Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Mây bão

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 15760 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mây bão
Ngô Thế Vinh

P III - Chương 5

Trời bắt đầu sẩm tối, Vũ lách ra khỏi đám đông đang ép nhau và xô tới. Chàng đi lại phía gốc cây bên kia đường nơi Huyền và đứa con đang đứng đợi. Mua xong mấy tấm vé, lưng áo Vũ ướt đầm; cơn gió thoảng dán manh áo ướt vào làn da gây gây lạnh. Huyền đón chàng trở lại bằng nụ cười ấm áp trông không rõ trong bóng tối. Nguyên đứa con trai chàng vẫn quay lại nói với mẹ huyên thuyên những gì Vũ không nghe rõ.

Cổng hội chợ trang trí đơn giản theo đường nét lập thể. Những khung gỗ lớn bọc vải màu vàng và đỏ sáng trưng với đèn thắp bên trong. Những cụm đèn rọi đủ màu sắc dội lên, chiếu sáng những lùm cây, phía dưới những mặt lá nhuộm một màu xanh lợt như toàn một lứa lá non. Huyền và Vũ dắt tay con đi vào trong hội chợ, đứa bé vẫn cười nói như quên cả bước đi khiến hai người phải kéo tay dìu nó. Gã soát vé là một người đàn ông trẻ to béo với một hàm râu quai nón rậm đen; đứa bé như trì kéo hai người lại nói:

“Ba ơi?”

“Gì con?”

“Ông yêu râu xanh!”

Vũ nhìn con giơ tay chỉ, quay lại phì cười, cùng với tiếng Huyền cười theo trong và ấm áp, nàng đưa tay vuốt nhẹ mái tóc Nguyên và cấu yêu vào má con. Một cảm tưởng yên tĩnh và sung sướng tràn ngập xâm chiếm tâm hồn Vũ. Qua gian hàng phụ nữ quốc tế, hai người đang bước trên những luống cỏ vàng khô và bị dẫm nát. Đến dãy những gian hàng trưng bày các sản phẩm tiền chế, Vũ dừng lại đó rất lâu. Thứ tự những sản phẩm đồ gốm đồ sứ, những công trình mỹ thuật về thuỷ tinh, than đá và chế phẩm phụ thuộc, các vật liệu xây cất và mô hình kiến thiết trong các năm tới; rồi đến chỗ trưng bày các sản phẩm hoá học, các đồ dùng plastic, kỹ nghệ giấy, các loại hải sản và thực phẩm đồ hộp đánh dấu những bước chập chững công nghệ hoá của ngư nghiệp Việt nam... Thứ gì cũng có mặt theo một lối trưng bày độc đáo và hết sức tượng trưng. Nguyên rời tay mẹ, chạy đến cuộn giấy lớn đến mấy người ôm tách bóc ra từng miếng; Huyền cất tiếng gọi giật con:

“Nguyên.”

Đứa bé quay lại thấy mẹ quắc mắt nhìn nhưng rồi mỉm cười quay sang Vũ, nó ngoan ngoãn chạy lại bên mẹ và đứng yên. Với Vũ, tiếng gõ vội dồn dập của đôi giày da nhỏ xíu vang vang của con như một âm thanh reo vui. Chàng nghĩ tới Hiển, Bách, Thiệp và những người bạn khác của chàng. Có thể lúc này Hiển đang lênh đênh ngoài khơi im vắng hay đầy sóng gió; Bách đang cặm cụi trong phòng khảo cứu nơi cơ xưởng; còn Thiệp có thể đang nặn óc để đương đầu bào chữa cho mười vụ án chính trị còn nóng hổi hôm qua; và ở một tỉnh miền Trung không xa Châu đang khổ công tính toán để phát triển xuất cảng sản phẩm thuỷ tinh lan tràn toàn cõi Đông Á. Hồi còn đi học, Châu thổ lộ với các bạn trong cảm tưởng tiếc nuối:

“Người Nhật đi tàu ngoài khơi, nhìn vào những cồn cát trắng cao ngất chạy dài ở bãi biển miền Trung họ thèm khát và ao ước biết là chừng nào, trong khi chính mình bỏ phế hoang phí...”

Châu cũng như tất cả các bạn chàng đều vắng mặt nơi đây nhưng Vũ vẫn có cảm tưởng về sự đoàn tụ khá đầy đủ của bạn hữu lúc này. Sự có mặt dù rất tượng trưng của họ bao hàm một ý nghĩa đóng góp đặc biệt. Hiển thì lúc nào cũng quá khích:

“Xã hội mình nghèo xác chậm tiến, sự có mặt của các nghệ sĩ nhà văn chết đói bi quan loèo khoèo lúc này không cần thiết, cái cần là những nhà bác học chuyên viên, kỹ nghệ gia và các nhà kinh doanh, nếu muốn trong một khoảng thời gian nào đó xã hội mình có mang một bộ mặt mới.”

Hiển có thể vẫn còn tin chắc mạnh mẽ như vậy nhưng dầu sao hắn cũng sáng suốt và biết nghe, đến một lúc nào đó thái độ của hắn sẽ khác đi.

Còn Thiệp lúc nào cũng chủ trương một chính sách khổ hạnh như hình ảnh đời sống con người anh ấy.

“Phải có một chính sách mạnh, thật mạnh và cứng rắn mới mong có được sự tiến hoá. Bản chất dân mình hiện tại là hậu qủa của bao năm đè nén thối tha, làm sao mà giao cho họ một thứ tự do lông bông quá trớn. Nghiêm khắc với họ là để mưu cầu hạnh phúc cho họ nếu không muốn xã hội trở thành một cơ cấu hỗn loạn vô tổ chức.”

Thiệp đã thể hiện được gì và còn khao khát ước vọng gì nữa với một hoàn cảnh quá bất hoà trong tương lai. Bề ngoài Thiệp yên lặng trầm tĩnh nhưng anh lại có lửa hăng say đam mê của một ngòi bút tranh đấu. Cơ hội báo chí đã đến, Thiệp có biết như vậy không? Vũ tự hỏi như thế.

Bước khỏi gian hàng, giữa đám đông bụi bặm với đầy màu sắc và âm thanh, Vũ bế con trên tay. Huyền đi bên cạnh, thỉnh thoảng gặp một người quen tiến lại mỉm cười chào. Những máy phóng thanh đặt thấp sát nhau phát ra những âm thanh chát chúa đến nhức óc. Rất đông người dồn về khu những gian hàng vui thú đỏ đen, cay cú hỗn độn. Đứa bé dẫy trên tay Vũ chỉ về phía trước:

“Ba cho Nguyên bắn súng.”

Hai thanh niên đang gò mình nhắm bắn qủa bóng nhựa trắng nổi chập chờn trên một vòi nước phun cao, thỉnh thoảng bóng rơi tõm xuống phễu rồi lại được tia nước nâng lên chơi vơi. Trong lúc hai người cùng bắn, bỗng quả bóng nhựa bị chọc thủng văng ra xa. Lời qua tiếng lại tranh nhau không ai chịu nhường ai, cho đến khi có tiếng người con gái đứng phía trong dịu dàng và chiêu đãi:

“Tôi ghi trúng cho cả hai ông nhưng lần sau xin mỗi người bắn cách nhau cho dễ thấy.”

Một người dáng nhỏ choắt, mặt đỏ lên nhăn nhó vùng vằng bỏ đi. Vũ thuê cho con đứng vào chỗ ấy. Đứa bé thấp quá phải kê thêm ghế cho nó đứng, so với khẩu súng nó có vẻ nhỏ tí teo. Khẩu súng nặng phải được tì lên thành gỗ ngang, Nguyên không sao bắn trúng nhưng mỗi lần lãy cò là nó cười rức lên khiến Huyền phải ôm giữ cho con khỏi té ngã. Vũ đứng phía sau cũng cười reo lên xen lẫn những tiếng cười của các người xung quanh. Huyền vẫn yên lặng dáng vui, ánh mắt long lanh nhìn Vũ nhìn con, môi hơi bặm lại vẻ cảm động sâu xa. Nàng tưởng nhớ lại những khó khăn vừa qua, nàng nuôi con khắc khoải trông đợi nhưng không chút hy vọng, nhất là từ khi được tin Vũ chết đi. Rồi Vũ tới tìm Huyền hôm qua. Gần một tuần vượt đèo đường xá khó khăn, chiếc Land Rover của Vũ bám đầy bụi và đất đỏ; lớp sơn xanh gốc như mờ đi và trở thành vàng khè. Huyền thấy Vũ già dặn và trưởng thành hơn xưa. Được gặp lại Vũ, nàng thấy lòng rung động và sung sướng tràn ngập. Những khoảng trời xanh nơi xứ Huế vào buổi chiều thường gây cho nàng một cảm tưởng đều đặn và chán nản. Màu xanh đó mỗi lúc hoàng hôn chập choạng ngả dần sang tím bầm. Nhìn căn nhà cũ cổ kính nhiều cột kèo phía trong không lên đèn tối om. Huyền có ý nghĩ là mình đang già đi. Nàng không ao ước được trẻ đẹp mãi nhưng ý nghĩ về sự già nua yếu đau làm Huyền thấy bâng khuâng và buồn thấm thía... Hiện tại, Huyền biết mình sắp sửa phải đứng trước một quyết định quan trọng. Giả con cho Vũ và tiếp tục đời sống riêng mình, xa con là điều mà chính nàng không muốn, trở lại sống với Vũ nàng thấy đó như ý nghĩa một bội bạc với Mai. Nghĩ tới mối tình say đắm bất chợt với Đại, nàng thấy ngượng. Nàng thấy cần phải giữ kín mọi chuyện nếu nàng giao con cho Vũ và ra đi. Nhưng nếu quyết định sẽ sống với Vũ, Huyền nghĩ nàng sẽ thú thật tất cả, nếu không tâm trí nàng lúc nào cũng bị ám ảnh về một dĩ vãng vừa qua. Suốt hôm qua, cả buổi Vũ chỉ đùa nghịch với con và dắt nó đi chơi. Cả buổi tối ngoài sân chờ đợi, Vũ vẫn nói chuyện vẩn vơ không đả động gì đến chuyện nàng đang mong đợi. Tuy mong đợi nhưng chính nàng lại thầm ao ước là được sống yên lặng với tình trạng như hiện tại. Và cho đến bây giờ nàng cũng chưa biết dự định mình ra sao, nếu Vũ có hỏi tới chắc nàng sẽ vô cùng bối rối. Nàng chưa hiểu hoàn cảnh hiện tại của Vũ và ngay cả dự định sau này của chàng. Huyền muốn chính Vũ sẽ tự đề nghị ra những giải pháp để nàng lựa chọn. Nàng biết chắc rằng không đời nào Vũ lại để cho Huyền sống xa con... Còn tình cảm nàng đối với Đại, đó chỉ là những khao khát bồng bột và nông nổi của một giai đoạn tối tăm trong đời nàng. Sau này mỗi lần nghĩ tới Huyền thấy tự ngượng và muốn quên hẳn đi.

Chiếc áo màu xanh óng ả của một thiếu nữ đàng trước gợi cho nàng hình ảnh một bầu trời về chiều hôm qua. Những đám mây bạc ngả sang màu phớt hồng mỏng và nhẹ trôi đi, một khoảng trời trong và không mây phía đàng xa, sâu thăm thẳm không đáy, xanh dịu nhẹ màu cẩm thạch. Chưa bao giờ nàng lại thích màu xanh đó đến như thế, khi nhìn tới Huyền có một cảm giác yên tĩnh diệu vợi. Hôm nay Vũ trở về, ý tưởng đó chỉ thoáng qua và Huyền nghĩ rằng không bao giờ mình có thể quên màu xanh đó. Góc thành phía tây, trên các đọt cây cao vẫn còn vương lại những tia nắng rớt...

Tới khu giải trí nhi đồng, Nguyên nôn nao dằng giật trên tay Vũ như thèm muốn, Huyền nhìn chồng mỉm cười trước dồn dập các lời chào đón.

“Mời em vào du hành không gian bằng phi thuyền Việt Nam.”

Vũ vỗ yêu vào má con:

“Nguyên thích không?”

“Thích ‘nắm’.”

Đứa bé chưa hết ngạc nhiên, ngước mắt nhìn vu vơ dáng sung sướng. Huyền đi lại mua vé cho con, vừa đặt đứa bé vào chỗ ngồi thì tiếng chuông reo vang, đoàn tàu khởi hành với hàng đèn xanh và đỏ sáng nhấp nháy trên cao. Vũ và Huyền ngửa cổ nhìn con và lũ trẻ khác trôi chậm lơ lửng trên không, giữa bầu trời đầy sao sáng. Tiếng dây thép rít trên ống suốt sắt nghe xít xao và rờn rợn. Nguyên nghiêng đầu nhìn xuống, thấy mẹ thì giơ tay bé bụ bẫm vẫy vẫy. Không ai bảo ai, cả hai Vũ và Huyền cùng đang nghĩ tới con với cả một tương lai.

Đợi lúc toa tàu xuống thấp đến bến, người thiếu nữ đứng đó cúi xuống bế Nguyên ra. Huyền đem gửi con vào khu giữ trẻ cho nó vui đùa ăn uống với những đứa bé khác. Vũ nắm tay Huyền kéo đi nhưng còn ngoái cổ nhìn con, một tay giơ lên vẫy...

Hai người chọn một chiếc bàn trống sát ngay bờ sông và khuất vào bóng tối. Nơi bến đàng xa tối nay mở hội hoa đăng, những chiếc đèn lồng bằng giấy thắp sáng được thả xuống dòng sông rời bờ trôi chậm chậm trên mặt nước, ra xa giữa dòng sông tối đen, muôn ngàn ánh lửa lốm đốm như những vì sao trôi xa mờ đi chỗ nhịp cầu lấp trong sương trắng. Chỗ hai người ngồi xa đám đông và bụi bặm, các lá cỏ đã ướt đẫm những giọt sương đêm. Phía ánh đèn gần bến sương đổ xuống mờ mờ, tiếng phóng thanh như yếu đi và vang vang trên mặt sông. Từ nãy Huyền vẫn thấy Vũ nhìn ra mặt sông và yên lặng:

“Anh, bao giờ anh đi?”

“Trưa mai.”

Trong bóng tối Vũ không thấy ánh mắt Huyền cau lại:

“Sao anh gấp thế?”

“Anh nghĩ mọi việc sẽ thu xếp xong trước ngày mai cùng lắm là chiều mai anh đi.”

Huyền giọng buồn, trách móc:

“Đường xá như thế mà anh dám thân chinh lái xe từ trong đó ra...”

Vũ cất giọng đầm ấm:

“Nguy hiểm là trước kia cơ em ạ, bây giờ các mặt trận đều yên tĩnh nên đường xá cũng tạm yên. Chỉ mỗi tội đường bị hỏng xấu chưa kịp sửa sang nên khó đi. Ban đầu anh có ý định ghé thăm các bạn hữu trước rồi chặng cuối cùng ra tìm em và thăm con nhưng anh nóng ruột quá, chỉ muốn gặp em và con ngay. Lâu quá rồi còn gì. Chuyến vào này anh thi hành nốt những dự định bị bỏ dở trong chuyến đi... À trước khi đi anh được tin anh Mai được viện Pasteur gửi đi Pháp.”

Nghe nhắc tới Mai, Huyền hơi bối rối và yên lặng. Nàng tự hỏi không biết Vũ có biết chuyện giữa Mai và nàng chưa. Huyền lại càng băn khoăn hơn khi liên tưởng tới Đại. Tiếng Vũ nói cắt ngang mọi ý nghĩ:

“Anh Mai thật tốt, được biết anh ấy đã săn sóc em và con được chu đáo anh cũng đỡ băn khoăn và yên tâm.”

“Anh Vũ...”

“Gì em?”

Huyền vẫn ngập ngừng, nàng cố thu can đảm nói lên ý nghĩ:

“Chuyện anh Mai và chị Trâm...”

Giọng Huyền đổi khác lạ, nàng nghe rõ câu nói mình mà vẫn có cảm tưởng như là ai nói với. Vũ xen vào ý nghĩ dở dang của Huyền:

“Huyền không nói anh cũng biết tất cả, chuyện đã qua không liên hệ gì đến hôm nay. Anh vẫn nghĩ anh Mai là người bạn tốt, anh chắc Huyền cũng nghĩ thế...”

Huyền vẫn yên lặng, Vũ do dự nhưng muốn nhân cơ hội nói ngay:

“Anh vẫn nghĩ em là một người con gái có một cá tính rất lạ. Anh mến yêu và nhớ mãi cá tính đó. Con, thằng Nguyên được như hôm nay thật nhờ cậy em hết cả. Anh ra đi thật vô tích sự, để rồi trở về vị trí hôm nay.”

Chàng nói giọng chán nản pha chút kiêu hãnh. Huyền cảm động giọng trầm xuống:

“Đó là bổn phận của em, em đã tự hứa với mình như thế.”

Qua bước khó khăn đầu tiên nàng thấy tự tin và bày tỏ:

“Như anh cũng đã biết, em là kết tinh của sự hèn nhát của ba em, sự nhu nhược và trốn tránh của bà mẹ. Em biết số phận em ra đời chỉ là kết quả của một cuộc trao đổi ái tình miễn cưỡng. Ý nghĩ và cũng là sự thật đó sẽ còn ám ảnh em mãi, cả đời em không bao giờ quên được nó. Lúc ba em chết đi, em dẫn con trở về, cho đến lúc này chính em cũng không hiểu ý nghĩ mình lúc đó. Vì một lòng thương hại ư, tàn nhẫn quá chính em cũng không dám nghĩ thế. Đời em, đúng như em dự đoán, còn nhiều gian nan. Khi anh ra đi em thấy chán nản và cô đơn. Em phẫn uất với chính mình, em không muốn con em lại phải chịu khổ sở như mẹ nó nữa. Cũng vì cái dĩ vãng ấy mà em để anh ra đi trong khi chính lòng em không muốn thế. Mong anh ở lại như ý nghĩa một khẩn khoản cầu xin chính em không muốn thế. Các bạn em vẫn nhìn câu chuyện giữa hai người dưới một khía cạnh bạc bẽo và thô bỉ. Họ nhìn anh với con mắt của kẻ bội bạc, còn em thì với ý nghĩ dại dột và đáng thương. Chính những lúc đó em thấy mình có thừa can đảm để ngang nhiên sống bình thản. Dù chỉ bình thản với bộ mặt bề ngoài. Họ bảo em bị anh tàn hại mất tương lai, em vẫn nói “Cho dù anh ấy thế nào, ít ra tôi cũng có được một thằng con thông minh và giống bố nó”. Không hiểu sao chính em lại tin vào điều mình nói như thế; có lẽ em không muốn để người khác thương hại. Theo em đó là một điều nhục nhã. Sau đó là chuyện Trâm và anh Mai, chắc anh đã biết. Em cũng mừng mà gặp lại anh hôm nay. Hồi được tin anh mất tích không những em buồn mà lại thương hại cho con chưa chi đã sớm phải mồ côi bố nó. Phản ứng tự nhiên của em chỉ thoáng qua như thế, nhưng chính em vẫn không nghĩ và tin rằng anh mất đi... Lâu quá rồi còn gì phải không anh.”

Vũ cúi đầu yên lặng. Huyền thì muốn nói luôn chuyện giữa Vũ và Ngân cùng những dự định của anh ra sao. Tuy nghĩ thế mà Huyền thấy mình như hụt hơi nên lại ngưng...

Vũ đưa mắt nhìn ra mặt sông, một con đò dọc kín mui đi ngang qua, tiếng mái chèo vỗ nước lụp bụp. Một ánh đèn dầu le lói ở phía trong chiếu ra, lan trên mặt sông sẫm đen. Vũ nghĩ tới những thú vui đốt cháy thoáng qua, nghĩ đến đêm gặp Huyền lần đầu tiên, nghĩ đến Hà em Tuân, nghĩ đến con. “Nếu Tuân còn sống, Hà đâu đến nỗi; bây giờ Tuân có thể có được một trại chăn nuôi, ước mơ đã có từ khi còn đi học.” Chàng nghĩ tới những điều dự định nói với Huyền, chàng lại sực nghĩ tới Ngân.

“Anh Vũ.”

Chàng không đáp ngước mắt nhìn Huyền như dò hỏi:

“Hôm về đưa đám ba em, em gặp chị Ngân...”

Trước một hoàn cảnh bất hoà, Vũ thoáng một cảm giác hốt hoảng; bình tĩnh trở lại ngay sau đó, chàng giọng yên tĩnh:

“Chuyện đó chắc em đã biết cả, anh chả cần nhắc tới. Riêng đối với anh tình yêu lúc này đồng nghĩa với bổn phận, những bồng bột mơ mộng thời trai trẻ mới lớn đã qua rồi. Anh thấy cần thiết là một điểm tựa cân bằng và vững chãi. Cho đến hôm nay anh trở về với hai bàn tay không, những năm sống đem lại được gì nếu không ngoài những kinh nghiệm cay đắng. Anh thấy lúc này vẫn như là bắt đầu, ước vọng tuổi trẻ lại dồn về với mọi đam mê. Anh và các bạn đang mong làm một cái gì, anh hy vọng tin tưởng và cố gắng thu xếp ... Huyền chỉ có em giúp được anh nhiều trong ước vọng đó.”

   Hình ảnh buồn thiểu não của Ngân khi ra tìm Vũ làm chàng bâng khuâng. Chàng nghĩ tới Huệ với cuộc sống bừa bãi yếu đuối; Hà và Chi kết quả của nghèo khó túng quẫn, chồng Chi có lần hậm hực dằn lòng phủi áo ra đi cho vợ tiếp khách nuôi con. Vũ đã khổ tâm cùng cực trước hoàn cảnh đó và chàng tưởng chừng như chính nhân phẩm con người đã bị xúc phạm tàn nhẫn.

Hai người đứng dậy, rẽ qua đón con. Huyền ôm chầm lấy con âu yếm hôn, nói nựng;

“Con của mẹ hôm nay thức khuya, tối mai bắt chú phải ngủ sớm mới được.”

Nàng nghĩ tới những ngày mai, căn nhà lại vắng lặng lạnh lẽo khi Vũ ra đi. Cái lạnh lẽo mà nàng vừa cảm thấy khi Vũ trở lại. Ánh trăng bạc đọng trên cánh tay cổ tay tròn bụ bẫm của Nguyên, nàng vỗ vào mông con nói:

“Nguyên thấy lạnh không con?”

   Nàng lại nhớ đến cánh tay để trần của mình hôm gặp Vũ lần đầu tiên trong nhà thương, ánh mắt Vũ nhìn say đắm khiến nàng cảm thấy lạnh rờn rợn trên làn da, cũng như nàng vừa có ý nghĩ căn nhà ấm cúng bỗng trở thành hoang vắng khi người đàn ông ra đi. Huyền thấy rằng sự có mặt của Vũ với đời sống mẹ con nàng là cần thiết.

Cửa Thượng Tứ đứng lừng lững phía xa, chiếc cầu xi măng cong cong, con đường nhựa đen nhãy cũng uốn tròn một nét mềm mại mất hút. Vào cuối mùa hạ sắp sang tiết thu, hương sen ở dưới hồ toả lên thơm ngát. Hai người bước đi yên lặng, đứa bé ngủ gục trên vai Huyền, chỉ còn nghe tiếng gót giày khô vang vang.

Trong bóng tối, ánh trăng sáng mờ chỉ đủ thấy rõ những bông sen trắng nở xòe ra giữa những chiếc lá tròn to và đen sẫm. Cố lắng tai nghe Vũ chỉ phân biệt được tiếng dế rên rỉ đều đều, tiếng ếch nhái táp miệng cắt quãng phía trong xa, không khí đã vắng lặng còn thêm vẻ u tịch, bức tường thành xám đen cao lừng lững chạy dài. Trong đám cây xanh um, căn nhà ở quen thuộc lấp ló trên đó. Vào khỏi cửa thành, qua một khúc rẽ, bước theo những bậc thang đất khấp khểnh là tới nhà.

Huyền bật đèn, đặt nhẹ con xuống chiếc giường riêng cho đứa bé. Đêm đó hai người nói chuyện đến thật khuya. Sau bao tháng ngày chờ đợi, tất cả những nao nức khát khao, tối hôm đó cả hai cùng có dịp thổ lộ. Ái tình trở lại, cả hai cùng tìm thấy ở nhau những giây phút thân yêu đầm đấm. Những đám mây ảm đạm rẽ ra để lộ một khoảng trời xanh, chưa bao giờ Huyền thấy một màu xanh đẹp thế, màu ngọc thạch. Nàng tưởng tượng nếu ánh mắt con mình xanh như thế thì đẹp biết bao. Huyền liên tưởng tới nguồn gốc pha trộn của mình, nghĩ đến con tự nhiên nàng thấy sung sướng và kiêu hãnh.

Hơi ấm của Vũ thấm dần qua thân thể và cánh tay nàng. Huyền rướn người lên nằm sát trong vòng tay Vũ với cảm giác yếu ớt và bé bỏng, đầy thương yêu rộn ràng. Huyền ước ao có thêm được một đứa con gái. Nàng cảm động định bảo chồng: “Anh ạ, trong những phút sung sướng quá người ta chỉ muốn khóc.” Chỉ ý nghĩ đó không thôi đủ làm Huyền dâng dâng nghẹn ngào, không sao cất lên được một câu nói.

Ngô Thế Vinh
Noel 1962


Nguồn: Mây bão, tiểu thuyết của Ngô Thế Vinh. Nghiêu Đề trình bày. Sông Mã xuất bản. Sài Gòn 1963. (Giấy phép xuất bản số 2355 HĐKDTƯ-PI-XB ngày 5-11-63). Bản điện tử do tác giả cung cấp.

<< P III - Chương 4 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 562

Return to top