Tôi bước ra khỏi nhà vừa lúc những tia nắng nhợt nhạt cuối cùng vừa láy trên ngọn cây, láy lên rồi lại tắt lịm. Tôi bổng nghe tim mình nhói đau. Một ngọn nắng vừa tắt, một ngày vừa qua. Có còn kịp gặp anh không, Hoàng.
Ba tôi đưa tờ báo lên cao, che kín cả khuôn mật. Có lẽ ông đang đọc những giòng chót của tờ báo. Tôi muốn nhìn thấy khuôn mặt của ba tôi lúc đó để đoán xem ông đang nghĩ gì. Tiếng mẹ tôi hòi:
- Có gì lạ không ông, xem có trận đánh nào lớn không?
- Lạ thật, bà hỏi chuyện đánh nhau làm chi vậy?
- Lãng nhách, có một tờ báo mà ông ôm lấy đọc, đọc đủ hết các cáo phó, tin mừng.
Ba tôi ngừng đọc, nhìn mẹ tôi cằn nhằn, giọng ông ôn hòa:
- Đi chơi bà cũng cằn nhằn, ở nhà bà cững cằn nhằn. Thôi đi chứ bà. Vợ chồng già rồi đừng để con gái cười. Sắp có rể rồi đó.
Tôi giật mình, ba nói gì vậy. Sắp có rể?
- Sao Lê ngồi buồn như bụt vậy con?
Mẹ tôi quay sang hỏi.
Buồn mà như bụt hở mẹ. Giá được như bụt, lòng tôi sẻ thoải mái biết bao.
Buổi chiều lúc đến nhà Tịnh, klhông gặp nó con bé đã một mình đi xuống bịnh viện Cộng Hòa. Tôi chỉ gặp bà cụ ngồi đọc kinh trước bàn Phật. Tôi đã đứng yên lặng thật lâu sau lưng bà, ngước mắt nhìn lên tượng Phật. Khuôn mặt hiền hòa và nụ cười nhân ái của Phật làm tôi xúc động. Hình ảnh người mẹ già ngồi cầu nguyện cho đứa con trai thân yêu khiến tôi rưng rưng cảm động.
- Bà ấy suốt ngày chỉ đi chùa với tụng kinh.
Hoàng kể cho tôi nghe như thế. Nhưng chưa bao giờ tôi dám nhìn mặt bà cụ. Mỗi lần đến chơi với Tịnh, tôi vẫn ngập ngừng, tránh mặt bà.
Tụng kinh xong, mẹ Hoàng quay lại nhìn tôi:
- Ủa cháu, cháu mới đến hả, ngồi chơi chờ bác một chút.
Bà cụ thay chiếc áo tràng màu lam, tháo đôi kính nặng nề và nét mặt giữ bình tĩnh:
- Cháu đến tìm Tịnh đấy hả?
- Vâng ạ. Giọng tôi mất vẻ bình thường.
- Tịnh vào bịnh viện rồi cháu ạ. Anh Hoàng nó mới bị thương.
Mắt bà cụ rơm rớm, nhưng không muốn để tôi trông thấy, bà cụ vội quay đi. Tôi cũng cố ngăn tiếng nấc chỉ chực trào ra cổ. Cố giữ đi Lê, đừng khóc trước mặt mẹ Hoàng. Tôi cố lấy cam đảm để hỏi bà về bịnh tình của Hoàng, nhưng tôi không thể.
Tôi không dám ngồi lâu với bà cụ. Nói chuyện một lát, tôi nại cớ sợ trời tối để xin phép cáo từ. Tôi không biết nếu còn ngồi bên mẹ Hoàng thêm một lát nữa tôi có còn cầm được nước mắt hay không?
Trở về nhà, tôi không đủ cam đảm ngồi một mình trong phòng, sau bữa cơm tối, tôi xuống salon ngồi với ba mẹ.
- Lê.
- Thưa mẹ gọi con.
- Chiều nay con đi đâu về mà trông con buồn hiu vậy.
- Dạ đâu có gì. Sắp thi rồi nên con lo đấy mẹ.
- Thi đỗ đi rồi mẹ gã chồng cho.
-Có con gái lớn trong nhà mẹ con cứ lo ngay ngáy.
Giọng ba tôi bông đùa.
- Hay chửa. Tôi lo cái gì đâu....mà cũng phải lo chứ. Có con ai lại chẳng lo cho con .
- Ừ thì tôi bảo bà lo chứ có nói gì đâu.
- Ông chỉ giỏi nói bông đùa. Có chuyện đứng đắng sao không nói cho con nó nghe đi.
- Mẹ con nói với nhau có phải tiện hơn không? Nhưng thôi để tôi xem ý nó thế nào.
Nét mặt của ba tôi trở nên nghiêm chỉnh, ông nhìn tôi nói tiếp:
- Lê à. Con nghĩ thế nào về cái đám cậu Thuỵ . Người ta ngỏ ý với ba mẹ đôi ba phen rồi đấy.
- Thưa ba mẹ, con chưa nghĩ gì cả, nhất là lúc nầy con hãy còn lo học thi.
Nhắc đến chuyện cưới gả, tôi lại nhớ Hòang xót xa. Hoàng ơi ! Bao giờ anh đến nói với ba mẹ em? Bây giờ anh ra sao?
Nước mắt tôi ứa ra. Hai giòng lệ không kịp ngăn chảy đi xuống má.
- Sao thế Lê? Mẹ tôi hốt hoảng.
- Ba mẹ tha lỗi cho con. Tôi nức nở
- Gì vậy Lê. Có điều gì con cứ nói cho ba mẹ hay. Ba mẹ đâu đã ép con. Ba tôi nói.
- Lê, con làm gì kỳ vậy? Hay con có chuyện gì buồn? Mẹ tôi đứng dậy sang ngồỉ cạnh tôi.
- Nếu con không thích, ba mẹ chẳng bao giờ ép. Ép dầu ép mỡ chớ ai nỡ ép duyên con. Hay là con yêu ai rồi, nếu thế con cứ nói cho ba mẹ biết.
- Con thương anh Hoàng. Tôi lại bật khóc.
- Hoàng nào cái thằng chuẩn úy mới ra trường đó hả. Ba biết rồi, thằng đó bảnh trai. Tuần trước ngồỉ lì cả tối ở đây này.
- Nhưng nó có nói gì với con chưa. Mẹ tôi lo lắng.
- Dạ có. Tôi đáp thật nhỏ.
Ba mẹ tôi nhìn nhau, dường như ba tôi gật đầu.
- Con thương thằng đó được. Tính tình nó vui vẻ, hiền hòa. Chỉ phải cái tội nó đi lính. Nhưng thôi, thời buổi này ai mà chả phải đi lính. Không đi lính trước cũng vô lính sau.
Không đi lính trước cũng vô lính sau.Tôi rùng mình Sao cứ nghĩ những điều kinh khũng. Tôi đứng lên ôm mặt bỏ chạy.
- Con gái tôi xấu hổ. Sắp lấy chồng chứ nhỏ bé gì nữa mà mắc cở. Tiếng cười của ba tôi vọng theo.
Suốt ngày hôm nay, tôi lẩn quẩn theo chân Tịnh. Tôi hồi hộp, tim muốn bứt ra theo mỗi cái nhíu mắt, cau mày của Tịnh khi tôi và Tịnh xuống đến bệnh viện Cộng Hòa, chiếc giường của Hoàng đã có một thương binh khác vào nằm.
Còn Hoàng, bác sĩ đã cho đưa vào phòng lạnh ngay từ khi bác sĩ trông thấy thương tích một viên đạn trong bụng, đâm suốt ra đằng sau lưng, một viên khác mắc kẹt gần ống phổi.
Từ sáng đến giờ, ba giờ chiều, tôi chưa được trông thấy mặt Hoàng.
Chỉ còn mình tôi ngồi đợi ngoài phòng lạnh. Tịnh đã đưa bà cụ về nhà. Chờ suốt buổi sáng để nhìn mặt con trai, bà cụ gần kiệt sức. Tôi ngồỉ trên băng ghế gỗ, lòng bồn chồn. Lúc đầu tôi còn dán mắt vào cánh cửa phòng lạnh, tưởng như có thể trông thấy chàng qua lớp gỗ. Nhìn được một hồi, mắt tôi bắt đầu mỏi, tôi ngã người dựa vào tường, mắt khẻ nhắm Những hình ảnh quáí dị chập chờn làm tôi kinh hoàng. Tôi lại mở bừng mắt nhìn vào phòng lạnh. Tôi chẳng trông thấy gì được. Giá cánh cửa bằng kiếng, tôi sẽ trông thấy rõ chàng. Tôi đứng lên đi lui đi tới trong hành lang. Chiếc hành lang bệnh viện đi hun hút. Hai bức tường trắng chạy dài lạnh lẻo, rợn người.
Buổi chiều thật vắng lặng, giữa tôi và Hoàng cả một khoảng vách mênh mông.
Buổi sáng tôi đã gặp được bác sĩ và hỏi được thương tích của chàng.
- Cụt chân hay cụt tay không bác sĩ?
- Không. Tay chân không nguy hiểm.
- Thế vết thương nguy hiểm thế nào?
- Hai viên đạn mất khá nhiều máu.Nhưng không sao đâu. Nhiều người còn bị nặng hơn thế.
Những người bị nặng hơn thế và như thế họ có còn sống sót hay không. Tôi thèm trông thấy mặt chàng. Hoàng ơi, đến lúc nào anh mới tỉnh lại?
Nắng rực rỡ trên mái bệnh viện và những hàng cây xanh chói sáng trong nắng làm tôi nhớ những trưa nắng Thủ Đức. Lần đầu tiên tôi đi thăm chàng, hai đứa đã nhìn nhau như muốn nuốt lấy hình ảnh nhau. Trên thảm cỏ những đôi nhân tình dìu nhau âu yếm Tôi chỉ dám đứng nhìn Hoàng, tay chưa dám cầm tay. Chuyện tình của chúng tôi vương vấn bàn tay, vuốt hờ mái tóc. Chỉ thế thôi cũng đã đủ cho má tôi hồng như thoa phấn. Tiếng động đánh thức tôi ra khỏi giấc mơ kỷ niệm. Ngưới y tá từ phòng lạnh bước ra, khi ông thấy tôi, mắt ông ta nhìn thật lạ.
- Cô là người nhà ông Hoàng.
- Vâng.
- Còn ai nữa không?
- Dạ mẹ và em gái anh ấy sắp vào.
- Thế cô là gì của ông ấy?
- Dạ em họ. Tôi ấp úng.
Người y tá nhìn tôi ngập ngừng rồi vội quay đi.
- Thưa ông ....
- Tôi đi mời bác sĩ .
- Thưa ông.
Ông ta không còn nghe tôi nói, bóng ông khuất nhanh sau lối rẽ của hành lang.
Một bầu trời nắng vàng vừa tối lại trước mắt tôi Hoàng ơi. Cho em được vào với anh. Hoàng ơi,cho em thấy mặt anh. Không ai cho em vào, không ai cho em được biết gì đang xảy đến với anh.
Bác sĩ đến. Tôi nhào vào theo. Vô ích, người ta ngăn tôi lại:
- Đừng làm thế. Cô cứ chờ ở ngoài. Hãy để bác sĩ lo cho bệnh nhân.
Cánh cửa phòng khép lại che đôi mắt người y tá cúi xuống tránh nhìn tôi.Tôi ngồỉ vật xuống ghế. Hy vọng, Lê ơi cố lên. Bám lấy hy vọng. Miễn là Hoàng chưa chết.
Chỉ một lát, Tịnh đưa bà cụ vào. Trông thấy nét mặt thất thần của tôi, cả hai đều hốt hoảng.
- Vào được chưa Bác sĩ nói sao hả Lê . Tịnh hỏi dồn dập.
- Bác sĩ đang ở trong đó.
- Chuyện gì vậy. Mắt Tịnh loé lên ánh sáng linh cảm.
- Người ta không cho biết.
- Lạy trời. Con tôi...Mẹ Hoàng ngẹn ngào.
Bác sĩ đi ra trước, người y tá theo sau.
- Thưa Bác sĩ ....Bà cụ lên tiếng trước nhất.
Bác sĩ chỉ lắc đầu, mắt ông chẳng nhìn ai.
- Thưa Bác sĩ thế nào?
- Không được. Nét mặt ông thật dịu dàng, buồn bả.
Tịnh òa lên khóc. Mẹ Hoàng rũ xuống như một tàu lá.
- Khoan đã cô. Để chờ đưa qua nhà xác. Người y tá vội vàng giữ tay Tịnh lại khi nó chạy vào phòng.
- Chúng tôi lạy ông, cho chúng tôi được nhìn mặt con con tôi.
- Xin bà hiểu, luật ở đây như thế, phải chờ đưa qua nhà xác. Chúng tôi cho đưa qua ngay bây giờ.
- Lạy ông cho chúng tôi thấy mặt ...con...Bà.. cụ nấc lên từng hồi.
Tô đứng lặng nhìn mẹ con Tịnh vật vả. Nước mắt ướt đẩm gương mặt tôi nhưng tôi không khóc. Đau đớn đè nặng trái tim làm tôi nghẹt thở. Trước mắt tôi nhoè nhoẹt màu vàng, một màu vàng của nắng chiều tàn lụi.
Hết. Thế là hết hở anh Hoàng. Chân tôi tự động bước ra khỏi hành lang hướng về cổng bệnh viện. Nắng vẫn vàng rực trong sân, màu vàng mê loạn của một cơn sốt. Dường như có tiếng ai gọi tôi. Người y tá xuất hiện, báo cho tôi biết Hoàng đang được đưa vào nhà xác và chỉ đường cho tôi đến. Tôi không hiểu cách nào đôi chân tôi thôi hướng về cổng mà bước theo hướng vào nhà xác. Nơi đó tôi sẽ gặp Hoàng. Một lần cuối để nhìn chàng rồi hết, mãi mãi.
Khi tôi về đến nhà, mẹ tôi đứng chờ trước bậc thềm.
-Mẹ.
- Con đi đâu từ sáng đến giờ. Buổi trưa con không về làm ba mẹ lo lắng. Ba con đã đi tìm con.
Tôi đứng chết trân trước mặt Mẹ, Mẹ ơi, mẹ biết con đi đâu không. Mẹ biết Hoàng mất không mẹ.
- Con đi đâu sao không nói trước cho ba mẹ biết. Con làm ba mẹ lo sợ. Con đã lớn đừng để ba mẹ buồn.
- Mẹ. Con đi với Tịnh .
-A, Con đi chơi với nó hả. Lần sau muốn đi đâu phải thưa trước với ba mẹ, chứ con đi như thế làm ba mẹ lo lắng
- Mẹ con đi gặp anh Hoàng.
- Thế thì con hư quá. Con lại đi chơi với nó chứ gì. Lần sau các con phải xin phép ba mẹ trược. Giọng mẹ tôi vừa nghiêm nghị vừa âu yếm.
- Thôi con vào thay quần áo đi. Mẹ cũng vào làm cơm kẻo muộn rồi.
- Mẹ anh Hoàng...
- Thằng Hoàng muốn xin lỗi hả. Được rồi. Tụi mày hư lắm.
- Mẹ, con muốn nói với mẹ anh Hoàng...
- Đừng bào chữa nữa. Trông cái mặt tái mét cũa con mẹ cũng biết con sợ lắm rồi, đừng ấp a ấp úng nữa. Thôi mẹ đi làm cơm đây.
- Mẹ ơi, Mẹ nghe con nói ....
- Mẹ không muốn nghe nữa. Lát nữa, ba về con hãy xin lỗi ba. Con đã hối hận, mẹ không giận con đâu. Giờ mẹ phải làm cơm.
- Mẹ.
Mẹ tôi khuất rồi. Mẹ không muốn nghe tôi nói. Mẹ không muốn biết tin Hoàng.
Sao mẹ có thể tưởng chiều nay tôi đi chơi với Hoàng.
Buổi chiều cuối cùng, không một lời trăn trối, không một ánh mắt gửi lại.
Mẹ vô tình như nắng vẫn vô tình nhảy nhót giữa không gian, khi mà Hoàng, ánh nắng sười ấm tim tôi đã tắt.