Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cổ Tích >> Nghìn lẻ một ngày

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 44279 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nghìn lẻ một ngày
François Pétis De La Croix

Chương 29

    Vậy là đã nghìn lẻ một ngày trôi qua, ngày nào bà nhũ mẫu Xutlumêmê cũng kể chuyện cho công chúa nước Casơmia nghe, thì một hôm hoàng tử Farucru đột nhiên lâm bệnh nặng. Quốc vương Tugrun-Bây vốn vô cùng yêu quý con, cho vời tất cả những vị danh y tài giỏi nhất trong nước Industan đến chữa trị, nhưng bệnh không thuyên giảm. Tin không vui lan truyền khắp triều đình, mọi cuộc hội hè vui chơi đều ngưng lại. Công chúa Farucna không muốn nghe tiếp chuyện nữa. Quốc vương Tugrun-Bây ngưng mọi cuộc săn bắn. Mọi người chỉ âu lo một một việc là sức khoẻ của hoàng tử, e hoàng tử không may mệnh hệ nào.
Một hôm, nhà vua tìm đến gặp vị trưởng giáo trông nom đền thờ thần Kêsaya, mà vua vẫn thỉnh thoảng vẫn đến thăm, nói với ông:
-      Ngài trưởng giáo biết ta yêu quý con trai ta hơn quý mạng sống của chính mình. Các vị lương y đã tìm hết cách song đành bó tay, ta chẳng hy vọng gì ở thuốc thang của họ nữa, ta chỉ còn biết trông mong ngài cầu nguyện giúp cho hoàng tử. Ta mong, thông qua đạo cao đức trọng của ngài, Thượng đế sẽ thấu lời cầu nguyện mà đoái thương cho hoàng tử qua cơn bệnh hiểm nghèo.
Vị trưởng giáo đáp:
-      Khi con người có lòng thành, thì không bao giờ nên tuyệt vọng, tâu bệ hạ. Tôi sẽ tham thiền nhập định suốt đêm nay để nguyện cầu, sáng mai tôi sẽ tâu hoàng thượng rõ thần Kêsaya có chấp nhận lòng thành của ngài hay không.
Sáng hôm sau, vị trưởng giáo vào hoàng cung rất sớm. Nhà vua suốt đêm nôn nóng trông chờ kết quả, vội thân hành ra đón, và hỏi:
-      Thưa vị trưởng giáo đáng kính, ngài có nguyện cầu được thượng đế đoái thương cho sức khỏe của hoàng tử chăng?
-      Tâu bệ hạ, có. Thần Kêsaya đã chấp nhận lời nguyện và thần đã xin được Thượng đế rủ lòng thương hoàng tử.
Nghe đáp, nhà vua vui mừng hết đỗi, vội dẫn vị trưởng giáo vào thẳng phòng riêng của hoàng tử Farucru. Tu sĩ ngồi lên đầu giường người bệnh, vẻ mặt huyền bí, niệm mấy lời thần chú. Ông niêm chưa xong, hoàng tử vốn cấm khẩu mấy hôm nay, thét lên một tiếng và nói với vua cha:
-      Tâu phụ vương, xin cha hãy yên lòng, con đã khỏi bệnh!
Nói xong hoàng tử đứng lên khỏi giường bệnh. Từ buổi sáng ấy, khắp kinh thành nuớc Casơmia, đâu đâu dân chúng cũng chỉ bàn luận về đức độ cao siêu của vị trưởng giáo mà thôi.
Công chúa Farucna hay tin ấy, muốn tự mình được gặp và chuyện trò cùng vị tu sĩ. Nàng mang theo một đoàn tuỳ tùng lớn gồm nhiều cung nhân và hoạn nô, thân hành đến đền thờ Kêsaya xin yết kiến vị trưởng giáo, nhưng được trả lời cấm công chúa không được vào đền. Chạm lòng tự ái, công chúa về gặp vua cha phàn nàn. Nhà vua muốn biết rõ nguyên nhân tại sao. Vua thân hành đến đền, hỏi vị trưởng giáo sao gây trở ngại, không cho phép công chúa được vào yết kiến. Tu sĩ đáp:
-      Tâu bệ hạ, nguyên nhân tại công chúa không chịu vâng theo ý chí Đấng tối cao. Công chúa ghét bỏ đàn ông, coi đàn ông toàn là kẻ thù của mình, và suốt ngày công chúa ăn không ngồi rồi. Trừ phi công chúa thay đổi tính tình, nếu không thần Kêsaya vẫn cấm không cho tôi được gặp bà. Nhưng- tu sĩ nói tiếp- nếu công chúa sữa chữa lỗi lầm, thì tôi nguyện mang hết sức mình giúp mọi việc khi nào bà cần đến tôi.
Nhà vua mừng rỡ trở về báo tin vui cho công chúa. Ngay hôm sau đó, công chúa thân đến đền thờ, xin gặp vị trưởng giáo. Người gác đền mờ công chúa vào, mời đến một gian phòng rộng, xin công chúa hãy vui lòng chờ cho chốc lát.
   Trên tường gian phòng ấy có ba bức tranh, bức nào cũng vẽ một con hươu cái bị sa bẫy và một con hươu đực cố tìm cách giúp con cái thoát ra. Một bức khác, ở một chỗ riêng biệt, vẽ một con hươu đực mắc bẫy trong khi con hươu cái chỉ đứng giương mắt nhìn. Công chúa ngắm các bức tranh và ngạc nhiên thốt lên:
-      Trời đất! Ta nhìn thấy gì thế này? Hoàn toàn trái ngược những điều ta thấy trong cơn mộng. Ở đây ba con hươu đực đều tìm hết mọi cách cứu  ba con hươu cái, trong khi một con cái lại đứng nhìn con đực lúng túng mắc trong bẫy. Ồ, phải chăng từ trước tới nay ta đã nhầm khi xét đoán những người đàn ông? Dường như họ là những người trọng nghĩa hơn ta tưởng. Ta rất tiếc sao lâu nay mình bất công với họ đến vậy?
Trong khi công chúa đang trầm ngâm suy tưởng, thì vị trưởng giáo đạo mạo bước vào. Công chúa định quỳ lạy, nhưng ông kịp đỡ nàng đứng lên, mời ngồi lên một chiếc ghế, và bảo nàng:
-      Thưa công chúa, phụ vương bà rất đỗi buồn phiền thấy tính tình bà ngược với tự nhiên và trái những điều Thượng đế tối cao hằng dạy. Bà đang bị Quỷ dữ ám. Quỷ dữ xui bà thù ghét đàn ông. Tôi đã nguyện cầu thần Kêsaya hãy đoái thương bà, song cho dù thần có quyền lực vạn năng, bà chớ nên nghĩ Ngài sẽ kéo bà lên khỏi vực thẳm mà tự thân bà đã lao xuống đây, nếu bản thân bà không chịu cố gắng để thoát lên.
Nghe vậy công chúa sợ quá, tuôn nước mắt. Vị trưởng giáo nhìn thấy, liền nói tiếp:
-      Con gái à, hãy lau khô nước mắt, ta hiểu lòng con bắt đầu sẵn sàng đổi thay. Ta hứa giúp con thoát khỏi bàn tay Quỷ dữ, nếu con chịu làm đúng theo những lời khuyên của ta.
-      Công chúa Farucna hứa với vị trưởng giáo sẽ nhất nhất tuân theo những lời ông truyền bảo. Nàng hôn tay tu sĩ, rồi lui về hoàng cung.
Ngày hôm sau, công chúa lại đến đền thờ Kêsaya. Khi chỉ có một mình với nàng, vị trưởng giáo bảo:
-      Thưa công chúa, đêm hôm qua, thần Kêsaya báo mộng cho ta hay; công chúa Farucna không còn bị Đấng tối cao từ bỏ nữa, bởi nàng đã thay đổi định kiến của mình về đàn ông. Nhưng nàng còn phải làm thêm một việc nữa, bởi đã được ghi vào Số mệnh. Nàng phải thương yêu một vị hoàng tử đang ngày đêm gầy mòn héo hon vì quá tương tư nàng.
Công chúa rất ngạc nhiên:
-      Thưa, làm sao tôi có thể giúp hoàng tử đỡ được cơn đau ấy, tôi nào có biết chàng là ai?
-      Thần Kêsaya có báo cho ta biết,- trưởng giáo nói tiếp- chàng trai ấy là hoàng tử nước Ba Tư. Tên chàng là Farucsat. Đấy là một chàng trai rất mực tuấn tú khôi ngô, thông minh dĩnh ngộ, ít có người nào trên đời này sánh bằng.
-      Thưa thầy,- công chúa nói- con thật ngạc nhiên. Làm sao chàng hoàng tử chưa bao giờ nhìn thấy con lại đâm ra yêu thương con được?
-      Ta sẽ nói con rõ sự tình xảy ra thế nào- trưởng giáo nói.- Bởi thần Kêsaya đã dự kiến mọi câu con có thể hỏi ta, nên đã báo cho ta biết trước để trả lời. Theo lời thần dạy, hoàng tử Farucsat sở dĩ đem lòng tương tư con là sau khi trải qua một giấc mộng. Trong mộng, hoàng tử gặp con ở một bãi cỏ non. Thấy con rất đỗi xinh tươi, hoàng tử muốn đến để tỏ tình, nhưng con đột ngột bỏ đi. Con bảo mọi người đàn ông trên đời đều là những kẻ tráo trở vô tình bạc nghĩa. Nỗi đau không được nói chuyện với cho khiến chàng hoàng tử tỉnh giấc. Từ bấy hình ảnh con chẳng lúc nào nhạt nhoà trong ký ức hoàng tử, ngược lại chàng luôn tưởng nhớ con. Cho dù chẳng có hy vọng được con đáp lại mối tình vô vọng, chàng hoàng tử ấy vẫn không thể nào quên con.
Nghe vị trưởng giáo nói vậy, công chúa Casơmia buông một tiếng thở dài não ruột, rồi ngước mắt lên trời và than:
-      Trời ơi, nhẽ nào vị hoàng tử ấy lại có cùng một giấc mộng giống hệt như con! Thưa thầy trưởng giáo, thần Kêsaya chưa nói hết với thầy. Con cũng có lần nằm mơ thấy, con gặp một chàng hoàng tử tại một bãi cỏ non có nhiều hoa tươi cỏ đẹp, chàng trai có ý định tỏ tình, con đã vội khước từ một cách rẻ rúng. Nhưng trong khi đối xử với chàng như vậy, con cảm thấy trong trái tim con bắt đầu xao xuyến, đấy là lý do tại sao con vội vàng bỏ chạy, sở chàng hoàng tử với vẻ hào hoa cùng những lời dịu ngọt của chàng, sẽ làm con đổi ý chăng, rồi chàng sẽ thắng mối hận con vẫn có trong lòng từ trước tới nay đối với đàn ông chăng. Mối hận ấy cũng bắt nguồn từ một giấc mơ, nhưng ngược hẳn ý các bức tranh thầy thấy trên tường kia. Giờ con đã nhận ra con sai lầm, giờ con đánh giá đàn ông tốt hơn, con tin họ có khả năng giữ tình chung thuỷ. Nếu quả thật duyên trời đã định con sẽ thành hôn với chàng hoàng tử nước Ba Tư, con thành tâm sẵn sàng tuân phục ý trời.
Vị trưởng lão rất hài lòng nghe công chúa thốt những lời như trên. Thừa lúc nàng đang hé mở tâm tình, ông nói thêm:
-      Con à, đêm hôm nay thầy sẽ tham thiền nhập định suốt đêm trong đền may ra cảm thông được với thần Kêsaya, cầu xin ngài cho biết con phải làm gì hơn nữa để đạt được tuyệt đỉnh ước mơ của con. Sáng mai thầy sẽ nói cho con hay:
Công chúa  Farucna rời đền thờ ra về, trong lòng hết sức băn khoăn về chàng hoàng tử Farucsat. Nàng gợi lại cả trăm lần trong ký ức lần gặp gỡ trong mơ, khi chàng có ý định tỏ tình. Nàng càng cố hình dung khuôn mặt và dáng về chàng, càng thấy chàng đáng yêu hơn trước. Cả ngày hôm ấy nàng đứng ngồi không yên, và suốt đêm tiếp theo không hề chợp mắt.
Trời vừa rạng sáng, công chúa đã vội lên đền chờ được gặp vị trưởng giáo. Thoạt trông thấy công chúa, ông biết ngay tâm trạng nàng đang có sóng cồn. Không chờ vị trưởng giáo nói cho hay thần Kêsaya dạy thế nào, nàng nôn nóng hỏi ngay:
-      Thưa thầy, trời định đoạt duyên phận con ra sao? Thầy đã trình với thần con đã sẵn sàng tuân phục điều thần đòi con phải làm?
-      Có, con gái à,- vị trưởng giáo đáp- thần có nói co ta hay, nhưng trước hết thần yêu cầu con hãy long trọng thề con sẽ nhất nhất tuân theo mọi lời ta truyền lại.
Công chúa vội cất lời thề trọng. Vị trưởng giáo nói:
-      Đêm nay, con và thầy cùng đi. Thầy sẽ dẫn con đến tận Quốc gia của vị hoàng tử đang tương tư con ấy. Rồi đây chàng sẽ trao cho con một vương miện còn cao quý hơn chiếc miện công chúa nước Casơmia con đang đội trên đầu. Chắc hẳn con ngạc nhiên sao thầy bảo con làm một chuyến đi xa xôi, song thần Kêsaya muốn vậy.
-      Sao lại thế, thưa thầy?- Công chúa khá ngạc nhiên.- Lẽ nào thần dạy con, khi chưa được sự đồng ý của phụ vương lại dám rời bỏ triều đình ra đi tìm một chàng hoàng tử chưa chính thức là hôn phu của mình?
-      Ta không nói vậy- trưởng lão đáp- quốc vương Tugrun-Bây sẽ biết chuyện con ra đi, thầy sẽ lo tâu vua rõ chuyện ấy. Nhưng thần Kêsaya muốn mọi việc sẽ diễn ra theo cách như thầy vừa nói, để cho con từ bỏ hẳn sự kiêu kỳ vốn có của con.
-      Con thú thật với thầy con chẳng mấy thích hành xử theo cách ấy, song thần đã dạy, con sẵn sàng đi theo thầy, miễn là được phụ vương con cho phép.
-      Ta chịu trách nhiệm về việc ấy, con hãy tin vào ta. Giờ con hãy trở về cung, chuẩn bị lên đường không chậm trễ.
Công chúa làm theo lời vị trưởng giáo dặn, trong khi ông đi tìm gặp nhà vua.
Ông vào hoàng cung vừa lúc vua Tugrun-Bây đang đàm đạo với bà nhũ mẫu của công chúa. Trông thấy vị trưởng giáo, vua nói:
-      Mời ngài đến gần đây hơn ít nữa. Chúng tôi đang trao đổi một việc có liên hệ đến ngài. Chúng tôi đang nói đến sự thay đổi rất nhanh chóng trong tính tình con gái tôi, ngài đã làm nên sự thần kỳ ấy. Trước đây cháu rất kỵ đàn ông, ngài đã làm cho cháu bỏ được sự thù ghét ấy. Chỉ một buổi nói chuyện với ngài đã mang lại hiệu quả lớn hơn so với tất cả mọi câu chuyện của bà nhũ mẫu Xutlumêmê kể suốt một nghìn lẻ một ngày qua cộng lại.
-      Tâu bệ hạ,- vị trưởng giáo đáp- tôi còn tiến xa hơn. Công chúa Farucna không chỉ không hận đàn ông nữa, thậm chí bà còn đang yêu hoàng tử nước Ba Tư.
Thế là vị trưởng giáo thuật lại tất cả những gì đã diễn ra giữa ông và công chúa cho vua và bà nhũ mẫu nghe, và nói thêm ý thần Kêsaya muốn công chúa còn phải làm thêm một việc nữa. Sau khi suy nghĩ hồi lâu, vua Tugrun-Bây nói với vị trưởng lão:
-      Thật lòng ta không muốn cho con gái ta đi du hành theo cung cách ấy, nhưng nếu thần Kêsaya đã truyền như vậy, thì ta sao dám làm trái ý thần. Hơn nữa, công chúa được đi dưới sự hướng đạo của ngài, ta không có gì phải lo âu.
Được nhà vua đồng ý, ngay tối hôm ấy, công chúa rời kinh thành nước Casơmia, chỉ có bà nhũ mẫu và vị trưởng giáo đi theo, bởi ông này nói thần Kêsaya muốn như vậy.
Ba con người cưỡi ngựa đi suốt đêm hôm ấy. Sáng sớm đến một bãi cỏ non, ở đấy có cả ngàn loài hoa đang nở rực vỡ và ngát hương. Bãi cỏ này nối liền một khu vườn, được ngăn các bởi một bức tường thành xây bằng đá cẩm thạch. Cuối tường dựng lên một căn phòng bằng gỗ trầm hương đỏ, có chiếc ban công xây nhô ra ngoài. Dưới ban công ấy một dòng nước trong leo lẻo chảy qua, tuôn vào tưới mát bãi cỏ và các gốc hoa tươi. Thấy phong cảnh kỳ thú, ba người xuống ngựa, ngồi nghỉ bên bờ con suối
Ba người đang thích thú ngắm cảnh vật tươi đạp, bỗng nhiên vị trưởng giáo rùng mình biến sắc, khuôn mặt xám ngắt như người sắp chết. Công chúa và bà nhũ mẫu kinh hoàng, vội hỏi nguyên nhân. Vị trưởng giáo đưa đôi mắt đang in đậm vẻ lo lắng, nói:
-      Thưa công chúa, quỷ dữ nào dẫn chúng ta tới chốn này? Căn phòng trên đầu chúng ta, bãi cỏ non này, bức tường thành này, tất cả cho ta biết đây chính là nơi cư trú của mụ phù thuỷ ghê gớm Mêrepza. Nếu mụ nhình thấy chúng ta ở đây, chúng ta ắt mất mạng. Nói có trời chứng giám, ta lo là lo cho công chúa thôi, nếu chỉ có mình ta, ta đủ sức lam một hành động trọng đại, diệt con mụ phù thuỷ ấy.
-      Xin thầy hãy làm như không có con ở đây,- công chúa đáp- nếu định mệnh muốn chúng ta bỏ mình ở chốn này, con sẽ tuân thủ mà chết một cách đàng hoàng, cho xứng đáng với dòng máu của con.
-      Quyết tâm của công chúa khiến ta có thêm sức mạnh- vị trưởng giáo nói.- Ta sẽ lập một chiến công hiển hách hoặc ta sẽ bỏ mình. Hai người hãy ở lại nơi đây. Nếu sau một tiếng đồng hồ, ta không trở lại tìm, như vậy là dấu hiệu coi như ta đã thất bại.
Nói xong, vị trưởng giáo rút gươm cầm sẵn ở tay, bước vào khu vườn của mụ phù thủy.
Ông đi khỏi, công chúa cũng như bà nhũ mẫu vô cùng lo lắng. Công chúa Farucna nói:
-      Hỡi vị trưởng giáo đáng thương, không biết rồi thầy sẽ ra sao? Ta e thầy đến phải bỏ mình mất.
Bà nhũ mẫu an ủi:
-      Xin công chúa chớ vội lo âu. Vị trưởng giáo đền thờ thần Kêsaya lẽ nào chịu thất bai trước một mụ phù thủy? Cho dù có trải qua hiểm nguy to lớn đấy, rồi thầy sẽ thành công.
Quả nhiên, sau một tiếng đồng hồ, vị trưởng giáo quay trở lại, vừa cười vừa nói:
-      Ơn Thượng đế tối cao, mụ phù thuỷ Mêrepza không còn có thể làm hại chúng ta nữa. Chốn lạc thú này, mà phép ma của mụ đã biến thành một nơi chết chóc, nay trở thành chốn nghỉ ngơi tuyệt vời của chúng ta.
Nhưng đã đến lúc, thưa công chúa xinh tươi, công chúa cần rõ tôi là ai. Công chúa chớ cho tôi là tu sĩ, trưởng giáo đền thờ thần Kêsaya thiêng liêng ở kinh đô nước Casơmia nữa, xin hãy coi tôi là người bạn tâm phúc của hoàng tử nước Ba Tư. Tôi sẽ kể tóm tắt công chúa nghe câu chuyện của hoàng tử ấy và của tôi, sau đấy chúng ta sẽ vào trong dinh cơ của mụ Mêrepza. Ở đấy công chúa sẽ được đón tiếp trọng thị đúng với địa vị của bà, và chúng ta sẽ còn nhìn thấy nhiều điều kỳ thú đáng ngạc nhiên nữa.
Thưa công chúa, nhà vua vĩ đại hiện đang trị vì toàn bộ nước Ba Tư rộng lớn, mà kinh thành đóng ở Sira, có một hoàng tử duy nhất là người sẽ kế vị vua sau này, tên chàng là Farucsat. Đấy là một chàng trai tài đức vẹn toàn. Một hôm hoàng tử tự nhiên đổ bệnh. Nhà vua vốn vô cùng yêu quý con trai, hết sức lo âu. Vua cho vời nhiều vị lương y tài giỏi nhất  kinh thành đến thăm bệnh. Họ đều quả quyết bệnh của hoàng tử là như vậy, chỉ có chàng mới hiểu rõ căn nguyên. Vua thúc ép hoàng tử, nhưng chàng không chịu hé răng. Vua liền cho gọi tôi đến và phán:
-      Anh Ximoc à, ta biết con trai ta chẳng có điều gì giấu anh. Anh hãy cố tìm hiểu căn nguyên do đâu con ta ốm, rồi trình lại cho ta nghe đúng sự thật, chớ có ngại ngần chi.
-      Tâu bệ hạ,- tôi đáp- hoàng tử đổ bệnh và ngày càng nặng bởi chàng cứ khư khư không chịu hé răng co ai biết do đâu lâm bệnh. Tôi là người xưa nay hết sức quan tâm đến sự an khang của hoàng tử, lẽ nào sau khi dò hỏi được căn nguyên, tôi dám không tâu bệ hạ rõ ngay tức khắc.
-      Vậy anh hãy vào trò chuyện ngay với hoàng tử,- nhà vua nói- ta nôn nóng đợi anh trở lại đây.
Tôi vội chạy vào cung riêng của hoàng tử. Trông thấy tôi, chàng lộ vẻ mừng vui, và ngỏ lời trách móc:
-      Anh bạn thân mến cảu ta ơi, ta rất phàn nàn về anh. Từ ngày ta lâm bệnh, chẳng nhìn thấy anh đâu, sao anh chậm đến thăm ta vậy? Ta đã tiếp cả ngàn vị khách đến thăm hỏi tới mức chán chưởng, chỉ có chuyện tròn với anh ta mới cảm thấy dễ chịu phần nào trong lúc đau yếu này.
-      Thưa hoàng tử, tôi đi săn dài ngày, vừa mới trở về tới nơi- tôi đáp.- Nhưng ngài bị bệnh gì vậy, thưa hoàng tử? Tại sao ngài có vẻ không được vui? Sắc mặt ngài dường như không còn được tươi tắn như ngày thường.
Hoàng tử cho tất cả mọi người trong phòng lui ra ngoài rồi nói với tôi:
-       Anh Ximoc à, anh biết đấy, xưa nay ta không hề giấu anh bất cứ điều gì. Không những ta không muốn giấu anh, ngược lại ta còn mong anh về để dốc bầu tâm sự. Anh có thể nào tin được hay không, ta lâm bệnh nặng thế này chỉ vì một giấc mơ, hở anh bạn?
-       Trời đất! Ngài nói gì vậy? Một giấc mơ, một điều huyền tưởng lại có khả năng tác động sâu sắc đến một trí tuệ minh mẫn như ngài?
-       Ta đã lường trước sự ngạc nhiên của anh- hoàng tử nói- nhưng ta thú nhận ta quá yếu đuối. Ta đã cố tình che giấu mọi người là do vậy, chỉ với anh ta mới dám tâm sự điều này. Anh hãy nghe ta kể đầu đuôi do đâu ta đổ bệnh. Một đêm, ta nằm mơ thấy mình đang đứng giữa một bãi cỏ non có nhiều hoa tươi rực rỡ.  Chợt có một người con gái xinh đẹp hơn tiên nữ giáng trần bước tới, làm ta mê mẫn trước sắc đẹp của nàng. Không thể tự ngăn mình, ta quỳ
xuống đất, tỏ lời thú nhận ta rất yêu nàng. Đã không chịu lắng nghe, cô gái bất nhẫn ấy còn rũ áo bỏ đi, và nói với ta bằng một giọng khinh bạc: "Xinh anh cứ đi đường anh, cánh đàn ông các anh đều là những con người bội bạc cả. Tôi đã nằm mơ thấy một con hươu cái làm hết sức mình cứu con hươu đực mắc bẫy, đến lượt nó mắc bẫy, thì con hươu đực lại bỏ mặc nó đấy mà đi. Từ đó, ta cho cánh đàn ông các anh tâm địa người nào cũng giống y như vậy. Ta cho họ đều là những người bội nghĩa, ta chẳng bao giờ yêu thương được họ".
Hoàng tử kể tiếp:
-   Ta muốn ngỏ lời bênh vực cánh nam nhi chúng ta, ta muốn làm cho nàng thôi chớ nên nhầm lẫn, song nàng đã bỏ đi xa. Ta đành kêu với: "Thưa tiên nữ, xin nàng hãy nói, chính con hươu cái đã bỏ con hươu đực mắc bẫy mà đi thì đúng hơn!"
Ta vừa nói được cây ấy thì nàng đã khuất bóng, và ta giật mình bừng tỉnh. Đấy, anh bạn thân mến ơi, đấy chính là giấc mơ định mệnh khiến ta mất hết sự thanh thản trong cuộc đời. Ta biết lý trí đòi hỏi ta phải xoá khỏi đầu óc mình những hình ảnh điên cuồng ấy, thật ngớ ngẩn nếu cứ nghĩ mãi trong đầu như vậy...
Tôi vội vàng ngắt lời hoàng tử:
-       Không đâu, chớ nên để nhạt nhoà hình ảnh người con gái ấy khỏi đầu óc ngài, thưa hoàng tử. Tôi cũng tin như ngài về bóng dáng những người đáng yêu gặp trong mơ ấy. Đấy không phải là những giấc mơ bình thường, đó là điềm lành một vị thần linh có lòng tốt báo mộng cho ngài biết nàng công chúa sau này chắc chắn sẽ trở thành hoàng hậu của ngài. Thưa hoàng tử, vậy chúng ta hãy nên cùng nhau đi du hành, chúng ta sẽ cùng nhau đi từ vương quốc này sang vương quốc khác tìm kiếm con người khả ái ấy của ngài. Tôi tin rồi chúng ta sẽ nhìn được tận mắt con người đúng như ngài đã nhìn thấy trong mơ. Tôi sẽ đến tâu ngay với hoàng thượng phụ vương ngài, cơn bệnh của hoàng tử chỉ do căn nguyên ngài muốn đi du ngoạn những nơi xa xôi, tôi tin hoàng thượng sẽ đồng ý cho phép ngài được đi xa như mong ước.
Hoàng tử Farucsat thú vị về lời khuyên của tôi, ôm hôn tôi tỏ ý đồng tình. Tôi trở lại tâu nhà vua rõ câu chuyện vừa rổi giữa hoàng tử và tôi. Tôi kể lại thật trung thực những điều hoàng tử cho tôi nghe, và trình bày thêm:
-       Tâu bệ hạ, tôi không bài bác suy nghĩ của hoàng tử, ngược lại tôi tỏ ý đồng tình. Tôi nhận thấy, qua vẻ thông cảm của tôi hoàng tử như nhẹ người được khá nhiều. Để cho hoàng tử lành hẳn bệnh, cúi xin hoàng thượng cho phép chàng và tôi được đi du hành. Đấy là cách giúp hoàng tử Farucsat dần dần khuây khoả cơn buồn, rồi dần dần gột bỏ khỏi đầu óc chàng những ảo ảnh khiến chàng trầm uất suy tư.
Nhà vua chia sẻ với ý kiến của tôi. Vua ra lệnh chuẩn bị một đoàn tuỳ tùng đông đải và trọng thể, có nhiều võ quan theo hầu, tháp tùng hoàng tử đi du ngoạn các nước. Thế là cùng với đoàn tuỳ tùng ấy, hoàng tử Farucsat và tôi từ giã kinh đô Sira lên đường rong ruổi.
Sau nhiều chặng đường dài không ngơi nghỉ, chẳng theo lộ trình định sẵn nào, một hôm chúng tôi đến thành phố Gaznin. Nơi đây có một nhà vua cao tuổi đang trị vì. Ông yêu muôn dân và rất được thần dân trong nước quý trọng. Nhà vua sai quan chỉ huy đội cấm vệ đích thân lên đường nghênh đón hoàng tử Farucsat từ ngoài kih thành, để bày tỏ nhà vua hết sức hài lòng được hoàng tử đến thăm quốc gia mình, đồng thời nhờ vị quan ấy tạ lỗi giúp, vua không thể thân chinh ra ngoài kinh thành nghênh đón chàng như vua mong muốn. Hoàng tử của tôi cảm tạ vị võ quan, và hỏi thăm sức khoẻ nhà vua. Ông ấy đáp:
-       Thưa hoàng tử, quốc vương chúng tôi vừa đổ bệnh vì buồn phiền. Cách đây mấy hôm vua mất người con trai duy nhất, một vị hoàng tử được rất nhiều người kỳ vọng. Và cho đến hôm nay, vua vẫn không sao bình phục hoàn toàn sức khoẻ sau nỗi buồn sâu sắc ấy.
Chúng tôi ai nấy cùng cảm động, vội đến hoàng cung phân ưu cùng nhà vua. Vua đón tiếp đoàn chúng tôi vô cùng trọng thể. Thấy hoàng tử Farucsat hao hao giống con trai mình, vua không thể cầm lòng không tuôn nhước mắt. Hoàng tử nói:
-       Tâu bệ hạ, tại sao nhìn thấy tôi hoàng thượng lại khóc? Phải chăng vì kẻ bất hạnh này đến, khiến ngài xúc động nhớ lại một kỷ niệm buồn?
-       Đúng vậy, thưa hoàng tử- nhà vua đáp- hoàng tử có nhiều nét giống con trai tôi quá, khiến tôi không thể nén được nỗi đau. Nhưng tôi nhìn thấy ở ngài như một người con, trời phái đến để an ủi tôi trong tuổi già về nỗi vừa mất đi đứa con trai duy nhất. Hơn thế, tôi đã cảm thấy dấy lên trong lòng niềm thương yêu trìu mến đối với ngài. Xin ngài hãy vui lòng lưu lại triều đình tôi. Mời ngài hãy giữ cương vị thái tử kế vị, và rồi đây sẽ lên nối ngôi tôi.
Hoàng tử Farucsat cảm tạ vị vua già. Chàng quyết định lưu lại một thời gian khá lâu tại kinh thành Gaznin, không phải để sau này lên làm vua nước này, mà vì thương quý nhà vua già nhiều hơn.
Ai cũng nhận thấy nỗi buồn của vị quốc vương lớn tuổi mỗi ngày vơi đi rõ rệt. Vua quý hoàng tử Farucsat, luôn luôn muốn có chàng bên cạnh, như thể vua không thể sống thiếu chàng. Một hôm hai người đang trò chuyện với nhau, hoàng tử Farucsat hỏi, hoàng tử quá cố xứ Gaznin qua đời do mắc bệnh gì. Vị vua già đáp:
-       Hỡi ôi! Nguyên nhân dẫn đến cái chết của hoàng tử cũng khá dị thường. Chết vì tình yêu vô vọng. Câu chuyện định mệnh ấy như sau: Con trai ta nghe thiên hạ đồn đại về nhan sắc vô song của công chúa nước Casơmia, đâm ra say mê nàng. Ta liền phái một sứ thần mang theo nhiều tặng phẩm vô giá đến kinh đô Casơmia cầu hôn. Quốc vương nước Casơmia đón tiếp sứ thần của ta trọng thị, quả quyết cuộc hôn nhân này nếu trở thành hiện thực sẽ là vinh hạnh lớn cho hoàng triều ông, nhưng vua đã có lời thề trọng trước thần Kêsaya, chẳng bao giờ ép duyên con gái, để cho nàng được tư do lựa chọn. Ấy thế mà công chúa nước ấy lại là người rất kỵ đàn ông. Nguyên nhân dẫn đến sự thù ghét của nàng là tại một giấc mộng. Một hôm, nàng nằm mơ thấy một con hươu cái chẳng may bị sa vào bẫy, con hươu đực chẳng làm gì cứu giúp lại bỏ mặc con cái đấy mà đi. Từ giấc mộng ấy, công chúa coi giới mày râu đều là những con quỷ cần phải lánh xa. Sứ thần trở về tâu ta rõ điều đó. Con trai tội nghiệp của ta hằng ôm ấp hy vọng chắc chắn mình có thể thành hôn với nàng công chúa nước Casơmia, được tin ấy đột ngột sinh ra trầm uất, chẳng có thuốc thang nào chữa trị khỏi, đi đến qua đời.
Hoàng tử Farucsat nghe câu chuyện, trong lòng cuộn lên nhiều xúc động khó tả. Một mặt, chàng mừng vì giấc mơ của mình chẳng phải hoàn toàn ảo ảnh mà là chuyện có thực, mặt khác chàng lo biết đâu mình sẽ chẳng phải chịu chung số phận không may như hoàng tử xứ Gaznin. Nhà vua nhận ra vẻ bàng hoàng lộ trên nét mặt của chàng. Vua lo lắng hỏi:
-       Con trai ta ơi, tại sao tự nhiên con có vẻ thảng thốt vậy? Ta thấy con như một người vừa bị thấy thần.
Hoàng tử đáp:
-       Tâu bệ hạ, tôi giã từ đất nước tôi ra đi khắp bốn phương trời chỉ vì nàng công chúa bất nhân ấy.
Tiếp đó chàng kể cho vua nghe tất cả mọi sự xảy ra gần đây trong cuộc đời mình. Nghe xong nhà vua cao niên thở dài:
-       Trời đất ơi! Tại sao cuộc sống của ta liên tiếp đầy phiền muộn? Ta đã chăm lo nuôi dạy cực kỳ chu đáo một đứa con trai, ta đã để mất nó, giờ ta bắt đầu được sự an ủi phần nào, thì lại nhận thấy điềm đắng cay đang tới. Số phận mới trớ trên sao! Hoàng tử Farucsat thân yêu ơi, con hãy có nghị lực, chớ nên buông mình vào nỗi âu sầu, đâu có phải chẳng có cách nào vượt qua được sự thù ghét đàn ông của nàng công chúa nước Casơmia? Hỡi ôi! Đúng là cơn bệnh của con ta trước đây không có thuốc đặc trị, song giá nó kiên nhẫn chờ đợi để kiếm tìm những phương sách khác, thì nó đâu đến nỗi phải lìa bỏ cõi trần.
Sau khi nói mấy lời trên, đem lại ít nhiều hy vọng trong lòng hoàng tử Farucsat, vua vội quay về điện thiết triều, nơi các vị đại thần đang chờ vua để bàn việc nước. Hoàng tử Farucsat quá nôn nóng muốn có người bày tỏ tâm tình, cũng lật đật trở về tìm gặp tôi, kể lại cho nghe câu chuyện vừa rồi giữa hai vị. Tôi nói:
-       Thưa hoàng tử, hạnh phúc của ngài đã cầm chắc ở tay rồi, bởi đến lúc này ta đã xác định được, nàng công chúa chúng ta cần tìm kiếm là ai. Nếu được quốc vương đồng tình, tôi xin một mình đến tận nước Casơmia, tôi hứa sẽ đưa được người hoàng tử hằng yêu dấu ấy về đây cho ngài. Xin chớ hỏi tôi sẽ thực hiện bằng cách nào, chính tôi lúc này cũng chưa rõ lắm, khi cần tôi sẽ xin thêm lời khuyên.
Hoàng tử hài lòng về lời tôi hứa sẽ mang lại hạnh phúc cho chàng, ôm hôn tôi. Suốt ngày hôm ấy, chúng tôi trò chuyện vui chơi thoải mái với nhau.
Sáng hôm sau, được vua Gaznin chấp thuận, tôi từ biệt hoàng tử của mình, một mình một ngựa, bảo kiếm đeo ở thắt lưng, lên đường đến vương quốc Casơmia. Sau nhiều ngày đường, một hôm tôi đến bãi cỏ non rất đẹp này, nhưng ở về phía có thể nhìn rõ toà lâu đài bên trong bức tường thành, nơi lát nữa tôi sẽ mời công chúa đến. Thấy cảnh vật quá đẹp, tôi xuống ngựa, ngồi nghỉ dưới bóng mát một cây cổ thụ, bên cạnh dòng suối mà tôi đã không thể cầm lòng không uống thật nhiều nước mát để giải khát. Sau đấy, ngồi xuống bãi cỏ, tôi ngủ thiếp đi.
Khi tỉnh giấc, tôi trông thấy năm, sáu con hươu cái màu trắng, lưng có tấm vải phủ may bằng lụa sa tanh, chân đeo vòng vàng. Mấy con hươu cái ấy sán đến gần, tôi bắt đầu vuốt ve chúng, thì nhận thấy con nào cũng rơi nước mắt. Tôi rất ngạc nhiên, chưa biết nên hiểu thế nào về chuyện ấy, thì đưa mắt nhìn về toà lâu đài, tôi thấy một thiếu phụ trẻ đẹp đứng ở cửa sổ, ra hiệu mời tôi đến gần. Thế là để mặc con ngựa gặm cỏ trong bãi, tôi tiến lên gặp người thiếu phụ, mặc cho các con hươu cái dường như muốn ngăn cản, con thì ngoạm vạt áo tôi kéo lại, con thì đứng chặn ngang trên lối đi.
Cho dù ngạc nhiên trước hành động ấy cũng như lấy làm lạ về những giọt nước mắt của các con hươu cái, lúc bấy giờ tôi chẳng nghĩ ngợi gì thêm. Thấy người thiếu phụ trẻ đẹp quá, tôi quên hết thận trọng, xăm xăm bước đến cổng và đi vào toà lâu đài. Đến gần thiếu phụ, tôi nhân ra nàng còn xinh đẹp hơn nhiều so với khi thoạt nhìn thấy từ xa. Nàng đón tôi nồng nhiệt, cầm tay dẫn tôi vào một căn phòng tráng lệ, mời tôi ngồi xuống một chiếp sập. Sau những lời chào hỏi, người nhà của nàng mang ra nhiều trái cây đựng trong một cái đĩa sứ Trung Hoa. Thiếu phụ chọn một quả đẹp nhất đưa mời tôi. Tôi vừa đưa lên miệng ăn thử một miếng thì đột nhiên nàng đổi nét mặt và nói câu sau: "Này, anh chàng nước ngoài to gan kia, mày hãy nhận lấy hình phạt giống tất cả những ai y như mày đã láo gan đặt chân đến lâu đài của bà Mêrepza này! Hãy bỏ hình dáng tự nhiên của mày, hãy mang dạng một con hươu đực, hãy mất khả năng nói nên lời, nhưng vẫn giữ nguyên mọi cảm xúc của con người, để cho mày càng thấm thía hơn nỗi bất hạnh!"
Người đàn bà ấy vừa dứt lời, tôi đã thấy mình trở thành một con hươu đực. Vừa lúc ấy có người mang đến một tấm phủ lưng bằng sa tanh xanh, người đàn bà ấy tự tay phủ lên mình tôi. Sau đấy tôi được dẫn đến một vườn thú, ở đấy đã có khoảng hơn hai trăm con hươu đực khác rồi, đúng ra đấy là hơn hai trăm người đàn ông bất hạnh bị số phận đưa chân đến chốn này, và giống như tôi, đều bị mụ phù thuỷ Mêrepza hoá phép bắt đội hình thú vật.
Khi có thời giờ suy nghĩ sâu thêm về chuyện không may xảy đến, tôi ít lo cho thân mình hơn là lo cho chàng hoàng tử đáng thương Farucsat. Lúc nào tôi cũng trăn trở: "Hỡi ôi! chàng hoàng tử thân quý của ta rồi sẽ ra sao? Làm sao mình chàng thực hiện được điều sẽ mang lại hạnh phúc cho chàng? Hoàng tử chờ ta đưa nàng công chúa chàng thầm yêu trộm nhớ trở về, song chàng chẳng bao giờ còn nhìn thấy ta!". Suy nghĩ ấy luôn ám ảnh tôi, làm cho tôi buồn không thể nào tả xiết.
Một hôm, tôi thấy bước vào vườn thú khoảng từ tám đến mười người phụ nữ, trong số ấy có một nàng xinh đẹp tuyệt trần, qua trang phục sang trọng của nàng, thấy rõ đây là bà chủ. Bên cạnh nàng có một bà đứng tuổi hơn, chắc là người được giao nhiệm vụ giúp đỡ dìu dắt cô gái. Thỉnh thoảng nàng quay lại nó với bà ấy: "Thật ra, lòng tôi thương hại tất cả những con người bất hạnh này! Ôi, sao chị Mêrepza của tôi bất nhân độc ác đến thế! Trời phú cho hai chị em tính tình hoàn toàn khác biệt. Chị gái tôi chỉ một mực lo gây chuyện đau khổ cho loài người, dường như chị học pháp thuật chỉ nhằm làm những việc vô nhân. Tôi cũng học được đôi ba phép thần, song chỉ dùng vào mục đích tốt lành. Đời tôi chỉ lo làm việc thiện. Lúc này, tôi muốn làm một việc tốt nữa, trong khi chị gái tôi đi vắng".
Nói xong, nàng quay gót vào trong lâu đài.
Tình cờ người đàn bà đứng tuổi ấy chọn tôi, dắt tôi vào trong lâu đài gặp cô chủ. Cô sai một người trong đoàn tuỳ tùng đi hái một loại thảo dược nào đấy ngoài đồng. Người ấy vội vàng thực hiện, lát sau trở lại cầm trên tay một nắm lá cây. Nàng thiếu phụ nhận nắm lá, tự tay tách lấy một nửa, ép thành nước, đưa cho tôi uống. Tôi nuốt xong, nàng nói như sau: "Hỡi chàng trai trẻ, hãy từ bỏ hình dạng con hươu, hãy lấy lại hình hài tự nhiên của chàng!". Thế là tôi trở lại nguyên dạng một người đàn ông y như ngày trước.
Tôi vội vàng quỳ xuống dưới chân thiếu phụ, ngỏ lời cảm tạ nàng. Nàng hỏi tên họ là gì, tôi từ đâu đến, nguyên nhân nào khiến tôi đến tận nước Casơmia này. Tôi trả lời đầy đủ, không giấu giếm điều gì.
Tôi trình bày xong, nàng nói:
-       Tôi là con gái một vị hoàng thân trong triều đình nước Casơmia, nơi chàng đang định đến. Tên tôi là quận chúa Gunna. Người đã biến dạng chàng thành con hươu đực là chị gái tôi, chị tên là Mêrepza. Đấy là một phù thuỷ pháp thuật rất cao cường. Không có bất kỳ ai ngoài tôi ra có thể giải được phép yêu của chị để cứu chàng. Nhưng dù tôi là em gái chị, nếu biết rõ chuyện này chắc chị tôi không tha thứ cho tôi. Nhưng cho dù rồi có xảy ra điều gì với tôi đi nữa, tôi vẫn không hối tiếc đã giúp chàng lấy lại hình người. Hơn nữa, tôi còn muốn chàng hàm ơn tôi hơn. Tôi muốn giúp hoàng tử bạn của chàng đạt được ước mơ hạnh phúc. Tôi biết rõ thật khó mang lại hạnh phúc cho hoàng tử, bởi để đạt được mục đích ấy, trước hết phải làm sao được công chúa Casơmia tin cậy. Chàng có khả năng làm việc ấy, nếu chàng đến triều đình nước Casơmia với tư cách một nhân vật thánh thiện tài cao đức trọng.
Nghe vậy, tôi thốt lên:
-       Nàng muốn nói gì, thưa quận chúa? Làm sao tôi có thể nổi danh là một người tài cao đức trọng trong thời gian ngắn?
-       Chàng chỉ có việc làm đầy đủ những lời tôi chỉ dẫn sau đây.- Nàng nói.
Nàng đứng lên đi sang phòng cất giữ quần áo, lát sau trở ra, tay cầm một chiếc áo chùng tu sĩ, một chiếc đai lưng, cùng một cái hộp nhỏ bằng gỗ mun. Nàng đưa cho tôi và bảo:"Đây là những thứ cần thiết để chàng thực hiện thành công ý định của chàng. Chàng hãy cầm lấy những thứ này, đi về kinh đô Casơmia, cũng chẳng còn xa nơi này là mấy. Nhưng trước khi vào đô thành, chàng hãy dừng lại, hãy cởi bỏ hết áo quần đang mặc trên người, dùng thứ mỡ đựng trong cái hộp này xoa đều lên khắp thân thể, sau đấy mặc chiếc áo choàng tu sĩ vào, rồi thắt chiếc đai thần này ngang bụng. Sau đấy, mới đến cổng kinh thành. Những người lính gác trông thấy chàng sẽ hỏi: "Thưa ngài tu sĩ đáng kính, ngài từ đâu đến?". Chàng sẽ đáp: "Tôi từ một nơi tận cùng ở phương Tây hành hương đến nước Casơmia để được bái yết thần Kêsaya thiêng liêng".
Chàng hẳn đã biết- quận chúa nói tiếp- thần Kêsaya là vị thần tối linh được nhân dân vương quốc ấy thờ phụng. Sau khi nghe nói chàng đến từ một nơi xa xôi đến vậy chỉ vì mục đích bái yết thần Kêsaya, những người lính gác sẽ kính cẩn dẫn chàng đến gặp quốc vương Tugrun-Bây. Quốc vương sẽ đưa chàng đến gặp vị đại trưởng giáo Aran, người trụ trì chính đền thờ thần Kêsaya. Vị trưởng giáo ấy cùng các tu sĩ khác sẽ dẫn chàng tới đền thờ thần Kêsaya. Đấy là một ngôi đền uy nghi đẹp đẽ tuyệt vời, đẹp hơn tất cả mọi cung điện trên đời. Nhưng chung quanh đền có đào hào sâu, rộng chừng hai mươi thước, nước trong hào cứ sôi sùng sục mặc dù không thấy lửa đun. Qua khỏi hào sâu, sẽ gặp một bãi cắm đầy chông sắt nhọn hoắt và đã nung đỏ rực. Chính vì những trở ngại này chẳng ai bước chân vào được tận bên trong đền thờ. Lúc ấy, vị giáo trưởng Aran sẽ nói với chàng: "Hỡi con phượng hoàng của thế kỷ! Ngài từng trải qua biết bao gian lao khổ ải để tới được nơi đây viếng thần. Thần Kêsaya tối thượng tối linh hiện ngự tại trong đền, bên trong ngôi chính điện. Người trần thế chẳng ai nhìn được thần đâu. Ngài hãy dâng lễ và cầu nguyện thần ở tại chốn này, sau đó mới trở về quê hương bản quán".
Ngài sẽ đáp, mục đích tôi đến tận đây là để được tận mắt bái yết thần Kêsaya thiêng liêng. Lúc ấy vị đại trưởng giáo sẽ bảo ngài, muốn đạt mục đích ấy, phải vượt qua dòng nước sôi trong hào và bước lên bãi cắm đầy chông sắt nhọn kia. Chàng hãy reo lên một tiếng mừng vui, và mạnh dạn tiến bước. Thứ mỡ ngài đã bôi vào thân thể có đặc tính làm cho nước rắn lại chắc hơn cả đá tảng và không để chân chành bị bỏng vì chông nhọn nung đỏ. Khi đã vào được trong đền rồi, ngài sẽ ở lại đấy thờ phụng thần suốt cả một ngày, rồi quay trở lại gặp vị đại trưởng giáo Aran. Vị trưởng giáo ấysẽ nhận chàng làm con nuôi.
Chàng sẽ sống với vị ấy mười bốn ngày. Đến ngày thứ mười lăm, trong khi vị trưởng giáo đang ngủ, chàng sẽ lấy thứ bột trắng mà tôi sắp đưa cho chàng đây, bôi vào mũi người ấy. Vị trưởng giáo ngửi thứ bột ấy sẽ qua đời, và quốc vương Tugrun-Bây sẽ phong chàng làm đại trưởng giáo thay thế vị Aran quá cố. Sau khi giữ cương vị ấy, chàng hãy đến thăm hoàng tử nước Casơmia. Hoàng tử Farucru bị bệnh nặng đã lâu, các thầy thuốc đều chịu bó tay không sao chữa trị khỏi. Chành niệm một câu thần chú, hoàng tử sẽ khỏi bệnh ngay tức khắc. Uy danh chàng sẽ vang lừng khắp các dân tộc vùng Industan. Mọi người sẽ coi chàng như một vị thánh sống. Công chúa nước Casơmia nghe danh, sẽ muốn được gặp chàng. Tôi không muốn nói gì thêm nữa. Từ đấy, tuỳ thuộc vào tài năng khéo léo của chàng.
Tôi hứa sẽ nhất nhất làm theo nhưng điều quận chúa Gunna vừa dặn. Nàng đưa thêm cho tôi một cái hộp khác trong đựng một thứ bột trắng, cùng một bức thư, trong thư ghi rõ câu thần chú tôi sẽ phải niệm để chữa lành bệnh cho hoàng tử nước Casơmia. Nàng bảo tôi:
-       Xin ngày hãy ra đi, thưa ngài. Tôi lo chị gái tôi sắp trở về rồi đấy. Than ôi! việc chị tôi có thể làm hại đời tôi do đã phá bùa ma của chị, chưa hẳn là điều làm tôi băn khoăn nhất lúc này!
Tôi hiêu qua câu cuối cùng của nàng, có hàm chứa ý tứ ân cần nào đấy đối với mình, khiến tôi càng thêm cảm kích. Tôi cảm tạ nàng với lời lẽ nồng nhiệt nhất. Hẳn chúng tôi còn muốn nắn ná để có thêm thời gian trò chuyện với nhau, tuy mới lần đầu gặp gỡ đã ý hợp tâm đầu, tuy nhiên sợ phù thuỷ Mêrepza trở về bất chợt, chúng tôi đành tiếc rẻ chia tay nhau.
Vậy là tôi lên đường đến nước Casơmia. Vừa đến kinh đô, tôi cởi bỏ hết quần áo đang mặc trên người, bôi lên toàn thân thứ mỡ chứa trong chiếc hộp bằng gỗ mun, sau đó vận áo tu sĩ và đeo chiếc đai thần ngang lưng. Đến cổng thành, tôi được lính dẫn đến ra mắt nhà vua. Sau khi nghe rõ sự tình, quốc vương đích thân đưa tôi đến gặp vị đại trưởng giáo thờ thần Kêsaya. Tôi băng qua hào nước sôi, tôi bước lên các mũi chông sắt nhọn mà chẳng hề thấy đớn đau. Cuối cùng, vào được trong đền, tôi thấy thần Kêsaya ngự trong một cái khám. Như công chúa đã biết, đấy chỉ là một bức tượng tạc bằng gỗ trầm hương. Đầu thần đội chiếc miện kết bằng hồng ngọc, đôi mắt thần là hai hốc rất lớn sáng long lanh, quanh lưng thần thắt cái đai bằng ngọc lam.
Tôi ở lại bên cạnh tượng thần Kêsaya đến sáng hôm sau. Sau đó tôi ra gặp vị trưởng giáo, ông nhận tôi làm con nuôi và cho tôi ở bên cạnh mình. Cuối cùng sợ bỏ lỡ cơ hội tốt, nếu chần chừ rốt cuộc sẽ không đạt được kết quả sau bấy nhiêu gian lao khổ ải, tôi đành loại trừ vị trưởng giáo Aran theo cách nàng Gunna bày cho, và tôi trở thành vị trưởng giáo kế vị trông nom ngôi đền ấy. Sau đấy, tôi chữa lành bệnh cho hoàng tử Farucru, uy danh tôi vang dậy như cồn, khiến công chúa ngỏ ý muốn tìm đến gặp. Công chúa đã rõ mọi việc tiếp theo, và chắc bà còn nhớ những ấn tượng mà các bức hoạ trên tường để lại trong tâm trí bà. Tôi đã quan sát bà rất kỹ trước khi gặp, và tôi hiểu những bức hoạ ấy đã làm cho bà suy nghĩ rất nhiều.
Chàng Ximoc nói tiếp:
-       Đấy, thưa công chúa yêu kiều, tất cả những điều tôi nghĩ đã đến lúc không thể không trình công chúa rõ. Xin công chúa thứ lỗi cho, tôi đã phải dùng đến cái mẹo ấy nhằm giúp bà gột bỏ định kiến không hay đối với các vị nam nhi, rồi dẫn đến một cuộc hôn phối giữa công chúa với chàng hoàng tử khả ái nhất trần gian.
Công chúa đỏ mặt khi nghe câu chuyện, thấy hoá ra mình bị đánh lừa. Tuy nhiên, tình cảm của nàng với hoàng tử nước Ba Tư quá sâu đậm, nàng không nỡ trách vị trưởng giáo giả đã bày đặt ra mọi chuyện ấy. Nàng nói với Ximoc:
-       Xin ông hãy kể nốt câu chuyện. Ông đã làm tiếp những gì với mụ phù thuỷ?
-       Sau khi từ giã nàng và bà nhũ mẫu,- chàng Ximoc nói tiếp- tôi đến toà lâu đài. Thấy cổng mở toang, tôi mạnh dạn bước vào. Không nhìn thấy ai, chỉ nghe có tiếng than thở. Tôi lần theo tiếng than bước vào gian phòng chắc có người, và nhìn thấy trên chiếc sập, một người phụ nữ đang ngồi ủ rũ, đầu gục xuống gối. Cổ nàng đeo gông, chân bị xiềng bằng xích sắt, hai cánh tay đút vào một cái túi da và trói chặt bằng thừng. Tôi thương hại, bước tới định cứu giúp người đàn bà đáng thương. Nghe tiếng động, nàng ngẩng đầu, và tôi nhận ra người đàn bà bất hạnh ấy chính là người đã giải thoát cho tôi khỏi phải đội lốt hươu, nàng quận chúa Gunna kiều diễm.
Quá xúc động, tôi không sao nén nổi cơn giận:
-       Ôi, hỡi quận chúa của tôi! Nàng làm sao đến nông nỗi này. Những kẻ dã man nào dám trói nàng và xiềng xích?
-       Chàng Ximoc thân quý của em ơi!- Nàng đáp- ma quỷ nào đưa lối dẫn đường chàng trở lại đây? Hỡi ôi! Rồi chàng sẽ trở thành nạn nhân của bà chị gái của em mất thôi. Chị nhận ra em đã giải thoát cho chàng, và để trừng phạt, chị trói em vào xích sắt thế này đã lâu lắm rồi. Nhưng, điều làm em lo lắng hơn, là nỗi nguy đang chờ đợi chàng. Chàng hãy chạy đi, hãy trốn khỏi đôi tay độc ác của chị Mêrepza bất nhân ấy.
-       Sao lại thế, hỡ bà hoàng của tôi?- Tôi đáp- Chẳng nhẽ nàng khuyên tôi chạy trốn để nàng chịu mãi thảm cảnh này ư? Nàng nghĩ tôi có thể vong ân bạc nghĩa đến thế sao? Tôi thà chịu đựng trăm lần mối thù hận của chị gái nàng. Cho dù có phải chết tôi đâu sá chi, miễn cứu được nàng ra khỏi tình cảnh đáng thương này. Xin nàng vui lòng cho tôi rõ, để giải thoát nàng, tôi phải làm những việc gì, nếu làm được, tôi xin cố gắng hết sức mình.
-       Nếu chàng dũng cảm như vậy, tự do của em giờ tuỳ thuộc ở chàng- nàng đáp.- Chàng hãy ra vườn, đi về hướng tây, sẽ trông thấy bà chị em đang nằm ngủ trên bãi cỏ non có nhiều hoa tươi cỏ lạ. Đầu chị gối lên một cái túi bằng sa tanh, trong túi ấy đựng các chìa khoá mở xiềng xích em. Nếu chàng lấy được cái túi mà không làm chị thức giấc, chành có thể giải thoát được em, nhược bằng chàng làm cho chị thức giấc, chắc chắn chàng bỏ mình về tay chị ấy. Không có chùm chìa khoá đó, với sức lực người trần, chẳng có cách nào phá tan xiềng xích đang trói buộc em đâu.
Tôi bảo nàng Gunna:
-       Hãy để đấy cho tôi, tôi sẽ mang chùm chìa khoá trở lại với nàng.
Tôi vội bước khỏi toà lâu đài, ra vườn nhằm hướng tây tiến tới, quả nhiên nhìn thấy mụ phù thuỷ đang nằm ngủ trên bãi cỏ non. Tôi đứng phân vân hồi lâu, chưa biết nên xử sự thế nào. Sợ mụ phù thuỷ Mêrepza thức giấc, tôi đành rút thanh bảo kiếm chém một nhát chặt lìa đầu mụ. Vậy là tôi bắt con phù thuỷ đền tội, và mang túi chìa khoá trở lại lâu đài. Nàng Gunna đang sợ hãi chờ tin. Tôi kể lại cho nàng nghe câu chuyện, nàng vô cùng mừng rỡ. Sau đấy, tôi lấy chùm chìa khoá ra khỏi cá túi, trả lại tự do cho nàng quận chúa của tôi.
-       Thưa công chúa,- chàng Ximoc nói tiếp- ấy là cách tôi cho mụ phù thuỷ độc ác về thế giới bên kia. Bởi vậy, thưa công chúa, lúc này chúng ta đã có thể vào lâu đài, ở đấy nàng Gunna chắc đang sẵn sàng đón tiếp chúng ta. Nàng sẽ mừng được gặp công chúa ở đây, còn hơn nỗi mừng chính nàng vừa được giải thoát.
Nói đến đấy chàng trai đưa tay để nàng công chúa vịn, dẫn nàng bước tới toà lâu đài. Quận chúa Gunna vội bước ra cổng nghênh đón. Nàng định quỳ xuống trước nàng công chúa con vua, song công chúa kịp đỡ nàng đứng lên và ôm hôn thắm thiết. Công chúa nói:
-       Hỡi nàng Gunna xinh đẹp, ta rất vui được thấy chàng Ximoc dũng cảm và hào hiệp phục vụ nàng tận tình đến vậy.- Mỉm cười công chúa nói tiếp- quả là chàng chịu ơn sâu nghĩa nặng của quận chúa, vậy thà chàng chịu bỏ mình còn hơn nhìn nàng bị xích trong xiềng sắt.
-       Thưa công chúa,- nàng Gunna cũng mỉm cười nói- bà thấy đấy, con hươu đực có bỏ mặc con hươu cái đâu, khi hươu cái cần được cứu giúp.
Sau khi trò chuyện một lúc, tất cả mọi người vào trong toà lâu đài. Công chúa thấy quả thật tráng lệ. Sau đó, mọi người đi ra vườn thú. Có ở đấy những hơn ba trăm con hươu đực. Nàng Gunna, em gái mụ phù thuỷ, hoá phép trả lại nguyên hình cho tất cả các chàng trai, vẫn theo cung cách nàng khôi phục nguyên dạng ban đầu cho cho chàng Ximoc. Người nào lấy lại được hình người, cũng đều lần lượt đến quỳ cảm tạ ơn sâu người giải thoát cho mình. Phần lớn họ là những chàng trai tuấn tú khôi ngô.
Họ cho biết là người Tarta, người Trung Quốc, người nước Carim..., tóm lại hầu khắp châu Á nước nào cũng có người bị hoá phép nơi đây. Nhưng, cũng như hai nàng công chúa và quận chúa, chàng Ximoc kinh ngạc nhất khi nhận ra trong số các chàng trai vừa lấy lại nguyên hình người ấy, có cả hoàng tử Farucsat. Người bạn tâm tình của hoàng tử nước Ba Tư vội chạy đến phủ phục dưới chân hoàng tử:
-       Ôi, hỡi hoàng tử quý yêu của tôi! Nhẽ nào tôi được gặp ngài nơi đây?
-       Ôi, hỡi người bạn tâm tình của tôi, hoá ra lại là anh đấy ư, hỡi anh Ximoc?- Hoàng tử cũng vui mừng thảng thốt.
-       Vâng, chính tôi đây, Ximoc đây, thưa hoàng tử. Điều mừng hơn nữa, là tôi đưa đến cho chàng nàng công chúa nước Casơmia.
Nói đến đấy, chàng Ximoc mời hoàng tử đến giới thiệu với công chúa Farucna. Chàng nhận ra, đấy đúng là cô gáim mình từng gặp trong mộng. Về phía mình, nàng công chúa cũng nhận ra đây chính là chàng hoàng tử mình vẫn giữ đậm hình ảnh nơi con tim, sau lần gặp gỡ trong mơ.
Trong khi hoàng tử nước Ba Tư cố bày tỏ tình cảm và niềm vui của mình được gặp công chúa nước Casơmia, nàng Gunna đi vào vườn thú nơi có nhiều con hươu cái trắng, giúp chúng lấy lại nguyên dạng ban đầu. Đấy đều là những tiểu thư và thiếu phụ xinh tươi khả ái, mà mụ phù thuỷ độc ác đã hoá phép buộc họ mang hình thú. Nàng dân họ đến gặp công chúa Farucna. Nàng mời mỗi người thuật lại chuyện xảy ra cho mình. Tất cả các phụ nữ đều gặp lại người tình của mình trong số các chàng trai cũng bị bắt phải đội lốt thú giống y như họ. Một điều kỳ diệu nữa làm cho hạnh phúc nhiều người đạt được tột đỉnh ước mơ, là các chàng kỵ sĩ từng cưỡi ngựa đến đây, nay lại tìm thấy ngựa mình trong chuồng ngựa của mụ phù thuỷ Mêrepza.
Vậy là, sau khi các chàng trai một lần nữa bày tỏ ơn sâu của họ đối với quận chúa Gunna, mỗi chàng dẫn người yêu của mình, cùng nhau trở về quê hương bản quán.
Còn lại trong toà lâu đài lúc này chỉ có nàng công chúa Farucna, quận chúa Gunna, bà nhũ mẫu Xutlumêmê, hoàng tử nước Ba Tư và người bạn tâm tình của chàng. Họ lưu lại đấy mấy ngày, sau đó cùng trở về kinh đô nước Gaznin. Để mừng cuộc tái ngộ của mọi người, nhà vua sai trang hoàng đẹp đẽ toàn bộ kinh thành, và cho nhân dân mở hội vui chơi tưng bừng. Nhà vua chủ trì lễ thành hôn chàng hoàng tử nước Ba Tư kết duyên cùng nàng công chúa nước Casơmia, chàng trai tâm tình Ximoc làm bạn với quận chúa Gunna. Trong thời gian cả nước đang tấp nập hội hè, quốc vương Gaznin muốn được nghe tất cả mọi chuyện. Chàng Ximoc bắt đầu kể lại đầu đuôi, bằng cách nào chàng gây được lòng tin cậy của công chúa Farucna. Tiếp đó, hoàng tử Farucsat cho mọi người rõ, chàng rơi vào tay mụ phù thuỷ Mêrepza trong hoàn cảnh nào.
Ít lâu sau, quốc vương Gaznin lâm bệnh nặng. Khi thấy mình sắp đến lúc đi vào cõi vĩnh hằng, vua truyền ngôi báu cho hoàng tử Farucsat. Sau khi nhà vua băng hà, chàng lên ngôi vua trị vì nước Gaznin. Nhưng, vốn có nguyện vọng trở về nước Ba Tư, chàng lại truyền ngôi vua nước ấy cho người bạn tâm tình của mình là anh Ximoc. Việc truyền ngôi này được văn võ bá quan trong triều đình cũng như toàn thể nhân dân cả nước hoan nghênh.
Vậy là, sau khi có vua Ximoc cùng hoàng hậu Gunna lên ngôi giữ việc nước thay mình, hoàng tử Farucsat đưa công chúa nước Casơmia trở về cố quốc Ba Tư. Chẳng bao lâu sau vua Ba Tư băng hà. Chàng lên ngôi báu thay phụ vương. Dường như nhà vua cao niên này chỉ còn đợi con trai trở về để mình được rảnh rang và đi xa mãi mãi.

<< Chương 28 (B) |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 236

Return to top