Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Giấc mơ của một người tỵ nạn

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 16463 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Giấc mơ của một người tỵ nạn
Chu Sa Lan

Chương 13

13h00.

02- 05- 1975.

HQ 10.

- Trình trung tướng... Tướng Niệm báo cáo sư đoàn 22 của ông ta đã hoàn toàn làm chủ thành phố Vinh. Các phi cơ C130, C47 cũng đã đáp xuống Vinh an toàn. Riêng các phi đoàn khu trục và phản lực đang trên đường tới Vinh...

Tướng Trưởng, tướng Minh, tướng Lân và phó đô đốc Cang đều lộ vẻ vui mừng khi nghe tin sư đoàn 22 đã hoàn thành nhiệm vụ. Tướng Trưởng quay qua nói với Vinh.

- Em hãy nhờ hạm trưởng gửi tin này tới các vị tư lệnh để họ mừng đồng thời cho lính biết để lính lên tinh thần... Mình đang ở đâu vậy anh Cang?

Vị tư lệnh hải quân trả lời thật nhanh như ông ta đã theo sát hải trình của đoàn tàu.

- Thưa anh mình còn cách Vinh chừng ba mươi hải lý. Nếu không có gì trục trặc mình sẽ có mặt ở vùng duyên hải bắc phần khoảng ba giờ sáng ngày mai...

Quay sang đại tá Hùng, tham mưu trưởng của mình tướng Trưởng hỏi tiếp.

- Anh đã liên lạc với các tư lệnh sư đoàn, hai binh chủng thủy quân lục chiến và biệt động quân?

- Thưa trung tướng tôi đã liên lạc với các vị tư lệnh. Toàn thể lực lượng của quân lực đã vào đội hình...

Phó đô đốc Cang đỡ lời cho đại tá Hùng.

- Tôi đã xếp đặt đội hình của các chiến hạm theo đúng kế hoạch hành quân mà chúng ta đã soạn thảo. Bốn liên đoàn biệt động quân sẽ được HQ 502, 503, 504 và 505 đỗ xuống Hải Phòng. Sư đoàn thủy quân lục chiến sau khi được tập trung lại từ các tàu nhỏ lên hai chiếc HQ 500, 501 và 502 sẽ được đỗ bộ xuống Thái Bình. Sư đoàn Giải Phóng Hà Nội và sư đoàn 1 được đỗ lên vùng Nam Định. Sư đoàn 3 sẽ xuống vùng Phát Diệm thuộc tỉnh Ninh Bình. Thiết giáp và pháo binh cũng được phân chia để đổ bộ cùng lượt với các cánh quân. Ngoài ra các giang vận hạm, trợ chiến hạm, thực vận hạm, hỏa vạn hạm và yểm trợ hạm cũng chở theo lương thực, vũ khí, đạn dược và xăng nhớt. Tất cả tàu đổ bộ này được hộ tống bởi các tuần dương hạm, hộ tống hạm, trục lôi hạm, tuần duyên hạm và tuần duyên đỉnh. Ngoài ra tôi cũng bàn riêng với anh Minh để cho một phi đoàn phản lực can thiệp khi có phi cơ của địch tấn công các tàu chở lính. Sau khi cuộc đổ bộ hoàn tất thời tôi sẽ chỉ huy hạm đội ngược sông Hồng lên Hà Nội để đổ sư đoàn Sài Gòn lên Bắc Ninh thay thế cho biệt động quân đánh vào mặc bắc Hà Nội...

- Hai anh chu đáo lắm...

Tướng Trưởng nói. Bốn ông tướng lặng lẻ rời phòng họp. Các sĩ quan tham mưu cũng tự tìm chỗ nghỉ ngơi sau khi đã thức trắng một đêm.

Vinh đứng bên hông tàu. Trời xanh và cao. Mây trắng bay lang thang. Nước biển xanh. Xa xa sóng bạc đầu trắng xóa. Gió thổi mạnh. Để khỏi lộ bí mật đoàn chiến hạm không trương cờ hiệu của nước nào cũng như không có liên lạc bằng vô tuyến. Anh liếc nhanh đồng hồ đeo tay. Sáu giờ chiều. Sài Gòn bây giờ xa quá rồi. Thành phố thân yêu của anh chỉ còn là hình bóng trong tâm tưởng. Nơi anh sinh ra và lớn lên bây giờ đã

thay chủ. Vinh thở dài ứa nước mắt khi nghĩ tới ba má anh chị em và vợ con. Họ làm sao sống nổi với những người đầy ắp hận thù. Sài Gòn mỹ miều của anh. Sài Gòn như một cô gái xinh đẹp đang bị cưỡng hiếp bởi những tên mán rừng thô bạo, hung hăng và tàn nhẫn. Còn đâu con đường Nguyễn Du vàng đổ lá me bay. Còn đâu đường Duy Tân xanh bóng mát. Còn đâu cà phê Pasteur. Chiều Nguyễn Huệ hẹn hò. Tuổi hai mươi đầy ắp mộng mơ. Ciné Eden. Lần đầu tiên anh nắm tay cô hàng xóm để rồi sau này nàng trở thành người vợ thân yêu của mình. Anh nhớ lại lần cuối cùng gặp ba má. Phải dằn lòng lắm anh mới không tiết lộ chuyện mình theo đoàn quân ra bắc. Anh chỉ làm một cử chỉ kín đáo là đi mua quyển Mơ Thành Người Quang Trung cho đứa con trai út của mình. Anh dặn nó là khi nào con nhớ ba thời nói với má đọc quyển sách này cho con nghe. Anh hy vọng vợ anh sẽ hiểu và không phiền giận mình. Vinh ứa nước mắt khi nghĩ tới Hằng. Tiếng hát của người vợ thân yêu chợt vang lên trong tâm tưởng.

 

- Chiều trên phá Tam Giang

anh chợt nhớ em

nhớ ôi niềm nhớ ôi niềm nhớ đến bất tận

em ơi

em ơi

Giờ này thương xá sắp đóng cửa

người lao công quét dọn hành lang

giờ này thành phố chợt bùng lên

để rồi tắt nghỉ sớm

ôi Sàigòn Sàigòn giờ giới nghiêm

ôi Sàigòn Saigòn mười một giờ vắng yên

ôi em tôi Sàigòn không buổi tối

Giờ này có thể trời đang nắng

em rời thư viện đi rong chơi

hàng cây viền ngọc thạch len trôi

nghĩ đến ngày thi tương lai thúc hối

căn phòng nhỏ cao ốc vô danh

rồi nghĩ tới anh

rồi nghĩ tới anh

nghĩ tới anh

Giờ này có thể trời đang mưa

em đi dưới hàng cây sướt mướt

nhìn bong bóng nước chạy trên hè

như đóa hoa nở vội

giờ này em vào quán nước quen

nơi chúng ta thường hẹn

rồi bập bềnh buông tâm trí

trên từng đợt tiếng lao xao

Giờ này thành phố chợt bùng lên

em giòng lệ vẫn rát chảy tuôn

nghĩ đến một điều em không rõ

nghĩ đến một điều em sợ không dám nghĩ

đến một người đi giữa chiến tranh

lại nghĩ tới anh

lại nghĩ tới anh

nghĩ tới anh...

 

Đây là bài hát mà Hằng thường hay hát cho anh nghe khi hai đứa còn yêu nhau và mãi cho tới lúc thành vợ chồng nàng vẫn hát cho anh nghe. Vinh mỉm cười hồi tưởng lại lần đầu tiên Hằng ra Huế thăm mình.

- Anh là lính vậy anh biết Phá Tam Giang ở đâu không?

- Làm sao em biết Phá Tam Giang?

- Em nghe bản nhạc của Trần Thiện Thanh có tên Chiều Trên Phá Tam Giang...

Vinh cười cười.

- Anh không biết Phá Tam Giang ở đâu nhưng anh

có thể chở em đi thăm Phá Hạt Hải. Nó cũng ở gần đây thôi và cũng giống như Phá Tam Giang...

Sáng hôm sau mượn chiếc xe jeep của tiểu đoàn Vinh chở Hằng đi thăm Phá Hạt Hải. Buổi chiều về gặp Thắng, bạn của Vinh Hằng mới khoe là Vinh đã chở mình đi thăm Phá Hạt Hải. Thắng cười ngất nói.

- Vinh nó gạt Hằng đấy. Phá Hạt Hải cũng là Phá Tam Giang. Hạt Hải là tên hồi xưa...

Tối hôm đó Hằng tra tấn Vinh về cái tội gạt mình khiến cho Vinh phải xin lỗi rồi cười nói.

- Em hỏi anh là lính sư đoàn 1 có biết Phá Tam Giang ở đâu không thời chẳng khác gì anh hỏi em ở Sài Gòn mà em có biết chợ Bến Thành ở đâu không...

Từ đó mỗi lần gặp nhau Hằng đều hát bản Chiều Trên Phá Tam Giang cho Vinh nghe. Thoạt đầu anh không để ý nhưng nghe hoài anh đâm ra thích và nhớ thuộc lòng bản nhạc...

Vinh đốt điếu thuốc. Mùi thuốc Lucky thơm dìu dịu. Đây là quà tết của Hằng khi anh về Sài Gòn lần cuối. Biết chồng thích Lucky nên nàng đã nhờ một người quen mua một cây thuốc để làm quà tết cho chồng. Vinh mang ra Đà Nẳng và được bạn bè chiếu cố nồng nhiệt. Anh một điếu tôi một điếu, tao một điếu mày một điếu, thầy một điếu trò một điếu. Thế là cây thuốc của Hằng vơi đi lẹ. Vinh không phàn nàn vì huynh đệ chi binh mà. Hồi còn làm trung đội trưởng, đại đội trưởng anh đã cùng với lính hít từng điếu Bastos xanh, Ruby quân tiếp vụ hoặc Cẩm Lệ.

- Mày uống cà phê không?

Nghe tiếng Hiền hỏi Vinh không quay lại mà gật đầu cười nói.

- Uống... Cà phê Mỹ hay cà phê của mình...

- Cà phê Ban Mê Thuột...

Vinh nhìn bạn với ánh mắt nghi ngờ. Hiền cười giải thích.

- Ông Cang điệu nghệ và chu đáo vô cùng. Ổng ra lệnh cho hạm trưởng mua cà phê rất nhiều cũng như thuốc lá quân tiếp vụ có cả mấy chục thùng để phân phát cho lính. Ổng bảo mình không mang đi thời tụi nó cũng lấy...

Hớp ngụm cà phê Vinh gật gù.

- Ngon... Tao nghĩ ông Thiệu không biết uống cà phê cho nên ổng mới ra lệnh bỏ cao nguyên. Tao mà làm tổng thống thời nhất định là không bỏ cao nguyên. Bỏ Ban Mê Thuột rồi lấy cà phê đâu mà uống...

- Ổng có tiền mua cà phê Nam Mỹ uống...

- Bởi vậy tao mới nói là ổng không biết uống cà phê. Cà phê Ban Mê Thuột nó có cái ngon, cái đặc thù của nó. Đó là cái hồn dân tộc, cái đất của quê hương xứ sở để nuôi lớn cây cà phê. Không có những thứ đó mày uống cà phê nghe lảng òm...

Hiền cười nhìn bạn. Vinh hỏi.

- Đào đâu rồi?

- Đang liên lạc với các chiến hạm. Kiểm điểm tin tức, sắp xếp các tàu vào đội hình để sẵn sàng chiến đấu khi gặp tàu địch...

Đưa tay chỉ mấy chiếc tàu nhỏ xíu đang chạy gần chiếc tàu của mình đứng Hiền cười tiếp:

- Mày thấy mấy chiếc tàu nho nhỏ đó không. Đó là các duyên tốc đỉnh mà tao nghe thủy thủ trên tàu gọi là PCF. Nó là phương tiện chuyên chở hoặc đưa rước người giữa các chiến hạm với nhau...

Nhìn thấy một người lính thủy đứng nơi đài chỉ huy, hai tay cầm hai lá cờ phất qua phất lại Vinh cười hỏi:

- Họ làm gì vậy?

Hớp ngụm cà phê Hiền cười cười.

- Đó là cách thức truyền tin cổ điển của hải quân để thay thế cho vô tuyến truyền tin... Đào nói với tao là chỉ có các thủy thủ thuộc ngành giám lộ mới biết cách thức đánh cờ và đọc ra chữ của các động tác đánh cờ này. Ngoài ra họ còn dùng các tín hiệu bằng đèn để liên lạc với nhau trong đêm tối hoặc ở thật xa...

Ngừng lại giây lát Hiền thong thả tiếp.

- Ông Cang muốn ăn thua đủ với hải quân Bắc Việt nên kéo cả hạm đội đi theo...Tao nghe ổng bàn với ông Trưởng và ông Minh là sẽ thả toán SEAL vào trước để phá hoại rồi mới cho tàu đổ bộ vào sau tuy nhiên ông

Trưởng không đồng ý vì cho làm như thế mình sẽ không còn có yếu tố bất ngờ nữa...

- Mày nghĩ sao?

Vinh hỏi bạn. Hớp ngụm cà phê, rít hơi thuốc xong từ từ thả khói Hiền cười.

- Tao đồng ý với ông Trưởng... Tụi nó đang ăn mừng chiến thắng nên không có đề phòng. Mình ập vào bất thình lình khiến cho tụi nó trở tay không kịp. Cho toán SEAL vào phá hoại chẳng khác nào mình đánh thức tụi nó dậy...

Uống cạn ly cà phê Vinh nói.

- Tao kiếm chỗ ngã lưng một chút...

- Tao cũng vậy... Để tao vào kiếm hai cái mền rồi mình ra trước mũi nằm. Đào nó bảo với tao là ngũ ngoài trời mát và khoảng khoát hơn...

Trời tối mờ mờ. Sao sáng vằng vặc. Tiếng động rì rầm. Kéo cái mền lên tận cổ Hiền thở dài.

- Tao nhớ nhà...

Vinh cũng thở dài.

- Tao nhớ mấy đứa nhỏ...

Giọng của Hiền như lạc đi.

- Hương đang có thai được ba tháng...

Vinh cảm thấy nước mắt ứa ra.

- Thằng con mày chắc không thấy mặt ba của nó rồi...

- Sài Gòn bây giờ ra sao?

Hiền hỏi và Vinh im lặng không trả lời. Anh không thể trả lời câu hỏi của bạn. Cho dù giàu tưởng tượng cách mấy anh cũng không thể hình dung ra cảnh tượng của Sài Gòn sau hai ngày thất thủ. Bốn mươi tám tiếng đồng hồ thôi nhưng anh cảm thấy dài như hai thế kỷ. Người ta nói " nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại " nhưng với anh thời một ngày xa Sài Gòn là nghìn thu không gặp lại. Anh đang xa Sài Gòn gần ngàn cây số nhưng là trùng trùng cách ngăn. Xa tới độ đi là không bao giờ trở về. Sài Gòn xưa cũ của anh cũng giống như thiên thai của Lưu Nguyễn. Một khi đi là không có lối trở lại vì dấu vết đã bị xóa mờ.

Vinh lại ứa nước mắt khi hình dung ra ngôi nhà nhỏ có bóng dáng cha mẹ thầm lặng ra vào. Người vợ thân yêu mòn mỏi trông chồng. Người chinh phụ của ông Đặng Trần Côn có may mắn hơn Hằng. Bà ta còn được " thư thường lại người không thấy lại ". Hằng thương yêu của anh không có diễm phúc đó. Sau ngày 30- 4- 75 là vĩnh viễn xa nhau. Không còn. không có gì hết. Không bao giờ gặp lại. Không nhìn thấy nhau trong môi hôn ngọt ngào. Không ái ân đằm thắm. Hằng không còn nằm gối đầu lên tay chồng để nghe anh kể về gian khổ của đời lính. Vinh nhắm mắt cố dỗ giấc ngủ nhưng những ý tưởng vẫn quay cuồng và hình ảnh vẫn hiện ra trong trí của mình. Càng suy nghĩ, càng tưởng tượng, càng hình dung anh càng buồn nhiều hơn và những giọt nước mắt thầm lặng rơi ra nhiều hơn.

            - Anh hai... Dậy anh hai...

Tiếng gọi của Lành khiến cho Thiên mở mắt.

- Mấy giờ rồi Lành?

- Năm giờ... Anh uống cà phê cho tỉnh...

Thiên ngồi dậy. Trời vẫn còn tối đen. Gió biển lạnh ngắt khiến cho Thiên rùng mình. Hớp ngụm cà phê Thiên mỉm cười thầm cám ơn người lính thân như anh em của mình. Chạy từ Pleiku về Nha Trang rồi Phan Rang, Vũng Tàu, Sài Gòn; anh và Lành phải bỏ lại nhiều thứ lắm nhưng bỏ gì bỏ chứ Lành nhất định không bỏ bịch cà phê Ban Mê Thuột. Có hai lý do khiến cho nó khư khư giữ bịch cà phê. Thứ nhất cũng như Thiên nó ghiền cà phê. Lý do thứ nhì quan trọng hơn. Bịch cà phê đó là di vật cuối cùng của người tình. Thiên đã nói và chính Lành cũng tự hiểu là sẽ không bao giờ trở lại Pleiku. Nó không còn chút hy vọng dù mong manh nào để gặp lại Đào. Dù nó không hé răng nhưng Thiên biết thằng em của mình buồn lắm. Anh cũng không có lời an ủi vì cũng ở vào hoàn cảnh tương tự. Sài Gòn. Đám cưới. Giờ đã hết. Sài Gòn. Chỉ còn là mơ ước ngậm ngùi. Buồn đau không thể nói thành lời. Không thể than thở. Chia xẻ với người bên cạnh bởi vì ai cũng có cảnh ngộ giống mình. Ai cũng mất vợ con. Lạc cha mẹ. Thiếu anh chị em, bạn bè, người quen. Sự mất mát lớn quá, nhiều quá khiến cho ai ai cũng đều dấu kín, câm nín ôm lấy trong lòng số phận nghiệt ngã

của chính mình.

Tiếng động nhiều hơn. Lính bắt đầu thức dậy để chuẩn bị.

- Ê tụi bây... Phải lãnh cơm ăn cho no nghe chưa... Đói bụng là tụi bây chạy không nổi đâu. Còn lên bờ thời không có cơm. Dân ngoài đó nghèo lắm, đói lắm cho nên đừng có mong họ bưng cơm rót nước mời mình đâu...

Thiên mĩm cười khi nghe thượng sĩ Muông dặn dò lính. Gốc Nam Định, lớn lên ở Hà Nội rồi vào nam năm 54, ông ta là người lính thâm niên nhất trong đại đội. Tuy cấp bậc thượng sĩ nhưng ông ta được giữ chức đại đội phó vì không ai xứng đáng hơn. Lính mới, lính cũ, quan mới, quan cũ khi về đại đội trinh sát đều được ông ta rèn, ông ta nung bằng thứ kinh nghiệm máu của hai mươi lăm năm quân vụ. Lính nói ông ta dự trận Điện Biên Phủ, bị bắt cùng lượt với tướng Phú. Thấy ông ta già cấp trên đề nghị cho giải ngũ thời ông ta xin được ở lại. Già như ông ta ra lính làm gì ăn. Đạp xích lô không nổi. Chạy tắc xi thời không tranh lại với thanh niên. Còn đi làm sở Mẽo hay buôn bán chợ trời thời ông ta có quá nhiều kiêu hãnh để làm chuyện đó. Ít ra sự có mặt của ông ta trong lính cũng có ích lợi hơn là ngoài dân sự. Vả lại dù đã gần năm mươi nhưng lội bộ còn giỏi, còn nhanh hơn đám thanh niên hai mươi. Lính hỏi lý do tại sao già mà còn gân vậy thượng sĩ cười đùa.

- Tụi bây trẻ mà chơi bời nhiều quá nên yếu xìu... Nào rượu, cà phê, trà, thuốc lá. Nào cave, gái bán bar, em nữ sinh xinh như mộng nữa. Bởi vậy không xụm bà chè sao được...

Lính cười nói nhỏ.

- Khổ hạnh như ổng chết sướng hơn...

Một người lính vừa nhai cơm sấy với thịt ba lát vừa hỏi.

- Mình lên đâu hả bố?

- Tao nghe nói sư đoàn Giải Phóng Hà Nội của mình sẽ đổ bộ lên Nam Định...

- Vậy là ngay quê của bố rồi...

Thượng sĩ Muông cười toe tét.

- Được đặt chân lên Nam Định thời có chết tao cũng vui...

03h30.

Lịnh ban ra. Lính xếp hàng im lặng chờ đợi. Trời vẫn còn tối thui. Gió thổi nhè nhẹ khiến cho tàu bớt chòng chành.

<< Chương 12 | Chương 14 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 139

Return to top