Phàn thị và Vương Thịnh tỉ tê bàn bạc với nhau về Hoàng hậu nhà Ðại Hán, theo họ thì gần đây, hoàng hậu đang gặp phải vận rủi ro. Con người thì trì độn, tinh thần thì suy sụp. Họ tìm cách động viên Hoàng hậu, bí mật cầu thần tế quỷ mong cho nàng chóng tai qua nạn khỏi, khôi phục lại vẻ anh hoa và phong tình trước đây của Triệu hoàng hậu.
Ðến cả Triệu Phi Yến ngày đêm cũng nghĩ đến chuyện cô em được nhà vua yêu dấu! Nàng thường thường nghĩ: Hoàng đế vì nhìn thấy cô em tắm mà yêu nó đến phát cuồng lên. Việc này có khó khăn gì?
Nàng thầm nhủ: - Ta cũng sẽ làm như vậy. Hợp Ðức được nhà vua nhìn trộm, còn ta, chính ta sẽ mời ngài đến xem. Hoàng thượng nhất định sẽ thích ta hơn... Khó khăn gì chuyện đó!
Tâm niệm như thế, Phi Yến bắt đầu cho cung nữ sửa sang lại nhà tắm ở điện Chiêu Dương, trang hoàng lộng lẫy, rồi cuối cùng một hôm nàng nói thẳng với nhà vua:
- Hoàng thượng ngắm trộm Hợp Ðức tắm phải không? Phi Yến nguýt yêu nhà vua.
Lưu Ngao mỉm cười. Từ dạo xảy ra vụ Trần Thanh, hoàng đế đối với nàng quá nặng nề, đến giây lát này trong thoáng chốc ngài mới lại thấy nàng Triệu Phi Yến của thuở xưa.
- Ðúng thế không? Thế mới là phong lưu chứ.
- Ngẫu nhiên, ngẫu nhiên thôi...
Ðôi mắt nhà vua nhắm tít lại như sợi chỉ.
- Bệ hạ! - Phi Yến ngồi sát cạnh nhà vua dịu dàng nói. - Thiếp cũng...
- Nàng làm sao? - Hoàng đế ôm lấy Phi Yến xoa nhẹ lên lưng nàng.
- Thiếp mời bệ hạ xem...
Phi Yến đỏ mặt thẹn thùng. Lưu Ngao ngơ ngác. Một sự mời mọc hoàng đế không ngờ tới tưởng như là nghe nhầm, ngài quá ngán ngẩm. Chuyện của hai con người phải như ảo ảnh mới có ý vị tuyệt vời không cưỡng nổi, chứ lộ liễu trần trụi thế thì còn ra thể thống gì nữa? Ngài nhìn Phi Yến, muốn cự tuyệt nhưng không tiện nói ra.
- Ðêm nay hoàng thượng lại đến nhé. - Nàng quá chủ quan và thiết thực.
- ừ! Lưu Ngao miễn cưỡng trả lời - Bởi lẽ, đã một thời, ngài yêu người con gái này, phải khó khăn lắm ngài mới "ừ" lên được một tiếng.
Triệu Phi Yến đã làm một việc quá ngu ngốc mà lại không nhận thấy. Sau khi nhà vua ra về, nàng đắc ý nói với Phàn thị:
- Ðêm nay, hoàng thượng đến xem ta tắm đấy nhé!
Tim Phàn thị nhảy đánh thót, nghĩ thầm: "Hỏng rồi! Hỏng to rồi!". Nhưng không dám nói ra, chỉ nhăn mặt lại.
- Hoàng thượng nhìn được Hợp Ðức cứ như bị thu mất cả hồn vía. Ta cũng thừa sức... Phi Yến dương dương tự đắc nói - Ta là của hoàng thượng. Chuyện ấy có sao đâu!
- Hoàng hậu - Phàn thị nói, vẻ đau khổ - Việc Chiêu Nghi là do hoàng thượng nhìn trộm chứ đâu phải tự Chiêu Nghi mời ngài đến xem đâu kia ạ.
- Thế thì có gì khác nhau! Ðều là xem cả thôi chứ! Hơn nữa, ta mà mời ngài thì tình cảm càng nồng thắm chứ sao? - Phi Yến không hiểu tâm trạng Phàn thị.
- Thưa hoàng hậu - Phàn thị khó khăn lắm mới nói tiếp - Khác nhau lắm chứ ạ - Một người đàn bà trước mặt đàn ông cần phải che đậy kín đáo mới được. Ðàng này để cho họ xem lồ lộ ra hết thì còn gì, sau đó t hì còn gì hứng thú mới mẻ nữa đâu.
- Nhưng Hợp Ðức nhờ thế mà được yêu quý đó thôi! - Phi Yến khăng khăng nói - Hoàng thượng thích ngắm lắm, ngươi không biết gì cả. Ta hiểu tâm lý đàn ông hơn ngươi nhiều.
Phàn thị không còn biết nói sao nữa, đành mỉm cười lui ra ngoài tiếc cho việc làm quá khờ dại của Phi Yến. Nhưng mỗi con người đã mê lú đi rồi thì không tỉnh ra trong phút chốc, bà ta không còn cách nào cứu vãn được, chỉ còn biết ngậm ngùi thương cảm mà thôi. Ðồng thời Phàn thị lại nghĩ đến một sự thực chua chát: Phi Yến thì gầy, Hợp Ðức thì phây phây mũm mĩm khi khỏa thân thì mình ngọc da ngà tươi mát, tròn trĩnh đầy sức quyến rũ. Phi Yến đã gầy lại cao mặc vũ y lưng ong thắt đáy làm xúc động lòng người, nhưng nếu khỏa thân nằm trong bồn tắm thì chỉ để lộ ra hết cả tấm thân gầy guộc, mà ngược lại làm mất đi vẻ phong vận đáng để cho người ta ngây ngất chiêm ngưỡng thường ngày. Nghĩ thế, nhưng Phàn thị không dám nói ra, chỉ còn biết im lặng cầu mong cho hoàng hậu gặp được vận may.
Hoàng hôn buông xuống, trong hành lang cung Chiêu Dương đèn nến sáng trưng. Triệu Phi Yến uống xong hai chén rượu liền cho gọi Vương Thịnh đi mời hoàng đế. Lưu Ngao ở trong cung đang mãi suy nghĩ về lời mời lạ lùng của Hoàng hậu. Ðây là một chuyện hết sức trơ trẽn, một người phụ nữ, hơn nữa đã là Hoàng hậu, lại cố tình mời người ta đến xem mình tắm.
Ngài không cho rằng mình xem trộm Chiêu Nghi tắm là mất đi sự tôn nghiêm của ngài. Hai sự việc khác nhau xa lắm. Ngài cho rằng chỉ có thể xem trộm người ta tắm thôi. Thế mà bây giờ lại đi trực tiếp đến xem Hoàng hậu tắm có khác gì đi ngự triều. Thật vô lý! Thật quá vô duyên! Thậm chí là quá vô luân?
Khi Vương Thịnh lại mời, Hoàng đế miễn cưỡng trả lời là sẽ đến cung Chiêu Dương. Ngài thầm nghĩ: Nếu ta không đã từng yêu nàng, nếu không phải là vì em nàng, nhất định ta không đến, không bao giờ đến.
Các cung nữ trong cung Chiêu Dương xếp hàng dài nghênh tiếp hoàng đế dưới ánh đèn nến sáng trưng. Lưu Ngao lướt mắt nhìn thăm dò. Lũ cung nữ này mà biết chuyện mình đến để xem Phi Yến tắm, thì còn ra thể thống gì nữa? Ngài hỏi Vương Thịnh:
- Hoàng hậu đâu?
- Tâu, hoàng hậu đang ở trong cung.
Lưu Ngao thấy yên lòng từng bước nhẹ nhàng đi vào nội cung, không thấy Phi Yến đâu cả.
- Tâu bệ hạ, hoàng hậu vừa vào trong buồng tắm, mời bệ hạ vào luôn. - Một cung nữ quỳ tâu.
- à... à... Lưu Ngao không mấy thích thú đi về phía nhà tắm. Trước cửa nhà tắm có hai cung nữ đứng chờ, trông thấy hoàng đế, tự nhiên như không vén ngay bức màn che cửa thứ nhất của buồng tắm mời nhà vua vào, tiếp đó lại cho hai cung nữ khác vén bức màn che thứ hai, dưới ánh sáng đèn, hơi nóng tỏa ra.
- Bệ hạ! - Phi Yến đang nằm trong bồn tắm trắng tinh gọi lên một tiếng.
- ờ... Lưu Ngao bối rối, lúng túng khó xử, cơ hồ như bị ngạt thở, không nhìn thẳng vào Phi Yến.
- Mời bệ hạ ngồi - Phi Yến từ trong bồn tắm ngồi dậy, lộ ra nửa người. Cạnh bồn tắm có một chiếc ghế tròn do Hoàng hậu chuẩn bị từ trước để nhà vua ngồi xem mình tắm. Hai cung nữ hầu hạ Phi Yến đỡ hoàng đế ngồi xuống. Lưu Ngao quá ngán, hai chân để sát bồn tắm, rốt cuộc thì nhìn thấy tất cả, bộ ngực, bụng của hoàng hậu cũng bình thường thôi, chẳng hấp dẫn gì: "Thua xa Hợp Ðức". Nhà vua chợt vụt nghĩ đến Chiêu Nghi có thân hình tuyệt mỹ, một tòa thiên nhiên.
- Bệ hạ! - Phi Yến dạng chân ra khỏi mặt nước - Bệ hạ mặc nhiều quần áo như thế, nóng lắm, cởi ra đi.
Hoàng đế lắc đầu, lạnh cả xương sống, thân phận một ông vua thật quá nhục nhã. Ngài nghĩ: Thế này thì có khác gì bắt ta làm một ông vua trên sân khấu.
- Bệ hạ! Bệ hạ lại đây, thiếp xin hầu bệ hạ. - Phi Yến nhoẻn miệng cười, rồi ngã lưng nằm trong bồn tắm. Một cơ thể dài nghêu xương không gợi một sự ham muốn gì đối với nhà vua, trong bồn tắm ấm áp mà ngài lạnh ngắt.
- Bệ hạ! Làm sao thế ạ? Người đã ngắm đủ rồi. Phi Yến tưởng mình đắc ý, đập đập hai chân trong bồn tắm - Bệ hạ nào vào đây đi chứ?
Nhà vua ngán ngẩm mỉm cười lắc đầu. Vì thế, Phi Yến bỗng nhiên lấy tay té nước.
- Bệ hạ không vào, thiếp té ướt cho mà xem.
- Ôi! Chớ - Lưu Ngao vội vàng ngăn lại - Chớ có làm thế! - Ngài nói, sắc mặt sa sầm xuống.
Nàng vẫn chưa biết thái độ ấy của nhà vua, hai chân giơ lên đập xuống làm nước bắn lên ướt hết quần áo của ngài. Không còn nhẫn nại được nữa, Lưu Ngao đứng phắt lên. Phi Yến vẫn không thấy ngượng, tiếp tục lấy hai tay té nước vào hoàng thượng. Thật đáng thương cho Phi Yến, thất bại hoàn toàn! Lưu Ngao ngán quá, cảm thấy quá ư dung tục, thậm chí ngài còn cho rằng trước đây làm sao mà mình lại yêu nổi một người đàn bà như vậy, quái lạ thật! Ngài khoác vội áo bào đi nhanh ra không ngoái đầu lại nữa.
- Bệ hạ! Bệ hạ! - Phi Yến nhảy ra khỏi bồn tắm, hốt hoảng kêu lên! Chỉ có bước chân của nhà vua đang bước nhanh trả lời nàng - Ðó là cách trả lời tàn khốc nhất trong nhân gian. Phi Yến đau xót quá. Nàng đã bị hoàng thượng vứt bỏ trước mặt các cung nữ. Tức giận trào lên, nàng nghiến răng quật mạnh chiếc ngọc khuê xuống đất miệng gào lên: Ôi! Ôi!
Ngọc quý vỡ tan tành bên bồn tắm. Hai cung nữ cũng không mấy đồng tình, vội vàng lấy áo dài cho nàng. Phi Yến lau nước mắt đi thẳng vào nội cung. Nàng vẫn còn một tia hy vọng. Hoàng đế vì giận mà bỏ nàng đi có thể đợi nàng ở nội cung.
Nội cung vắng ngắt. Nàng ngã vật xuống long sàng, muốn khóc mà không còn nước mắt... Khoảng nửa giờ sau, Phàn thị rón rén đi vào, cúi xuống vỗ nhè nhẹ vào lưng Phi Yến an ủi như một đứa trẻ thơ.
- Ôi! - Phi Yến lật mình lại, nước mắt giàn giụa nhìn Phàn thị, không biết bắt đầu nói điều gì, cuối cùng đành thở dài.
- Hoàng hậu! Hoàng hậu! - Phàn thị hồn hậu nói - Sự đời lắm lúc cũng không thể gượng ép cầu xin mà được đâu ạ.
- Ôi! Ôi! Biết làm sao bây giờ? Hối không kịp nữa! Ta vì quá mê đắm!
Phi Yến thở dài cảm thương cho thân phận mình, vùi đầu vào gối mà khóc tức tưởi, Phàn thị nhẹ nhàng cởi áo dài cho nàng sửa lại gối, sửa lại tư thế nằm cho nàng, đắp lại chăn cho nàng và nói:
- Hoàng hậu, người ngủ đi.
Phi Yến thẹn thùng, hối hận nằm im thin thít. Phàn thị đợi một lúc, thắp sáng đèn treo giữa phòng rồi đi ra ngoài.
Trong nội cung còn lại mỗi mình nàng. Nàng mở mắt ra. ánh sáng đèn làm cho căn phòng ấm áp dễ chịu, nhưng Phi Yến thấy tất cả như đang quay cuồng. Sau cơn buồn đau xấu hổ kịch liệt đó, dần dần nàng bình tĩnh lại, suy nghĩ miên man, vô cùng lo lắng. Chuyện này mà lộ ra ngoài thì còn mặt mũi nào sống nổi nữa. Hoàng hậu đã thất sủng đến mức độ tận cùng như thế rồi, ngày mai, trong cung sẽ ầm ĩ cả lên, sống lưng như có dao đâm, mơ hồ như mình không còn tồn tại giữa cõi nhân gian này nữa. Nàng thấy nhục nhã ê chề, một người đàn bà, đem tất cả để hiến dâng cho đàn ông, mà lại bị khinh rẻ.
Ðây là lần đầu tiên trong đời, sắc đẹp của nàng không còn đủ sức lung lạc đàn ông. Một người phụ nữ như nàng đã mất đi sức hấp dẫn thì còn có hy vọng gì, nàng hoang mang đến tột cùng, không thể nào bình tĩnh lại được nữa. Ðột nhiên nàng tung chăn nhảy ra, giơ hai tay lên, ngửng kêu trời xanh, lập tức nàng cảm nhận ra cái hành động mình thật quá nực cười, rồi người nằm xuống. Nàng khát như cháy họng, người nóng hầm hập, dần dần thấy xây xẩm mặt mày.
Gần sáng, Phàn thị nghe tiếng rên đi vào, nhẹ tay sờ vào trán Phi Yến, hốt hoảng kêu lên:
- Hoàng hậu, người sốt cao rồi.
- Cứ để mặc ta chết! - Phi Yến giận dữ quát lên.
- Hoàng hậu, xin người yên tĩnh.
- Ôi!- Hoàng hậu lại thở dài, giơ một tay lên tỏ ý cầm thứ gì đấy, khua một vòng rồi hạ xuống.
- Hoàng hậu khát nước sao? - Phàn thị cầm bàn tay Phi Yến hỏi.
Nàng gật đầu mắt ngấn lệ. Ðầu nàng như búa bổ. Mắt nàng hoa lên, quá khứ chợt hiện về...
Một đêm mưa bão gió rét, trong căn lều ọp ẹp, giột nát lung tung, nàng và em gái nằm dựa lưng vào nhau, cuộn tròn trên chiếc giường nửa khô nửa ướt nhẫn nhục chịu đói chịu rét và nỗi đau buồn... Cô bé Hợp Ðức run rẩy thì thầm nói:
- Chị ơi! Ðến bao giờ thì trời sáng? - Nàng còn nhớ, nàng phải cắn răng để khỏi trào nước mắt trả lời em trong nỗi đau đớn cùng cực tuyệt vọng:
- Rồi cũng có một ngày, em Hợp Ðức ạ.
Ðấy là hy vọng! Thế nào cũng có ngày trời sáng. Trong những ngày đói khát triền miên ấy, cũng chỉ còn cách dựa vào hy vọng mà sống thôi, thế mà khi hy vọng đã đạt tới cực điểm vinh hoa thì hy vọng lại tan tành ở chính nàng rồi. Một hy vọng đạt được đã hỏng. Tinh lực đang giãy giụa trong nàng đã sụp đổ mất rồi. Hy vọng thứ hai về sự sinh nở, cũng chẳng mong gì... Trong giấc ngủ chập chờn, giữa mộng ảo và thực tại, nàng lại chìm vào trong quá khứ - Chỉ là mộng mị đó thôi. Khi sức chống đỡ tinh thần đã giảm thì mộng mị lại ập đến. Nàng giống như một người đợi trời sáng sau một mùa đông qua. Xung quanh căn lều ọp ẹp của nàng cỏ dại mọc dầy xanh rì, sinh mệnh của con người vẫn còn mù mịt trong cõi mông lung mà cuộc sống của thiên nhiên thì đã hồi xuân đâm chồi nảy lộc rồi. Phi Yến đã từ trong những ngày xuân của đời mình. Nàng thường ngừng tay làm việc chăm chú nhìn vào đám cỏ non lay động trong gió xuân.
Một hôm, vào buổi chiều, Hợp Ðức đem giày cỏ vừa bện xong theo đám người đi vào thành phố để bán, một mình nàng ở nhà dọn dẹp nhà cửa, ngày xuân tươi đẹp, con trai con gái của những nhà bên cạnh đều ra đồng làm việc, tĩnh mịch, nhàn rỗi, gió xuân mát mẻ làm Phi Yến lười biếng, nàng không thiết gì đến công việc liền đi ra ngoài.
Bướm lượn quanh hoa, gió mát lướt trên ngọn cỏ, làm lay động mái tóc nàng, cả lá liễu, cả cây cỏ tốt tươi, bỗng nhiên vào lúc đó trái tim lạnh lùng, khô héo của nàng bừng tỉnh! Mùa xuân là mùa của thanh xuân! Sức sống của nàng tràn dâng. Nàng như cánh bướm chạy nhảy trên bãi cỏ non, không mục đích, nhưng trong thân thể nàng, như đang thừa dư sức lực, nàng cần tiêu hao bớt đi... Nàng dừng lại bên một con suối nhỏ. Trong dòng nước mùa xuân từ từ chảy, nàng soi thấy tuổi thanh xuân của mình như một đóa hoa hàm tiếu. Nàng nghĩ đến tuổi thanh xuân của mình. Nàng cởi giày ngâm chân vào nước. Nàng dùng chân đạp nước, nàng dùng tay vốc nước, nàng đem xuân hòa tan vào trong vốc nước, nàng cười, nàng hát một khúc tình ca.
Một người con trai đến bên cạnh nàng. Ðôi mắt gã say sưa nhìn chằm chằm vào đôi bàn chân trần của nàng. Nàng giãy dụa, nhưng nàng quá yểu điệu và yếu ớt. Nàng bị hai bàn tay to lớn ghì chặt.
Nàng nghe tiếng quần áo cũ của mình sột soạt toạc ra...
Nàng nghe tiếng cười của gã, sức mạnh của gã trút trên mình, nàng nghe tiếng nước suối chảy róc rách, nàng nghe tiếng chim kêu, nàng nghe...
Nàng cảm thấy nỗi thống khổ...
Thân thể của nàng bị phanh ra, đau đớn, bạo liệt nhưng lại rất mơ hồ. Khi nàng nếm mùi vị của sự thống khổ thì thống khổ bỗng nhiên bay đi, rồi nàng thấm thía vị ngọt dạt dào tan thấm nhẹ nhàng vào cơ thể thì mật ngọt cũng đột nhiên biến mất.
Ðôi môi rát bỏng của gã cắn chặt lấy cặp môi nàng, nàng thở không ra hơi, cuối cùng nước mắt nàng tuôn trào! Nàng không còn nhớ vì sao lúc nước mắt nàng chảy ra, nàng cũng không nhớ lúc đó nàng có dốc toàn lực ra giãy dụa phản ứng không? Thời gian trôi qua đã khá lâu rồi, trí nhớ của nàng cũng mơ hồ lắm, nhưng nàng còn nhớ rõ là nàng đã chảy nước mắt. Khi nàng chảy nước mắt, nàng trông thấy mọi vật quay cuồng hỗn loạn cả lên như núi lửa, như biển gào, cuối cùng gã con trai ấy cười lên.
Gã đã từng nói chuyện với nàng. Nàng không còn nhớ gã đã nói những gì. Người con trai đó không phải chỉ hôn nàng một lần. Nàng không có cảm giác, theo bản năng nàng ghì chặt lấy gã...
Thế rồi người con trai ấy đã để lại một xâu tiền bên cạnh nàng...
Trong giây phút đó, nàng mới nhìn rõ gã, một khách du xuân, áo quần bảnh bao đẹp đẽ. Nàng buông tay ra, và người con trai đó, một lúc sau cũng bỏ đi. Cuộc sống mông muội, mùa xuân mông muội, tình ái mông muội, lần đầu tiên nàng trải qua mùa xuân, nhưng lại là màu mùa xuân mua bán. Nàng nhặt xâu tiền để cạnh mình, buồn rầu, lo sợ, nàng khóc rống lên... Việc cũ lại đến, một độ nhớ lại, một độ đau thương, trên long sàng, giữa chăn hoa gối thêu, nàng khóc sướt mướt, như năm nào trên bờ suối vậy. Trong cõi mênh mông mờ ảo không có gì chắc chắn, nàng khóc, khóc thảm thiết.
- Hoàng hậu, hoàng hậu - Phàn thị đi vào, bước lại gần nàng trong nước mắt. Người hãy nằm nghỉ, ngày mai gọi thái y đến.
- Ôi, không cần! - Nàng yếu ớt trả lời.
- Hoàng hậu! Người ngủ đi! Thần trông coi cho người ngủ...
Nàng như đứa trẻ thơ được Phàn thị vỗ về giấc ngủ.
Trong cơn mơ màng, một tiếng động làm nàng sực tỉnh, mở mắt ra.
- Chị... Hợp Ðức đã đứng bên cạnh giường.
- Hợp Ðức - Nàng chỉ gọi được hai tiếng tên em gái, nỗi cay đắng làm nàng lạc cả giọng.
- Chị... Chốc nữa thái y sẽ đến - Hợp Ðức ngồi xuống cạnh giường, nói giọng nhỏ nhẹ - Làm sao lại đến nỗi này? Có phải chị sốt không?
Phi Yến gật đầu trở người lại nhìn Hợp Ðức giọng đau đớn.
- Hợp Ðức em! Chị nghĩ đến ngày xưa của chúng ta.
- Chị... Hợp Ðức cúi đầu xuống, giọng trầm trầm - Bao giờ em cũng nghĩ đến những ngày đã qua, em cũng còn nhớ những lời xưa của chị từng nói, chúng ta thế nào rồi cũng có một ngày trời sẽ sáng.
- Ngày của chị tối mất rồi, Hợp Ðức mong sao ngày của em vĩnh viễn là ngày sáng - Phi Yến đau buồn nói.
- Chị... Chị... - Hợp Ðức xót xa kêu lên - Hai chị em chúng ta mãi mãi như nhau, có chị rồi mới có em, em và chị không phải là một hay sao?
- Ôi! - Nàng cay đắng gật đầu.
- Chị... chị hãy bình tâm lại, tương lai, tương lai...
Hợp Ðức đã biết chuyện đêm qua Phi Yến mời hoàng đế đến xem mình tắm. Nàng không biết làm thế nào để an ủi người chị đáng thương và thất vọng này.
- Hợp Ðức! - Phi Yến lau nước mắt nói - Em hãy cố gắng săn sóc hoàng thượng, ôi... hoàng thượng yêu thương em đó là điều may của em, nhưng tấm lòng của một ông vua có bền vững gì đâu, em phải hết sức cẩn thận đấy.
- Chị - Hợp Ðức nói trong nước mắt - Từ trước đến nay em đều dựa vào chị. Em rất hiểu lòng chị, nhưng đàn ông năm bảy lá gan, cùng một giuộc như nhau cả thôi, dù có yêu hết lòng, cũng chỉ như nắng quải chiều hôm! Chị em ta trong hoàn cảnh như vậy, ngoài sự phải sống sao cho thích ứng ra, chẳng còn cách nào khác nữa!
Phi Yến than thở, ngước mắt nhìn em gái bằng đôi mắt thê thiết buồn đau. Cả hai cùng im lặng.
Một lát sau, Vương Thịnh bước vào tâu:
- Thưa, thái y đang đợi ở ngoài chờ lệnh.
- Chị. Em sẽ đến thăm chị - Chiêu Nghi nói xong, bước đến lau những giọt nước mắt xót thương trên gò má chị, rồi quay sang cạnh bàn trang điểm, đánh phấn, nhẹ nhàng sửa lại mái tóc, vuốt thẳng quần áo. Cử chỉ, dáng dấp của nàng thật là tuyệt đẹp, phong vận của nàng uyển chuyển vô cùng kiều diễm. Phàn thị ngắm nàng, lòng hết sức khen ngợi. Hợp Ðức đưa tay làm một động tác nói với Phàn thị:
- Nhà ngươi nhớ chăm sóc chị ta có việc gì đến báo cho ta biết, bao giờ cũng được.
Nói xong nàng thướt tha bước ra ngoài. Phi Yến tiễn em bằng ánh mắt - Ngày xưa, nó là một con bé tóc vàng hoe, mà bây giờ hoàn toàn thuần thục, thay đổi đến không còn nhận ra được nữa. Nàng buông một tiếng kêu thán phục.
- Tuyên gọi thái y vào được chưa ạ? - Phàn thị hỏi - Triệu Phi Yến vẫn theo đuổi ý nghĩ của mình lẩm bẩm:
- Nó hoàn toàn không còn dấu vết của ngày trước nữa. Ðúng thế! Nó xinh đẹp, rất hấp dẫn, không những chỉ thay đổi về vẻ bề ngoài, mà phong độ cốt cách thật cao sang. Nó chỉ bước mấy bước đi mà thật yêu kiều, đắm say biết bao!
- Hoàng hậu! - Ðột nhiên Phàn thị phát hiện ra bà hoàng hậu trẻ trung xinh đẹp phút chốc đã giống như một bà lão, Phàn thị cao giọng nhắc lại - Tuyên gọi thái y vào được chưa ạ?
- Ðược. - Phi Yến như chợt tỉnh, vội vàng trả lời. Sau đó nàng sai Phàn thị trang điểm cho mình. Bà ta nhìn thấu ruột gan Phi Yến, lấy gương mang đến cho nàng, tỉ mỉ búi tóc cho nàng, chỉ vào gương nói:
- Hoàng hậu, người và Chiêu Nghi giống nhau lắm, rất xinh đẹp, lúc này, tuy người đang ốm, nhưng cũng kiều diễm như vậy thôi!
Nàng ngắm nhìn mình trong gương, nhưng hoàn toàn không phải để thưởng thức vẻ đẹp của chính mình, mà chỉ nghĩ đến sắc thái đã phai tình đã nhạt, sự việc đau lòng ở nhà tắm. Thái y vào, chẩn đoán xong rồi đi ra. Nàng uống một liều thuốc phát tán bình thường - nhắm mắt lại dưỡng thần.
Một giờ sau, Vương Thịnh vào thay Phàn thị, Phi Yến qua cơn mê mệt đã tỉnh lại. Nàng bảo Vương Thịnh kê cao gối, lại sai cung nữ mang chiếc đàn có chân thấp đặt lên giường.
- Hoàng hậu, người nên nghỉ để tinh thần yên tĩnh - Vương Thịnh nói vẻ lo lắng.
- Ta buồn quá! Nàng đáp và bảo Vương Thịnh đỡ nàng ngồi dậy dựa vào gối, thong thả chỉnh lại dây đàn. Hai cung nữ bưng nước đến. Nàng như không muốn tiếp cận với hai cung nữ, dùng tay ra hiệu bảo Vương Thịnh tiếp lấy chén - Hai cung nữ lùi ra xa hơn hai trượng. Hoàng hậu lướt tay trên phím, nhưng lòng nàng đang rối loạn, một bản nhạc bình thường như "Phong nhập tùng" mà nàng gẫy cũng không xong - Trước đây, nàng là bậc danh cầm khét tiếng. Quá ư phiền não, nàng đưa hai tay lên hất văng cây đàn xuống.
- Vương Thịnh, thế này thì chẳng bao lâu nữa ta sẽ thành vật bỏ đi!
- Thưa hoàng hậu, Người không nên suy nghĩ nhiều nữa. - Vương Thịnh quỳ xuống nói.
Phi Yến buông một tiếng thờ dài buồn bã.
- Thưa hoàng hậu, thần đang có một ý nghĩ - Vì hoàng hậu mà nghĩ thôi - Vương Thịnh nói đến đó thì dừng lại, quay mình lại xua tay cho hai cung nữ lui ra. Ðợi họ đi ra khỏi bình phong, hắn mới thì thầm:
- Hoàng hậu, chuyện Trần Thanh trước đây, chúng ta làm không khéo, thưa hoàng hậu, xin hoàng hậu xá tội lỗi thần nói thẳng! Ðến nay thần vẫn hết sức quan tâm.
Nàng bực bội, sự việc Trần Thanh, là vết thương quá đau, nàng không bao giờ muốn nhắc đến nữa. Nhưng lúc này, kể cả chút sức lực để ra lệnh cấm hắn chớ có nhắc lại, cũng không còn nữa, chỉ ầm ừ trong cổ. Vương Thịnh tuy biết hoàng hậu rất phiền lòng về chuyện cũ đau buồn kia, nhưng vì tương lai của nàng, hắn cho rằng không thể không trấn tĩnh để nàng rõ, vì vậy hắn lại nói tiếp:
- Thưa hoàng hậu, thần nghĩ rằng, chúng ta nên tìm cách vào trong dân gian mua một đứa trẻ sơ sinh, hoàng hậu giả làm mình to bụng dần, đến kỳ sinh nở, chị em đưa hài nhi đó vào.
Phi Yến giật mình kinh ngạc, vụt ngồi dậy, nhưng trong nháy mắt, nàng lại gục xuống, nói lắp bắp:
- Vương Thịnh - Cảm ơn sự quan tâm của ngươi nhưng vô kế khả thi rồi, ôi, muộn mất rồi! Muộn quá mất rồi!
Vương Thịnh không hiểu "muộn rồi" của hoàng hậu nó có ý nghĩa gì, ngơ ngác nhìn nàng.
- Vương Thịnh - Chuyện đó muộn quá rồi, để ta nói cho ngươi rõ, từ nay về sau ta chỉ là một bà hoàng hậu ngồi trong hậu cung mà thôi. Vương Thịnh mẹo của nhà ngươi không phải là tồi, nhưng hoàng thượng sẽ không bao giờ còn đến điện Chiêu Dương này nữa.
- Hoàng hậu! Vương Thịnh giật mình kinh sợ - Không thể có chuyện ấy được đâu ạ.
- Ta cho là như vậy đấy. Hoàng thượng đã quá yêu Hợp Ðức em ta rồi, Vương Thịnh! Từ nay về sau ngươi không phải uổng phí công tâm cơ làm gì nữa - ở vị thế của mình mà phải dốc bầu tâm sự trước mặt kẻ hầu hạ, như vậy là một tổn thất lớn. Nhưng vì sự trung thành của Vương Thịnh, nàng không nỡ lừa dối con người đáng thương đó.
- Hoàng hậu! Thần tin rằng tình thế đang còn có thể cứu vãn được. Vả lại, Chiêu Nghi chắc chắn sẽ giúp người. - Vương Thịnh ngừng một lát, nói tiếp, giọng rắn rỏi - Hoàng hậu! Hãy còn có hy vọng, "sự tại nhân vi" ạ.
- Này! Vương Thịnh! Thôi đừng nói nữa! Ta yêu cầu nhà ngươi từ nay đừng bao giờ nói chuyện đó nữa, khác nào như cầm dao cắt xé lòng ta! - Phi Yến nổi giận nói. Nàng cho rằng đó là một nỗi nhục, một người đàn bà không đủ sức dựa vào chính mình mà lại dựa vào một đứa trẻ thơ, giả dối quá chừng? Ðàn bà, chỉ nên dựa vào sự hấp dẫn của chính mình mới được! Hơn nữa, hoàng thượng đã yêu em mình, quá yêu em mình rồi, nàng giận dữ cấm chỉ Vương Thịnh không được nói thêm nữa.
Hoàng đế nhà Ðại Hán mê đắm Hợp Ðức là một sự thực. Tính đến nay, phụ nữ trong hậu cung đã quá nhiều nhưng nhà vua chỉ cần có một Triệu Hợp Ðức.
Và cũng chỉ ở Tây Cung, Lưu Ngao mới cảm thấy bản năng đòi hỏi dữ dội của đàn ông là không bao giờ cạn. Một lần, Hợp Ðức lấy từ chỗ Phàn thị một loại linh dược, nàng nói dối với hoàng đế rằng đó là một loại thuốc do một phương sĩ luyện thành.
- Phải mất một trăm mấy chục ngày, thưa bệ hạ, mới luyện được cơ đấy. Trước hết, phải bỏ đan dược vào trong lửa, luyện đủ một trăm ngày lấy ra, lại bỏ vào nước, đun sôi thay nước, lại tiếp tục nấu, cứ nấu mấy lần như vậy, đến cạn nước thì thành, uống vào có thể cải lão hoàn đồng, cho nên phương sĩ đặt tên là hồi xuân đan, cũng còn gọi là đại đan nữa.
- Nàng lấy từ đâu ra loại đan này? - Lưu Ngao cầm một viên ngắm nghía.
- Thần thiếp đâu có luyện nổi thứ đó! Hợp Ðức cười, vội vàng bảo cung nữ đi gọi viên Tổng quản nội thị ở Tây Cung là Tế Quy đến.
- Tìm hắn đến tâu rõ lai lịch loại thuốc này, ôi, thần thiếp có điều khổ tâm quá - Nếu theo phép tắc của cung đình mà đặt ra thì không thể làm như thế được?
Lưu Ngao không tin Hợp Ðức lại có thể kiếm ra thuốc trường sinh bất lão liền nhăn mặt, nhưng không có ý quở trách, vì thế Hợp Ðức nói tiếp:
- Xem ra hoàng thượng không mấy tinh tường. Ðợi Tế Quy đến, bệ hạ sẽ biết.
- Hà tất phải cần hắn tâu rõ, nàng hãy nói cho ta nghe! - Lưu Ngao ngồi lại gần nàng, khẩn khoản nói - Chỉ vì quá yêu, ngài đối với nàng nhất nhất đều cho là phải hết.
- Thiếp nói - Nàng cười, vòng tay ôm hoàng đế, lấy lại viên hồi xuân đan trong tay, ngài cho vào miệng - Trước đây nửa năm, thần thiếp mộng thấy một cụ già đầu tóc bạc phơ, mặc áo long bào, thiếp lấy làm lạ, sao lại có một vị hoàng đế như vậy? Thiếp liền nấp vào một chỗ để nhìn, cụ già tóc bạc ấy có sống mũi cao, tựa như hoàng thượng, vầng trán cực rộng, miệng cũng rộng, tuy tuổi tác nhưng bước đi hùng mạnh nhanh nhẹn lắm, bên cạnh còn có một người nữa, miệng nói liến thoắng, dáng dấp siêu toát phiêu diêu, cụ già hoàng đế có vẻ kính trọng người đó lắm. Hai người vừa nói vừa cười, rồi một đạo sĩ xuất hiện, lạy cụ già bốn lạy. Người đứng bên cạnh nói đạo sĩ đã luyện xong đan chưa? Ðạo sĩ liền lấy trong túi ra một cái hồ lô cười nói: "Thần đã luyện xong được chừng này. Nếu cần nữa thì phải đến Thông Thiên đài gặp Lão Tam mà hỏi".
Thiếp nghe tiếng ông già cười to quá, liền tỉnh dậy. Hôm sau suy nghĩ mãi, giấc mộng thật lạ lùng liền đến gặp Tế Quy để hỏi. Lúc đó thiếp không dám nói cho hoàng thượng biết, trong giấc mộng thiếp thấy ông già giống hoàng thượng, nói cho hoàng thượng biết, lại sợ hoàng thượng chặt mất đầu.
- Hợp Ðức! - Lưu Ngao giật mình, ngắt lời nàng. Ðúng rồi, cụ già đó nhất định là Hiếu Vũ hoàng đế, người nói liến thoắng kia chẳng phải ai xa lạ, chính là Ðông Phương Sóc. Hoàng đế mà nàng mộng thấy, chắc chắn là tổ tiên của ta? Nàng nói tiếp đi, về sau thế nào nữa?
Lúc đó, Tế Quy được lệnh đi vào, Hợp Ðức chỉ tay như muốn bảo hắn tâu rõ, nhưng nhà vua đã ngăn lại, nói tiếp:
- Nàng cứ tiếp tục đi chuyện đang hay, về sau thế nào?
- Về sau ư? - Hợp Ðức lấy một viên hồi xuân đan màu hồng tươi bỏ vào miệng hoàng đế - Về sau thiếp sai Tế Quy đến Thông Thiên đài thẩm tra, không có hiệu quả gì, một thời gian sau qua đi khá lâu, thiếp đã quên lãng mất. Một hôm Tế Quy gặp đại phu Doãn Hàm ở trong triều, liền nhờ ông ta đoán giấc mộng của thiếp. Doãn Hàm quay về thấy một đạo nhân râu ria xồm xoàm. Hắn cúi đầu lạy xin đạo nhân cho đan. Vị đại nhân đó xì xà xì xồ gì đấy khá lâu hai người không hiểu mô tê gì hết, cuối cùng đưa cho loại đan này, bảo mỗi ngày uống một viên, sẽ trẻ mãi không già, lại còn, loại đan này... Nàng áp người sát vào vai Hoàng đế thỏ thẻ - Ðàn ông uống vào, rồi thì phải biết nhé - ối Ta uống rồi chẳng thấy thế nào cả - Hoàng đế xoa xoa tay dưới cằm cười.
- Thiếp bảo, bệ hạ nên sai Doãn Hàm tìm vị phương sĩ luyện đan kia đến để người gặp.
Hợp Ðức cố tình nói thế, kỳ tình là nàng đã bảo với Tế Quy thông đồng với Doãn Hàm bố trí lót đường mọi chuyện về sau cho thật khéo léo.
- Ðúng thế! Ta cần phải gặp người đó. Ngày mai...
- Bây giờ, chúng ta uống mấy chén rượu mừng - Hợp Ðức nói, đem hồi xuân đan cất vào một cái hộp ngọc xanh, rồi sai cung nữ đem rượu đến.
Hồi xuân đan là một loại thuốc tễ gây hưng phấn, có sức tập trung tinh lực tất cả bộ phận trong cơ thể con người, nếu uống cùng với rượu lập tức xuân tình khơi động bền lâu.
Nhà vua nghe câu chuyện mộng mị của nàng nửa tin nửa ngờ - Nhưng uống mấy chén rượu vào, dục tình bừng bừng nổi lên, ngài thấy như ngà ngà say, toàn thân dậm dật hưng phấn, như có một chất men khao khát nhục thể chạy rần rật khắp người - Hoàng đế nhìn thẳng vào Hợp Ðức, mắt tóe lửa, phút chốc, một sự đòi hỏi thỏa mãn sinh lý như cơn khát cháy bỏng, khiến ngài không còn tự chủ được nữa, xua tay ra hiệu đuổi tất cả bọn thị hầu ra ngoài rồi ghì chặt lấy Hợp Ðức.
- Hồi xuân đan làm ta hồi xuân rồi!
- Hoàng thượng nói dối. - Hợp Ðức nghiêng đầu tránh khỏi được nhà vua, khúc khích cười - Nhất định hoàng thượng dối thiếp. Thiếp biết lõi ra rồi.
- Hợp Ðức! Hợp Ðức! - Ngài ôm ghì lấy nàng. Ta xưa nay không lừa dối ai. Ðó là sự thực! Mộng của nàng nghiệm lắm, thứ thuốc đó đúng là thuốc hồi xuân! Ngày mai, ta sẽ trọng thưởng cho phương sĩ.
- Ðúng thế! Ðúng thế! Hợp Ðức cười nhí nhảnh. Ðó là hồng phúc của bệ hạ. Chúng ta đã gặp thần tiên.
Vị hoàng đế gặp thần tiên trong cõi phiêu diêu, sức sống của ngài so với thời trẻ đã sụp đi rất nhanh, trước đây khá lâu, ngài cảm thấy thế lực của mình rất xấu, nhưng giờ đây, trong phút chốc, tinh lực của ngài bừng bừng bột hứng, ngài cảm tạ thần tiên, cảm ơn Hợp Ðức đã giúp ngài gặp được thần tiên, ngài xiết chặt lấy nàng.
Ðời ngài đã mất đi mùa xuân, giờ đây, thuốc đã cho ngài sức thanh xuân. Ngài như con trâu cày ruộng trong mùa xuân. Ðào xới xong, ngài như ngửi thấy mùi thơm sực nức của cỏ nước, ngài hùng hục xào xới như không biết mệt. Dần dần, hoàng đế thấy mình như một tên dũng tướng, giữa bình nguyên bao la tả xung hữu đột đại chiến không biết mệt, sát phạt kẻ địch, ngài nghe tiếng thở hổn hển của kẻ địch cầu xin ngài khoan dung nhẹ bớt cho... Ngài đắm mình trong tiếng cười hoan lạc. Ngài cho rằng đấy là một kỳ tích của thần tiên. Hiếu Vũ hoàng đế đã ban cho ngài kỳ tích. Ngài ưu ái cảm ơn Hợp Ðức.
Sáng thứ hai, sau buổi chầu, Lưu Ngao giữ Doãn Hàm lại, sai Trương Phóng đưa ông ta đến cung. Nhà thuật số học nổi tiếng rụt rè thận trọng đi theo sau Trương Phóng. Từ khi làm quan đến nay, đây là lần đầu tiên ông ta được nhà vua cho gặp riêng.
- Doãn khanh! Hoàng đế mỉm cười chỉ chiếc ghế bông bảo Doãn Hàm ngồi xuống.
Nhà thuật số học quỳ xuống tạ ơn hoàng đế lại cười, rồi quay sang nói với Trương Phóng:
- Doãn đại phu đã tìm được cho ta thần tiên rồi.
- Hồng phúc của bệ hạ! - Trương Phóng cúi đầu đáp lễ. Hắn cười thầm trong bụng, hắn đoán Doãn Hàm giở trò bịp để cầu tiến thân liền vâng dạ qua quýt rồi hỏi - Thần có thể được cho nghe không ạ?
- Ðược chứ, tất nhiên là được! Chiêu Nghi thấy mộng lạ, Doãn Hàm đã giải xong - Nhà vua nói, quay sang bảo Doãn Hàm - Nhà ngươi kể đi.
- Hồng phúc của bệ hạ - Doãn Hàm nói giọng rất hay như mọi lần ở triều đương - Chiêu Nghi thấy mộng triệu, ngài Tế Quy tổng quản Tây Cung bảo thần đoán nhờ hồng phúc của bệ hạ, cuối cùng cũng đã tìm ra.
- Tâu bệ hạ. Ðó là việc gì vậy? Thần nghe mãi mà vẫn không hiểu - Trương Phóng nói chen vào. Lưu Ngao nói sơ qua về hồi xuân đan, nhưng lại giấu chuyện kích thích tình xuân của nó rồi tức khắc sai Doãn Hàm truyền lệnh đi tìm gặp vị phương sĩ kia.
- Tuân lệnh, tâu bệ hạ, thần xin đi ngay đây. - Doãn Hàm gập người xuống đáp.
- Ngày mai tan triều ta sẽ gặp phương sĩ ở đây.
Trương Phóng nghe hai người đối đáp với nhau, biết ngay đây là cái trò của hai chị em họ Triệu bày vẽ ra, hắn là kẻ đã lăn lóc khắp các xó xỉnh lâu nay, biết tỏng ra là trong chốn lầu xanh có một thứ thuốc kỳ lạ. Hồi xuân đan chính là thứ quỷ ám đó chứ chẳng sai. Vì vậy ra khỏi cung hắn tra vấn Doãn Hàm kỳ được.
- Thưa quý hầu, trước mặt bậc minh triết như ngài đâu dám đem vải thưa che mắt thánh. Tôi chẳng qua là vì lệnh mà phải làm đó thôi - Doãn Hàm còn thẳng thắn nói tiếp - Tôi đang sợ rồi sinh ra loạn tử nữa kia.
Trương Phóng phá lên cười, vỗ vào vai Doãn Hàm. - Không sinh ra loạn tử, thì đã có phú quý rồi!
- Nếu được như vậy còn phải nhờ lệnh hầu chu toàn cho nữa - Doãn Hàm cung kính nói.
- Tôi thì chu toàn được cái gì - Trương Phóng so hai vai rồi cười to - Xin ngài an tâm, ngài cũng không lạ gì chị em nhà họ Triệu. Chính là do tôi dâng cho hoàng thượng. Tôi đâu lại đi làm hại họ. Nhưng mà ngài cũng nên cẩn thận cho, không thể nói năng tùy tiện được. Cái nhà ông đồng sự của ngài, lão Lưu Hương ấy, là rất lèm nhèm đấy nhé. Các ngài gặp nhau hàng ngày, chớ có để lộ ra điều gì. Ông ta không ưa gì Triệu hoàng hậu đâu. Vạn nhất, ông ta cho lên một bản tố cáo thì hỏng bét tất cả! Ðến lúc ấy, chúng ta ăn không tiêu đâu đấy nhé!
- Ðúng thế! Ðúng thế! Thưa quan hầu, chuyện đó thì tôi xin giữ kín như miệng bình, ngoài quan hầu ra tôi tuyệt nhiên không thổ lộ với ai hết.
- Thế thì tốt! - Trương Phóng vỗ vai ông ta rồi đi thẳng. Ngày hôm sau, Doãn Hàm cũng chưa đưa phương sĩ đến, hoàng đế trở về Tây Cung, thất vọng nói với hoàng hậu:
- Ta vẫn chưa có duyên, vị thần tiên đã đi mất rồi.
- Ði mất rồi sao? - Hợp Ðức làm bộ ngạc nhiên hỏi. Ðây nhất định là vị Doãn Hàm bất lực.
- Ðừng trách ông ta, - hoàng đế cười nhẹ nói - Vị thần tiên này có thể biết quá khứ, tương lai. Ngài biết ta đang cần tìm ngài, bảo một đồng tử đến trả lời cho Doãn Hàm rồi ngài thì đi phiêu lãng đó đây, dặn lại rằng: Phải đến năm trăm năm sau mới trở lại Tràng An.
- Thật thế ư? - Hợp Ðức kéo nhà vua ngồi xuống - Thần tiên còn nói gì nữa thôi?
- ồ! Ngài còn dặn, hồi xuân đan không nhất thiết ngày nào cũng phải uống. Số lượng đan không nhiều, nhưng thần tiên dạy ta còn thọ lắm...
- Chỉ cần bệ hạ thọ là tốt lắm rồi!
- Ðiều đó thì không còn nghi ngờ gì nữa. - Lưu Ngao nhẹ nhàng nói:
- Thần tiên, linh dược, cố nhiên việc này là có thật.
- Ðó chính là hồng phúc của bệ hạ. - Hợp Ðức lim dim mắt nói - Vì hồi xuân đan, chúng ta phải ăn mừng.
- Ðêm nay - Miệng Lưu Ngao gắn vào tai Hợp Ðức - Thì đêm qua chúng ta đã ăn mừng rồi đấy thôi.
- Thiếp không nói cái ấy - Hợp Ðức cấu vào đùi nhà vua - Bệ hạ chỉ rặt nói những chuyện không đứng đắn gì cả. ý của thiếp là muốn có một lễ mừng chính thức cơ. Có mời cả hoàng hậu nữa.
- ồ! Không cần, chỉ có hai chúng ta, uống chén rượu, gọi vũ nữ đến múa là được rồi. Nhiều người ta thấy phiền toái quá! Hơn nữa, chuyện này chỉ riêng của hai chúng ta thôi mà.
Hợp Ðức đành im lặng. Nàng hết sức tìm cơ hội để Phi Yến được cùng tham dự, lập mẹo cho chị mình giành được sự sủng ái của nhà vua nhưng lần nào cũng thất bại.