Trên một đỉnh núi của khu ngoại ô thành phố Đài Bắc, “Bệnh viện tâm thần Bình An” là một tòa kiến trúc màu trắng nằm cô độc, lẻ loi một mình, tòa kiến trúc này nằm chót vót trên đỉnh cao, có thể nhìn thấy cả một thành phố Đài Bắc. Phía đàng trước của bệnh viện, là một bãi cỏ xanh thật rộng.
Trời đã tương đối lạnh, thời tiết đang vào lúc cuối Thu. Cây phượng hoàng ở đàng trước bệnh viện, lá đã vàng đều, rụng đầy một sân màu vàng úa, gió lạnh không ngừng xào xạc thổi, lá vàng cũng không ngừng rơi lả tả.
Có hai người đàn bà trung niên bước vào bệnh viện, vừa đi vừa nói chuyện nho nhỏ, một trong hai người đó, mặc chiếc áo dài Thượng Hải màu xanh lam, chính là bà Sâm. Người kia, mặc bộ váy đầm màu kem, gương mặt mang đầy nét phong trần, chính là bà Niên, một người là mẹ nuôi của Uyển Lan, một người là mẹ ruột của Uyển Lan.
Bà Sâm đang giải thích cho bà Niên nghe, gương mặt mang đầy nét nghiêm trọng và tuyệt vọng:
- Theo như bác sĩ nói, có thể suốt cả đời nó sẽ là như thế, chúng tôi đã dùng đủ mọi cách, đều không thể nào gọi được thần trí nó quay trở lại. Một điều duy nhất mà chúng tôi có thể làm, là cho nó một hoàn cảnh yên tịnh, lặng lẽ, để nó tiếp tục sống. Có thể có một ngày, phép lạ sẽ xảy ra, nó sẽ tỉnh táo trở lại, làm sao biết được? Bây giờ, chúng ta chỉ còn trông chờ ở phép lạ mà thôi!
Bà Niên đang lau nước mắt, bà không ngừng lau, những dòng lệ mới cứ không ngừng chảy ra. Bà lẩm bẩm:
- Tôi đã hại con bé!
- Có thể, là “tình yêu” đã hại con bé!
Bà Sâm nói bằng một giọng xuất thần, ngẩng đầu lên nhìn một góc tường, có một con nhện, đang bận rộn giăng lưới ở đó. Bà bất giác đưa mắt theo dõi chiếc mạng nhện đó một lúc thật lâu, lại tự lẩm bẩm nói:
- Tình yêu, là hai chữ rất kỳ lạ, có rất nhiều lúc, yêu quá lại hóa ra hại!
Họ đi vào phòng bệnh, bức tường vôi trắng sạch sẽ, khăn trải giường màu trắng, chiếc bàn nhỏ màu trắng, Uyển Lan mặc một bộ y phục màu trắng, ngồi trên một chiếc xe lăn. Có một ông bác sĩ, cũng mặc bộ y phục màu trắng, đang đứng cúi người nói chuyện với Uyển Lan. Ngẩng đầu lên nhìn thấy bà Sâm và bà Niên, ông chỉ se sẽ gật đầu với hai người, rồi lại tiếp tục nói chuyện với Uyển Lan. Uyển Lan ngồi ở đó, gầy gò, ốm yếu, yên tịnh, lặng lẽ, trên gương mặt nàng, không có một chút biểu lộ tình cảm nào, đôi mắt nàng nhìn trừng trừng về phía trước.
Bác sĩ hỏi:
- Cô họ gì?
Nàng trả lời thật rõ ràng:
- Tôi là một áng mây.
- Cô tên là gì?
- Tôi là một áng mây.
- Nhà cô ở đâu?
- Tôi là một áng mây.
- Cô từ đâu đến?
- Tôi là một áng mây.
Bác sĩ đứng thẳng dậy, nhìn bà Sâm:
- Vẫn là như thế, cô ấy chỉ biết nói có một câu đó. Tôi xem, thuốc men và sự trị liệu đều không có tác dụng gì với cô ấy, cô ấy không còn hy vọng gì nữa hết. Từ đây về sau, cuộc đời cô ấy có thể chỉ là một áng mây!
- Xin mọi người hãy cho tôi áng mây đó, được không?
Đột nhiên, có một giọng nói đầy nam tính, trầm thấp và cương quyết vang lên từ phía sau. Bà Sâm ngạc nhiên quay đầu nhìn lại, Mạnh Thiều! Chàng đứng ở đó, tiều tụy, âm u như một bóng ma lặng lẽ, hiển nhiên chàng đã đứng ở đó từ lâu lắm rồi.
Bà kinh ngạc kêu lên:
- Mạnh Thiều? Cậu định làm gì?
Chàng nói bằng một giọng ngắn gọn, rõ ràng:
- Rước nàng về nhà!
Bà Sâm nói:
- Cậu có biết rằng, có thể, suốt cả một đời con bé sẽ là như thế, đến già, đến chết, nó đều không thể khôi phục lại thần trí như ngày xưa!
Mạnh Thiều nhìn hai người đàn bà bằng đôi mắt cương quyết:
- Cháu biết. Xin hai bác hãy giao nàng cho cháu, biết đâu, cháu có thể trông chờ được phép lạ.
Bà Sâm hỏi bằng một giọng trầm ngâm:
- Nếu như không có phép lạ thì sao?
Mạnh Thiều nói thật vững vàng:
- Cháu vẫn bằng lòng giữ gìn áng mây này.
Bà Sâm bước sang một bên, nhường chỗ, đôi mắt bà dâng đầy lệ:
- Cậu làm như thế là rất điên rồ, cậu có biết không? Con bé sẽ trở thành một gánh nặng cho cậu, một gánh nặng suốt đời.
- Uyển Lan đã từng nói, bản thân của tình yêu là một gánh nặng, thường thường chúng ta sống vì những gánh nặng đó. Bác hãy giao nàng cho cháu.
Chàng nói bằng một giọng quả quyết.
Bà Sâm nhìn chàng chăm chú, thật sâu, thật sâu, cuối cùng bà cũng nói, bằng một giọng đơn giản và cảm động:
- Đem con bé đi đi!
Mạnh Thiều bước tới trước, cúi người xuống, chàng nhìn thật sâu vào đôi mắt nàng, đôi con ngươi của nàng tản mạn, thần sắc của nàng cứng đơ, tất cả những ý thức của nàng, hình như đang đắm chìm trong một thế giới nào đó, không một ai biết được.
Chàng hỏi:
- Em là ai?
- Tôi là một áng mây.
Chàng lại hỏi:
- Anh là ai?
- Tôi là một áng mây.
- Em còn nhớ gì về trái banh da hay không?
- Tôi là một áng mây.
Chàng hơi nhắm mắt lại, đứng thẳng người dậy, chàng đưa tay đẩy chiếc xe lăn, không nói một lời, đẩy nàng ra khỏi chiếc hành lang dài sọc của bệnh viện, đẩy ra phía cánh cổng to, đẩy xuống những bậc tam cấp, đẩy ra bãi cỏ xanh rộng bao la phía trước. Một cơn gió lạnh lẽo thổi qua, lá vàng từ trên cây phượng hoàng to lớn, lại lả tả rơi theo chiều gió, vô số những chiếc lá vàng bé li ti, phủ đầy trên người, trên áo của nàng. Chàng cúi đầu nhìn nàng, phảng phất đâu đây, hình như chàng lại nhìn thấy những cánh hoa “Kim Cấp Vũ” của ngày nào. Chàng cởi chiếc áo khoác ngoài của mình ra, khoác nhẹ lên vai nàng, chậm chạp, từ từ, chàng đẩy chiếc xe lăn về phía khu đồng cỏ rộng lớn đàng trước mặt.
Ở một góc của khu đồng cỏ, mẹ của Mạnh Thiều, không biết đã đứng đó từ bao giờ. Trông bà giống như một cái bóng được cắt ra bằng giấy, đen đủi, âm u, lặng lẽ đứng ở đó, lặng lẽ nhìn hai người. Mạnh Thiều đẩy Uyển Lan, đi ngang qua bà, cả hai mẹ con, chỉ đưa mắt nhìn nhau, thật sâu, thật sâu, đôi mắt bà Mạnh rưng rưng lệ, nhìn chàng nhẹ gật gật đầu. Thế là, Mạnh Thiều tiếp tục đẩy Uyển Lan, đi thẳng về phía trước.
Cả ba người “mẹ”, đều đứng trước cửa bệnh viện, dõi mắt nhìn theo bóng dáng của hai người.
Mạnh Thiều đẩy Uyển Lan, trên bãi cỏ rộng lớn, bao la, càng đi càng xa dần, càng đi càng nhỏ dần, cuối cùng bóng dáng của hai người mờ dần, rồi mất hẳn.
Ở phía cuối trời xa xa, có một áng mây đang lững lờ trôi, trôi mãi.
HẾT