Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Tận Cùng Đam Mê

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 3027 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tận Cùng Đam Mê
Trần Quang Thiệu

Phần I

(Lời người viết: Tận cùng đam mê mang lại những thống khổ cho cuộc đời, nhưng nhận thức được đời sống mong manh đã đưa con người trở lại con đường ngay. Truyện ngắn này viết theo tâm sự của một người bạn thân nhưng đa phần là hư cấu, nếu có sự trùng hợp về địa danh và tên người là ngoài ý muốn của tác giả. Cũng xin thành thật cám ơn người bạn đã tin tưởng và tâm sự với chúng tôi về những thăng trầm của đời sống để chúng tôi có thể viết câu chuyện này. TQT)

  
      Mắt Trung long lên sòng sọc, hàm răng rít lại, nắm tay đập mạnh xuống bàn:
      -     Tại sao cô muốn ly dị? Tôi đã làm gì đến độ cô phải đối xử với tôi như thế này?
      Tôi vẫn ngồi yên lặng, như thể là tôi không nghe thấy Trung vừa nói gì. Quyển sách vẫn ngang tầm mắt nhưng tôi không đọc thêm được chữ nào. Người đàn bà trong bức tranh vẽ dở dang vất cạnh chân tường hình như đang nhìn tôi như muốn hỏi. Còn gì nữa mà nói, tôi đã không còn yêu Trung, linh hồn tôi bay lãng đãng ở một nơi nào đó, không ở đây, trong căn nhà rộng lớn, đầy đủ tiện nghi trên sườn đồi. Tôi còn biết nói gì. Hơn mười hai năm chung sống Trung vẫn không hiểu được tôi, và hơn năm nay chúng tôi không còn ngủ chung. Tôi bệnh hay tôi buồn Trung cũng chẳng thèm để ý, ly dị hay không cũng có khác gì. Tôi nặng nề lắc đầu, chỉ tập hồ sơ trên bàn:
      -     Anh đọc đi. Luật sư đã soạn thảo đầy đủ, nêu rõ lý do. Em không đòi hỏi gì, chỉ xin anh cho em được nuôi các con thôi.
      Tôi cố giữ nhưng nuớc mắt vẫn trào ra, bỏ cuốn sách xuống, kín đáo chùi nước mắt, lơ đãng nhìn Trung cầm tập hồ sơ lên. Giọng nói của Trung trở lại lạnh lùng:
      -     Được, cô muốn ly dị tôi để cô ly dị! Tôi biết cô không còn yêu tôi, mặc dù tôi đã tha thứ cho cô lỗi lầm ngày nào. Tôi sẽ cho cô thấy là không có tôi cô chẳng là cái gì, không có tiền của tôi cô chỉ sống bằng welfare với food stamps mà thôi!
      Trung bỏ ra phòng ngoài, tôi nghe tiếng đồ đạc đổ vỡ, tiếng Trung rít lên “Này sách, này tranh, goddamn it!” Tôi giật mình chạy ra, dù sao thì cũng còn các con tôi. Không ai đuợc đụng tới chúng. Trung có phá nhà, hay giết tôi cũng được, nhưng không được đụng vào các con tôi!

      Kệ sách đổ, những cuốn sách tôi thu góp bao nhiêu năm nay nằm tung tóe trên sàn, vài cuốn bìa bị xé rách trong cơn nóng giận của Trung. Các con tôi không còn ở đấy, chắc chúng đã chạy vào phòng, leo lên giuờng chùm chăn kín như mỗi lần Trung lên cơn điên. Trung cũng không còn đó, và có lẽ đêm nay cũng sẽ không về, ngất ngưởng say ở một nơi nào đó, hay trở lại văn phòng ngồi gục đầu trên chiếc bàn làm việc rộng mênh mông với những đồ án xây dựng dở dang.
      Tôi thẫn thờ nhặt một cuốn sách lên nhưng rồi chán nản vứt lại xuống sàn, lặng lẽ hé cửa bước vào phòng con gái út. Jane đã nằm yên trên giường, thân hình bé nhỏ co quắp, quay mặt vào tường như thể không biết là có tôi đang tiến lại gần. Tim tôi quặn đau, nhè nhẹ đưa bàn tay vuốt mớ tóc mềm của con:
      -     Mommy is so sorry!
      Con bé không nói nhưng có dòng nước mắt ứa ra. Tôi hôn lên má con:
      -     Con tha lỗi cho mẹ. Mai mẹ đưa các con về với ngoại. Chúng mình không ở đây nữa.
      Bỗng dưng tôi khóc. Đã lâu lắm rồi tôi câm nín, không biết sao lúc đó tôi nức nở như trẻ thơ. Nước mắt tôi nhạt nhoà, và tôi gọi “Mẹ ơi”. Ngồi xuống sàn, tôi gục đầu trên gối, và cứ như thế rất lâu trong cái yên lặng với niềm cô đơn tuởng như vô cùng đó, chợt một bàn tay rất nhỏ nắm lấy vai tôi, và một giọng nói nhẹ như là từ cõi xa vời:
      -     Mommy, don’t be sad.
 
o0o
 
      Trời San Francisco mờ trong sương. Hơn một năm theo học hội hoạ ở đây rồi mà tôi vẫn chưa hoàn toàn quen với thời tiết của thành phố sương mù này. Những con dốc, những chiếc xe điện cổ điển với tiếng chuông vui tai, và những con đường ra bờ biển đầy những nghệ sĩ kiếm sống bằng nghệ thuật đã lôi cuốn tôi tới nơi này. Tôi đã đến, tôi đã tìm được tôi, và tìm được tình yêu đích thực để mang theo cho đến cuối cuộc đời.
 
      Ngày đó tôi đã cố thuyết phục Trung:
      -     Chương trình hội họa của trường đó chỉ có hai năm. Tốt nghiệp xong em vừa có thể là hoạ sĩ vẽ tranh, vừa có thể hành nghề interior design, trang trí nhà cửa, giúp thêm cho đời sống gia đình.
      Trung lắc đầu:
      -     Chúng mình đâu có thiếu thốn. Thừa thãi nữa là đàng khác, dù chỉ mình anh đi làm. Các con cần em ở nhà, và anh cần có em ở bên.
      Tôi gượng cười:
      -     Anh đi làm suốt ngày. Các con cũng đã lớn, đi học tới chiều mới về. Em ở nhà loanh quanh ra vào một mình! I’m bored!
      Để thuyết phục Trung, tôi dậm nhẹ đôi bàn chân, rúc đầu vào ngực anh, nũng nịu:
      -     Cho em đi học đi cưng. Mai mốt em vẽ hình anh, hình các con, treo trong nhà. Hồi chưa lấy nhau anh chẳng nói là em muốn gì anh cũng chiều em mà.
      Cuối cùng Trung đành chiều theo ý tôi. Từ chỗ chúng tôi ở hàng ngày phải lái xe lên San Francisco cũng khá vất vả nên cuối cùng Trung mướn cho tôi một cái studio nhỏ gần trường, để tôi có thể ở luôn trên đó, hàng tuần vào chiều thứ sáu, lên đón tôi về với gia đình. Tôi trở lại đời sinh viên như con chim ra khỏi lồng, cất tiếng hót thánh thót, đến độ nhìn khuôn mặt hạnh phúc rực rỡ của tôi Trung đã ôm tôi hôn thật nồng nàn:
      -     Anh biết là em vui, anh cũng rất sung sướng vì thấy em vui, dù thiếu vắng em bên mình. Cả các con nữa. Bé Jane đã có bà Feng tới trông nom nhưng vẫn hỏi em hàng ngày.
      Nghĩ tới các con tôi cũng cảm thấy hơi ân hận:
      -     Cuối tuần em vẫn về đưa con đi chơi, và tối nào cũng gọi các con trước khi các con đi ngủ. Anh yên tâm. Các con đối với en rất là quan trọng.
      Trung cũng tạm yên tâm, nhất là từ ngày thấy Sophia, con bạn gốc Ý học cùng lớp hội hoạ dọn vào ở chung với tôi.
 
      Sophia bĩu môi nhìn tôi:
      -     Lại đọc sách. Mày muốn đi chơi không Vy?
      Tôi nhún vai:
      -     Đi đâu?
      -     Cái bar ở góc phố đó. Hôm nay có ban nhạc sống tới chơi.
      Tôi ngần ngừ:
      -     Tao đọc gần xong cuốn sách này rồi. Thôi để khi khác.
      -     Mày đọc cái sách quỷ quái gì đó?
      -     Tiểu thuyết tiếng Việt của tác giả Kiệt Tấn. Mày không hiểu đâu.
      -     Lẽ dĩ nhiên là tao không hiểu, có hiểu tao cũng không đọc. Vy, mày lãng mạn, say mê những cái không có thật, chúi đầu vào sách truyện và những trang webs vô bổ.
      -     Come on. Có những kinh nghiệm sống trong sách  rất gần gũi với đời thường.
      Sophia đưa tay kéo tôi đứng lên:
      -     Sách của mày còn đó, ai lấy mất đâu. Đi nghe nhạc cái đã, khuya hoặc mai đọc tiếp.
      Tôi ngần ngại nhưng biết là Sophia sẽ không để cho tôi yên nếu tôi không theo nó ra ngoài. Trời lạnh nhưng không khí trong quán rượu thật ấm cúng. Chúng tôi chọn cái bàn trong góc, ngồi yên quan sát mọi người, và thả hồn nghe ban nhạc chơi những bản êm dịu. Sophia gọi hai ly Tequila cho chúng tôi nhấm nháp. Nó thì thầm:
      -     Thêm một vòng tay đàn ông nữa là tuyệt hảo.
      Tôi nheo mày:
      -     Mày nên cẩn thận.
      Sophia cười rúc rích:
      -     Mày muốn nói  … ? Mày có chồng. Còn tao, tao không có gì phải lo.
      Tôi đỏ mặt:
      -     Tao chỉ muốn nói là mày đừng bừa bãi quá. AIDS không chừa một ai.
      -     À, cái đó thì tao hiểu. Nhưng đi với mày tao không kiếm được thằng đàn ông nào ra hồn. Chúng nó thích mày hơn là thích tao!
      Tôi phản đối:
      -     Tao thấp, đi cạnh mày thấy nhỏ bé. Đàn ông chúng tìm những đứa như mày. Sexy, và  chịu chơi. Tao có gia đình đâu có ai thèm.
      Sophia bĩu môi:
      -     Tại mày không muốn, hoặc chưa gặp đối tượng. Có chồng hay không, ở cái chỗ này, đâu có thằng khốn nào nó quan tâm.
      Tôi biết Sophia lại bắt đầu cãi bướng mỗi khi uống chút rượu nên chỉ mỉm cười ngồi yên. Sophia cũng ngồi yên, thân hình lắc lư theo tiếng nhạc, cho đến khi cạn ly. Nó đòi uống thêm nhưng tôi lắc đầu, nói mai phải tới trường, không nên ở lại quá khuya.  Trên đường ra khỏi quán rượu Sophia nán lại nói chuyện với một người đàn ông quen biết ngồi gần ngoài cửa, nó nhìn tôi nháy mắt, và tôi hiểu là đến lúc tôi nên ra về một mình.
      Cũng chưa khuya lắm, mới hơn 11 giờ, và sáng mai tôi không có lớp nên chưa muốn đi ngủ ngay. Ngồi xuống bàn học, mở máy PC, log-in một web site quen thuộc tôi nhận biết ngay là có người vừa gửi cho thư riêng cho tôi, hay đúng hơn, gửi cho Quỳnh-Như, con người ảo của tôi trong thế giới văn chương trên những web sites.
 
      “Quỳnh Như hỏi tôi có tiếc nhớ mùa thu bên East Coast hay không hả. Làm sao không nhớ tiếc! Ngày còn theo học tại M.I.T. mùa thu nào tôi cũng lái xe qua vùng New England, lên tới tận Maine để ngắm lá vàng. Mỗi đoạn đường đi qua là một đoạn đời không quên. Bây giờ không còn trẻ nữa nhưng những xúc cảm đó vẫn tràn đầy, và vẫn mong một ngày nào lại được như xưa, được sống lại những ngày tháng tự do như cánh chim trời, lang thang trong cái không gian lãng mạn của mùa thu chớm lạnh …”
 
      Tôi mỉm cười trả lời vắn tắt  “Cám ơn anh Thân đã mang mùa thu về cho Như. Mai Như vẽ chắc màu lá sẽ đẹp hơn nhiều. Khuya rồi, Như phải đi ngủ đây. Good night anh. ”
 
      Tôi thả mình trên giuờng, mơ màng tưởng tượng đến một người con trai còn trẻ, tóc bồng bềnh đen nhánh, mắt long lanh đầy ước vọng, lái chiếc xe bỏ mui chạy chầm chập trong khu rừng mùa thu. Tôi nhẹ mỉm cười, Trung cũng tốt nghiệp M.I.T. nhưng đam mê của Trung là những căn nhà cổ kiến trúc cầu kỳ chứ không phải rừng thu đầy lá vàng. Lá rụng chỉ làm ngập lối đi, thối nát bẩn thỉu, dính vào gót giầy chứ “chẳng làm được cái tích sự gì” như Trung thường than phiền mỗi khi tôi hỏi Trung về những ngày tháng cũ.
      Tôi để ý đến những bài tùy bút của Thân viết trên trang Phố Xưa của web site Ngàn Thông vì Thân nhắc tới Đà Lạt, nơi tôi sinh ra và lớn lên cho đến năm 15 tuổi mới theo gia-đình định cư tại xứ này. Bài viết không chỉ tả cảnh rừng thông, những nơi tôi đã đặt chân qua một lần, mà còn nhắc tới bạn bè, kẻ mất người còn, nhắc tới tuổi thơ trong sáng làm rung động lòng người. Đọc bài viết của Thân nhiều lúc lòng tôi chùng xuống, rưng rưng muốn khóc, muốn đưọc trở về nhìn hàng thông xanh trước ngõ, cây Mimosa hoa vàng ở góc sân, muốn được nắm áo mẹ trèo lên con dốc Hoà Bình, hay e ấp kéo tà áo dài trên con đường không tên từ đồi cù xuống Hồ Xuân Hương. Tôi viết thư riêng cho Thân “Nhà Như cũng ở trên đường Hoa Hồng. Nhiều năm rồi Như không về, con đường đó còn như xưa không anh …”
      Thân trả lời, chúng tôi trở thành hai người bạn, nói về một quê hương trong trí tưởng, cho đến khi Thân viết về những ngày tháng theo học tại M.I.T, về rừng thu lá đỏ vàng, về gió lạnh khi thu về, thì tôi hoàn toàn bị cuốn hút như thể là tôi đang theo Thân đi khắp những con đường trong giấc mơ. Những bức tranh của tôi đày rẫy những phong cảnh núi rừng, tôi mang giá vẽ lên tận vùng Tahoe vào những ngày nghỉ, vẽ rừng thông và tưởng tượng như là tôi đang vẽ núi đồi Đà Lạt. Tôi vẽ người đàn ông đứng tựa gốc cây, mắt nhìn về một nơi xa vời, và tôi tưởng tượng đó là Thân. Tôi nói với Thân về những bức tranh này, và giật mình khi nhận được thư riêng của Thân “Như vậy thì Như đang ở Bắc Cali. Tôi cũng ở gần. Có lẽ một ngày nào chúng mình sẽ gặp nhau. Được không?”
      Tôi không trả lời rõ ràng, chỉ gửi cho Thân mấy khuôn mặt đang cười như rất vui nhưng không hề nói gì thêm. Thân cũng không hỏi tới. Chúng tôi vẫn là bạn, và tôi có thói quen hàng ngày mở hộp thư riêng trước khi đi ngủ, đọc đôi dòng tâm tình Thân gửi cho tôi, và hơn thế nữa tôi cũng bắt đầu viết những trang tùy bút của riêng tôi, những trang tùy bút mang hình ảnh của một người đàn ông không phải là Trung, và tôi tôi cũng không phải là Vy, người đàn bà có chồng, có con, mà là Quỳnh Như, cô sinh viên mỹ thuật vừa mới lớn, và hình như vừa biết yêu.
 
o0o
 
 
      Thân bất thình lình gửi cho tôi một tấm hình mà anh nói là mới chụp cách đây vài tháng trong văn phòng nơi anh làm việc tại NASA của thành phố Mountain View. Thân khoanh tay, dựa lưng vào bàn giấy, miệng mỉm cười như đang chào đó người nào đó tới thăm. Trông Thân hình như già hơn Trung vài tuổi, nhưng không có vẻ khắc khổ cố hữu của Thân, trái lại nụ cười rất tươi và ánh mắt thật khoan hoà. Kèm theo tấm hình là mấy chữ “Để Quỳnh Như biết bạn ta! Be fair”, và cái dấu ‘happy face’ tròn xoay.
      “Be fair!” Tôi biết là Thân muốn tôi gửi hình của tôi lại cho Thân. Lúng túng mãi tôi mới chọn được tấm hình cũ chụp đã khá lâu và không rõ mặt lắm gửi cho Thân. Khuya đó tôi nhận được message của Thân:
      -     Trông Như bé bỏng quá. Bữa nào anh mang gạo lên đó nuôi Như cho mau lớn.
      Lúc này Thân đã biết tôi đang học tại San Francisco, và chúng tôi đã dùng ‘chat’ để nói chuyện với nhau thường hơn, nên tôi gửi vội một hàng:
      -     Đừng! Như không gặp anh được.
      -     Tại sao?
      -     Tại … Như không muốn.
      Thân gửi lại hình cái mặt mếu, nhưng không nói gì hơn. Trong thâm tâm tôi biết thế nào cũng có ngày chúng tôi sẽ gặp nhau, chỉ là vấn đề thời gian, vì tôi biết là trong tâm tư tôi đã nghĩ tới anh quá nhiều. Những bài tùy bút anh viết cho người tình ở xa cách, ám chỉ tôi, làm tôi mềm lòng. Có cả những câu thơ ngắn, ước ao một phút giây gặp gỡ làm tôi bồi hồi:
 
            Ước gì cho không gian thu hẹp lại
            Cho đêm đêm anh cúi xuống thật gần
            Nụ môi hôn, linh hồn say khờ dại
            Đêm tận cùng trong giấc ngủ ái ân.  (Thơ Biển Mặn).
 
      Tôi gửi thư riêng cho Thân “Anh làm Như … hư mất.”  Thư trả lời của Thân thật dịu dàng “Anh chỉ muốn thấy Như một lần, được cầm tay Như, được đi với Như trên những con dốc sương mù, tới ngọn đồi cao trông ra biển, và nói nhỏ vơi Như là lúc nào anh cũng tưởng nhớ tới Như. Anh  muốn Như có hạnh phúc, còn anh, anh cam đành với số phận, có chút duyên nhưng không có nợ nên không có được em  trong vòng tay.”
      Tôi cầm lòng không được, và gửi ngay số cell của tôi cho Thân, và ngay buổi chiều ngày hôm sau Thân đón tôi trước cửa trường. Chúng tôi lặng lẽ đi bên nhau, và tôi đã run lên dựa đầu vào vai anh, khi anh ôm nhẹ bờ vai tôi. Buổi tối đó Sophia ra khỏi nhà, nó nháy mắt với tôi, và nó không trở về cho tới khi trời sáng, lúc Thân hôn tôi giã từ.
 
      Cuộc tình của tôi và Thân càng ngày càng sôi động, chúng tôi không còn dấu diếm gì nhau, nói cho nhau biết hết về những ràng buộc gia-đình, và mỗi lần đề cập tới tôi thấy niềm đau trong mắt anh, trong giọng nói ngập ngừng, trong tiếng nhẹ thở dài. Còn tôi, tôi nói bằng nước mắt, bằng ủ ê cúi đầu, nhưng tất cả những thứ đó không làm cho chúng tôi ra khỏi niềm đam mê cháy bỏng. Cuối tuần tôi ít về với gia đình, viện cớ phải đi thực tập vẽ phong cảnh ngoài trời, còn Thân, Thân nói với vợ về những off-site meetings, về những chuyến công tác qua đêm tại một tỉnh xa lạ nào đó, để chúng tôi có thể ngủ vùi trong tay nhau, trong những khách sạn nhỏ thơ mộng dọc theo con đường ven biển. Tôi luôn luôn nằm quay lưng vể phía Thân, để được Thân ấp ủ, vuốt ve bờ vai, mặc cho đôi khi nước mắt thấm bờ mi, vì hạnh phúc, vì khổ đau, vì hối hận dày vò.
      Thân càng ngày càng trầm lặng mỗi lần gặp nhau. Anh vẫn dịu dàng, vẫn thiết tha, vẫn làm tôi tan chảy với hạnh phúc, nhưng tôi cũng thấy nét chua xót gần như đau đớn, trong ánh mắt, nụ cười. Buổi tối đó chúng tôi dìu nhau đi bộ trên con đường ra bãi biển, Thân thì thầm:
      -     Ước gì chúng mình cứ được mãi như thế này.
      Tôi dụi đầu vào ngực anh:
      -     Chúng mình đang có nhau đây thôi.
      Thân thở dài:
      -     Em sắp tốt nghiệp, em sắp về với gia đình dưới đó.
      Tôi ngửng đầu nhìn anh, Thân lại thở dài:
      -     Anh …
      -     Sao anh?
      Thân ngập ngừng:
      -     Hình như Thảo đã biết.
      Tôi nghe tim thắt lại:
      -     Chị Thảo … sao, chị Thảo biết chuyện chúng mình rồi sao?
      Thân lại thở dài:
      -     Anh nghĩ vậy. Thảo vẫn im lìm buồn rầu, hầu như không nói chuyện với anh, và có lúc thấy Thảo ngồi ôm hai con, xoa tóc chúng, chìm vào suy tư như thể là đang quyết định một điều gì ghê gớm lắm.
      Tôi nghe đắng ngắt trong miệng:
      -     Anh … Như … Như không muốn xa anh, nhưng Như không thể làm anh khổ. Chúng mình phải làm sao bây giờ?
      Thân bóp nhẹ bàn tay tôi:
      -     Anh cũng không biết. Có lẽ chúng mình phải tạm xa nhau môt thời gian xem sao. Nhưng lúc này anh muốn quên hết mọi chuyện, giữ lấy nhau được phút nào hay phút ấy. Mai anh đưa em lên Tahoe chơi. Chúng mình ở với nhau một đêm trên đó, rồi có phải chia cách cũng còn có gì để nhớ.  
      Tôi ứa nước mắt ngả đầu trên vai Thân. Anh cúi xuống hôn lên trán tôi, và tôi nghe thấy tiếng anh nhẹ thở dài.
     
      Highway 50 từ Sacramento lên Lake Tahoe len lỏi qua những đồi thông, dọc theo những con suối róc rách, đẹp như tranh vẽ, và gần gụi với Đà-Lạt, thành phố thời thơ ấu của tôi, làm tôi thật bồi hồi. Thân lái xe, mắt nhìn về trước thoảng buồn. Chúng tôi vừa ngừng lại tại một quán bên đường cạnh con suối nước trong veo. Trời mới chớm thu, không lạnh lắm, nhưng những chiếc lá đã ngả mầu, và vài chiếc đã rơi nằm rải rác bên bờ suối. Tôi bỏ giầy, thả bàn chân xuống làn nước mát lạnh, tay vu vơ bứt những ngọn cỏ gần kề. Thân ngồi xuống cạnh tôi, ôm bờ vai tôi truyền hơi ấm từ lồng ngực anh. Cả hai chúng tôi đều không nói, cả hai chúng tôi nhìn sang bên kia bờ suối, những đôi mắt buồn bơ vơ, và tôi chợt ứa nước mắt, để cho anh hôn lên đó thật dịu dàng.
      Buổi tối chúng tôi đi dạo với nhau bên bờ hồ. Bầu trời long lanh đầy sao, chúng tôi im lặng hoà mình vào vũ trụ im vắng, chỉ đến khi chân tôi đã mỏi mới dựa lưng vào một thân cây thông, để anh ôm tôi trong vòng tay, hôn lên môi, lên cổ và cả trên mí còn đọng nước mắt vừa ứa mỗi khi tôi nghĩ tới đêm nay có thể là đêm cuối cùng chúng tôi có nhau.
      Đến gần sáng chúng tôi mới thiếp đi. Hai thân thể rã rời quyện vào nhau như như môt khối. Giống như mọi lần, tôi quay lưng lại cho anh ấp ủ, bàn tay anh vuốt ve, và lau cho tôi dòng nước mắt nhạt nhoà.
 
o0o
 
      Sau lần đó chúng tôi không bao giờ gặp lại nhau. Thân xin thuyên chuyển, và đưa gia-đình qua miền Đông, để giữ lại tình vợ chồng dù đã bị tổn thương. Tôi trở về với gia đình nhưng niềm thương nhớ anh không nguôi, tôi bắt đầu vẽ portrait, và khuôn mặt đầu tiên là khuôn mặt anh. Tôi  cũng vẫn theo dõi những bài viết của anh trên diễn đàn. Trái tim đau khổ của anh hình như rướm máu, thơ anh càng thiết tha, và đâu đó hình bóng tôi chứ không phải vợ anh, vẩn còn phảng phất trong những con chữ.
 
            Ở nơi đó bây giờ
            Mùa thu có gió
            Nên nỗi nhớ thật não nùng.
                Em đợi một ngày trời ươm nắng
            Cho em mang nỗi nhớ ra hong.  (Thơ Biển Mặn)
 
      Dần dần rồi Trung cũng biết là tôi đang thương nhớ một người nào đó không phải là Trung.    Cơn giận của Trung bùng lên, mãnh liêt tưởng như đốt cháy không gian, tường như nghiền tôi nát thành tro bụi. Tôi nghiến răng gục đầu chịu đựng, đau đớn nhưng càng nhớ thương nét dịu dàng của Thân những lúc chúng tôi gần nhau. Ước gì lúc đó Trung giết tôi chết, để tôi không còn bị dày vò, đau khổ vì còn yêu một người ngoài vòng tay. Những dòng nước mắt của các con tôi làm mềm cánh tay giơ cao của Trung, và làm tôi câm nín. Tôi biết chỉ là vấn đề thời gian trước sau gì rồi Trung và tôi cũng sẽ phải chia tay, nhưng quả tình tôi không biết phải làm gì. Tôi không còn là tôi, rất bơ vơ, nhưng cũng rất cương quyết giữ cho mình những tình cảm sâu đậm của một mối tình làm tôi cuồng điên vì nhớ. 
      Trung tìm đến bạn bè, đến những cuộc vui không có tôi, còn tôi, tôi tìm quên trong sách vở, hội hoạ, và những chai Tequila chất đầy trong những ngăn tủ quanh nhà.
 
o0o
 
      Tay tôi run lên và chiếc điện thoại hình như quá nặng. Giờ này cũng đã gần nửa đêm bên Houston. Tiếng mẹ tôi hốt hoảng:
      -     Có chuyện gì mà con gọi vào giờ này?
      Giọng tôi đứt quãng vì nghẹn ngào:
      -     Mẹ, … con …
      -     Lại xảy ra chuyện gì nữa hả con?
      -     Dạ.
      -     Sao?
      -     Mai con mang các cháu về.
      Tiếng mẹ tôi im lặng, lâu lắm tôi mới nghe tiếng mẹ nhẹ thở dài:
      -     Con về luôn?
      -     Dạ.
      -     Mẹ thật bàng hoàng. Con có biết là hậu quả có thể rất nghiêm trọng hay không?
      -     Con không biết nữa mẹ ạ.
      Tôi lại nghe tiếng thở nhẹ:
      -     Thôi, con cứ về rồi tính sau. Bố mẹ lúc nào cũng thương con.
      -     Dạ, con cám ơn bố mẹ.
      Tôi buông điện thoại, ngồi xuống giường thẫn thờ nhìn quanh. “Adieu”, tôi nói thầm. Tôi sẽ không trở về đây nữa, tôi sẽ ra đi với các con, chỉ mang theo áo quần, vài bức tranh và ít sách vở. Trả lại hết cho Trung, tôi cũng chẳng cần gì hơn. Cái tôi cần tôi không có được. Anh Thân ơi, anh có biết là Vy nhớ anh lắm không! 
  

Phần II >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 783

Return to top