Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Mây bão

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 15760 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mây bão
Ngô Thế Vinh

Phần I - Chương 1

   Mây bão là tiểu thuyết đầu tay của Ngô Thế Vinh, Nghiêu Đề trình bày, Sông Mã xuất bản lần đầu tiên năm 1963.
... Những sân ga, chỗ ghé những con tàu chợ, những chiếc cầu bị giật sập, những người lính ngày đêm vất vả gian truân, những người buôn thúng bán bưng nghèo lam lũ, cảnh đồng quê khô cằn và bất an: nhưng cuộc sống vẫn cứ ngang nhiên và kéo lê đi giữa súng đạn và những kẻ thù luôn luôn khuất mặt... Mây bão là những đám mây báo hiệu thời tiết của những trận giông bão phũ phàng liên tiếp xảy ra trên quê hương trong suốt ba chục năm sau đó. Thế giới của Mây bão là một trộn lẫn giữa thực và mộng của một cuộc hành trình với rất nhiều gian truân nhưng không tới. 
 
                                          * * *
Vũ giật mình tỉnh giấc, thể xác mỏi mệt khiến Vũ không muốn đứng dậy. Chàng khẽ mở mắt nhìn lên trần nhà với ý nghĩ lan man. Bên ngoài ánh sáng dịu. Qua khe cửa Vũ thấy những đám lá xanh còn ướt đẫm sau cơn mưa buổi trưa. Một cảm giác mát mẻ và dịu dàng thấm dần vào cơ thể chàng. Tiếng nhạc ngoại quốc yêu cầu vang lên từ các phòng khác. Chàng nhớ hôm nay chiều thứ bảy, một dấu hiệu của sự lặp lại làm Vũ thoáng buồn và chán nản. Vũ mường tượng là tiếng nhạc này vừa vang lên từ vài hôm trước, thế mà đã một tuần lễ trôi qua. Một tuần lễ hay một tháng Vũ cũng không để ý, nhưng cái cảm giác phải sống lại nếp sống đã qua làm Vũ thấy bâng khuâng và bối rối.
Vũ bước ra khỏi giường, đứng trước chiếc gương đã mờ vì một lớp bụi mỏng. Vũ để ý đến nét mặt mình trong gương như đang quan sát một người lạ. Chàng quay lại nhìn quanh gian phòng với cảm tưởng mới mẻ như ngày mới dọn đến. Trên cánh cửa tủ, mấy tấm ảnh trần truồng cắt từ những tấm lịch hay tuần báo treo đầy rẫy. Vũ lấy làm lạ tại sao đến hôm nay chàng mới thấy thứ này là có – có đã bao lâu rồi. Thầm còn ôm gối trằn trọc ngủ nữa, mũi vẫn khìn khịt thành tiếng. Trông giấc ngủ nặng nề và vất vả của hắn, Vũ liên tưởng đến kết quả của cả mười hai giờ thức giấc hiếu động và nông nổi. Khuôn mặt Thầm là kết qủa bởi những đường nét dễ dãi đến nhạt nhẽo. Vẻ cởi mở thật hoàn toàn nếu không có sự hiện diện đến ngang trái của một cặp mắt đen và sâu với cái nhìn ray rứt đè nén. Sống bấy lâu biết tính hắn, mỗi giấc ngủ, sự cần tĩnh dưỡng nghỉ ngơi, chỉ là sửa soạn cho những phung phí dao động không đâu sắp tới. Trong vóc dáng và tư cách nói chuyện, lúc nào hắn cũng muốn tỏ vẻ hùng biện về những đề tài cỏn con của đời sống thường nhật. Lúc người hắn đứng thẳng lên vai cong lại và giơ tay lên cao, mặt bốc đỏ; lúc mà người ta tưởng hắn sẽ nói được nhanh và nhiều nhất thì thật là thất vọng cho sự chờ đợi. Sự thất vọng đó quả được báo trước trên đôi mắt nửa bối rối nửa tức giận, lưỡi hắn đưa nhiều vòng và ríu lại hỗn loạn. Ý tưởng đầy rẫy sôi động bỗng dưng bị bế tắc, phải tìm một lối thoát bằng cái cổ lúc lắc, bằng cái nhún vai, bằng hai tay giơ lên và bàn tay xòe ra với những ngón tay ngó ngoáy. Coi như nói xong hắn lại ngồi xuống thu mình trên ghế, bàn tay đặt lên đùi, ngón trỏ cong lên như râu con kiến gặp chướng ngại, đứng lại ve vẩy và nghe ngóng. Thế rồi cứ sống gần hắn lâu dần cũng quen đi. Bình thường và chậm rãi hắn còn diễn tả rành rẽ nên một ý tưởng, một câu nói nhưng hễ cứ hăng hái là cuống lên, hắn trở nên một tài tử đóng kịch câm có tài diễn tả những bất bình hay niềm vui miên man của những tẹp nhẹp trong đời sống lẽ ra không có gì đáng nói...
Vũ thấy bấy lâu nếp sống ở cư xá không có gì thay đổi, có chăng chỉ là sự tồi tàn luộm thuộm hơn mà thôi. Vũ vác gầu ra giếng, chiếc máy bơm tay đã cũ hỏng, nước rỏ xuống nền xi măng một đám hoen ố màu rỉ sắt. Vũ dựa mình vào thành giếng nhìn xuống, mặt nước có vẻ dâng cao và phẳng lặng. Chàng thấy bóng mình phản chiếu nổi bật trên một khoảng trời sáng. Chiếc gầu đụng mặt nước làm nhoà hết các hình ảnh, chàng giơ cao gầu nước và rùng mình, nước lạnh như mơn trớn xoa dịu một cơn sốt.
Trở về phòng, Hồ đã thức giấc. Hắn còn lật xấp mình nằm trên giường hưởng thêm cái thú dằn vặt về thể xác. Có tiếng máy nổ quen thuộc trước cửa, Huề chạy vào chưa thấy người đã nghe thấy tiếng:
“Hồ dậy chưa mày, hẹn tao mà giờ này còn ngủ hả?”
Hồ vẫn nằm im nhắm mắt và nhếch mép cười. Huề tới dựng hắn dậy. Hồ vẫn khoanh chân ngồi trên giường, tóc xoã cả xuống vành tai, mắt đỏ ngầu, lằn chiếu hằn trên một bên má núng nính và cả một bên vai.
Mãi cả giờ sau Hồ mới vác chậu trở vào, hắn lại trước chiếc quạt điện quay vù vù, ngồi xổm xuống để xấy tóc. Huề sốt ruột nhưng cũng chỉ giục chiếu lệ:
“Mau lên mày, khéo không kịp đâu!”
Hồ lại ra đứng trước gương nắn từng cánh tóc. Vũ chú ý tới chiếc gáy trắng có ngấn của hắn và lúc nào cũng nhẵn nhụi như mới cắt tóc. Hớt tóc đối với hắn ta cũng là một lạc thú của đời sống, một nhu cầu của hàng tuần. Đối với Hồ công việc đánh bóng một đôi giày, cắt một mái tóc hay gói ghém một món quà tặng xinh xinh đều là những thú vui khó chán. Cách gói giấy buộc một nút giây, hắn có thể làm khéo hơn một người con gái. Gần hai giờ sau Hồ và Huệ đi khỏi. Chuông nhà thờ bên cạnh đổ hồi đầu. Bên ngoài trời trong xanh với những đám mây đỏ quệch ở phía tây, gió mát thổi nhẹ. Trong này Thầm vẫn ngủ mệt nhọc, mắt để lộ lòng trắng mà miệng đang còn há hốc...
Có tiếng huýt sáo quen thuộc, Vũ mở cửa chạy ra:
“Kìa Bách!”
“Vũ, tôi mới nhận được tin của Tuân nhưng là một tin rất buồn.”
“Cậu nói sao?”
“Tôi nói có tin buồn, tới báo cho cậu biết, chúng mình nên đi ngay.”
Bách cố dằn giọng và xúc động:
“Tuân mới chết, không phải vì tai nạn rủi ro hay bệnh hoạn, hắn đã gặp một cái chế có duyên cớ...”
Vũ chưa hết kinh ngạc:
“Tôi không ngờ sự thể lại như thế.”
“Tuân ở Ban Mê Thuột, như cậu biết, cách đây ba hôm đi công tác bằng công xa bị trúng mìn. Ba người kia bị thương nhẹ thoát chết, còn riêng Tuân nặng quá phải đưa về đây. Thương tích nặng lại mất quá nhiều máu nên buổi chiều thì...”
Vũ nói vội:
“Bách dẫn tôi vào thăm ngay.”
“Không được, sáng mai nhà thương mới cho vào. Bây giờ phải xuống báo tin cho chị Chi, em Hà biết cái đã.”
“Nhưng Bách biết hiện chị Chi đang rất yếu, riêng tôi thấy ngại lắm.”
Bách thoáng chút lưỡng lự nhưng lại nói ngay:
“Không làm sao khác hơn được. Sớm muộn Chi cũng biết. Giấu diếm không cho chị em thấy mặt nhau lần cuối là có tội. Sau này nếu biết được Chi sẽ đau khổ hơn, hậu quả sẽ tai hại và đáng trách nữa.”
Vũ cúi đầu ngẫm nghĩ rồi buột miệng:
“Cậu nói phải, đợi tôi sửa soạn chúng mình xuống chị ấy ngay.”
Vũ nhớ lại cách đây hơn một năm, Tuân ngỏ ý muốn xuống Đại học xá ở để năm tới sẽ theo ban Khoa học. Sau đó ít lâu, gặp lại Tuân đổi ý kiến:
“Thời cuộc này, đèn sách mãi cũng thế thôi, để tôi thử lên đó xem sao.”
Và Tuân quyết định từ bỏ Sài Gòn lên làm khu Dinh điền. Suốt đời Tuân ngay từ hồi nhỏ còn đi học, chỉ mơ ước làm sao có được một trại chăn nuôi ở cao nguyên canh tác theo phương pháp khoa học. Quyết định ra đi cũng chỉ là thể hiện được phần nào ước mơ đó. Bẵng cho đến hôm nay, Vũ đột ngột được tin Tuân chết. Tuân chết quá sớm đem theo tất cả những ước vọng của đời mình. Ước vọng tuổi trẻ vẫn chỉ là những ước vọng, có đấy và không có đấy. Vũ nghĩ nhiều tới cái chết của Tuân, đến tương lai của các bạn và của chính mình với cảm tưởng như bị sa lầy. Cảm giác tức tưởi khiến Vũ có ý tưởng sớm muốn thoát ly.
Vũ dắt xe theo Bách ra cổng, hai người đi cạnh nhau không ai muốn nói. Ngoài đường, những chuyến xe be chở nặng đã bắt đầu chạy qua cư xá, tiếng xích sắt kéo lê trên mặt đường nghe sít sao rờn rợn như những nhát dao cạo mạnh trên ống suốt sắt...

<< P III - Chương 5 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 972

Return to top