Mấy tháng đã trôi qua, lặng lẽ, lững lờ.
Ở nhà họ Cố, bà Sơn lúc nào cũng dành làm hết công việc nhà, thói quen đã bao nhiêu năm, bà đã làm mọi công việc một cách thuần thục, tuy rằng đã có con dâu, tuy rằng Uyển Lan và bà vô cùng thân mật, gần gũi nhau, và cũng rất muốn chia xẻ một phần công việc của bà, thế nhưng bà vẫn không quen đem một phần công việc giao cho Uyển Lan. Cộng thêm, Uyển Lan cũng không hề quen với công việc nhà, giao cho nàng xắt cải, thế nào nàng cũng bị đứt tay, giao cho nàng rửa chén, thế nào cũng phải có bị bể hoặc bị sứt mẻ, giao cho nàng ủi quần áo, quần áo thế nào cũng bị cháy, giao cho nàng xào thức ăn, nàng đổ nguyên cả một chảo dầu vào, ngay cả dùng nồi điện nấu cơm, nàng cũng quên cắm điện.
Thế là, sau khi thử được vài hôm, bà Sơn ôm Uyển Lan vào lòng, vừa cười hi hi vừa nói:
- Con ơi, con càng giúp mẹ càng bận, mẹ xem, tốt nhất là để mẹ làm hết cho rồi! Con cứ yên tâm, mẹ không vì con không biết làm công việc nhà, mà không thương con nữa đâu! Con gái thời của con bây giờ, từ nhỏ đã phải tập trung hết tinh thần vào việc học hành, nào Quốc ngữ, Anh ngữ, toán học, hóa học, vật lý, công dân... mọi việc đều phải biết, thế nhưng đời sống thực sự, thì lại không biết đối phó ra sao!
Mấy câu nói đó của bà Sơn, đã diễn tả thật thâm thúy về thế hệ phụ nữ ngày nay. Thật vậy, con gái thời bây giờ, người nào cũng được hấp thụ nền giáo dục, từ ba, bốn tuổi đã được vào học lớp mẫu giáo, sau đó là tiểu học, trung học rồi đại học... bài vở, sinh hoạt ở trường đã làm cho họ thở không nổi, làm gì có đủ thì giờ và tinh lực để học nữ công gia chánh?
Ở nhà làm một kẻ “ăn không ngồi rồi”, mỗi ngày Hữu Phong lại phải đi làm, do đó Uyển Lan cảm thấy thì giờ của mình trống trải, sinh hoạt tẻ nhạt một cách kỳ lạ. Lúc đầu, nàng cứ trở về nhà cha mẹ, nắm lấy áo mẹ theo thói quen cũ, sau đó, Triệu Bôi làm đám cưới, San San về ở chung, sự chung đụng giữa mẹ chồng và nàng dâu cũng vô cùng vui vẻ, hòa thuận. Thế là, cái mặc cảm tự ti vô duyên kỳ cục của Uyển Lan lại cất cao đầu lên, nàng nghĩ, mình đã không phải là con ruột của bà Sâm, thì không nên tranh dành sự thương yêu của bà Sâm với San San làm gì. Với cái tâm tình kỳ lạ, ngay chính cả nàng cũng không hiểu được đó, số lần trở về nhà cha mẹ của nàng cũng dần dần giảm hẳn xuống.
Tháng sáu, khí trời đã trở nên vô cùng oi bức, buổi chiều hôm đó, đột nhiên Uyển Lan chạy đến công trường tìm Hữu Phong. Hữu Phong đang leo lên dàn chim ưng để kiểm soát dàn cốt sắt đang dựng lên của công trình xây cất đó, Uyển Lan dùng tay che ngang trán, che đi ánh nắng mặt trời, ngẩng đầu lên nhìn Hữu Phong lúc đó đang ở trên tầng lầu thứ 10. Từ dưới nhìn lên trên, thân hình của Hữu Phong chỉ là một chấm đen nhỏ, nàng gần như không thể nào nhìn ra trong những bóng dáng đó, cái nào là Hữu Phong, mà chỉ dựa vào bộ y phục Hữu Phong đi làm lúc sáng: chiếc áo sơ mi màu café sữa nhạt và chiếc quần tây màu kem, để đoán ra chàng. Đứng từ dưới nhìn lên như thế, trong lòng nàng mới hơi có chút khái niệm, nàng cứ nghĩ rằng công việc của Hữu Phong rất nhẹ nhàng, lương lại tương đối cao. Kỹ sư mà, ngồi văn phòng vẻ đồ án, viết kế hoạch là được rồi, ai ngờ, dưới ánh nắng chang chang của mặt trời mùa Hạ, chàng vẫn phải leo lên, tuột xuống, thảo nào mà càng phơi càng đen, ngó bộ, lương cao cũng có lý do của lương cao, trên cõi đời này không hề xảy ra chuyện không làm mà hưởng bao giờ! Mà cũng tội nghiệp Hữu Phong, ở nhà, chàng không bao giờ nói đến công việc làm, cũng không bao giờ oán than, càng không bao giờ kêu khổ. Thật sự mà nói, Hữu Phong quả thật là một thanh niên có đầu óc thực tế, có quan niệm ăn chắc mặc bền, và cũng là một người chồng không thể chê trách vào đâu được!
Hữu Phong đã tuột từ trên thang máy xuống rồi, cả người chàng bám đầy bụi, gương mặt chàng dính đầy đất, đầu chàng đội chiếc nón làm việc, trông thật buồn cười. Nhìn thấy Uyển Lan, chàng tỏ vẻ bất ngờ và mừng rỡ vô hạn, cởi nón ra, chàng chạy nhanh đi rửa mặt, rửa tay, sau đó vừa cười hi hi vừa chạy đến bên Uyển Lan.
- Uyển Lan, sao lại nghĩ đến chuyện đến đây đón anh vậy!
- Ở nhà vô tích sự, nên muốn đi chơi một chút, với lại em cũng có việc cần bàn với anh, do đó mà đến đây!...
Nàng ngẩng đầu lên nhìn dàn chim ưng:
- ... Anh lên trên đó làm gì vậy?
- Mỗi lần dựng dàn cốt sắt, anh đều phải lên trên để kiểm soát, cái dàn đó gọi là dàn chim ưng...
Chàng giải thích cho nàng nghe, một mặt đưa tay ra kéo lấy nàng, nói một cách vui vẻ:
- ... Đi, anh dẫn em đi xem, từ trên cao nhìn xuống, thấy người ta nhỏ như con kiến, xe hơi giống như cái hộp quẹt, vui lắm.
Nàng lùi lại một bước:
- Ồ! Em không đi đâu, em sợ cao lắm!
Hữu Phong nói:
- Bậy bạ, chưa bao giờ anh nghe nói, em mắc chứng sợ chiều cao! Lúc còn nhỏ, em leo lên nhánh ngang của cây to, đưa qua đưa lại, không chịu leo xuống, làm anh và Triệu Bôi cuống cả lên, bây giờ lại lòi ra chứng sợ chiều cao!
Uyển Lan cười cười, nàng nói:
- Bởi vậy khi lấy chồng, quả thật đừng nên lấy người bạn từ thời thơ ấu của mình!
- Tại sao vậy?
- Anh ta nhớ hết tất cả những chuyện đái dầm khóc nhè của mình, không sót một thứ!...
Nàng lại ngước mắt nhìn lên dàn “chim ưng”:
- ... Tại sao lại gọi là dàn chim ưng vậy anh?
- Anh cũng không biết, có thể là tại vì nó quá cao, chỉ có thể có loại chim ưng mới bay tới chăng?... Em thật sự không muốn lên xem à?
Chàng nhìn nàng soi mói. Nàng lắc lắc đầu, giọng nàng trầm tư:
- Khi còn bé, lúc nào cũng thích trèo cao, khi lớn lên rồi, cảm thấy bước trên đất bao giờ cũng vững vàng hơn.
- Em nói thế là có ý gì? Sao tự dưng lại mở miệng nói chuyện như một triết gia vậy?
- Ý em muốn nói là, em rất bình thường, em không muốn ở nơi cao, vì em sợ mình sẽ bị té xuống đất, em chỉ thích hợp làm một người đàn bà bình thường. Thế nhưng, lúc gần đây, em lại rất hoài nghi, hình như ngay cả hai chữ “bình thường” em cũng làm không được.
Chàng nhìn nhìn nàng, sau đó đưa tay ra dìu nàng, họ cùng nhau đi đến một chỗ có bóng râm của khu công trường, nơi đó có nguyên cả một đống cột sắt và nguyên liệu xây cất, chàng kéo nàng ngồi lên trên đám vật liệu xây cất đó. Giọng chàng nói có vẻ trầm tư và hiểu biết:
- Anh biết, lúc gần đây, em không cảm thấy vui, em rất cô độc, công việc trong nhà đã không làm được, lại không có gì có thể nói chuyện nhiều với mẹ. Uyển Lan, anh xin lỗi là anh đã quá bận, không có nhiều thì giờ cho em. Thế nhưng, lúc nào anh cũng chú ý đến em, anh hiểu được sự cô độc của em.
Uyển Lan nhìn chàng chăm chú, đôi mắt nàng long lanh ánh sáng, nàng thấp giọng nói:
- Hữu Phong, anh quả thật là một người chồng rất tốt! Do đó, em muốn bàn với anh một chuyện.
- Nói đi!
- Anh xem, ở nhà, ai cũng có việc riêng, mỗi ngày ba đều đi làm, tuy rằng chỉ là một công chức, lương không cao lắm, thế nhưng ông cũng hăng hái đến sở bao nhiêu năm nay, không biết mệt mỏi. Mẹ lo lắng công việc nhà thật chu đáo, việc lớn việc nhỏ, bà đều một tay bao hết, không cần tới sự phụ giúp của em. Còn anh, khỏi cần phải nói, anh là người bận nhất nhà. Còn lại có một mình em, hình như chỉ có mình em là người ăn không ngồi rồi!
Hữu Phong nhìn nàng, đôi mắt chàng dịu dàng, đằm thắm:
- Em nghĩ xem sao?... Chúng ta nên có một đứa con, như vậy, em sẽ không có cái cảm giác trống trải, cô đơn nữa.
Nàng hơi ngẩn người ra, trong lòng nàng bất giác dâng lên một cảm giác lạnh lẽo, nàng cuống quýt nói:
- Không không! Bây giờ chúng ta đừng nên có con, em còn quá trẻ, không thích hợp làm mẹ, để thêm vài năm nữa đã.
Chàng nhìn nàng thật chăm chú. Đưa tay ra nắm lấy tay nàng, chàng hỏi:
- Tại sao lại không muốn có con? Còn quá trẻ? Đó không phải là lý do! Uyển Lan, trong tận cùng tâm hồn em, em có cái cảm giác sợ hãi sinh mệnh chăng?
Nàng suy nghĩ giây lát, thẳng thắn nhìn chàng:
- Đúng vậy!
- Tại sao?
Nàng thấp giọng:
- Tại vì em là một đứa con rơi, anh Hai cũng vậy. Còn nhớ một câu anh đã nói với em không? Trong cô nhi viện có hằng hà sa số những đứa trẻ không được hoan hỉ tiếp nhận, em không muốn tạo ra một sinh mệnh...
Chàng chau đôi chân mày lại, ngắt lời nàng:
- Ồ! Uyển Lan! Em có thấy là cái thí dụ của em không được thích đáng cho lắm không? Con của chúng ta sẽ không được hoan hỉ tiếp nhận sao? Chúng ta yêu nhau, cha mẹ của chúng ta cũng mong muốn có được một đứa cháu, nếu như chúng ta có một đứa con, nó sẽ được sinh ra trong một gia đình vui vẻ nhất trên đời, sao em lại có thể đem nó ra so sánh với những đứa trẻ trong cô nhi viện cho được? Uyển Lan,...
Chàng nhìn thẳng vào đôi mắt nàng, nói thật nghiêm trang:
- ... đừng nên vì em là một đứa con rơi, mà phủ nhận hết tất cả mọi sinh mệnh. Như vậy, em sẽ bị tẩu hỏa nhập ma, em cần phải cố gắng khắc phục cái tâm lý bất bình thường đó của em mới được.
Nàng nhìn chàng như cầu khẩn, nàng nói:
- Em biết rằng cái tâm lý đó có thể là bất bình thường, thế nhưng, em thật sự rất sợ có con, tự em cũng không hiểu tại vì sao. Em đã nhìn thấy đủ loại người mẹ...
Trong đầu nàng bất giác hiện lên gương mặt của bà mẹ Mạnh Thiều, và gương mặt của người mẹ đẻ ra mình, nàng hơi ngập ngừng một chút, rồi tiếp tục nói:
- ... Em sợ rằng mình yêu con quá, cũng sẽ có hại cho nó, không yêu con, cũng sẽ có hại cho nó. Em sợ có một ngày nào đó, con em sẽ nói với em rằng: Mẹ, con mong rằng mẹ không bao giờ sinh ra con! Ồ! Hữu Phong!...
Nàng dùng tay nâng cằm, giọng nàng trở nên buồn bã, bi ai:
- ... Xin anh tha thứ cho em, ngay bây giờ, em thật sự không muốn có con. Có thể, vài năm nữa, khi em đã chín chắn hơn, em sẽ muốn có con, lúc đó hãy sinh cũng chưa muộn mà, phải không anh? Dù sao thì cả hai chúng ta đều còn trẻ... cho em một chút thời gian, để em khắc phục cái cảm giác sợ hãi đó, được không?
Nàng nhìn thật sâu vào ánh mắt chàng. Chàng đón lấy ánh mắt nàng, một lúc thật lâu, chàng không nói gì, sau đó, cánh tay chàng vòng qua, dịu dàng ôm lấy bờ vai nàng, chàng đưa tay đùa đùa những sợi tóc vướng trên vai nàng:
- Được rồi, Uyển Lan. Em yên tâm, anh sẽ không miễn cưỡng em sinh con đâu... Chuyện em muốn bàn với anh, không phải là chuyện sinh hay không sinh con đâu hở?
Nàng cười cười, nhặt lên một nhánh cây, vẽ lung tung dưới đất:
- Em muốn bàn với anh, em muốn đi làm.
- Ồ! Đi làm ở đâu?
- Lúc sáng, mẹ em gọi điện thoại đến, nói với em là tờ tạp chí mà em làm lúc trước, có gọi điện thoại đến hỏi thăm em, nói rằng ban biên tập của họ đang thiếu người dữ lắm, họ mong rằng em sẽ trở về. Em nghĩ, em ở nhà cũng chẳng có gì làm, lại học hết năm năm về ngành truyền thông, thôi thì đi làm lại, có chút đỉnh tiền phụ vào chi phí gia đình, cũng tốt phải không anh?
Chàng nhìn nàng, cười lên:
- Chuyện phụ với chi phí gia đình, chỉ là nói để chơi thôi, gia đình không thiếu mấy đồng bạc đó của em đâu! Thế nhưng, có một công việc làm chiếm bớt thì giờ của em, cho dù thế nào đi nữa, cũng là điều tốt, huống chi em lại đã học suốt bao nhiêu năm, cũng cần phải thi thố tài năng chứ! Sự thật thì, em không cần phải bàn với anh làm gì, em hoàn toàn có thể tự mình quyết định được mà, đúng không?
Nàng cũng cười:
- Dù sao thì cũng phải bàn với anh chứ, anh là chồng em mà, là chủ gia đình mà!
Chàng càng cười to hơn:
- Chủ gia đình? Em mới là “chủ” của anh đấy chứ!
Thế là, chuyện đã được định như thế. Đầu tháng bảy, Uyển Lan trở về tòa soạn tờ tạp chí làm việc lại. Vì tòa soạn cách nhà không xa lắm, Uyển Lan vẫn thích đi bộ đến sở, dễ dàng hơn đi xe bus nhiều. Đôi khi, Hữu Phong cũng lái xe đưa nàng đi làm, thế nhưng, công việc của Hữu Phong ở công trường không có giờ giấc ổn định, nhất là buổi chiều, lúc nào cũng trễ hơn những cơ quan khác rất nhiều, do đó, chàng không bao giờ đến đón nàng khi tan sở. Dần dần, nàng cũng quen với việc tự mình đi bộ về buổi chiều, dưới ánh nắng hoàng hôn, chậm bước về nhà. Trong khoảng thời gian không có những áp lực của công việc bao quanh, chậm chạp đếm từng bước chân, tắm mình trong ánh nắng rực rỡ của buổi hoàng hôn, nhìn bầu trời chói lọi của một ngày sắp tắt đó, trở thành khoảng thời gian hưởng thụ thoải mái nhất của nàng, vì, trong khoảng thời gian đó, toàn bộ thời gian đều là của riêng nàng, nàng có thể lợi dụng khoảng thời gian này, suy nghĩ về rất nhiều chuyện.
Suy nghĩ về rất nhiều chuyện! Suy nghĩ về những chuyện gì? Nghĩ về cây hoa Kim Cấp Vũ, lại đã nở rồi tàn, nghĩ về những áng mây ở chân trời, đã mấy lần trôi đi trôi lại! Nghĩ đến năm nay và năm xưa, người việc tang thương, bao nhiêu biến đổi! Nghĩ đến đứa con gái đá trái banh bên vệ đường, bây giờ đã đi về đâu? Nghĩ đến đời người như một giấc mộng, chuyện cũ như một thoáng chiêm bao, quá khứ không bao giờ trở lại, tương lai không biết làm thế nào để nắm lấy?... Trong tất cả những tư tưởng đầy dẫy đó, hình như lúc nào cũng có một sợi dây thật nhỏ nào đó, từ trên óc não kéo xuyên xuống đến tận cùng sâu thẳm của trái tim, giờ giờ khắc khắc, lúc nào cũng như nhè nhẹ rung lên, rút lại. Cứ mỗi lần sợi dây nhỏ đó rút lại, nàng lại đột nhiên cảm thấy trái tim mình đau đớn, đau đến độ không thể nào đau hơn nữa! Lắc lắc đầu, nàng biết rằng trái tim mình không nên đau đớn như thế nữa, thế nhưng, nàng không lắc mất được nỗi đau đớn đó. Gục gặt đầu, nàng cũng không gặt mất được nỗi đau đớn đó. Thế là, trong khoảng thời gian đi bộ chầm chậm trong ánh hoàng hôn đó, nàng gần như để cho mình chìm hẳn trong nỗi đau đớn bệnh hoạn đó, mỗi ngày, mỗi ngày. Chỉ trong sự đau đớn đó, nàng mới biết “cái tôi” ẩn dấu của mình, vẫn còn đang sống, vẫn còn đang có sinh mệnh.
Như thế, có một hôm, nàng vẫn tiếp tục đi bộ chầm chậm trong buổi hoàng hôn, thần trí thảng thốt, bước chân tản mạn, cả người nàng như đang chìm đắm trong một thế giới cổ xưa, xa lắc, xa lơ nào đó. Đột nhiên, có một loạt âm thanh của chiếc xe gắn máy vang lên phía sau lưng nàng, thế nhưng, hình như nàng không hề bị kinh động, khi nàng chìm đắm trong khoảng thế giới hư vô đó, thế giới thật sự bên ngoài hình như cũng cách nàng thật xa, thật xa! Thế nhưng, chiếc xe gắn máy đó đột nhiên leo lên đường dành cho khách bộ hành, chận ngay trước mặt nàng, một gương mặt thuộc về thế giới cổ xưa cũ kỷ, thoắt cái xuất hiện ngay trước mặt nàng. Đôi chân mày rậm, đôi mắt to đen, cái thần sắc bướng bỉnh như con ngựa bất kham đó! Nàng kinh hoảng, đứng sựng lại theo bản năng.
Người đó cất tiếng nói, giọng nói chứa đầy một thứ đau đớn như châm biếm, giận dữ, âm u và cuồng bạo:
- Chào bà, bà Phong! Lúc gần đây bà khỏe không? Người bạn thời thơ ấu của bà tại sao không trị được chứng bệnh ưu uất cho bà? Thức ăn ở nhà họ Cố không đủ chất dinh dưỡng hay sao? Tại sao bà lại gầy gò như thế này? Bà đã tìm được niềm hạnh phúc cho mình chưa? Tại sao mỗi buổi hoàng hôn, bà lại cứ như một người đang mộng du thế kia?
Nàng ngớ người ra, ngẩn ngơ, ngơ ngẩn. Thần trí của nàng, có một khoảnh khắc, như đang bồng bềnh, phiêu du ở cái thế giới xa lắc, xa lơ, cổ xưa, cũ kỹ đó, không kéo trở lại được. Mà cái sợi dây vô hình không nhìn thấy đó, đột nhiên từ trái tim nàng kéo căng một cái thật mạnh, trong nỗi đau đớn nhọn hoắt đó, đột nhiên nàng cảm thấy đầu óc choáng váng, mắt nàng như nổ đom đóm và trán vả đầy mồ hôi.
Và cũng trong cái khoảnh khắc đau đớn đó, nàng bừng tỉnh lại, từ cái thế giới hư vô, mơ hồ đó, nàng bừng tỉnh dậy. Mở to đôi mắt, nàng nhìn cái con người đứng trước mặt mình không chớp mắt, không dám chớp mắt, chỉ sợ nếu chớp mắt, ảo tưởng biến tan đi, tất cả lại trở về với hư vô.
Nàng lẩm bẩm kêu lên:
- Mạnh Thiều, tại sao anh lại ở đây? Em cứ ngỡ... anh... anh... anh từ một tinh cầu nào khác trở về đây?
Giọng nói nàng mơ hồ, thảng thốt, như đang mộng mị, như đang chiêm bao.
Chàng nhìn nàng chăm chú, cất tiếng nói:
- Anh trở về đã gần một tháng nay rồi. Anh theo dõi em cũng đã gần một tháng nay rồi, nghiên cứu em đã gần một tháng nay rồi, tranh đấu với chính mình cũng đã gần một tháng nay rồi, anh không biết là nên buông em ra hay không nên buông em ra! Bây giờ, anh quyết định rồi!... Leo lên xe anh!
Chàng nhìn nàng, giọng chàng chùng xuống và mang theo một thứ mệnh lệnh. Nàng giật mình, tỉnh dậy, thật sự tỉnh hẳn dậy. Nàng nói, giọng nói chứa đầy nét thống thiết, thê lương:
- Mạnh Thiều, anh muốn gì đây?
Giọng nói của chàng càng thêm trầm thấp và bướng bỉnh:
- Leo lên xe của anh! Anh có rất nhiều chuyện muốn nói với em, van em, xin em leo lên xe anh!
Nàng trừng mắt nhìn chàng, lại cảm thấy mơ hồ, lại trở vào cái thế giới hư vô đó. Đó là tiếng gọi đến từ một tinh cầu nào khác, nàng không có cách gì phản kháng lại tiếng kêu gọi đó. Cái lực lượng đó quá mạnh mẽ, sức “người” không thể nào phản kháng lại được. Nàng leo lên xe, hoàn toàn phục tòng, như thể bị thôi miên.
Mạnh Thiều nói:
- Ôm eo anh thật chặt! Anh không muốn làm em té!
Nàng ôm lấy eo chàng thật chặt, thật chặt. Cái thân hình thô thô, đầy nam tính đó của chàng, ép sát vào nàng, nàng bất giác, không thể tự kềm chế được, áp gương mặt mình vào phần lưng rộng lớn đó của chàng. Chiếc xe phóng tới trước, lao nhanh lên, cái lực lượng chấn động đó làm cho nàng nhảy dựng lên một cái, và trong tận cùng tâm khảm, trong cái ý thức mông lung, mơ hồ đó, đột nhiên thoáng qua một cảm giác hoan lạc đến độ gần như cuồng bạo. Mạnh Thiều, Mạnh Thiều, Mạnh Thiều, chẳng lẽ đây thật sự là Mạnh Thiều! Nàng xiết lấy chàng chặt hơn chút nữa, cái cảm giác hoan lạc cuồng bạo đó biến mất, mà thay thế vào đó, là cái cảm giác đau đớn đến lịm người. Mạnh Thiều, Mạnh Thiều, Mạnh Thiều, chẳng lẽ đây thật sự là Mạnh Thiều!
Xe dừng lại trước cửa quán “Nhã Hương”, chàng xuống xe, nàng cũng xuống xe theo chàng một cách máy móc. Nhã Hương, Nhã Hương, lại cũng là một di tích cổ xưa của thế giới! Như cổ thành Pompei, hẳn là nó được đào lên từ đất sâu nghìn trượng!
Mạnh Thiều nói:
- Anh dẫn em đến đây, vì đây là nơi chúng ta hẹn hò nhau lần đầu tiên!
Nàng không nói, mà chỉ bị động theo chàng đi vào “Nhã Hương”.
Chỗ ngồi cũ của hai người còn đang trống, do ở bản năng, họ cùng đi về phía đó, ngồi xuống chỗ góc phòng âm u đó. Trên tường, vẫn là ngọn đuốc, trên bàn vẫn là ngọn đèn dầu. Gọi hai ly café, họ lặng lẽ ngồi nhìn nhau. Mạnh Thiều đốt lên một điếu thuốc, chàng phun ra từng hơi khói thật sâu, hít ra thở vào thật sâu, nhìn trừng trừng vào nàng thật sâu. Nàng bị động ngồi tựa vào chiếc ghế salon, trắng bệch, gầy gò, thần sắc tiêu điều, buồn bã. Như một bức tượng điêu khắc. Đôi con ngươi đen lay láy đó, mơ mơ màng màng, mông mông lung lung. Chàng nhìn nàng chăm chú, nhìn mãi, nhìn mãi, nhìn mãi... mãi đến khi đã hút hết một điếu thuốc, dụi tắt tàn thuốc, ánh mắt chàng bị khói thuốc làm cho trở nên mông lung, mơ hồ. Thế nhưng, xuyên qua màn khói trắng mơ hồ đó, trong tận cùng đáy mắt mông lung đó, vẫn có hai đốm lửa nhỏ, phát ra những tia sáng nhảy múa lung linh, một cách bất an, nguy hiểm, âm u và ưu uất.
Chàng cất tiếng nói, rút cuộc chàng cũng đã cất tiếng nói, thanh âm dịu dàng hơn nàng đoán rất nhiều, dịu dàng đến độ gần như hạ mình khuất phục. Sự hạ mình khuất phục đó, so với sự mạnh bạo ra lệnh cho nàng lên xe khi nãy, còn có tác dụng làm cho nàng cảm thấy tình ý mình rối loạn hơn. Chàng nói:
- Uyển Lan! Anh biết, với địa vị của anh hiện nay, anh không hề có tư cách đến đây nói chuyện với em một lần nữa, xin em tha thứ cho sự cuồng bạo của anh khi nãy, và cũng tha thứ cho cái... tình cảm không thể kềm chế được của anh!
Những chữ cuối cùng chàng vừa nói ra, là những chữ được thốt ra từ trong tận cùng trái tim chàng, chúng đã kéo nàng trở về với hiện thực. Nàng mở to đôi mắt, trừng nhìn vào Mạnh Thiều, tất cả những “thực tế” trong đời sống, thoáng qua đầu óc nàng một cái thật nhanh như điện xẹt. Thế là, lễ giáo, đạo đức, truyền thống... tất cả đều theo cái lằn chớp đó thoáng qua thật nhanh trong óc nàng. Nàng hốt hoảng, vùng vẫy, mơ hồ nói lên một câu, thanh âm của nàng yếu ớt và vô hồn:
- Lẽ ra em không nên theo anh đến đây, ở nhà sẽ tìm em, họ vẫn còn đang chờ em về ăn cơm tối!
Ánh mắt chàng mang theo một lực lượng trấn tĩnh mạnh mẽ:
- Đừng nên lo lắng! Anh chỉ nói vài câu thôi, nói xong rồi, anh sẽ để cho em trở về nhà!...
Chàng tựa người về phía sau, bàn tay chàng sang qua sang lại chiếc bật lửa, sự biểu hiện trên khuôn mặt chàng, gần như vô cùng bình thản. Thế nhưng, khi chàng đốt thêm một điếu thuốc nữa, ánh lửa trên tay chàng, đã run rẩy tiết lộ bí mật trong lòng chàng. Chàng buông chiếc bật lửa xuống, ngước mắt lên nhìn nàng:
- ... Em có biết không, trước khi em làm đám cưới, anh đã từng đến nhà tìm em mỗi ngày, lần nào cũng đều bị anh Hai của em cản không cho vào?
Nàng quay ánh mắt mình sang chỗ khác, trốn tránh:
- Bây giờ ngồi ở đây nói về chuyện trước ngày đám cưới của em, có phải là đã quá trễ rồi không?
Chàng vẫn nói, một cách bướng bỉnh:
- Đúng vậy, đã quá trễ!... Nhưng anh chỉ muốn biết một điều, là em có biết chuyện đó hay không?
Nàng nói thật thẳng thắn, thanh âm càng thêm yếu ớt:
- Không biết lắm. Lúc đó, em đang ở nhà của San San, em nghĩ... em không hề muốn biết.
Chàng gật gật đầu, cắn cắn răng:
- Tốt lắm, em không hề muốn biết! Không hề muốn biết một người đàn ông, đã có thể bỏ đi tất cả lòng tự tôn của mình, chỉ để vớt vát lại những điều sai lầm mà hắn đã phạm phải! Không hề muốn biết, vì cái tát tay đó, anh đã phải trả một cái giá đến như thế nào! Em không hề muốn biết, vậy thì, hãy để anh từ từ nói cho em nghe...
Nàng kinh hoàng, thảng thốt nhìn chàng:
- Em... nhất định phải nghe sao?
Ánh mắt chàng nhìn vào nàng trừng trừng, giọng nói của chàng chắc nịch, trong sự chắc nịch đó mang theo nét thống khổ vời vợi:
- Đúng vậy, em nhất định phải nghe! Từ buổi tối hôm đó, em từ nhà anh giận dỗi bỏ đi, thế giới của anh đã hoàn toàn bị phá vỡ tan tành! Anh không bao giờ ngờ rằng, tình yêu đối với mẹ và tình yêu đối với em, lại có thể trở thành hai thứ lực lượng xung đột lẫn nhau như thế. Thế nhưng, khi em xông ra khỏi nhà anh, anh đã biết được một sự thật, lòng tự tôn và niềm kiêu hãnh của anh, thậm chí sự sùng bái và tình yêu của anh đối với mẹ, đều không thể nào địch lại được với một mình em! Anh đã từng tìm cách cứu vãn, tìm trăm phương nghìn kế để cứu vãn, thế nhưng, em đã lấy chồng!...
Khủy tay chàng chống lên trên bàn, những ngón tay chàng lùa vào trong tóc, bàn tay kia, lấp lánh ánh sáng âm u của đốm lửa lập lòe từ điếu thuốc:
- ... Em dùng một sự thật vô cùng tàn nhẫn, hủy hoại đi tất cả những hy vọng của anh! Cho đến bây giờ, anh không biết em lấy ông chồng em, là vì em yêu hắn, hay là vì em muốn trả thù anh? Dù sao đi nữa, em cũng đã lấy chồng rồi! Vĩnh viễn, em không bao giờ có thể hiểu được, em đã tạo nên một sự thương tổn như thế nào đối với anh! Từ lúc em lấy chồng, anh không hề nói một tiếng nào với mẹ anh nữa! Đối với mẹ anh, anh phải diễn tả như thế nào đây? Anh không hề hoàn toàn hận bà, anh cũng tội nghiệp bà, tội nghiệp tình yêu của bà đối với anh, tội nghiệp bà đã dùng cái tình yêu đó, để hủy hoại đi hạnh phúc của anh! Dù thế nào đi nữa, anh không có chuyện gì để nói với bà nữa.
Nàng lặng lẽ ngước mắt lên nhìn chàng, ánh đèn lấp lánh trong đôi con ngươi đen láy của nàng. Chàng tiếp tục nói:
- Khi anh xuất ngoại, anh đã nói tạm biệt với mẹ anh, anh nghĩ, suốt cuộc đời này, hẳn là anh sẽ không bao giờ trở về nữa. Anh không có can đảm, trở về để đối diện với mẹ hoặc em sau khi lấy chồng! Ở ngoại quốc, anh làm việc, anh đi phỏng vấn, anh viết bài, anh bận rộn suốt ngày, và anh cũng trụy lạc! Anh đi đến tất cả những nơi chốn ăn chơi, đàng điếm, bài bạc, say sưa, không chừa một thứ nào! Thế nhưng, suốt ngày suốt đêm, suốt đêm suốt ngày, anh không quên được em! Bao nhiêu lần anh say rượu, anh khóc, anh than, anh gọi người đàn bà bên mình anh bằng tên của em! Một tháng, hai tháng rồi ba tháng, anh xin tòa báo, cho anh tiếp tục ở lại, anh không dám trở về, anh biết, nếu như anh trở về, anh sẽ rất có thể làm ra những chuyện mà chính cả anh cũng sẽ không biết trước được, những chuyện rất ngông cuồng! Anh sẽ bất kể mọi thứ quan niệm về lễ giáo, đạo đức và truyền thống, anh sẽ đến tìm em! Anh tự sợ lấy anh, sợ đến độ không dám trở về nước! Thế nhưng, mỗi ngày, mỗi đêm, anh nhớ em, nhớ một cách điên cuồng, nhớ một cách quay quắt! Nhớ đến những lúc em cười, nhớ đến những khi em khóc, nhớ đến nét ngông cuồng của em những khi vui vẻ, nhớ đến sự hoang dại của em những khi giận dữ, nghĩ đến những sự thương tổn em đã gây ra cho anh, nghĩ đến những sự tổn thương anh đã gây ra cho em... cuối cùng, sự tưởng nhớ điên cuồng đó đã chiến thắng tất cả những ý chí khác, anh lại trở về đây. Rút cuộc anh cũng đã trở về đây!...
Nàng nhìn chàng, chăm chú lắng nghe, lệ từ từ dâng lên đôi tròng mắt, đong đầy, mờ mịt, đôi con ngươi chìm đắm trong màn lệ mỏng đó của nàng, sáng long lanh như hai vì sao lạnh.
- ... Anh lại trở về, mẹ anh giống như người nhặt lại được một báu vật bị mất, bà dùng tất cả mọi phương pháp để làm vui lòng anh, bà không tiếc công dẫn về từng cô, từng cô học trò đẹp nhất trong đám nữ sinh ở trường bà đang dạy, về giới thiệu cho anh. Thế nhưng anh, anh mua một chiếc xe gắn máy, mỗi ngày anh bôn ba, chỉ để tìm biết về tin tức của em. Em đến sở tan sở, anh đều theo dõi em, anh cũng đã nhìn thấy chồng em...
Chàng cắn cắn răng:
- ... Sự ganh tỵ làm anh muốn phát điên lên được! Sau đó, anh phát giác ra những bước chân như người mộng du của em vào những buổi chiều, anh phải dùng cái ý chí thật mạnh mẽ của mình, để tự kềm chế, không cho mình đến tìm em, thế nhưng, đến hôm nay...
Giọng của chàng chùng thấp xuống:
- ... Anh đã thất bại! Em từ trong tòa soạn bước ra, ánh mắt mông lung như mộng ảo. Trông em nhỏ bé, cô độc, buồn bã, bi thương... em không biết, những biểu hiện trên khuôn mặt em, hình như lúc nào cũng như đang tiếc thương cho một cái gì đó. Thế là, anh tự hỏi mình: em có vui vẻ không? Em có hạnh phúc không? Tại sao trên người em không có những dấu tích của sự vui vẻ và niềm hạnh phúc? Do đó, anh đã xông đến bên em!...
Chàng nhìn nàng, thật sâu, thật sâu, thở ra một hơi khói thuốc, giọng chàng trở nên khàn đục, chàng hỏi:
- Bây giờ, anh cần phải hỏi em một câu, em có vui vẻ không? Em có hạnh phúc không?
Nàng cảm thấy mình bị rung động mãnh liệt bởi sự trần tình tách bạch đó của chàng, và nàng cũng cảm thấy rối loạn dưới ánh mắt hừng hực như hai đốm lửa đó của chàng, tuy nhiên, trong sự căng thẳng đó, nàng vẫn cố gắng muốn vũ trang mình:
- Lẽ ra, em phải rất vui vẻ, và cũng phải rất hạnh phúc...
- Anh không nói với em chuyện phải hay không phải, anh chỉ muốn hỏi em là em có vui vẻ hay không?
Chàng nhấn mạnh câu nói của mình, nhìn nàng không chớp.
- Em vui vẻ hay không vui vẻ, hoặc hạnh phúc hay không hạnh phúc, có còn liên quan gì đến anh nữa đâu? Đó đều là chuyện của riêng em rồi!
Nàng nói một cách vùng vẫy. Chàng đưa tay qua, chụp ngay lấy tay nàng, nắm thật chặt:
- Có liên quan! Anh cần phải biết, anh có còn cơ hội, để dành lại cái hạnh phúc mà anh đã để cho vuột mất!
Nàng nhẫn tâm nói, nước mắt long lanh chực chờ rơi xuống:
- Anh không còn nữa đâu. Anh đã không còn cái cơ hội đó từ lâu rồi!
- Thật không?
Bàn tay chàng nắm lấy nàng càng thêm chặt, hình như chàng muốn bóp nát nàng ra, ánh mắt chàng sâu thăm thẳm, trừng trừng nhìn nàng như hai ngọn lửa thiêu đốt bừng bừng. Hơi thở chàng nặng nề:
- Thật không? Đó là những lời nói rất thành thật của em chăng? Thậm chí em không thèm suy nghĩ một vài phút hay sao? Em có biết không?... Anh bây giờ không còn lòng tự tôn, không còn sự kiêu hãnh, không còn bướng bỉnh và tự phụ, anh... không còn gì hết! Anh đang van em, anh đang cầu khẩn em...
Đôi tròng mắt chàng ướt đẫm, trong giọng nói của chàng, mang theo sự run rẩy và kích động không thể kềm chế được:
- Anh biết là anh đã không có quyền yêu cầu em trở lại bên anh, anh đang làm chuyện vùng vẫy tuyệt vọng của con thú dữ bị lọt lưới! Anh chỉ van em nói ra những lời nói trong tận cùng trái tim em... có phải là anh đã thật sự không còn cơ hội? Không còn một chút cơ hội nào nữa hay sao? Thật không? Thật không?
Những giọt nước mắt long lanh chực chờ trên bờ mi cong, không còn kềm giữ được nữa, lăn dài theo hai gò má nhợt nhạt của nàng. Nàng cố gắng muốn rút bàn tay mình lại, thế nhưng chàng nắm lại thật chặt, không chịu buông. Nàng nói một cách vùng vẫy:
- Mạnh Thiều, anh làm em đau!
Chàng buông tay ra, nàng lập tức rút tay lại. Thế là, trong khoảnh khắc đó, chàng nhìn thấy ngón tay nàng đang chảy máu, chàng bất giác kêu lên kinh hoảng:
- Anh đã làm em bị thương, đưa anh xem!
Chàng lại chụp lấy tay nàng.
- Đừng, không có gì đâu!
Nàng định dấu đi, nhưng chàng đã chụp lấy nàng thật chặt. Thế là, chàng nhìn thấy, ngón tay nàng đang đeo chiếc nhẫn cưới có nhận kim cương, khi bóp mạnh bàn tay nàng, chàng không hề chú ý đến chiếc nhẫn cưới đó, mà chỉ xúc động bóp chặt lấy nàng. Bây giờ, góc cạnh của chiếc nhẫn đó hằn sâu vào da thịt của ngón tay ở hai bên, làm cho làn da bị rách, máu đang từ từ rỉ ra. Chàng nhìn chăm chú, đôi chân mày chau lại thật sát, chàng kêu lên đau đớn và áo não:
- Anh lại làm em bị thương rồi, anh lúc nào cũng làm cho em bị thương!
Nàng chú ý nhìn chiếc nhẫn đó một lúc, ngẩng đôi mi cong lên, ánh mắt nàng long lanh ngấn lệ. Hít vào một hơi thở dài thật sâu, cuối cùng nàng cũng buột miệng nói:
- Cái làm em bị thương, là chiếc nhẫn cưới này đây!