Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Mây bão

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 15761 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mây bão
Ngô Thế Vinh

PI - Chương 8

Đối với Minh ý tưởng ra đi chỉ thành sự thực khi chiếc Jet bắt đầu chuyển bánh. Trong mười người ra đi Minh đã tìm được một người bạn. Nhìn qua khoang cửa kính tròn, phía dưới Sài Gòn ban đêm chỉ còn là một khoảng sáng lố nhố. Minh cố tìm trong đám sáng hỗn độn ấy cái sinh hoạt của đời sống quen thuộc. Máy bay lên cao, cao mãi đến lúc bên dưới chỉ còn là một biển tối.
Bên trên bầu trời vẫn đầy sao. Mặt trăng lưỡi liềm sáng và trong suốt như một lăng kính thuỷ tinh. Càng lên cao Minh có cảm tưởng các vì sao càng xa thẳm và lấp lánh. Mặt trăng cô đơn sáng dịu giữa một cánh đồng sao bao la: ánh sáng trăng như do ánh sáng của muôn ngàn vì sao góp lại. Mấy đám mây vàng ngả dần sang màu trắng toát. Mặt trăng chênh vênh nằm ngang như một con thuyền nan cắm sào giữa sông trong một đêm sương lạnh. Minh nghĩ tới quê hương và những người thân yêu. Minh thấy nhớ Vân Anh lạ, lúc này hơn bao giờ Minh ao ước có Vân Anh bên cạnh. Vân Anh sẽ là niềm tin và nguồn hy vọng của đời chàng. Minh tự hỏi về một tình yêu liệu có thực giữa chàng và Vân Anh; nếu có chỉ là trong hoàn cảnh xa cách này chứ đời sống hôm qua và khung cảnh sống cũ không là quê hương cho một tình yêu thành tựu. Minh dựa lưng về phía sau, ngả đầu trên thành ghế. Minh nhớ là thiếu mặt Vũ khi ra đi. Minh nghĩ Vũ có một đời sống khá kỳ lạ, lúc nào cũng cố đơn giản đến thiếu thốn khắt khe; trong khi điều kiện lúc này đủ cho Vũ sống cuộc đời phong lưu, vậy mà anh vẫn tự đặt cho mình những ý nghĩ khó khăn, ngay cho đến cả quan niệm một tình yêu. Minh lại chợt nghĩ tới mẹ với cảm giác chán nản và như tìm cách trốn tránh. Tiếng nói của Thế giúp Minh thoát một sa lầy:
“Minh cậu ngủ?”
Chàng mở mắt quay sang Thế, vẻ mặt đăm chiêu:
“Không, đang nghĩ tới cái gì còn lại.”
Xung quanh yên lặng với ánh đèn dịu trên cao, có tiếng Thế hỏi:
“Minh, lúc ra đi hình ảnh gì khiến cậu nhớ rõ nhất?”
Tự mỉm cười, Minh nói một câu không do suy nghĩ:
“Hình ảnh một cây bông gạo bắt đầu nở tung trắng xoá; lúc này cơn gió vẫn gỡ nhẹ từng cụm bông trắng theo gió mà bay đi…”
Minh đang nghĩ tới buổi sáng hôm ở nhà Vân Anh, trên gác lúc nhìn qua cửa sổ xuống vườn, cây bông gạo trổ bông trắng, một cây đại nở đầy hoa nhô lên khỏi bờ tường phía bên kia và dưới sân chiếc áo trắng của Vân Anh phơi trên giây thép phấp phới trong nắng. Minh quay sang hỏi Thế:
“Thế còn cậu?”
Thế ngả đầu trên ghế nói giọng tự nhiên:
“Lúc này, tôi thấy nhớ nhất lão phở gánh.”
Minh bật cười hỏi:
“Có phải xe phở mới cùng ăn sáng nay không?”
“Đích thị, trông thì xềnh xoàng mà không ngờ lại ngon tuyệt thế.”
Minh nói đùa:
“Không lẽ lúc này chỉ nghĩ tới kỷ niệm ăn thôi.”
Thế bặm môi cười bí ẩn:
“Kỷ niệm ăn, cũng đúng nhưng không đúng lắm.”
“Thế là thế nào?"
Thế thấp giọng như nói chuyện với chính mình:
"Hôm trước lúc mình đem tặng lão bộ quần áo rét, lão cứ dẫy nẩy từ chối và chỉ xin quần áo mỏng cũ rách thôi. Không ngờ lão ấy mà còn chê thứ đó. Buồn cười là để lão nhận mình phải tặng thêm một chiếc sơ mi nữa."
Minh ngắt lời:
“Làm sao có được mấy thứ đó mà cậu đem cho?”
“Ấy thế, chả là hôm sắp đi tới thăm họ hàng, mà không nói chắc cậu cũng biết mấy cô chú tôi thì giàu có khỏi phải nói. Tới một bà cô của chìm của nổi, mình được vồn vã hết chỗ nói và còn được bà hứa dẫn ra khu Dân sinh sắm cho ít quần áo rét. Còn khi tới ông bác vào buổi trưa đúng bữa ăn, ông nhất định bắt lấy thêm đũa bát luôn thể gọi là buổi tiễn đưa vì ngày đi thì gần quá; ông bắt người nhà xuống kho lục trong rương lôi ra mấy bộ đồ rét cũ từ ngoài Bắc và đem cho. Ông còn suýt xoa về cái đáng giá của mấy bộ đồ dạ, ông khoe bộ này là được may ở phố Mỹ quốc gần hàng Trống, còn bộ kia được may tận Gôđa – mà thực ra đấy chỉ là mấy bộ đồ cũ để lâu mốc nặng mùi; chối cũng chẳng được đành phải ôm về…”
Minh nghe tiếng cười khẽ của Thế:
“Ông Thái Văn ấy chắc cậu có nghe tiếng, giàu nhất nhì Hải phòng, di cư vào trong này làm ăn phất lại tậu thêm bao nhiêu là dinh cơ nữa. Mà cái vòng bụng ông thì khỏi phải nói, phải hai người như tôi đứng vào mới khít. Lấy lòng ông khuân về đem cho cũng thiếu người lấy…”
Giọng Thế vẫn bình thản không lộ một chút gì chua chát. Minh quay sang hỏi:
“Thế còn bà cô hứa dẫn đi khu chợ trời Dân sinh?”
“May mà mình không quay lại chứ lắm khi dẫn ra đó rồi bà vẫn còn kêu là quá đắt.”
Thế yên lặng một lúc rồi tiếp:
“Thật mỉa mai, mình không bực về sự không giúp đỡ hay bỏ rơi, nhưng thái độ để cáng mà bề ngoài làm ra vẻ vồn vã tử tế mới làm cho mình khó chịu. Gia đình tôi chắc cậu biết, thầy tôi khác hẳn mấy anh em, làm nghề giáo đạm bạc trong bấy nhiêu năm, gia đình thì đông con, mẹ tôi ở nhà lại hay đau yếu. Vào Sài Gòn sau di cư được một năm, đùng một cái thầy tôi chết, thật là khốn đốn, nghĩ tới như một cơn ác mộng. Các họ hàng giàu có xúm lại tính chuyện giúp đỡ, cũng giống như cách giúp đỡ trước hôm tôi ra đi… hai vali quần áo cũ thải, thôi thì táp nham đủ thứ, về sau mẹ tôi phải cho dần đi mãi mới hết. Đã thế họ hàng còn chê bai nhà đã túng quẫn mà bọn anh em tôi vẫn có vẻ hách. Cũng may mà tôi đi dạy, lại đậu vào trường kỹ sư Điện có học bổng, đứa em gái lớn tôi phải bỏ học ngang làm cô giáo, còn một thằng em nữa qua một ông bạn thân giúp cho vào trường Thiếu sinh quân; cả nhà cũng may được yên ấm tới ngày nay. Chuyến này sang Pháp nếu có học bổng khá tôi sẽ dành dụm gửi về ít nhiều cho gia đình.”
“Ngộ sang đó không đủ tiền gửi về, cậu tính sao?”
“Ấy tôi cũng đã tính đến chuyện đó và thu xếp trước cả; cô em tôi sẽ phải chịu khó đi dạy tối thêm chứ sao bây giờ! Thật mỉa mai, bà cô tôi thì quá giàu, nhà mới vừa làm xong chiếc cầu thang không ưng ý phá hết đi cho xây lại tốn gần bốn mươi vạn bạc. Đã thế còn tới nhà mẹ tôi để lên giọng khoe khoang. Mẹ tôi ít nói nhưng tôi biết bà đau khổ và buồn phiền khi trông thấy tương lai các con.”
Minh giọng tin cậy và trách móc:
“Thế sao đến lúc ra trường cậu lại tính chuyện đi?”
“Chính tôi cũng tự hỏi như thế. Tôi nghĩ hy sinh tuổi trẻ thế đã tạm đủ, lúc này nếu ở lại cố lăn lóc chỉ là để trả thù cuộc đời, đem thêm cho gia đình cảnh dư gỉa về vật chất; nhưng tôi nghĩ khác, tôi muốn chọn một nghề mà biết cuộc đời mình sẽ phóng khoáng và chuyến đi này là một thoát ly với một xã hội gia tộc quá bẩn thỉu và nhỏ nhen…”
Minh nhớ một buổi chiều tới thăm Thế lần đầu tiên, lúc trở về bên này sông trời sẩm tối, dãy nhà tối tăm mái xám bên kia bờ như bị dìm xuống mặt nước sông đang lên cao. Gió man mác thổi xao xác mặt nước sáng loáng. Mặt trăng to tròn và đỏ quạch nhô lên khỏi ngọn cây. Các căn nhà thấp tối om đã thắp lên những ngọn đèn dầu le lói. Minh tưởng tượng lúc này em gái Thế đang ngồi miệt mài chấm từng bài của lũ học trò nhỏ. Một điệu kèn réo rắt vang lên từ bên này sông rồi tắc nghẽn, Minh có cảm tưởng âm thanh đó từ bên kia bờ sông vọng lại. Hình ảnh người đàn bà già yếu - mẹ Thế, trong gian buồng hẹp tối, nhìn đứa con nhỏ im ngủ, tay cầm ngọn nến leo lét đợi bắt từng con muỗi theo lỗ rách chui lọt vào màn. Minh cho đó là một ẩn nhẫn của chịu đựng và cao giá của tình thương. Lúc này Minh như còn thoáng ngửi thấy mùi khói thuốc phiện thơm và cả nghe rõ tiếng húng hắng ho của lão Ký bên cạnh… Minh quay sang thì Thế đã ngủ tự lúc nào. Chàng nghĩ tới Hoà ở Đại học xá, tới Thế rồi tự nhủ: không gia đình thân thích như Hoà lúc nào cũng cô đơn lạc lõng, có gia đình họ hàng đông đảo như Thế cũng không sung sướng gì hơn.
                                           *
Sáng nay Vân Anh dậy sớm sau một đêm khó ngủ, nàng chỉ mong cho trời chóng sáng. Trong căn buồng đầy bóng tối, Vân Anh nằm im trên giường đưa mắt qua khung cửa kính. Bên ngoài ánh đèn điện dưới đường chiếu qua vửa sổ, hằn lên trần nhà những ô vuông sáng nhạt lung linh. Tiếng chuông đồng hồ trên tường chậm chạp đổ từng tiếng, Vân Anh cảm tưởng thời gian trôi đi bằng những âm thanh nhỏ giọt trên một vũng nước. Khung cửa kính trên gác sáng dần nhưng vẫn trắng đục mờ mờ để lộ một khoảng trời u ám; nàng có ý nghĩ đó là ánh sáng chập choạng của buổi chiều mùa hạ sau mỗi bữa cơm tối. Một đêm dài trôi qua, thân thể Vân Anh thấm nặng những chán nản mỏi mệt. Vân Anh bước ra khỏi giường khi có tiếng rao quà quen thuộc đầu tiên của buổi sáng. “Minh đi rồi”, ý nghĩ đó chợt chở lại ám ảnh Vân Anh khiến nàng không còn thiết tha gì nữa. Vân Anh ngồi xuống chiếc bàn thấp, trang điểm trước gương như một thói quen, không chút rung động mà trơ trẽn nhạt nhẽo như miếng cơm khô nhai trệu trạo trong miệng một người đang ốm. Vân Anh chán nản, trở lại vật mình xuống giường ngổn ngang những quần áo, mở trừng mắt nhìn lên trần nhà trắng tinh không suy nghĩ.
“Minh đã ra đi”, ý tưởng đó lại chợt đến. Vân Anh thấy ghét người con trai và cảm giác xa lạ. Lần gặp cuối cùng, Vân Anh thấy Minh không phải là Minh như ý nghĩ – thì ra người con trai cũng lại kiểu cách tầm thường, cái tầm thường mà Vân Anh nhận thấy làm nàng thất vọng hơn là ý nghĩ Minh phải ra đi…
Vân Anh uể oải bước xuống thang gác và ra đường đợi xe. Tới Hội Việt Mỹ, Vân Anh bước xuống xe khi kim đồng hồ chỉ đúng chín giờ sáng. Đứng trước phòng kính bên ngoài, Vân Anh lưỡng lự nhưng rồi cũng đẩy cửa bước vào. Không khí lạnh bao chùm lấy thân thể Vân Anh khiến nàng rùng mình. Người đàn bà ngồi nơi bàn giấy giữa phòng thấy tiếng động ngẩng lên đưa tay sửa lại gọng kính trên sống mũi, thấy Vân Anh bà mỉm cười, mở ngăn kéo tủ là lấy chồng hồ sơ đặt lên bàn nói:
“Thế nào Vân Anh, tôi đang có ý đợi thì cô vừa tới.”
Vân Anh cố nhếch mép cười, đưa tay nắn lại mấy đượm tóc xoã xuống; người con gái thu mình ngồi vào chiếc ghế dựa bên cạnh.
“Đang đi bên ngoài vào đây thấy lạnh quá.”
Người đàn bà nhìn thẳng vào mặt Vân Anh một lúc lâu hỏi:
“Sao cô bé hôm nay có vẻ xanh và buồn bã.”
Vân Anh như không nghe thấy, nói sang chuyện khác:
“Bà xem hộ đã có tin gì chưa?”
- Có rồi nhưng chả vui gì ! Chuyến đi Mỹ của cô lại bị hoãn không biết đến bao giờ vì ông giám đốc vừa bị mất tích trong một tai nạn máy bay ở Thái bình dương.”
Vân Anh giọng buồn nản:
“Tôi có đọc báo, người chú em ruột ba tôi cũng về trong chuyến bay đó.”
Người đàn bà bật dậy hốt hoảng:
“Thế hả, có phải chú Quốc đi Mỹ hồi năm ngoái không?”
Vân Anh gật đầu, người đàn bà tay nắm chắc thành ghế như ghìm xúc động, rồi lắc đầu chán nản:
“Rõ khốn khổ, trước hôm ra đi tôi còn gặp mặt, người vui vẻ trẻ trung, ai ngờ đâu nên nỗi… Thế ba nhà có nói sao không?”
Vân Anh chỉ trả lời lấy lệ:
“Mới nghe tin ba em cũng cuống lên, nhưng cũng chẳng biết ra sao… Chỉ nghe tin máy bay mất tích chứ đã biết sao đâu.”
Vân Anh liên tưởng tới chuyến đi của Minh, giờ này Minh đã thảnh thơi bên Pháp. Vân Anh nghĩ tới chặng đường Sài Gòn, Tokyo qua Bắc cực tới Paris với bao nhiêu hình ảnh và tưởng tượng: có cả Vân Anh ngồi bên Minh trong chuyến đi đó. Tiếng người đàn bà kéo Anh về hiện tại:
“Sáng nay cô có giờ học, mấy hôm vắng mặt ông Conway hỏi thăm cô hoài.”
Vân Anh đưa tay nhìn đồng hồ, đứng dậy và bước ra ngoài. Không khí và ánh sáng bên ngoài làm Vân Anh choáng váng. Đứng trước bực cầu thang dài hun hút, một cảm giác chán nản lại xâm chiếm tâm hồn nàng. Vân Anh uể oải bước lên các bậc thang, được mấy bước Vân Anh dừng lại, tay vịn vào thành cầu thang bằng đá mát rượi. Nàng cố phân tích nỗi buồn của mình lúc này, chắc chắn không phải việc Minh ra đi, cũng chẳng phải tin chú Quốc vừa mất tích; nghe chuyến đi của Vân Anh bị hoãn chưa biết đến bao giờ, Vân Anh thấy rõ rệt cảm giác chán nản và buồn bã. Người con gái không háo hức với hình ảnh của một cuộc ra đi nhưng ít ra chuyến đi này đưa Vân Anh thoát ra khỏi cuộc sống đều đặn và đáng chán hiện tại. Vân Anh thấy mình bị ray rứt về một cuộc chờ đợi thất vọng…
Có tiếng gót giày nện trên bực thang phía dưới, ông thầy dạy Conway vội vã đi lên, ông cười nét mặt bao dung khi gặp Vân Anh và hỏi han săn sóc:
“Sao lại đứng đây, mấy hôm nay sao cô nghỉ học?”
Anh ngước mắt nhìn vẻ mặt đỏ hồng và cặp mắt nâu hiền từ của thầy dậy: một cảm tưởng được che chở và yên tĩnh lại đến với Vân Anh; nhìn mái tóc vàng lưa thưa trên vầng trán cao bóng của ông Conway, Vân Anh tìm thấy hình bóng thân yêu của một người cha; Vân Anh cố lấy lại vẻ lanh lợi:
“Mấy hôm nay tôi bị mệt, ngay bây giờ tôi cố đi nhưng cũng chưa khoẻ hẳn…”
Ông Conway làm một bộ điệu như trách móc, dắt tay Vân Anh đi lên, ông quay sang phía Vân Anh:
“Nghe chuyến đi Mỹ của cô bị hoãn, tôi cũng tiếc hộ. Nhưng lo gì, giỏi như cô thiếu gì cơ hội. Nếu có dịp cô cứ tin là tôi sẽ nghĩ tới cô đầu tiên.”
Vân Anh cảm động chớp mắt nói:
“Ông tốt quá, tôi không biết nói sao để cảm ơn ông.”
Ông Conway vẫn cười, giọng trầm buồn bảo Vân Anh:
“Tôi có hai đứa con hiện ở cả Tennessee với bà nội, một trai một gái cũng bằng tuổi cô. Xa chúng nó lâu tôi cũng nhớ, thấy cô dễ thương tôi muốn coi như đứa con tôi…”
Người con gái thấy lòng bớt hẳn trống trải, nàng muốn tìm một câu nói bâng quơ để diễn tả niềm vui; Vân Anh nâng vạt áo bằng tơ chuối của ông Conway hỏi âu yếm như một đứa con:
“Chiếc áo lạ quá, mỏng nhẹ và trong suốt.”
Ông Conway cười:
“Món quà đặc biệt của Phi luật tân đó!”
Ông lại nhún vai làm một điệu bộ nói:
“Mỏng và nhẹ đến nỗi không biết là có mặc nó trên người, chỉ khi nào cử động mạnh mới cảm thấy.”
Vân Anh bật cuời ròn rã. Hai người đi hết một cầu thang thứ hai rồi rẽ sang hành lang bên trái; ông Conway bước nhanh vào văn phòng còn quay lại mỉm cười. Vân Anh thơ thẩn bước vào lớp học đã đông người, một lát sau ông Conway đi vào. Buổi học trôi qua chậm và dễ dãi. Ý nghĩ Vân Anh vẩn vơ, nàng đưa mắt nhìn ra ngoài, ánh sáng chiếu chếch vào hành lang , trên các tấm kính mờ lấp lánh những ngôi sao nắng, phòng học sáng lên. Bên ngoài cửa, một khoảng trời xanh trong suốt và không có một đám mây, mấy ngọn cây cao vỗ những chiếc lá xanh lấp lánh và rung động nhẹ; Vân Anh thấy lại cái cảm giác chờ đợi bơ vơ, vẫn cái tâm trạng ấy bơ vơ và xa cách.
Đứng trên gác ba nhìn xuống mấy người đi lại chỉ thấy đỉnh đầu và những bước chân đi. Phía ngoài đường xe đậu từng hàng. Cả một bầu trời cao và xanh như mầu nước biển. Một chiếc phi cơ phản lực bay thật cao, vẽ nên một đường mây trắng dầy xẻ đôi vòm trời, lớp mây tản mạn ra dần; Vân Anh liên tưởng tới lớp sóng bạc của con tàu rẽ ra khơi - người con gái lại thấy nhớ tới Minh, nhớ tới người chú và nhớ tới nỗi chờ đợi chán nản của một chuyến đi vô định…
Từng chùm hoa hồng tím nở trên hàng dây leo bên tường, hoa mười giờ được nắng nở đầy tren sân cỏ; cây dừa của nhà bên kia đường đứng im lặng, các tàu lá rũ xuống, mầu lá xanh đậm phản chiếu ánh nắng lấp lánh như bạc, thân cây khô và thẳng, chiếc búp của tàu lá non đâm vút lên như một lưỡi gươm: một cảm giác đau nhói và nghẹn ngào đè nặng ở ngực, Vân Anh thấy chóng mặt gục đầu trên thành lan can, sức nặng như đè trĩu xuống đầu kéo toàn thân người nàng ra phía ngoài – mấy ngón tay còn bấu víu chơi vơi, cũng chẳng còn lý do để chống cự hay tranh đấu nữa, Vân Anh buông thả mười ngón tay với một cảm giác nhẹ hẫng. Vân Anh chỉ còn nghe kịp một tiếng hét thất thanh và một tiếng đập mạnh trên nền đất, trước khi đi vào một thế giới hoàn toàn vô tri giác.

<< PI - Chương 7 | PI - Chương 9 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 560

Return to top