Khi một người trong gia đình nằm xuống, người ta xé miếng vải trắng, quấn lại như một hình nộm rồi buộc lên chiếc gậy, đặt trên bàn thờ gọi là "phồn bạch". Hồn người chết nương vào mấy miếng vải trắng này. Người ta đưa vào miệng người chết một nhúm gạo cuốicùng của dương thế gọi là "phẩm hàm". Người chết được mặc áo quần mới và đẹp, được liệm bằng một tấm vải trắng. Người chết đã liệm được đặt vào áo quan đúng giờ "lành". Áo quan đặt giữa nhà, phía dưới bàn thờ và được kê trên hai chiếc mễ gỗ. Trên mặt áo quan có bát cắm hương, nến và một bát cơm đầy có quả trứng luộc. Sau khi người chết được đặt vào áo quan và đóng kín lại, gia đình làm lễ "phát tang". Những người trong gia đình chít khăn sô, mặc áo sô, thắt dây lưng lá chuối hoặc mang khăn tang…
Theo một quy định có từ lâu, chỉ cần nhìn là biết ngay người chít khăn hoặc mặc áo có quan hệ thế nào với người chết. Con trai người chết lại có thêm chiếc gậy để chống (nếu là bố thì con trai có gậy tre, nếu là mẹ thì chống gậy gỗ vông). Các cây cối trong vườn cũng được buộc vào cành một miếng giấy bản trắng hoặc một miếng vải trắng hẹp bản để cây cối cũng nhớ thương, tiễn người ra đi. Sau lễ phát tang, cả gia đình đứng quanh quan tài. Phường bát âm nổi kèn trống, tấu lên bài "Con nhạn lạc đàn" nghe ai oán, rồi rúc lên những hồi kèn pha rất bi ai. Cả nhà oà lên khóc lóc, kể lể tuỳ theo tâm trạng biểu thị tình cảm của người khóc đối với người chết. Họ kể lể những điều buồn thảm, nhớ nhung thật sinh động. Nào nỗi niềm tử biệt sinh ly, nào nỗi cô đơn buồn thương da diết của người sống đối với người chết. Có nơi giữ tục thuê người khóc mướn. Đó là một, hai người đàn bà đứng tuổi, từng trải, có cuộc đời éo le, nặng lòng với cuộc đời, rất tự nguyện đi “thương vay, khóc mướn". Họ có "nghiệp vụ" nên kể lể ra đủ chi tiết làm mủi lòng mọi người. Họ khóc và kể về cuộc đời người đã khuất và sự vắng mặt của người ấy sẽ đem lại những cay đắng và tổn thất đối với người sống. Họ kể lể, lên bổng xuống trầm, gần như hát, có điệu có vần. Chỉ cần thay đổi đi chút ít là có thể thành những dòng văn thơ. Ví dụ như khóc cho người chị khóc cậu em trai độc nhất như sau: “Thế là từ đây xa rồi, mỗi người đi mỗi ngả. Bây giờ không biết làm sao, thương nhớ nhau làm sao ". Người ta sửa lại thành: "xa qua rồi em, người mỗi ngả Bây giờ không biết nhớ thương nhau…"
Trên bàn thờ và trên nắp áo quan, nến thắp sáng, khói hương nghi ngút. Bạn bè, họ hàng lần lượt đến phúng viếng người chết. Họ trao cho tang chủ một số tiền hoặc một chút lễ vật rồi vái người chết ba vái. Mọi người chung ý nghĩ: “nghĩa tử là nghĩa tận" thù hận cũng được bỏ qua. Khách vái xong, vợ và con của người chết túc trực bên linh cữu quỳ xuống tạ lại ba vái tỏ lòng cảm ơn và kính trọng. Nghi trượng đưa người chết đến mộ phần gồm: 1. Bàn để bài vị ghi tên, tuổi người chết; 2. Một bàn minh tinh thể hiện vị trí xã hội của người chết; 3. Một nhà táng bằng giấy nhiều màu sắc che ngoài áo quan và sẽ được đốt đi sau khi đã chôn áo quan xuống đất áo quan đặt trên một cái kiệu có đầu rồng do nhiều người khiêng. Linh cữu được khiêng từ từ, nhịp nhàng theo sự chỉ huy của một ông già cầm hai mảnh tre gõ vào nhau gọi là gõ xinh, cùng với dàn nhạc bồng bềnh, trôi nổi, nỉ non và buồn thảm. Linh cữu qua đình, chùa phải được khiêng hạ thấp xuống để kính chào. Khi ra khỏi làng phải chào cổng làng một lần cuối. Đi sau linh cữu là vợ, con của người chết. Con trai chống gậy tre, lưng còng xuống vì gánh nặng nhớ thương mà cũng là do gánh nặng sắp tới sẽ đến với anh ta. Sau đó là con dâu, con rể, cháu chắt, họ hàng. Cháu chít khăn trắng, chắt chít khăn vàng, chút chít khăn đỏ áo tang lươm bươm, không may lại với nhau mà chỉ có mấy cái dải buộc. Đầu tóc của con cháu đê bù xù, không chải. Ngay sau đàn con, cháu là phường nhạc gồm 8 người rồi đến một đoàn các bà vãi ăn mặc nâu sồng, có đeo tràng hạt có 108 hạt. Tay mỗi người cầm một nén hương. Đầu đội chung một mảnh vải vàng thật dài có in những dòng chữ nhà Phật. Các bà đọc câu “Nam mô A di đà Phật", đọc kinh, kể công ơn cha mẹ, kể cả về những sự gian nan đau khổ của kiếp người. Huyệt để đặt áo quan xuống đã được đào từ trước theo sự chỉ dẫn của thầy địa lý. Sau khi chôn cất xong, bài vị có tên người chết được rước về nhà, đặt lên giường thờ, gần bài vị của tổ tiên. Hồn người chết đã nhập vào bài vị để con cháu thờ cúng. Người ta đánh dấu phía đầu ngôi mộ. Trước lúc đó, có nhà sư lần tràng hạt, tụng kinh, cầu cho linh hồn người chết được thanh thản nơi thế giới bên kia. Sau mấy lần cầu, cuối cùng nhà sư nhúng cành cây nhỏ vào chiếc chén có nước rồi vẩy ra xung quanh làm bắn lên những giọt nước "cành dương, " Nhà sư cố tình đi xa ra chừng vài mét để gia đình khóc những tiếng khóc giã từ lần cuối. Mọi người ra về. Ba ngày sau, gia đình ra thăm mộ, thắp hương, nến, cúng rượu thịt, xôi, hoa quả rồi về nhà cùng ăn một bữa cơm với nhau gọi là làm lễ "ba ngày". Ngày nay, xã hội đã thay đổi về nhiều lĩnh vực, trong nếp sống văn hoá mới, nghi thức tang lễ ở nước ta vừa có sự kế thừa những nét truyền thống của dân tộc vừa có sự tiếp thu ảnh hưởng những tiến bộ của phong tục văn hoá phương Tây.
CHUYỆN ĐỐT VÀNG MÃ
Do sự giao lưu văn hoa lâu đời giữa Việt nam và Trung Quốc, tục chôn cùng với người chết những đồ vật và dụng cụ thân thiết đã có ảnh hưởng đến nước ta. Mọi người tiếp nhận lấy một số chi tiết rồi “bản địa hoá" theo cách sống và trí tưởng tượng của mình… Theo truyền thuyết, vua Văn Vương đời Chu chết đi vài ngày rồi lại sống trở lại do sai sót về sổ sách giữa Nam Tào và Diêm Vương. Vua được tham quan cuộc sống dưới âm. Vì không ăn bát cháo “lú lẫn” nên tỉnh táo mà quan sát được cuộc sống ở đó rồi lại trở lại với dương thế. Vua phổ biến cho mọi người thấy rằng ở dưới âm phủ thiếu thốn mọi bề và đề xướng việc người trên dương thế hãy gửi đồ tiếp tế xuống cho người thân ở dưới âm phủ…
Các tôn giáo lợi dụng chi tiết này mà bày vẽ ra nhiều chuyện huyền hoặc. Thế là hình thành một lớp người chuyên sản xuất các đồ dùng, đồ vật bằng giấy gửi xuống" cho người chết bằng cách đốt đi. Việc làm này là đốt vàng mã. Những người làm vàng mã chế tạo ra đủ mọi thứ như nhà cửa, sập gụ, tủ chè chõng tre, nồi, ấm, mâm, bát đĩa, áo quần, gầy dép, xe ngựa, tàu thuyền, xe đạp, hình nhân, kính bút, tráp ăn trầu, vàng, tiền, vv…có người còn đốt cả ba tong, võng lọng gần đây hàng mã còn có cả xe máy, ô tô, ti vi, tủ lạnh, nhà ba tầng còn có cả mái bằng, tiền đô la mang dáng dấp hiện đại. Cũng theo truyền thuyết, những người chết không có họ hàng thân thích, nghĩa là không được tiếp tế qua việc thờ cúng là những cô hồn phiêu bạt, chỉ biết trông chờ vào việc đi xin hoặc đợi chút quà bánh và mấy hớp cháo lá đa ngày xá tội vong nhân rằm, tháng bẩy. Họ biến thành những ma đói, đi phá phách điều càn dở. Đói ăn vụng, túng làm càn mà. Trước khi đốt vàng mã; gia chủ khấn với các vị thần linh, xin chuyển hộ mọi thứ xuống cho thân nhân của mình theo đúng tên tuổi. Khi đó gia chủ ăn mặc chỉnh tề, đốt lên một hoặc ba nén nhang. Cũng có lúc đốt năm nén, rồi vái ba vái, bày tỏ nguyện vọng của gia chủ. Đốt một nén nhang gọi là tâm nhang để tỏ lòng mình đối với người thân đã khuất, cũng là có sự mong mỏi được người thân giúp đỡ đốt ba nén gọi là "cầu nhang", nhấn mạnh yêu cầu được che chở mọi mặt. Đốt năm nén nhang là gồm cả "tâm nhang" lẫn "cầu nhang".
Từ trước đến nay người ta cứ tưởng rằng cứ đốt càng nhiều càng nhanh càng tốt. Không phải vậy người đốt từng bó nhang lớn, làm khói bay mù mịt. Đó không phải là thắp nhang mà chỉ là làm cho mọi người xung quanh bị ngạt và khó chịu mà thôi. Việc đốt vàng mã cũng tuỳ theo túi tiền của gia chủ. Giàu thì vẽ vời vô kể và đủ điều. Nghèo thì giản đơn hơn nhiều. Bạn có thể đưa ra 5 ngàn đồng và bảo: "Bán cho tôi 5 ngàn đồng vàng mã". Thế là bà hàng hoặc cô hàng hiểu ngay, dưa cho bạn một bó nhang chừng 50 nén, một xấp vàng giấy (vàng lá) ở giữa có quét một số vật ngân nhũ. Trên lớp ngân nhũ là màu vàng hoe, một xếp giấy bạc 5 đồng của ngân hàng âm phủ, một xếp tiền đô la… Hàng năm, mỗi gia đình có chừng 10 lần như vậy cộng với hai lần giỗ nội ngoại và một lễ tảo mộ. Nhưng, ngày 23 tháng chạp là ngày tiễn ông Táo lên chầu trời thì nhà nào cũng phải sắm thêm ba cái mũ và ba cái áo giấy. Ba ngày Tết phải có thêm một nghìn vàng thỏi. Đến ngày Nguyên Tiêu, nhiều nhà mua thêm vài bộ quần áo và một, hai con ngựa. Tết Đoan ngọ và Tết mồng ba tháng ba cũng sắm thêm một chút vàng, mã. Ngày rằm tháng bảy theo tục truyền là ngày xá tội vong nhân. Ngày này dưới âm phủ, mọi người được “giải phóng”. Trên trần mọi người thi nhau đốt vàng mã. Những người làm hàng mã cỡ bậc thầy chỉ cần làm một vụ vào tháng 7 âm lịch là đủ cho cả một năm. Những người làm hàng giỏi thường là những người ở làng Mái (Đông Hồ), nơi ven sông Đuống thuộc Hà Bắc. Làng Mái là quê hương của làng làm vàng mã và tranh Đông Hồ nổi tiếng. Hai phần ba làm vàng mã và một phần ba làm nghề vẽ, in tranh Tết. Nhiều gia đình làm cả hai mặt hàng. Chính họ là những người đầu tiên ra mở cửa hàng bán vàng mã ở phố Hàng Mã gần chợ Đồng Xuân. Họ sản xuất ở làng Mái rồi đem hàng ra bán và nhận đặt hàng ở phố Hàng Mã. Làng Mái và dân Hàng Mã rất tự hào về người cụ của họ là một nghệ nhân bậc cao rất đỗi tài hoa tên là Tô Vượng. Chính cụ đã được đưa vào cung vua để trổ tài. Cụ tuân lệnh phải làm một cái ngai vàng bằng tre và giấy để nhà vua đốt dâng các vị vua đời trước. Ngai vàng này phải giống hệt chiếc ngai vàng sơn son thếp vàng mà vua đương thời thường ngồi. Có thể còn đẹp hơn. Khung, nan bằng tre nhưng vững chãi, có thể ngồi lên dược. Khi hoàn thành tác phẩm, ông Tô Vượng sung sướng quá, ngồi ngay lên chiếc ngai. Quan thái giám trông thấy, về bẩm với vua về tội khi quân ông bị giam vài ngày. Trong nhà giam, ông xin được mấy hạt gạo, ông dùng móng tay mà khắc lên hạt gạo những bông hoa tuyệt đẹp. Vua Minh Mạng là một ông vua nghệ sĩ, vốn mến tài, mến cái đẹp. Ông lại nhận được mấy bông hoa trên vài hạt gạo, liền mời ông ra khỏi nhà giam, phong cho Tô Vượng tước hầu. Về đến làng, rất nhiều người đến xin làm học trò. Sau này, người cháu của học trò ông đã trổ hết tài làm mã mà làm ra một chiếc thuyền Bát Nhã. Thuyền dài 2 mét, ngang 80 cm, có ba, bốn tầng. Phía đầu thuyền có vị thần linh oai phong chỉ huy. Hai bên có đúng một trăm tay chèo. Ngoài ra còn có nhiều quan văn, võ hộ tống "hồn" về "Tây Trúc". Chiếc thuyền có đến vài trăm chi tiết vài trăm hoa văn, lộng lẫy… Chiếc thuyền này được tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu mua với một giá rất cao để bày trong phòng khách hồi năm 1938 - 1939. Đến tận bây giờ, một vài lão nghệ nhân còn sống vẫn còn trầm trồ về vẻ đẹp rực rỡ, hoành tráng mà rất dân tộc của chiếc thuyền Bát Nhã này…
Khi gia đình còn cúng vào hè (tháng 4), ra hè (tháng7) hoặc cúng "dâng sao", "giải hạn", có muốn mua các đồ vàng, mã thì sẽ được các chủ hiệu hẹn chừng vài ngày hoặc một tuần. Lúc đó, các nhà sản xuất tập trung nhau lại, mỗi người làm một phần việc, một công đoạn. Ví dụ như làm một con ngựa thì có người chuyên đan nan, người chuyên vẽ hoặc tỉa các hoa văn, người chuyên lắp ráp… Có người mang đến tận nhà cho khách. Ở khu phố chợ Giời có mấy người sẵn sàng đi chào hàng, chuyển hàng. Trình độ marketing của họ rất cao. Họ nói ngọt như rót mật vào tai. Họ biết rõ những nhóm người hay cúng bái, tế lễ hoặc lên đồng. Họ còn dùng cả điện thoại để thông tin cho nhau hoặc giao hàng. Quả thật, vàng mã đã có nhiều mặt hàng xứng đáng được gọi là những tác phẩm nghệ thuật về nhiều mặt. Chúng trang trí nội ngoại thất cho các miếu, đền, am, đình… bằng những chiếc nón, các nhóm tượng giấy, hình nhân, hòm sắc, voi, ngựa, rồng, phượng, rắn v.v… Đã có nhiều khách nước ngoài tìm đến mua và coi chúng là những đồ mỹ nghệ thủ công lạ mà đẹp… Mấy xóm của làng P.T. (Thanh Trì, Hà Nội) hầu như đều làm vàng cả. Họ làm đủ mọi loại vàng. Phần lớn là vàng thỏi. Khung vàng thỏi bằng nan nứa gập lại Ngoài dán giấy màu. Vàng thoi trắng để rắc theo các đám ma. Vàng có mắt kính tròn là để lễ các vị thần linh. Vàng nhiều màu sắc để cúng các thổ công, hà bá hoặc để cho các linh hồn bơ vơ, không nơi nương tựa. Bà An vừa mới mua được một gian nhà ở chợ Giời với giá hời. Nhà của Nhà nước cấp cho được chia ngay cho hai cậu con trai. Hôm đến nhà mới, bà mời khách khứa đến ăn uống. Bà vui vẻ khoe riêng với nhà báo để thông cảm: “ông nhà tôi vì là loại cán bộ khá cao cấp nên tiếng là về hưu thật, nhưng lại làm chủ tịch cho vô khối hội hè. Ông ta còn làm cố vấn cho mấy cơ quan nên cũng có chút bổng lộc. Các con lại được làm những công việc "yêu tiên"… Thôi thì, người đời của thế ông nhà tôi cũng làm được một ít việc thiện. Nhưng nước đời khó lắm. Thế nào cũng phạm phải chút ít điều không thiện với lương tâm… Tôi mời thầy cúng làm lễ cúng các vị thần linh. Tôi mua thẳng 5 triệu đồng vàng mã. Cũng gọi là sám hối với các bề trên linh thiêng. Tôi chi khoản này rộng rãi thì mọi người cũng kiếm được đôi chút (?!). Thế là tôi thanh thản, vẹn cả đôi đường…". Bà Ngải cũng hay đốt vàng mã nhưng kinh tế nhà bà rất khá thì đã đành. Nhưng bà Túy thì ở hoàn cảnh nợ nần chồng chất mà vẫn đốt rất nhiều vàng mã. Thật đáng trách. Cuối năm Dậu, bà Loan đi thăm mộ chồng, đốt nhiều vàng mã. Lúc tàn mã bay lên, bà khóc: "Anh tha thứ cho em…". Số lượng giấy để cung cấp cho thị trường vàng mã rất lớn. Có điều, không mấy người để ý, nhưng nếu chúng ta làm nhiều con tính nhân lên, chúng ta sẽ thấy. Nó còn tiêu thụ nhiều giấy hơn công nghệ làm pháo Tết. Vì pháo chỉ dùng trong mấy ngày Tết. còn vàng mã cứ đốt rải rác suốt năm. Hơn nữa, làm pháo có thể dùng nhưng giấy báo cũ. Những giấy dùng cho vàng, mã, toàn là những loại giấy tốt và đắt tiền như: Giấy tầu bạch, trang kim, giấy ngoại, giấy bóng kính, giấy nhuộm v.v… Đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ đến một số lượng giấy to lớn dùng vào công việc không có sức thuyết phục, không có lợi cho kinh tế, xã hội và văn hoá của đất nước.
BÓI TUỒNG
Ở Hà Nội, những năm trước đây, vào dịp Tết và cả tháng giêng là bộ mặt sân khấu truyền thống lại rộn ràng hẳn lên. Những rạp lớn như Sân Nhiên Đài, Quảng Lạc, Nhật Tân Ban. v.v… nô nức "vào xuân". Các diễn viên được huy động triệt để. Từ mồng mười tháng chạp đến rằm tháng giêng là giai đoạn bói tuồng, nhưng không nhất thiết là xem tuồng mà cả chèo và cải lương. Trong suốt thời gian này, người ta chỉ diễn ba vở như: Kiều, Phan Trần, Quan âm Thị Kính. Mỗi màn diễn lại chia ra nhiều lớp nhỏ. Ví dụ như ở Kiều, riêng màn thăm mộ Đạm Tiên cũng chia ra nhiều lớp như: Kiều với ngôi mộ, Kiều và Vương Quan, Kiều Kim Trọng, KimKiều thề thết…Họ có thêm vào những đoạn “cương” hoặc “ngẫu hứng” cho những lớp tuồng trở nên tươi tắn hơn. Về vở Phan Trần, chàng thư sinh Phan Tất Chánh tài hoa và đẹp trai đến thăm một ngôi chùa. Chàng say đắm ngay tiểu Trần Thị Kim Liên. Đôi trai gái đó yêu nhau với một mối tình mà mãi tận bây giờ mới gọi tên lên được là "tình yêu sét đánh”. Người cô của Phan và vãi chùa bên khuyên can cháu không nên làm vẩn đục lòng trần của kẻ đã đi nương cửa phật. Phan liền tránh mặt cô. Đến chiều tối, Phan leo tường vào chùa trong, gặp một vãi khác, Phan nhờ bà đưa lá thư tình cho Kim Liên, bà vãi từ chối, Phan doạ tự tử ép nài bà đưa thư. Hôm sau, Phan ập đến đúng lúc Kim Liên quét sân chùa. Phan nắm lấy tay Kim Liên đang cầm chổi, Phan bảo: "không quét hết được tội lỗi ở trần gian đâu”, rồi đưa tiểu vào nhà oản tự tình với nhau. Sau đó, chàng và nàng bị đưa ra cửa quan, ông quan "nghệ sĩ" này liền mách nước bàn cho Phan tặng Kim Liên chiếc quạt và Kim Liên tặng cho Phan chiếc khuy bạc để coi như họ đã được hứa hôn với nhau từ lâu như vậy là đẹp lòng pháp luật mà cũng xuôi đạo từ bi Lớp kịch diễn rất hay, xem mãi không chán. Còn ở vở Quan âm Thị Kính thì khán giả ngày xuân thích những đoạn Thị Mầu lẳng lơ từ dải yếm lẳng đi, nói ra miệng: "Chàng như táo rụng sân đình Em như gái dở đi rình của chua". Và cái đoạn Thị Mầu trách anh Nô: “Gió xuân tốc dải yếm đào Anh trông thấy oản sao không vào thắp hương". Ngày xuân người đi xem rất đông, nhiều người mải mê xem từ đầu đến cuối, có người xem vài cảnh rồi ra nhờ người đoán điều hung điều cát. Các ông thầy bói này ngồi trên một chiếc chiếu bên cạnh rạp hát, tựa lên chiếc tráp sơn đen. Khi gặp cảnh diễn ra trên sân khấu, họ thường nói những điều tốt đẹp đại loại như: Năm mới xem gặp tích Phan Trần là tốt lắm, sẽ có hỷ sự. Họ trao đổi với nhau vui vẻ. Cháu bói đúng vào lúc Thị Mầu lên chùa. Thị Mầu thì lẳng lơ thật, nhưng không xấu đâu. Ở đời hoặc ít hoặc nhiều, ai mà không lẳng lơ có gọi là bụt… Bói vào cái đận ấy là hay đấy. Kim Trọng gặp Kiều thì còn gì bằng… Lẽ dĩ nhiên, người được giải bói cũng vui vẻ “Vi thiềng” cho người “giải bói” một chút tiền “mừng tuổi” khá rộng rãi. Và cả hai phía đều hân hoan.
HỘI LÀNG XƯA
Từ ngày mồng 10 đến 20 tháng tư âm lịch hàng năm, nhiều làng trong vùng Bưởi (Ba Đình, Hà Nội) như làng Thủ Lệ, làng Đông, làng Hồ, làng Nghĩa Đô Bái Ân, làng Cả… đều lần lượt vào hội. Hội nào cũng thường có hai phần là lễ và hội. Về phần lễ, các làng đều làm lễ tưởng niệm các vị anh hùng, tiên liệt, những người có kỳ tích hoặc ông tổ các nghề thủ công đã mang lại cuộc sống cho dân làng. Làng Cả (làng Yên Thái) kết hợp việc thờ ông bà bán dầu Vũ Phục đã hy sinh đời mình để cứu vua khỏi cơn bệnh hiểm nghèo với việc thờ ông tổ nghề làm giấy ông tổ nghề làm giấy không được thờ ở đình nhưng có một nhà thờ riêng với tấm biển sơn son thếp vàng ghi bốn chữ: "Bản nghệ thần từ, ông cũng được gọi là thánh sư, có mũ mão, cân đai. Tế thánh ở đình làng Cả. Một cái đình to đẹp, tiêu biểu cho các đình cổ Việt nam.
Sân đình rộng thoáng. Tam quan rất cao có những nét kiến trúc ngả về Phật giáo nhưng cũng có đôi nét mạnh khoẻ của Ấn Độ giáo. Lúc tế thánh, chủ tế phải là tiên chỉ của làng. Bồi tế, phụ tế, các vị có vai vế cao nhất trong làng không mặc các kiểu áo rồng phượng lòe loẹt mà ai cũng mặc áo gấm thất thể, ngoài là áo thụng xanh lam, quần trắng, đóng khăn, đi hài… Trông họ giản dị mà trang trọng. Màu sắc của gấm được phủ nhẹ bằng lớp áo thụng mỏng dính làm tôn vẻ đẹp của gấm rung rinh kiểu bốc bụi những chữ triện, hoa văn màu sắc ăn ý với phong màu đỏ tía. Các vị chức sắc làm nhiệm vụ khác thì nhất loạt mặc áo sa đen, khăn nhiễu. Lễ hiến thực thánh ông là xôi dẻo, bò béo, với thánh bà là cơm nếp thơm, gà mái ghẹ. Với thánh tổ nghề giấy thì cúng chè kho, chè mộng là mấy món ăn nổi tiếng của vùng Bưởi do những nghệ nhân có tín nhiệm của các phường được cử ra nấu nướng và chế biến. Đám rước của làng cả được bắt đầu từ xóm cầu sau, qua xóm giữa, xóm cổng, ra đường cái quan rồi lại trở về đình. Đám rước kéo dài gồm trống lớn có giá gỗ và bánh xe, trống cái có người khiêng, chiêng, cồng, hàng chục lá cờ có thêu chữ "Hội" đủ màu của bảy sắc cầu vồng, hàng chục lá cờ đuôi nheo, cành phướn, long đình, hai lọng vàng; bàn tam sinh gồm thủ lợn, đầu bò, đầu dê; bàn cỗ chay, tám quạt lông, hai kiệu lớn sơn son thếp vàng do mười sáu nam và mười sáu nữ thay nhau khiêng, tám loại vũ khí cổ do tám ông già cầm; hai choé đựng nước giếng quê hương v.v… Người xem hội đông nghịt. Nhiều trai tráng ăn mặc kiểu võ sĩ, mũ áo nhiều màu sắc rực rỡ, hào nhoáng, trước ngực có kết hoa. Những cô gái khiêng long đình, chít khăn nhung, mặc áo dài màu hoa đào, hoa lý, thắt lưng xanh hoặc vàng, quần lụa, giây cườm, nét vui tươi đầy sức sống thể hiện trên khuôn mặt. Các cụ già râu tóc bạc phơ, tay cầm bát bửu trông quắc thước bước đi oai nghi. Phía trước là hường bát âm liên tục tấu nhạc theo những luật lệ chặt chẽ nhưng lại đầy sức hấp dẫn. Người xưa chú ý nhiều đến đám phường tuồng, phường chèo. Các đào kép trong vai diễn của mình đi theo đám rước nghênh ngang, mũ trụ lấp lánh, cờ cắm sau lưng. Có vai đội mũ cánh chuồn, vẽ mặt, đeo râu, đi ủng cao. Có vai thái sư đội mũ bình thiên, mặt mốc, đi hia. Hoàng hậu đội mũ cửu phụng, mặc áo vàng, đi hài phượng. Võ tướng Tạ ôn Đình có đôi lông mày xếch nhọn, trên mặt có những nét gợn như vằn hổ trông thật dữ dội, đeo râu sàm (liên tu). Các vai chèo thì vừa đi vừa quạt. Cả những vai hề làm cho những trẻ con chạy nhốn nháo để xem tận mắt là hề mồi hay hề gậy. Sau đó là mấy tràng trai đóng giả con gái, khoác trống cơm đi lại ẻo lả, nói năng ỏn ẻn, liếc ngang, chít khăn vuông mỏ quạ. Họ đánh phấn hơi gắt, ngực độn. Người ta gọi là những con đĩ đánh bồng. Họ làm cho mọi người cười ngặt nghẽo. Các cô gái thì đấm nhau thùm thụp, cười khúc khích. Thỉnh thoảng các cô gái "rởm" này lại bập bồng mấy tiếng trống và đưa mấy nét múa “giễu đời”. Suốt ngày diễn ra các trò chơi như chọi gà, chọi chim, múa sư tử, đánh đu. Ở xóm cầu sau có xây một nhà cầu có giống cung cách một cái chùa giản đơn. Ở đây có lễ Phật, làm chay, chạy đàn, phá ngục. Bên cạnh cầu là một bãi rộng dựng lên một rạp hát bằng tre, nứa để tối nào cũng có phường tuồng, phường chèo thay nhau diễn trong mười đêm. Những tích trò được mọi người chờ đón như: Sơn Hậu, Đào Tam Xuân loạn trào, Suý Vân giả dại, Lưu Bình Dương Lễ, Thị Mầu lên chùa… Diễn viên được đón về trong những phường hội ở xa. Hôm sau, ngày hội chính lại có hát ả đào gọi là hết nhà tơ thanh nhã, không ồn ào.
PHÁO TRONG VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG Đốt pháo thể hiện niềm vui đã thành tục lệ ở nước ta đã có từ lâu đời. Ở đâu có tiếng pháo, khói pháo, xác pháo thì ở đó có niềm vui nam, phụ, lão, ấu. Đã từ lâu lắm rồi, trong những ngày vui, ăn mừng, chúc tụng hoặc nhất là những ngày Tết Nguyên đán, nhà nào cũng đốt pháo. Riêng vào những ngàyTết, pháo, hương, trà, mứt, rượu được coi là ngũ vị vừa thể hiện tính tinh thần vừa thể hiện tính vật chất của ngày Tết. Pháo có mặt trong những ngày lễ, Tết thật đằm thắm, gắn bó. Nó đã đi vào thơ, văn, ca dao, đồng dao. Có câu đối Tết: "Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột Om sòm trên vách bức tranh treo". Hoặc như: "Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh". Có nhà thơ đã viết: "Thủa bé em đeo chiếc khánh vàng Quần đào xẻ đũng, áo hàng lam Chân đi hài đỏ, tay thu pháo…" Tiếng pháo Tất niên, tiếng pháo giao thừa, đón mừng năm mới là những âm thanh và hình ảnh để đời Pháo cũng thường được đốt trong những dịp liên hoan, mở cửa hàng, cất nhà mới, đỗ đạt, chúc thọ hoặc tiễn cha mẹ thọ trăm tuổi về thế giới bên kia v.v… Pháo còn là đặc trưng cho những màn múa rối nước. Nếu không có loại pháo của làng Bình Đà phối hợp với quá trình biểu diễn thì hiệu quả nghệ thuật sẽ kém đi rất nhiều. Như vậy sẽ làm mất đi vẻ đẹp của loại hình nghệ thuật rất độc đáo của Việt nam. Trong các cuộc hội hè, vào đám, rước kiệu, múa lân, đánh vật, khảo cờ người, bắt trạch trong chum v.v… đều cần sự có mặt của pháo. Đám cưới Việt nam ghi lại: "Hôm nay xác pháo đầy đường Ngày mai xác pháo còn vương khắp làng…" Cô gái lỡ duyên, than thở với cô em: "Người la pháo đỏ rượu nồng Mà trong hồn chị một vòng khăn tang”. Bằng quận Công Nguyễn Hữu Chỉnh có mấy câu thơ nổi tiếng về pháo: “Kêu lắm lại càng tan tác lắm Cùng mang một tiếng ở trên đời”. Xưa, tổ tiên ta cho rằng tiếng pháo và việc đốt pháo gây nên một hiện tượng phỏng theo tiếng sấm có kèm các ánh chớp, mang lại vụ mùa bội thu: "Lúa xanh nhờ sâm Em đẹp nhờ anh…" Vì sấm chớp mang lại mưa có acide nitrique trong quá trình phát điện đã tưới bón cho mùa màng được tươi tất các cụ lại tin rằng, tiếng pháo có khả năng xua đuổi tà ma, ám khí…Ở làng Đồng Ky có cuộc thi pháo đầu xuân. Họ đốt cả những quả pháo khổng lồ dài 8 mét và có đường kính 0, 6 mét. Bên ngoài quả pháo là cả một công trình nghệ thuật rực rỡ và cầu kỳ. Người ta bảo rằng, cứ năm nào pháo nổ tốt, xác pháo rải ra như những cánh hoa đào là năm ấy được mùa, dân khang vật thịnh. Ở nước ta có nhiều loại pháo: pháo tạch, pháo đùng, pháo điện quang, pháo dây, pháo xiết, pháo chuột, pháo vịt, pháo kéo chữ, pháo ném, pháo bèo, pháo bông, pháo hoa, pháo sao chổi… Trước đây, pháo tồn tại và được khuyến khích sản xuất là vì nó có lợi ích về nhiều mặt: xã hội, văn hoá, kinh tế… Có nhiều nơi như Bình Đà, Thanh Oai, Cao Xá Đồng Ky và một số gia đình có truyền thống làm pháo đã nhiều đời. Nhưng người buôn bán pháo cũng không ít. Pháo là một nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc, nhưng do những lợi ích mà pháo đem lại quá lớn nên con người đã lạm dụng nó trong quá trình sản xuất và sử dụng nên pháo đã bộc lộ những tác hại nhất định đến cuộc sống. Ngày nay, pháo không còn có mặt trong những ngày vui, nhưng những hình ảnh và âm thanh của pháo vẫn còn vang vọng mãi trong kí ức người dân Việt nam như một hoài mềm khó phai mờ.