Lúc mặt trời lên, mấy công viên nằm sát trái tim thành phố vắng vẻ lạ thường. Đám bụi đời như âm binh, biến mất khi ngày đến, trừ chị Bảy cà tong nhởn nhơ lượn lui lượn tới và thằng Long Tân Định ngồi trên ghế đá, chỗ ngủ của con Quê bỏ trống. Chị Bảy cà tong hôm nay mặc cái áo sơ mi màu hồng còn mới lắm, hai tay bồng như kiểu mấy cô gái còn ngây thơ nên trông nghịch mắt quá. Thằng Long Tân Định cứ tránh nhìn chị mà hút thuốc, trầm ngâm như có điều gì đang phải suy nghĩ, thỉnh thoảng mày nó nhíu lại. Chị Bảy cà tong sà xuống: “Ê, có chuyện gì mà mặt mày “khẩn trương” dzậy” cưng. Mấy đêm nay sao biến đâu hổng thấy?” “Thôi má. Má làm ơn cho con yên chút được không? Đang điên cái đầu đây. Tức hộc máu. Đụ họ.” “Ha,nói nghe có duyên quá chừng. Tức ai mà ói máu?” “Nói má nghe để còn tùm lum tùm la ra sao nữa đây? Ừa, thì nói. Đây sợ đứa nào. Vụ mấy thùng bia bên cửa hàng, thiệt mình bốn chín cũng gặp năm mươi. Con mẹ cửa hàng trưởng lừa đảo làm mất cả khối tiền mà được có mấy thùng vỏ bia.” “Ha, cửa hàng trưởng thì cửa hàng trưởng. Thưa thấy con mẹ nó chớ. Sao mày không nói với con Lê, coi vậy chớ nó có uy với phường lắm nghe mầy...” “Biết. Biết con má ngoan lắm, xách đít đưa cho thằng phó phường. Nhưng má ơi, con mẹ cửa hàng trưởng vợ của một phó giám đốc sở công an, dám chơi không?” “Ừa thì không dám rồi. Nhưng cái thằng tà lọt đưa mối đó, trơ cái mặt ra mà cưng chịu sao? Chơi thấy con bà nó luôn chớ, sợ gì.” Thằng Long Tân Định khi không nổi nóng ngang: “Nữa, cũng bà. Tui hết muốn gì nữa đi. Đang khô queo hổng còn một xu ten dính túi đây. Thằng Nuôi con bà chơi hổng đẹp, lúc nào cũng chơi trội, không chia chác đồng đều. Bị dính bà mà tui thua nó.” “Thôi tao can. Bộ anh em bây tính giết nhau sao đây. Có gì thì cũng còn tao, tao hổng binh đứa nào, bỏ đứa nào hết trơn. Cưng coi cái vụ...” “Được, được rồi, má đừng có khui ra nữa. Cũng tại má mà con tan nát đời hoa...” Chị Bảy cà tong phì cười. Cái thằng thiệt. Nó hơn thằng hai Nuôi một hai tuổi là cùng, nhưng khôn lanh và ăn nói dí dỏm làm người ta bắt cười mà thương chi lạ. Nó còn rủa chị là con Võ Tắc Thiên, là con Đắc Kỷ già, mụ Từ Hy Mắm Thái. Cái gì lọt vô miệng thằng nhỏ cũng thấy dễ nghe, chị sao mà giận nó được? Còn nữa, hơ, nó đùa ngộ quá :“Coi, cái chỗ ngon nhất sắp chín rục rồi nghe, tiếc hông?” Thánh cũng phải cười bò ra. “Thôi má, hổng rảnh ngồi coi má cười dơ răng dơ lợi ra. Bà nghe, tui ngán bà tận này này...” Nó đưa tay phía bụng dưới. Chị Bảy cà tong cười nữa. “Cưng thiệt tình... Biết rồi. Tiền phải không? Có đây nhưng không nhiều, dằn túi tiêu vặt.” “Tui không cần tiêu vặt.Vụ rồi thua phải trả nợ không thì cứ chồng chất tiền lời thấy tía luôn.” Không biết “vặn” của chị Bảy cà tong được nhiêu, Long Tân Định rời công viên đi xuống phía phố tìm chỗ ăn sáng. Ở đây có con đường Mạc thị Bưởi, cắt ngang thông từ đường Tự Do tới Hai Bà Trưng, có tới mấy quán cơm tấm bì, ghế bàn lúp xúp bày cả ra lề đường mà không lúc nào trống chỗ. Dân mánh mung điểm hẹn đầu ngày ở đây. Công an ăn có cũng ở đây, hải quan chung tiền cũng ở đây, cả mấy bà chơi hụi tháng hụi ngày, thường trực có mặt.
Miếng móng giò tuy ngon lành nhưng ăn cái vèo đã hết. Nó tiếc rẻ mút, thè lưỡi liếm, giây lát, cục xương bóng nhẵn như được chà giấy nhám. Nó đưa cục xương vô dụng lên, vung tay một cái, cục xương văng xuống một gầm bàn. “Oẳng”. Tiếng một con chó kêu, rồi một cái đầu chó thò ra khỏi gậm bàn, nhe răng, gầm gừ. Thằng Hôi cũng nhe hàm, răng nó lởm chởm y hệt răng chó. “Gâu” Nó sủa lại. Chắc không coi nó là kẻ thù, con chó gừ thêm một tiếng rồi bỏ vô phía mấy bàn bên trong. Sáng đi la cà mấy cửa tiệm, ăn vài ba món, kể cả ăn đòn, bụng vẫn còn lửng. Nó nhìn quanh. Đây rồi, bàn ngoài cùng, có hai anh chị ngồi hòai mà hai tô bún vẫn còn lưng chừng. Cô gái cứ khuấy hoài ly nước chanh đã tan hết đá, mặt ủ sụ như bông hoa héo. Nó đi tới gần và chìa tay ra sát mặt cô gái. “Xê ra. Xê ra không!” Cậu trai nạt, nhưng bàn tay ghê gớm của nó đưa qua đưa lại tỏ ý xin ăn. Cô gái một tay đẩy tô bún, một tay che mặt. Chỉ chờ có vậy, nó bưng tô lên, lấy thêm tương ớt, còn đổ cả dĩa rau và giá sống vào tô, rồi mới lùi lại chỗ góc lề đường. Tô bún đỏ lự ớt, cay phải biết. Nó ăn ham hố như cả tuần nhịn đói vậy. Dơ bẩn, hỗn và lì đòn là món vỏ phòng thân của thằng Hủi. Nó mới xuất hiện trên con đường Tự Do chừng hai tuần lễ nay thôi. Lúc đầu, ma cũ là bọn thằng Lai Phá làm dữ lắm. Định bứng cho nó trốc gốc đi “xứ” khác làm ăn. Cả băng thằng Lai xúm lại. Nó biết cái cố tật của thằng Lai là thường xuyên nhổ nước bọt, và khi gặp chuyện, nhổ nước bọt vào lòng hai bàn tay và xoa xoa. Bữa đó, thằng Lai Phá cũng nhổ toẹt một bãi nước miếng xuống đất. “Ê, đi chỗ khác. Đây không có chỗ cho mày.” “Tao? Đi đâu?” “Đi đâu kệ con thằng đực đẻ mày ra chớ, hỏi tao?” “Thằng Đực đẻ tao ngỏm rồi!” “Con mẹ mày, láo với ông.” “Má tao, ê, tao hông biết bà còn sống không nghe mày.” Thằng Lai Phá lần đầu tiên nghe một thằng “bụi” nói ngộ quá, cứng họng một lúc. “Mày muốn thử sức với tao hông? Công bằng là một chọi một mới phải.” “Mày tên gì?” “Không biết. Nhưng dân ở đây gọi tao là thằng Hủi. Tao thích tên này.” Anh hùng rơm chưa? Thằng Lai Phá bể mặt với đàn em, xông trận liền. Thằng Hủi kém thớ hơn, chắc chắn rồi, nhỏ con, ốm đói...chưa kinh nghiệm. Thằng Lai Phá lầm rồi. Đánh không lại thì nó cắn, nó xông vô giữa háng thằng Lai và...đớp lia đớp lịa. “Ê, không chơi. Chết nghe mày...” “Thấy hông, tao có võ. Sợ chưa”. Bọn đàn em thằng Lai Phá khoái chí tử, vỗ tay rần rần. Thằng Lai Phá cũng cười sằng sặc. Vậy là huề, thằng Hủi đương nhiên được kết nạp vô Đảng. Lý lịch của nó được rõ. “Tao ở đâu tới há? Kinh tế. Gì? Kinh tế mới, mấy ông mấy bà. Ha, có cha có mẹ đàng hoàng. Ba tao? Ngỏm rồi. Ổng bị bịnh kiết lỵ, chết ghê lắm, tụi bay. Tao còn hai đứa em nữa, cũng chết. Một thằng thì sốt rét, một con em gái bị rắn cắn. Rắn. Thì rừng mà. Còn nghe beo gầm cọp hú nữa kìa, rùng rợn lắm. Má tao lúc đó ốm bằng cây tăm tụi bây tin không? Bã khóc lóc bắt tao phải đi tìm một con đường mà sống. Hồi ba tao còn sống, mấy lần dẫn ba anh em tao xuyên rừng, ra lộ để xin quá giang xe đò về thành phố, nhưng lần nào cũng bị công an anh phòng bắt, đánh cho một trận, đuổi vô. Lần đi với má tao, bà chì lắm nghe tụi bây. Đợi trời sập tối là bà dẫn tao đi xuyên rừng liền. Rồi một ngày hôm sau cũng trong rừng, đến đêm, rồi rạng sáng thì tới đường lộ. Bả dẫn đi xa lắm mới có khúc quanh hổng có có công an canh. Thôi bả khóc quá là khóc, lạy như tế sao, tài xế xe đò mới cho tao quá giang. Má tao? Thì bả phải trở lại kinh tế rồi. Ra sao? Tao chẳng biết, nếu chưa bị cọp nhai thì cũng chết đói rày mai...Nếu hồi đó ba tao dẫn được hai đứa em tao đi thì chắc chúng chưa chết đâu...ĐM, tao thù kinh tế mới nhức xương...” Bọn thằng Lai nghe thích lắm. Thằng Hủi dám đánh nhau với khỉ, đi lấy tổ ong, bắt rắn con đem về hầm ăn. Thằng Hủi kể em gái nó bị rắn cắn là quả báo, cả nhà nó ăn thịt rắn con nhiều lắm. Vậy là con Quynh, một con “bà chòi” của băng Lai Phá cười ngất: “Ủa, vậy tụi tao cũng sẽ bị mèo cắn chết, vì tụi tao chuyên bắt mèo con của lũ mèo hoang nướng ăn ngon hết biết.” Đâu có ai tranh ăn đâu mà thằng Hủi nhai nuốt không hở cuống họng để thở. Nó sặc ớt, nhưng nhanh như cắt, đã đưa cái tô hứng kịp mấy cọng bún và nước từ trong miệng nó ọc ra. Cay chết cha chết mẹ luôn. Thôi chết, sao lại ghép má nó vô mấy con số tử vậy cà. Có phải vì cay và sặc ớt không mà nước mắt nước mũi chảy tùm lum. Khi không nhớ cha nhớ mẹ thiệt. Còn hai đứa em nữa, từ ngày lên kinh tế, có bao giờ ăn được miếng ngon như nó đang ăn không? Đất rừng cứng như đá, cả ba ngôi mộ của cha và hai em, nắng cháy nức nẻ, không có một cây cỏ nào sống được. Má nó ra sao rồi đây? Má. Thiệt đó. Ăn miếng ngon, dù thừa cặn người ta đổ đi, cũng nhớ má nè...Ở trển, bắt được con thỏ, con rắn gì thì cũng chỉ nấu với muối, một món một...Ráng khoan chết, chờ nghe má. Nó nhủ, kiếm được tí tiền, tìm cách lên rước má nó về đây làm nghề ăn xin. Ôi dào, còn mệt lắm, phải có khoản cúng kiến cho công an, chưa chắc gì đã được, mà đôi khi nó còn dính cứng ở trển luôn,coi như chết. Nó liệng cái tô lăn lóc trên lề đường, khóc rống lên. Xui cho ai lúc đó nhìn nó: “Má mày, tao nhớ má tao, tao khóc. Ngó gì. Má mày.” “Má mày. Ngó. Má. Bà nghe. Má tao. Má mày. Má mày chớ ai.” Nó vỗ bốp bốp vào mặt, vừa đi vừa khóc. Nhưng khi đụng nhóm thằng Lai Phá thì cười ré lên. Ngang qua Bô đa, nhìn vô, thấy thằng Long Tân Định ngồi chung bàn với Dũng Đầu Bò, con bà chòi Quynh bèn đi một đường “ngoáy đít” chọc chơi. Thằng Long Tân Định biết bọn quỷ ma này rồi, ngó lơ chỗ khác. Chúng nó chia nhau tản ra các khách sạn đón khách ngoại quốc. Thằng lai có kinh nghiệm về việc này lắm. Xem mặt mà bắt hình dong. Chúng nó tự biết khách nào là Liên Sô, hay Hung Ga Ri, Tiệp Khắc, Ba Lan. Có người tóc cũng vàng, cao dong dỏng, mà phải tinh mắt biết ai là Tây Đức, ai là Đông Đức. Mấy ông Canada coi giàu vậy nhưng chỉ tốn tiền cho bọn gái, chớ bọn thằng Lai khó “chài” lắm. Chỉ có phái đoàn HCR thì le lói làm sao. Có mấy ông Mỹ nói tiếng Việt, ông nói giọng Bắc, ông giọng Nam, có ông nói tiếng Huế nữa. Mấy ông này mà đi theo một đoạn đường thế nào cũng có tiền, đôi khi còn kẹo bánh, sô cô la, đem đổi liền cho mấy bà bán thuốc lá lấy tiền mặt. Mấy bà Ba Lan đôi khi xin được mấy cây bút chì. Còn mấy ông Tiệp Khắc gặp nhau thì a hôi, a hôi ồn ào, nhưng áo quần không hôi như Liên Sô. Cái mùi Liên Sô nó kỳ làm sao, đứa nào cũng công nhận vậy. Thằng Lai Phá đi với thằng Hôi. Thằng Hôi dơ vậy đó, coi như không bao giờ tắm mà thằng Lai Phá vẫn cặp tay thân mật. Xuống tới khách sạn Cửu Long, chúng nó đụng đầu với một bọn gái “nữ sinh”. Cô nào cũng tóc xõa, áo dài trắng. Thằng Lai lại nhổ nước bọt. “Hôi, mày ngó kỷ cái con gầy nhom, mặt xanh lè kia kìa. Nó bị bịnh tim sắp chết mà đêm nào cũng đón tàu Đức...Mấy thằng Đức, đm,này này...” Nó nhìn phía bọn gái: “Chết nghe con. Ham lắm.” Rồi nó xán lại gần: “Ê, Điệp, tối hôm kia, nhờ tao hông là công an tóm mày rồi. Mày “biết” một chút đi.” “Lai, tối nay mày giúp tao, đón thằng Heo, nói tao đợi nó ở quán Bạch Ngọc. Nè, tao “biết” cho mày nè.” “Phải. Biết vậy tốt. Tính tao....” Nó chia tay thằng Hôi để đi theo nhóm “nữ sinh. “Lát gặp,nghe”. Sau đó chúng nó có hẹn kéo nhau ra chợ Cũ “nghía” hàng tàu. Mấy ông đi tàu biển đem nhiều bánh kẹo, sô cô la, bơ, sữa,nên hàng chợ Cũ nổi tiếng lắm. “Nghía” chơi vậy thôi chớ đời nào bọn chúng bỏ tiền mua. Chôm được là không chừa. Lượm một vòng xong là mấy con “bà chòi” đã “chỉa” không nhiều thì ít. Chúng phải đi ngang qua phường chín. Đối với thằng Lai Phá thì nhẵn mặt rồi, trưởng công an tới cảnh sát khu vực, trực ban gì nó cũng thuộc mặt hết. Thấy nó cô hồn quá, cũng bỏ liều luôn, cảnh sát khu vực cũng nhờ nó mà bắt được một ổ ăn cắp xe đạp hay thần sầu...Chuyện gì mà bu đông quá vậy? Bu quanh chiếc xe lam. Là những ai đây? Bọn chúng cũng xúm lại coi. Một bà béo tròn béo trục bị còng tay dẫn vô trước, rồi trên xe, lúc nhúc, đứa này dìu đứa kia, có cả chục đứa. Mà sao tụi nó cứ túm lấy nhau, đứa sơ2 soạng, đứa cà nhắc? Một lát thôi,cả mấy con đường mua bán máy, băng nhạc cũ ở đằng sau phường rần rật chạy bu coi. Chúng nó nhỏ người, chen đâu mà không lọt... “Con mẹ mìn này dữ quá. Coi tụi con nít không có đứa nào nguyên thân...” “Năm đứa bị thọc mù mắt. Hai đứa bẻ tay chân. Coi đứa con gái kia kìa, cái mặt dị dạng quá, toàn thẹo không.” “Nghe nói con mụ này bị bắt mấy lần rồi. Làm nghề mẹ mìn từ ngoài Bắc. Mụ thuộc hạng thương phế binh...” “Thương phế binh nhà nước đãi ngộ, không làm vậy...” “Ha, nghe mệt quá... Ở đó mà đãi với ngộ...ngộ thiệt, hén.”
Người đàn ông, chắc cán bộ sượng sùng bỏ đi. Con “bà chòi” tên Đuông tự nhiên cầm chặt tay con Quynh. “Ê, ghê quá mày ơi. Con mụ thọc mù mắt, bẻ tay chân con nít bắt đi ăn xin...” “Ừa...” “Tao có đứa em cũng bị lạc, hổng biết có bị vậy không cà?” “Em mày. Có bao giờ mày nói mày có em đâu?” Con Đuông giọng như bà cụ: “Con người ta bộ dưới đất chui lên sao mậy? Ai thì cũng có cha có mẹ, có anh em. Má tao bế con em tao trốn mất lúc ba tao bịnh sắp chết... rồi tao nghe tin má tao chết nữa, còn con em hổng biết nó đâu... Ha, coi thằng nhỏ kia nó điếc mày ơi...nó vừa đui vừa điếc. Mụ “mẹ mìn” được gọi tới bàn lấy khẩu cung. Mụ vừa đứng dậy thì thằng Lai đưa chân đá nghéo một cái suýt té. “Ác nhơn lắm nghe bà.” “Mấy đứa con nít dang ra. Bà con dang ra cho phường làm việc.” “Đưa hết lên lầu.” Vậy là chẳng còn gì coi, cả bọn kéo nhau ra chợ Cũ. Thằng Hôi bỗng khóc hinh hích: “Tao nhớ má tao, thiệt tao nhớ...” Băng thằng Lai tưởng nó đùa, cuời phá lên. Con Quynh kéo cái quần rách bươm của nó xuống, cười nữa. Thằng Hủi giữ chặt quần, cũng cười vang. . Sáng thứ Hai, ngày đầu tuần, sau giờ đi làm, con đường Tự Do vắng lắm. Các tiệm mở cửa muộn, các bà các cô còn phải đi gội đầu, làm tóc, sơn quết móng tay móng chân, hoặc đi ăn sáng. Họ cần gặp nhau lắm. Bao nhiêu chuyện để kể với nhau. Cửa tiệm gội đầu, cũng như các địa điểm ăn sáng, mọi chuyện bí mật nhất, cũng đều bật mí ở đây. Tuyết Chà thì ngược lại. Nhà cô không phải cửa tiệm, không cần mở cửa, cô cũng không thích đi ăn sáng ở ngoài. Còn gội đầu, đã có chị Lan, một tuần hai ngày tới làm việc. Đầu tuần, mấy bà bạn họp ở căn lầu xinh xắn của Tuyết. Có chị Ngân làm móng tay móng chân đến, có chị Lam, đấm bóp giỏi một cây. Ăn sáng, sai chị người làm xuống phố gọi, thức ăn thức uống gì có người bê đến tận nhà. Mấy ngày cuối tuần mệt quá xá. Ăn uống, đi chơi, đánh bài, nhảy đầm, chỉ có ngày đầu tuần nghỉ ngơi bù lại. Sáng nay Tuyết Chà hơi bực mình vì ông thầy tới dạy nhạc cho cô con gái. Cái con nhỏ đần độn mà ông thầy chắc chẳng khá gì hơn... Mấy bài tập đàn hoài đàn mãi, con nhỏ cứ vấp, cứ sai. Dạy thì vậy chớ ngày lấy học phí thì dù Tuyết Chà có ngủ muộn đến mấy cũng chờ lấy bao thơ cho được. Nói cho nghỉ thì con nhỏ khóc, nói ông thầy này hiền, lỡ ông thầy mới không được hiền như vậy, sợ lắm. Xời ơi, sao mình sinh con mà trời sinh tánh. Con nhỏ tánh đã không giống cô rồi mà sắc diện thì còn trái cẳng ngỗng hơn.Cũng chẳng nhớ cha nó có phải thằng chồng Chà cuối cùng không, da nó hổng đen, mà vàng khè, tái nhách. Mấy con bạn quỉ hay nói móc: “Cha chà mà con không láng. Ý muốn nói đen láng chớ gì? Đâu phải ma-rốc, tây đen rạch mặt mà đen? Ờ, thì nó cũng có ăn chút cà ri của cha nó nên vàng vậy, được không? Đó là câu trả lại mấy đứa ưa móc họng. Biết nó ngu, cứ cho nó học đàn cho sang trọng vậy thôi. Vụ đánh tư sản vừa rồi, Tuyết Chà thoát. Cũng còn ớn lắm, mấy ông quành lại mấy hồi? Nhưng đã lỡ cho nó học, bây giờ ngắt ngang thì kỳ quá. Cũng tại anh chàng “kép nhí” bày chuyện cho có rồi.... Chị Lan tới sớm, không dám làm ồn lúc cô chủ đang ngủ. Bây giờ đang lau nhà. Chưa xong thì mấy bà đã tới. Rồi cô Phấn làm móng tay móng chân cũng xách tráp leo lên cầu thang. Chưa thấy người đã thấy tiếng: “Xin lỗi bữa nay tới trể. Bị ghé lại lựa mua mấy màu mới. Đẹp lắm, coi nè.” Cái tráp mở ra. Mấy chai sơn màu cam màu đỏ được mấy bà chuyền nhau coi. Mai Bắc mở nắp hít hà: “Thơm, đúng là đồ ngoại.” Chai nào cũng có xài qua. Chị Lan rành quá mà. Hồi mới mất Sài gòn, chị đi lùng mua nước hoa, son phấn của mấy “chị em” cũ, hay mấy bà tướng tá thất cơ lỡ vận, buộc phải bán đi. Dù đã xài qua rồi nhưng buôn đi bán lại mấy thứ này mà chị cũng nuôi nổi tám đứa con với một chồng mà không phải nếm mùi kinh tế mới. “Đồ mới giờ toàn hàng Thái không hà, hàng Thái cũng “dỏm” thấy bà nội.” Mai Bắc: “Bây giờ có hàng mới, mấy anh tàu biển đem về...” “Phải. Phải. Mấy anh tàu biển của cô cũng mua hàng “dỏm” luôn. Mới đi được xanh-ga-po, Thái Lan, chưa kể số gì đâu, bà.” “Hồi trước hàng Thái cho tôi cũng không lấy.” Tuyết Chà trề môi, tiếp: “Chị Lan, gội đầu cho tôi trước. Tôi tắm cái rồi tẩm quất sau.” Tuyết Chà nằm dài trên giường, một cái máng bằng nhôm kê kẹp dưới cổ, dưới hứng cái thau lớn có nước. Chị Lan dấp nước cho tóc ưót rồi mới đổ dầu gội đầu lên chà xát. “Dầu gội ngoại có khác.Thơm là thơm, sang trọng ghê cơ.” Lại Mai Bắc, cứ mãi một câu khen hàng ngoại. Chị Lan gội đầu được tiếng là cẩn thận, tẩn mẫn. tay chị miết lên da đầu rất thiện nghệ, móng tay cắt không nhọn, gãi gãi “đã ngứa” lắm. Cô Tuyết Chà phải nói một câu: ” Đã chịu bà Lan này gội rồi thì ai gội cũng không bằng.” Gãi, miết, Lan còn nhổ tóc sâu, cứ bựt bựt đã quá xá đã. “Gãi vầy có mạnh tay không cô” Chị Lan hỏi cầm chừng. “Không, gãi mạnh thêm một tí nữa, tí nữa...” Tuyết Chà lim dim mắt. Ba bà nữa đang chờ, để bớt sốt ruột, chị Lan lôi trong giỏ ra một bộ bài cào: “Mấy cô “binh” đi, chờ em, em làm lẹ lắm.” Nhưng không bà nào muốn Lan làm lẹ đâu. Chị Lan cũng biết vậy, cho xứng đáng đồng tiền bát gạo, mấy bà làm như phải đã cơn ghiền. Lúc Tuyết Chà gội đầu xong, sấy tóc, chị Lan đè một bà xuống tẩm quất. Lột quần áo ra, nằm sấp. Chị Lan đổ qua mộtlượt dầu nóng, bắt đầu xoa, nắn, rồi giựt mấy đốt xương cụt kêu bật bật. Hết nằm sấp đến nằm ngữa đế mát-xa bụng. Phải công nhận trời còn cho chị Lan có sức khỏe. Trừ cô Mai Bắc chưa sinh nở,mấy bà, kể cả Tuyết Chà, bụng đã xếp lồng đèn, mở dày cộm nên phải có sức mới véo, giựt mạnh tay được...Đến màn bẻ cổ, bẻ tay, chân và bàn chân , chị Lan kéo tới đâu kêu bốp bốp tới đó. Bà nào cũng sướng tê lên, mặt mũi tiếc nuối. .. Cũng như ở các tiệm gội đầu đầu khác, chuyện trong nhà ngoài phố cũng lọt qua cửa miệng mấy bà. Chị Lan, cô Phấn, tay thì làm mà miệng không ngừng đưa chuyện. “Mấy cô biết không, nhà cô Nguyện mới mất con mèo tam thể, cổ khóc quá.” “Ha, đáng đời. Thời buổi người ta cơm không có ăn, bả ỷ giàu nuôi mèo, cưng còn hơn con đẻ nữa.” “Tôi biết rồi. Mất con mèo, chị ta kêu tụi bụi đời rao thưởng tìm mèo. Khẳm lắm.” “Lại bọn bụi đời. Có mà tìm trong bụng tụi nó. Thành cức rồi.” Một bà nói. “Hôm qua bố ráp ngoài chợ cũ, tụi bán máy dính nhiều lắm nghe.” “Biết sao hôn. Thằng trưởng công an phường này cà chớn, thâu tiền từng gian như lấy lương tháng, mà đến hồi kiểm tra, làm như chưa biết nhau.” “Nó mập như con heo, có ngày đứt gân máu chết queo.” “Thằng đó đoảng lắm. Coi, con Quê, con Chiến bụi đời ốm đói mà khi “khủng hoảng” nó cũng bắt mấy đứa đó đóng thuế, tội hông?” “Ở đó mà tội, bà. Ốc tiêu đó. Mấy con bà chòi mà dữ dằn lắm, bà không biết đâu. Không biết thằng cha trưởng công an”đầu bạc” lợi dụng hay bị lợi dụng. Chúng khiếp lắm.” “Mai bắc, mày nói phải đó. Không chừng mày cũng phải đóng “thuế thân” cho thằng cha.” “Mấy bà giỏi hơn tui kiểu nào mà không chìa...ra , nói thử coi.” Tuyết Chà phải hòa giải: “Mấy bà nói chuyện người ta không đủ sao còn vướng nhau vô? Có duyên dữ. Bà Ngân, chuyện bà đến đâu rồi?” “Ôi dào,mấy vụ bể hết trơn. Mấy thằng cán bộ “dỏm” lắm.” “Chuyện tui nhờ bà không được sao?” “Thì thủng thẳng...để điều tra kỷ coi...” “Bà Tuyết không ngờ ngu. Ăn cháo lú sao đi mê thằng “nhóc” đó mà mê như bị bỏ bùa bỏ ngãi mới là lạ.” “Đèn nhà ai nấy sáng nghe mấy bà. Tui mất bao công, tốn bao nhiêu của mới đưa được nó vô làm nhà hàng. Bây giờ ngon, nó phản, đau lắm.” “Nó cũng là “cán” thôi. Ai biểu bà tin.” “Tui nói rồi, tui thề..con này chưa thua ai bao giờ. Cũng qua chồng Tây, chồng Tàu, chồng Ấn, Liên Xô, Đông Đức cũng cặp, mà toàn tui bỏ người ta...Nó dám qua mặt ha. Con này mà không lấy cũng khấy cho hôi...để rồi mấy bà coi...” “Ha, tao chống mắt coi đó mày, Tuyết.” Bà Xinh, một góa phụ đang tuổi hồi xuân, vô băng này vì xí xọn và ham chơi. Có tiền, bà bỏ ra thuê thầy dạy nhảy, nên đêm, bao bàn,chi tiền, bà cũng được các “kép bắt địa” chiếu cố. Nghe chuyện, bà thở một hơi dài: “Ôi, hơi đâu mà giành giựt nhau mấy trái chuối. Tao khoẻ re.” “Má làm sao mà khoẻ, má?” “Tao xài máy. Muốn xài lúc nào thì xài. Cười hả? Không có gì cười nghe bây. Đàn ông là của chung. Máy là của riêng.” Chị Lan: “Thiệt đó. Tui làm chứng này. Tui có thấy,” “Nghe chưa. Con Tuyết, mày quên nó đi, mua một cái máy...tao chỉ cho. Con Mai Bắc này, quen tụi tàu biển nhờ tụi nó mua dùm, đồ ngoại tốt lắm.” “Có máy thiệt không?” Một bà hỏi. Mấy bà cười ngất. “Sáng chế bà ơi. Làm gì có máy thiệt”. Có vậy mà mất hết một buổi sáng. Khi chia tay, chị Lan nói: “Mấy cô ơi, từ nay có đô, mấy cô đưa em đổi cho. Em có mối chợ lớn chung được giá lắm.” Cứ đà này, sẽ còn nhiều nghề mới nữa xuất hiện trên con đường quốc tế này. Tuyết giữ Mai Bắc lại. Đứa con gái của Tuyết Chà đi kêu cơm hàng về ăn chung với nhau. Sau đó họ ngủ nằm nghỉ. Tuyết Chà gác chân lên người Mai bắc . Một Nam một Bắc, nói chuyện với nhau sao mà hợp quá, họ như đã thân nhau từ muôn kiếp. Mai Bắc con nhà nghèo, ở vùng thượng du Bắc Việt. Mười tuổi lưu lạc về thành phố tự nuôi thân. Không phải các em thiếu nhi choàng khăn đỏ mà con bé vẫn bị một “con cán” ăn tươi lúc mười một tuổi. Sau đó, càng được các “cán” thương hại, thân càng bị vùi dập hơn. Lúc lấy được miền Nam, Mai chẳn hai mươi tuổi, là “gái” đứng ở các bờ hồ làm “vạc ăn sương”. Sau đó, được một “cán” o bế, cho theo vô miền Nam, chỉ một thời gian, cô Mai”bờ hồ” đã là “Mai quậy” của Sài gòn giải phóng. Chỉ mấy năm, Mai đã có một số vừa vốn liếng nhan sắc, vừa vốn liếng tiền bạc. Cô giao du với giới tàu biển, mà dân tàu biển đều là con cái của ông lớn. Một cánh cửa quan quyền mở ra trước mắt, Mai quen biết rất lớn. Rồi móc ngoặt mua bán hàng tàu, chạy mánh mun, đưa hàng từ Nam ra Bắc. Lâu nay Mai còn kiêm nghề đưa người trong Nam ra Hải Phòng, ở đây, cô đã liên lạc với một đường dây vượt biên bằng ghe, có công an đỡ đầu. Cô tâm sự với Tuyết Chà, muốn làm thiệt nhiều tiền, về vùng thượng du tìm cha mẹ ruột. Sau đó, cô hy vọng cặp được một người ngoại quốc, ra nước ngoài. “Em nhảy có dỡ lắm không, Tuyết?” “Dễ ẹc. Chị sẽ tập cho Mai. Dáng Mai nhảy đẹp lắm. Coi, người Mai như vầy lo gì không có người mê mệt. Mai có bơm không?” “Em tự nhiên. Chị coi...” Hai cô gái ôm nhau, sờ nắn, coi “của” của nhau để đánh giá trị nghề nghiệp. “Em còn học chị nhiều lắm, chị Tuyết giúp Mai nhé.” “Đắc co. Nhưng Mai hứa giúp chị một chuyện.”
Anh chàng nhạc sĩ Bắc kỳ được đưa ra, kể tỉ mỉ. Từ lúc quen nhau ra sao, lọt vào tròng nhau ra sao, Tuyết nói tuốt hết: “Mình không muốn mất nó. Mai biết không, mình tức là hai vợ chồng nó mạnh ai nấy sống, coi như ly thân mà không chịu ly dị. Hổng hiểu sao, thời gian này nó không thường tới với mình nữa. Mình mua cho nó xe Honda, sắm cho nó đủ thứ...” “Hơ, mình không ngờ bà dại vậy...tưởng bà khôn...Rồi sao? Mình làm gì giúp bà...” “Nó thấy mình là nó lánh. Bà tìm cách cho mình gặp nó...” “Được rồi, hứa.” Họ đã hết gọi chị chị em em, đã coi vai vế bằng nhau, dù Tuyết Chà hơn Mai Bắc gần hai chục tuổi. Gần hai tiếng đồng hồ nằm bên nhau tâm sự, Mai Bắc học được của cô gái quốc tế này nhiều ngón nghề lắm. Hèn gì nhiều ông cán bộ đã “hủ hóa” vì gái Nam...Nghĩ cũng lạ, anh chàng nhạc sĩ trẻ trung kia, sao chưa lọt gọn vô lưới. Mai Bắc thắc mắc lắm nhưng không tiện hỏi, cô hứa sẽ tìm dịp làm quen anh chàng ta để tìm cách giúp bạn. Rồi cả hai chợp mắt ngủ lúc nào không hay. Khoảng bốn giờ chiều, hai cô trở dậy trang điểm xong thì một số khách khứa đến. Cô Hồng, làm đầu thảo một nhóm dân “mánh” ở đường Tạ thu Thâu, Mạc thị Bưởi ghé qua. Bà Xinh tới chờ “dợt” một điệu nhảy. Cô Hoa, vợ một sỹ quan học tập, luôn luôn đóng vai “còn độc thân”, rồi rãi rác, một vài khách đàn ông ghé ngang. Vậy là họ họp nhau mấy nhóm, nhón ngồi tán gẫu, nói chuyện suông, nhóm binh xập xám. Chị Hồng cũng đã trở lại phục vụ, chờ sai đi mua quà vặt, thức uống và thuốc lá. Ở mục này tuy lai rai nhưng bạc cắc góp lại cũng thành bạc đồng rồi bạc trăm. Lại nữa, ông nào binh xập xám gặp hên, thắng lia lịa thì cô Tuyết cũng nói vào: “Con Lan tới “hớt xâu” kìa.” Chị Lang lanh lẹ lắm: “Dạ có em. Trời ơi, anh Hai bữa nay hên quá.” “Tui hổng ham hên. Hễ đỏ bạc là đen tình.” Cô Hoa tức thì xáng lại: “Hồi nào, đen hồi nào. Đỏ tươi nè.” Anh Hai được gọi thở dài cả cây số đường trường: “Hừ.....Em mà đỏ tươi hôm nay thì còn làm ăn gì được nữa, xui hơn thì có.” Đánh đét một cái vào đùi thằng cha nham nhở, cô Hoa vùng vằng: “Thằng cha này kỳ hén...Sao nghe con Mai Bắc nói anh hai thích ăn tiết canh...” Đã đến nước này thì anh Hai đành trơ tráo: “À, nếu Mai Bắc cho anh ăn tiết canh thì có bao giờ anh từ chối, phải vậy không em?” “Thằng phải gió, nham nhở.” Mai Bắc nhào tới. Vậy là bài rơi rớt lung tung, cô Hoa và cô Mai, vừa đùa vừa thật, bốc hốt mớ tiền của anh Hai bỏ vào cái...ví trong áo. Anh Hai đâu có vừa, cũng đưa tay chụp giựt lấy lại tiền, bên thò tay , bên đẩy, mấy tờ giấy bạc dộng sâu vào đâu trong cái ví... da mà anh hai móc hoài không lấy ra được tờ nào... Một lúc sau, gió lặng, cây im, Tuyết Chà mới than thở: “Anh Ba à, mấy bữa nay thằng khu vực muốn làm khó dễ em, cứ vài đêm là kiểm tra hộ khẩu...em mất ngủ, anh coi, ốm nhom nè...” Tuyết Chà ưỡn cái cổ áo rộng ra, hai tay đặt lên eo, coi tướng đứng xốn con mắt quá. Giọng anh Ba lên tông một cách khác thường: “Vậy hả? Để anh. Thằng “đầu bạc” vẫn chưa “xuống ngồi đất”, còn ngồi ghế?” “Còn lâu. Ngồi ghế bọc nhung cà...Ở đó mà xuống đất...” “Anh lưu ý trường hợp này...” Tuyết Chà ngồi sát vào anh Ba: “Công tác hoài, em hổng chịu đâu...Ở nhà em cô đơn lắm, anh biết không?” “Bộ thằng kép nhí nó bỏ em rồi sao?” “Kép hồi nào? Anh chỉ tưởng tượng. Bị em thích học đàn nên nhờ ảnh tới dạy. Học vài bản chơi thôi cho có với người ta vậy mà...anh cũng ghen...” “Chớ sao. Nó mà lộn xộn là anh xuống lệnh...” “Ý cha, anh đừng ác nhơn vậy chớ. Sao anh biểu em học đờn rồi đờn cho anh nghe...em học đờn cũng vì anh thôi...” “Biết vậy, nhưng đôi thì thằng nhỏ không dạy đàn, mà học đàn tỳ bà ngược lại không chừng...” “Anh cho em là hạng người nào, hả. Anh nói đi..Xí,”độc tài Đảng trị” cũng vừa vừa thôi, anh dám bỏ con sư tư Hà Đông của anh hông, hay anh sợ hai hàm răng mái hiên của bả nghiền nát anh ra... hứ, khi dễ người ta...”
Anh Ba là anh ba Tập, một bí danh lưu kỷ niệm thành tích Nam Kỳ tập kết ra Bắc của anh. Không nói ra, nhưng cách sống của anh đã nói dùm anh nhiều lắm. Năm 54, còn là một thanh niên, cha mẹ cho ăn học đàng hoàng lại không ham, ham đi đánh bi, đánh đáo, còn trò đánh “kăng”, căn cù u chịu, trận đòn nào cũng nứt đít, đâm ra hận cha hận mẹ, ghét anh chị em. Nghe bạn rủ rê, khăn gói lên đường tập kết ra Bắc. Vô tới thiên đàng cộng sản rồi mới té sấp té ngữa. Mấy chục năm, cay đắng nhục nhằn, ăn gai nếm mật, biết bị phỉnh cho ăn kẹo thì muộn mất rồi...thôi thì gió chiều nào theo chiều ấy, cứ cờ đỏ sao vàng mà phất. Nhờ vậy mà bao thằng tập kết, có được mấy đứa được tin dùng đâu. Ba Tập học có mỗi chữ “biết” là đủ sống. Mỗi năm mỗi cân nhắc, được lòng tin...cũng phải đổi lấy ân oán nhiều lắm. Một viên đạn đã sớt qua bên trán hắn, còn để lại vết thẹo khó coi...Cũng chẳng sao đâu, Ba Tập đã có tiền bạc dán vô, nên mặt mày vẫn thấy bảnh bao như thường. Mới mấy năm, ăn gạo uống nước miền Nam, anh đã nói quen lại tiếng Nam Kỳ ngọt xớt...Trận đánh tư sản vừa qua thật là một dịp may hiếm có trong đời...chỉ mới xơi cơm rơi cơm vãi dính ngoài mép chén, hắn đã nhà xe nghênh ngang... còn của chìm chôn dấu nữa....Con mụ vợ” hồ hỡi” với tiền bạc, còn hắn, bây giờ là lúc cả nước đang trên đà” chủ nghĩa xã hơi”, hắn cũng phải “xủ hôi”, cho bớt mùi cộng sản...Hắn dính như keo với em Tuyết cũng hơn năm rồi, nhưng tình “kín đáo” lắm. Con mụ vợ hắn, tuy quê mùa, nhưng Bắc kỳ, ăn nói da diết dấm dẳng nhức cái đầu, chịu không thấu...Nghe Tuyết Chà nhắc tới cái bàn nạo dừa hết thuốc chạy chữa của mụ vợ, hắn không vui...Người vợ do Đảng chọn lựa, tuổi đời tuổi Dảng đều hơn hắn... “Em đừng nhắc chuyện gia đình anh chớ. Gạo đã nấu thành cơm lâu rồi...” “Phải, cả một nồi cơm nguội...” “Anh Ba Tập ơi, phụ thiếp làm chi...Thiếp như cơm nguội để khi đói lòng...há anh Ba, người ta còn có câu” câu cá cá chẳng ăn mồi, về nhà hỏi vợ giở nồi câu cơm”... phải không anh Ba? Cơm nguội có khi chan nước mắn hay anh với chút ruốc kho cũng ngon hết biết...” Cô Hoa, tay chia bài lia lịa, thiện nghệ, miệng trêu chọc, cười mà không “lầm” một con bài nào. Sòng bài chơi tới lúc lên đèn thì dẹp. Ngày thường chỉ có thế thôi, gặp nhau, đấu láo, đánh bài, nghe chuyện tiếu lâm. Trời sinh ra cô Hoa có cái miệng có duyên, kể chuyện tiếu lâm thì chiến sĩ can trường như mấy anh Hai, anh Ba cứ há hốc mồm, và khi cười thì đúng là cười lăn chiêng đổ đèn...Mọi mục khác thường là chiều và tối cuối tuần, ăn nhậu chung, nhảy đầm chung, sau rốt mới là mục đi “ăn riêng”... Lúc các anh ra về, chỉ còn mấy cô ở lại. Đồ nghề được lôi ra sửa sang lại nhan sắc. Sau đó họ kéo nhau đi ăn và để hóng gió, họ kéo nhau đi quán kem”Bố Già”. Cả ngày ngồi trên căn lầu cửa đóng kín mít, thứ gió nhân tạo của quạt máy tuy có hơi mát nhưng vẫn ngột ngạt không thoải mái. Lúc này, mấy cô khoan khoái hít thở, gió từ mặt sông Saigon đưa lên mát rượi. Quán kem “Bố Già” giờ này đã không còn ghế ngồi. Ông cụ tướng tá phương phi, ngồi ngã người trên cái ghế dựa trông chừng khách. Cả một lề đường bày chật những bàn ghế nhỏ lúp xúp. Ánh đèn xaqnh mờ từ trong nhà chiếu ra, hắt hiu không soi rõ đồ vật. Ông già nhận ra khách quen gọi với vào bên trong. Một lát, một cái bàn xếp nhỏ được mang ra với mấy cái ghế nhỏ, kê tuốt phía xa. Tuyết Chà lựa chọn: “Bữa nay không biết ăn kem gì đây? Kem trái dứa hay trái dừa, hay kem trái cây?” “Tớ không ăn kem, uống nước trái dâu xay. Ai tuần này thiếu cà rem nước dừa thì kêu. Tớ đủ.” Hoa khều khều Mai Bắc: “Có con Tuyết Chà thiếu cà rem nước dừa, cho nó ăn. Tao uống ly cà phê sữa nóng cho tỉnh, lát tao lên nhà tắm một cái, thay quần áo đi gặp “thằng con” của tao. Nó mới trở lại hôm qua, ở dưới Cửu Long. Lão quản lý xếp tao “ca” 11 giờ. Mấy hôm nay “mấy con” đến đông, cũng phải “xếp hàng” , thủ tục “đầu tiên” gì gì cũng phải chịu xếp hàng như thường...” “Tớ cũng đang muốn xếp hàng mà chưa xếp được đây!” “Thôi bà, làm ơn xếp lại thôi, đừng xếp hàng. Bà ghê lắm, tài nghệ làm sao mà mấy thằng đồ ngoại dỏm “tàu biển” đứa nào cũng “xuống tàu” bà hết trơn...Không con nào tranh được mới tài giỏi!” “Ha, tớ thách con nào “vô” lọt qua mặt con Mai Bắc này! Người sành điệu mới biết loại cà rem nước dừa nào hạng nhất, nghe chưa. Ý cha, ý cha...” Mai Bắc đưa cao cả hai chân lên, đụng cái bàn gồng ghềnh, ly kem của Tuyết Chà đổ lăn kềnh. Một con vật gì đang ngọ ngọe dưới chân cô. Thằng Bò. Qủy quái thật. Nó làm cô hết hồn. Tuyết Chà vừa dựng ly kem vừa dồn đống khăn vô chỗ kem đổ trên bàn cho thấm nước. “Cô Mai, cô Mai” “Mày làm tao hết hồn. Cái gì vậy?” Nó đưa cái tay lên. Xin xỏ gì nữa, Mai Bắc gắt: “Mày làm phiền tao quá, Bò. Đi chỗ khác đi cho tao ngồi một chút. Đây không có cái gì cho mày ăn đâu.” Bàn tay thằng Bò cứ đưa lên. Mai Bắc trố mắt nhìn, bàn tay nó nắm chặt lại. “Gì nữa đây?” “Cô cho tiền.” “Xời ơi, khổ với mày. Thì đưa đây.” Tuy nói vậy Mai Bắc cũng mở cái ví nhỏ xíu cho nó tiền. Thằng Bò xòe lá thư ra. “Mấy anh đợi dưới bến, biểu cần lắm.” Mai Bắc mở tờ giấy ra, soi rọi mãi mới đọc được hai chữ viết nghệch ngoạc: “Cần giấy”. “Tớ phải đi đây. Chắc tàu “đột xuất”. Khỉ họ, giờ này tìm đâu ra con Lan biểu nó đi đổi đây.” Tuyết Chà thản nhiên: “Đừng quýnh. Gặp hỏi đi, cần nhiêu tới gặp mình. Mình cũng về liền đợi bà đây”. Mai Bắc đứng dậy đi. Thằng Bò cũng rời chỗ bò theo. Mai Bắc đi xuống phía bờ sông. Ngày đầu tuần, mọi sinh hoạt uể oải thật, ngang qua khách sạn Cửu Long, cô gặp một ngoại kiều cô từng quen mặt, ông ta người Hung Ga Ry, đang đeo đuổi một cô vũ nữ ở vũ trường Rex. Hắn chào bằng tiếng Việt: “Chào cô Mai” Mai vui vẻ chào lại. Thằng Bò cũng nhổm nhổm người theo một kiểu chào của nó. Nó đeo sát chân Mai Bắc khi băng qua đường, con đường bờ sông này nổi tiếng xe chạy ẩu. Lúc sang bên kia đường, Mai Bắc nhìn lại chẳng thấy thằng Bò đâu nữa. Cô lắc đầu, nhướng mắt tìm quanh, cô đã nhận ra mấy anh tàu biển đang đứng bên cạnh chiếc xe bán nước giải khát. Một lát thôi, cô đã nhận ra vô số hình dạng trong bóng tối đen mờ, đồ vật và người lố nhố. Xe nước mía, xe bán cóc ổi, hột vịt lộn...bắp nướng...Hít một hơi, mùi mực nướng thơm phức làm miệng cô ứa đầy nước miếng...Đây chỉ là ngày thường, thứ bẩy, chủ nhật người ta còn đông như hội, có cả cho thuê ghế ngồi sát bờ sông. Hàng bong bóng cho trẻ con, hàng nhậu cho người lớn. Người rao hàng hủ tíu mì gõ lóc cóc. Buổi chiều cuối tuần, cả chục xe kẹo kéo đổ về đây, quần áo của những người bán kẹo kéo sặc sỡ lôi cuốn đám đông bu quanh. Mỗi xe kẹo kéo có một máy nhạc, và chừng đó xe, chừng đó máy nhạc thi nhau kêu đến điếc con ráy. Hôm nay bờ sông không đông lắm. Mai Bắc vừa bước tới phía mấy anh tàu biển đang đợi. Cô bị một anh đưa tay ôm chặt vào lòng. Cô để yên, anh bồ ruột của cô chớ ai đâu... “Mai tàu đi sớm...” “Sao anh bảo cuối tuần kia...” “Thuyền trưởng muốn “đột xuất” vì sợ tuần tới có kiểm tra...” “Buồn ghê!” Cô nói như học thuộc lòng. Anh bồ ruột an ủi: “Anh đi chừng một tháng thôi. Hy vọng lần này mua đủ cái “đơn” em điền. Bây giờ đi đổi cho tụi anh đi...” “Có vậy thôi à?” “Vậy sao được. Xong xuôi công việc, mình tới quán Bạch Ngọc. Anh đã đặt chỗ rồi, tối nay xem phim...phim ngoại của tụi anh chứ không phải ba cái phim cũ mèn đâu nghe...”
“Em có bạn nữa...” “Được mà. Em muốn là trời muốn!” Mấy tên chung tiền. Đúng lúc đó thằng Bò xuất hiện. Mai Bắc cúi xuống lận chặt gói tiền vào bụng nó. Mai Bắc thong dong tay không rời đám “tàu biển”. Thằng Bò theo bén gót. Họ trở lại đi trên con đường Tự Do và dừng lại trước nhà Tuyết Chà. Cửa mở, Mai Bắc cúi xuống luồn tay vô bụng thằng Bò lấy gói tiền rồi đi vào trong. Còn lại một mình, thằng Bò ngồi xổm như con chó giữ cửa. Nó biết nó còn một công tác nữa là sẽ cất một cái gói trong bụng, bò xuống phía bờ sông với cô Mai Bắc để giao hàng. Mai Bắc rất hài lòng nghỉ ra được cái trò này, không ai biết, cái thằng nửa người nửa vật này lại là một cái túi cất dấu tiền bạc chuyển vận hết sức an toàn. Thằng Bò chờ hơi lâu. Nó buồn miệng quá. Thấy một nhóm người ngoại quốc đi ngang, nó sủa lên gâu gâu. Một trong nhóm dừng lại là một người đàn bà. Nó nhận ra hơi lâu, vì ban đêm nó không thấy được mái tóc vàng của bà. Người đàn bà này đúng là người mấy tháng trước đã chụp rất nhiều hình nó. Bà ta dừng lại, ngó thằng Bò bằng cặp mắt xót thương. Bà lấy trong ví ra một tờ giấy dúi vào tay nó và nói một câu tiếng Mỹ nó hoàn toàn không hiểu. “Gâu”. Nó sủa lại.
. . . Tối hôm nay, thằng Bò từ nhà cô Tuyết Chà bò ra bờ sông, rồi từ bờ sông ngược lại, tính cũng bốn năm vòng. Khi theo bén gót cô Mai Bắc, khi nó phải bò một mình. Trong bụng nó có một cái túi của cô Mai Bắc nhét vô, lúc tiền đô, lúc tiền “vàng mã”, tiếng dân “thầy gòn” đặt tên cho tiền Việt Cộng, có lúc nó bò không muốn nổi vì cái túi mang trong bụng đựng toàn vàng lá. Nó mới được cô Mai Bắc tín nhiệm cho “chuyển” lần đầu nhưng nó làm cũng” nhuyễn” lắm! Đâu có gì mà cô Mai Bắc lo lắng? Chuyện thằng Bò cứ lăng quăng bò tới rồi bò lui suốt mấy con đường khu Tự Do này, đã trở thành chuyện bình thường. Mà dù một buổi nào nó không còn bò lui bò tới thì cũng chẳng ai để tâm, có một câu hỏi trong lòng, nó còn sống hay đã chết! Thằng Bò thích thú vì được cô Mai Bắc tin cậy. Cuộc sống lề đường dạy nó biết nhiều hơn cô Mai Bắc tưởng. Nó nhởn nhơ , thong thả, ghé ngó cửa hàng này một chút, chọc ghẹo người đi đường. Nó bò theo một cặp trai gái đang ôm eo ếch nhau, cười nói ,đi trên đường. Mấy cái mặt này lạ hoắc à, mấy bà mấy cô, cả mấy cậu mấy ông, hễ có “lui tới” trên mấy con đường này là nó thuộc nhẵn...cả giầy lẫn dép hết. Đang bò chậm và nhẹ, thình lình nó đưa tay cào vào chân cô gái phía trước. Cô gái thét lên, xô chúi vào người con trai. Thằng Bò cười khà khà, vất mình tới trước bò đi nữa...Đằng xa, thấy cảnh đó, cô Mai Bắc cũng lắc đầu, tủm tỉm. Việc làm nhẹ nhàng thôi, tối nay thằng Bò được tới hai lần tiền thưởng, chưa kể tờ giấy xanh của người đàn bà ngoại quốc tóc vàng cho nó, lúc nó ngồi xổm trước hiên nhà cô Tuyết. “Mày nhớ giữ kín việc này, lần sau tao cho mày làm nữa.” Nó gật đầu. Chia tay. Thằng Bò cảm thấy đói bụng. Từ trưa tới giờ nó chưa ăn gì. Tới góc đường có xe bánh mì của dì Sáu Ốm, nó nằm phục xuống, nghiêng đôi mắt ti hí vàng vọt cố trông thấy mấy ổ bánh mì vàng dòn, miệng đã ứa nước dãi. “Bữa nay không cho nữa nghen mậy. Cho mày hoài quen thói.” Nó vẫn kiên nhẫn chờ. Mấy tờ giấy bạc trong người nó như đang co lại. Làm sao nó dám lấy ra tiêu phung phí, dù mua ổ bánh mì ăn để nuôi thân. “Có đi đi cho người ta buôn bán. Ha, ế gì mà ế dữ thần vậy nè trời. Ông thần đừng có ám một bữa có được không?” “Ế thì cho đi. Để cũng vứt bỏ dì ơi!” “Ở đó mà bỏ. Bỏ vô miệng chớ bỏ đâu. Tao một nách tám đứa con ở nhà nghe mày. Bán không được đem về ăn. Mày tưởng ngồi ở đây sướng lắm sao, đóng hụi chết ngày một...đó, mày coi...” Mặt dì ốm đúng như cái bánh bao về chiều khi thấy cảnh sát khu vực đủng đỉnh đi tới. “Giờ này chưa dẹp, bà?” “Chú ơi, thông cảm giùm. Đầu tuần ế quá, còn cả xe nè, chú nhìn coi.” “Mấy bà nói sao cũng được. Tui bị phiền vì hàng rong, xe bánh ở con đường này nhiều lắm rồi nghe. Cấp trên cho là tôi thiên vị...” “Tội nghiệp mà chú. Chú làm phúc...Bị nghèo, con đông...” “Bà nào cũng ca có một bài. Nhà nước đã có kế hoạch hóa gia đình, sao bà nào cũng con đông... Gặp hôm kiểm tra hốt về phường là tui chịu thua...” Đưa chân, hắn đá nhẹ thằng Bò: “Con mày, cấm mày theo chân ngoại quốc xin tiền nghe chưa. Chiến dịch tới là hốt hết bọn bụi đời đưa đi vùng kinh tế mới hết...để làm đẹp thành phố...” Xưa như trái đất. Dọa hoài nào có ai sợ nữa. Không có bọn buôn bán lề đường, không có bọn bụi đời lấy gì chia chác đây. ĐM, hễ có ai thì làm tàng, còn không, gọi tới kêu lui, nhờ vã: ” Mày phải theo dõi mấy con làm “gái”, mấy thằng ma cô ma cạo rồi báo cáo nghe chưa...”. Làm đẹp thành phố đi rồi hốt cức mà ăn. Chì nói dóc. Thằng Bò rung rung cái chân teo tóp, chủi thầm trong bụng. “Ý cha, quên đoảng...Cất cái này từ chiều, thấy chú qua về mấy lượt mà cứ quên hoài...” Bà Sáu Ốm lôi trong cái ngăn ra bao thuốc lá ba số chưa khui. Cảnh sát khu vực lẹ tay đút vào túi. “Làm mấy khúc bánh mì đem về đãi anh em trực ban, dì Sáu.” “Có ngay”. Tay dì Sáu Ốm cắt bánh, nhồi thịt, xịt nước tương nhanh như chớp. Thoáng cái đã đưa cho cảnh sát khu vực một gói. Hắn cầm lấy, không có một tiếng cám ơn. Trước khi đi, đá thằng Bò thêm một cái: “Mày nhiều tiền đô lắm, giấu ở đâu mày?” “Đây nè, chú”. Thằng Bò lật ngữa người ra. “Mẹ, mày muốn chết không?” Trợn mắt, đưa cao chân lên, nhưng hắn không làm gì hết, bỏ đi. Dì Sáu thở một hơi dài: “Ha,ăn thì ăn, dọa thì dọa. Hốt thì hốt. Ba cái đồ ác nhơn thất đức.” Chuyện này thì thằng Bò biết quá. Lâu lâu xe cây đi một vòng, hốt ghế choán lề đường, hàng rong, xe trái cây, bánh mì, đem về phường một buổi tấp nập lắm. Rồi đóng phạt, sau đó chuộc xe, chuộc gióng gánh về tiếp tục buôn bán tiếp...Bà Mè bán cháo vịt nhiều hôm thê thảm lắm, gặp mấy ông trực ban cao hứng nhậu là đi một vòng. Gánh hàng này nạp một con vịt luộc , gánh kia gỏi gà, toàn lựa món ngon dễ bắt mồi. Rượu đã có mấy quán nhậu lúp xúp lề đường cung cấp...Bữa dì Mè khóc kể: “Vốn hết vô miệng mấy ổng. Bán cháo vịt mà con có đứa nào biết mùi miếng thịt vịt nó ngon ra sao đâu trời!”. “Thấy hông, xin dì dì không cho, quân ác đức thì dì dâng tận tay nó.” Coi dì Sáu Ốm khi không quơ con dao cắt bánh mì một vòng vào không khí coi như muốn giết ai. Rồi cũng hạ con dao xuống. “Dì bán bánh mì còn đỡ “cúng”, vì mấy ổng ngán bánh mì rồi. Dì Mè bán cháo vịt, gia tài có hai con vịt, mấy ông nhậu là hớt nguyên một con, còn khóc chảy máu mắt nữa.” Cù nhầy rồi cuối cùng dì Sáu ốm cũng cho nó một ổ bánh mì nhân đồ chua và chút xì dầu. Đi xin thì chỉ có vậy thôi, cắt thịt ai ra mà có. Nhưng nó thèm mấy miếng thịt xắc mỏng nhồi vào ruột bánh mì quá rồi...Chịu không thấu nó mới xì tiền ra: “Có mười đồng, dì cho mấy lát thịt dì ơi!” “Gớm chưa, ông có tiền mà ông dấu biến đi. Mười đồng mà có mà ăn cái dách...Xời, coi tiền rách bươm, mày nhét vô đâu vậy?” “Có tiền là được rồi, dì sao bắt bẻ quá. Thiệt..” “Sợ ông luôn!” Thằng Bò chui vào một góc ngồi ăn cho hết miếng bánh mì. Xong rồi, còn phải có ly nước uống để dộng nó xuống nữa. Nó rời xe bánh mì bò tới cửa hàng Bô-đa. Quán hàng gì giờ này cũng “xệ” quá. Mấy anh phục vụ viên vừa dọn dẹp vừa ngáp. Một số ghế đã chồng lên bàn. May quá, nó nhìn thấy một vài bàn chưa dọn dẹp, có ly nước cô cậu nào uống nhắp, còn đầy ắp...Với những dứa khác thì dễ quá, chỉ cần thật nhanh chân chạy vào, làm một hơi rồi chạy ra, khoẻ re, nhưng với thằng Bò thì khó khăn lắm. Bàn cao quá, nó không với tới được, mà xin xỏ mấy cha này ít khi được. Cứ thử xem sao? Nó bò vào quán, chìa tay ra. Cũng có thể hôm nay hên. Cái anh phục vụ viên gầy nhom, mắt lộ quần đen tướng tá ít dữ dằn nhất. Nó chìa tay. Một anh khác nạt: “Đuổi thằng quái vật ra ngoài. Trông nó “tởm” quá.” Nhưng người phục vụ viên gầy này lại đưa cho nó ly nước thừa. Nó làm một hơi muốn sặc rồi lanh lẹ bò ra ngoài ngay. Ở mấy chốn này, có một ông thiện hiếm hoi lắm, ông ác nhiều vô số kể. Như cái ông mập mập đang quay lưng ra, có lần khách cho nó, ông cũng giật lại đổ đi...Hầm lắm, mãi chưa nghĩ ra một cách trả thù. Nó suýt tông người đàn bà điên đang vừa đi vừa cầm một cái que ngắn hua hua phía trước. Bữa nay ai cho bả cái quần đùi với cái áo mai ô xé rách trước ngực, lòi hai cái vú mướp chảy dài lòng thòng. “Bà có mắt không vậy?” Thằng Bò hỏi một tảng đá. Bà điên như không biết có thằng Bò có mặt dưới đất. Chân bà vẫn bươn bã bước. “Tốt quá nè mà hông có sữa. Con bò đâu tốt mà sữa nhiều...nhiều thật...” Chị ta nói một mình. Lâu lâu, có một một vài hình ảnh lướt qua một cái trong đầu chị. Con bò ở đâu vậy? Có cái thằng đang bò dưới đất kia. Không phải. Kinh tế mới. Đúng vậy không? Nó mù mịt lắm. Để cho bà ta đi đi. Thằng Bò sang đường. Quán cà phê Phương hôm nay không được đông, cô chủ tên Phương, lấy tên mình đặt cho quán. Quán cũng mới khai trương đây thôi. Nghề của cô là đi kèm dạy tiếng Tây cho mấy cô làm “gái” Tây. Sứ quán Pháp còn lại mấy ông Tây xài hoang lắm. Nhưng chỉ “hoang” với gái thôi, bọn ăn mày đi theo chỉ mỏi chân mình, và mỏi tay mấy ổng, vì mấy ổng xua tay lia lịa. Nó nghiêng mắt nhìn vô quán. Cũng còn vài ba cặp lai rai...Nó lắc đầu. Vô xin cũng uổng công thôi. Nó bò lên hiên nhà bên cạnh. Nhà “quan cán” mới đây. Căn phố này chủ bỏ đi nước ngoài, cấp cho cán bộ ở. Nghe nói ông này dân tập kết, làm giám đốc giám xúi chi đây, bà con ở mấy căn hai bên ớn lắm. Sát bên là một tiệm thêu, giờ này cũng đóng cửa tắt đèn rồi... Nó nghe tiếng giày lóc cóc rất vui tai. Thì ra Mai Bắc với anh kép dân “tàu biển” đang khoác tay nhau đi trên đường. Nó chờ cô Mai Bắc ngó nó một cái, nhưng không biết cô có biết nó ngồi đây không, mà đi ngang qua, cô làm như không hề thấy nó. Nó có vờ ho lên mấy tiếng, cổ cũng chẳng chú ý. Coi cổ đi, cứ sát vào người đàn ông làm như sợ mất hơi vậy... Ăn no, uống đã, nó lười biếng ngồi một chỗ. Nó ngồi lâu lắm. Lạ thiệt, con đường Tự Do càng về khuya càng vắng vẻ, vậy mà hễ có một người ngoại quốc thì “gái” hiện ra từng bầy. Bọn con Chiến cũng “săn đuổi” ráo riết. Rất khuya nó thấy con Nết xuất hiện. Chắc chắn là từ một khách sạn nào ra thôi. Nó chăm chăm nhìn từng bước chân con Nết. Lúc con Nết đi ngang qua, nó hếch cái mũi lên ngửi. Có một mùi hương quen thuộc làm nó choáng váng! Cổ mặc váy ngắn, áo hở cổ rộng quá. Trời bỗng dưng nổi gió rào rào. Gió luồn qua cái ngực hở đó là cái chắc. Nó ghét luôn cả gió. ..Tin được không? Tin được không? Nó luồn tay véo “đồ vật” của nó một cái. Ha, đúng là có mà, đúng là khi cái bà Nết này đi ngang qua, nó buồn đái quá. Con Nết đi đã xa, thằng Bò nhìn theo muốn lòi tròng. Con Nết chắc chắn có nhìn thấy nó. Rồi sao nữa? Chắc con Nết chẳng coi nó có “con số” gì đâu. Nhưng thằng Bò có. Nó há hốc mồm, không làm sao ngậm lại được. Nó kẹp chặt hai chân lại, có cái gì ướt nhèm nhẹp...chắc nó đái ra quần rồi...Nước mắt cũng chảy ra nữa. Sao vậy? Nửa đêm, nó bò lên tượng Đức Mẹ. Bức tượng cao vậy, chẳng bao giờ Bà nhìn thấy mặt nó đâu. Lẩn quẩn dưới chân bức tượng thế này được rồi. Nó cũng biết cầu nguyện: “bà ơi, giúp con, che mắt đừng cho ai thấy con dấu tiền dưới đây. Con nghèo lắm, không dám ăn, con để dành...” Thường thường chỉ khấn đến đó thôi. Không dám ăn dám tiêu, nhưng để dành làm gì thì nó chưa biết. Có điều, mỗi lần nghĩ tới mấy gói tiền, nó cũng sướng mê người đi. Biết để dành, ăn tiêu tặn tiện, hắn không phải là súc vật rồi. Con chó con mèo có biết cất dấu tiền bạc đâu. Thấy không? Nó hỏi nó và những lúc đó môi nó đậu một nụ cười. Thấy không? Đất và cỏ đang lót êm mình nó. Không êm ái bằng cái giường của con Nết. Nhưng nó cứ lăn lộn, vùng vẫy, rồi miệng nó tru lên...Kỳ quá, bình thường nó kêu “gâu” rất giống chó sủa, hôm nay tru thì tiếng nó the thé như mấy con mèo hoang ban đêm trên mái nhà.... Trên trời, những vì sao xúm xít lại với nhau, chớp chớp muốn soi, nhìn coi nó.
Tiệm cà phê Thái Sơn ra đời thật đúng lúc. Quán này đã được sửa chữa lâu lắm, bên trong trang trí như kiểu một cái hầm, sâu, quanh co, đèn đóm mờ mịt. Không nhảy đầm múa đôi gì hết. Cà phê là cà phê. Thêm âm nhạc chọn lọc. Chọn lọc phải là nhạc ngoại rồi. Một số nhạc tình “bất tử” và thời trang...nên như hủ mật kéo đàn kiến thanh niên bu đông nghẹt. Hệ thống công an chìm nổi kín mít như buông lưới, vậy mà bọn phản động cứ tung tin thất thiệt như thường. Nhân dân, nhất là thanh niên máu còn tươi, dễ khích động nhất, phải có ma túy để “ru” chúng nó. Làm lơ mãi để nhạc vàng tự tác tung hoành hoài thì nhà nước quê. Phải bày ra chuyện để kéo lại. Vậy là có hầm cà phê Thái Sơn. Đèn mờ lắm, ánh sáng có luồng tím bầm, có luồng xám ngóet ma quái, phải bật cây diêm lên soi mới thấy mặt nhau. Lúc mới bước chân vào, như đứng trước đêm dày hay bị bịt mắt. Một lát, lờ mờ hiện ra những hình bóng kỳ dị như xuống tới cõi âm ty. Một lúc lâu quen dần thì cũng đi mò mẫn, theo ánh đèn Pin của phục vụ viên hướng dẫn. Dễ dầu gì mà có bàn trống trừ những lúc hên. Quán mở từ chiều tới đêm, lúc nào cũng đông như có “đại hội anh hùng”. Thời này chỉ lưa thưa họa hoằn mới có một việt kiều, cho nên đám việt kiều “dỏm” Huỳnh Thúc Kháng, Tạ Thu Thâu “làm chủ tình hình” các nhà hàng khiêu vũ và các điểm cà phê có nhạc thời trang, giá “chém”. Dân Huỳnh Thúc Kháng và Tạ Thu Thâu là dân buôn bán có, chạy mánh có, mánh mun nữa. Thời kỳ này ở Tân Sơn Nhất, thùng quà về không đủ kho chứa, nội tiền thuế lưu kho đóng cũng mệt nghỉ rồi. Hai con đường Tạ Thu Thâu và Huỳnh Thúc Kháng kín mít sạp thu và bán hàng ngoại. Mô đen kiểu “trời đất” gì cũng có bày bán ở đây hết. Chẳng bao lâu, hai con đường này không đủ sức chứa, tràn xuống khu Tân Định, xa hơn nữa Nguyễn Tri Phương...dân buôn sạp và dân chạy mánh trúng mối lớn, ăn xài không hơn việt kiều thì chớ, lẽ nào thua? Có người xài thì có người chứa! Quán cà phê như một cái dịch, quán cà phê mọc lên đủ chốn, đủ kiểu, ngoài các quán còn có cà phê biệt thự nữa. Các cán bộ chiếm nhà lớn, cho người thuê để mở quán, lại đứng ra bao che khi kiểm tra nên cả hai bên cùng lợi...Nhiều vậy mà không chỗ nào để ghế không, huống chi cái “hầm” đúng cách này...Vô đây rồi thì cái “xã hội chủ nghĩa” bên ngoài coi như không có, quên đi giây lát sự xót xa đày ải. Còn một hạng “cao thủ” nữa là các đấng anh hùng môn phái “xì ke”. Trong ánh sáng mờ ảo như sương mù, nhạc êm dịu thánh thót, ngồi “phi” thì hết ý. Lơ mơ trong hơi thuốc, chờ thấm, tan để cơ thể không còn trọng lượng, và đầu óc cũng nhẹ tênh, bay bỗng tới toàn cảnh giới thần tiên khoái lạc. Mai Bắc và chàng kép nghề tàu biển cũng đưa nhau vô đây. Phải rờ rẫm, đụng chạm bàn ghế, chân người, lát sau họ mới được hướng dẫn tới một bàn nhỏ trong góc sâu. Chàng sốt ruột chờ ly cà phê nên đưa chân quặp vào đùi nàng ngồi ghế sát cạnh. “Sao anh bảo tới quán Bạch Ngọc lại vô đây?” Mai Bắc hỏi. “Lát khuya mình mới tới đó. Giờ này bọn gái quỉ săn ngoại quốc còn ngồi đầy ở đó, ồn lắm. Với lại, khuya mới có mục của tụi mình...” Mai Bắc quá rành rẽ những chuyện xẩy ra ở quán Bạch Ngọc cũng giả vờ ngây thơ: “Mục gì vậy anh?” “Xem phim”. “Xem phim mình vô rạp coi có phải rộng rãi hơn không? Anh, có phim “xích lại gần nhau chút nữa” nghe nói hay, sao mình không đi xem?” “Xích lại gần nhau có gì khoái mà xem em! Ở quán ông Bảnh dxem phim hay lắm. Không cần phải xích, mà này...” Mai Bắc la khẽ: “Kỳ. Kỳ quá, người ta thấy!” “Tối om, thấy ông ba mươi ấy...Này, lát nữa tới xem rồi biết. Thật trăm phần trăm...” “Thôi, đủ rồi. Anh à...ghét quá. Bữa em lục ví thấy anh có cái hình con “ở truồng”, bộ anh...” “Tầm bậy. Bọn anh đi tàu lênh đênh giữa biển, coi mấy cái hình đó cho đỡ nhớ em...đứa nào cũng có. Em không biết đó thôi, con này nó chụp cả mấy chục kiểu..nghe nói tụi tàu còn quay phim “con heo” nó đóng đem sang Hồng Kông...” Nói xấu nhau là tính chung của đàn bà, Mai Bắc tức thì phun ra: “Xì, ai mà không biết. Con này lúc đầu còn cao giá, giờ rẻ mạt. Nó tàn rồi. Em mà chụp loại hình này ăn đứt hết...” “Cấm em. Anh thấy một tấm nào của em là anh giết chết em ngay. Đừng có đùa...” “Hơ, sao anh không giết chết con vợ của anh đi... nó cũng cắm sừng tưng bừng trên đầu anh đấy thôi...” “Nó mà đẹp như em anh giết lâu rồi...” “Xí, dóc tổ. Chứ không phải đụng vào con ông cục trưởng cục tàu biển là đời anh cũng tàn luôn sao?” Xoáy vào vết thương của người ta rồi. Đó, anh chàng trầm ngâm hút thuốc. Mai Bắc có ngón nghề mà. Cô xoay mặt nhân tình lại, gỡ điếu thuốc ra khỏi môi anh chàng để gắn vào nụ hôn. Chắc là huề được. “Sao bài người ta tốt mà mình liệt... sĩ hoài vậy? Nè, xì rô, xì chuồng, xì cơ...xì cơ nè, bài tốt rồi...” Chàng phải cười thôi và gỡ tay Mai Bắc cho nụ hôn tiếp khỏi vướng. Cà phê và nước ngọt được đem tới. Đặt ly xuống bàn là đèn Pin bấm lên soi biên lai trả tiền tại chỗ. Rõ là phải vậy, cái hầm tối om, biết quầy trả tiền ở đâu mà mò, với lại ai vô ra làm sao kiểm soát. Trả xong tiền nước, y như các tay chơi trong phim ảnh, chàng tàu biển ấn tờ giấy năm trăm vào tay người phục vụ. Đã được qua một lớp huấn luyện, người phục vụ viên vừa công an chìm cúi đầu thật thấp: “Cám ơn ông. Chúc ông một đêm thật đẹp.” Hắn vừa quay lưng Mai Bắc đã bĩu môi: “Có tiền khác hẳn...thưa ông, thưa ông...Bữa em đi với con Tuyết vô đây, tụi nó thẩy cái ly xuống bàn mạnh đến nước muốn sóng ra ngoài luôn...Khiếp, thật chủ nào đày tớ đó...” “À, tiền là Tiên là Phật mà...ông chú anh em nhớ không? Đó, lúc Cới điều từ Bắc vô ốm như cây tăm, đủ thứ bệnh, nào loét bao tử, nào sốt rét rừng...Lúc này em thấy nhìn không ra đâu. Béo tròn, đỏ da thắm thịt, ăn mặc toàn đồ ngoại không...” “Bởi...anh biết không, dân trong Nam này hỗn thật. Nhiều lúc nghe tụi nó đặt chuyện kể cho nhau nghe, mới đầu tức lắm, nhưng suy cho cùng thì cũng không sai...” “Như chuyện gì?” “Chẳng hạn tụi nó kể hồi mới giải phóng có một người làm rẫy đội cái nón của Ngụy bị cán bộ ta kiểm điểm, giáo dục cho một trận..bảo phải vất bỏ cái mũ đi, cách mạng thành công rồi, nhân dân không được dùng bất cứ một đồ gì của Ngụy...Vậy là tên làm rẫy lý sự lại: “Vậy xe hơi và nhà của Ngụy sao mấy ông không đốt mẹ nó hết đi mà dành nhau vậy...” “Hừ...tụi nó phản động thật.Rồi sao?” “Thì bắt bỏ tù chứ sao nữa. Anh nghĩ làm vậy có phải không?” “Em cưng ơi, cứ nhà nước làm là phải rồi, thắc mắc làm gì kia chứ. Như anh đi tàu biển, được học tập không được hối lộ tiền bạc cho cấp trên, tội nặng lắm, nhưng làm quà biếu thì không sao. Mình “biết” và “thuộc” bài thì ở xã hội này sống dễ nhất...Anh thấy lúc nào có thể “làm ăn” được thì làm, hưởng được thì hưởng, người ta nói ông trời kêu ai nấy dạ, nhưng bọn anh thì hễ ông nhà nước kêu là dạ liền, mà không biết ông kêu lúc nào...Dẹp chuyện đó đi, hôm nay mình phải vui bù mà em...” “Mình uống xong rồi đi. Hơi người không, em muốn ngộp thở...” Mai Bắc nói thật. Người có tiền thích đưa nhau vô quán này, nương nhờ vào bóng tối mà gỡ gạc nhau, không sợ công an tới bất ngờ ghép tội “khiêu dâm ngoại cảnh”. Càng khuya quán càng đông, nhạc càng da diết. Từ ngày có quán này, Nhung “xì ke” cũng đóng đô tại đây, quên luôn nhà hàng Hương Lan, quên luôn anh nhạc sĩ cứ đập đàn hoài bài bản cách mạng. Bật hộp quẹt soi đồng hồ, chàng “thủy thủ” dìu Mai Bắc đứng dậy: “Ta đi được rồi, em.” Ra ngoài, phải đứng một hồi mới quen mắt với ánh sáng đèn đường. Họ dìu nau tìm về quán Bạch Ngọc. Có hẹn trước nên ông chủ Bảnh đon đã quá, rước từ cửa, kéo ghế, ghé tai nói cười thân mật , làm như quên mất mới ngày nào làm thằng ở, bắt nạt thằng Bò bị cô Mai Bắc làm cho bẽ mặt mấy lần. Ở mỗi hoàn cảnh mỗi khác. Giờ là “chủ” đàng hoàng thì địa vị cũng đổi thay, nhớ làm gì quá khứ buồn nhiều hơn vui ấy. Quán đã thưa khách, chỉ còn một bàn mấy em “gái” ngồi với ngoại quốc, có vẻ chưa chịu “nhổ neo”. Sao có con Quynh theo đám này nữa. Coi nó mặc cái váy và áo bông coi dị hợm quá...Chưa tên ngoại quốc nào coi nó là “gái” đâu, nó vẫn la một “ăn mày” con nít hàng ngày lẽo đẻo đi theo lãi nhải xin tiền. Nhưng nhằm nhò gì, lúc này chưa ngó ngàng lúc khác sẽ ngó. Nó muốn đi theo là đi theo, muốn ngồi chung là ngồi. Để học nghề được không? Đám “gái” chị kia có xốn con mắt cũng ráng chịu. Băng thằng Lai Phá ở con đường này, không khinh thường được đâu. Con Quynh câng câng đi vô, kéo ghế ngồi, cũng kêu một ly nước cam. Còn thằng Lai Phá chốc chốc chạy vào ghé tai nói vài câu rồi chạy đi. Bảnh “điên tiết” lắm, nhưng cũng phải thuộc”một sự nhịn chín sự lành” lúc này đã... Đâu thể ngồi chờ mãi được. Ngọc Hoa giao quán cho mấy cô bán hàng, đi lên lầu. Bảnh kéo ghế ngồi xuống bên khách. “Bữa nay nóng quá. Vặn quạt hết “ga” mà cũng không chịu nổi.” “Mình lên được chưa?” “Xong, xong, bà ấy đang thu xếp”. Ngọc Hoa lại xuất hiện, làm như bà con đến chơi, bà chủ nhà đon đã cười nói: “Hỏi thật đã ăn uống gì chưa? Nhà có nấu bún riêu sẳn, nếu chưa ăn thì vô đây ăn một chén dằn bụng...Đi “múa đôi” về phải không?” “Bà quên tuốt hết rồi, hôm nay đầu tuần làm giờ có khiêu vũ. Ờ, mà cũng đang đói bụng đây, có gì lót dạ thì tốt quá.” “Bún riêu là món ruột của tôi đó bà ơi!” Mai Bắc vui vẻ. “Vậy thì vô đây. Vô đây ăn chứ đem ra ngoài hôi mùi mắm tôm là đuổi khách của tôi đi hết.” Cười nói tự nhiên, hai người khách đi tuốt vào trong bếp. Nhưng không phải vậy đâu, tới cầu thang là họ rẽ lên cầu thang. Một phòng rộng thênh thang, đi qua một sân lộ thiên mới tới một phòng nhỏ có hai lớp cửa để ngăn âm thanh. Đã có một cặp ngồi chờ trong đó... “Giới thiệu với Mai và Hưng, chú Son và cô Hạnh, toàn người nhà cả...Chú Son, Hưng là dân tàu biển, hàng mình “ngắm” hôm nay là của chú Hưng mang về, bảo đảm “xịn”. Bảnh đẩy Mai Bắc và Hưng ngồi xuống: “Ngồi đất coi thôi, lát nữa nằm nệm mới êm mông nghe bà...Mai.” Hắn đã dám “dỡn” với cô gái mà trước đây, cô ta chỉ nhìn hắn bằng nửa con mắt. “Hừ.” Mai Bắc tằng hắng. “Chú Son đã lo lót cho mấy bà bom nho này, mấy bà vừa xem vừa ăn đỡ buồn miệng.” Vẫn cái miệng của Bảnh leo lẻo. Hắn vói tay tắt bớt đèn trong phòng, rồi hé cánh cửa sổ: “Cho nó đỡ bít bùng, phía này trống không ai nghe thấy gì đâu.” Chỉ còn có một ngọn đèn nhỏ xíu dưới cái chụp màu xanh. Vậy mà Bảnh còn làm màu mè tới sốt ruột.
Cuối cùng,cũng bắt đầu vô phim... Không ai để ý tới cô gái nhỏ Ngọc Lựu, từ chiều đã đi chơi lang thang với bọn trẻ bụi đời. Con bé có về ăn cơm chiều với chị ở, nhưng nó không có ai để nói chuyện. Con em hắn hôm nay được bà ngoại cho người sang đón về bên. Nó muốn đi theo cũng được, nhưng nó phải đi học buổi sáng. Con bé nhớ lại, suốt buổi sáng ở trường, nó chưa hề để vào tai một lời giảng nào của cô giáo. Hơn một tháng nay, đêm nào nó cũng rình coi những phim chiếu trong phòng kín của mẹ và chú Bảnh cho một số người xem, rồi những cảnh”kỳ cục” mà nó thường thấy mẹ nó và chú Bảnh hay làm lại xẩy ra cho nhiều cặp, ngay chính trong căn lầu nhà nó....Chiều nay nó có kể cho thằng Hiếng nghe và có hứa đêm nay sẽ cho thằng Hiếng cùng xem... Chị ở đã gài cửa sau, phụ rửa ly tách trước quán. Con bé biết tìm chìa khóa ở đâu. Lúc mò mẫn đi trong con ngõ cụt, nó cố gắng để tránh đụng mấy người bụi đời, xì ke nằm co quắp. Chúng nó có tín hiệu gọi nhau, nhưng con Lựu phải đợi khá lâu. Thằng Hiếng như đã ngủ một giấc. “Mày ngủ rồi hả?” “Ừa. Má tao không cho thức khuya. Còn bả thức thì được...” “Mày sướng, được má mày cưng...” “Cưng cái búa! Mày hổng biết đó thôi, bả bắt tao ngủ vì tối nào thằng cha đó cũng tới...” “Thằng cha nào vậy?” “À, ông học tập về vợ bỏ, thất nghiệp, má tao thương tình rinh về, ổng không có hộ khẩu, mày.” Con Lựu kéo tay thằng Hiếng: ” Thôi kệ ông ta. Đi mày, mày có biết muộn lắm rồi không?” “Thì đi...” Chúng rón rén vào nhà. Lên cầu thang thằng Hiếng dừng lại: “Lỡ má mày bắt được thì sao?” “Má tao? Giờ này trời sập bà cũng không biết mày ơi. Yên tâm đi mà...Tao rình coi hoài má tao đâu có biết bao giờ.” Nó ghé tai thằng Hiếng: “Mày thấy gì cũng đừng kêu nghe. Mày phải cắn răng lại, bặm môi thật chặt nghe. Chuyện kỳ lắm. Mày hứa đi.” “Tao Hứa!” “Mày cũng không được kể cho đứa nào nghe” “Ừ” “Thề đi!” “Tao thề. Tao không nói. Đứa nào nói cho đi cải tạo mút mùa luôn!” “Xì” Con Lựu bĩu môi. Nó đã nghe má nó sửa lưng một người quen rồi. Bữa ba nó ở tù, cô Nguyệt tới hỏi thăm sao ba nó đi cải tạo vậy, má nó nổi nóng liền:” Đâu phải dân Ngụy mà cải tạo. Anh ấy chỉ bị giữ để điều tra thôi...” Như vậy, chữ cải tạo còn nặng hơn là chữ ở tù nữa. Đầu óc non nớt của nó chẳng thể hiểu nổi. Nhưng nghe thằng Hiếng thề, nó cho là thề độc như thế độc lắm, nên yên tâm. Nó nắm tay thằng Hiếng dẫn lên cầu thang. Phía trước nhà, quán vẫn còn mở cửa bán. Khách về khuya, con Lựu biết quá mà, mấy cô gái ngồi với ngoại quốc. Có lần ham nhìn mấy ông ngồi ôm mấy cô, con Lựu đã bị mẹ nó lôi tuốt vào nhà trong, còn xáng cho mấy cái tát, cấm không được béng mãn ra nhà ngoài khi quán đang bán hàng, có khách. Bây giờ, nó chẳng thèm nhìn cái cảnh bề hề giữa gái vá khách nữa đâu. Không có gì ly kỳ hết. Cái tivi mẹ và chú nó, vẫn chiếu những phim cho một số khách quen coi, nó thích xem hơn...Không hiều sao, hôm nay nó nhất định phải cho thằng Hiếng xem chung với nó. Hai đứa đi lên lầu. Vắng ngắt. Qua khoảng hành lang lộ thiên, tuốt phòng sau, lâu nay bỏ không, mẹ và chú Bảnh nó mới sửa sang lại nó làm dấu cho thằng Hiếng cùng nó khiêng chiếc ghế dài đặt dưới cửa sổ. “Suỵt, đừng gây tiếng động gì hết nghe. Cẩn thận...” Thằng Hiếng gật đầu. Tấm màn cửa ngắn, thiếu khoảng hơn phân vải, hai đứa, bốn mắt, dán chặt vào màn ảnh ti vi đang chớp chớp từng hình ảnh. Thằng Hiếng ôm mắt: “Ghê quá mày ơi. Tao không xem...” “Suỵt. Mày ngu lắm. Xem đi mà...” Con Lựu đưa tay bịt miệng thằng bạn hàng xóm. Chỉ một lúc đầu vùng vằng, lát sau, mắt thằng Hiếng muốn đứng tròng mà miệng không ngậm lại được. Một giòng nước miếng chảy ra bên mép. Chỉ màn ảnh tivi là chớp sáng các hình ảnh, còn xung quanh, như chìm vào trong bóng tối hết. Nhưng quen mắt, hai đứa trẻ cũng nhận ra, bộ dạng mấy người lớn, kể cả mẹ con Lựu và chú Bảnh, cũng y hệt như hình ảnh trên màn ảnh nhỏ. Thằng Hiếng bịt chặt mắt lại, nhảy xuống ghế. Con Lựu xuống theo: “Mày sao vậy?” “Tao không coi mấy thứ này. Kỳ quá à Lựu, tụi mình con nít mà.” Con Lựu kéo thằng Hiếng ra phòng trước, nó ép chặt người vào thằng bạn: “Mày cho tao coi được không?” “Không!” Thằng Hiếng giọng dứt khoát. Nó cố đẩy con nhỏ ra, nhưng tay chân nó yếu xìu. “Nè, mày không cho coi tao cũng biết...Mày...như vậy là được rồi...” “Không..tao hổng biết à nghe...Lựu, mày đừng tầm bậy tầm bạ...” “Tầm bậy cái gì kia? Tao muốn biết....mày cho tao coi...Khiếp chưa, mày cũng lớn như chú Bảnh rồi...mày...” “Đừng, tao buồn tiểu..., buông tao ra...” Con Lựu ôm thằng bạn chặt cứng. “Hiếng, mày ngu quá, tụi mình bắt chước, chắc lạ mà vui lắm...Hiếng, mày với tao...” “Không, không...tao về....” “Tao không cho mày về. Tao la lên, mẹ và chú tao biết được bắt mày ở tù luôn, mày sợ không?” Thằng Hiếng làm thinh. Con Lựu kéo thằng nhỏ vào buồng tắm, đóng cửa lại. “Tao sợ lắm, không được đâu...” “Một chút nữa thôi. Mày ngu quá, không phải làm vậy đâu...” “Tao không nhớ...Mà thôi, má tao biết bả đánh tao chết...Không, không, tao hổng chịu....không mà, không... Thấy không, tao đâu có biết làm...” “Ừa, mày ngu quá. Tao biết, mày để tao...” “Mày đừng cắn. Tao không chơi, tao không chịu vậy đâu...Ui da, Lựu, mày...thôi, mày làm tao sợ...sợ quá...” Một lúc sau, thằng Hiếng khóc hinh hích. Con Lựu thừ người ra. Nó dỗ bạn: “Mày đâu có gì đâu mà khóc. Nín đi, kỳ lắm Hiếng ơi...” Thằng Hiếng đẩy con Lựu ra: “Từ nay tao không gặp mày nữa, tao không chơi với mày nữa đâu. Tao về...” “Mày giận tao?” “Ừ đó.” Nó bỏ đi xuống cầu thang. Con Lựu đi theo mở cửa sau. Thằng Hiếng không thèm nói một lời, chạy thẳng một mạch vào trong bóng tối. Con Lựu thờ thẫn đi vào nhà. Đứng trong bếp, nó nhìn quanh...Ừ, tao cũng không cần mày nữa đâu. Đồ làm phách. Đồ phách chó. Nghỉ chơi thì nghỉ luôn. Mình đã tốt với nó mà nó không biết. ..Hừ. Con Lựu lấy cái muỗng, nó gõ nhẹ lên bếp như gõ vào đầu thằng Hiếng: “Đồ ngu. Tao không cần mày nữa.” Nó bỏ lên nhà, leo lên giường nằm. Phía sau, trong cái phòng nhỏ, tiếng máy tivi kêu không thành tiếng, như bị ai bịt miệng. Nó thở dài, ngày nào mẹ nó và chú nó cũng như vầy hết...còn nó...Hơ, cái thằng Hiếng trông đen thùi lui như con trâu con mà da nó mềm và mát quá. Hồi nãy...kỳ quá...Nó cắn chặt ngón tay thật đau để phải kêu lên. Nhưng chán quá, chưa được gì nó đã bỏ chạy rồi...Hình như chưa được gì hết. Nó cầm cái muỗng lên ngắm nghía. Sáng hôm sau, lúc con Lê đi xuống nhà, chị Mùi thấy đũng quần con nhỏ dính máu. Chị kéo nó lại: “Ha, Lựu, em sao vậy? Tới đây chị coi.” Con Lựu đi ké né, có vẻ khó khăn. “Đâu, có gì đâu?” “Dính máu nè. Thấy đường kinh? Làm gì có...Lựu, em có té đâu không?” “Không. Em không té.” “Vậy phải nói cho bà biết...” “Đừng, chị đừng nói...” Lúc lên dọn dẹp giường cho tiểu thư, chị Mùi thấy dưới gối có cái muỗng. Chị ngao ngán lắc đầu. Trong phòng, Bảnh và bà chủ còn ngủ say như chết. Điệu này, cơm chiều lại kể như là bữa cơm trưa nữa. Hôm nào chiếu phim trên lầu, sáng ra, cả Bảnh và bà chủ như người bị bệnh sốt thương hàn mới dậy... Cứ như vậy, con Lựu không hư sao được. Nhưng chị biết chị phải làm sao rồi. Cứ bưng tai, bịt mắt, câm họng lại là được yên thân. Dại gì mà xía vô chuyện nhà cán bộ. Chị chỉ gặp thằng Hiếng bắt nọn nó. Thằng nhỏ khóc như cha chết mẹ chết: “Em...em đâu có làm gì, nó làm hết trơn...em..” Thấy thằng nhỏ mặt cắt không còn hột máu, chị Mùi thương hại thả cho nó đi. Đúng là thằng bé không có làm gì, chính tự tay con Lựu làm và gây nên thương tích. Chị định cho bà chủ biết, nhưng thấy mấy ngày sau, con Lựu có vẻ bình thường lại, chị thôi. Chị muốn thương con bé, nhưng lạ chưa, lòng chị dửng dưng. Thật đúng là cả lò nhà chúng nó, muốn thương mà thương không vô. Rủa cho cái tức nó xuống bụng. Mà sao bụng chị lại ghét cả chị nữa.