Ngày trước, ngôi biệt thự họ Huỳnh luôn tươi sắc nhờ những hàng hoa hồng và cúc dọc lối đi. Đó là chưa kể những cây hoa sứ men tường rào.
Ngôi biệt thư này không đồ sộ lắm, vì họ Huỳnh xây cất để dành riêng cho cậu con trai duy nhất của mình và gia đình cậu ta.
Vì vậy, tuy chỉ mới ngoài hai mươi tuổi, nhưng vì kết hôn và có con sớm, nên cậu quí tử họ Huỳnh trở thành chủ nhân của nó.
Chỉ năm sau, ngôi nhà có mặt thêm một tiểu chủ, một ông chủ nhí. Đó là một chú bé được ra đời trong sự chào đón nồng nhiệt của mọi người. Chú bé lớn lên không giống như những chú bé, cô bé khác, vì thuở bé, những bài hát ru chú được nghe từ những bà vú với cái giọng khàn buồn, những giọt sữa chú uống không phải từ vú mẹ mà là từ những bình sữa hộp được pha từng cữ.
Mẹ đối với chú là người xa lạ, chỉ thỉnh thoảng mới thấy một lần. Mỗi lần như vậy không gian sự nức mùi thơm nồng, khác hẳn mùi hương thanh tao từ vườn nhà, thỉnh thoảng vào phòng ban đêm.
Năm lên sáu, khi một thằng bạn nhỏ học chung lớp khoe với chú.
- Mẹ tao đẹp lắm.
Chú nhớ nhà mình cũng có một người thỉnh thoảng vú bảo chú vòng tay thưa gọi bằng mẹ.
Chú cũng nói:
- Mẹ tao cũng đẹp, đẹp lắm và… thơm nữa
Thằng nhóc kia ngạc nhiên:
- Thơm hả?
- Ừ thơm lắm. - Chú gật đầu xác nhận.
Thằng bạn ngây ngô:
- Thơm như bánh quế mẹ tao làm không?
Mẹ chú bé đâu có vào bếp bao giờ, thì làm gì có chuyện làm bánh. Chú đáp bừa:
- Thơm hơn nữa á.
- Vậy mẹ mày có làm yaourt cho mày ăn không?
Chuyện này cũng không, chú bé nhớ đến chuyện ăn uống thường là dì Hai nấu bếp làm, chú gán ngay chuyện chuyện ấy cho người mẹ bình thưởng tưởng tượng của mình.
- Mẹ tao biết làm đó.
- Mẹ mày có kể chuyện cổ tích cho mày nghe không?
Chuyện cổ tích chú bé chẳng được nghe bao giờ, làm sao trả lời đây.
- Có luôn. - Chú vẫn dối.
- Mẹ mày có dạy mày hát không?
- Có luôn.
Càng ngày chú càng đáp suôn sẻ hơn. Có khó gì đâu khi cứ hỏi có mọi ưu điểm một người mẹ.
- Mẹ mày có đưa mày đi học, rồi lại dẫn mày về không?
- Cũng có luôn.
Thằng bạn cụt hứng với những dự định khoe khoang của mình. Cho đến khi, bà vú lại đến trường đón chú như thường lệ. Thằng nhóc khi nãy trố mắt nhìn người đàn bà đứng tuổi, quàu quạu vì công việc chán ngán, ăn mặc tầm thường.
Nó quay lại nói chú bé.
- Mày nói láo.
- Cái gì?
- Mẹ mày xấu òm, già nữa. Vậy mà nói mẹ mày đẹp và thơm hơn bánh quế.
Chú bé gân cổ cãi:
- Tao không nói láo.
- Mày nói láo.
Thằng nhóc kia la lên, rồi nhảy đong đỏng quanh đám bạn:
- Ê, thằng nói láo, thằng nói láo.
Mặt chú bé đỏ như gấc, hai tay chú nắm chặt lại tức tối trong tiếng cười trêu của lũ bạn. Thế là chú đã vô tình bị tẩy chay với đám bạn trong những ngày đầu đến trường.
Từ đó về sau, chú luôn là nhân vật chính trong các cuộc ấu đả ở trường.
Năm lên tám, chú bị đánh thức dậy bởi tiếng cãi cọ của phòng bên cạnh. Chú trở dậy và đi sang. Tò mò nấp sau cánh cửa hé, chú nghe rõ tiếng của cha mẹ.
- Tôi chán cảnh sống này lắm rồi. Anh đừng nói thêm nữa. Tôi phải có cuộc sống của tôi, và tôi có quyền tận hưởng nó.
- Nhưng em tận hưởng bằng cách bôi tro, trát trấu vào danh tiếng gia đình tôi - Cha chú quát.
Giọng mẹ cười như điên dại:
- Gia đình anh không phải chỉ có danh tiếng hão. Tại sao cứ bắt tôi o ép trong khuôn khổ của cái danh tiếng mà không cho tôi một chút quyền hạn, một chút cương vị.
- Em muốn nói gì?
Mẹ cười khẩy:
- Tôi muốn nói điều mà anh cũng quá rõ.
- Ngày anh nói yêu tôi, tôi chỉ là con bé mười chín tuổi, những tưởng tình yêu của một cậu con trai độc của họ Huỳnh đủ mạnh để tôi xứng mặt với đời. Nào ngờ, anh chỉ đủ sức òn ỷ gia đình để lấy tôi. Rồi thôi, sinh cho anh một đứa con trai nhưng cũng không hề lôi kéo được sự chú ý và châm chước của bà mẹ chồng. Tôi suốt ngày cứ phải quẩn quanh xó bếp, không bao giờ được ló mặt ra với thiên hạ.
Cha bực tức nói:
- Chẳng phải những lần hội hè, tiệc tùng em cũng vẫn được dự đó sao? - Nhưng chỉ là vai phụ, một vai trò hư danh hão huyền. Càng ngày tôi càng thấy mình ngu ngốc và căm thù mẹ anh. Tại sao bà cũng là con dâu mà lại xuất thân từ thứ nghèo khó, mà bà lại nắm quyền toàn bộ nhà họ Huỳnh, anh là con trưởng cứ răm rắp tuân lời bà giá khó chịu đó. Tôi là nàng dâu độc nhất mà y như bà hoàng bị cấm cung - Mẹ gào lên. - Tại sao không cho tôi chút quyền lợi nào, tại sao lại còn o ép tôi với nghĩa vụ, rồi danh dự dòng họ. Tôi chán ngấy tất cả rồi.
- Nhưng em còn con và có trách nhiệm với nó. Con còn nhỏ làm sao em đảm đương được gì mà đòi quyền hành với quyền lợi.
- Con? - Một tràng tiếng cười the thé lại vang lên trong đêm , mẹ xỉa xói - Tưởng đâu sinh nó ra vai trò của mình được nâng lên. Ai ngờ lại càng bị bó buộc. Tôi không chịu nổi nữa rồi.
- Cô định làm gì? - Giọng cha căng thẳng.
- Tôi đi đây.
- Tại sao? Cô đi đâu mới được.
Giọng mẹ thản nhiên đến lạnh lùng.
- Tôi đi tìm một vùng đất mới để sống. Ở đây ngộp thở quá rồi. Tôi đã phí mất tám chín năm trời chôn chân ở cái gia đình họ Huỳnh này. Thật uổng phí biết bao nhiêu. Bây giờ tôi phải đi, để sống cho tôi.
Cha nổi giận:
- Sống cho cổ Cô bảo sống cho cô là nghĩa lý làm sao? Cô còn muốn gì nữa chứ?
- Mẹ tôi dù chuyên quyền và khó khăn. Cô cũng đâu có ngày nào phải chịu cảnh làm dâu. Lấy nhau đủ lễ, đủ nghĩa, một căn biệt thự dành riêng. Tôi coi sóc quản lý công việc phụ mẹ, cô chỉ ngồi nhà trông con. Thế mà, từ ngày đẻ nó ra, cô có bao giờ bồng ẵm dạy dỗ nó đâu, chỉ đóng bộ đi chơi suốt. Bây giờ lại la cà ở mấy chỗ không sáng sủa, với đủ loại bạn bè, thử hỏi lại cô, coi cô có xứng đáng dâu con họ Huỳnh nữa không?
Chạm đến điều uất ức, mẹ tuôn ra ngay:
- Phải, tôi không xứng đáng là mẹ của thằng nhỏ, thì đó tôi trả nó cho mẹ con ông, kiếm đứa con gái ngu đần nào về nhà làm mẹ cho nó.
Bà nói tiếp:
- Còn nói về dâu con, tôi cũng không xứng? Vậy thì bây giờ tôi đi nè.
Sau phút sững sờ, cha thất thanh:
- Cô không được đi. Cô là vợ tôi, cô phải…
Mẹ cắt ngang:
- Tôi muốn ly dị. Ông viết giấy đi, tôi chả yêu thương gì ông, anh khờ ạ. Điều tôi muốn là làm dâu trưởng một nhà quyền quí, giàu có, nằm trong tay thế lực, tiền bạc, của cải, như mẹ Ông đó. Ông tưởng tôi thích ngôi nhà tù hãm này à? Không đâu, điều tôi muốn là được ở trong ngôi nhà lớn ở đường Lý thường Kiệt kia.
Mẹ cay đắng nói:
- Nhưng thật xui xẻo cho tôi. Mẹ Ông là con cáo già quỉ quyệt. Bà đã đoán biết được ý muốn của tôi. Nên tìm đủ mọi cách ngăn cản. Nào là xây nhà riêng, ở nhà trông con, tôi như bị xiếng xích đến hết đường cùng vẫy. Bây giờ là lúc tôi phải tháo cửa sổ lồng thôi. Cuộc chơi đã tàn rồi. Hãy nói với mẹ Ông là bà đã thắng.
- Nguyệt Quế! - Giọng cha gọi thất thanh.
Bóng mẹ đã lướt nhanh ra ngoài, ngang qua cậu bé đang giương mắt nhìn, bà đứng lại nhìn đưa tay vuốt má cậu. Nhưng không hiểu sao lại vụt thõng tay xuống cười khẩy rồi bỏ đi xuống thang.
Cậu bé vẫn đứng sựng ở cửa phòng giờ đây đã bị mở lớn. Cha ngồi lặng giữa phòng, trong cảnh ngổn ngang đồ đạc. Mắt ông nhìn trân trân lên bức ảnh phóng to hai người ngày cưới treo ở đầu giường.
- Cha ơi!
Cha chú sực tỉnh, quay nhìn xuống chú, ông ngẩn ngơ ôm chú vào lòng, nghẹn ngào:
- Con ơi! Nguyệt Quế đã đi mất rồi! Đã bỏ lại cho ta ra đi mất rồi.
Và ông khóc hu hu như một đứa trẻ. Ngoài vườn, hai bụi nguyệt quế mà năm xưa ông nằng nặc đòi trồng để chứng tỏ tình yêu với vợ, giờ đang tỏa hương thơm ngát. Cơn mưa đầu mùa đã gọi sạch bụi bặm, để hoa nguyệt quế nở bừng khi đêm về.
Ngoài đường, người đàn bà có tên gọi là Nguyệt Quế đã leo lên một chiếc xe chờ sẵn. Chiếc xe lao đi, đến cuối đường thì rẽ hướng khác. Hướng đó không biết có phải là hạnh phúc của một con người?