Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cổ Tích >> Nghìn lẻ một ngày

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 47286 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nghìn lẻ một ngày
François Pétis De La Croix

Chương 2 (B)
Hoàng đế đáp lời người thợ may:
- Vâng, tôi là người nước ngoài, tôi không quen biết ai trong thành phố này. Tôi vô cùng biết ơn bác nếu bác vui lòng cho người dẫn tôi đến nhà chàng trai ấy.
Bác thợ may sai ngay một chú bé học việc dẫn hoàng đế đến tận dinh cơ của Abuncaxem. Đấy là một dinh thự xây bằng những tảng đá đẽo nguyên khối, cổng làm bằng cẩm thạch có hoa văn từa tựa vân ngọc thạch anh. Nhà vua bước vào sân, ở đấy có vô số gia nhân trẻ tuổi và nô lệ đã được trả lại tự do, họ đang đùa vui với nhau trong khi đợi lệnh chủ nhân. Vua tiến đến gần một người và nói:
- Người anh em ơi, tôi nhờ người anh em vui lòng giúp cho một việc, nhờ anh em vào bẩm với ngài Abuncaxem rằng có một người ngoại quốc mới đến, xin được tiếp kiến ngài.
Nhìn bộ dạng hoàng đế, cậu gia nhân biết ngay đây không phải là một người bình thường, vội chạy đi báo với ông chủ. Chủ nhân thân hành xuống sân đón tiếp vị khách nước ngoài, cầm tay dẫn khách đến một gian phòng rất đẹp. Vào phòng, hoàng đế nói vui từng được nghe danh tiếng tốt đẹp của chủ nhân, do vậy không sao cầm được ước mong được đến đây xin diện kiến ngài. Abuncaxem khiêm nhường từ tạ lời ngợi ca, mời vua ngồi xuống chiếc trường kỷ, rồi hỏi khách từ xứ nào đến, nghề nghiệp là gì, hiện đang nghỉ trọ nơi nao trong thành phố Basra. Nhà vua đáp:
Tôi là một thương nhân thành Batđa, hiện tôi tạm trú tại trạm du khách đầu tiên nhìn thấy khi vừa đặt chân vào thành phố.
Sau đôi ba lời hàn huyên, vua thấy bước vào phòng mười hai gia nhân da trắng, tay bưng những chiếc vò bằng mã não và pha lê khảm hồng ngọc, đựng đầy rượu nhẹ tuyệt vời; theo sau là mười hai nữ nô lệ khá xinh, người thì bê những mâm sứ xếp đầy hoa quả tươi thơm, người thì nâng những chiếc hộp bằng vàng ròng đựng các loại mứt cực ngon.
Các gia nhân đều nếm thử rượu trước khi dâng mời khách. Hoàng đế nhấp mấy thứ, mặc dù quá quen thuộc mọi của ngon vật lạ khắp các nước phương Đông này, vẫn phải thú thật rằng chưa bao giờ mình được uống loại rượu tuyệt vời đến thế. Chẳng mấy chốc đã đến giờ dùng bữa tối, Abuncaxem mời khách sang một căn phòng khác, ở đây đã bày sẵn trên bàn bao nhiêu thứ cao lương mỹ vị đựng trong đĩa bát đúc toàn bằng vàng khối.
Dùng xong bữa, Abuncaxem cầm tay mời khách sang một căn phòng thứ ba, đồ đạc bày biện còn sang trọng hơn hai căn phòng kia. Gia nhân mang đến không biết bao nhiêu là vò rượu bằng vàng khảm ngọc đựng nhiều loại rượu khác nhau, cùng những đĩa sứ cổ bày các loại mứt trái cây khô. Trong khi chủ khách nâng chén thưởng thức các loại rượu ngon hiếm thấy thì nhiều nhạc công và ca sĩ bước vào, cùng cử một khúc hoà tấu hay đến mức làm hoàng đế Harun tựa hồ mê mẩn. Nhà vua tự nhủ: „Trong cung ta có vô số những giọng hát hay, song phải nhận là những người ấy không đáng mang ra so sánh với các ca sĩ này. Ta không hiểu sao một tư nhân lại có điều kiện sinh hoạt lộng lẫy xa hoa dường này“.
Trong khi Harun đang chăm chú nghe một giọng ca êm đềm chưa từng thấy, thì Abuncaxem ra khỏi phòng, lát sau quay trở lại tay cầm một cây nhỏ, thân cây bằng bạc, còn cành lá toàn bằng lam ngọc và các quả là hồng ngọc. Trên ngọn cây đỗ một con công vàng chạm khắc thật tinh xảo, thân chim là một khối hổ phách toát ra hưưong cây lô hội và các mùi thơm khác. Chàng đặt cây bạc xuống chân hoàng đế, rồi cầm chiếc đũa khẽ gõ lên đầu chim. Thế là con công giương đôi cánh, xoè cái đuôi và múa với nhịp điệu khá nhanh, chim múa càng gấp càng làm lan toả ra mọi thứ hương thơm nức cả căn phòng.
Hoàng đế đang mải mê ngắm không biết chán cái cây bạc và con công vàng, chưa kịp ngỏ lời ngợi khen, thì chàng Abuncaxem đã nhấc cả cây lẫn chim bước ra khỏi phòng khá đột ngột. Nhà vua hơi mếch lòng về cử chỉ ấy, ông thầm tự nhủ: „Như thế là thế nào? Chàng trai này hình như chưa biết cách xử sự lịch sự như ta tưởng. Chàng ta cất cái cây và con công đi trong khi ta đang mải ngắm, sợ ta ngỏ lời xin mất vật ấy chăng? Ta e rằng Giapha đã quá lời khi đánh giá con người này hào phóng“.
Vua còn thẫn thờ với ý nghĩ ấy, thì chàng Abuncaxem đã lại bước vào, theo sau có một chú hầu trẻ cực kỳ tuấn tú khôi ngô. Chú bé dễ thương này mặc một chiếc áo gấm dệt bằng kim tuyến có đính nhiều viên ngọc và kim cương, tay dâng một chiếc ly làm bằng một viên hồng ngọc lớn đựng một loại rượu mầu đỏ sẫm. Cậu tiến đến trước nhà vua quỳ lạy rập đầu sát đất và dâng ly rượu. Hoàng đế cúi đỡ chiếc ly, đưa lên miệng uống cạn, và thật diệu kỳ làm sao, uống xong nhà vua trao trả cái ly cho cậu bé thì nhận ra cái ly rượu vẫn đầy tràn. Vua lại đỡ ly rượu, uống tiếp một hơi cạn không còn một giọt. Đưa trả chiếc ly cho cậu bé, vua nhận ra ly rượu đã lại đầy mà không hề nhìn thấy ai rót rượu vào.
Vật kỳ diệu này khiến hoàng đế Harun ngạc nhiên đến mức quên phắt chuyện cây bạc công vàng, và cất lời hỏi do đâu có chuyện lạ lùng đến vậy. Abuncaxem đáp:
Thưa ngài, đấy là công trình sáng tạo của một bậc hiền thời xưa, vị ấy am tường mọi bí quyết trong trời đất.
Vừa đáp xong, chàng đã cầm tay cậu gia nhân, bước ra khỏi phòng cũng vội vã y như lần trước. Hoàng đế cảm thấy bất bình:
- Quái,- vua tự nhủ- xử sự đến thế thì chàng trai này quẫn trí rồi. Chàng ta tự ý mang các vật ấy ra khoe với ta mà chẳng chờ ta nhờ hỏi; chàng phô ra trước mắt ta; và mỗi lần nhận thấy ta lấy làm thú vị về vật ấy thì vội vàng mang đi. Thật chẳng có chi lố bịch và khiếm nhã bằng. Này, hỡi lão Giapha kia, rồi ta sẽ dạy cho lão biết cách đánh giá đúng người đời.
Vua không biết nên nghĩ thế nào về tính khí chủ nhân, hay đúng hơn vua bắt đầu có ý không hay về chàng, thì lần thứ ba chàng trai quay trở lại. Theo sau là một cô nương trang sức đầy ngọc ngà châu báu, mà nhan sắc có một không hai xem ra còn ăn đứt bộ trang phục vô cùng lộng lẫy. Hoàng đế gặp một giai nhân xinh tươi dường ấy, trố mắt nhìn. Nàng cúi đầu rất thấp, xá một xá, rồi bước tới gần vua, bộ điệu duyên dáng khiến khách càng thêm mê mẩn. Vua mời nàng ngồi cạnh mình. Vừa lúc ấy, Abuncaxem gọi mang ra một cây đàn tì bà đã lên dây sẵn. Gia nhân dâng cây đàn làm bằng ngà voi, hổ phách, gỗ mun và trầm hương. Chàng trai chuyển đàn cho cô nương, cô đỡ lấy, so giây và bắt đầu tấu một bản nhạc điêu luyện tới mức vua Harun vốn là người rất sành điệu, cũng không cầm được thốt lên. „Ôi chàng trai trẻ ơi, số phận của chàng thật đáng để người đời ganh tị. Tất cả cá vị vua chúa vĩ đại nhất trên đời này, ngay đến Đấng thống lĩnh các tín đồ đi nữa, cũng chẳng thể nào có được hạnh phúc sánh tày chàng“.
Chàng trai vừa để ý thấy vị khách say mê cô gái trẻ , liền cầm tay dắt vội nàng ra khỏi phòng. 
NGÀY THỨ BA.
Đấy lại là một điều nhục nữa cho hoàng đế Harun An Rasit. Suýt nữa thì vua nổi trận lôi đình, nhưng người cố nén giận. Chủ nhà quay trở lại ngay tức khắc, và hai người tiếp tục trò chuyện chén tạc chén thù cho đến lúc mặt trời lặn. Harun nói với chàng trai:
- Hỡi chàng Abuncaxem hào phóng, tôi thật quá cảm kích về sự tiếp đãi của ngài đối với tôi, giờ xin cho phép được cáo từ, để ngài nghỉ ngơi.
Không muốn phiền lòng khách, chàng trai thành phố Basra nhã nhặn nghiêng mình. Tránh không làm trái ý vua, chàng lịch sự tiễn người ra tận cổng; trước khi chia tay ngỏ lời mong khách vui lòng lượng thứ cho về việc chủ nhà đã không có cách đón tiếp người trọng thể hơn nữa, cho thật xứng đáng địa vị của người.
Trên đường trở về trạm nghỉ dành cho du khách, vua Harun An Rasit nghĩ thầm. „Ta thừa nhận về mặt giàu sang Abuncaxem vượt xa các vua chúa; song xét về sự hào phóng, tể tướng của ta đã sai lầm khi dám đặt chàng sánh ngang ta, bởi rốt cuộc anh chàng có tặng ta món quà nào đâu? Thế mà mấy lần ta thốt lên ngạc nhiên trước vẻ đẹp cảu cành cây thân bạc lá ngọc, cũng như khi trong thấy cái ly, về tên hầu trẻ tuổi và cô gái xinh tươi, trông ta tỏ ý ngợi ca như vậy, nhẽ ra anh chàng phải tự hiểu và trao tặng ta một món nào trong số ấy chứ. Không, anh chàng này chỉ là một con người chỉ thích khoa trương thôi; cậu chàng ham phô bày vật báu của mình cho khách nước ngoài ca ngợi; để làm gì? để thoả mãn sự kiêu ngạo và bản tính thích khoe khoang của mình. Thực chất, cậu chàng là một tên keo kiệt. Ta không thể nào tha thức cho Giapha về cái tội đã dối trá ta“.
Đang suy nghĩ những điều chẳng lấy gì tốt lành cho vị tể tướng, vua về tới trạm nghỉ của du khách. Làm sao nói hết sự kinh ngạc của người khi thấy bày ra trước mắt bao nhiêu liều trại huy hoàng vừa dựng lên gồm nhiều gian nhà vải, những tấm thảm lụa trải trên nền cùng một số lớn gia nhân và nô lệ đã được trả tự do; bên cạnh đấy nào ngựa nào lừa nào lạc đà, ngoài ra có đủ thân cây cành bạc và con công vàng, chú gia nhân trẻ tuổi cùng chiếc ly rượu của y, cả cô nô tỳ xinh đẹp cầm đàn tì bà ở tay nữa.
Bọn tôi tớ quỳ mọp sát đất chào ông chủ, trong khi cô gái dâng vua một cuộn lụa bạch. Vua mở ra và đọc những dòng như sau:
„Ôi hỡi ngài đồng thực khách mà tôi chưa hân hạnh quen biết; có thể tôi đã không biết cách đãi đằng ngài thật đúng lễ; cúi xin ngài hãy rộng lòng đại xá cho những lỗi lầm thiếu sót mà tôi có thể mắc phải khi tiếp đón ngài, xin ngài chớ làm tôi thêm hổ thẹn mà khước từ mấy món quà nhỏ mọn gửi đến tặng ngài. Cây bạc, con công, chú tiểu đồng, cái ly và cô gái trẻ, những vật mọn ấy đã thuộc sở hữu của ngài vì hình như chúng vừa ý ngài; từ trước tới nay bất kỳ những vật gì các vị đồng thực khách với kẻ này tỏ ý ưa thích thì chúng không còn là tài sản của tôi, mà trở thành vật sở hữu của quý vị“.
Đọc xong bức thư, hoàng đế vô cùng ngạc nhiên về tính tình rộng rãi của Abuncaxem, và đành thừa nhận mình vội suy xét không đúng về chàng trai. Vua thốt lên:“Triệu triệu phúc lành ban cho Giapha. Chính nhờ lão mà ta được biếu tặng hậu hĩnh thế này. Này, hỡi Harun! từ nay chớ có khoe khoang nữa ông là người giàu sang và hào phóng nhất thế gian; một tên thần dân của ông đã vượt xa ông rồi đó. Nhưng- nhà vua nghĩ tiếp – làm sao một tư nhân bình thưưòng lại có thể biếu tặng người khác những vật phẩm quý hiếm mức ấy nhỉ? Nhẽ ra ta phải hỏi anh chàng kiếm đâu ra nhiều tài sản đến vậy. Ta thú nhận mình đã sơ xuất khi không gạn hỏi anh chàng điều ấy. Ta không muốn quay trở về Batđa mà chưa sáng tỏ câu chuyện này. Cũng quan trọng lắm chứ, việc trong đất nước thuộc quyền ngự trị của ta, lại có một người dân thưòng sống cuộc đời còn nhung lụa hơn cả ta. Nhất định ta phải gặp lại anh chàng, ta sẽ khéo léo tìm cách khơi gợi chàng dốc bầu tâm sự cho ta rõ do đâu chàng có được một gia sản khổng lồ dường ấy“.
Quá sốt ruột để thoả mãn sự hiếu kỳ, vua để mặc bọn gia nhân mới trong trạm lưu trú du khách, một mình quay trở lại ngay dinh cơ chàng trai tre. Khi chỉ có mình vua với chàng, vua cất lời hỏi:
- Hỡi chàng Abuncaxem vô cùng đáng mến, các tặng phẩm của ngài cho tôi quá ư to tát, làm sao tôi dám nhận mà không sợ lạm dụng tấm lòng hào hiệp của ngài. Xin ngài vui lòng cho phép tôi gửi trả lại. Sự tiếp đãi trọng hậu của ngài đã đủ làm cho tôi vô cùng cảm kích; trở về đến Batđa tôi sẽ loan truyền cho mọi người biết về sự giàu sang cũng như tính hoà hoa kháng đạt của ngài.
- Thưa ngài quý mến,- chàng trai đáp vớ vẻ bị xúc phạm- chắc hẳn ngài có điều gì phàn nàn về tên Abuncaxem khốn khổ này. Có thể một hành động nào đó của kẻ hèn mọn đã làm ngài không hài lòng, bởi ngài khước từ các tặng vật của tôi. Giá như ngài vừa lòng, hẳn ngài đã không để cho tôi phải bị nhục mạ vì bị khước từ như vậy.
- Không đâu, thưa ngài, - hoàng đế vội phân trần- nói có trời chứng giám, tôi thật quá cảm kích về thái độ lịch sự của ngài, các tặng phẩm của ngài quý giá quá. Những món quà ấy vượt xa tặng phẩm các đấng quân vương trao cho nhau. Xin phép ngài cho tôi được nói ra điều tôi suy nghĩ, nên chăng ngài chớ quá phung phí tài sản như thế, nên suy nghĩ là rồi đến một ngày nào các kho tàng của ngài sẽ cạn kiệt.
Nghe đến đấy, Abuncaxem mỉn cười và cất lời đáp như sau:
- Trình ngài, quả thật tôi rất vui được biết, không phải ngài muốn trừng phạt tôi về một lỗi lầm nào đó nhỡ với ngài trong khi đón tiếp cho nên khước từ tặng vật. Để mong ngài thoải mái chấp nhận cho, xin phép được thưa tôi có thể ngày nào cũng trao tặng những món quà tương tự thậm chí quý báu hơn nhiều mà chẳng có gì phải bận tâm.
Điều tôi vừa thưa hẳn khiến ngài ngạc nhiên- chàng trai nói tiếp- song ngài sẽ không lấy làm lạ nữa nếu ngài vui lòng cho phép thuật lại những điều từng xảy ra trong đời kẻ này. Xin cho tôi được giãi bày tâm sự với ngài.
Nói xong, Abuncaxem dẫn nhà vua vào một căn phòng trang trí bày biện ngàn lần sang trọng hơn những phòng vua đã thấy. Nhiều lư hương toả mùi thơm dìu dịu. Giữa phòng đặt một chiếc ngai bằng vàng ròng, dưới sàn trải nhiều tấm thảm quý. Hoàng đế Harun An Rasit không thể nào hình dung mình đang ở trong nhà một người dân thường mà cứ ngỡ đây là cung điện một bậc đế vương còn hùng mạnh hơn cả mình. Chàng trai trẻ mời vua ngồi lên ngai, chàng ngồi xuống một chiếc ghé bên cạnh, và bắt đầu thuật chuyện đời mình như sau.

<< Chương 2 | Chương 2 (C) >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 396

Return to top