Vua Bêrêtđin-Lôlô kể tiếp: Cách đây mấy năm, ở kinh thành Đamat có một thương nhân cao tuổi tên là Banu. Ông ta có một ngôi nhà nghỉ khá đẹp ở thôn quê không mấy xa thành phố, hai kho hàng chứa đủ các loại vải vóc tơ lụa quý bên Ấn Độ, và một người vợ trẻ. Về sắc đẹp, thiếu phụ này có thể sánh ngang nhan sắc bà hoàng hậu xứ Astrakhan. Banu là người thích giao du rộng. Ông ta tiêu sài không tiếc của và thường lấy làm tự hào về tính hào phóng của mình. Ông không chỉ đãi đằng bạn bè, ai cần tiền ông đều sẵn sàng cho vay mượn. Người nào có việc cần giúp đỡ, là có Banu. Tóm lại dường như ông cảm thấy không hài lòng nếu mỗi ngày không giúp được ai một việc gì đó. Vì ông quá rộng tay như vậy, công việc kinh doanh ngày một kém đi. Ông cũng nhận ra mình gặp khó khăn, song vẫn không sao thay đổi được tính nết. Công việc làm ăn mỗi ngày mỗi thêm tồi tệ, đến chỗ phải bán đứt ngôi nhà nghỉ ở thôn quê, rồi chẳng bao lâu sau đó trở thành người bị khánh kiệt hoàn toàn. NGÀY THỨ MỘT TRĂM BÔN MƯƠI SÁU.
Thấy mình sắp lâm vào cảnh quẫn bách, ông nhờ đến bạn bè. Chẳng một ai giúp đỡ. Bạn bè ông bỏ đi hết. Ông tưởng những người ông cho vay mượn sẽ trả nợ lại cho ông . Nhưng một số chối mình chưa vay mượn bao giờ, những người nhận có vay thì không có cách gì trả nợ. Quá buồn bực, thương nhân Banu lâm bệnh nặng. Trên giường bệnh, một hôm tình cờ ông sực nhớ có cho một vị tiến sĩ quen biết vay một nghìn đồng xơcanh vàng. Ông gọi vợ đến bảo: - Em Aruya thân mến ơi, chưa có gì đến nỗi tuyệt vọng. Anh vừa sực nhớ thêm một con nợ mà anh quên khuấy mất. Anh có cho một người bạn mượn tạm một nghìn đồng xơcanh. Đấy chính là tiến sĩ Đanitmen. Anh tin ông này không đến nỗi bội tín như những người khác. Anh không đủ sức tự mình đi, vậy em hãy giúp anh, hãy đến gặp ông ấy, xin ông trả lại cho anh số tiền một nghìn đồng xơcanh anh cho ông ấy giật tạm hôm nào. Aruya vội lấy tấm mạng che mặt, đến ngay nhà ông Đanitmen. Người nhà dẫn nàng vào phòng của viên phó chánh án. Ông lịch sự mời nàng ngồi, hỏi có việc gì đến. Nàng Aruya cất tấm mạng che mặt và đáp: - Thưa ngài tiến sĩ, em là vợ của thương nhân Banu. Trước hết em xin chúc ngài an khang hạnh phúc. Em có việc muốn thưa là chồng em xin ngài vui lòng trả lại cho số tiền một nghìn đồng vàng ngài có lần mượn tạm. Nàng nói mấy lời trên với vẻ duyên dáng và giọng nói dịu dàng. Anh chàng Đanitmen là người luôn bốc lửa bên trong, cứ dán mắt vào khuôn mặt người đẹp. Rồi làm bộ cười tình, y đáp: - Ôi, em đúng là tiên nữ giáng trần. Anh sẽ đưa cho em ngay số tiền ấy, không phải như món anh nợ của chồng em, mà như chút quà anh tặng riêng cho em đã quá bộ đến nhà anh. Mới nhìn thấy khuôn mặt của em anh tưởng như mình đã mất hết ba hồn bảy vía. Em làm anh trở thành người sung sướng nhất trần đời. Xin em vui lòng đáp lại những tình cảm em gợi nên trong lòng anh. Chồng em quá già, làm sao đáp ứng được lửa lòng của em. Nếu em đồng ý để anh yêu, anh sẽ biếu em không chỉ một nghìn đồng mà những hai nghìn đồng xơcanh vàng. Anh xin thề, rồi suốt đời anh sẽ là kẻ nô lệ của em. Vừa nói năng nhố nhăng như vậy, anh chàng có mau dê vừa xích sát người đẹp và đưa đôi tay muốn ôm nàng vào lòng nhưng người thiếu phụ mạnh mẽ đẩy vị tiến sĩ ra xa, và nghiêm mặt nói: - Đồ hỗn láo, hãy dừng lại. Chớ có tán tỉnh vô ích. Cho dù ông có quyền sở hữu tất cả của cải ở nước Ai Cập và mang dâng hết cho ta, đừng hòng làm ta thiếu chung thủy với chồng. Xin ông hãy giao đây cho tôi một nghìn đồng xơcanh ông nợ chồng tôi, và hãy thôi chớ mất thời giờ ép uổng một người chẳng bao giờ chịu làm ông ưng ý đâu. Vị tiến sĩ Đanitmen quá thông minh để hiểu thái độ của người đẹp qua những lời vừa nghe. Chả còn hy vọng mua chuộc nàng được nữa và bản tính vốn là người thô bạo, y lộ bộ mặt thật của mình. Lấy giọng giận dữ, y bảo nàng Aruya: - Cô hẳn là người tráo trở lắm mới dám vác mặt đến nhà ta đòi tiền. Ta chẳng có nợ nần gì chồng cô sất! Lão điên già ấy làm tan gia bại sản vì cái tính kỳ cục vung tiền qua cửa sổ. Ta chẳng có điên mà góp phần giúp lão xây dựng lại cơ ngơi.Nói xong, y đẩy Aruya ra khỏi phòng , may mà chưa đến mức đánh đập nàng. Thiếu phụ trở về nhà, nước mắt đầm đìa nói với chồng: - Mình ơi, anh chàng tiến sĩ Đanitmen ấy chẳng thật thà gì hơn những con nựo khác của mình. Y dám quả quyết với em chẳng hề nợ nần anh. - Ôi tên bội bạc! - Người buôn già than - có thể nào hắn bỏ ta trong tình cảnh này? Nói bỏ ư, không phải. Hắn dám tráo trở nói chưa bao giờ vay mượn ta. Tên khốn nạn! Trước đây lúc nào hắn cũng ra vẻ một con người đàng hoàng, hồi nó hỏi vay anh một nghìn đồng xơcanh, anh tưởng nếu nó ngỏ lời, anh có thể giao cho nó luôn toàn bộ sản nghiệp của mình. Biết tin vào ai lúc này? Ta biết làm gì đây? Ta có nên để yên cho hắn lật lọng hay không? Không đâu. Phải làm cho ra nhẽ. Em hãy đến xin gặp quan chánh án. Ông ta là một con người nghiêm nghị, xưa nay vẫn là kẻ thù không đội trời chung với những sự tráo trở bất công. Mình hãy kể cho quan chánh án nghe tất cả sự đểu cáng của tên tiến sĩ ấy. Anh tin quan sẽ thương hại cảnh ngộ của anh và mang lại sự công bằng cho chúng ta. NGÀY THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BẢY. Người vợ trẻ của thương nhân vỗi vã đến dinh quan chánh án. Nàng bước vào gian phòng nơi vị quan tòa ấy vẫn tiếp dân, ngồi ở một nơi cách biệt những người khác.Dáng người xinh đẹp và bộ dạng kiêu xa của nàng khiến quan chánh án để ý ngay. Quan xưa nay vốn là một người yêu chuộng phái đẹp. Nhác thấy nàng Aruya, quan ra hiệu cho nàng tiến lại gần, rồi thân hành dẫn luôn sang phòng làm việc riêng của mình. Quan ép nàng ngồi xuống chiếc trường kỷ, và bảo nàng hãy cất tạm mạng che mặt đi. Vừa nhìn thấy dung nhan của người đẹp, quan chánh án đã mát hết hồn vía, chẳng khác nào vị quan phó của mình. Quan cất lời nồng nhiệt tán: - Ôi, hỡi tấm mía ngọt ngào, hỡi đóa hoa hồng trong vườn ngự uyển, hãy nói cho anh biết em có việc gì phải đến tận đây. Em hãy tin đi, anh sẽ đáp ứng mọi điều như em mong muốn. Nàng liền thuật lại cho ông nghe sự bội tín của tay Đanitmen, và khúm núm yêu cầu quan lớn hãy dùng quyền uy can thiệp, buộc vị tiến sĩ ấy trả lại cho thương gia chồng nàng số tiền ông còn nợ. Quan chánh án ngắt lời: - Trả lại số tiền vay của người khác, đúng quá đi chứ! - Quan chánh án vừa nói vừa cảm thấy ngọn lửa trong người mỗi lúc mỗi bốc cháy to hơn - ta có cách buộc y phải làm việc ấy. Y sẽ trả lại cho em một nghìn đồng xơcanh, nếu không ta cho róc thịt y ra. Nhưng, hỡi nàng tiên nữ giáng trần, - quan nói tiếp với giọng trai lơ - em hãy nghĩ đến trái tim anh nó như một con chim đã sa vào lưới đệp của em rồi, em hãy ban ngay cho anh điều em đã khước từ viên phó ấy. Anh sẽ ngay tức khắc đặt vào tay em bốn nghìn đồng xơcanh vàng. Nghe những lời lẽ đểu cáng ấy, nàng Aruya bật ra khóc như mưa: - Trời đất ơi! Hóa ra trên đời này không còn một người đàn ông nào có đạo đức nữa ư! Làm sao tôi có thể tìm đâu ra một người thật sự có tấm lòng hào hiệp? Ngay những vị được giao nhiệm vụ cầm cân nảy mực mà không hề thấy ngượng tay khi phạm tội ác! Quan chánh án cố lau nước mắt an ủi người thiếu phụ. Thấy lão quan dê vẫn một mực đòi xin ân huệ, và đã biết mình quả quyết không đồng ý chuyện ấy thì chớ hòng lão giúp cho bất cứ việc gì, nàng đứng lên bước ra khỏi dinh quan chánh án, lòng đau như cắt. Thấy vợ trở về với bộ mặt tiu nghỉu và đầm đìa nước mắt, thương gia Banu chưa cần nghe nói đã hiểu hết sự tình: - Anh thấy rõ mình không hài lòng với quan chánh án. Chắc hẳn tay tiến sĩ Đanitmen ấy là bạn thân của ông quan lớn. - Than ôi! - Nàng đáp - em hoài công vô ích nài nỉ, ông không muốn giúp chúng ta. Chẳng còn chút hy vọng nào. Chúng ta sẽ ra sao đây? Thương nhân già nói: - Chắc phải kêu đến ngài thống đốc thành phố thôi. Anh từng bán chịu cho ngài bao nhiêu vải lụa, thậm chí ngài còn nợ chưa trả hết tiền cho anh. Giờ chúng ta phải đến gõ cửa ngài. Anh tin ngài sẽ dùng uy tín cứu giúp chúng ta trong cơn hoạn nạn. Ngày hôm sau, nàng Aruya lại lấy tấm mạng che mặt, và đến dinh quan thống đốc, xin được gặp ngài. Người ta dẫn nàng vào phòng riêng quan lớn. Ngài đón tiếp nàng khá lịch sự, và yêu cầu nàng cất tấm mạng che mặt. Nàng Aruya đã có kinh nghiệm, để lộ khuôn mặt xinh đẹp của mình ra cho cách đàn ông này nhìn ắt có chuyện không hay, thoạt đầu nàng từ chối. Nhưng không có cách nào tránh được, quan thống đốc nài nỉ quá khẩn khoản, nàng không thể không tuân lời. Dung nhan kiều diễm của người thiếu phụ tác động đến tay tiến sĩ và quan chánh án như thế nào, thì ấn tượng hoàn toàn y như vậy đối với ngài thống đốc. Tuy đã khá cao tuổi song ngài là người bao nhiêu cô gái đẹp đã phải qua tay, nếu chẳng may ai để quan nhìn thấy mặt. Vừa nhìn thấy nàng Aruya không đeo mạng, ngài thống đốc đã nồng nhiệt thốt lên: - Ôi xinh đẹp làm sao! Duyên dáng làm sa! Nàng ơi - ngài thống đốc nói tiếp- nàng hãy nói ra ngay cho ta rõ nàng là ai, nàng cần ta giúp đỡ việc gì. - Bẩm ngài thống đốc - nàng thưa - em là vợ của một thương gia tên là Banu, trước đây nhà em vẫn được vinh dự bán vải lụa hầu ngài. - Ồ, ai chứ ông Banu, ta còn lạ gì! - Quan thống đốc vội ngắt lời - Đấy là một trong những người bạn ta đánh giá cao nhất và yêu quý nhất trên đời. Ông ấy thật hạnh phúc xiết bao được có một người vợ xinh đẹp dường này. Ông ấy thật đáng cho tất cả mọi người ganh tị! - Ông ấy đáng cho mọi người thương hại thì đúng hơn - đến lượt thiếu phụ ngắt lời quan lớn. - Trình ngài thống đốc, ngài chưa rõ tình cảnh ông Banu tội nghiệp ấy hiện nay khốn khổ đến mức nào. Nàng trình bày tiếp để ngài thông đốc rõ công việc kinh doanh của chồng mình đã lụi bại, và nói lý do tại sao nàng phải thân đến gõ cửa dinh quan ngài. NGÀY THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI TÁM. Hiểu rõ sự tình, ngài thống đốc nhanh nhảu hứa sẽ dùng uy lực của mình buộc tiến sĩ Đanitmen phải trả lại số tiền nợ của thương gia Banu, nhưng ngai cũng chẳng hào hiệp gì hơn quan chánh án. Ngài bảo với thiếu phụ: - Ta bảo hộ cho em. Ta sẽ hạ trát đòi viên phó án đến. Nếu y không tự nguyện trả lại số tiền một nghìn đồng xơcanh đã vay thì rồi y sẽ phải hối tiếc về chuyện ấy. Tóm lại ta cam kết buộc y trả lại món nợ, miễn là ngay từ lúc này em phải bắt đầu trả ơn cho ta việc ta định làm, em nên biết giữa các vị quan to cỡ chúng ta, có cái lệ là việc trả nghĩa phải thực hiện trước lúc nhận được sự ban ơn. Vì không muốn đáp ứng dục vọng của ngài thống đốc, người đẹp Aruya đành trở về nhà tay không, buồn rầu không thể nào tả xiết. Nàng than với chồng: - Mình ơi, chẳng nên chờ đợi vào ai. Không có ai muốn chia sẻ những khó khăn chúng ta đang gặp hoặc bằng cách nào đó đoái tình cứu giúp chúng ta. Lời than của vợ làm người thương gia cao tuổi đang ca cẩm về nhân tình thế thái càng thêm tuyệt vọng, ông không tiếc lời trách móc chửi bới bọn bạn cũ. Người vợ lại nói: - Thôi mình ơi, trách móc lũ bất nghĩa ấy giờ phỏng được ích lợi gì? Than thở nhiều lúc này liệu có bớt được khó khăn hay không? Nên suy nghĩ cách làm sao đòi được tiền của chúng ta về. Em nghĩ trời đất vừa xui em nghĩ ra được một cách. Mình chớ nên vội hỏi ấy là cách gì, lúc này em chưa muốn nói ra cho mình rõ. Mình cứ việc tin chắc, với cách ấy rồi sẽ gây nên dư luận ồn ào, và nhờ vậy chúng ta sẽ có dịp trả thù tên tiến sĩ, tay chánh án và lão thống đốc. Thương gia bảo vợ: - Thôi em muốn làm gì tùy em. Ta để cho em tự do hành xử. Ngay lập tức người thiếu phụ ra khỏi nhà, đi qua hai hoặc ba phố, đến một cửa hiệu chuyên đóng hòm gỗ. Chủ hiệu săn đón chào hỏi: - Bà cần gì thưa phu nhân khả ái? - Thưa bác cả, tôi muốn đặt đóng ba cái hòm gỗ theo kích thước định sẵn. Người chủ hiệu đưa nàng đi xem các loại hàng kích cỡ khác nhau. Nàng chọn mua ba chiếc hòm lớn, mỗi cái có thể chứa thoải mái một người đàn ông. Trả tiền xong, nàng cho chở luôn về nhà. Ngay sau đó nàng chưng diện bộ quần áo đẹp nhất, lại mang vào người tất cả đồ trang sức chưa kịp bán hết để có cái sống qua ngày, và không quên xức nước hoa thơm lựng. Trong bộ trang phục thật duyên dáng ấy, nàng tìm đến nhà tay tiến sĩ. Đến nơi, không chờ y phải yêu cầu, nàng cất luôn tấm mạng che mặt. Rồi với điệu bộ thật lả lơi khơi gợi, lúng liếng đôi mắt đưa tình, nàng nói: - Thưa ngài phó chánh án, hôm nay em lại đến xin ngài trả cho chồng em số tiền món nợ một nghìn đồng xơcanh ngài mượn tạm hôm nào. Nếu ngài vì thương em mà trả lại số tiền ấy, em xin đền đáp ơn ngài. - Cô em xinh đẹp ơi, - y đáp - ta vẫn giữ tình cảm đã nói với mình. Ta có sẵn hai nghìn đồng xơcanh vàng trao ngay cho mình với những điều kiện như mình đã rõ. - Ngài đã khăng khăng không đổi ý, em đâu dám phụ lòng. Em sẵn sàng đền đáp cho thật vừa ý ngài. Em chờ ngài đêm hôm nay - vừa nói nàng vừa đưa bàn tay ra, anh chàng vội chộp lấy nâng lên môi hôn nồng nhiệt - ngài hãy trao cho em số tiền như đã hứa. Đúng mười giờ đêm nay, hãy đến nhà em gõ cửa, sẽ có một người hầu trung thành với em ra mở cổng đưa ngài lên phòng riêng của em, rồi chúng ta sẽ có dịp vui chơi với nhau cả đêm hôm nay. Vậy là vượt quá xa mong ước, anh chàng phó chánh án sướng rơn lên, không làm chủ được mình nữa. Y bất ngờ ôm chầm người thiếu phụ. Nàng vội gỡ tay y ra. Nhìn sắc diện, biết chắc anh chàng này sẽ không thể vắng mặt cuộc hẹn hò nàng bước ra khỏi nhà đến thẳng dinh quan chánh án. NGÀY THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI CHÍN. Được gặp riêng vị quan tòa nàng nói luôn: - Thưa ngài kính mến của em, sau khi từ biệt ngài trở về nhà lòng em chẳng lúc nào thanh thản. Em cứ nhớ lại trong đầu những điều ngài ngỏ với em. Có vẻ như em cũng được ngài để mắt chút nào đó, và giờ đây chỉ còn tùy thuộc ở em thôi để hai ta trở thành một đôi bạn tình. Thân phận em là con nhà buôn bán, được làm tình nhân của một vị chánh án trẻ tuổi và khôi ngô tuấn tú như ngài, vinh dự cho em biết chừng nào. Quả thật em chưa bao giờ hình dung số phận mình có lúc may mắn như thế này. Lời rào đón ấy đủ làm viên chánh án nức lòng. Y thốt lên: - Đúng vậy, em yêu của anh, nếu em đồng tình, em sẽ là đệ nhất phu nhân trong dinh ta, em muốn gì ta đều chiều em hết thảy. Em hãy bỏ lão chồng Banu già cỗi của em đi, và hãy đến đây sống cùng với ta. - Thưa ngài, làm như vậy không tiện đâu, - nàng đáp - em không thể gây thêm cho chồng em nỗi phiền muộn ấy. Hơn nữa, xử sự cách ấy em sẽ mất hết danh tiếng. Em không muốn gây nên dư luận xì xào, em chỉ mong được tự do lui tới bí mật với ngài thôi. - Nếu vậy ta biết gặp em ở nơi nào? - Viên chánh án hỏi. - Ngay tại phòng riêng của em- nàng đáp. - Chỗ ấy an toàn nhất. Chồng em ngủ ở phòng riêng, ông ấy quá già lại đau ốm liên miên, chúng ta chẳng có gì phải lo ngại. Ngay đêm nay, nếu ngài muốn, ngài có thể đến chỗ em. Ngài hãy có mặt trước cổng nhà em lúc mười một giờ. Ngài nên đi một mình, chớ cho ai theo hầu, em rất ngại nếu quan hệ giữa ngài với em lộ ra cho người khác biết. Sự thận trọng của người thiếu phụ không những không làm viên chánh án ngờ vực, mà ngược lại càng làm cho y tin vận may của mình lớn lắm. Y vội nói, rất sung sướng được nàng bày tỏ tình cảm nồng hậu như vậy, và lại bắt đầu dở thói sàm sỡ. Nàng Aruya khéo léo lẩn tránh mà không làm y phật ý. Y đành khẳng định sẽ có mặt trước cổng nhà nàng đúng mười một giờ đêm hôm nay. Tình hình đến đấy, hai người chia tay, mỗi người mang theo một tâm trạng riêng. Vậy là hai anh chàng đã sa vào cái lưới của người đẹp. Giờ còn phải làm sao câu được con cá to hơn là viên thống đốc. Hóa ra việc này cũng chẳng khó khăn mấy. Người thiếu phụ lại khéo léo ỡm ờ như với hai tay kia, và con dê cụ này tin ngay tất cả mọi điều nàng bịa đặt. Hai bên thỏa thuận đúng nửa đêm, chàng sẽ có mặt trước cổng nhà nàng. Thậm chí chàng còn thề sẽ đến đấy một mình, để giữ cho kín đáo mọi điều, đúng với ý người đẹp mong muốn. - Lạy trời! Tạ ơn trời đất đã cứu giúp những người lâm cảnh khó khăn. Trời đất đã có mắt nhìn lại, xin trời đất thánh thần hiểu rõ tấm lòng trong trắng của con. Hãy giúp cho con đạt được ý nguyện. Hãy dẫn dắt con vượt qua mọi trở ngại, khó khăn. Cầu nguyện xong, nàng Aruya cảm thấy yên tâm hơn, tin mình được thánh thần phù hộ, liền đi ngay ra chợ mua nhiều thứ hoa quả, bánh mứt ngon mua về nhà. Nàng có một vú già giúp việc hết sức tin cẩn. Nàng nói thật cho vú nghe hết mọi sự, và dặn dò những việc cần làm. Tiếp đó nàng cùng vú già chuẩn bị một căn phòng lịch sự, bày biện đồ đạc. Trên một cái bàn sắp sẵn nhiều đĩa sứ đựng trái cây và bánh mứt. Giả sử hôm nay người đẹp chuẩn bị để đón tiếp tình nhân thật của mình, cũng chỉ chu đáo đến thế là cùng. Nàng chờ đợi ba người ấy đến trong tâm trạng vô cùng thấp thỏm, chỉ lo cuối cùng họ không dám đến. Nhưng lo âu của nàng không có căn cứ. Nắm được cơ hội tốt thế này, có anh chàng nào chịu bỏ lỡ. Trước hết tiến sĩ Đanitmen là người xăm xắm nhất, bởi y là kẻ sẽ đến sớm hơn cả. Đúng mười giờ đêm không sai một phút, có tiếng gõ nhẹ ở cổng. Bà vú già ra mở, mời vào và dẫn thẳng lên phòng riêng của bà chủ, vừa đi vừa thì thầm: ”Xin ngài chú ý bước nhẹ cho, chớ gây ra tiếng động làm cụ chủ đang nghỉ tỉnh giấc”. Nàng Aruya đã trang điểm thật lộng lẫy để tiếp khách. Đanitmen nhìn thấy, ngỡ nàng làm như vậy vì mình, càng thêm mê mẩn, vội thốt lên: - Ôi, hỡi con chim phượng hoàng tuyệt diệu, sao anh được em mang lại hạnh phúc lớn dường này! Đây là số tiền hai nghìn đồng xơcanh như anh đã hứa, - y vừa nói tiếp vừa ném lên mặt bàn túi tiền- chừng này chẳng đáng là bao so với những gì em mang lại cho anh. NGÀY THỨ MỘT TRĂM NĂM MƯƠI. Nàng Aruya nghe vậy mỉm cười, đưa bàn tay xinh đẹp cho viên phó chánh án hôn, mời y ngồi xuống ghế và nói: - Thưa ngài tiến sĩ, xin ngài hãy bỏ khăn đội đầu và tháo dải thắt lưng ra cho thoải mái. Xin ngài cứ tự nhiên như ở nhà ngài. Rồi quay lại bảo bà vú già: - Vú Đalla ơi, nhờ vú tháo tấm khăn và cất cái mũ cho người tình của tôi được thoải mái chốc lát. Vừa nói nàng tự tay tháo dải thắt lưng buộc quanh chiếc áo khoác ngoài của viên phó chánh án, trong khi bà vú già cất chiếc khăn đội đầu. Tiện thể hai bà cởi luôn chiếc áo mặc ngoài của vị tiến sĩ, ngài chỉ còn lại chiếc áo ngắn trên người, đầu thì để trần. Người đẹp lại nói tiếp: - Giờ chúng ta hãy khởi đầu bằng uống với nhau một tí khai vị và dùng ít trái cây, em đã chuẩn bị sẵn mọi thứ để tiếp ngài. Hai người tình cùng nhau ăn mứt, uống rượu ngọt. Suốt bữa ăn nhẹ, nàng Aruya không quên chuyện trò thật duyên dáng, toàn dùng lời lẽ tâng bốc hoặc úp mở gợi tình, làm anh chàn không còn đầu óc nào nữa. Nhưng vừa đến cuối bữa, chợt nghe tiếng động mạnh ở nhà ngoài. Aruya tỏ vẻ lo lắng, làm như không rõ việc gì xảy ra. Nàng bảo bà vú già: - Vú chạy ra xem có ai đến nhà mà ồn ào vậy. Bà vú già đi ra, lát sau quay trở lại hốt hoảng nói không ra hơi: - Thôi chết chúng ta rồi, bà chủ ơi. Ông anh trai của và vừa từ thành phố Cairo đến. Ông đang trò chuyện với cụ chủ, chốc nữa cụ sẽ dẫn ông sang đây thăm bà. - Sao lại đến vào lúc này cơ chứ! - Nàng Aruya tỏ ra buồn bã và thất vọng. -Sao lại có người bỗng dưng đến quấy phá cuộc vui của ta như vậy. Nếu nhỡ có người bắt gặp bà Banu đang trò chuyện với tình nhân trong phòng riêng, thì còn ra cái thể thống gì? Thân em rồi sẽ ra sao, nếu thiên hạ đồn đại em là người vợ không chung thủy, là mụ đàn bà kém đức hạnh, thưa ngài? - Cũng đáng lo thật đấy, thưa bà chủ!- Bà vú nuôi đệm thêm - Giờ chỉ còn cách mời ngài tiến sĩ nấp tạm vào một trong ba cái thùng mà cụ chủ vừa sai thửa sáng nay để chuẩn bị đóng hàng gửi đi Đamat. Ba cái thùng ấy hiện để trong phòng làm việc của bà. Cụ chủ giao cho tôi giữ chìa khóa các hòm ấy đấy. Lời khuyên của bà vú già nghe cũng phải. Tiến sĩ Đanitmen đồng ý sang phòng làm việc, chui vào một trong ba cái hòm lớn. Nàng Aruya tự tay khóa lại cẩn thận, vừa khóa vừa thì thầm bảo Đanitmen: “Chàng yêu quý của em ơi, chàng chớ sốt ruột nhé. Sau khi chồng và anh trai em vào thăm một chốc lui về, em sẽ vào với chàng ngay. Đêm nay, dù có trắc trở một chút, chúng ta sẽ càng hạnh phúc hơn với nhau”. Lời hứa ngọt ngào của người yêu sớm trở lại giải thoát cho ra khỏi cái nhà tù chật chội làm chàng tiến sĩ tạm khuây nguôi nỗi bực mình. Anh chàng hoàn toàn không nghi ngờ mình đã xa vào cái bẫy người ta chăng ra, cứ ôm ấp ảo tưởng về cái hạnh phúc tuyệt vời, đêm nay rồi thế nào cũng sẽ đến. Người đẹp Aruya để anh chàng lại trong phòng làm việc, trở về phòng riêng ghé tai nói nhỏ với bà vú già: - Một con mồi đã nằm gọn trong lưới, xem thử các con kia có thoát được hay không. - Chúng ta sẽ biết ngay thôi, - bà vú đáp - bởi gần đến mười một giờ rồi. Tôi tin quan chánh án không chịu để lỡ hẹn. Bà vú già có lý khi quả quyết vị quan tòa sẽ đến đúng giờ. Bà vừa nói xong, đã nghe tiếng gõ cổng, thậm chí lúc này vẫn chưa thật tới giờ hẹn. Bà vú ra mở cổng. Thấy một người đàn ông, bà hỏi tên gì. Người ấy thì thầm: - Ta là quan chánh án - Y đáp. - Xin ngài nói khẽ cho. Chớ làm cụ chủ nhà tôi tỉnh giấc. Bà chủ tôi yêu quý ngài lắm, đã dặn trước tôi mời ngài lênn thẳng phòng riêng của bà. Xin mời ngài vui lòng theo, cho phép tôi đi trước dẫn đường. Chỉ mới nghe thế thôi, viên chánh án đã thấy hừng hực trong người. Y lặng lẽ theo sau bà vú, bước vào phòng riêng nàng Aruya. - Ôi nữ hoàng của ta, cuối cùng ta gặp lại được em!- Y thốt lên khi vừa thấy mặt Aruya. Ta chờ đợi giây phút này nôn nao như có lửa đốt trong lòng. Thế là - y nói tiếp và quỳ xuống dưới chân nàng- ta đã đạt được đỉnh cao ước vọng. Trên đời này quả chẳng có ai được hạnh phúc như ta hôm nay! Bà vợ trẻ vị thương nhân già cúi đỡ viên chánh án đứng lên, mời ngồi xuống ghế và lả lướt nói: - Thưa ngài, em rất vui nghe ngài nói có chút tình cảm đối với em. Bởi ngài là người em quý trọng nhất trên đời, hya nói cho đúng hơn, ngài là người đàn ông đầu tiên em để ý tới. Vú già đây sẽ thưa để ngài rõ, từ khi được nhìn thấy và trò chuyện với ngài trở về, em cứ ốm o gầy mòn. Lúc nào em cũng chỉ nói đến ngài. Vì quá nặng tình với ngài, em chẳng hề có được một phút thanh thản. NGÀY THỨ MỘT TRĂM NĂM MƯƠI MỐT. Mấy lời của người đẹp làm cho ngài chánh án ta tưởng như đã lên tới cung mây: - Ôi hỡi cây bách xinh tươi của anh, em đúng là tiên nữ giáng trần, lời em nói làm anh càng như con người mất trí. Xin em hãy mau chóng yêu anh đi, hãy yêu anh nhanh lên, hỡi nàng công chúa của anh, anh thú thực với em anh không đủ hơi sức chờ đợi lâu hơn nữa. - Em hết sức cảm kích nghe chàng nói yêu quý em - nàng đáp - vậy là tình cảm em được đền đáp. Bởi chàng nôn nóng, em không muốn lần chần kéo dài thêm thời gian chờ đợi phút giây ân ái của chúng ta. Em đã chuẩn bị một bữa ăn nhẹ. Em muốn được trước đó uống với nhau vài ly rượu ngọt. Nhưng anh tỏ ra sốt ruột đến thế, em không thể không chiều lòng. Xin anh cởi bớt áo ngoài và bỏ khăn ra cho thoải mái, và nằm tạm xuống chiếc giường kia, để em chạy sang phòng bên xem ông già của em ngủ đã thật say chưa, rồi em quay trở lại với anh ngay. Viên quan tòa mới nghe nói, tưởng đã đến lúc được người đẹp ôm luôn vào lòng, vội bỏ hết quần áo lên giường nằm. Vừa đặt mình xuống, nghe tiếng ầm ĩ bên ngoài. Lát sau, nàng Aruya nhớn nhác chạy vào, nói: - Bẩm quan chánh án, ngài chưa rõ việc gì đang xảy ra. Chúng em có một lão đầy tớ già, không được em tin cậy vì hắn gắn bó với chồng em. Lão nhìn thấy ngài vào nhà, đã báo cho nhà em biết. Ông chồng em đã cho người mời bố mẹ em đến để chứng kiến sự thiếu chung thủy của em đối với chồng. Tất cả mọ người sắp tới nơi, Than ôi! Khốn nạn cho thân em biết chừng nào! Dứt lời, nàng khóc như mưa, và vờ vịt khéo đến nỗi viên chánh án cũng hết sức ái ngại.Y bảo nàng: - Hỡi thiên thần của anh, hãy khuây nguôi đi, chẳng có gì phải sợ hãi. Anh là chánh án, quan tòa to nhất thành phố này, anh có thể dùng quyền uy bắt bố mẹ em và chồng em phải im hơi lặng tiếng. Anh sẽ đe dọa tất cả mọi người, không cho phép làm ồn ào. Em hẳn phải tin, họ sợ lời đe dọa của ta chứ. -Em hoàn toàn không nghi ngờ việc ấy, thưa ngài, - nàng đáp - Em không sợ chồng em thù hận, bố mẹ em trách mắng, không phải vậy. Em biết đã được ngài che trở, em sẽ không phải chịu hình phạt nào. Nhưng than ôi! Em sẽ bị coi là một người đàn bà kém đức hạnh, em sẽ trở thành nỗi khinh miệt của toàn thể gia đình. Có nỗi đau nào lớn hơn đối với một phụ nữ xưa nay chưa bị một ai thoáng chút nghi ngờ về tiết hạnh? Nói nghi ngờ, không đúng. Xưa nay em được tiếng là một người vợ tài đức vẹn toàn, em có thể quả quyết với ngài như vậy. Thế mà trong chốc lát nữa thôi, em mất hết danh thơm ấy. Nàng vừa nói vừa lã chã nước mắt giọt ngắn giọt dài, khéo léo đóng trò, làm cho viên chánh án mủi lòng thật sự. - Hỡi người yêu của anh, anh hết sức xúc động về nỗi lo của em. Nhưng thôi, chớ nên khóc lóc làm chi, khóc cho lắm cũng chẳng được gì. Nếu điều không may mắn xảy đến, thở than phỏng đem lại lợi ích nào? Bà vú già Đalla ngắt lời viên chánh án: - Bẩm ngài chánh án quyền uy và thưa bà chủ yêu kiều, xin hai vị hãy nghe tôi nói đây. Tôi có kinh nghiệm. Đây không phải lần đầu tôi gặp cảnh những người tình đang cơn bối rối. Hai vị chỉ nghĩ đến chuyện than vãn với nhau, còn già này lo tính chuyện giúp hai vị thoát cơn nguy biến. Nếu ngài chánh án đồng ý, chúng ta cúng nhau đánh lừa ngài thương gia Banu và hai cụ thân sinh của bà chủ. - Bằng cách nào mới được chứ? -Vị quan tòa hỏi. - Ngài chỉ có việc tạm lánh vào một chiếc thùng to trong phòng bà Aruya. Tôi tin chắc chẳng ai nghĩ tới chuyện hỏi bà chìa khóa thùng để đau - bà vú già nói. - Ta đồng ý ngay, - quan chánh án nhanh nhảu - ta đồng ý tạm lánh vào trong cái thùng ấy một lúc, nếu hai người cùng cho nên làm như vậy. Người thiếu phụ hết sức vui lòng, lại còn khẳng định với viên quan tòa, ngay sau khi ông chồng cùng với song thân mình vào phòng không thấy có gì khác và lui về, nàng sẽ lập tức đến đưa ngài ra khỏi cái thùng. Tin lời hứa hẹn, hơn nữa vẫn đang nau náu đợi chờ giờ phút được sống riêng với người đẹp, quan chánh án đồng ý chui vào trốn trong một cái hòm y như viên phó của mình vừa rồi. Giờ chỉ còn chờ có ngài thống đốc. Đúng nửa đêm, ngài thân hành đến trước cổng nhà nàng Aruya, không sai hẹn. Bà vú già Đalla lại theo cung cách cũ, dẫn ngài vào phòng riêng của bà chủ. Nàng Aruya cũng đón tiếp ngài chẳng kém ân cần nồng nhiệt như đối với hai vị khách kia. Ngài thống đốc bắt đầu giở thói mơn trớn người tình. Khi thấy ngài bắt đầu hơi quá đà, nàng liếc mứt ra hiệu cho bà vú già. Bà đi ra khỏi phòng. Nhưng chỉ lát sau, nghe có tiếng đập ầm ầm cái cổng thông ra đường phố, và bà vú già nhớn nhác chạy xộc vào, hoảng hốt nói: - Thật không may sao, thưa bà chủ. Đích thân ngài chánh án vừa vào nhà ta, anh giúp việc đã mời ngài vào gặp luôn cụ chủ. - Trời ơi! Tội vạ tày đình đổ xuống đầu ta rồi! - bà chủ vờ thốt lên và quay lại bảo bà già - Vú chịu khó đi nhẹ nhàng ra lắng nghe ông chánh án nói gì với ông lão nhà tôi, sau đấy trở lại đây cho chúng tôi hay. Bà vú già lại đi ra. Trong thời gian ấy, ngài thống đốc hỏi thiếu phụ: - Vì lý do gì viên chánh án đến nhà vào giờ này? Ông Banu có dính vào chuyện gì bê bối hay không? - Làm gì có chuyện ấy, - nàng Aruya đáp- bởi vậy bản thân em cũng lấy làm lạ chẳng khác ngài. Lát sau, bà vú già quay trở lại: - Thưa bà chủ, tôi đã chú ý lắng nghe mọi người trao đổi trong phòng cụ chủ, xem bàn chuyện gì. Đích thân quan chánh án vừa đến. Quan có ý định hỏi chuyện bà trước sự chứng kiến của tiến sĩ Đanitmen, ông này cũng vừa đến cùng một lúc với quan chánh án. Ông tiến sĩ quả quyết đã trả cho cụ chủ ta một nghìn đồng xơcanh từ trước. Quan tể tướng được trình bẩm về vụ này, đã giao nhiệm vụ cho quan chánh án nội đêm nay phải làm sáng tỏ vụ việc, và sáng sớm mai trình tể tướng rõ. Nghe đến đây, nàng Aruya lại phải cậy đến dòng nước mắt, van xin ngài thống đốc tạm lánh mặt: - Em van quan lớn hãy thương em. Đích thân quan chánh án cùng với tiến sĩ Đanitmen và chồng em sắp vào đây. Ngài hãy tránh cho em nỗi nhục bị mọi người thấy mình là người đàn bà kém đức hạnh. Ngài hãy chiếu cố đến tình cảm em vẫn dành riêng cho ngài. Mời ngài quá bộ sang phòng em, và xin vui lòng cho em để ngài nấp tạm trogn một chiếc thùng. Thấy ngài thống đốc có vẻ ngại ngần trước việc ấy, người đẹp liền quỳ mọp xuống dưới chân, khóc lóc tha thiết van xin, cuối cùng cũng làm xiêu lòng quan lớn. Vậy là ngài thống đốc chui tọt vào cái hòm thứ ba. Khóa trái cửa phòng, nàng Aruya sang tìm chồng kể hết cho chồng nghe đầu đuôi mọi sự. Hai vợ chồng thú vị chán chê về chuyện xảy ra, cuối cùng thương gia lo lắng hỏi vợ: - Nhưng rồi đây mình định kết thúc câu chuyện bằng cách nào? - Sáng mai mình sẽ rõ - nàng đáp. - Em đã hứa là sẽ trả thù một cách thật om sòm, mình cứ tin em sẽ giữ lời. Quả đúng như lời - quốc vương Bêrêtđin-Lôlô kể tiếp cho tể tướng và hoàng thân nghe - sáng hôm sau nàng tìm cách lọt được vào gian phòng tôi vẫn tiếp dân chúng có việc kêu xin đến chầu. Thoạt trông thấy nàng, bộ dạng cao sang và thân hình kiều diễm của nàng khiến tôi chú ý. Tôi nói với tể tướng: - Ông có nhìn thấy người phụ nữ duyên dáng kia không? Hãy cho phép nàng đến gần ngai ta hơn. Tể tướng truyền lời mời. Nàng nhanh nhẹn rẽ đám đông, tiến tới quỳ trước ngai. Tôi hỏi: - Nàng có việc gì đến tận đây? Hãy đứng lên và trình bày ta rõ. Nàng vâng lời đứng dậy: - Muôn tâu bệ hạ, cầu chúc ngài vạn thọ vô cương. Nếu hoàng thượng hạ cố cho phép, em xin thuật hầu ngài một câu chuyện hẳn sẽ làm ngài ngạc nhiên. - Ta đồng ý, ta sẵn sàng nghe nàng trình bày. - Tôi đáp. - Em là vợ một thương nhân tên là Banu - nàng bắt đầu nói. - Chồng em được vinh dự làm thần dân của bệ hạ, và sung sướng được sống tại kinh đô của ngài. Chồng em có cho ngài tiến sĩ Đanitmen vay một nghìn đồng xơcanh vàng. Nay tiến sĩ quả quyết không vay. Em đã đến tận nhà quan phó chánh án ấy đòi nợ. Ông ấy đáp, ông không có vay mượn tiền của chồng em, nhưng nếu em bằng lòng thỏa mãn dục vọng của ông, thì ông ta cho em những hai nghìn đồng xơcanh. Em lại sang dinh quan chánh án kêu về sự bội tín của tiến sĩ Đanitmen. Quan tuyên bố quan không xét để trả lại sự công bằng cho, trừ phi em đồng ý thỏa mãn nhu cầu của quan giống hệt như chuyện ngài tiến sĩ đã đòi hỏi. Hoang mang về sự kém đức độ của quan chánh án, em đột ngột bỏ về vè đến kêu ở cửa ngài thống đốc thành phố Đamat, bởi ngài cũng có quen biết chồng em ít nhiều. Em van xin ngài hãy cứu giúp vợ chồng em. Nhưng ngài thống đốc chẳng mấy hào hiệp hơn hai vị kia, lại tìm đủ mọi cách quyến rũ em. Tôi không thể tin lời nàng Aruya trình bày. Tôi nghĩ người đàn bà bịa đặt ra chuyện này để nói xấu Đanitmen, viên chánh án cũng như viên thống đốc thành phố. Tôi phán: - Không, ta làm sao tin được lời bà. Làm sao có thể ngờ một vị tiến sĩ lật lọng không trả một món nợ đã vay, làm sao tin được chuyện một người ta đã lựa chọn để mang lại sự công bằng cho dân chúng lại có thể đề nghị với nàng điều hỗn xược như vậy. - Muôn tâu hoàng thượng anh minh, -vợ người thương nhân Banu nói - nếu bệ hạ không tin lời em, cúi mong bệ hạ tin lời những người làm chứng đủ tư cách về những lời em vừa tâu trình ngài. - Những người chứng ấy hiện ở đâu? - tôi ngạc nhiên hỏi. - Tâu bệ hạ, họ đang ở nhà em, xin bệ hạ cho đòi họ đến, ngài sẽ không thể không tin lời những người làm chứng ấy. Lập tức tôi sai quân cấm vệ đến nhà thương gia Banu. Họ giao cho toán quân lính ấy mang về ba chiếc hòm gỗ, bên trong chứa ba người tình. Quân cấm vệ mang ba cái hòm để trước mặt tôi, nàng Aruya nói: - Tâu bệ hạ, ba người làm chứng ở bên trong. Dứt lời nàng lấy từ trong túi áo ra chùm chìa khóa, mở bà cái thùng gỗ. Hai vị có thể hình dung nổi kinh ngạc của tôi cũng như của cả triều đình khi nhìn thấy vị thống đốc, viên chánh án và tay tiến sĩ tất cả gần như không mặc áo quần, mặt tái xanh tái xám, chưa thể hoàn hồn vì không ngờ kết cục ra thế này. Thoạt tiên tôi không sao nén được cười, khiến tất cả mọi người cùng phá cười theo. Nhưng lấy lại thái độ nghiêm trang, tôi hỏi tội ba người tình. Rồi công khai lên án cả ba, buộc tiến sĩ Đanitmen trả lại cho thương nhân Banu bốn nghìn đồng xơcanh vàng; cách chức viên chánh án, và trao chức vụ thống đốc thành phố Đamat cho một vị đại thần khác trong triều. Làm xong những việc ấy, tôi truyền cho người vợ của thương gia Banu hãy cất tấm mạng che mặt đi: “Nàng hãy để cho mọi người nhìn thấy tận mắt những nét đẹp nguy hại đã làm điên đảo ba người kia và mang lại tai họa cho họ”.
NGÀY THỨ MỘT TRĂM NĂM MƯƠI BA.
Vợ thương nhân Banu vâng lời. Nàng cất tấm mạng, để lộ cho tất cả mọi người nhìn thấy sắc đẹp tuyệt trần. Xúc động với sự kiện ấy, và nhất là do ngượng ngùng phải đưa khuôn mặt trần hồi lâu cho mọi người ngắm, càng làm cho nhan sắc của nàng thêm gợi cảm. Tôi chưa từng thấy một người đàn bà nào xinh đẹp bằng Aruya. Ngắm nghía dung nhan tuyệt vời của người đẹp, tôi không thể không thốt lên: - Người thiếu phụ này quá xinh đẹp. Giờ ta mới hiểu ra vì sao cậu tiến sĩ, viên chánh án cũng như quan thống đốc phạm tội to như vậy! Tôi không phải người duy nhất có ấn tượng mạnh. Cả triều đình rì rào tiếng ngợi ca. Tất cả mọi người ở đây đều dán mắt vào nàng, ai cũng ngắm nhìn không biết chán. Tôi ngỏ ý muốn nghe lại chi tiết tất cả câu chuyện, nàng trình bày đầy đủ với sự duyên dáng và đầy trí tuệ khiến mọ người thêm thán phục. Cả gian phòng rộng rộn lên lời khen ngợi. Những người có quen biết thương gia Banu đều cho ông ta có được một người vợ trẻ đẹp thế này thật quá diễm hạnh, cho dù công việc làm ăn đang gặp hồi khó khăn. Thuật xong câu chuyện, nàng tạ ơn tôi một lần nữa rồi ra về. Nhưng than ôi! Nàng đi khuất rồi, hình ảnh nàng vẫn còn để lại trong tôi. Đôi mắt tôi dường như lúc nào cũng đang nhìn thấy nàng. Người đẹp Aruya hút hết hồn tôi rồi. Tôi không sao dứt khỏi hình ảnh nàng khỏi đầu óc. Thấy mình quá tương tư, không sao thanh thản được nữa, tôi cho người bí mật gọi thương nhân Banu đến gặp. Tôi cho ông vào phòng riêng. Khi còn lại có mình ông, tôi bảo như sau: - Ông Banu này, hãy nghe đây. Ta biết do quá hào phóng ông đi đến chỗ khuynh gia bại sản. Ta biết ông đang buồn lắm vì không thể nào tiếp tục sông như phong cách trước đây. Ta quyết định tạo cho ông điều kiện để có thể tha hồ đãi đằng tiếp đón bạn bè y như những ngày trước. Ông có thể tiêu pha mạnh tay hơn nhiều, mà không ngại phải sa vào cảnh túng thiếu. Tóm lại, ta có thể ban cho ông vô vàn của cải, đổi lại, ông phải giúp ta một việc. Ta mê say người vợ của ông lắm. Ông hãy đuổi nàng đi, và bảo nàng đến đây với ta. Ta xin ông hãy vì ta mà chịu sự hy sinh ấy. Để tỏ lòng cảm ơn ông, ngoài vô vàn của cải ta ban cho, ông có thể chọn một cung nhân xinh đẹp nhất trong hoàng cung. Ta có thể dẫn ông đi ngay vào cung riêng dành cho phụ nữ, ông nhìn thấy ai vừa ý, có thể lấy người ấy làm vợ. - Muôn tâu bệ hạ, - thương nhân đáp - những của cải mà hoàng thượng hứa ban cho tôi, cho dù có nhiều có lớn đến bao nhiêu, không thể mua được vợ tôi. Đối với tôi, nàng Aruya quý giá hơn tất cả mọi của cải trên đời. Tâu bệ hạ, xin ngài hãy lấy ngay lòng mình mà suy, ngài thấy tôi không thể lóa mắt trước số của cải ngài hứa ban cho. Tuy nhiên, cho dù tôi yêu nàng đến bao nhiêu, tôi vẫn coi việc nàng được hài lòng còn quan trọng hơn nhiều. Tôi sẽ gặp nàng, nói cho nàng rõ, nàng đã để lại tình cảm sâu đậm thế nào trong trái tim đức vua, và ngài muốn sở hữu được nàng, đã đề nghị như vừa rồi. Trong trường hợp nàng phấn khích trước vinh quang được lọt vào mắt hoàng thượng mà để hé cho tôi thấy một thoáng nàng ngầm mong được tôi đuổi ra khỏi nhà; trong trường hợp ấy, tâu bệ hạ, tôi xin thề sẽ đuổi nàng đi ngay không do dự cho dù tôi vẫn hết sức quý yêu nàng; tôi sẽ hy sinh tất cả vì hạnh phúc của nàng, dù vẫn biết cuộc chia tay này vô cùng đau đớn cho tôi. Ông nói ông sẽ thử làm hết sức mình. Rời hoàng cung về nhà, thương nhân ấy kể lại cho vợ hay câu chuyện vừa rồi giữa tôi và ông. Kể xong, ông nói thêm: - Hỡi Aruya, Aruya quý yêu của ta ơi, em đã làm cho đức vua say đắm, hãy tận dụng cơ may hiếm có này. Em hãy vào cung sống cung đấng quân vương ấy, ngài trẻ tuổi, đẹp trai, khả ái, ngài đáng được kết đôi với em hơn ta. Và sống với đức vua, đời em sẽ nhẹ nhàng sung sướng muôn vạn lần hơn em cứ mãi gắn bó với ta trong gia cảnh khốn khó này. Thương gia già nói ra những lời trên mà không cầm được vài giọt nước mắt. Người vợ xúc động. Nàng đáp: - Ôi chồng của em, ông Banu ơi! Mình ngỡ nói cho em biết, được làm bạn đức vua em mừng rỡ lắm sao? Mình nghĩ em quan tâm đến cuộc sống vinh quang giữa huy hoàng tráng lệ ư? Xin mình chớ hiểu nhầm. Mình nên nhớ cho dù mình đang khốn khó như hiện nay, em vẫn muốn chung sống đời đời với mình hơn bất cứ vị quân vương nào trên đời. Thương gia cảm động trước tấm lòng của vợ, ôm hôn nàng thắm thiết: - Em đúng là con chim phượng hoàng của thế kỷ. Em đáng ca ngợi xiết bao! Em đáng đáp lại tình yêu của nhà vua hơn sống với anh. Một hôn thê khả ái thế này lại phải sống với một người chồng như anh là không công bằng chút nào. Tuổi tác anh đã vào buổi xế chiều, trong khi cuộc đời em mới bắt đầu hé nở. Anh chỉ là một kẻ đáng thương hại thôi, hãy bỏ anh đi, rồi cuộc sống của em sẽ tươi đẹp vạn phần. Chỉ vì đức hạnh, em gắn bó với một người chồng cao tuổi như anh như thế đã quá lâu rồi. Chớ nên khước từ tình yêu đức vua hiến dâng em. Em chớ nghĩ đến nỗi buồn của anh mà chi. Em hãy đồng ý đi, để anh tuyên bố đuổi vợ ra khỏi nhà, để cuộc sống của em được thú vị hơn bây giờ. NGÀY THỨ MỘT TRĂM NĂM MƯƠI TƯ.
Thương nhân Banu càng ngỏ ý muốn nhường vợ cho tôi, nàng Aruya càng cưỡng lại. Sau một cuộc dằng co dai dẳng, cuối cùng phần thắng thuộc về tình nghĩa vợ chồng. Người thương nhân già nói với vợ: - Hỡi người vợ quý yêu của ta! Vậy em hãy ngự trị trong lòng anh, em hãy xử sự như ý muốn, nhưng anh biết trả lời sao đây với đức vua? Ngài đang chờ câu trả lời, và chắc chắn ngài tin mình sẽ được hài lòng. Nếu anh vào tâu em khước từ tình cảm của vua, không sợ hai ta sẽ phải chịu sấm sét hận thù của nhà vua hay sao? Em hãy nhớ đấy là một quốc vương. Em hãy biết một quốc vương có thể làm mọi việc theo ý mình. Có thể rồi đây ngài sẽ dùng đến bạo lực để chiếm hữu em. Làm sao anh có thể chống chọi lại một tình địch hùng mạnh như nhà vua? - Em hình dung rõ lắm chứ mối đe dọa đang treo lơ lửng trên đầu chúng ta - nàng đáp. - Anh không nên đến gặp vua nữa, không nên làm hoàng thượng nổi giận khi nghe em khước từ vinh dự ngài muốn ban cho. Anh hãy gom góp số tiền còn lại, chúng ta hãy mang theo những gì quý giá nhất, rồi cùng nhau mau chóng rời bỏ kinh thành Đamat. Chúng ta hãy cùng nhau trốn đi, hãy phó thác số mệnh cho trời, ắt trời đất thánh thần không bỏ chúng ta. Thương nhân Banu chia sẻ ý kiến ấy, và hai vợ chồng cùng nhau thực hiện ngay không chậm trễ.Ngay trong ngày hôm ấy, hai người trốn khỏi kinh thành Đamat, đi về phía thành phố Cairo. Tôi được biết những điều trên vào sáng hôm sau, khi sốt ruột quá, tôi sai một người thân tín đến nhà Banu xem cơ sự thế nào. Bà vú già Đalla không muốn đi theo bà chủ, được người tôi sai dẫn vào triều và trình cho tôi rõ mọi sự. Nếu tôi không làm chủ được đam mê, nếu tôi khăng khăng muốn đạt sở nguyện, bắt cho được nàng Aruya vào cung, việc ấy chẳng mấy khó khăn. Chỉ cần phái quân sĩ đuổi theo và bắt luôn cả hai vợ chồng. Nhưng xử sự như vậy bất công quá, hơn nữa tôi không phải con người muốn ép buộc tình yêu. Vậy là tôi để cho vợ người thương nhân muốn trốn đi và sống ở đâu tùy thích. Chỉ còn lo tính cách sao chôn chặt mối tình. Nhưng cách nào cũng vô ích thôi. Cho dù tôi cố gắng hết sức mình, nàng Aruya vẫn luôn luôn hiện diện trong tâm trí tôi. Nhan sắc của nàng, tiết hạnh của nàng ngự trị trong trái tim tôi, khiến cho tôi hai mươi năm trời ròng rã trở nên vô cảm trước những cung nữ xinh đẹp nhất vẫn hầu hạ trong cung. Những trò tiêu khiển đặc sắc nhất cũng chẳng mấy bận tâm tôi. Quốc vương Bêrêtđin-Lôlô kể câu chuyện đời mình đến đấy thì ngừng lời. Tể tướng Atanmuc và hoàng thân Sêypen-Muluc đều hỏi, nhà vua có biết sau đấy nàng Aruya ra sao. Vua đáp không, chẳng có mảy may tin tức kể từ khi nàng rời khỏi thành Đamat. Hoàng thân mỉm cười nói: - Chúng ta quả thật là những tình nhân kỳ cục. Quốc vương đâm phải lòng ngay một cô buôn bán nhỏ ngay từ lần đầu thoạt gặp, cô ta lại chuộng ông chồng già hơn một nhà vual dù không được nàng yêu lại, ngài vẫn ấp ủ hình ảnh quý yêu ấy suốt hai mươi năm trời. Tôi thì đi yêu một người đàn bà thời thượng cổ, từ triều đại ngài Xalomon đại đế, còn tể tướng thì… Nhưng tôi nhầm mất rồi. Ngài tể tướng đã chung đụng quá nhiều với công chúa Zêlica, ngài quên sao được nàng cơ chứ. Quốc vương Đamat không nén được cười khi nghe nhận xét của hoàng thân. Vua đang cả cười chợt nhìn thấy một số đông lạc đà và ngựa đang gặm cỏ trên một bãi cỏ non. Lại thấy có nhiều lều trại được căng lên gần đấy. Trong trại nhiều người đàn ông cùng nhau ăn uống. Vua liền bảo với tể tướng và hoàng thân: - Chúng ta hãy đi đến bãi cỏ kia xem những người ấy là ai, họ định đi về đâu. Ba người thúc ngựa tiến đến gần các lều. Càng tới gần họ càng nhìn thấy thêm nhiều điều hay. NGÀY THỨ MỘT TRĂM NĂM MƯƠI NĂM.
Đến gần bãi cỏ, có thể nhìn rõ hơn, ba người nhận ra đấy là những lều trại lộng lẫy. Trong số ấy có một cái đẹp nhất, toàn lợp bằng vải vàng và lụa, trong lều này, giữa đám đông lố nhố có một người cao lớn khôi ngô, ăn mặc sang trọng. Ông đang ngồi xếp bằng trên một tấm thảm trải xuống đất. Lại thấy rất nhiều thức ăn đựng trong bát đĩa bằng vàng. Cạnh ông là một cái tủ xếp nhiều bình quý đựng rượu. Người đàn ông đáng kính trạc năm mươi tuổi đang dùng bữa một mình. Khoảng ba chục gia nhân ăn mặc lịch sự đứng hầu sau lưng; ở cửa ra vào hai tên nô lệ vũ trang đầy đủ đứng canh.Quốc vương Bêrêtđin-Lôlô và hai bạn đồng hành nhìn rõ ông ta, dĩ nhiên ông cũng nhận rõ ba người. Ông sai một người ra gặp hỏi ba vị là ai, đang đi về đâu. Quốc vương đáp: - Anh bạn à, chúng ta là ba nhà buôn kim hoàn. Chúng ta từ kinh thành nước Xiêcca đến, và đang đi về kinh đô Batda. Xin anh bạn vui lòng cho biết quý danh của ông chủ. Phải chăng đấy là một vị quân vương hùng mạnh đang đi du ngoạn vid hiếu kỳ. - Thưa ngài, không phải vậy, - người gia nhân đáp - ông chủ chúng tôi chẳng phải con vua cháu chúa, ông không tự hào về dòng dõi cao sang, ông tự hào về tấm lòng vĩ đại và hào hiệp. Tên ông là Abunphauari, được mệnh danh rất xác đáng là Nhà du hành vĩ đại. Ông xứng đáng là một hoàng tử, vì phong thái xử sự của ông giống hệt như các vị vua chúa. Bình thường ống sống ở thành phố Basra. Ở đấy ông có cả một tòa dinh cơ xây toàn bằng đá cẩm thạch. Vị khách nào đến thăm cũng được ông đãi đằng trọng hậu, và chẳng ai ra về không cầm theo một tặng phẩm nào đấy ông chủ tặng. Hầu như hằng ngày ông đều mở tiệc thết đãi các vị đại thần trong triều đình Basra. Quốc vương rất thích đàm đạo với ông. Vua thường hay mời ông vào tận trong hoàng cung, để nghe ông kể chuyện về những chuyến phiêu lưu của ông. - Như vậy ông chủ của bạn hẳn đã trải qua nhiều chuyện lạ kỳ lắm. - Không thể có những chuyện nào kỳ lạ hơn, - người gia nhân đáp. - Nhưng nói đến cùng, một con người tưng chu du khắp các vùng biển Ấn Độ, một người không có đảo nào trên bốn biển không thông thuộc, và được tự mắt trông thấy nhiều chuyện lạ kỳ, thì có chi là lạ. Nói xong người gia nhân quay vào bẩm với ông chủ. Ông này biết, các vị khách nước ngoài kia là những thương gia, vội đứng lên, ra khỏi lều nghênh đón. Hai bên trao đổi những lời chúc tụng lẫn nhau. Sau đấy, ông Abunphauari khẩn khoản mời bằng được quốc vương Bêrêtđin, tể tướng Atanmuc và hoàng thân Seyp-en-Muluc vào trại, ngồi xuống thảm và cùng dùng bữa với ông. Ba người nhận lời. Họ cùng nhau dùng những món ăn ngon và uống rượu ngọt rót trong những chiếc ly vàng khảm ngọc đỏ ngọc xanh, do các gia nhân dâng mời tận miệng. Chuyện trò trong bữa ăn, Abunphauari tỏ ta là một con người đầy trí tuệ, làm ba vị khách thích thú. Đối đáp rất nhanh nhưng ý kiến nào của ông cũng đúng đắn, lời lẽ trang nhã. Quốc vương Bêrêtđin hài lòng được gặp một người chuyện trò thú vị như vậy. Vua bày tỏ niềm vui của mình, và đề nghị hai đoàn cùng đi chung với nhau. Ông Abunphauari khá lễ độ nhận lời. Bốn người lại tiếp tục đàm đạo. Trong thời gian ấy, gia nhân của ông Abunphauari chia nhau xếp lên lưng các con lạc đà những hàng hóa đã dở khỏi lưng các con vật cho chúng được nghỉ ngơi và gặm cỏ chốc lát, và tháo dỡ các lều, chỉ trừ cái trại ông chủ đang ngồi tiếp khách. Ông thấy đã đến lúc phải lên đường, liền đứng dậy. Một gia nhân dắt đến một con ngựa rất đẹp mã. Ông lên yên, cùng ba vị thương gia giả hiệu sánh ngựa lên đường. Theo sau là đoàn tùy tùng đông đảo, gồm hơn hai trăm người vũ trang đại đao và cung nỏ. Với một đoàn du hành như vậy, chẳng dễ gì bọn cướp dám dở trò. Mọi người thong thả đi về thành phố Basra trong an toàn. NGÀY THỨ MỘT TRĂM NĂM NƯƠI SÁU.
Ông Abunphauari ngày càng cảm thấy thân thiết hơn với nhà vua và hai vị đồng hành với vua, có lẽ vì thấy họ đáng mến, cũng có thể họ chú ý lắng nghe ông như nghe một vị phán truyền. Thấy họ lúc nào cũng muốn được ông trò chuyện, ông càng vui vẻ nói không ngừng lời. Ông bắt đầu thuật lại cho ba người nghe về các chuyến đi của mình. - Rất ít người vào trạc tuổi tôi được đi lại nhiều như tôi - ông nói. Tôi thông thuộc các vùng duyên hải nước Ấn Độ hơn cả quê hương mình. Tôi được nhìn thấy nhiều chuyện diệu kỳ tới mức không dám viết ra giấy, e người ta cho mình là một kẻ ba hoa dối trá. Những chuyến phiêu lưu tôi đã trải qua quá kỳ lạ, quá phi thường, đến nỗi những ai nghe tôi thuật lại hẳn không thể tin là có thật, nếu họ không biết rõ tôi là một người xưa nay vô cùng ghét những chuyện dối trá bịa đặt. Những lời nói trên của ông Abunphauari càng làm cho quốc vương Đamat và hai vị đồng hành thêm hiếu kỳ. Họ thúc ép, nài nỉ, yêu cầu ông kể chuyện về mình, cuối cùng ông phải nhượng bộ. Ông nói: - Vâng thưa các ngài, tôi xin chiều ý, bởi quý vị tỏ ra hăng hái thích nghe. Tuy nhiên xin quý vị nhớ cho điều tôi vừa nói: ấy là rồi các vị sẽ khó tin một phần thôi những điều tôi sẽ kể sau đây hầu các vị.