Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Mây bão

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 15768 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mây bão
Ngô Thế Vinh

PI - Chương 7

Chiều chầm chậm. Khoảng trời trên cao còn thấp thoáng mấy đám mây vàng. Ánh nắng lợt lạt dần trên một cành cây khô. Không khí còn hâm hấp nóng. Vài cơn gió hây hây thổi nhẹ không đủ gợi nên một cảm giác mát mẻ. Tiếng vĩ cầm phòng bên đưa ra vẩn đục và ngượng nghịu, lẫn vào cơn gió, làm rung động làn da đến bứt rứt khó chịu. Minh đứng dưới gốc cây với ý nghỉ: một buổi chiều thật buồn.
Vừa sang xuân, hàng cây tầm kết chạy dài còn trĩu những lá vàng; những chiếc lá nhỏ như vẩy cá từ cành cây rơi loả toả theo chiều gió nghiêng nghiêng. Những mái nhà xám đen chạy dài, mảng tường đỏ phía bên hông bắt đầu long lở, những chiếc màn tre sơn xanh đã bạc và mục nát. Mấy bóng người quen thuộc thơ thẩn đi lại: Minh thấy tất cả như đã có tự lâu rồi. Minh muốn ghi lại vài hình ảnh trước khi ra đi; chàng muốn tìm cho nơi đây một bấu víu tình cảm mà theo Minh ít ra phải có. Những ngọn cây xanh phía xa ngả dần sang màu tím sẫm. Khung cảnh như một bức tranh hỗn độn với từng mảng màu sắc tương phản, sẫm lại và nhạt dần cho đến lúc chỉ còn lại một bóng tối êm đềm.
Ánh đèn điện mới bật, hắt ra phía bên tường, chiếu sáng cả những chùm hoa giấy sặc sỡ đỏ và tím. Rời khoảng đèn sáng, đi dần vào bóng đêm, Minh miên man với các ý nghĩ khác…
Buổi sáng tới Vân Anh, nhà vắng, Minh bước thẳng lên gác. Đi hết một vòng cầu thang, qua những thanh gỗ trạm, bóng trắng Vân Anh hiện ra. Thấy Minh, Anh Vân Anh chạy tới không nói nhưng rung động nao nức ôm chầm lấy người con trai. Vẻ đẹp mềm mại đè nặng lên người Minh, chàng ngạc nhiên nhưng không hờ hững, kéo sát Vân Anh lại và hôn lần đầu tiên. Mấy ngón tay Vân Anh run rẩy, bấu víu lên vai Minh như muốn thổ lộ nói lên bao nhiêu ý nghĩ đè nén. Mi mắt người con gái khép lại và chìm đắm một vẻ đáng thương. Minh chợt thấy yên tĩnh. Bên ngoài cửa sổ nắng đẹp, cây bông gạo đã nở tung từng cụm bông trắng dắt trên thân; cây hoa đại nhà bên nhô lên khỏi bức tường cao, trổ bông trắng xoá; phía dưới sân mấy chiếc áo trắng phơi trên dây thép phất phơ trước gió. Minh thấy rõ được từng cụm bông lăn trên nền xi măng và thảm cỏ. Có tiếng chim cu gáy rúc từ lùm cây xa đưa lại cho Minh cảm giác nóng nực và buồn chán của buổi trưa hè. Có tiếng động dưới nhà, Minh đẩy người con gái ra, bước nhanh xuống thang để lại Vân Anh còn xao động ngơ ngác và thất vọng. Cô đọng bấy lâu chỉ có thế, Minh thấy mình rồ rại và cảm tưởng tiếc nuối.
Còn Vân Anh sau khi rời khỏi tay Minh vẫn đứng yên bất động. Người con gái đưa tay sửa lại mái tóc và bâng khuâng như vừa để mất đi một cái gì. Chắc chắn không phải việc tách rời thân thể Minh vừa rồi. Vân Anh thấy mình vừa có một hành động liều lĩnh, thiếu suy nghĩ nhưng tự nhiên. Hạnh phúc đem lại thật không có, mà cảm giác thì chỉ thoáng qua. Vân Anh thấy ân hận và hối tiếc vì thái độ vừa rồi có ý nghĩa một ràng buộc và giao phó. Ý nghĩ đó làm nàng lo sợ vẩn vơ. Anh nhớ tới lúc người con trai quay đi có dáng vội vã như chạy trốn – vì tiếng động của ba nàng, vì hổ thẹn hay sao nàng cũng không biết nữa. Bất giác Vân Anh tìm thấy ở Minh lúc đó một cử chỉ yếu kém và tầm thường. Nghĩ thế nhưng người con gái lại thấy mình ao ước xôn xao hơn. Ngay buổi chiều Minh đến gặp Vân Anh ngoài vườn. Người con gái có cảm rác rờn rợn trước cái nhìn của Minh, nàng biết trước đó không phải là dấu hiệu sửa soạn cho những câu vuốt ve đắm đuối.
“Anh sắp phải ra đi, chắc là khá lâu. Anh muốn có một thái độ dứt khoát.”
Minh nói không chớp mắt, vò nát trong tay một chiếc lá rồi tiếp:
“Anh ân hận về việc sáng nay và tự cho mình là vô lý. Trước lúc đi anh không muốn có những ràng buộc vì thực sự anh đã chọn nghề phi công với ý thức trách nhiệm và tự do. Anh nghĩ sự thành thật lúc này là cần thiết.”
Nét mặt người con gái xanh đi, bàn tay níu lấy vạt áo cánh cố nén xúc động, đôi bờ vai run run. Minh thấy rõ ánh mắt Vân Anh là tất cả sự chịu đựng và đè nén, vẻ mặt ngây ra, tình cảm như bị dìm sâu vào bên trong. Minh thấy rõ sự vô lý của hai người và chính chàng lại muốn thoát ra bằng một sự vô lý khác nữa… Minh cố xua đuổi những hình ảnh khiến chàng phải ray rứt mãi với ý nghĩ: “Rồi mình cũng sẽ quên đi”.
Mặt trăng to tròn và đỏ hồng nhô khỏi đám mây đàng xa phía bờ sông. Bên lề đường mấy nén hương bên gốc cây gặp cơn gió sáng hồng lên rồi lại lu dần như chực tắt. Mùi hương trầm thơm toả trong gió nhắc minh tới ngày giờ hôm nay và thấm thoát đã mười năm di cư ra đi. Nhìn lại bước đường không bao xa đã qua, Minh thấy cảm động nao nức.
Cách đây một năm Minh được tin bà ngoại chết ở ngoài Bắc, kèm theo một tin nữa không vui là ông ngoại từ hồi xa con cháu thì lo buồn nhất là khi bà ngoại chết, ông thấy trong người yếu đi nhiều lắm. Trong thư ông còn ngỏ phòng xa mua một miếng đất ngay cạnh mộ phần bà để khi mệnh hệ nào… Lòng Minh buồn xôn xao trước cái tương lai của những người thân yêu ở lại. Hy vọng và trông mong ở đó những gì? Minh bâng khuâng với ý nghĩ hoang vắng.
Tới nơi thì trong nhà đã đông người, tất cả họ hàng di cư vào Nam đều tụ họp nơi đây. Không khí ngày giỗ như một cuộc xum họp vui mừng. Không có những bữa giỗ như hôm nay chắc cả năm cũng không có dịp gặp nhau. Xa quê hương, Minh thấy các mối liên đều lỏng lẻo; hình như mỗi người là một đời sống rất riêng tư. Ai cũng đang bận tâm lo vun đắp hạnh phúc của mình cho đúng với ước nguyên khi ra đi. Cậu Cương, con trai em bà ngoại, gặp mẹ Minh cười khì nói một câu Minh nghe như vẫn thế tự bao giờ:
“Các cháu làm sao ở chị ? Hì hì, chóng lắm mà, chả còn bao lâu nữa chúng nó thành tài chị tha hồ sướng.”
Nói xong cậu Cương cười hì hì cổ co rút lại, hai con mắt híp long lanh chỉ còn là hai khe sáng. Chừng nói thế là xong một nghi thức, cậu ghé cái mặt ngắn bóng phì nộn sang chú Tham, giọng tương đắc:
“Thế nào làm ăn ra sao? Tôi định rủ anh ra Hải Phòng thu thuế, hì hì…”
Cả hai cùng cười khì. Chả trước kia hai người đều làm “đoan” nhưng hồi gần đây biết thời thế chẳng còn như trước, cậu Cương thì xoay ra mở vũ trường với mức sống quá phong lưu, duy chú Tham thì vẫn còn đi làm công chức với bên tai những lời ta thán của vợ; “Nhà mình xui quá, em buôn bán đã không ra đâu, mình lại bị đổi đi mất chỗ bổng lộc mà tiêu pha ngày thêm tốn kém, rõ chán quá”.
Trước Minh, chú dân bác sĩ quân y giải ngũ, quay sang nói giọng lớn kiêu hãnh:
“Hừ, chữa bệnh hồi này sao mà dễ thế, từ ngày có mấy thứ “trụ sinh” chữa bệnh gì cũng dễ như chơi.”
Chả chú là thầy thuốc, lại quá đông khách, đến nỗi có người gọi phòng mạch chú là “chợ ông Dân”, nên chú nói gì cũng dễ có người tin. Minh đưa mắt nhìn người vợ chú ngồi phía bên, dáng đài các; Minh đang nghĩ tới cuộc tranh chấp gay gắt của cặp vợ chồng này về chủ quyền và công lao về một sản nghiệp kếch xù. Cả hai cùng rất kiêu hãnh về sự quán xuyến đảm đang. Chú Dân cười, chiếc răng vàng hàm trên lấp lánh, chú cố lấy giọng khôi hài mà vẫn lạnh lẽo:
“Có lắm bệnh qua các bác sĩ khác đều bó tay mà hễ đến tôi thì, hà hà… xong hết, thật có gì đâu cơ chứ!”
Có tiếng trẻ con đuổi chạy la hét. Ông Thược quay ra bế con lên lòng giổ nựng; nhân đấy chú Dân đổi câu chuyện sang đề tài khác:
“Cháu thứ chín của anh hay thứ mấy?”
Ông Thược ngồi yên từ nãy, nghe chú Dân hỏi thì cằm xệ xuống, lớp mỡ ở cổ gập lại như thêm một chiếc cằm thứ ba, giơ tay định phân trần, nhưng bà Thược vội đỡ lời:
“Dạ cháu út đấy ạ.”
Cậu Cương lại rụt cổ cười cất giọng hóm hỉnh:
“Trông ông bà còn phây phây thế kia thì út sao được.”
Ông Thược nói chữa ngượng, giọng thật thà:
“Út thật mà, chiến tranh đến nơi rồi!”
Ông cố dằn giọng ở hai chữ “chiến tranh” như cố gán cho nó một ý nghĩa quan trọng. Quan trọng thì dĩ nhiên rồi nhưng không có điều gì bảo đảm rằng sắp có chiến tranh thì ông Thược lại thôi không có con nữa, nhất là khi tướng vóc bà nhà có vẻ muốn vượt cạn nhiều năm nữa, ít ra cũng phải một tá. Minh xoay tròn chiếc ly thuỷ tinh lạnh và đẫm nước trên tay. Mặt trăng đã nhô lên cao. Gió từ bờ sông đưa vào mát dịu. Ánh đèn phía trước chiếu hắt lên bờ ly làm loé những ngôi sao tím vàng. Ngôn ngồi cạnh Minh và yên lặng từ nẫy. Ngôn đã có thời theo đuổi kháng chiến và bỏ về Hà Nội sớm. Rồi sau Genève, anh cũng lại chọn bước đường di cư. Dáng người Ngôn nhỏ nhắn với chiếc áo ngắn tay ngắn, đôi giày da nâu, trông anh hiền lành và an phận. Hình ảnh anh hôm nay không liên hệ gì tới dĩ vãng kháng chiến oanh liệt của anh trước kia. Minh quay sang bên nhìn anh, vẫn chiếc nốt ruồi nâu trên gò má, nước da có vẻ trắng nhạt và yếu đuối hơn. Ngôn đưa từng quả ớt đỏ lên miệng cắn và nhai lẫn với thức ăn, các bắp thịt nơi cằm anh nổi lên, chiếc cổ lộ hầu bình thản đưa lên xuống đều đặn. Như tìm ra ý nghĩa cho một câu nói, Ngôn quay sang bảo Minh:
“Ăn ớt bây giờ như một thói quen, chứ trước kia anh đâu có biết ăn. Hồi đi kháng chiến ngoài kia, sốt rét quá nên đâm ra nghiện ớt thay thuốc… Lúc đó đâu có thứ ớt này mà thứ ớt tiêu ớt mọi quả nhỏ tí mà khi nhấm vào thì thôi… cay chảy cả nước mắt nước mũi nhưng lại đỡ rét!”
Minh thấy cái dĩ vãng gian truân và kinh hoảng đã qua với hình ảnh Ngôn hôm nay như không hề có một liên quan chặt chẽ. Ngày hai buổi anh đi làm cho một tiệm thuốc tây và đưa con đi học. Tối về thay vợ bế con. Chiều thứ bảy đưa cả gia đình đi chơi xa lộ hay xem chiếu bóng. Nhìn chiếc Lambretta cũ kỹ dựng nơi góc tường, Minh bất giác mỉm cười. Chiếc xe hai bánh một trăm năm mươi phân khối chịu đựng bình thản cái sức nặng của một gia đình: một chồng một vợ một đứa con lớn đứng trước và một đứa nhỏ ẵm phía sau. Ngôn giờ đây sống vững chãi cho ngày hôm nay và lo chuyện ăn uống của một ngày mai không xa. Anh ấy chẳng còn quay về cái dĩ vãng để kiêu hãnh như ai. Ngôn cũng chả quá lạc quan hay lo âu cho một tương lai ra sao. Minh nhìn vợ anh đẫy đà và tìm được nơi chị vẻ đoan trang thuỳ mị của người vợ hiền. Chị Ngôn nhìn lên bắt gặp cái nhìn của Minh thì bẽn lẽn và mỉm cười. Minh quay vội đi nhưng còn kịp nhìn bàn tay trắng đẹp của chị đưa lên sửa lại mái tóc và Minh phân vân với ý nghĩa của “hạnh phúc”.
Cụ già chít khăn từ nẫy vẫn ngồi im lặng. Cô Thụ vừa tiếp món vây vào bát vừa gợi chuyện với cụ:
“Thằng Thái chắc lúc này lớn lắm, khổ nó thương ông nó quá!”
Ông cụ đưa tay nâng chòm râu bạc sang một bên, đưa thìa bóng lên miệng, vừa móm mém nhai vừa nói với hai môi run lập bập:
“Tình hình này chẳng còn mong gì về Bắc lại nữa, chết mất xác ở đây thôi.”
Cụ hơi khẽ lắc đầu chán nản nhưng miệng vẫn móm mém nhai đều đặn, túi cơm và thức ăn phồng tròn hai bên má như hai quả táo võng nhịp lên xuống. Cụ nhai tóm tém như đã móm hết cả hàm răng – hàm dưới đưa lên đẩy vành mội trên đang trễ xuống vêu ra và đưa cao lên mũi. Minh không ngờ một ý nghĩ sống chết quan trọng mà lại được ông cụ diễn tả một cách bình thản và vô tình đến thế. Chòm tóc nhô lên khỏi vành khăn đã bạc phơ, ông cụ tuy già những vẫn đẹp lão. Cô Thụ lại tiếp thức ăn vào bát cụ, cất giọng an ủi như một thói quen:
“Chả còn bao lâu nữa nước nhà thống nhất…”
Ông lão vẫn nhai tóp tép nói chêm vào:
“Ối dào, mong gì tình hình này, các người trẻ thì mong với đợi; tôi thì mong gì… trở về.”
Nói xong ông cụ lại chăm chú cúi xuống gỡ miếng mỡ béo ngậy giữa miếng bánh chưng xanh đưa lên miệng nhai ngon lành và bình thản như lúc nãy.
Minh nhích ghế ra xa bàn, giữa một đám đông đảo họ hàng, người con trai vẫn thấy mình đơn độc nhưng lại háo hức với tin một chuyến đi cùng các dự định xa xôi.

<< PI - Chương 6 | PI - Chương 8 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 621

Return to top