chén cơm đang ăn dở dang. Bữa ăn tối của anh bị cô gái bên cạnh phá bĩnh, chẳng còn muốn ăn nữa.
Món canh lỏng bỏng của Duy có Nguyễn "mở hàng" vậy mà trở nên đắt ghê. Cha Vinh khen ngon, nội bảo lạ miệng, dễ ăn. Chỉ một lát là thố canh được chiếu cố kỹ lưỡng. Cô Út cười bật mí:
- Món canh là nhỏ Duy nấu đó mẹ.
- Vậy sao? - Nội ngạc nhiên - Nó cũng biết nấu ăn cơ à? Cứ tưởng mi chỉ thích đi rong chứ - Nội hướng về Duy trêu.
Bữa ăn tàn, mọi người trở ra phòng khách trò chuyện. Khi còn lại một mình Duy phụ cô Út gọt hồng ăn tráng miệng, cô hỏi cô Út về Cha Vinh. Cô Út cười.
- Cha Vinh rành về nhà ta, vì ngày xưa anh ba An - Tức là cha của mi đó, với cha Vinh là bạn thân mà, thân từ nhỏ. Hai gia đình cũng biết nhau nữa.
Duy tròn mắt:
- Con không biết ra. Không ngờ cha con có bạn làm... cha. Ngộ quá!
Cô Út phì cười:
- Cái gì mà ngộ với không ngộ.
Duy lẩm bẩm:
- Hèn chi nội quý cha Vinh như vậy.
- Ừ, cả cậu Nguyễn nữa - Cô Út nói thêm vào.
Duy trợn mắt ngạc nhiên:
- Cái ông Nguyễn đó thì dính dáng gì vào đây?
Cô Út lắc đầu:
- Nhỏ này ghê quá. Thấy bà nội tin tưởng nhờ vả Nguyễn mà không thắc mắc sao?
Duy ngơ ngác:
- Vậy cái ông Nguyễn đó là cũng bạn cha con sao?
Cô Út nhăn mặt:
- Đồ điên! Ngó coi cậu Nguyễn bao tuổi mà bớp xớp là bạn ba mi.
"Ừ nhỉ!" Duy thấy mình thật hồ đồ. Tuy "lão" đó đeo kính cận thật, nhưng tuổi tác chắc chắn chưa đến ba mươi, sao là bạn ba cô được. Vậy thì cô mù tịt, đưa mắt nhìn cô Út.
Lần đầu tiên Út Sa thấy nhỏ cháu mình "ngu" quá, cô buông gọn:
- Cậu ta là em ruột cha Vinh đấy.
- Hả?... Em ruột.. Cha Vinh? - Duy sửng sốt kêu lên.
Cô Út suỵt khẽ:
- Nhỏ này kỳ khôi chưa, làm gì mà la chói lói thế? - Cô Út cằn nhằn - Nói cho mi nghe thì mi vậy đó sao? Bộ mi chưa từng nghĩ đến cha cũng có em ruột à?
Duy cười ngớ ngẩn:
- Con... không biết. Tại... lâu lâu mới đi nhà thờ, thấy cha từ xa xa thôi, nên con cũng quên mất là cha cũng có người thân.
Uyển Thanh vào bếp bưng đĩa trái cây ra phòng khác, nghe mấy câu sau của Duy cô cười:
- Tại nhỏ Duy không để ý, chứ trong cuốn album cũ của gia đình mình, có hình cậu Ba An với cha Vinh chụp chung nữa đó. Hai người lúc ấy chắc chỉ chừng mười mấy tuổi.
Duy ồ một tiếng. Thật khó có thể tưởng tượng được nếu ta có một người bạn quen biết là... tu sĩ. Xưa nay, đối với Duy, những linh mục và masơ là những người thanh cao và cách biệt, họ như ở một thế giới khác, một thế giới của bình yên và phụng sự, không phải cái thế giới chộn rộn khi vui thì vui quá xá còn khi buồn thì buồn chết được. Vì vậy, chưa bao giờ Duy có ý nghĩ đánh đồng họ vào thế giới của cô.
Cô Út Sa đã đem khay trà nóng ra phòng khách cùng Uyển Thanh, còn lại Duy một mình trong gian bếp, cô thu dọn bàn ăn. Dù khi nãy cô Út đã bảo để yên đấy cho cô, nhưng vì Duy không thích ra ngoài nên cô lẩn quẩn dọn dẹp để thì giờ mau trôi
Tiếng piano lại trỗi lên. Chà! Chị Uyển Thanh lại trổ tài rồi. Bài "Ave Maria" thánh thót và yên ả lạ từ ngoài vọng vào.
Duy vẫn đứng ở bồn rửa chén, hai bàn tay cô ngập trong bọt xà bông. Vừa chậm rãi làm việc, vừa lắng nghe khúc nhạc réo rắt, cô không để ý có một bóng người đến sau lưng.
- Duy!
Duy khựng người mất mấy giây, nhưng rồi cô lại cắm cúi làm việc tiếp:
- Duy!... Anh... muốn.. Anh muốn nói chuyện với em... Anh... Anh xin lỗi Duy.
Cô nhè nhẹ lắc đầu.
Phong trở nên lúng túng hơn. Cô lắc đầu là sao? Không tha thứ cho anh? Không chịu để anh giải thích? Anh ngập ngừng.
- Anh... Anh đến đây lần này... hoàn toàn là vì chìu ý mẹ anh... Anh không ngờ... Duy ơi! Anh không muốn vậy đâu, anh không hề muốn dối gạt em.
Duy vẫn không quay lại, cô vẫn lặng thinh mở nước xả đống chén bát, không trả lời anh lấy một câu.
Phong liếc ra phía cửa phòng, Uyển Thanh đã chơi qua một bàn khác. Giọng Phong trầm trầm hối tiếc:
- Anh rất khổ sở khi phải nói láo với em về việc du học nước ngoài, chỉ vì anh nghĩ mình có thể kiếm cách từ chối được cuộc hôn nhân mà người lớn sắp đặt này, lúc đó anh sẽ vẫn về bên em - Phong ngần ngừ giây lát - Duy à! Em phải tin anh, anh không hề yêu thương Uyển Thanh, chỉ vì anh muốn chìu ý mẹ lần này, chứ thật sự anh vẫn yêu em, anh vẫn...
- Đủ rồi Phong - Duy dằn mạnh cái dĩa trên tay xuống, đứng thẳng người - Anh ra ngoài được rồi đấy.
- Nhưng Duy ơi, anh vẫn muốn...
- Cút đi! - Duy quay phắt người la lên, cô hơi khựng lại khi phát hiện một người thứ ba trong gian phòng, đang đứng sau lưng Phong và trố mắt nhìn hai người.
Phong hốt hoảng quay lại theo hướng mắt Duy. Hai người đàn ông bỡ ngỡ nhìn vào mắt nhau. Cả hai đều im lặng trong một bầu không khí khó thở. Cuối cùng, Phong sượng sùng rút lui. Đi ngang qua Nguyễn, ra đến cửa, anh ngập ngừng buông thõng một câu không biết có phải cho Duy.
- Tôi... xin lỗi.
Duy vẫn tựa vào bồn rửa, lặng yên theo dõi cử động và biểu hiện của hai người. Cho đến khi Phong khuất bóng, cô ném một cái nhìn dửng dưng lên Nguyễn rồi quay người trở lại với công việc.
Nguyễn bước đến mở vòi nước cạnh đó rửa tay. Anh đã định im lặng, làm ngơ luôn cái chuyện bất ngờ này, nhưng không hiểu sao, khi liếc ngang Duy, thấy đôi môi cô hơi bĩu ra lãnh đạm, chẳng biết có cái gì xui khiến, anh buột miệng:
- Cảm giác thế nào?
- Gì? - Duy lạnh lùng.
Nguyễn nhún vai nhỏ giọng:
- Xin lỗi đã phá hai người. Tôi chỉ tò mò muốn biết cô đang nghĩ gì? Nếu không tiện...
- Sợi xích sắt và đàn cá mập - Duy cắt ngang câu của Nguyễn.
- Là... sao? - Nguyễn ngạc nhiên.
Giọng Duy lặng lờ:
- Tôi đang nghĩ đến sợi dây xích sắt và một đàn cá mập đang đói.
Nguyễn không hiểu. Tự nhiên cái gì mà nói chuyện cá mập? Đầu óc cô gái này có ổn không nhỉ?
Anh hỏi gặn:
- Sao vậy? Nghĩ về mấy thứ đó làm chi?
Duy cười khẩy như chờ đợi câu hỏi này nãy giờ, cô đáp:
- Để xích hai người lại rồi quăng ra biển cho cá mập rỉa, rỉa đến khi nào còn xương mới thôi.
Nguyễn tròn mắt suýt kêu lên. Chao ơi! Cái cô nàng trước mặt anh sao mà miệng lưỡi độc địa, tâm hồn u ám vậy? Sao lại có cả anh phải chịu hành hình? Cô ta ghen mới ghê gớm làm sao.
Anh lên tiếng phản đối:
- Này cô Duy ơi, anh ta là tên phụ tình thì cô hành hạ thế cũng là đáng tội, còn tôi chỉ vô tình nghe lỏm câu chuyện hai người có chúu xíu, sao lại đòi xích luôn tôi?
Duy thẳng thừng:
- Anh ta là người tôi khinh bỉ, còn anh là người tôi ghét. Đừng hỏi tôi tại sao ghét anh. Từ khi thấy anh, tôi đã có ác cảm, bây giờ anh lại biết chuyện của tôi, chuyện mà cả gia đình tôi chưa ai biết, tôi biết anh đang nghĩ vô số những điều xấu về tôi trong đầu...
- Tôi đâu có - Nguyễn thanh minh - Và chuyện này tôi sẽ không nói với ai đâu. Cô đừng tưởng tôi là con người nhiều chuyện và hèn hạ như vậy chứ.
Giọng Nguyễn có vẻ hơi giận, Duy ngừng tay quay sang. Anh ta nhìn thẳng cô, như phật ý về điều cô vừa nói.
Duy nhún vai bướng bỉnh:
- Nhưng mặc kệ anh có như vậy hay không, tôi vẫn muốn anh đi chung với Phong như thường. Anh là người tôi ghét mà lại hay xuất hiện lẩn quẩn làm tôi khó chịu.
Nguyễn nhăn mặt như lại định phản bác cô, nhưng nghĩ sao lại thôi, anh thở ra và lắc đầu:
Duy nhìn thấy rõ cử chỉ của Nguyễn, cô cười khẩy:
- Mà thật ra anh cũng chẳng tốt lành chi đâu, bằng chứng là anh lại còn hỏi tôi cảm giác ra sao nữa - Cô bĩu môi - Anh chờ đợi tôi trả lời ra sao? Rằng tôi đang đau khổ, đang buồn phiền, rằng tôi muốn khóc ư? Tôi biết rất rõ anh đấy, cho dù ông anh ruột của anh có là một linh mục tốt và nhân ái thế nào đi chăng nữa, nhưng anh thì chẳng mảy may chút gì giống ông ấy đâu.
Nguyễn sầm mặt:
- Cô nói vậy là sao?
- Vì anh là một con người trần tục, hết sức trần tục, ích kỷ và nhỏ nhen lắm. Tôi gây gổ với anh ở vườn hoa nhà thờ, anh để bụng và ghét cay đắng tôi - Cô cười nhạt - Đừng có chối. Tôi biết tỏng rằng anh ghét tôi thậm tệ, có đúng vậy không?
Nguyễn nóng mặt, anh liền huỵch toẹt luôn:
- Cô nói đúng. Xin lỗi vì lại nói thẳng ra điều này. Tôi chưa ghét ai như ghét cô.
- Chả sao. Vì tôi cũng đâu có ưa anh.
-...?
- Vì vậy nếu hiểu rõ chúng ta là hai thái cực đối kháng nhau đến thế, anh làm ơn đừng có dính dáng đến tôi làm chi cho có chuyện bực mình. Những gì liên quan đến tôi, tỷ như cái chuyện anh vừa nghe được khi nãy, đừng thèm để ý, quên quách nó đi cho rồi.
Nguyễn suýt phá lên cười. Thì ra Duy mỉa móc lòng vòng cuối cùng có mục đích, đó là muốn anh quên đi đối thoại của Phong và cô khi nãy. Đúng là cô nàng bị tình phụ nên loạn trí rồi chắc, trong khi anh hứa sẽ không nói với ai, lời hứa đàn ông con trai cô ta lại chẳng coi trọng, mà bây giờ bằng cách hạ nhục và xỉa xói anh, cô ta lại yêu cầu chẳng những anh không nói ra, mà còn phải quên đi luôn nữa chứ.
- Khi nãy đã hứa với cô rồi, tôi không nuốt lời đâu, sẽ không ai biết được quan hệ của cô và người kia - Nguyễn nói lửng lơ - Nhưng cô bắt tôi quên thì hơi khó đấy. Như cô vừa nói tôi là người để bụng mà, chuyện đã lọt vào tai tôi rồi, khó mà xóa được, huống chi đó là một mẩu đối thoại hay ho đầy kịch tính, có thể tưởng tượng được những tình tiết đầy éo le.
Gương mặt Duy nãy giờ phẳng lặng như một tảng băng, nhưng câu nói của Nguyễn, cách nói của Nguyễn làm cô mím môi tức giận. Cô trừng mắt nhìn anh ta muốn rách cả khóe. Đáp lại, Nguyễn cười nhẹ nhàng.
- Đừng dữ dằn thế. Cho dù có ghét nhau, cũng không nên tìm cách biểu hiện ra ngoài ghê gớm đến như vậy. Tôi đến thăm anh tôi, chỉ khoảng mươi ngày, rồi lại về Sài Gòn. Còn cô thì lại ở đây cả mấy tháng. Chúng ta có lẽ chẳng gặp lại nhau nữa đâu, không cần phải khó chịu khi đối diện nhau nữa. Tôi nghĩ bữa ăn hôm nay là lần gặp cuối đấy.
Nguyễn đã ra ngoài, Duy vẫn còn đứng thừ người. Là kẻ hiếu thắng, cô thật ấm ức khi thấy mình không có cơ hội chiến thắng anh ta.
Anh ta nói đúng, vài ngày nữa thôi anh ta đã đi mất rồi, nhưng cô vẫn cảm thấy không yên khi có một người khác biết rõ mối quan hệ giữa cô và Phong. Cho dù với Duy, chuyện đã là quá khứ, nhưng cô không muốn làm lung lay niềm vui của chị Uyển Thanh, không muốn cô Hai lại bực bội vì những chuyện như tình cờ mà rắc rối này.
Đối với Duy, Phong đã chọn con đường lên Đà Lạt và lừa dối cô, thì anh phải đi hết con đường đó, sẽ không bao giờ có chuyện nhập nhằng dây dưa gì nữa cả. Và vì đã quyết định thế, nên chuyện tình đâu còn lý dó gì khơi gợi lại. Vài ngày nữa Nguyễn đã về Sài Gòn con lâu lắm cô mới ghé lên thăm nội, ít nhất là xong đám cưới mà khi nãy trong bàn, Duy loáng thoáng nghe cô Hai đề cập.
"Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua" Duy nghĩ thầm.

<< Chương 4 | Chương 6 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 925

Return to top