Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Đường Tự Do Sài Gòn

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 11713 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đường Tự Do Sài Gòn
Nhã Ca

CHƯƠNG 10.

Tám giờ tối, từ khách sạn Cửu Long, thằng Bò lết ngược tới phía bờ sông.
Hai hôm rồi nó không gặp con Quê. Dạo này con Quê bận rộn với công việc ở quán đằng sau hẻm nhà Bảnh. Chỉ có những hôm trời mưa, trong con hẻm nhỏ, bên chái một nhà hàng có mái che đống củi to, hai đứa mới gặp nhau, trú mưa qua một đêm an toàn. Bởi vậy, cứ chiều chiều là thằng Bò dù đang trên đường đi kiếm ăn, hay chạy việc cho cô Mai Bắc ở bờ sông, nó cũng dành một ít thời gian nằm bẹp xuống, nghiêng một bên để mắt có thể nhìn lên bầu trời, coi mây có xám, đen tới cỡ đêm có cơn mưa không. Những hôm trời trong, trăng sao vời vợi, dân bụi sung sướng không phải qua một đêm dầm mưa dầm gió tả tơi thì thằng Bò lại buồn hiu hắt, hờn giận cả ông trời.
Hôm nay cũng vậy, từ chiều, đã có mấy bóng mây xám, nhưng gió thổi một lúc, biến mất. Nó vừa nghiêng người một lần nữa, chán ngắt vì thấy bầu trời điểm sao.
Ngang qua nhà Tuyết Chà, nó ngừng lại nghỉ, như thói quen vậy. Nó xổm người trên thềm nhà cô Tuyết. Coi chuyện cũ với chàng nhạc sĩ có phần lãng quên rồi. Lóng này cô có kép mới. Cũng dân Bắc Kỳ, bị sa thải vì “lọng” bị thủng. Được cô Tuyết cưng quá trời luôn, sắm cho cái túi ngoại đeo, luôn luôn có cái cán vợt tenis lòi ra một đoạn trông sang trọng lắm. Cô Tuyết chi địa ngay cho một chiếc Dream màu đỏ và mấy cái quần bò. Có dáng, có xe, ăn mặc “mốt” nên trông “ngầu” lắm. Công việc cũng nhàn, sáng đi ăn sáng với cổ rồi ra sân. Đến tối mới gặp lại, đi ăn, rồi đưa cổ đi nhảy đầm. Bữa nghe cô Mai Bắc ngồi ăn quà kể với bạn: “Thằng chả chỉ được cái tướng chứ quê lắm, còn đầy bùn. Con Tuyết phải thuê đến mấy ông thầy tới dạy nhảy. Chăm nom cẩn thận tốn kém như thế mà cái chân thằng chả cứ như lát cuốc, bữa vô chân mình không biết lúc nào. Nghe vợ bỏ, mê một anh lính Ngụy học tập về...”
Mỗi lần thằng bò thấy mặt thằng chả là muốn nhổ một bãi nước bọt. Đàn ông gì mà thấy bám váy quần đàn bà rõ ràng...Tiền xăng phát, tiền đóng sân tenis phát...Đứa con gái của cô Tuyết coi khinh “chú” dượng này chớ không quí mến như với anh chàng nhạc sĩ kia...Có hôm thằng chả đi rồi, thằng Bò nghe cô Tuyết chửi con bé quá sá quà xa luôn. Con bé hiền khô mà cũng quạu đáp lại: “Ừa, bộ má chửi rồi tui “nể” cái thằng “chú” ăn bám đó chắc. Xời ơi...”
“Hai...”
Thằng Bò giật mình quay ra. Tiếng nói như chim hót này, đối với nó quen quá rồi. Đúng mà. Người đàn bà ngoại quốc. Bà ta đi với hai người đàn ông ngoại quốc khác. Nó muốn cười một cái để tỏ cảm tình mà sao miệng nó không nhúc nhích được. Nó cố mở lớn cặp mắt ti hí nhìn.
“Yêm...manh khoe...tốt... không?”
Nó muốn bật cười thành tiếng. Cũng không mở miệng được luôn.
Bà ta nói một tràng với hai người kia. Rồi cả ba nhìn ngắm nó, chỉ chỏ, nói với nhau, như mấy người đi lựa heo giống hay chọn cá tôm vậy. Người đàn bà đến gần, xoa tay lên đầu nó. Bà lại nói. Nó không hiểu, lắc đầu. Nhưng dù sao, nó rất thích gặp lại người đàn bà ngoại quốc này, bốn năm tháng có, không thấy bà ta xuất hiện.
“Cha ...me...em đâu?”
Một người đàn ông ngoại quốc hỏi bằng tiếng Việt bập bẹ. Nó lắc đầu.
“Mấy tuôi...?”
Nó lắc đầu nữa.
“Có gi ăn không?”
Nó cũng lắc. Ba người trở lại với nhau bằng giọng nói của họ. Rồi người đàn ông:
“Em muôn đi hóc không?”
Nó bỗng ngoác miệng ra cười được. Mấy ông Mỹ này biết nói chơi quá. Tuy nhiên nó cũng tỏ ra biết nói chơi, gật đầu. Đi học thì còn khuya, đi “hóc” đi hốt thì được. Có hốt là có ăn rồi. Người đàn bà bỗng ngồi xuống ôm lấy mặt nó, nói một hơi. Lúc bà ta đứng dậy, trong tay nó đã có một tờ đô la trăm. Và khi cả ba đi rồi, thằng Bò không tin ở mắt mình nữa. Một trăm đô-la Mỹ! Nó đã giàu có quá.
Nó nhìn quanh coi có ai trông thấy không? Cũng có người qua lại nhưng dường như không ai để ý nó. Yên tâm, nó luồn tờ giấy vào cái túi nhỏ gài bên trong quần đùi mà chị Huê bán thuốc lá đã thương tình may dùm nó. “Tao may cho một cái túi chỗ kín đáo mà giữ tiền, không tụi nó khảo mày lấy hết là đói chết luôn”. Lâu lâu chị Huê khám nó coi, lắc đầu: “Mày thiệt, lúc có không biết để dành, khi quẩn chết nghe mày.” Nó vẫm im như thóc. Cuộc sống chụp giựt, tàn bạo lề đường dạy nó không tin ai. Mới tối qua, thằng Hôi cũng ví nó vô một con hẻm để trấn lột. Lúc đầu nó đá cho thằng Bò một cái:
“Đụ má. Mất công tao. Chẳng có cức khô gì. Tiền mày để đâu?”
“Tao xin không đủ ăn. Nếu có cũng bị tụi nó lột lấy hết làm gì còn.”
Thằng Hôi nổi máu anh hùng:
“Đứa nào lột của mày? Hả? Tao dứt tụi nó cái một. Từ nay đứa nào ăn hiếp mày, nói cho tao nghe...Mẹ, có tao ở đây mà tụi nó dám qua mặt...”
Nó gần như xách ngược thằng Bò lên. Ôi, thằng Bò đã dơ, hôi hám, nhưng so với thằng Hôi thì còn không thấm vào đâu.
“Tha cho. Này, mày bảo với cái con cụt tay, tao kêu mà không dạ là có ngày tao kêu tụi nó “bề” cho bể luôn...”
“Tao không biết. Mày nói với tao làm gì?”
Thằng Bò hết sợ, nói ngang.
“Mày ngon há mày? Tao biểu mày nói với con đó. Rồi tao sẽ tính với nó, mày là “đệ tử” của nó mà...”
Thằng Bò vênh cái mặt lên. “C...” Nó chửi. Chỉ bị thêm một cái đá. Nó bò đi. Một vài cái đá lăn lóc, với nó thường quá.
Đúng là bữa nay phải gặp con Quê. Lóng này, con Quê cũng chỉ quanh quẩn ở quán thằng Bao. Nhà này mới thêm một ông con trai “điều” từ Bắc vô. Chừng mười sáu mười bảy thôi, mặt mũi “láu cá” còn hơn hai anh nhiều. Thằng nhỏ nói giọng Bắc Kỳ rặt. Mấy bữa đầu mặc cái quần tây rộng thùng thình như nính của ai, áo sơ mi sờn vai, khoe với con Lựu là ở ngoài Bắc, nó chăn trâu giỏi lắm, mà chăn trâu cho nhà người ta chứ nhà nó con chó cũng không có. Vậy mà tuần lễ sau, gớm, ông cũng quần bò, áo sơ mi bụi không cài nút bỏ ngoài, tóc cắt bờm ngựa, trong khi bà chị dâu, vợ Bảnh, đã qua mùa chay, tóc mới trổ lởm chởm như trái chôm chôm, phải quấn một cái khăn trùm lấp lại chờ ngày tóc tai “sợi vắn sợi dài” trở lại. Mấy từ này, thằng Bò cũng nghe lóm được qua cô Mai Bắc, cô Tuyết Chà, cô Lan “đấm bóp” hay cười giỡn với nhau và kháo chuyện thiên hạ.
Đúng y chang như nó nghĩ. Khi ngang qua quán Bạch Ngọc, nó gặp thằng Giàu đứng chắn ngang.
“Này, không thấy ông đang đứng đây hả. Cứ việc bò xăm xăm không tránh đường.”
Thằng Bò né qua một bên:
“Dễ vậy mày. Không có miệng xin “nỗi” ông. Ông cho một đá bể mặt giờ.”
Giọng bà Muội la như nhà cháy:
“Giàu. Vô. Mày lại muốn sinh sự gì thế? Vô nhà.”
Đá gió một cái, ông tướng con mới “từ Bắc vô Nam” khuỳnh khuỳnh hai cái tay cho có vẻ “anh chị”, bước lui.
“Ra đằng sau phụ với anh Bao, cả ngày cứ nhởn nhơ chơi...mày hư đốn gì đâu...”
“Ha...Vô đây làm đứa ở chẳng thà ở ngoài chăn trâu sướng hơn...Con làm quần quật mới “huỗng” một tí u đã kêu toáng lên...”
Mặt thằng Giàu vênh lên nhìn lại u nó. Cũng đến là thua thôi. Bà Muội lắc đầu.
“Mày đi đi, lát về đừng hòng có cơm, tao không để phần đâu.”
Về việc này thì thằng Giàu yên dạ lắm. U nó cúp phần cơm thì đã có con Lựu. Cái con nhóc này làm gì mà đeo nó quá. U nó nói “Mày là chú, phải cho ra ông chú, đừng để nó nhờn”. Dám nhờn không? Mấy con oắt tì này. Không nói khoe, ở ngoải, nó đã “dứt” đẹp cả chục con rồi. Con gái nhà quê mấy vụ “hư” đó sớm biết lắm. Đi chăn trâu ngoài đồng, nó đã được mấy con oắt tì kiếm, và cứ trong bụi cây, sau đống rơm, giữa đồng trống, đâu mà chẳng được.
Vụ mới nhất chút nữa gây họa, đến nổi nó sớm “dông” vô Nam cũng tại “con oắt tì”. Đâu phải oắt tì con nhà nghèo muốn biết “sự đời” đâu, mà nó nhè đụng con gái ông chủ tịch xã... Bà chủ tịch ra tận đồng rình, may mà đêm mùng một không trăng, tối thui, nó thoát hiểm được, chỉ bị ăn một cái chày trên vai. Cao lên một tí là phọt óc chớ chẳng chơi. Hú vía. Vậy là phải dông. Nó nhảy đại tàu, phải vất vả lắm mới khỏi bị tóm quăng xuống. Mạng nó lớn lắm, lúc qua cái cầu, trốn trên mui, đang ngồi chồm hổm, không lanh thành cầu đã hớt đứt lìa cái đầu rồi.
Còn con oắt tì này sao đây? Tối hôm trước đã chỉ cho Giàu biết cái bí mật ở căn phòng phía sau của anh chị nó. Trong Nam này hiện đại quá tầm, vượt ra ngoài sự tưởng tượng và hiểu biết của nó. Hai đứa đứng nhón chung trên một cái ghế, con Lựu sát dính vào người nó. Đã có lúc con “nợn lòng” nó kêu ằng ặc, nó tính “dứt” đẹp con “cháu” rồi. Cháu gì chứ? Cháu “cơm cháo” này kém nó chừng hai ba tuổi.
“Ra đằng trước không ?”
Con bé nói trống lỗng.
Ra thì ra, coi con bé giở trò gì nào. Con Lựu nắm tay “chú” Giàu mà run lên, không phải vì sợ mà vì quýnh quáng. Để “thằng chú” đứng ngẩn ngơ giữa nhà, con Lựu rón rén đi tới bên cầu thang, nhìn xuống thăm dò. Thấy ổn, nó lôi tuột “thằng chú” vào giuờng, kéo rột tấm màn lại...
Không hiểu sao lúc đó thằng Giàu lạnh ngắt. Lời dặn của U nó “làm chú phải đàng hoàng?”. Chẳng phải. Vết thương “lần dại dột” đã lành trên vai muốn tấy lại? Không biết. Mắt con Lựu đờ đẫn, giọng như rít trong kẻ răng:

“Đi mà.... Đi...đừng sợ.. . Không nói với ai đâu...đi...”
Con Lựu đã tự lột quần ra. Sức con gái của nó kéo thằng Giàu đổ xập trên người nó. Thằng Giàu cố chống trả, giằng kéo nhau một hồi nó vùng ra được khỏi cánh tay kéo níu của con bé là vùng chạy. Coi như thoát hiểm một lần. Con bé chửi theo một câu rất tục tĩu. Nó biết nó phải làm sao để được yên thân trong căn nhà này. Đêm đầu tiên, U nó chẳng đã khóc với nó suốt đêm: “Nhục lắm con à, phải cố mà vươn lên...” Và chỉ non một tuần sau, nó cũng cảm nhận được sự nhục nhã của anh nó đã phải chịu để đổi lấy cuộc sống này. Qua u nó, nó đã biết gần hết mọi chuyện xẩy ra. Có điều lạ, nó không thấy buồn, cũng không thấy vui, không cả phê bình mọi hành động của anh Bảnh nó...
Mới tối hôm qua, con bé đi chơi về khuya đã đưa cho thằng Giàu một ổ bánh mì thịt. Lúc đầu nó làm mặt nghiêm: “Để đó. Chú chưa đói.” Con bé mím môi quay mặt đi cười cười. Lát sau, thằng Giàu cầm lòng không đậu cũng chén sạch. Từ ngày cha sinh mẹ đẻ, nếu không vô tới miền Nam thì chắc tới chết cũng chẳng biết trên đời có thứ bánh nướng thơm dòn, kẹp thịt ăn hoài mà vẫn không đã thèm. Hồi ở quê, mấy năm đầu giải phóng, có anh bộ đội vô Nam về, kể chuyện nhà cửa, xe cộ, ăn uống, mọi người cho là anh ta nói phét. Nay thì nó “đã sáng mắt ra...”.
Nhớ tới chuyện ăn, đã thấy cơn thèm đòi ở cổ. Vô nhà, bà chị dâu ngồi chình ình ở quầy, hễ thấy mặt nó là sai. Chả dại. Nó quành ra phía sau, vô hẻm. Nó gặp con Quê.
“Ê, chiêu đãi cho một ly “cha đánh” được không?”
“Cái gì mà “cha đánh” ông? Ông đánh cha hay cha đánh ông?”
Con Quê bực dọc gắt um lên.
“Ngu. Tao nói “đánh cha” là “đá chanh”, hề hề...”
“Không ai rảnh..”
“Ông cũng đếch cần...”
Nó đưa tay dọa đấm con Quê, rồi cà rà vô bàn trong, chỗ mấy người pha chế. Đợi sốt cả ruột, nó đổ hết mấy ly thừa vô một ly to, đưa tay vốc thêm đá, thêm đường. Hài lòng, nó bê ly nước chanh ra đứng trước hẻm, nốc ừng ực.
Con quê bưng khay cà phê ra. Đặt một bàn, rồi đặt thêm một cốc chanh pha rượu rum nơi một góc tối khác có một người ngồi.
“Quê, tao tìm mày...”
Con Quê rụt bàn tay lại. Suýt chút nữa ly cà phê đổ nhào trên chiếc ghế con. Chú Hóa, người bảo vệ nhà sách và rạp múa rối đang nhìn nó chằm chằm. Trong bóng tối lờ nhờ, nó cũng nhận ra đôi mắt chú Hóa nhìn nó như muốn ăn tươi sống.
“Tìm cháu chi vậy?”
“Mày ngon há. Dạo này mày không cần nhờ chỗ của tao nữa là mày đi luôn phải không? Mày nhớ là tao còn giữ của mày một ít đồ...”
Con Quê nhớ ra rồi. Đó là ít quần áo, chăn mền mùa đông.
“Mày tính bỏ luôn phải không hả?”
“Không bỏ, bị chưa dùng. Khi nào cần cháu kiếm chú...”

“Khi nào mày cần hả? Còn tao cần thì sao? Tối nay tao để cửa, mày phải sang không mai tao đem đốt hết mớ đồ của mày. Biết chưa.”
Nó chưa kịp trả lời thì chú bảo vệ tiếp:
“Mày tưởng chỗ làm này của mày bền hả. Tao nói một tiếng là người ta đuổi mày ra đường trở lại, lúc đó mày kêu cửa tao còn lâu lắm, biết không?”
Con Quê làm thinh. Nó phải biết thôi. Đâu đâu cũng chỉ là những bước đường cùng. Có gì mà gìn giữ, con bé gật đầu, cười toét miệng:
“Được, nhớ để cửa cháu vô...”
“Quê, mày đâu? Có người kiếm mày”.
Giọng Bảnh. Chú Hóa bảo vệ nói với theo:
“Mầy kẹt hoài. Đừng tới khuya quá tao chờ không nổi...”
“Được mà, chú.”
“Kia kìa, Quê.”
Bảnh chỉ. Con Quê vội vã tới nơi. Vừa ngồi xuống, giọng người đàn ông có vẻ đã quá chén.
“Ờ, con Quê phải không? Nhà quê tốt, tốt...tao thích mày lắm. Mày đi giờ được không?”
“Ông chủ...”
“Tao chung tiền xong rồi. Còn mày nè...”
Bàn tay thô bạo của người đàn ông thộp mạnh vào ngực con bé. Bàn tay đó lùa vô trong áo, lấn vào trong sú chiêng.
“Của mày. Tao trả trước. Bằng lòng không?”
Con Quê gật đầu.”
“Chỗ bữa hổm...?”
Con Quê gật nữa.
“Vậy đi.”
Tất cả mọi chuyện đều lọt vô mắt thằng Bò lúc đó trốn trong một xó tối. Lúc nó bò nhanh để khỏi mất hút bóng con Quê, nó đụng vô một mép ghế làm chiếc ghế suýt đổ. Vậy mà cũng không ai hay biết, vì cặp trai gái lúc đó đang bận cả tay lẫn chân, và họ cũng không biết là họ đã đụng đổ hay ai nữa.
Vẫn cái bụi cây kín đáo và chị Bảy cà tong thu tiền chỗ. Con Quê và người đàn ông mất hút.
Thằng Bò cố gắng hết sức lực để nhổ bứt một nắm cỏ. Nó cảm thấy một phần ở cơ thể phồng lên, và khi nghe tiếng con Quê kêu nho nhỏ trong bụi rậm, nó dập đầu binh binh xuống đất, và tự nó đã tộng vào miệng nó không biết bao nhiêu cỏ và đất. Nước mắt, nước đái nó vung vãi cùng một lúc.
“Này, này, chờ một chút. Hổng thấy đang bận ở trỏng sao mà nhấp nhỏm hoài vậy? Đợi một chút hổng nổi sao?”
Giọng chị Bảy cà Tong gắt khẽ.
“Xời ơi, người ta còn có mối đợi. Bộ muốn ăn no kềnh bụng sao mà lâu lắc...”
“Cũng phải xếp hàng thôi...hổng có khiếu nại gì hết trơn...”
Chị Bảy cà tong càu nhàu. Lát sau, người đàn ông chui ra trước, bỏ đi. Rồi con Quê ló ra.
“Xong rồi đó bà. Khiếp, làm gì mà như chạy giặc...”
Con Quê lủi thủi muốn trở lại quán. Thằng Bò lăn ra quấn lấy chân nó:
“Quê...”
“À, mày há Bò. Có chuyện chi không?”
“Tối nay tao về ở chỗ đó. Mày về không?”
“Hổng được rồi. Tao mắc có chuyện...Bữa khác.”
Thằng Bò nhớ tới vụ con Quê nhận lời thằng bảo vệ bên rạp hát. Nó muốn nổi khùng:
“Mày đừng tới được không?”
“Mày không biết chuyện đâu.”
“Tao biết. Tao nghe hết rồi. Bộ mày tiếc mớ áo quần cũ rích đó sao há?
“Tiếc chớ sao không tiếc mậy! Mày làm như mày có tiền hén?”
“Tao có”.
“Dóc tổ”.
“Mở mắt mà coi nè. Tao cho mày đó. Mày đừng đến với thằng mất dạy đó nữa nghe.”
Con Quê soi vội tờ giấy bạc. Khi nhận ra tờ giấy trăm, nó giật mình, vội nắm chặt tờ giấy bạc như sợ ai nhìn thấy hay gió thổi bay mất.
“Ở đâu mà mày có...Bò. Ở đâu vậy?”
“Người ta cho tao”
“Mày đừng loanh quanh nữa. Ai mà cho mày dữ thần vậy? Mày có ăn cắp của ai không?”
Mặt con Quê sợ thấy rõ.
“Không. Của tao. Một bà ngoại quốc cho tao.”
“Vậy sao. Khó tin quá chời mày ơi...”
“Tin cũng được không tin cũng được, nhưng tao cho mày. Mày đừng đi nghe...”
Mặt con Quê đang mừng vui, bỗng xịu xuống:
“Tao không nỡ lấy của mày. Mày cất đi. Coi chừng tụi nó lột của mày...”
“Mày giữ đi mà.”
Thằng Bò năn nỉ.
“Không. Đằng nào thì tao cũng làm nghề. Thêm một “phùa” nữa cũng không chết ai. Mày giữ lấy nè. Ráng mà giữ. Đưa cho tao cũng dễ mất lắm, mình đâu có chỗ nào để cất đâu...”
“Mày nhất định đi...”
Con Quê cười ra tiếng:
“Bữa nay sao mày bày đặt. Thì tao cũng vừa đi xong đó thôi. Lát nữa có người kiếm, tao cũng phải đi nữa. Đi nhiều mới có tiền, mới đủ ăn chớ mày. Tao cũng bán hàng thôi. Bán chè bán cháo gì ai cũng muốn đắt hàng, mày thấy không. Sứt mẻ gì đâu mày, tao còn nguyên nè...”
Thằng Bò giận dữ ghê gớm:
“Vậy mày đừng nhìn mặt tao nữa...”
“Vậy sao. Tao sẽ không nhìn mặt mày đâu, đừng lo.”
Con Quê ngoe ngẩy đi. Thằng Bò ném theo một câu chửu tục. Con Quê cười trơ:
“Ừa, tao thích vậy lắm...”
Ngang qua đường, con Quê đụng mặt thằng Giàu. Thằng oắt con ngó chòng chọc vào mặt con Quê, rồi tới gần, đưa cái tay bóp lên ngực con bé một cái:
“Bà làm ăn gì mà cẩu thả thế. Vội gì mà quên cả cài khuya áo. Công an rượt phải không?”
“ĐM. Việc gì đến nhà mày. Vô duyên...”
Con Quê đi vô quán. Còn thằng Giàu, không biết khoái gì mà nó đánh chát hai tay vào nhau và cười cúi gập cả người lại.

Gần mười hai giờ đêm, ở nhà hàng Hương Lan còn có đám đánh nhau. Từ trong quán, hai phe đàn ông, thanh niên rượt nhau ra đường. Mấy chai bia liệng tới, vỡ lẻng xẻng, mảnh văng tứ phía. Trên lề, một nhóm chị em ta, trẻ con bụi đời đứng vỗ tay la ó. Dì ốm đã dẹp xe bánh mì từ bao giờ. Chị bán thuốc lá cũng ôm tráp tránh sang bên kia, cả một khoảng đường Lê Thánh Tôn kẹt cứng. Vừa lúc có một đoàn xe ông lớn đâu phía nhà thờ chạy xuống, muốn quẹo, bị tắc nghẽn. Chật vật lắm mới lùi lại, quay về phía Tự Do, đi thẳng. Con Quê đụng đầu anh nhạc sĩ nhà hàng ở góc đường. Nó đánh nhẹ vào đít anh ta một cái:
“Chưa về sao chú?”
Anh ta chỉ xe sang bên kia đường:
“Xe chú còn kẹt trong kia, làm sao lấy ra đây?”
Con Quê cười bỏ đi. Nó phải xuống tới khu Givral, ở đó có xe bán bánh mì khuya. Cái thân nó gần gục vì đói lã đây, ôi quần quật đủ thứ chuyện, sức vóc nó có bao lăm nữa đâu. Càng ngày càng yếu tệ. Lấy bánh mì ở xe. Năn nỉ chị bán gánh bún vịt để lại cho ly trà đá, nó ngồi bệt xuống bên xe bánh mì ăn liền tại chỗ. Cứ khoảng giờ về khuya, góc đường này đông vui ghê. Chị bán chè đậu đen đã nghiêng cái nồi một bên để múc phần chè gần cạn mà khách vẫn còn xà xuống. Mấy chú xích lô thì bu quanh gánh cháo vịt. Các “chị em” chưa nghỉ việc bu quanh gánh bánh bèo, bột lọc Huế, húp nước mắm sùm sụp. Ít khi công an xuất hiện giờ này, túi họ đã đầy, lúc tàn canh, vét cũng chẳng là nhiêu, không bỏ công. Với lại cũng phải nuôi con hàng để còn chỗ mà “trấn lột” nữa. Mấy gính hàng rong hết vốn, hết bán, công an trật tự lề đường thất nghiệp còn khổ hơn! Ăn hết khúc bánh mì, cạn sạch ly trà đá, con Quê đứng dậy đi ngược về phía nhà sách. Cái hẻm ngắn nuốt chửng nó.
Cửa để sẳn chờ. Con Quê đẩy nhẹ là lách mình vào. Sao không đèn không đuốc gì hết trơn nè. Nhưng nó ngửi thấy hơi rượu xông nồng nặc.
“Chú Hóa. Chú đâu?”
“Tao đây. Mày tới đây?”
Con Quê chưa quen mắt với bóng tối. Nó theo tiếng nói mà mò đi. Chú Hóa nằm trên chiếc chiếu trãi một góc nhà. Con Quê đụng một tấm thân trần truồng.
“Chú mở điện cho cháu rửa ráy một tí. Cháu dơ lắm...”
“Kệ, tao thích mày dơ. Mày mới đi khách phải không?”
“Bởi, cháu cần vô trỏng làm sạch...”
“Không cần...”
Cái chân nó bị kéo mạnh và nó té xuống. Thôi chết rồi, tay chân đâu mà nhiều quá vậy. Chỉ một thóang nó nhận ra tới hai người đàn ông. Nó la lên:
“Chú Hóa, ai vậy?”
“Mày đừng hỏi. Mấy phần kia mày có tiền, biết chưa.”
Không phải hai mà ba, bốn hay bao nhiêu, trong bóng tối con Quê không nhận đủ được. Nó chỉ biết tay và tay,bốc, ngắt, véo, vò dồn dập. Cái miệng nào cũng bốc ra toàn mùi rượu và mùi thức ăn.
“Chú Hóa. Thả cháu ra đi...thả cháu ra...”
“Thả mày...Ha.”
“Chú Hóa, mai cháu báo công an...”
“ĐM, công an này...công an....”
Một cánh tay và hai chân nó bị kéo giăng ra như xác nó sắp xé ra làm ba mảnh. Trước khi nó chìm sâu tuốt một vực thẳm mênh mông tối đen, nó nhận ra được một giọng nói khá quen, đó là giọng của Tiệt, cảnh sát khu vực phường tám. Mà ở góc kho của chú Hóa bảo vệ lại thuộc phường chín. Sao kỳ cục vậy? Nhưng nó không còn sức để thắc mắc nữa, hồn nó bay và xác nó đang chìm, đang rơi xuống địa ngục.
“Nó có nhận ra tôi không? Đéo mẹ, ngu quá, tự nhiên lên tiếng làm gì...”
Hơn một tiếng đồng hồ sau, lúc rời khỏi cái xác không hồn của con Quê lần thứ hai, Tiệt lo lắng hỏi.
“Có giời biết. Lúc đó nó đâu còn nghe được ai là ai. Chú không lo, trách nhiệm tôi chịu.”
“Coi, liệu “con đĩ” có làm sao không? Sao nó ngay đờ thế “lày”?”
“Lo làm gì cơ chứ. Đứa nào cũng cao nghề, nó phục hồi nhanh lắm.”
“Cám ơn anh Hóa nhé. Thiệt không bỏ công anh em một thời chiến đấu với nhau...”
“Hừ. Mình là tép riu thôi. Chúng nó “nhớn” chúng nó “ăn ngon” hơn mình . Tụi mình chỉ xài đồ cặn như con đĩ thúi này thôi mấy bác ơi...”
Lúc con Quê tỉnh dậy chỉ còn chú Hóa. Vẫn cái giọng lạnh lùng, tàn nhẫn:
“Mày khỏe rồi đi về đi cho tao ngủ.”
“Chú không giữ lời, tui chỉ trả nợ cho chú...”
“Bày đặt đi. Mày có hề hấn gì đâu nào. Tụi tao cũng mệt vậy, mày làm gì mà mệt.”
“Cái mặt chú chó quá...”
Con Quê khóc nức lên.
“Hỗn tao cho cái đạp. Mày biết tao là bảo vệ cho cơ quan, ai tin mày! Hả. ”
Nó im thin thít.
“Nè, mấy người bạn tao thương tình gửi lại cho mày này. Vậy là ăn bánh có trả tiền, phải không?”
Bỏ thì uổng quá. Con Quê đưa tay cầm tiền.
“Mày về được rồi. Đi đi.”
“Chú có nước trà không?”
“Mày đừng đòi hỏi quá. Có nước lạnh. Mày tới vòi nước uống rồi đi. Tao buồn ngủ quá không còn sức đâu mà rề rà...”
Tởm quá rồi. Nhưng con Quê đang khát khô cả cổ họng. Uống xong một lúc hai ly lấy từ vòi nước, nó lủi thủi đi ra. Ổ khóa sau lưng nó nghiến mạnh. Con Quê mệt nhọc lê tấm thân tơi tả về phía công viên. Nó hoàn toàn không nhận ra thằng Bò đang nằm mẹp trên cỏ chờ nó. Nó chỉ nằm vật xuống ghế đá là mê đi, không cả đắp chăn chiếu.

Thằng Bò quay mặt đi với vẻ hờn giận, nhưng rồi nó cố gắng nhoài người, nhặt chiếc áo khoác của con Quê rơi xuống cỏ đắp lên người con Quê. Từ trong thân thể con quê bốc ra một mùi tanh tưởi làm nó phát nôn oẹ. Nó muốn bò về chỗ của nó ở bờ sông, chui tọt vô lùm cây, phủ miếng ni lông lên ngủ một giấc cho rồi, chờ con Quê thật là hoài công. Nhưng vừa lúc đó nó nghe có giọng nói thì thầm, và có ánh lửa trong khu bụi cây che lều tạm của chị Bảy cà Tong. Tò mò nó bò ra phía sau, bẹp người sát đất, trong một bụi cây gần sát. Nó dụi mắt. Rõ ràng là thằng Long Tân Định với con Nhung xì ke. Giọng chị Bảy cà tong:
“Đêm nay con Lê không về. Thằng Tửng thì xuống Tân Định, còn...”
Giọng thằng Long:
“Biết. Thằng Hai Nuôi đang ở trển với con Nết chớ gì. Có ngày thằng cán bộ nó cho phát súng phọt óc...”
“Hề hề...Mày tưởng vậy....Nó có dặn để cho mày mượn “giang sơn”, tảng sáng là nó về ...”
Chị Bảy cà Tong nhỏ giọng làm thằng Bò hết nghe được. Còn Nhung Xì Ke thì mặt mày đã nghệch lắm rồi, nó lờ đờ dựa sát người thằng Long. Thằng Long kéo Nhung Xì Ke vô tuốt bên trong. Chị Bảy cà tong cười cười:
“Mày chỉ choác thôi nghe, còn vụ kia...mình ghen lắm...”
“Đừng khỉ nữa chị Bảy ơi. Đây là chuyện làm ăn mình có tính với nhau mà...”
“Ờ, nhưng mình cũng cứ ghen, hao của người ta chớ bộ...”
“Thôi bà ơi, cũng mới nạp phạt cho bà đó thôi, “dâm phụ”.
“Nghe hay quá, Long à. Mày gọi vậy là tao thích đó...”
“Được rồi, “dâm bà”... Cút đi được chưa...”
Thằng Long gắt lên. Tiếng cười rúc rích của chị Bảy cà Tong còn một lúc mới tắt. Dưới ngọn đèn dầu nhỏ, trông khuôn mặt Nhung Xì Ke khiếp quá, mắt như lồi lên, nước miếng chảy thành giòng...Long Tân Định nhét một viên gì tròn tròn vào miệng Nhung Xì Ke, rồi kéo tấm thân hết hơi sức của cô ta dựa vào người, kéo cánh tay của cô gái ra. Còn một tay, Long Tân Định mò trong túi áo lôi ra đồ nghề. Một ống chích lụi vào cánh tay đã như một cành khô. Mũi thuốc vừa dứt, Nhung Xì Ke quay người ôm chầm lấy Long Tân Định, kéo Long Tân Định nằm xuống.
“Mày chịu khó nằm yên, lát là khỏe re...”
Long Tân Định dùng tay xoa khắp người cô gái.
“Mày toàn xương với da hông à. Thảm quá mầy ơi...”
Vẫn giọng Long Tân Định:
“Mày hết thời thật rồi, nữ hoàng chó gì nữa. Hèn chi thằng Cổn Bù Lon nó “sa thải” mày...”
Giọng Nhung Xì Ke lờ nhờ:
“Thằng khốn nạn. Nó lừa tao. Tao sẽ giết nó.”
Tiếng cười của Long Tân Định nghe rờn rợn:
“Thiệt không đó. Mày giết nó hay nó giết mày tới nơi...”
“Mày nói gì?”
“Tao hỏi mày, mày có dính vô vụ án mạng giựt bóp bắn chết người bữa hổm không?”
Thuốc đã thấm một phần, Nhung Xì Ke tỉnh dần. Cô vùng dậy:
“Ai nói với mầy? Thằng Cổn phải không? Đồ chó đẻ...”
“Ừa, thằng Cổn kể hết với tao. Mày còn nhờ nó giữ mấy thứ cướp giựt mà nó không dám...Mày tưởng thằng Cổn nó thương mày lắm há? Nó chỉ lợi dụng mày thôi...”
Nhung Xì Ke không nói nữa. Nó đang phóng một con dao vô hình vào ngực thằng Cổn cùng với lời nguyền rủa khủng khiếp.
“Mày tỉnh chưa? Tao đưa mày đi gặp thằng Cổn nè...”
“Nó ở đâu?”
“Tao biết chỗ. Khuya nay tao có hẹn với nó một nơi để dứt khoát với nó một vấn đề...”
“Mày có chuyện “ân oán” với nó?”
“Không đâu. Chuyện làm ăn.”
Nung Xì Ke giương mắt, vẻ không tin:
“Bộ mày với nó tính chém giết nhau sao đây? Thôi đi, tao đã chán mấy chuyện này lắm rồi...”
“Không có. Thôi mày nằm yên “phi” đi cho khoái, rồi lát nữa mọi chuyện tính sau.”
Nhưng Nhung Xì Ke bật đứng dậy:
“Được. Tao muốn gặp thằng khốn nạn ngay...”
“Khỏi đi đâu. Tao tự đến tìm mày này...”
Bốn người con trai xuất hiện cùng một lúc. Thằng Bò nhận ra Cổn và Hai Nuôi, còn hai người kia lạ mặt. Ngọn đèn dầu bị thổi tắt. Trước mặt thằng Bò là một màn đen thẩm. Thằng Bò nghe giọng Long Tân Định thì thầm.
“Đừng cho nó la.”
“Để tao “dứt” trước.”
Vẫn là giọng thì thầm. Thằng Bò hoàn toàn không biết chuyện xẩy ra ra sao. Nó chỉ nghe tiếng ằng ặc lúc được lúc không. Cố lắng tai, nó nghe được thêm một giọng:
“Đừng để một thương tích trên người nó...”
Lì lợm như thằng Bò, đã chứng kiến người ta hành hạ nhau, hiếp dâm tập thể, đâm nhau chết, mà lúc này da ốc nó cũng nổi dày và người run lên bần bật. Chắc chắn là họ giết con Nhung Xì Ke. Có nên la lên không? Đừng. Chỉ một cú đấm là cái đầu nó nứt làm đôi. Nó há miệng mà tiếng kêu không thể nào phát ra được. Và như cái nắp vòi bật sút, nước đái nó tự động xì ra ướt dầm quần.
“Sao rồi. Liệu đủ chưa...?”
“Cố gắng một “phùa” nữa....Mày đi...”
“Tao “xìu” mẹ nó rồi...”
“Được mà. Mày coi nó còn nhúc nhích gì đâu...”
“Mẹ nó. Như “làm” với xác chết. Tao tởm quá.”
Cả một khu công viên đầy dân bụi đời trấn đóng. Nhưng giờ này, hầu như chìm hết vào giấc ngủ. Nếu có kẻ thức, chẳng ai mất công tò mò dính vào mấy chuyện của giới “anh chị”. Miễn là họ được yên thân là quí nhứt. Bên ngoài, xe tuần tiễn của công an lâu lâu cũng có đi qua, cũng có mấy ánh đèn Pin xẹt vào trong khu công viên, nhưng cũng chỉ chớp nhoáng.
“Đem nó đi được chưa?”
“Được. Vực nó dậy. Thôi thằng Cổn lo “cú chót”. Đặt nó lên xe Honda. Thằng Long Tân Định ngồi sau giữ nó...Xe đi khuya, chở ba có sao. Gần mà. Đi cái rẹt là tới nơi...Giải tán.”
Lào xào một lúc. Dưới tấm bạt trong lùm cây lại sáng lên ánh đèn dầu. Chị Bảy Cà Tong lật ra một chiếc chiếu. Chị nằm xuống, nghiêng người. Coi như đây là một mái ấm bình yên, chưa bao giờ xẩy ra chuyện gì nơi gối đầu của chị.
Có tiếng xe Honda rồ máy ở bên phía mặt đường. Tiếng xe kêu rền rĩ, kéo xa dần và mất hút. Thằng Bò ngẩn ngơ, chuyện vừa mới xẩy ra là có thực hay nó tưởng tượng vậy...Nó dụi mắt.Hai Nuôi cũng vừa chui vô, kéo tấm chiếu. Ngọn đèn dầu bị thổi tắt.
Gần sáng con Quê tỉnh dậy. Nó thấy thằng Bò nằm mọp trên cỏ. Sương thấm ướt cả đầu, cả áo quần nó. Còn nó thì được đắp từ đầu tới chân bằng tấm chăn nó vẫn dấu dưới hốc ghế đá. Chỉ có thằng Bò đã lo cho nó thôi.

Lúc nó lay thằng Bò, nó biết thằng Bò không ngủ.
“Mày nằm đây lâu chưa?”
“Từ tối hôm qua, lúc mày về...”
“Vậy sao. Tao không thấy...Sao mày không kiếm cái gì đắp, sương ướt hết nè. Bệnh cho coi.”
“Tao không sợ bệnh.”
“Bệnh chết chớ ở đó mà không sợ.”
“Tao không sợ chết. Tao còn muốn chết phứt đi cho xong.”
“Gan cóc tía hả mày. Còn tao, tao sợ chết lắm. Không ai chôn đâu nghen mầy. Bỏ vô cái hồ ướp cho người ta mổ tanh banh, người ta học làm bác sĩ đó mày...”
“Sao chuyện gì mày cũng biết vậy?”
“Thì tao cũng chỉ nghe người ta nói chớ tao cũng như mày, cắn không ra được một chữ...ui chao. Kỳ vậy nè...”
Tự nhiên con Quê ôm bụng. Mặt nó tái nhách...
“Mày sao rồi...”
Con Quê ựa một cái, cái cổ nó như bị hóc cục xương, muốn khạc ra.
“Tao thấy...ui da, kỳ à nghe.Như có bàn tay ai xóc xóc mớ ruột trong bụng tao, muốn ói quá trời...”
“Mày đói bụng phải không? Bữa nay tao đãi mày ăn cơm tấm. Mình huy hoàng một bữa...đâu chết ai...”
Nó nhớ tới tờ giấy trăm đô còn dính trong người.
“Tao biết mày ngon. Ông nội mày, ngu quá.” Con Quê xuống giọng.” Mày đưa tờ giấy bạc đó ra đổi là từ chết tới bị thương nghen mầy.”
“Ờ há.”
“Tao đãi mày.”
Con Quê lôi trong áo ra một nắm giấy bạc vò nhàu. Thôi thì cái thân nó nhừ, tiền công của nó làm, trả cho cái thân là sạch sẽ. Nó xếp chăn lại.
“Mày chờ đây nghe. Tao ra máy nước rửa ráy một cái. Muốn thay cái quần cũng không được, mụ Bảy cà tong giờ này ngủ như chết. Thây kệ cha nó. Mày chờ tao.”
Vậy mà tên “cai” máy nước đang nằm ngủ chèo queo, tỉnh cái rột.
“Mười đồng mày. Tao mở máy.”
Thằng cha “cai” cầm cái kềm bự, xoắn một vòng là nước phụt ra. Con Quê chung tiền.
“Rồi cha. Cha quay đi cho người ta rửa...”
Con Quê ngồi xuống. Không có gáo, nó bụm nước trong tay nên rửa ráy lâu lắc lắm. Xong việc là trời cũng sáng banh rồi. Thằng cha “cai” nhăn mặt:
“Thúi hoắc. Mày bệnh tim la tới hồi phải không?”
“Kệ cha người ta, động mồ tổ gì ông không?”
Con Quê quai cái mồm chửi. Thằng Bò hứng chí chửi theo. Chửi riết, tụi nó có bài có bản.
“Đủ rồi. Lần sau nhớ ngậm cái miệng lại nghe cha. Đi.”
Con Quê đi, thằng Bò bò theo. Vậy mà chúng nó vẫn nói chuyện được với nhau. Cái mặt thằng Bò lâu lâu ngước lên. Nó đã quên hết chuyện giận hờn đêm trước và mặt tươi tỉnh. Quẹo đường Mạc thị Bưởi, chúng đàng hoàng vô quán cơm tấm bì. Tên thanh niên chạy bàn đưa chân đẩy thằng Bò ra.
“Cút đi. Mới sáng mày vô ám hả?”
Con Quê vất nắm tiền lên bàn:
“Ê, tụi tao ăn trả tiền đàng hoàng nghe mầy. Tao có tiền là tao cũng ngồi như người ta. Khi dễ há?”
“Mày trả cho nó?”
“Tao trả. Được chưa?”
“Đụ má. Quê, mày coi cái mặt nó xấu hơn con bướm của mày, mày đọ coi...”
Chọc được thiên hạ, hai đứa cười khoái.
“Mày ngồi lên ghế đi. Mày ráng coi...”
Thằng Bò nhìn cái ghế, lắc đầu:
“Tao đây được rồi. Mày biết, tao mà té một cái là gãy xương...”
Con Quê lên giọng:
“Hai dĩa cơm tấm bì sườn, có miếng chả lụa chiên vàng. Làm lẹ cho. Còn gì nữa. À, hai ly cà phê sữa đá. Nhiều nhiều sữa...”
“Không có dư mà nhiều. Làm đều tay như nhau...”
“Đụ má, người ta kêu nhiều sữa thì tính thêm tiền...Mày tưởng tao...”
Suýt chút thì thằng Bò đã khai ra tờ giấy trăm đô. Con Quê đưa chân đạp nhẹ nó một cái và nó ngưng kịp. Tên chạy bàn khinh khỉnh bỏ đi.
Cơm tấm bì, cà phê sữa đá cũng được mang tới đặt hẳn hoi trên bàn. Lần đầu tiên trong đời thằng Bò vô quán, ăn mà có trả tiền. Tuy ngồi xổm dưới đất, nó ăn một cách ngon lành và hứng chí. Con Quê cũng vậy, nó nhìn thằng Bò ăn mà thấy mình cũng ngon miệng.

Thình lình trong bụng nó quặn lại, rồi một luồng hơi đẩy hết thức ăn lên cổ. Nó cố gắng nuốt xuống nhưng oẹ một cái, thức ăn vọt ra một ít, rơi xuống đĩa cơm...Vậy là nó không ăn được nữa.
“Mày đừng bỏ uổng.”
“Tao hết ăn nổi rồi,bữa nay cái bụng của tao nó làm sao không biết nữa.”
“Mày giống mấy bà chữa quá, Quê.”
“Mày biết?”
“Sao không! Tao thấy mấy bà chữa đi chợ ăn hàng cũng ói ra hết trơn, gớm ghiếc.” Con Quê cười. Nó mà chữa chiếc gì. Chả qua là hồi hôm suýt chết với mấy tên quỷ sứ trong kho tên Hóa bảo vệ. Nó tự nhủ không bao giờ dại dột bước chân vô đó nữa. Mớ quần áo cũng bỏ luôn.
“Mày bỏ thì tao ăn.”
Hết đĩa của nó, nó làm luôn một hơi đĩa cơm tấm bì của con Quê, kể cả một ít thức ăn từ trong bụng con bé đùn ra, chua loét.
“Này, biết gì không? Cái con nữ hoàng xì ke Nhung Nhung gì đó...”
“Sao?”
“Nó chết queo nơi đống rác ở đường Lê Lai...Người ta bu coi đông lắm,”
“Thì mắc vô vòng đó một thời gian là mục xương, thiếu thuốc là chết.”
“Ôi dào. Có chi là lạ. Ở mấy đống rác khu Lê Lai, vài hôm là có một tên xì ke lăn ra chết...”
Mấy người mới vô ngồi một bàn đang kể chuyện xẩy ra sáng nay. Thằng Bò thấy đắng trong cổ. Thì ra chuyện nó chứng kiến đêm qua là có thực. Nhưng nó biết lúc đưa Nhung Xì Ke từ trong bụi cây ra thì còn sống...
“Nó chết queo đâu từ đầu hôm. Xác cứng đơ, mắt lồi ra, miệng há, chắc nó muốn kêu cứu mà lúc đó không có ai...”
Giọng người kể chuyện tiếp. Thằng Bò lắc tay con Quê.
“Thằng Long Tân Định.”
Con Quê hiểu ra rất nhanh. Nó đưa tay đập nhẹ vào miệng thằng Bò.
“Đi về đi. Tao không ăn uống được nữa.”
Nó quày quả bỏ đi ra trước. Thằng Bò lệt bệt bò theo, tai nó còn vểnh lên, cố nghe thêm tiếng được tiếng mất.
“Chia tay nghe.”
Con Quê nói. Thằng Bò gật đầu:
“Tối nay mày đừng đi đâu nữa nghe. tao mua bánh mì về cho.”
“Ừa. Người tao bãi hoãi chẳng muốn làm dách gì nữa...”
Chúng nó đi mỗi đứa một phía. Chuyện ban đêm đã hết. Giờ của ngày, chúng nó đi ăn xin. Nhưng con Quê đuối quá, ngang nhà hàng continental đang sửa chửa nửa chừng thì bỏ dỡ, nó leo lên một bậc thành cao, nằm mẹp một đống. Đầu nó đau như búa bổ và bao tử nó nhồi nắn như muốn phun hết cả chất nhờn ra. Nhắm mắt lại, nó thấy cả ngàn ông sao xẹt tứ phía...Vậy mà như con chó bị một trận đòn nhừ tử, máu thịt dầm dề, rồi cũng phải tự dậy mà đi, một lát con Quê cũng qua cơn.
Bước xuống đất, việc đầu tiên của nó là tới quán của Bảnh, tắm táp và mặc bộ quần áo sạch. Chung tới khoảng tiền này thì nó rỗng túi.

Sau rằm thung thu con Quê thất nghiệp. Bao đóng cửa quán cà phê, trả lại con đường hẻm nhưng căn gác gỗ xây trên choán trên đầu người đi thì vẫn còn. Bao cưới vợ. Trai bắc dẻo mồm, tán tỉnh được một cô gái Nam khá xinh, con nhà nghèo. Bà Muội đã thuyết phục được hai vợ chồng Bảnh đứng ra lo đám cưới dùm. Bà Ngọc Hoa, trong lòng ghét như đào đất đổ đi, nhưng sợ mang tiếng, cũng phải để cho mượn nhà rước dâu.
Hôm đó, thấy mặt bà Muội hớn hở, cười khoe bộ răng trắng còn lam nham màu đen vì cạo không được sạch. Áo dài gấm đàng hoàng, còn đi hài thêu, bà cứ phải vác mặt lên cho mọi người thấy rõ. Anh con trai mặc vét tông, sơ mi trong trắng tinh, cà vạt đỏ, lúc đưa dâu về, mắt anh cũng cứ ngước lên trời, đụng hàng cây mà không thấy ai. Bọn con nít đâu đã chực sẳn, vỗ tay, xô đẩy nhau, ầm ĩ. Mất đi đâu mà không có mặt bọn thằng Lai Phá.
“Tụi bay nhìn kỷ coi. Thấy không, cái đít cô dâu bị lủng một lỗ...”
Thằng Lai Phá vênh cái mặt lên.
“Hai lỗ, lỗ trước lỗ sau...”
Thằng Hôi thêm. “Tao bảo đảm mấy cái lỗ này bự hơn của con Quynh. Ê Quynh, phải không mày?”
“Đúng rồi. Mày coi không, nè.”
Miệng bà Muội cố tươi cười mà da mặt xạm lại. Đã tới trước cửa rồi, thằng Lai phá còn chạy xà một vòng, trước mặt cô dâu:
“Tan nát đời hoa rồi phải không em?”
Bảnh phải can thiệp:
“Tao uýnh thấy con bà mày. Đồ mất dạy”.
Thằng Lai làm bộ sợ hãi, hai tay bụm trước bụng chạy trở về chỗ “băng ” của nó.
“Ui chao, trúng hai túi đạn...chít chít...”
Cả băng của nó cười phá lên. Con Quynh cười với cố tật là phải bò ra đất. Cô dâu, chú rể, họ nhà trai nhà gái vô hết trong nhà. Bảnh hầm hầm kéo rột hai cánh cửa sắt lại quên đốt phong pháo. Vậy là thằng Hôi châm lửa, nhưng tràng pháo nổ đì đẹt và rơi rụng lả tả.
“Coi pháo nổ tì tẹt lác đác này là không thọ đâu tụi bay”.
Cả bọn xúm nhau bàn tán về phong pháo, bói chuyện tương lai cô dâu chú rễ.
Sau ngày cưới, Bao điều đình đặt một quầy kính bán đồ chơi trẻ em trước mặt tiền căn hộ của cô thương binh. Căn nhà này đóng cửa suốt ngày, cô thương binh thường mặc hai màu nâu và đen, nguyên bộ, áo bốn túi, cổ mao, như những nhà lãnh tụ. Để giúp cho đôi chân yếu, cô cầm thêm cái gậy sắt, và cô đi công tác liên miên, ít khi có nhà. Cô dâu mới trở thành một người bán hàng. Để bằng người ta, cô dẹp dần mấy bộ độ bộ vải hoa, thay vào quần áo đúng thời trang, và trên mặt cũng thoa xanh đỏ đủ kiểu...Nay thì làm ăn khác nghề, hai chị em dâu không ai đụng ai, nhưng cũng không đề huề gì lắm, vì Bao kỵ bà chị dâu ra mặt.
Không phải chỉ mình Bao thức thời đổi nghề đâu, mà mấy căn hộ xung quanh cũng dần dần trở thành những cửa hàng thêu, có một căn riêng rẽ là dịch vụ của nhà nước. Hai căn cuối, sát với khách sạn continental thì một căn đóng cửa, không mở mang gì được vì chị em tranh chấp. Người chị lớn, cô Linh, hiền hậu, thương em, nhưng cảnh dậu đã đổ, bìm leo là chuyện thường tình. Cô chỉ còn biết lo tìm một con đường “xuất cảnh” để khỏi phải hàng ngày chứng cảnh ruột thịt giằng xé nhau. Dữ dằn nhất là cô em dâu, đâu xưa cũng gái giang hồ tứ chiến, hễ hàng xóm ăn ở không vừa ý, hay trẻ con chơi với nhau không thuận là chị ta dám vác dao rượt. Dữ dằn tới nổi, bà con hàng xóm đặt cho một biệt danh là “chị bọ hung” vợ “ông bọ ngựa”, và cô con gái là “bọ chét”. Chị Bọ Hung có một tủ thuốc lá đặt dưới gốc cây trước nhà, bọn con nít bụi đời đi ngang, thích chọc ghẹo. Khi chị ta nổi hung lên, mặt mũi méo mó, xấu một cách khủng khiếp, thêm điệu bộ kỳ cục, tục tĩu, càng làm cho tụi nhỏ khoái chí được một trò vui. Đôi khi thêm sự phụ họa của ông chồng và đứa con gái, khi chị ta đã gần đứt hơi, mặt mày xanh lè, mắt trắng dã và thở hồng hộc. Phải nói đó là một người đàn bà dị dạng, chị ta gầy nhom và còm cỏi. Nhưng lỡ được ở dãy phố nổi danh này, chị ta cũng muốn bằng chị bằng em. Cho nên, dù ngồi bên tủ thuốc lá, chị cũng đi mua những váy đầm cũ, áo thời trang đã sang tay nhiều người. Quần áo, son phấn nhớt nhã, với thân thể trơ xương, trông chị như một cái máng treo bộ quần áo lòe loẹt cũ bạc mầu. Hai ống chân chị bày ra dưới phần váy ngắn cũn cỡn làm ai nhìn thấy cũng phải quay mặt đi, khó chịu. Mấy tháng sau, mỗi lần chị ta nổi hung, chửi rủa hàng xóm hay đám trẻ bụi đời, chị khạc ra đờm có rây máu. Chị ta bị bịnh phổi khá nặng, vậy mà càng ngày chỉ càng thêm hung dữ, quay quắt rất tội nghiệp.
Căn kế bên, nhà bị chia cắt cho nhiều hộ. Ông bà già, con gái, con dâu, con rể cùng một đàn cháu chia nhau một phần dưới căn lầu. Phần trước, ông bà cụ bán cà phê với sự phụ giúp của mấy đứa cháu nội còn nhỏ. Con trai đi học tập về, tới hai ba năm chưa được phục hồi quyền công dân. Căn nhà bị đòi lấy lên lấy xuống. May nhờ người con rể chạy vạy được vào làm ở cơ quan, quen lớn, biết phải chăng, được nâng đỡ mà nhà không mất. Nhà này, mẹ chồng và nàng dâu không thuận thảo. Nàng dâu phải nuôi đàn con, đi làm đầu tắt mặt tối từ rạng sáng, đến tối mịt mới về nhà. Được yêu cầu đi cửa sau, mẹ chồng cấm bước vào cửa trước. Anh con trai bệnh hoạn, không làm ra tiền, lúc này không nghe lời mẹ thì nghe lời ai.
Hai ông bà cụ hẩm hiu buôn bán độ thân. Cứ sáng sớm, bà cụ đi chợ, ông cụ đi bộ dọc con đường. Ngang qua những căn nhà, đôi mắt ông nhìn cảnh còn mà người đã mất. Đúng vậy, căn hộ mà vợ chồng Bao thuê đặt tủ kiếng bán đồ chơi, xưa kia là một hiệu bán hoa tươi. Chủ là một bà đầm khá đẹp. Ông nhớ tiếng chào “buổi sáng” hay “buổi chiều” của bà, với nụ cười và đôi mắt xanh biếc. Còn bây giờ, không còn một ai. Lớp mới tới lạ hoắc, xô bồ, nhi nhô, làm quáng cả mắt. Ông không muốn nhìn thấy gì nữa, ngoài bà cụ, người nối liền lạc một dây dỹ vãng và hiện tại của ông. Không có gì in trong mắt ông nữa. Nhưng ông vẫn cứ đi trên con đường cũ. Chỉ đập vào mắt những cảnh chướng tai gai mắt làm ông bực mình, miệng ông không ngừng thầm rủa: “Mất dạy. Một lũ mất dạy.” Lời không bao giờ được thoát ra khỏi miệng. Ông ngậm và nuốt xuống!
Mấy chị bán ve chai ngồi ở góc đường thấy ông già không bao giờ tránh lối. Ông phải đi vòng sát vào cửa hàng kim khí điện máy, nội cái tên cửa hàng cũng làm ông không vui rồi. Đã thế, lớp sau không được dạy dỗ, thấy một người già đáng cha ông, không kính trọng thì thôi, còn đem ra diễu chơi. Ông không nhìn mà ông biết họ đang làm gì. Một chị trề cái môi ra, bắt chước cái miệng móm của ông, rồi cười ngặt nghẽo sau lưng ông. Ông không thể còn sống mà không hít thở, không đi đứng. Căn nhà của ông đã bị xén nát ra, và căn phòng nhỏ chật chội, đã như là nấm mồ chôn sống ông rồi. Nhưng ra đường lại “đổi món” bực mình khác. Nhiều lần, Bao cũng chào ông” làm quen, nhưng mắt ông không hề để ý tới. Chẳng bao giờ ông lại đi mất một nụ cười với cái thứ “hậu sinh khả ố” đó hết. Bà cụ thỉnh thoảng kể chuyện với ông:
“Cái con mẹ Bắc Kỳ mới hay ngồi trước ngạch cửa khu nhà tập thể kia là cặp mắt của công an phường đó. Nhà bà có chồng học tập bị để ý nhiều nhất. Mấy đứa nhỏ đi vượt biên bị bắt chưa ai hay, phường đã biết.”
Bà cụ thường dùng chữ Bắc kỳ mới, để phân biệt với bắc kỳ cũ, như ông bà, thuộc thành phần di cư năm 1954.
“Mặc kệ chuyện bọn chúng. Mình già rồi, gần đất xa trời, sợ đếch gì chúng nó”
Gần đất xa trời cũng không yên. Phường khóm mấy lần tới đề nghị đổi cho ông bà cụ một căn phòng trên lầu mười một chung cư. Ông cụ trợn mắt:
“Tui già rồi, không leo cầu thang được.”
“Vậy điều hai cụ tới một căn phòng trệt.”
“Ở đây cũng lầu trệt mà nhà của tôi, tôi còn phải đi dâu?”
“Nhưng hiện nay nhà nước cần mặt bằng để mở dịch vụ cửa hàng. Hai cụ buộc phải đi thôi.”
“Sao lại buộc. Không buộc được. Buộc thì buộc mấy hộ án bộ chiếm cả chục căn dãy đường này đi trước làm gương. Tôi dân, noi gương sau.”
“Cụ nói ngang ngửa vậy không được. Những hộ cán bộ có công, được hưởng...”
“Công thì nhà nước trả, nhà của dân, vô “cướp” rồi bảo là nhà nước cho hưởng, chuyện kỳ quặc tôi, sống tới chừng này tuổi chưa hề thấy đời nào như vậy. Không đi đâu hết.”
Lúc này thì họ đang chịu thua ông cụ. Cũng dễ hiểu thôi, tuổi ông bà cụ “gần đất xa trời” rồi, không phải mất công chờ lâu lắc gì đâu. Còn bà cụ, nghe ông cụ nói, sợ xanh mặt:
“Ông ơi, với “họ” không nói ngang được đâu. Họ gán vào tội “phản động” là đi tù mọt gông chứ lỵ...Ông đừng có bướng...”
“Chừng này tuổi rồi, chết sớm vài ba năm cũng không ân hận gì hết bà nó ạ. Thấy nhiều cái chướng tai gai mắt quá rồi, sống dai chỉ thêm buồn...”
“Ông nói thế sao được. Còn con còn cháu, mình có cái quán nhỏ, ông bà già họ để cho yên, mới có đồng vô đồng ra phụ nuôi bầy cháu...”
Với lý lẽ này thì ông cụ làm thinh. Đồng ý mình không sá kể cái thân, nhưng đàn cháu nheo nhóc đau lòng lắm. Nếu mấy đứa nhỏ “vượt biên” được thì ông yên lòng nhắm mắt lúc nào cũng được. Đằng này, gửi đứa nào đi “dính” đứa đó. Đứa cháu nội gái năm nay mười hai mười ba tuổi rồi, những cảnh bày biện hằng ngày trước mắt, nó muốn nên người cũng không nổi.
Bà cụ thấy quán Bạch Ngọc ăn nên làm ra, khó tránh được tính tham, bà cho một vài cô vào quán ngồi để câu ngoại quốc. Ông cụ quyết liệt xua đuổi, cho nên quán càng ngày càng vắng khách. Mặc kệ, hai ông bà ra vô buôn bán hẩm hiu, sống một cảnh đời lạc loài trong khu xóm xô bồ, đổi đời theo hoàn cảnh.

Thằng Bò xúi con Quê:
“Mày vô xin hai ông bà cụ làm việc đi. Thấy mày tàn tật, biết đâu ông thương.”
Con Quê thở ra:
“Thôi, tao chẳng ham. Ông bà đó khó vàng trời, tao làm không nổi.”
“Gì mà không nổi. Làm ở quán này đàng hoàng mày không muốn?”
“Muốn muốn cái...dách tao. Tao hổng thích đàng hoàng. Đàng hoàng đói, mày biết chưa?”
Khi không muốn nổi sùng là nổi sùng. Thằng Bò đâu có vừa:
“Ừa, tao biết. Mày chỉ thích có mỗi chuyện...”
“Đụ má mày.”
Con Quê nổi sùng tát cho thằng Bò một cái. Nó đang giận đủ thứ đây. Từ hôm quán thằng Bao đóng cửa, nó ở không riết, tiền sắp cạn tới nơi. Không có nơi chốn, đâu dễ khơi khơi bắt “địa” ai được. Tát cho thằng Bò một cái, chưa đã nư, nó vênh cái mặt lên:
“Ừa, tao thích chuyện đó, có sao không?”
Thằng Bò gần như khóc:
“Mày thích tao cũng...”
“Ha ha. Mày há? Tức cười quá. Mày đừng làm tao cười té đái ra quần nghen mầy. Mày há. Tao nói thiệt cho mày biết, chuyện đó mày coi o-như thái giám, mày biết hông? Tội nghiệp mày quá, mày làm ăn gì được đâu...mày chỉ lạp chạp...”
“Đụ má mày, có bữa mày biết tay tao.”
Con Quê cười khinh khỉnh. Nó nhớ lại hôm ở trong cái kho của tên Hóa bảo vệ, nó coi như bị “bề”. Vậy mà mừng, “bề” mà không “bể”. Nó cũng tá hỏa tam tinh mấy ngày rồi đâu cũng vô đó...Nói vậy chớ đi đứt tờ “đô” một trăm của thằng Bò, hao địa quá. Nghĩ vậy, nó thấy thương thằng Bò nhưng thương trong bụng thôi chớ ngoài mặt vẫn làm cứng. Lúc đó, hai đứa đang ngồi ở công viên Hồ con Rùa và con Quê vừa xuống hồ tắm táp. Nó mặc cái quần đen, để trần phần trên. Nó đã nhờ thằng Bò kỳ lưng cho nbó. Bây giờ, nó ngồi, hai chân thả xuống mé hồ nhưng không chạm nước, và nó đong đưa. Còn thằng bò thì nằm dài.
“Quê à. Mấy bữa nay mày còn ụa mửa nữa không?”
“Ba hồi có, ba hồi không...mà miệng tao lạt nhách.”
“Tao quả quyết là mày có bầu Quê ơi.”
“Bầu cức á...”
Và con Quê bỗng cười ngặt nghẽo:
“Ý cha. Nếu tao bầu thì là con ai? Mấy thằng cha chơi bời? Thằng Hóa? Ai ta? Có khi nao là với mày không ha?”
“Mày nói gì?”
Thằng Bò giật mình mà còn muốn nghe cho rõ.
“Với mày. Tao có bầu với mày, có khi nào vậy không?”
Thằng Bò bỗng rúm người lại. Thiếu chút nữa nó rơi tọt xuống hồ nước rồi. Con Quê níu nó lại kịp.
“Mày làm gì vậy?”
“Ôi. Mày nói...với tao? Với tao? Vậy là tao có con?”
“Mày đừng mơ tưởng. Tao nói chơi thôi. Mày mà làm ăn được cóc khô gì,mày há, chưa được ăn đã khóc, ngu tổ mẹ...Hi hi, nói chơi chớ tao mà bầu bè chi.”
Thằng Bò vẫn tin con Quê có bầu. Ói mửa kiểu đó còn chối vào đâu được nữa. Nhưng lạ chưa, sao con Quê không chịu tin?
“TỪ nay mày đừng...làm chuyện đó nữa, để giữ cái thai...”
“Cức. Tao hổng biết giữ. Nói thiệt, nếu có tao cũng đi lấy nó ra, đẻ lấy cức nuôi há mày...”
Nhưng rồi con Quê reo lên:
“Nuôi được mày. Có đứa con nít làm nghề ăn xin dễ hơn. Coi, đôi khi tao giữ lại, nhưng nếu tao có bầu kìa...”
Có vậy mà thằng bò mừng ứa nước mắt. Lạ chưa, nó cứ tin, nếu con Quê có bầu chắc chắn là con nó. Kệ, thì cứ tin vậy đi, tin vậy là lòng sung sướng lắm.
“Tao nuôi phụ với mày...”
“Mày nhớ nghe. Thôi kệ, con ai thì con, mày cứ là cha, tao là mẹ đi...”
“Được rồi. Nghéo tay.”
“Nghéo thì nghéo.”
Chúng móc tay vào nhau. Thả tay ra còn đập hai tay vào nhau bôm bốp nữa. Chưa bao giờ thằng Bò có một ngày vui như bữa hôm nay, và nó cũng chưa bao giờ thấy con Quê đẹp đến vậy. Thương quá, nó véo con Quê một cái. Con Quê dọa xô nó xuống nước và hai đứa cào cấu, xô đẩy, cười giỡn ầm ĩ, coi như xung quanh không có bóng người.
“Đồ con nít quỉ”
Ai đ rủa. Mặc kệ, chúng nó không thèm ngó. Rồi con Quê chổng mông lên, thằng Bò dùng hai tay đập vào mông con Quê như đánh trống.
“Mày làm cha nghe. Mày làm cha được đó.”
Con Quê gật gù. Thằng Bò dặn đi dặn lại:
“Mày nhớ nghe. Từ bữa nay tao nuôi mày. Mày khỏi đi...Tao mua bánh nì cho mày ăn.”
“Được. Tao hứa.”
Lời hứa như thả bong bóng bay. Tối hôm đó thằng Bò mua bánh mì đến chỗ hẹn, không thấy con Quê đâu. Nó chờ đến ngủ gục lúc nào không biết.
Còn con Quê, chia tay với thằng Bò xong, nó đi dọc xuống phía khách sạn Cửu Long. Nó gặp con Lê đang đứng bên tủ thuốc lá của dì Huê. Thấy nó, con Lê xà tới.
“Hay quá, tao đang chờ mày...”
Con Lê kéo con Quê ra xa xa:
“Bữa nay tao có mối, kẹt bọn “ghẹ” bận hết trơn. Mày chịu làm không?”
Con Quê gật đầu. Túi nó đang rỗng rách đây.
“Mà Liên Xô nghe mày.”
Nó gật nữa.
“Sau đó tiền tao chung. Nếu nó có quà mày cũng không được lấy một mình.”
“Được rồi. Mà ở đâu?”
“Trong khu nhà ga. Mày cứ tới đó. Mười một giờ đêm, anh tao, Hai Nuôi chỉ dẫn cho mày.”
“Mà tao chỉ một thôi nghe”
Con Quê đặt điều kiện.
“Thì một. Mày đi tắm rửa thay quần áo sạch sẽ. Ngặt quá tao mới kêu mày, nhưng nếu mày làm tốt, tao sẽ để mối cho mày...”
Con Quê hứa hẹn xong chia tay. Nó làm sao từ chối được một công việc đang khi thất nghiệp. Vậy là nó quên tuốt đã hứa hẹn gì với thằng Bò.

.
Y hẹn với con Lê, chừng tiếng đồng hồ sau, con Quê ra tới bờ sông. Cảnh buôn bán tấp nập từ chập tối, cũng đã thưa thớt dần. Ở mặt sông gió thổi tốc lên làm da thịt nó ớn quá. Nó co người và cái lưng hơi khòm khòm, có cảm giác áo quần gì cũng mỏng te, tha hồ cho gió chui qua. Nó cảm thấy lạnh và mệt mỏi, do dự muốn quay về. Nhưng con Lê nói khó ít khi gặp mối “ngon” như vầy. hàng “ngoại đàng hoàng, “xịn” lắm, nghe cũng bắt ham. Liều vậy.
Tới mé sông đã thấy con Lê từ trong bóng tối xông ra kéo ta nó.
“Xuống đò đi.”
“Sao lại xuống đò?”
“Mày hỏi nhiều quá. Bữa nay hàng Đức, mày biết hôn.”
“Rồi sao?”
“Xuống đò rồi còn đi đón “hàng” nữa. Lẹ đi.”
Nó bỏ dép, mò mẫn đặt chân lên mặt đất đá lấm bùn nước. Dụi mắt mấy lần nó mới thấy mấy con đò trước mắt.
“Đây này bà ơi. Lẹ lẹ giùm cho.”
Cánh tay còn lại của nó như bị ai kéo cái rột, muốn nhấc bỗng người nó lên, rồi hai chân nó nhúng xuống nước. Tưởng rơi tòm xuống sông, không phải đâu, nó lao chao vì cái thuyền chòng chành. Tay ai vẫn giữ chặt nó.
“Ngồi xuống đi bà. Chịu khó một chút quen bóng tối ngay mà.”
Một bóng đen thù lù trước mặt nó và giọng con gái. Tiếp là giọng con Lê.
“Bữa nay có hai thuyền thôi. Quê, mày yên tâm bên đó. Ghe này cũng đi theo sát nút, mày đừng lo.”
“Ê Lê, mày ở đâu vậy?”
“Tao sát mày đây thôi...”
“Giờ đi đâu?”
Không phải giọng Lê mà vẫn cái giọng từ bóng đen trước mặt con Quê.
“Đi liền giờ, má. Làm gì mà gấp gáp quá vậy?”
“Hổng phải, tui quên đem áo, lạnh muốn chết đây.”
“Chút nữa ấm. Chịu khó đi má ơi.”
Giọng con Lê đò sát bên cười. Lúc này con Quê đã quen mắt rồi, nó thấy chiếc đò trống trơn, chỉ có mình nó và cô gái nữa chèo đò. Đây là loại ghe chở khách ban ngày đây mà, ghe có mui, có hai băng ghế ngắn và một mặt bằng lót gỗ lỗ đổ, có lổ hổng nhìn thấy nước dưới lòng thuyền được.
“Tui vô trỏng ngồi được không. Nó tròng trành ghê quá.”
“Được, má. Má chịu khó ngồi yên, đừng hỏi nhiều có được không.”
Con Quê chui vô mui, tính ngồi lên băng thì cái thuyền nghiêng về một bên như muốn lật, nó hãi quá, ngồi bệt xuống sàn. Cô gái cũng đang chống sào cho ghe rời khỏi bến. Chiếc bên cạnh cũng song song. Ghe xa bờ được một đoạn, cô gái chui vô mui, đi ra phía sau. Con Quê quay lại tò mò nhìn. Cô gái cầm đoạn giây quấn vào mô-tơ máy kéo mạnh. Kéo đến lần thứ ba máy mới nổ. Hai chiếc ghe máy kêu ầm lên, lúc lướt ra giữa sông thì tiếng máy mới dịu bớt. Không như con Quê tưởng mỗi lần đứng trên bờ sông,thấy giòng sông êm ả, vắng lặng ngủ trong bóng đêm đâu, giữa giòng sông, có nhiều ghe máy, có cả ghe chèo tay xuôi ngược, bị bóng tối vây bao kín đáo.
Vùng ánh sáng khu nhà hàng sát mé sông xa dần và chiếc ghe máy chở con Quê trôi tới một vùng ánh sáng khác của mấy chiếc tàu ngoại khổng lồ đang cắm neo. Tới đây thì con Quê không còn nhìn thấy chiếc ghe máy chở con Lê đâu nữa, mà nó đã lẫn vào cả chục chiếc ghe lớn nhỏ khác. Một ánh đèn pha quay vòng chiếu từng khoảng mặt sông, những chiếc ghe quay vòng, tránh vồng ánh sáng tài tình, khi vồng ánh sáng vừa rọi tới khoảng sông khác thì đám thuyền nhỏ như những mũi tên bắn vào mạn tàu phía bên kia và khi vồng ánh sáng tới vòng trở lại thì chỉ còn soi rõ những lượn sóng đi động, họ làm nhanh đến nổi con Quê chưa kịp ngạc nhiên hồi hộp nữa.
“Xíu à. Mày phải không?”
Giọng cô gái ngồi xử dụng máy:
“Đây, tao đây, thằng hà bá.”
“ĐM, đi sông đi nước không có giỡn nghe mày.”
“Được, thằng đười ươi. Mày mau mau chuyển hàng rồi còn phụ máy cho tao “làm việc” nữa chớ.”
Con Quê ngồi trong mui, mắt dáo dác nhìn cảnh hoạt động trên sông lúc đó. Đến mấy tàu chở chuối khóm cặp sát vô mạn tàu, rồi những cần xé được buộc dây từ trên tàu chuyền xuống. Thơm chuối được bỏ vô cần xé và những chiếc cần xé được kéo lên. Lát sau những chiếc cần xé lại thả xuống và dân “nhảy tàu” lại bê ra những thứ hàng hóa gì mà con Quê không nhìn thấy rõ. Nó hỏi:
“Họ đổi hàng gì vậy chị Xíu.”
Nó đã biết tên cô gái.
“Tụi Đức mê chuối và trái dứa lắm, tụi nó đổi hàng “xịn” không. Bơ thùng, xà phòng thơm, đồ hộp, bánh kẹo...”
Những thứ này con Quê lạ lùng gì, bày bán ở chợ Cũ chất cao như núi. Thì ra đầu mối hàng một phần do đây mà ra.
Chiếc thuyền con Quê ngồi cũng đã được đưa vào mui một món hàng, đó là một anh chàng ngoại quốc bự con, cô Xíu đã đổi thuyền, người giữ máy giờ đây là một thiếu niên nhỏ xíu, mặt mày hốc hác như đang bệnh nặng. Nó lầm lì phóng thuyền ra mặt sông, ngược lại hướng cũ. Anh chàng ngoại quốc vô tới mui, còn e dè nhìn con Quê. Con Quê tá hỏa. Đức điếc gì đâu. Một anh đen thui, đang nhe hàm răng trắng nhễ ra cười. Nó la lên:
“Du nô ghéc-ma-ny, du...”
“Ô-kê. Ai nô...”
“Du Cu-ba..”
“Dét. Dét. Cu-ba.”
Mồ tổ con Lê. Nó bị gạt cay đắng. Mấy thằng làm thuê cho bọn Đức vừa keo bẩn vừa tham lam, hay ăn quịt. Nó kinh nghiệm quá mà.
“Ông nội mày. Đưa tiền đây. Mô-nêy...mô nây...”
Vẫn nhe hàm răng trắng ra cười, nó đưa tay sờ vào mặt con Quê.
“Chết tiệt. Đứt cổ mày đứt luôn. Tổ cha mày. Đưa tiền đây.”
“Này bà, bà đừng làm quá “mất việc” ráng chịu hà.”
“ĐM. Con Lê nó gạt tao, mấy thứ này không bỏ đồng tiền...”
“Tao không biết. Mày ráng đòi tiền đi rồi lên khúc sông trên kia vắng mới “làm việc” được. Nhớ của tao muời lăm phần trăm.”
Con Quê chụp tay thằng Cu-ba cắn một cái:
“ĐM, mô-nêy. Mô-nêy.”
Tên ngoại quốc lắc đầu. Nó xổ một tràng tiếng ngoại, con Quê chẳng hiểu ất giáp gì, cứ chửi loạn.

Thằng nhỏ chạy máy thuền phải can thiệp bằng một tràng tiếng Mỹ bồi, vậy mà tên ngoại quốc hiểu.
“Ô-kê.”
Con Quê được chung tiền trước, bất kể người trước mặt là ai, nó tính lẹ tiền phần trăm , ném ra cho tên thiếu niên cầm máy:
“Đó, của mày. Xong xuôi rồi nghe.”
Và nó thản nhiên chờ tên ngoại quốc “khởi động”.
Thuyền đã lên phía sông trên, vắng vẻ và yên tĩnh. Tiếng máy tắt lịm và con thuyền thả muốn trôi đi đâu thì đi.
“Có chiếc chiếu cuộn sát bên mé, mày trãi ra đi.”
Con Quê làm theo lời chỉ dẫn, tên ngoại quốc cởi trần nó ra và bắt đầu sờ soạng. Con Quê lạnh run. Nó nghe tiếng nước vỗ róc rách bên mạn thuyền,nước như theo gió, xối tưới sự lạnh lẽo làm nó tê tái. Rồi nó ấm áp dần lại khi tên ngoại quốc vồ vập lấy nó, nó như cùng chiếc thuyền khi thì bị dìm xuống tận đáy sông, khi thì sóng đưa lên cao vút. Rồi nó, hay chính nó nghe, không biết, tiếng la khóc thê thảm. Nó cảm thấy như hồn nó đang thoát khỏi xác và bay lên cao. Rồi cái hồn cúi xuống nhìn xác, một cái xác cứng đơ, bầy nhầy, nhơ nhớp và một cái miệng sùi bọt mép, há hốc, kinh khiếp muốn kêu linh hồn trở lại, và hồn nó nhập vô được.
Nó thét lên một tiếng như xé màn đêm. Nó cảm thấy nó cũng vừa bị rách vỡ và nước hay máu bật ra. Tên ngoại quốc ôm nó chặt cứng, như đã dính liền không gỡ ra được nữa. Chiếc thuyền đã bớt tròng trành và thằng oắt tì ngồi bên máy thuyền thả lỏng bỗng rùng mình, miệng nó cũng há hốc ra và nước bọt sùi bên mép, y như con Quê vậy.
Lát sau, cái thân thể đen ngòm như hết chất dính, tự rời ra. Con Quê cảm thấy nhẹ nhõm. Nó thở ra thật dài, duỗi hết hai chân và một cánh tay ra. Hơi thở nó như phảng phất mùi ruột gan cồn cào làm lợm miệng muốn ói.
Không biết tính gì nữa mà tên nhà cháy còn tiếc rẻ vuốt ve, nó muốn xô ra, nhưng nó chỉ có một cánh tay, mà lúc đó đã đuối quá không làm gì được. Nó đành nhờ cái mồm kêu réo:
“Này, nó còn gỡ gạc, không được nghe. Mày nói nó, chừng đó tiền coi như tao đã trả hết, không chừng còn lỗ vốn.”
“Được. Tao nói.”
Bằng tiếng bồi, khi bấn còn chêm tiếng Việt và giải thích vòng vo, tên ngoại quốc cũng hiểu.
“Rồi, nó nói mày chịu khó nó “boa” thêm.”
“Chịu khó cái con...Tao muốn đứt hơi rồi đây....”
“Mày ngu lắm. Cứ nhận đại đi. Biết không, tao chỉ cho thuyền chạy một vòng, “sang ngang” thằng chó cho thuyền khác để họ đưa nó về tàu. Tập trung một lúc bốn năm thằng đi “giải lao” mày biết không?”
“Chừng bao lâu?”
“Nhanh lắm, tao bảo đảm là nó không kịp khóc...”
Ghe quay mũi thật và nổ máy chạy băng băng. Con Quê cũng liều nhắm mắt cho thằng ngoại quốc muốn dầy vò vọc vạy sao thì vọc. Bao nhiêu sức lực hắn cũng gồng hết vào hiệp thứ nhất, đến hiệp thứ hai, đấu đá cho vui vậy thôi, mà tiền thì con Quê đã cầm thêm chắc trong tay rồi. Đang lúc người ta mùi như vậy mà cái miệng thằng nhỏ sau lái bô bô:
“Ê, lần sau mày cũng chung cho tao nữa, công của tao nhiều lắm.”
“Ông nội mày, ai đã chạy đâu. Lát tao chung.”
“Bà ơi, sợ bà luôn. Ráng lên chút coi, cho nó đi rồi...”
“Rồi sao? Thì nó...con bà nó, cái thằng dai như dĩa...ai da...”
“Rồi cho nó dai. Mày lăn qua, lăn gần tới mớ áo quần của nó. Ráng mò coi, có tiền đó. Thôi tao không nói nữa, nó nghi. Mày cứ la, la cho nhiều đi...”
Thằng nhỏ sau lái lại im như thóc. Con Quê la, thét, kêu, khóc và đạp mạnh vào tên ngoại quốc. Coi như võ sĩ uýnh vào bao gạo, hắn nhe răng cười, còn có vẻ hả hê.
Nó cũng chỉ đóng kịch đó thôi. Tay con Quê đã lần vô được cái túi áo nằm vắt trên băng ghế. Tiền chẳn tiền lẻ gì không biết, nó nhét đại trong một cái khe dưới băng ghế. Yên tâm, nó không thèm la khóc nữa.
Một lát sau thằng nhỏ báo cho tên cột đột đen sì biết là chuẩn bị để sang ghe lên tàu. Tên ngoại quốc mặc quần áo, lấy thuốc lá ra hút. Lúc này, con Quê chẳng cần biết trời trăng mây nước gì, nó vớ quần áo của nó đắp kín lên người và nghỉ ngơi. Chừng mươi phút, ghe máy cặp vào một thuyền chèo tay và tên ngoại quốc qua thuyền kia. Thằng nhỏ rồ máy, chạy ngược lên hướng cũ. Con Quê nói:
“Mày đưa tao về phía bến Mỹ Cảnh chớ còn đi đâu nữa?”
Nó nhắm chừng lúc này cũng hai giờ đêm là ít.
“Chưa đâu bà ơi. Còn khoảng tiền bà “móc” mình chưa tính tới.”
“Thì tính đi. Có ngọn đèn không, đốt lên tao soi coi bao nhiêu.”
“Làm gì vội vậy. Khoảng sông này công an tuần tra đữ lắm mầy. Lên trên kia rồi tính.”
Lại gặp tên con nít cà chớn nữa. Con Quê chỉ còn biết lắc đầu. Cũng như là tới chỗ ghe thả lỏng lúc nãy, thằng nhỏ tắt máy, bước vào mui. Chiếc ghe lắc qua lắc lại như muốn chìm.
“Mày muốn xuống sông sao mày?”
“Ngu sao xuống dưới cho lạnh...”
Con Quê đã mặc xong quần áo, gió, hơi sương mọng nước làm nó lạnh cứ muốn run lên. Thằng nhỏ thắp ngọn đèn dầu có cái vòng nhôm nhỏ che kín ba phía. Con Quê lấy mớ tiền kiếm được lên soi. Toàn tiền lẻ không, chừng năm đồng đô.
“Sao ít vậy. Mày có dấu không? Ê, phải thật thà mới làm ăn lâu dài nghe mày.”
Con Quê moi hết mớ tiền ra:
“Đó, mày coi đi. Mày muốn xét không? Có nhiêu là tao nói nhiêu.”
“Ừa, được. Thôi tao cho mày ba, tao lấy hai.”
“Cũng được.”
“Thôi cho mày bốn, tao lấy một.”
“Tốt quá hén.”
“Không tốt đâu. Bởi tao muốn khám mày, coi mày có cất dấu đâu không...”
Nội cái giọng nó nói con Quê cũng biết là nó muốn gì rồi. Ác nhơn quá, lời đơn rồi còn lời kép.
“Tao khám nghe.”
“Được. Mày ép tao lắm nghe.”
“Tao khám một tí, nội công tao giữ cái ghe cho khỏi lật cũng khổ cực lắm, mày đền bù cho tao có chút xíu thôi. Nè, tao khám nè. Khám đây, khám đây...đây nè..., mày không chung cho tao là không được...”
“Thì chung đó, ông nội mày.”
Chiếc ghe chòng chành, trôi xuôi theo giòng nước. Trong bóng đêm, thỉnh hoảng con ghe lắc lư như một con cá quẩy đuôi đớp mồi, rồi lùng bùng như nhai nuốt, và khi con mồi đã vô hết trong bụng thì êm ả trôi...
“Không biết mấy giờ rồi, tao phải về...”
Chúng nó vừa ngủ thiếp được một giấc ngắn. Thằng nhỏ còn tiếc nuối níu con Quê xuống ôm ấp:
“Còn sớm mà. Tao sẽ đưa mày về. Tao tên Thơm. Mày gọi tao là Thơm được rồi. Từ nay có mối tao kiếm mày khỏi qua con Lê, nó chia bốn sáu với mày phải không?”
“Ừ”
“Tao kiếm mày ở đâu?”
“Chiều tao tạt qua bến một lần gặp mày.”
“Được. Mày nhớ. Tao thích mày. Mày tên gì?”
“Quê”
“Tên dễ thương quá nghe mày. Mày làm tao nhớ hồi ở dưới quê, tao con một, được cưng lắm nghe mày.”
“Cha mẹ mày đâu?”
“Ổng chạy giặc từ ngoài Trung vô, nghe nói tàu bị bắn, chết. Hồi Việt Cộng vô đó mày.”
“Còn má mày đâu?”
“Đừng nhắc bả , giờ này tao còn hận đây. Bả vội vàng lấy chồng khác, cũng dưới quê. Thằng dượng ghẻ của tao là cán bộ ấp, ác ôn côn đồ lắm. Suốt ngày chửi tao là “đồ con giặc Ngụy”. Bữa tao mua ruợư bỏ thuốc rầy định thuốc cho thằng chả chết, ai de đâu nó biết. Vậy là tao phải bỏ nhà ra đi lưu lạc. Má tao chẳng bao giờ nghĩ đến tao mày ơi.
“Thôi đi, nghe chuyện mày buồn thấy mẹ. Mày làm ơn cho tao vô đi. Bữa khác...Mày nhớ kiếm mối cho tao, đừng lựa mấy thằng nhà cháy, tiền chẳng nhiều mà hành xác mình lắm. Mấy thằng Đông Đức cũng nghèo mà xài bảnh hơn.”

“Mày thích Liên Xô không?”
“Đừng. Đừng nghe mày. Thứ đó mạt rệp nghe mày. Nó chỉ đổi ba thứ đồ không đáng đồng xu. Mày nhớ chưa?”
“Nhớ.”
“Thôi, mày khám kỷ lắm rồi sao còn ham khám hoài. Tao đừ lắm. Bữa khác đi ông nội.”
Lúc được trả lại bến, dọc theo công viên bờ sông, hình như chỉ còn mình nó thức. Nó biết chỗ thằng Bò thường ngủ. Lúc này không biết nó ngủ ở đây hay lên công viên Chi Lăng đợi mình? Thôi kệ, cứ về chỗ, nó đang cần ngủ để lấy sức.

Thằng Bò giương mắt nhìn ra đường. Bao nhiêu bóng đèn đường đã tắt tịt từ lâu lắm, hình như từ thời đầu Việt Cộng mới vô. Chỉ có ánh đèn thiệt xa từ phía hông nhà hàng Hương Lan, và một bóng đèn nhỏ trước cửa tiệm thêu cô Tâm, vậy mà nó cũng nhận ra bóng dáng nhỏ bé của con Quê đang đi tới. Một tay con Quê ôm lấy ngực. Lạnh phải biết. Nó đi đâu từ chiều tối mà ăn mặc phong phanh nữa. Giờ này, cũng sắp hết đêm mới mò về. Giận nó quá đi. Nó dụi mắt, nhìn con Quê cho kỹ.
“Mày đi đâu giờ này mới về?”
“Kệ ông cố nội tao. Mày hỏi làm gì?”
“Tao hỏi cho biết được không?”
“Mày không cần biết, không cần hỏi. Tao mệt lắm, ngủ đây.”
Nó cúi xuống lôi cái chăn , nằm xuống và đắp kín người. Nằm một lát không nghe thằng Bò nói gì, nó không nhẫn tâm được và cũng không thể ngủ được. Nó lên tiếng:
“Mày ngủ chưa? Ngủ đi.”
Vẫn không nghe tiếng thằng Bò ừ hử. Nó tung chăn ngồi dậy. Tội không, thằng bò ôm lấy mặt nằm xấp trên cỏ, không chăn chiếu.
“Mày không biết lạnh sao. Lấy chăn đắp đi, còn một cái trong hốc đó.”
“Kệ ông cố nội tao.”
Con Quê bật cười. Nó dậy, lui cui trãi thêm chiếc chiếu rách rồi kéo chăn xuống nằm chung với thằng Bò. Nó quay lưng lại. Con Quê đưa tay sờ, mặt mũi thằng Bò dầm dề nước mắt.
“Sao mày khóc? Mày giận tao gì nào?”
Không nghe cả tiếng thằng Bò thút thít. Con Quê nổi quạu:
“Hết đêm rồi nghe mày. Mày giận há? Được, tao cho giận luôn. Tao thề...dứt luôn...Tao thề...”
Nghĩ tới thân phận mình, nó cũng bật khóc. Lúc đó thằng bò quay lại và cả hai đức cùng khóc.
“Cực lắm, mày biết không?”
“Mà mày...mày lại...”
“Ừ. Thôi, cho tao ngủ, tao van mày...”
“Thì mày ngủ đi..”
Thằng Bò rúc vào người con Quê. Nó rờ rịt như đứa con ngủ rờ vú mẹ. Con Quê kéo tay nó ra.
“Mày đừng đụng tao đau lắm.”
Nó cản thấy dạo này ngực nó lớn, núm vú cũng lồi lên, căng nhức khó chịu, kể cả khi không ai đụng vào nó cũng căng đau. Người nó luôn luôn váng vất và ruột gan lúc nào cũng như trống rỗng. Nó có bầu? Không chắc đâu, tại phải “làm việc” đó nhiều quá. Cảm giác y như lần nó bị cả một băng “bụi đời” bề rồi vất nó trong bụi cây, lúc tỉnh dậy ruột gan nó cũng nôn nao và nó muốn ói mửa cả hai tháng trời chớ đâu có ít.
“Vú mày bự quá, bự mà cứng nữa... mày có bầu chắc rồi.”
“Thôi ngủ đi cha.”
“Ừ cha ngủ nghe con, ngủ đây.”
Thằng Bò xoa xoa lên chiếc bụng xẹp lép của con Quê. Cả buổi tối làm việc mà nó chỉ “ăn” toàn cái thứ không no bụng được!
Rồi hai đứa cũng ngủ say như chết. Truớc khi trời sáng tỏ, có một đống chiếu trên bãi cỏ cách chúng khoảng ba mét lay động. Một gã đàn ông chui ra như một con nhộng thoát ra khỏi cái kén. Gã nhớn nhác nhìn toàn cảnh dân “bụi” đang chìm trong giấc ngủ. Gã nhẹ nhàng trườn tới bên cạnh thằng Bò và con Quê. Bàn tay gã thận trọng mò mẫn trong túi áo con nhỏ, rồi bò trở lại, chui vào chiếc chiếu.
Vừa lúc đó xe chữa lửa hú inh ỏi, như đánh thức cả thành phố dậy. Đám bụi đời lục tục bị đánh thức.
“Cháy ở đâu vậy?”
“Ở đâu?”
Đám lửa đã rực soi rõ từng bộ mặt hốc hắt, tiều tụy, thiếu ăn và thiếu ngủ. Cả một cửa hàng kim khí điệm máy ở góc đường Tự Do, Lê Thánh Tôn bốc cháy. Trong tiếng kêu la hốt hoảng, có tiếng bà chủ tiệm Bạch Ngọc the thé, khẩn trương. Mấy anh em nhà Bảnh cũng đã xông ra cứu hỏa.
Đám bụi chỉ hớt hải mấy giây phút đầu. Sau khi nhìn thấy đám cháy, họ lại nằm xuống kiếm thêm vài phút nghỉ ngơi. Lửa không tìm đến họ đâu, vì họ, ngoài tấm thân trần trụi ra, chẳng còn có cái gì để cháy.

<< CHƯƠNG 9. | CHƯƠNG 11. >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 988

Return to top