Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Mơ Yêu

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 50370 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mơ Yêu
Khánh Vân

Chương 23

Buổi sáng.
Người ta nói người già ít ngủ. Hình như điều đó đúng. Ông bà Lân đã dậy từ sớm. Gió rít ngoài cửa kính nghe buốt cả người. Hai người rủ nhau xuống nhà hàng của khách sạn uống cà phê sớm và đợi điểm tâm. Ngang quầy tiếp tân, ông Lân trả chìa và nhờ cậu trực quầy đang ngái ngủ nhắn lại với Viễn, khi anh xuống tới là Hạ chờ anh ở nhà hàng, còn bà Lân đẩy cửa vào nhà hàng trước.
Chỉ mới hơn sáu giờ một tí, bà là người đến sớm nhất. À, mà có lẻ chưa phải là sớm nhất. Bàn sát ngay cánh cửa, mé phải, có một người khách đã ngồi đó, trong bóng tối nhờ nhờ của buổi sáng và với đóm lửa đỏ thỉnh thoảng lại rực sáng theo hơi rít.
Bà Lân chọn chiếc bàn dễ nhìn thấy trong quán, bà muốn khi Hạ và Viễn xuống đến, họ không cần tìm lâu.
- Thưa, bác dùng gì ạ? - Cậu thanh niên phục vụ niềm nở bước lại hỏi bà.
- Hai cà phên, một đen không đường, một cà phê sữa nhưng ít sữa thôi cháu ạ - Bà trả lời.
- Thưa, bác có dùng điểm tâm không ạ?
- Chút nữa bác sẽ gọi. À... mà... - Bà thắc mắc - Sao cháu không bật đèn trong góc kia. Để quên khách trong bóng tối như thế này dễ bị họ mắng vốn lắm đấy.
Nhìn theo tay bà chỉ, người phục vụ khẽ cười:
- Cô gái ấy xuống sớm lắm, chưa đến năm giờ, cô ấy đánh thức nhà hàng dậy đấy, gọi hai, ba tách cà phê rồi và nhất định không cho cháu bật đèn khu đó - Anh ta lắc đầu - Nghệ sĩ thì cũng có những cái tật kỳ quái như thế đấy bác ạ.
Nghệ sĩ? Bà Lân chưa biết rõ câu nói của anh chàng phục vụ, thì ông Lân cũng vừa đến bàn, anh ta chào hai người và đi mất.
Ông Lân nhìn nét mặt đăm chiêu của bà, ông cười hiền hậu:
- Mình đã gọi gì cho tôi chưa?
- Rồi - Bà mỉm cười - Vẫn cà phê không đường chứ gì? Mấy mươi năm nay, ông chỉ có vậy thôi mà.
- Ừ, tôi quen rồi - Ông nói, rồi bất chợt ôm ngực ho sù sụ.
Bà Lân đưa tay vuốt ngực cho ông, bà cằn nhằn:
- Khi nãy đã nhắc ông mặc thêm áo rồi mà.
Dứt cơn ho, ông mỉm cười khi thấy bà xốc lại cổ áo ông cho kín bằng cử chỉ nhẹ nhàng, quen thuộc.
- Mới đó đã bốn mươi mấy năm rồi mình nhỉ?
- Hả - Bà ngạc nhiên.
- Tôi nói mới đó đã hơn bốn mươi rồi. Ngày đầu tôi gặp mình đó.
Bà Lân cười lắc đầu:
- Ông lại lẩm cẩm mất rồi. Hơn năm mươi năm chứ. Chính xác hơn là đã năm mươi hai, năm mươi ba năm rồi. Ông chắc đã quên thằng Viễn, cháu nội mình năm nay đã ba mươi rồi đấy.
- Ừ, phải.
Ông gật gù, giọng mơ màng hồi tưởng:
- Tôi còn nhớ lúc đó mình cũng chăm sóc tôi ân cần như bây giờ, cũng cằn nhằn, than phiền tôi mặc ít áo.
Gương mặt bà buồn hẳn, không mơ màng, hạnh phúc như ông, bà lầm bẩm:
- Tôi đâu có quên được. Ngày ấy... ngày ấy tôi chỉ là một con ở.
Phải! Ngày ấy bà chỉ là một con ở. Công việc của bà chỉ là chăm sóc, tưới nước, bắt sâu cho mấy bồn hoa, luồng hoa, cắt hoa chưng phòng mỗi sáng và phụ mỗi chiều.
Cậu con trai duy nhất của nhà chủ từ khi có cô gái nghèo mười sáu tuổi vào làm việc, thường thức sớm ra vườn ngắm hoa. Thỉnh thoảng, cậu vướng cơn ho dài, lại phải dựa vào bờ rào ho sặc sụa từng tràng.
Thoạt đầu, chỉ vì tội nghiệp hình vóc ốm yếu, quanh năm bệnh hoạn của cậu chủ nhỏ mà bà quan tâm, săn sóc ông, như với một người bạn nhưng không hề biết rằng những lần mỉm cười thân thiện, những quan tâm nho nhỏ của mình đối với cậu ta, đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống mình, đã đảo lộn tất cả những ước mộng trong sáng, chân thật của mình đối với tình yêu.
- Ngày ấy, chỉ vì tôi, ông đã đương đầu với bao nhiêu là khó khăn trước người thân của mình - Bà nhớ lại.
Với gia đình đầy quyền thế, giàu có, ông là đứa con trai duy nhất. Làm sao họ chấp nhận có một con bé ở mướn lại đèo bồng và làm khổ cậu con trai mới lớn của họ.
Họ khuyên ngăn ông, đe nẹt và doa. dẫm bà. Nhưng vẫn cương quyết với ý định của mình, ông tìm đủ mọi cách để gặp lại bà và để gia đình phải đồng ý. Cuối cùng, rồi họ cũng lấy được nhau. Không, ông có được bà chứ, cậu con trai nhà giàu hai mươi tuổi và cô gái nghèo chỉ mười sáu.
Ông lấ bà vì tình yêu duy nhất của mình. Còn bà, lúc ấy chỉ vì hoàn cảnh, và một phần vì sự rẻ khinh, hiếp đáp của gia đình ông. Họ đã nói bà là con quỷ nhỏ hớp hồn ông, họ nói vậy. Họ càng doa. dẫm, nhiếc móc, bà càng giận và muốn làm đúng như họ lo sợ. Lấy con trai họ và dần nắm cả công việc làm ăn của họ Huỳnh.
Ông Lân mỉm cười, như thấu hiểu hồi ức của bà, ông tư lự:
- Mình thấy đó, mấy bà chị và cả cha mẹ đều bảo tôi đã sai lầm. Thật ra, quyết định lấy cho được mình làm vợ là quyết định đứng đắn và tốt đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Tôi đã có mình hơn năm mươi năm rồi và luôn hạnh phúc vì điều này.
Im lặng giây lát, rồi ông nhẹ nhàng nói tiếp:
- Tôi biết lấy tôi, mình đã khổ sở như thế nào, và thậm chí còn mất đi tình yêu sâu đậm ban đầu.
Bà giật mình nhìn ông, ông vẫn đôi mắt tỉnh táo, hiền hoà, chín chắn.
- Đừng ngại, thật ra tôi hiểu từ đầu mình không hề yêu tôi, mình có một tình yêu với người hoa. sĩ mà bức tranh lẻ loi của ông ấy còn để trong phòng khách. Vì tình yêu ích kỷ của mình, tôi đã không dám lộ ra, tôi đã e sợ mình thoát đi. Xin lỗi đã làm mất của mình cả một đời.
Bà nhìn ông cảm động.
- Đừng nhắc nữa ông ạ!
Ông thở dài hối lỗi, rồi đổi giọng nói chuyện khác:
- Cái bệnh của tôi, ai cũng nói sống không quá bốn mươi tuổi, phải không mình? Vậy mà có mình bên cạnh, chúng ta đã quá thất tuần rồi.
- Đúng rồi.
Bà thắc mắc:
- Có lẽ ông muốn nhắn nhe gì với tôi đây chứ gì? Sao không nói thẳng ra đi.
Ông Lân chợt cười vì sự tinh ý của bà. Nhưng chưa kịp cười lâu, tràng cười đã đổi thành tràng họ Bà Lân nhăn mặt vuốt ngực áo cho ông.
- Đó, đã bảo...
- Mặc thêm áo chứ gì?
Ông nói trong tiếng ho khan.
Đột nhiên, ông giữ lấy tay bà:
- Mình đã già, dù không muốn nhận cũng không được, phải không mình. Chúng ta đều đã già rồi.
Bà nhíu mày:
- Ông nói gì?
Ông từ tốn nói:
- Mình đã già rồi. Hãy để lũ trẻ tự quyết định lấy đời chúng nó. Như tôi vừa nói, lúc tôi có quyết định đúng nhất là năm tôi chỉ mười chín, hai mươi. Thằng Viễn năm nay đã ba mươi tuổi rồi. Đừng can thiệp mãi vào chuyện bọn trẻ nữa nhé Hạnh.
Bà Lân rùng mình. Ông gọi tên bà vẫn trìu mến, tin cậy như xưa. Nhưng còn chuyện ông nói thì...
Bà cười:
- Cái tôi lo là ở chỗ ông lấy vợ năm hai mươi tuổi. Thằng Ân con mình khù khờ đến thế mà cũng đòi vợ năm hai mươi tuổi. Còn thằng Viễn bây giờ đã ba mươi tuổi, nhưng chưa hề có ý định lấy vợ, nếu tôi không lầm.
- Ủa, vậy chứ con bé bạn gái của nó, nó bảo là sẽ tiến tới mà.
Bà Lân tủm tỉm:
- Ấy, thấy vậy mà hình như không phải vậy đâu ông ơi.
- Thế bà định làm gì? Giới thiệu làm mai cho thằng nhỏ đứa con gái khác sao?
Bà xua tay.
- Ồ không. Tôi đâu đến nỗi độc tài thế, tôi bỏ ý định đó rồi.
Ông Lân đăm chiêu:
- Vậy... bà có thích con bé Hạ không?
- Ông đừng lo tôi cản trở nó như chuyện thằng Ân lúc xưa, trái lại tôi sẽ tìm cách cho mọi việc suôn sẻ, tốt đẹp hơn. Con bé này thật tình tôi cũng hơi thích nó. Nó sẽ là một đứa cháu dâu dễ thương tuy hơi bộc trực và trẻ con, nhưng tốt hơn mẹ thằng Viễn nhiều, nhiều lắm.
Ông ngạc nhiên:
- Nhưng không có mình, chúng nó cũng sẽ lấy nhau thôi. Vì vậy nó mới xin mình ở lại đây.
Bà cười, lắc đầu bí hiểm:
- Đợi nó quyết định thì chắc còn lâu ạ.
Ông Lân định hỏi rõ ý bà, thì thấy Viễn và Hạ đã vào đến cửa.
Bà Lân trong lúc nói chuyện với chồng thỉnh thoảng vẫn liếc mắt để ý đến đứa con gái xinh đẹp nhưng đen thui ngồi ở cạnh cửa, hút thuốc liền tay từ khi khoảng không gian đó còn chìm trong bóng tối. Khi Viễn đưa Hạ bước vào, đứa con gái đó vụt đứng dậy. "Có chuyện gì rắc rối quá đây". Bà Lân nghĩ bụng, bà không bất ngờ. Viễn cũng vậy.
Anh đanh giọng với Lam Anh:
- Xin lỗi, tôi không có gì để nói.
Lam Anh run lên cố giữ anh lại:
- Em chỉ muốn anh hiểu là...
- Tôi hiểu - Viễn cắt ngang lời cô - Tôi hiểu chứ. Không cần em giải thích hay phân trần gì đâu. Hôm qua tôi đã chúc em thay câu chào từ biệt đấy thôi. Em sẽ thành công trong sự nghiệp của mình mà. Thôi, chào nhé!
Cánh tay Hạ vẫn bị kềm bên cạnh cô, đứng thừ ra trước tình cảnh trước mắt, và đành bước theo Viễn lại bàn, sau khi nhìn lại, ngậm ngùi cho tâm trạng của Lam Anh.
Bà Lân nâng tách cà phê, không máy môi, bà nói với chồng:
- Rất nhiều rắc rối đấy ông ạ. Ông nghĩ sao?
Vì tình huống mới, ông thở dài:
- Thôi được, tùy mình vậy.
Rồi ông nháy mắt tiếp theo:
- Thật ra tôi cũng muốn sớm có chắt trước khi lìa đời.
- Dĩ nhiên là vậy rồi.
Bà Lân nói với ông, nhưng quay ngay qua tươi cười đón Viễn và Hạ:
- Chà, hai đứa đây rồi. Ông nội tụi con còn định ra quầy tiếp tân gọi điện lên đánh thức thằng Viễn nữa chứ.
Viễn cười nhẹ:
- Bây giờ thì khỏi cần rồi hả nội? Tụi con dậy cũng sớm chán.
- Ừ, sớm lắm. Lúc hai ông bà già này xuống đây, nhà hàng còn vắng tanh, bây giờ đã sắp đầy người rồi, không chừng hết cả điểm tâm luôn đấy, cậu hả?
Viễn mỉm cười trước lời ông nội, anh nghe bà quay sang quan tâm đến Hạ:
- Hạ ngủ ngon không cháu?
Biết trước cặp mắt hơi sưng và mệt mỏi cùa mình khó qua mặt được bà, cô bèn viện cớ:
- Dạ, cháu hơi lạ nhà chút xíu ạ!
- Ừ, đã vậy cái thằng Viễn chắc là đã dắt cháu đi đến khuya phải không? Cái thằng thật là...
Hạ vội vã phân trần:
- Dạ không phải tại ảnh đâu bà ạ. Chỉ tại con... con...
Cặp mắt tin tưởng, khuyến khích của bà Lân làm cô xấu hổ, cô nói đại: - Chắc tại tách cà phê tối qua thôi ạ.
Nói xong, Hạ thở phào. Chà! Lý do hình như đã tạm ổn. Nhưng cha và mấy ông anh mà nghe Hạ nói câu này chắc cười ngất. Sinh đẻ ở Buôn Mê Thuật mà bị cà phê làm mất ngủ thì đúng là chuyện khôi hài.
Nhưng ông bà Lân thì lại đang gật gù tội nghiệp cho cơn mất ngủ của Hạ đêm quạ Cô đã tưởng mình bình an rồi, nhưng chợt ngó sang thì Viễn đang ngả người trên ghế dựa. Mắt nhìn cô đăm đăm như muốn khám phá ra sự thật trong đầu cộ Miệng anh nhếch một nụ cười ngạo mạn dò xét làm Hạ phát cáu. Cô bĩu môi liếc anh một cái, làm miệng anh nở rộng thêm ra thành một nụ cười tươi hết cỡ của người biết mình nắm phần thắng.
Hai người đấu với nhau bằng ánh mắt và môi, không để ý đến người phục vụ vẫn đứng chờ cạnh ông Lân.
Hai người lớn tuổi nhìn nhau với nhiều ngụ ý.
 

<< Chương 22 | Chương 24 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 911

Return to top