Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Mưa hạ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 24188 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mưa hạ
Khánh Mỹ

Chương 2

Chống tay lên thành giường, Duy trở dậy đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Gió vùng cao nguyên ẩm ướt thật không hiền chút nào, chỉ thả rong mấy con đồi chiều qua, mà khi về nhà, vào bàn ăn, Duy đã phải hắt hơi liên tục.
Cơn hắt hơi của cô làm khuấy động bữa ăn tối của cả gia đình, và thật tệ hại là làm hỏng luôn buổi giới thiệu ra mắt người bạn trai của Uyển Thanh với mọi người trong nhà.
Với mỗi tiếng át xì vang dội, Duy nhận được vẻ lo lắng ái ngại của nội và cô Út Sa. Cái gườm mắt khó chịu hậm hực của cô Hai. Duy cũng biết có lẽ cô Hai giận cô ghê lắm, tại cái tật lang thang ngoài trời lạnh của cô, bị cảm là đáng rồi, nhưng lại làm ảnh hưởng đến chuyện vui của cô con gái cưng cô Hai. Chuyện này thế nào cũng được cộng thêm vào ác cảm của cô Hai với Duy cho mà xem.
Thật ra Duy cũng đâu muốn làm phiền mọi người như vậy, nên chỉ cầm cự một lát là cô cái lỗi để lền phòng rồi. Trùm kín trong chăn nệm ấm, cô chống trả cơn sốt gây gây người, và mỏi mệt, cô đã thiếp đi.
Cho đến khi nội và cô Út vào tận giường Duy rờ trán và bắt cô uống thuốc, cô mới biết buổi ăn đã tàn. Minh Phong, bạn trai của Uyển Thanh, sẽ ở lại đây cả tuần lễ.
Trong khi cô lọng cọng uống thuốc và nghe cô Út nói về chuyện đó, thì nội vuốt tóc tai gọn hơ của cô, và bảo:
- Ngủ sớm đi con. Nhắm mắt lại làm một giấc, sáng mai sẽ khỏe hơn mà.
Duy đã nghe lời, cô cũng nhắm mắt lại, nhưng cô không ngủ hẳn, cô chỉ muốn mơ. Trong mơ, cô muốn mình thấy cảnh chiều nay như khác đi. Uyển Thanh đã đem người bạn trai của chị đến giới thiệu với cô lại người khác, một người xa lạ, không phải là Hoàng Minh Phong, mà cô đã thuộc lòng tên từ lâu.
Nhưng giờ đây, khi thức dậy, ánh nắng buổi sớm đã chiếu rọi lên những tán cây cao bên ngoài khung cửa sổ. Những ánh nắng ban mai chiếu sáng soi rọi những sự vật rất rõ ràng, rất thật. Duy cũng hiểu thấu cô không thể dối gạt mình. Người con rể tương lai mà cô Hai từng trông ngóng và ca ngợi mấy tuần qua chính là Phong.
Duy cười một mình, tiếng cười khô khốc.
Chẳng phải Phong đã bảo với cô anh đi du học đó sao? Chẳng phải anh đã bảo vì thời gian học quá dài, chương trình học nặng nề, anh phải tập trung vào việc học, nên tạm thời hai đứa phải chia tay...?
Lúc đó, sao cô lại không để ý dò xét khuôn mặt anh xem có nét dối gian nào không? Vì sao anh không cho cô ra sân bay tiễn anh? Vì sao tình yêu quá đỗi thật thà của cô lại có thể cản trở việc học hành của anh?
Cô không hề hỏi anh, cũng như không tự hỏi mình. Lúc đó, cô chỉ biết khóc và buồn rũ. buồn đến lạc hồn, đến ngơ ngẩn, đến... thi rớt Đại học.
Lúc đó cô khóc, nhưng bây giờ cô lại cười. Tiếng cười nghe mới chua chát làm sao!
Vuốt mớ tóc tém, Duy hất mặt với mình trong gương, cô lẩm bẩm:
- Thấy chưa Phương Duy! Con khùng khờ khạo. Mày còn dư thừa nước mắt nữa thôi. Chỉ có mày ngu, khổ sở với người để bây giờ, cổng trường Đại học đóng lại trước mặt mày, làm mẹ phải lo lắng, buồn phiền. Mày vì một thằng con trai lừa lọc đó mà hụt một bước rồi. Tỉnh lại đi, con Duy ngu ngốc, cứng đầu. Ngoài kia nắng lên rồi, chuyện cũ là bài học đáng giá cho mày đó. một bài học nhớ muôn đời.
Cái mũi đang bị nghẹt làm cho giọng nói của cô bị biến đổi, cứ như giọng của một người nào khác vậy, nghe thật chẳng ra làm sao.
Có tiếng chân ngoài hành lang, Duy vội đến bên giường, xếp vội chăn màn và chuẩn bị một tư thế gọn gàng. Cô không muốn nội thêm lo lắng cho mình:
- Con Duy đã khỏe chưa vậy?
Giọng của nội vang lên ở cửa phòng thật rổn rảng. Duy vội đến mở cửa ra:
- Con nè nội, con khỏe rồi.
Bà nội đứng ở cửa phòng, nheo nheo mắt ngó cô. Chừng như cái cười cô soạn sẵn trên mặt cũng khá tươi tỉnh làm bà hài lòng, bà gật đầu.
- Ở trong phòng nhé. Ăn sáng rồi uống thuốc cho dứt. Không được đi đâu hết.
Duy kêu lên vòi vĩnh:
- Ý! Đừng nội, con đâu có...
Nội cô trừng mắt:
- Đâu có gì? Hôm qua sốt cao như vậy, bệnh rõ ràng mà còn cài nữa sao? Ai bảo con đi ra ngoài không mặc đủ ấm? Nội đã bảo chiều ở đầy sương xuống sớm, lạnh lắm, cứ lang thang ngoài mấy con dốc làm gì không biết, để bị cảm thế này.
- Con... hơ... con chỉ đi dạo thôi - Cô phân bua.
Nội nhăn mặt:
- Dạo cái gì mà dạo. Nhiễm lạnh phải bỏ ăn cả tối, còn ham dạo nữa thôi.
Cô Út đem một mâm lỉnh kỉnh thức ăn vào phòng. Cô Út nháy nhó ra hiệu với Duy. Cô đành nhoẻn miệng cười:
- Con biết lỗi rồi, nội đừng la con nữa. Bây giờ con uống thuốc, rồi ở trong phòng dưỡng bệnh nguyên ngày, không ra ngoài nữa đâu.
Nội cô gật đầu dịu giọng:
- Đúng rồi. Vậy mới phải chứ.
Duy bước lại đỡ cái mâm trên tay cô Út, cô hỏi:
- Gì nhiều vậy cô Út? Con chỉ có một mình mà, ăn sao hết.
Cô Út cười, mở cái thố nhỏ.
- Cháo thịt bằm đó. Tối qua con chỉ uống quấy quá ly sữa để uống thuốc, sáng nay phải ăn bù chứ sao - Út nháy mắt nói nhỏ - Nội nói vậy đó.
Duy le lưỡi. Nội nói là lệnh rồi, đố ai còn dám cãi
Bà nội vẫn còn đứng trong phòng hối thúc - kéo ghế ngồi ăn đi chứ để nguội hết
Biết làm sao được, dù cháo là món ăn cô vẫn ghét nhất, Duy cũng phải ngoan ngoãn ngồi ăn.
Nhìn Duy ăn xong một chén cháo, và đang sớt chén thứ hai, nội đứng cạnh gật gù.
- Ngoan lắm. Ăn xong thì Út cho con uống thuốc.
Vuốt mái tóc ngắn ơi là ngắn của Duy, nội càu nhàu với cô Út:
- Không biết mẹ nó nghĩ sao mà cắt tóc con nhỏ như vậy. Cháu tao chứ có phải mọi mán nào đâu. Thiệt là! Nhìn coi, gái không ra gái, trai không ra trai gì hết.
Nuốt vội miếng cháo, Duy lên tiếng:
- Đâu có nội, không phải mẹ đâu. Tại con cố tình đi cắt như vậy mà.
Nội nhăn mặt khó chịu:
- Chà! Binh mẹ dữ vậy sao. Tao còn lạ gì mẹ bây nữa. Thèm đứa con trai sao không cố mà đẻ thêm đứa con trai. Từ khi bây còn nằm trong nôi, nó đã cố tình cho ăn mặc toàn quần áo con trai. Lớn một chút thì cho chơi toàn súng ống, xe tăng, chạy giỡn sầm sầm như một thằng cu vậy. Hồi cha bây còn sống, mẹ con ở đây, nó còn nghe lời tao chút chút, chừng ba bây mất rồi, nó về nghề hát cũ, đem bây đi về Sài Gòn xa lắc, vài ba năm mới lên thăm tao một lần. Cách mặt rồi, tha hồ nó thả lỏng bây.
Bà quay lại viện cả đến Út Sa làm đồng minh:
- Đó, con Út coi đó. Mày thấy từ bữa nó về, đóng bộ toàn mấy cái quần jean dày cộp, đi lang thang mấy con đồi, tóc thì cứ ý như đau ban mới mọc vậy, nhìn có ra con gái chút nào không?
Duy đưa tay sờ "cái đầu đau ban" của mình, cô chống chế:
- Tại con thật mà nội, tại con... con thi rớt Đại học, rớt cả hai trường. Con giận mình ngu quá nên... tự cắt tóc trừng phạt mình thôi mà. Con có hứa với mẹ rồi, không làm biếng và ham chơi nữa. Con cắt tóc cụt là để... tỏ ý chí, quyết tâm hơn thôi. Tại con đó, chứ hôm con đem cái đầu mới về nhà, mẹ cũng la dữ lắm, giống y... nội vậy.
Bà nội Duy hừ nhẹ.
- Nó mà có thời giờ là bây nữa sao?
Và như quá rõ biết Duy bênh vực mẹ trong những lời đối thoại với bà, dù cách nói của cô vẫn mềm mỏng và có ly, nhưng bà vẫn không được hài lòng lắm. Cô con dâu của bà, bà hiểu chứ, tánh tình của Phương Duy là bản sao từ nó chứ đâu xa. Năng động bướng bỉnh vô cùng, đã quyết định làm gì, thì ương ngạnh làm cho bằng được, nghĩ điều gì đúng thì cãi cho thắng mới thôi. Đành rằng ưu điểm thì cũng có đấy: nó sống chân thật và luôn tươi vui. Nhưng dường như cá tính mạnh mẽ đó không hợp với bà mẹ chồng chút nào.
Ngày thằng An, ba Phương Duy còn sống, vợ nó vốn xuất thân từ nghề hát, nhưng cũng chịu bỏ nghề về Đà Lạt, yên ổn sống với vai trò dâu con. Bà tuy khắt khe nhưng cũng biết lý lẽ. Nó đã thương con trai bà như vậy, bà cũng đâu khó dễ gì. Chỉ có điều cái cá tính trong cuộc sống tự do cũ đôi chút làm bà phiền toái. Bà đã tính rèn nó từ từ, để nó dần vào khuôn phép, để nó nhu mì mực thước hơn. Kết quả lúc đó cũng khá khả quan, bà tạm yên lòng.
Ngờ đâu mọi chuyện đổi thay, đứa con trai duy nhất của bà, đứa con bà thương yêu lo lắng nhất đã ra đi khi con Phương Duy chỉ mới tám tuổi. Bà đau lòng, nhưng mẹ con Duy mới thật sự suy sụp tinh thần trầm trọng. Nhìn nó héo hon mà bà thương cảm cho cảnh góa bụa của đứa con dâu. Vì vậy, khi đứa bạn thân của nó ghé lại thăm, tụi nó xin bà cho đứa con dâu về Sài Gòn, trở về với sân khấu để tạm quên đau buồn, bà đã bằng lòng chấp thuận.
Cái điều bà còn lo canh cánh là Phương Duy. Bà quí con bé như vàng, tình thương ấy cộng thêm vào nỗi nhớ người con trai bạc phước khiến bà lưu luyến chẳng muốn rời xa nó. Nhưng mà, nó còn phải theo mẹ. Bà chỉ còn mong chờ những dịp nó về đây để bà thỏa nỗi nhớ cháu, nhớ con.
Chuyến về thăm bà lần này, Phương Duy tỏ ra có nhiều thay đổi khác thường. Tóc tai cắt cụt ngủn nhìn mặt ngổ ngáo quá. Thất bại trong đợt thi Đại học vừa rồi càng làm nó lầm lì, ít nói, ít đùa giỡn lí lắc như xưa...
Bà thở dài, vuốt mái tóc ngắn của nó, một lần nữa rồi bà trở ra, không quên bảo Út Sa nhắc chừng nó uống thuốc.
Bà nội vừa rời khỏi phòng, là Duy như canh sẵn cơ hội, cô buông chén cháo đang ăn dở dang xuống mâm, thở phào.
- Trời ơi! Con đủ quá rồi. Nội đứng canh làm con phải ráng ngốn đến chén thứ ba.
Cô mè nheo cô Út khi thấy bà cô hiền lành của mình đang cười thông cảm.
- Cô Út ơi! Con không ăn được nữa đâu. Út giúp con "phi tang" nha?
Cô Út cười:
- Trong thố chỉ còn hơn chén thôi, sao không ráng ăn hết đi. "Phi tang" cái gì lỡ nội bắt gặp là cả con lẫn Út bị rầy cả ngày cho coi.
Duy giả tảng không nghe, cô nhanh tay đậy nắp thố cháo lại, thu dọn chén muỗng cho gọn vào trong mâm. Rồi như xong việc cô quay lại xòe bàn tay ra trước mặt cô Út cười hì hì:
- Con xong giai đoạn cười trừ.
Cô đưa cho Duy một cái chén nhỏ, trong đó có đến bốn viên thuốc đủ màu sắc, kích cỡ khác nhau.
- Chúa ơi! Cái gì mà dữ vậy, Út. Hôm qua con uống có hai viên mà? - Duy kêu lên.
Cô Út làm mặt nghiêm.
- Cái này Út mua theo toa đàng hoàng đó nghe, Út phải ra phố từ sáng sớm đó.
Duy ngạc nhiên:
- Mua theo toa bác sĩ? Nhưng có bác sĩ nào thăm mạch cho con đâu mà đã kê toa?
- Út cũng không biết, hình như sáng nay nội đi nhà thờ, có gặp ông bác sĩ nào đó mà cha Vinh giới thiệu. Ông ta được nội nhờ vả liền, nhưng vì ông ta mắc bận công việc, nên chỉ kê tạm cái toa này, nếu ngày mai mà con không tốt hơn là nên uống đủ cho dứt cảm đi.
Duy thở dài sườn sượt. Tự nhiên ở đâu chui ra một ông bác sĩ, mà lại có lời giới thiệu của cha Vinh nữa chứ, thế thì cô đành phải cố trợn mắt mà nuốt cho hết mớ thuốc kia thôi. Bởi là một tính đồ Công giáo ngoan đạo, nội cô vẫn luôn tin tưởng và trọng vị cha xứ nhất. Lời giới thiệu của ông là những văn bằng bác sĩ khác mà người ta trình ra với nội.
Nhận ly nước lọc và xòe tay để cô Út đổ thuốc vào, Duy rầu rĩ ngắm nghía chúng một lát, rồi hít một hơi, cô dốc tất cả vào miệng và nốc ngay nước cho mau trôi. Bụm thuốc to và nhiều quá, với cách uống thuốc kỳ dị đó, suýt tí nữa Duy trợn mắt sặc ra hết. Khi mớ thuốc đã trôi vào cổ họng, Duy thở hổn hển. Cô Út lắc đầu:
- Không ai uống thuốc như con vậy. Thôi bây giờ nằm nghỉ cho hết ngày và uống cho đủ ba cữ thuốc - Cô trỏ vào đống áo trên tủ - Út đem cho Duy thêm hai cái áo len của Út, rộng hơn, để con thay đổi. Nội bảo tại con mặc áo mỏng nên mới nhiễm lạnh.
Duy ậm ừ với lời Út mà thấy buồn nản. Chân cô là chân chích chòe, luôn chạy nhảy khắp nơi, mà bây giờ lại phải bó buộc trong phòng suốt ngày, có chán không chứ.
Duy bước lại xổ tung hai cái áo của cô Út ra xem thử. Ái chà! Cô Út của cô chỉ mới hơn ba mươi tuổi, còn trẻ chán, không hiểu sao lại mặt toàn mấy màu buồn tẻ thế này. Xám tro và tím nhạt ư? Duy chắt lưỡi xếp lại cả hai cái áo. Cái áo len màu đỏ đích thân nội cách đây hai năm dắt tay cô xuống phố chợ Đà Lạt mua, đã trở nên ngắn mất rồi so với cái thân hình vụt lớn của cô lúc này.
Duy nhớ rõ lúc đó nội chỉ cho cô hằng hà sa số những áo len đủ kiểu, đủ màu, nhưng cô chỉ nằng nặc đòi nội mua hai cái áo len màu đỏ rực. Màu đỏ là màu Duy thích nhất, tươi tắn, vô tư. Cô không sợ bị ai dèm pha khi màu đỏ vẫn bị xem là màu nóng, màu của nổi loạn, của bốc đồng. Bởi vì nếu quả là thế thì màu đỏ vẫn phù hợp với cô đấy chứ, phù hợp luôn với cái tánh mạnh bạo dễ thay đổi và bướng bỉnh của cô. Và thật y như màu đỏ, cô không hiền chút nào.
Trong cái gương hình bầu dục thật lớn gắn trước khung cửa tủ, cái áo đỏ của cô Duy 16 đang được cô Duy 18 tuổi "nong" đến chật căng và... ngắn củn cởn trông thật buồn cười.
Thôi kệ! Ngắn thì ngắn. Duy vẫn mặc cái áo xưa cũ này, màu đỏ của nó làm cho cô thấy vui mắt, thấy yêu đời là đủ rồi, cần chi có thêm áo mới, phải không nhỉ?
Xếp lại mấy cái áo của Út, cất tạm vào ngăn tủ, Duy đến bên cửa sổ. Nắng Đà Lạt thật đẹp, cây cỏ như được phủ những màu sắc rực rỡ, không khí bên ngoài chỉ nhìn thôi cũng đủ cảm nhận được sự trong lành. Vậy mà Duy phải ở trong phòng đến cả ngày sao?
Một ngày trời ru rú trong nhà trong khi cảnh vật bên ngoài tươi đẹp như vậy đúng là chuyện khó tin đối với tính cách của Duy. Nếu là lần khác, cô đã cười khì giả bộ ngoan ngoãn nghe lời Út và nội, để rồi sau đó lén ra ngoài bằng ngõ cửa sổ và các bậc cửa rồi.
Nhưng hôm nay lại khác, hôm nay cô không muốn ra ngoài, không muốn chạm mặt Phong dù cô biết rằng khó mà tránh luôn được trong suốt một tuần anh ở đây. Nhưng mặc kệ, cơn cảm lạnh cho cô một lý do chính đáng để cô có một ngày của riêng mình, cô sẽ một mình trong phòng lắng lại tất cả những kỹ niệm về anh, về những ngày tháng mộng mơ cũ, và xếp chúng lại trong một ngăn của ký ức. Cái ngăn đó cô sẽ khóa kín và đặt cho nó một cái tên. Cái tên khá gọn "Tình Đầu".
Người ta từng làm thơ rằng:
"Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề..."
Nhưng đối với Duy lúc này, mối tình đầu giữa Phong và cô đã dang dở rồi, nhưng nó có đẹp đâu? Đẹp làm sao được khi cô phát hiện được mình bị lừa dối, đẹp làm sao được khi thấy tận mắt, thấy quá rõ gương mặt hoảng hốt và sững sờ của Phong lúc Uyển Thanh dắt tay cô ra giới thiệu với anh. Còn đẹp gì nữa khi suốt buổi ăn mắt không một chút nào dám ngẩng lên đối diện cặp mắt quan tòa của cô
một ngày, với riêng mình trong phòng, chắc có lẽ là buồn tẻ lắm. Duy chép miệng "Đành thôi". Cô sẽ dùng cái sự buồn tẻ đó mà mặc niệm cho mối tình ngây ngô, khờ dại của mình, sau khi chôn nó vào sâu thẳm đáy tim.
Một ngày, dài thật, nhưng cũng chóng qua thôi mà.
Một cuộc tình giả dối, buồn thật, đau thật, nhưng cũng sẽ qua. Duy biết chắc là như vậy, và cô thật sự muốn như vậy.
Nắng vẫn nghiêng soi vào cửa kính, Duy vẫn đứng lặng lẽ với riêng mình.

<< Chương 1 | Chương 3 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 928

Return to top