Với đồng bào trong nước, cách nói thế nào là thích hợp?
Nói đúng sự thật. Chớ yêu nên tốt, ghét nên xấu. Phải công bằng, ngay thật. Không cần dùng chữ nghĩa kiểu đao to búa lớn. Sẽ mất cảm tình, mất niềm tin. Mà mất niềm tin là mất hết.
Tôi nghe một anh bạn H.O. nói rằng: "Báo chí hải ngoại nhiều tờ ăn nói thiếu văn hóa quá; họ chửi bới om xòm. Nếu chửi bới, nguyền rủa có thể làm cho chế độ cộng sản chết thì nó đã chết lâu rồi?" Chửi bới, nguyền rủa để giải tỏa nỗi hậm hực, cay đắng, hận thù thì đó là quyền của mỗi người. Nhưng đồng bào trong nước cần một cách đề cập bình tĩnh, tỉnh táo, công bằng, có văn hóa. Khi đã có lẽ phải và chính nghĩa thì chẳng cần hò hét om xòm! Chính quyền cộng sản làm được điều gì có kết quả, tốt đẹp, thì ta cần công nhận. Có như vậy khi nói đến sai lầm của chính quyền thì nhân dân mới dễ tiếp nhận. Nhân dân tuy phần lớn nói, viết không văn hoa, lưu loát, nhưng lương tri người dân thường rất mẫn cảm, ý thức về công bằng rất sâu sắc
Lại cần nói đến yếu tố tâm lý. Người dân dưới chế độ chính trị nào thường tùy theo vấn đề và hoàn cảnh mà vừa mâu thuẫn, đối lập với nhà cầm quyền, lại vừa có lúc gắn mình với chế độ ấy. Cần khéo léo thuyết phục, lôi kéo để nhân dân tách khỏi chính quyền độc đoán, đấu tranh đòi lại quyền tự do của một xã hội công dân.
Khi cộng đồng yêu cầu không liên lạc với trong nước, "cấm vận, tẩy chay" thì đồng bào trong nước rất buồn, có cảm giác bị đối xử không công bàng, vô lý
Qua kinh nghiệm thực tế, chính quyền độc đoán ở trong nước không lo sợ gì những sách báo "chống Cộng" in ấn ở ngoài nước chửi bới, nguyền rủa họ, mà lại giật mình kinh sợ những tài liệu bởi người trong nước có tâm huyết dân chủ viết như: Hoàng Minh Chính, Hà Sỹ Phu, Nguyễn Hộ, Nguyễn Văn Trấn, Trần Độ,... hoặc những sách báo có giọng điệu bình tĩnh, có văn hóa như: Thông Luận, Diễn Đàn (Forum) ở Pháp, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21 (ở Hoa Kỳ), Thiện Chí, Dân Chủ và Phát Triển, Cánh én... (ở Đức). Họ truy tìm rất kỹ những sách báo trên, cùng với những cuốn Đêm Giữa Ban Ngày, bài viết của Đoàn Viết Hoạt, của Thích Quảng Độ... chính vì những sách báo ấy, với giọng điệu đúng mức, nói lên sự thật một cách bình tĩnh, hợp với "gu" bà con trong nước và dễ được bà con thích thú chuyền tay, bàn tán và nhân bản lên để lưu truyền rộng. Tôi hiểu rằng những sách báo chống Cộng kiểu vung vít, thô bạo, chụp mũ lung tung như coi thi sĩ Nguyễn Chí Thiện là con bài của Hà Nội, coi Dương Thu Hương là trá hàng", coi bản thân tôi ở trong màng lưới gián điệp cộng sản (!)... rất được bộ máy tuyên truyền và an ninh của Hà Nội đánh giá "cao", được họ truyền bá rộng để bôi nhọ thêm, làm mất uy tín thêm ngành sách báo tiếng Việt ở hái ngoại. Họ coi những người tạo ra những sách báo ấy là đồng minh mặc nhiên" của họ, giúp họ kéo dài tuổi thọ?
Vì sao chinh quyền độc đoán ở trong nước sống dai đến vậy?
Ngay sau đại hội 7, năm 1991, khi Liên Bang xô viết sập đổ đảng cộng sản Liên xô tan rã, đảng cộng sản Việt nam phát hoảng, những người lãnh đạo của đảng có lúc mất tự tin, tưởng như không trụ nổi. Vì họ đã quen coi đảng Liên xô và đất nước Liên xô như cột trụ, chỗ dựa, như đất tổ, như nguồn sống, mẫu mực của họ. Tan nát hết, ghê gớm quá, bất ngờ quá?
Họ gắng gượng trụ lại. Họ cố tìm chỗ dựa mới là Trung Quốc, cũng là thày cũ, là anh hai thuở trước, gắng gượng quên đi cuộc chiến tranh giữa hai nước trước đó hơn 10 năm.
Đến nay cuộc đổi mới nửa vời đi vào khủng hoảng và bế tắc. Lòng dân không yên. Đảng thoái hóa. Họ còn trụ lại được vì sức ép từ bên ngoài chưa đủ mạnh, vì phong trào dân chủ trong và ngoài nước còn yếu, chúng ta còn dở! Ta chưa có phương hướng đúng, chưa vận động đúng với khả năng mình dư luận quốc tế, chính quyền các nước, các tổ chức và nhân vật quốc tế ủng hộ mạnh mẽ hơn cho cuộc đấu tranh ở trong nước.
Nhận rõ những chỗ dở của mình là điều kiện đầu tiên để khá lên.
Chúng ta ở giữa thời điểm của những thay đổi. Hình như lịch sử đang hối hả xỏ vào chân mình đôi hia bảy dặm để lao vào thế kỷ 21, vào thiên niên kỷ thứ 3. Cuối thế kỷ có những thay đổi ngoạn mục, bất ngờ.
Các chế độ độc đoán, các đảng cộng sản sụp đổ hàng loạt ở Đông Âu, rồi ở Liên xô là một đột biến lịch sử. Thế lực phân biệt chủng tộc Nam Phi tưởng như trường thọ sập rất nhanh, để người tù da đen 27 năm liền Nelson Mendela trở nên tổng thống của nước Cộng Hòa Nam Phi, gồm cả người da đen và da trắng. Cuộc chiến tranh lâu dài Palestine-ixrasen đi vào ngừng bắn và giải pháp chính trị. Người tù chính trị từng bị án tử hình được bầu làm tổng thống Đại Hàn. Người hùng ở Nam Dương Suharto bị sinh viên đốt hình nộm, đang theo con đường ô nhục của tên độc tài Marcos ở Philippin trước đây.
Đây là thời điểm của sự sụp đổ dây chuyền những chính quyền độc đoán, mất lòng dân. Chính quyền ấy ở Việt nam đã lung lay, chệnh choạng, nhưng ta chưa tạo đủ sức ép, chưa tạo đủ "gió mạnh" để nó đổ.
Làm thế nào để lạo nên gió mạnh, nên giông bão như ở Nam Dương gần đây?
Cộng sản Việt nam là cái đuôi còn rớt lại của phong trào cộng sản quốc tế. Thế kỷ 20 là thế kỷ hoành hành dừ dội nhất của phong trào cộng sản quốc tế. Nếu so với các trào lưu tư tưởng khác của nhân loại, phong trào cộng sản như lửa rơm. Có lúc nó đã chinh phục nước đông dân nhất thế giới (Trung Quốc), nước rộng lớn nhất thế giới (Liên xô), bành trướng trên hơn một phần ba quả địa cầu, từ âu sang á, từ Mỹ đến châu Phi... ở giữa thế kỷ 20, những trí tuệ, những nhân vật trí thức cỡ lớn nhất thế giới phần lớn từng ngả theo Cộng sản. Đây là sự lầm lẫn, sự ngộ nhân lớn nhất của thế kỷ 20. Cộng sản bành trướng do dấu kỹ bản chất hung bạo, vô nhân, phản dân chủ. Cộng sản Việt nam tồn tại cùng với Trung Quốc, Cu Ba, Bắc Triều Tiên chỉ là mây mù còn sót lại trong nhận thức một bộ phận nhỏ, rất nhỏ của nhân loại. Tất cả nhiệm vụ của những người dân chủ là giúp cho một xã hội bị lầm lẫn xóa sạch mây mù tồn đọng của thế kỷ sắp kết thúc, gột rửa sự sùng bái mù quáng một đảng cầm quyền đã hết thiêng, chấm dứt sự tin cậy ở những người lãnh đạo kém cỏi, thiếu hiểu biết và thiếu bản lĩnh cầm quyền, vươn dậy tự giải phóng khỏi cường quyền, áp bức, bất công, hòa nhập vào thế giới văn minh.
Chúng ta cần tận dụng cao nhất mọi mối liên hệ với trong nước để góp sức làm tan biến những áng mây mù đen tối còn tồn tại trong nhận thức xã hội, giải phóng về nhận thức cho những người từng ngỡ mình là người đi giải phóng thiên hạ. Mây mù nhận thức cũ tan biến thì hiểu biết về dân chủ, về tự do, bình đắng, về đa nguyên, về luật pháp sẽ được thiết lập vững chắc, làm nền cho cuộc sống mới, cho xã hội mới trong thế kỷ 21 tươi đẹp sắp khởi đầu.
Ông hình dung chinh quyền độc đoán ở trong nước sẽ sập đổ ra sao? Có đúng ở trong đảng đang có nhiều phe phái xâu xé nhau không?
Cần nhận rõ tình hình. Báo hải ngoại nhận định trong Bộ Chính Trị, trong Trung ương Đảng cộng sản phân hóa thành nhiều bè phái, phái đảng quyền, phái chính quyền, phái quân đội và công an, hoặc phái bảo thủ, phái trung gian và phái đổi mới... Tôi không cho là vậy. Hiện nay trong Trung ương và Bộ Chính Trị còn có sự nhất trí khá chắc về đường lối đổi mới: đổi mới về kinh tế nhưng vẫn giữ định hướng xã hội chủ nghĩa, duy trì khu vực quốc doanh rất lớn; đổi mới về kinh tế nhưng đổi mới tà tà về chính trị, duy trì độc quyền cai trị của đảng để bảo vệ đặc quyền của đảng cầm quyền, của các đảng viên có thức, có quyền. Họ nhất trí cao vì họ đã tuyển lựa nhau kỹ, ngăn chặn rất chặt chẽ không cho đảng viên nào có tư tường dân chủ có thể lọt vào đại hội các cấp, từ cơ sở, nhất là vào cơ quan lãnh đạo cao như Trung ương và Bộ Chính Trị. Những đảng viên có tư tưởng dân chủ chỉ ở trong hàng ngũ đảng viên thường. Nếu ở cơ quan lãnh đạo mà có tư tường dân chủ, cởi mở, thoáng đãng... thì họ tìm cách đưa ra ngoài ngay, như Trần Xuân Bách, như Trần Độ, hay cả như Nguyễn Cơ Thạch...
Chúng ta, các chiến sĩ đấu tranh đòi dân chủ không nên ảo tưởng về sự xâu xé, chia rẽ trong nội bộ cơ quan lãnh đạo của đảng cộng sản.
Mặt khác cần thấy rằng mâu thuẫn giữa cơ quan lãnh đạo của đảng và chính quyền với đông đảo đảng viên thường đang có xu hướng mở rộng, trở nên gay gắt, do sự sa sút biến chất của những đảng viên có chức, có quyền, những tư bản đỏ mới, những cường hào mới. Đặc biệt ngấm ngầm mà gay gắt là mâu thuẫn giữa đông đảo nhân dân với cơ quan lãnh đạo của đảng và nhà nước. Chính mâu thuần này đã làm nổ ra phong trào nổi dậy mạnh mẽ ở Thái Bình, Hải Dương, Hưng yên, Hà Tây, Thanh Hóa, Đồng Nai, Biên Hòa, Bình Thuận... Đi với nhân dân nghèo khổ có khá nhiều đảng viên thường, những cựu chiến binh, những thương binh, cán bộ về hưu... Cho nên khả năng làm cho tình hình biến chuyển chính là ở phong trào đấu tranh của nhân dân, chứ không phải chủ yếu ở các phe phái xâu xé nhau, tuy rằng trong cơ quan lãnh đạo có thể có một số hiện tượng kình chống nhau về quyền lợi, về tranh ăn, về địa vị hoặc về địa phương Bắc, Trung, Nam... Muốn đạt đến một phong trào sâu rộng lại cần phân hóa cao độ cơ quan lãnh đạo bảo thủ với đảng viên thường, với viên chức cấp dưới của chính quyền ấy, chứ không nên gộp chung họ vào một khối để chống tất cả mọi người cộng sản, mọi người trong bộ máy viên chức, mọi người lao động dưới quyền họ.
Ông có kỳ vọng gì vào cộng đồng ta ở nước ngoài?
Tôi đã nói nhiều lần, cộng đồng ta có nhiều điểm rất mạnh. Phần lớn là thành dạt trong cuộc sống trên quê hương mới, một số thành đạt cao. Thế hệ kế tiếp rất xuất sắc trong học hành, tiếp thu khoa học kỹ thuật. Giá trị sản lượng của 2 triệu người Việt hải ngoại không kém gì nhiều giá trị sản lượng gần 80 triệu người trong nước. Tấm lòng yêu nước cũng sâu đậm. Vốn về tiền bạc, về kiến thức và kinh nghiệm cũng lớn lắm.
Lực là mạnh. Nhưng Thế lại yếu, chưa tương đương với lực, nên chưa phát huy được về trong nước. Thế và lực liên quan chặt. Thế được tạo nên do điểm tựa. Archimède từng nói: cho tôi một điểm tựa, tôi có thể nâng cả quả đất. Đó là luật về đòn bẩy trong Vật lý. Có điểm tựa đúng, tạo nên thế tốt thì lực sẽ được nhân lên...
Cho nên tất cả vấn đề của cộng đồng ta là tạo nên thế. Nhưng ý kiến của tôi đề xuất trên đây cũng chính là tìm cho ra điểm tựa thích hợp để tạo nên thế mạnh.
Còn có cách gì nữa để tạo nên thế mạnh?
Dân chủ - nếp sống dân chủ. Tập dượt dân chủ. Không thể chống độc đoán, chửi độc tài mà chính trong cộng đồng lại không dân chủ, thiếu dân chủ hay dân chủ hình thức... không thể chống bệnh duy ý chí, mù quáng của người cộng sản mà chính cộng đồng lại duy ý chí, không liên hệ máu thịt với trong nước, không tìm hiểu sâu sắc mọi mặt về bà con ở trong nước để tiếp sức, hướng dẫn, giúp đỡ bà con nhận rõ tình hình và có cách đấu tranh thích hợp. Cần loại bỏ nếp nghĩ độc đoán, gia trưởng, quan liêu quân phiệt nữa... Hết sức tôn trọng, nâng đỡ, bồi dưỡng anh chị em trẻ, rất ưu ái mạnh tay bồi dưỡng phụ nữ có ý thức dân chủ vào các cương vị xứng đáng... Dân chủ sẽ khơi dậy sức trẻ cho cộng đồng, mang lại sáng kiến, nhựa sống cho cộng đồng. Hãy để cho thật nhiều anh chị em trẻ về nước tiếp xúc với tuổi trẻ trong nước, làm những công việc văn hóa, giáo dục, thể thao, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, tường như không làm chính trị mà thật ra là làm chính trị rất sinh động, sâu sắc. Sự hòa giải, hòa hợp của tuổi trẻ trong và ngoài nước cần có cơ quan của cộng đồng chăm sóc, chỉ đạo chu đáo Tương lai dân chủ và phát triển đất nước sẽ đi qua con đường ấy. Chính quyền trong nước không có lý gì để ngăn cản tuổi trẻ ngoài nước trở về thăm viếng quê hương, thực hiện những công việc văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, thể thao và từ thiện... Anh chị em trẻ trong cộng đồng thừa bản lĩnh để hoạt động hữu hiệu mà không khiêu khích chính quyền để họ tạo cớ ngăn cản hay đàn áp...
Nhân đây ông có nhắn riêng gì anh chi em trẻ tuổi trong cộng đồng?
Tôi rất quý trọng tuổi trẻ. Anh chị em trẻ trong nước cũng như ở hải ngoại. Tôi từng đề tặng Hoa Xuyên Tuyết và Mặt Thật cho tuổi trẻ Việt nam, với niềm ân hận là thế hệ chúng ta đã phạm nhiều sai lầm, để lại cho thế hệ trẻ một đất nước lạc hậu, độc đoán, thua kém các nước láng giềng! Với cuốn sách này, tôi cũng gởi gắm niềm tin ở tuổi trẻ Việt nam.
Tôi xin làm quà các bạn trẻ một câu chuyện nhỏ. Tôi có mấy cháu họ tại Hoa Kỳ, ở Cali và ở gần Washington D.C. Có cháu từng là hạ sĩ quan Việt nam Cộng Hòa, tuổi đã hơn 40, rất quan tâm đến chính trị, ở trong hội quân nhân... Gặp mặt, cháu vui vẻ kể đã cùng các chiến hữu đi đắp và lắp một số cột cờ, treo cờ vàng ba sọc đỏ. Có nơi cảnh sát Hoa Kỳ yêu cầu hạ cờ, phá bỏ; các bạn đấu tranh làm lại, rồi còn tính làm thêm một loạt "kỳ đài" nữa ở nơi có đông người qua lại. Cháu rất hứng khởi cho đó là việc quan trọng vô cùng, thành tích xuất sắc đóng góp cho việc "dẹp bộ cộng sản", "quang phục quê hương. Tôi nói với các cháu: các cháu sống có lý tưởng, còn nhớ, nghĩ đến quê hương, ngày nghỉ còn làm những công chuyện của cộng đồng, tổ chức giao cho, thế là tốt. Người quân nhân biết đề cao, tôn trọng, bảo vệ lá "quốc kỳ" cũng là điều tốt, ý thức công dân cao. Thế nhưng nhìn vào sự thật, công nhận sự thật rõ ràng là điều cần thiết. Thực thể Việt nam Cộng Hòa không còn tồn tại hơn 20 năm rồi. Thực thể quân đội Cộng Hòa cũng không còn tồn tại 20 năm rồi. Tuyệt đại bộ phận người dân trong nước nghĩa là hầu như đại khối dân tộc hầu như không còn ai nghĩ đến lá cờ này nữa, vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó tuổi trẻ hải ngoại nên làm những việc thiết thực, hợp với đại khối đồng bào trong nước, có tác dụng thúc đẩy đất nước sớm kết thúc chế độ độc đoán, có chính quyền dân chủ, hòa nhập với thế giới. Nên nhìn tới phía trước. Cháu hỏi tôi nên làm gì? Tôi kể chuyện ở Đức, có anh em trước cũng ở quân đội Việt nam Cộng Hòa, cùng nhau dùng máy vi tính, dựng internet; qua thư điện (E-mail) chuyển đi những tin tức tài liệu, nội dung sách báo về dân chủ hóa, và đã có một số địa chỉ trong nước tiếp nhận, in lại, truyền bá... Có lẽ việc làm như thế có tác dụng thiết thực hơn. Hai việc làm đều có động cơ tốt, nên làm việc nào hơn? Hoặc nên làm cả hai việc, xin tùy các bạn trẻ. Chính quyền độc đoán trong nước họ sợ việc nào thì ta nên làm việc ấy.
Sự kiện tháng 5-1998, dân Nam Dương hạ bệ Suharto có thể có tác dụng ra sao đối với Việt nam?
Trong những tháng, năm trước mắt, khi dân trí về dân chủ, về xã hội được nâng cao, khi truyền thông quốc tế thâm nhập rộng và sâu vào xã hội ta, khi nội bộ đảng cộng sản phân hóa dữ dội, cố khả năng xuất hiện là một nhóm người cộng sản thức thời có xu hướng dân chủ được quần chúng ủng hộ xác lập được quyền lãnh đạo. Đây là một xu hướng hiện thực, cần theo dõi và vun đắp, tránh được hỗn loạn và đổ vỡ.
Khả năng tức nước vỡ bờ cũng là một khả năng hiện thực - như ở Nam Dương tháng 5-1998 vừa qua, thông qua nổi dậy của quần chúng, đi đầu là sinh viên và lao động ở các thành phố lớn: Djacarta, Djogiacarta và Solo... Hơn 200 người bị chết trong những đám cháy lớn, sáu sinh viên hy sinh do bị quân lính đàn áp, để đổi lấy một cuộc đổi đời, hạ bệ triều đình Suharto độc đoán-quân phiệt-tham nhũng. Rối loạn chỉ diễn ra trong hai tuần lễ! Việt nam và Nam Dương rất giống nhau: đảng Golkar độc quyền lãnh đạo, giống như đảng cộng sản Việt nam (tuy không theo học thuyết Mác-xít), các ông tướng cầm quyền, vai trò quân đội và an ninh lớn, tham nhũng tràn lan, mức sống chung của người dân rất thấp (Nam Dương, thu nhập bình quân đầu người năm 1995 là 900 đô la, 1997 là 600 đô la; Việt nam thu nhập bình quân đầu người năm 1997 là 320 đô la...) Theo định mức của Liên Hợp Quốc, nước nào thu nhập đầu người hằng năm dưới 365 đô la (mỗi ngày, mỗi người dưới 1 đô la) là ở mức rất nghèo khổ.
Ông có cho rằng sau khi Suharto bị mất chức, đảng cộng sản Việt nam rất lo sợ cho chính họ hay không?
Có chứ. Họ rất lo. Họ giật mình, ăn ngủ không yên.
Vì ở châu á, chỉ có Miến Điện và Việt nam là giống chính quyền Nam Dương: ở chóp bu chính quyền là những viên tướng (tướng Lê Đức Anh, tướng Lê Khả Phiêu).
Mới hai tuần trước tướng Suharto còn hét ra lửa, uy quyền đầy mình! Thế mà chỉ vài cuộc xuống đường của sinh viên, kéo theo người lao động dông đảo, qua đó hình nộm Suharto bị đốt, ảnh Suharto bị xé, người dân thét: cả gia đình Snharto là một ổ tham nhũng phải bị truy tố và xét xử! Suharto phải "đầu hàng", từ chức ngay.
ở Việt nam kẻ đương quyền vơ vét tham nhũng cũng rộng khắp, tràn lan. ở Nam Dương, vợ Suharto (chết tháng 4-1996) bị gọi là "mụ 10 phần trăm", thì ở Việt nam các bà lớn cũng bị gọi là "bà 10 phần trăm? Hiện tài sản cả đại gia đình Suharto đang bị điều tra, có thể lên đến 14 tỷ đô-la. Sẽ khó tránh khỏi bị tù, tài sản bị tịch thu!
Những người lãnh đạo cộng sản Việt nam còn rất hoảng khi thấy trên truyền hình quốc tế cảnh sinh viên tặng hoa cho quân lính bộ binh và xe tăng đến đàn áp mình; cảnh binh lính Nam Dương mỉm cười trước cảnh hình nộm tướng Suharto cháy phừng phực; và 16 quân nhân Nam Dương bị bắt giam và truy tố về tội bắn vào sinh viên đang biểu tình... Những hình ảnh mang nhiều ý nghĩa...
Trông người lại nghĩ đến ta! Họ lo sợ, giật mình là điều tất nhiên.
Vẫn chưa hết. Hà Nội thường rao giảng rằng đổi mới cần có kỷ luật. Kỷ luật và ổn định cần hơn dân chủ! Dân chủ là giá trị xa lạ của phương Tây! (họ làm như chủ nghĩa Mác không phải được họ du nhập từ xa, từ phương Tây!). Các chế độ quân phiệt đổ sập ở Thái Lan, Nam Hàn, Đài Loan, nay là ở Nam Dương, nêu rõ toàn bộ châu á cần đến dân chủ một cách cấp bách ra sao.
Rõ ràng dân ở châu Âu, châu á, châu Mỹ, châu Phi... đều cần đến dân chủ, không có một ngoại lệ nào.
Họ rất sợ sinh viên, thanh niên Việt nam, ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn nhìn rõ hình ảnh sôi nổi ở Nam Dương những ngày tháng 5 vừa qua... Họ kiểm duyệt kỹ báo, đài truyền hình để những hình ảnh ấy không đến với nhân dân, đến tuổi trẻ...
Cuối tháng 6-1998 vừa qua, Tổng Thống Hoa Kỳ đi thăm Trung Quốc, sự kiện này có ảnh hưởng ra sao đối với nước Việt nam?
Chiến tranh lạnh đã chấm dứt. Đưa Trung Quốc từng bước hòa nhập vào cộng đồng quốc tế là một chủ trương thích hợp, phù hợp với quyền lợi Mỹ đồng thời khuyến khích xu thế dân chủ hóa trong lòng xã hội Trung Quốc.
Nhìn chung và theo cách nhìn dài hạn, điều này cũng có lợi cho xu thế dân chủ hóa ở Việt nam. Điều đáng lo, và cũng đáng buồn cho Việt nam là sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt nam vẫn trì trệ, chậm chân, bị bỏ lại đằng sau! Đổi mới đã chậm hơn Trung Quốc đến tám, chín năm (Trung Quốc khởi đầu từ 1978, Việt nam từ 1986), Trung Quốc có các nhà kiến trúc đổi mới chủ động tính toán đường đi nước bước (Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Chu Dung Cơ...) còn Việt nam thì bị động trong đổi mới, không nhất quán, loạng quạng... Giá trị sản lượng đầu người của Trung Quốc đã đạt hơn 460 đô la/ năm, Việt nam mới đạt hơn 300; dự trữ ngoại tệ Trung Quốc đạt đến 160 tỷ đô la, Việt nam chưa đến 2 tỷ? Chính do kinh tế quá thấp, chính trị quá yếu mà cái thế của Việt nam bị Trung Quốc bỏ xa lại sau. Nguyên nhân chỉ vì chính trị quá ư thủ cựu, cổ lỗ, đổi mới không dứt khoát. Trong quan hệ với Hoa Kỳ, Việt nam đã bỏ lỡ thời cơ lớn. Thời cơ ngay sau tháng 4-1975 và thời cơ 1990-1991 khi khối Liên xô đổ sập, chiến tranh lạnh chấm dứt. Lúc ấy Hoa Kỳ có nhu cầu hòa giải với Việt nam. Cuối 1991, ở Washington D.C., New York, California, Boston... tôi gặp trợ lý ngoại trưởng đặc trách Đông Nam á và Việt nam, các thượng nghị sĩ, dân biểu Hoa Kỳ, cố vấn an ninh tổng thống, các giáo sư Đại học Stanford, Harvard... họ đều mong đợi một dấu hiệu tích cực của Hà Nội trong cải thiện quan hệ Việt-Mỹ, giở sang trang sử mới trong quan hệ hai nước, có lợi to lớn cho hai nước, đặc biệt cho Việt nam. Điều này ở Việt nam cần một sự lãnh đạo thật sáng, nhìn xa, trông rộng, vượt qua quá khứ, quả đoán, mang tầm thời đại; điều mà những người lãnh đạo Việt nam hồi ấy do quá ư giáo điều, bảo thủ, do tự kiêu hão, không sao nhận ra? Hồi ấy, khi trao đổi với một số chính khách Mỹ, tôi đã cùng họ phác họa một tình bạn Mỹ-Việt mới, tiêu biểu cho thời đại mới, mang tính mẫu mực, tiền phong và khám phá, và tính đến khả năng sớm có cuộc thăm viếng lẫn nhau giữa các người đứng đầu hai nhà nước ở Washington D.C. và Hà Nội... Thế nhưng chỉ là ảo tưởng. Nhường bước cho sự hòa giải nổi bật đẹp đẽ giữa Nelson Mandela và Frederic de Klerk ở Nam Phi, cho con đường đàm phán giữa Arafat và Ra bin ở Trung Đông! Lãnh đạo Việt nam thua hẳn một cái đầu? Vì thiếu hẳn một cái đầu lãnh đạo!...
Do sự lãnh đạo cổ hủ như thế mà đất nước Việt nam vẫn lỡ tàu hoài! Những chuyến tàu tốc hành của lịch sử đi tới phát triển, dân chủ và thịnh vượng. Dân ta vẫn cứ phải đứng ở sân ga mà nhìn, mà tiếc mà hổ thẹn vì thua kém thiên hạ. Đã đến lúc toàn thể đồng bào ta nhìn rõ tình hình trên đây, nhận ra nguyên nhân và tỏ thái độ. Không thể cam chịu bị cầm tù và lỡ tàu hoài!
Việc Hà Nội trả lại tự do cho các ông Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Đan Quế, Lý Tống, các vị Thích Quảng Độ, Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu... có làm cho quan hệ Việt-Mỹ mau được cải thiện và gây khó khăn cho cuộc đấu tranh đòi dân chủ của bà con ta ở trong và ngoài nước không?
Không. Vì vẫn còn chừng 200 tù chính trị. Họ lùi bước này, nhưng nếu bà con ta thừa thắng, đẩy mạnh cuộc đấu tranh lên nữa cùng với việc vận động tăng mạnh áp lực quốc tế, thì họ sẽ còn phải lùi nữa. Họ bí lắm rồi. Tôi được tin từ bạn bè ở Bộ Ngoại giao Hà Nội, vừa rồi trong lãnh đạo họ có ý kiến khác nhau. Cuối cùng họ buộc phải đồng ý nhượng bộ vì tình thế kinh tế, tài chánh, ngoại giao đều bí, hầu như bế tắc. Chuyến đi của ông Phan Văn Khải sang Paris, Lon don, Bỉ, áo mới đây nhằm tranh thủ đầu tư thay cho các nhà đầu tư á Châu đang rút bớt đã không đạt kết quả. Cả Châu Âu đều chán nản với những lời hứa của Hà Nội, Quốc hội Châu Âu còn ép mạnh thêm về tôn trọng nhân quyền. Mới đây, chuyến đi của ông Trần Đức Lương, Chủ tịch nước sang Nga cũng chỉ là những lời hứa vì ông thủ tướng mới vẫn chưa được Quốc hội Nga chấp thuận. Món nợ đối với nước Nga lại quá lớn hơn 10 tỷ đô la? Chỉ còn trông mong ở cái Tối Huệ Quốc của Hoa Kỳ. Nhưng phía Hoa Kỳ không vội. Họ còn ép tiếp. Cuộc thương lượng về thương mại còn vòng vo chán? Danh sách tù chính trị Hà Nội chưa chịu thả - mà Hoa Kỳ và các nước phương Tây yêu cầu thả ngay - vẫn còn dài! Vì sao còn giam cầm ông Nguyễn Đình Huy? Vì sao nhiều linh mục, thượng tọa, mục sư còn nằm trong tù? Rồi còn các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội... được ghi trong Hiến pháp Việt nam và trong Công ước Quốc tế về quyền chính trị và quyền dân sự của công dân mà chính phủ Việt nam đã ký kết, nghĩa là cam kết thực hiện. Cái khó của Hà Nội là trao trả hết thì tay trắng, không còn gì để mặc cả. Mà trao trả theo kiểu nhỏ giọt thì càng bị níu áo, đòi nợ thêm gay gắt. Bế tắc là ở đó.
Chỉ đến khi nào họ thật sự từ bỏ ách độc đoán, trả lại sòng phẳng quyền tự do cho toàn xã hội, tỏ ra thật lòng gia nhập một cách lương thiện vào cuộc sống có luật pháp của cộng đồng văn minh thì họ mới thoát khỏi sức ép từ mọi phía.
Ông có tin rằng mây mù thế kỷ như ông tả có thể tan biến sớm không?
Tùy thuộc ở cuộc đấu tranh cho dân chủ hiện nay của bà con ta ở trong nước và sự hỗ trợ của đồng bào hải ngoại. Cuộc đấu tranh ở trong nước đang có xu hướng phát triển. Trong lá thư ngỏ mới đây (tháng 6-1998) của 10 nhân vật cộng sản vào loại "công thần" đã đe rằng nếu ông Trần Độ mà bị bắt thì sẽ có hàng vạn vạn đảng viên và quần chúng xuống đường để chống lại...
Ông Hà Nghiệp, đảng viên kỳ cựu, cán bộ cấp cao, từng là trợ lý cho tổng bí thư Trường Chinh, gần đây lại công khai đòi đổi tên đảng (vì tên "cộng sản" là vô duyên, không thực tế, là ảo tưởng, không có nội dung gì thiết thực)..., đổi tên chế độ xã hội chủ nghĩa (vì không có thực chất, mỉa mai so với thực tế), từ bỏ chủ nghĩa Mác-lê (vì cả gần 80 triệu người Việt không còn gắn bó gì với cái học thuyết xa lạ này), từ bỏ chuyên chính vô sản (vì nó quá xa lạ, ai là vô sản ở Việt nam?), từ bỏ cả điều 4 của Hiến pháp (đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo) vì trái với nền dân chủ, trái với nếp sống chính trị chung của thế giới...
Những điều trên, tôi đã kiến nghị gác bỏ từ năm 1990. Nay lại đang rộ lên ở trong nội bộ đảng. Đây là những mây mù còn tồn đọng, sớm muộn sẽ tan vì nó xa lạ với dân tộc, với nhân dân, với thế giới. Cần gây nên tranh luận công khai, bình tĩnh, thấu đáo về các vấn đề này, điều mà nhóm lãnh đạo giáo điều đang ngăn cản.
Cuốn sách best seller (bán chạy nhất) năm 1997 ở Pháp là cuốn La fin d une illusion (Kết thúc của một ảo tưởng) của giáo sư Sử học Francois Furier đã tả sự tan biến của bóng đen cộng sản, của phe xã hội chủ nghĩa, của Liên Bang xô viết - sự kiện lịch sử nổi bật nhất cuối thế kỷ này. Có lúc đông đảo trí thức, nhà chính trị lầm lẫn về bóng đen ấy ngỡ là chân lý, là mặt trời... Nó tan biến vì cái lõi phi nhân của học thuyết này và vì sự áp dụng đầy tội ác. Quả thật có lúc những thành tựu của nó rất hấp dẫn như cái Sputmik (vệ tinh nhân tạo đầu tiên), như Gagarine (nhà du hành vũ trụ đầu tiên), như tàu phá băng chạy bằng sức nguyên tử mang tên Lénine. Những Goulag (các trại tập trung) và cuộc xâm lược Afganistan đã phơi bày sự thật. Hệ thống này tan biến, không đè lại một vết tích văn hóa nào đáng kể (trong khi đế chế Napoléon còn để lại cho nền văn minh nhân loại một bộ luật có những tư duy pháp lý tiến bộ).
Có lẽ tác dụng tích cực duy nhất của phe xã hội chủ nghĩa hiện thực là đã thúc đẩy cho các nước tư bản phát triển mạnh mẽ hơn về khoa học kỹ thuật, cải tiến chủ nghĩa tư bản liên tục, có hiệu quả và nâng cao phúc lợi xã hội cho người lao động trong cuộn thi đua hòa bình giữa hai hệ thống xã hội đối lập. Vì thế, có người nhận định rằng con đẻ của phe xã hội chủ nghĩa hiện thực thì ốm yếu, còi cọc nên chết yểu; còn "con hoang" (không cố ý đẻ ra) thì lại kháu khỉnh và sống dai!
Vậy thì các vị Nguyễn Đức Bình, Đoàn Khuê. Lê Đức Anh, Lê Khả phiêu... còn lưỡng lự gì mà chưa chia tay với quá khứ, góp sức làm cho mây mù về nhận thức chính trị tan biến khỏi bầu trời Việt nam còn u ám, để mặt trời văn minh, tiến bộ của thời đại ló rạng trên giải đất hình chữ S còn bất hạnh này!
Có người cho rằng ông có vẻ vẫn gần những người "cộng sản " hơn những người "quốc gia , điều ấy có đúng không?
Đúng, mà cũng không đúng
Vì tôi vốn ở trong đảng cộng sản, trong quân đội Nhân Dân. Quan hệ xã hội tôi rất rộng. Cho nên số bạn bè từng ở trong đảng và trong quân đội khá đông. Phần lớn tôi vẫn giữ tình bạn với họ. Vì phần lớn, họ vẫn là những người yêu nước. Tôi vẫn giữ quan hệ với bè bạn trong nước, mặc dầu bị chính quyền kiểm soát. Với những người "quốc gia" cũ, tôi không ngại gần gũi, quan hệ, trao đổi ý kiến. Vì tôi cho rằng họ đều có lòng yêu nước, tuy ít hay nhiều, với những kiểu cách khác nhau. Có một số trở thành bạn, có người trở thành bạn thân.
Tôi thấy cách nhìn của một số người lãnh đạo cộng sản cực đoan, phân chia rành mạch hai trận tuyến đối lập rồi nhận định theo kiểu: người kém nhất của phe mình cũng còn hơn là kẻ cao nhất, tài giỏi nhất của phe "chúng nó". Cho nên họ buộc nhân dân, đảng viên phải giữ lập trường vững vàng: gọi ông Diệm, ông Thiệu là "thằng".
Người "quốc gia" cũng có người cực đoan có quan niệm tương tự: cộng sản là xấu tuốt luốt, là "chúng nó", là đồ bỏ đi, "cả gói"!
Tôi cho rằng phía nào cũng có người tốt, người xấu Hiện nay tôi lấy tiêu chuẩn "độc đoán" hay dân chủ" để đánh giá tốt, xấu, để chọn bạn mà chơi.
Với ai tôi cũng giữ thái dộ cởi mở, ngay thật và cố tìm ra mặt tốt. Nếu vì nói thắng, nói thật, có người phật lòng, tôi xin họ thông hiểu. Thà mất lòng trước mà được lòng sau còn hơn. Và châm ngôn ta có câu: thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng. Còn ai cố tình hiểu sai, chụp mũ tôi, tôi tự nhận lỗi về mình, vì tôi chưa có đủ sức làm cho họ hiểu. Thế thôi
Ông có lời nhon thêm gì nữa với cộng đồng ta ở hải ngoại?
Tôi rất mừng là số người có cách nhìn cực đoan không còn nhiều. Số bà con ta theo dõi kỹ phong trào dân chủ ở trong nước và tỏ ý ủng hộ các chiến sĩ dân chủ - dù đó là ông trung tướng cộng sản, ông cựu ủy viên Trung ương, hiện là đảng viên cộng sản - ngày càng đông đảo trong cộng đồng ta. Một số chiến sỹ dân chủ ở trong và ngoài nước đang phối hợp thảo ra một tuyên bố chung, tuyên ngôn chung, hoặc gọi là hiến chương chung, một kiểu xã ước (Contrat Social) chung gì đó để trong và ngoài nước cùng đồng tình trên một quá trình chuyển từ chế độ độc đoán sang một chế độ dân chủ trong hòa bình, một kiểu cương lĩnh tối thiểu, đúng vào dịp cuối thế kỷ này.
Sự đồng tình càng sâu rộng thì tạo nên sức ép với chính quyền trong nước càng lớn, càng có hiệu quả.
Muốn vậy mỗi người phải tự vượt qua chính mình, vượt qua thù hận lưu cữu ở hai bên, giang tay anh em ruột thịt ra với nhau, hòa giải và hòa hợp trên hành động thực tế, chung sức trong sự nghiệp xây dựng dân chủ cho quê hương. Đức Khổng Tử xưa kia từng nói: người quân tử biết khoan dung thay thù hận.
Chúa Giê-su cũng từng nói: chúng ta cần biết thương yêu và cầu nguyện cho kẻ thù địch về những sai lầm của họ.
Tôi biết anh em từng ở bên kia chiến tuyến với tôi đến nay vẫn không tin tôi, cho tôi là "cò mồi", "chim mồi", "trá hình", làm "tình báo". Tôi không oán trách ai nặng lời với tôi, chỉ tự trách mình là chưa làm cho hiểu thật rõ mình. Tự tôi có lỗi. Có người khi nghe tôi nói chuyện, hoàn toàn đồng ý tán thành những suy nghĩ của tôi, nhưng lại yêu cầu tôi: "Nhưng xin ông chớ nói với ai là tôi đã gặp ông và tán thành những điều ông nói". Tôi buộc phải tôn trọng yêu cầu ấy, nhưng lòng dạ không thư thái. Sao lại vậy? Có người trả lời: "Vì cộng đồng này phức tạp lắm, ông không biết đâu. Những kẻ quá khích có thể khiêu khích, gây sự, thậm chí hành hung chúng tôi. Tránh voi chẳng xấu mặt nào". Có kẻ dọa bắn bỏ những người mà họ chụp cho cái mũ vô lý là "phản bội", "trở cờ".
Tôi mong tất cả bà con ta, bất kể trong quá khứ từng ở bên nào, quê hương Bắc hay Nam, hay Trung, lớn tuổi, trung niên và các bạn trẻ, hiện ở Hoa Kỳ, châu Âu, Cháu úc, ở Đông Âu hay Liên xô cũ, hãy tập trung tất cả sức đấu tranh vào cuộc vận động dân chủ hiện nay, biểu thị đồng tâm nhất trí trên một phương án chung. Hãy gắn nỗi đau của mỗi người vào nỗi đau chung của hơn 70 triệu đồng bào trong nước chưa được hưởng tự do xứng đáng với con người. Chúng ta là một đàn gà cần mẫn, nòi giống đẹp, có cùng chung một mẹ, do hoàn cảnh, do sự thúc ép của xung quanh, đàn gà vĩ đại ấy ly tán, rồi xung đột, cào mổ nhau, giết hại nhau, nay hãy họp đàn lại, đùm bọc nhau, chữa cho nhau những vết thương lòng còn rỉ máu, hòa thuận tin yêu nhau sống dưới đôi cánh ấm áp vĩ đại của bà mẹ Tổ quốc Việt nam thân yêu đời đời... "
Viết xong ở Paris (Pháp) tháng 6, 1998.
Sửa chữa, bổ xung ở Vancouver (Canada) tháng 9, 1998.
PHụ LụC
Lá THƯ VIếT TAY GửI ÔNG LÊ KHả PHIÊU
Dưới đây là lá thư tác giả viết tay gửi cho ông Lê Khả Phiêu từ đầu năm 1997, khi đã có dự định cử ông Lê Khả Phiêu thay thế ông Đỗ Mười làm Tổng bí thư đảng cộng sản Việt nam, nhân vật số một của chế độ cầm quyền.
Tôi từng quen biết ông Phiêu, vì là cùng một lứa sĩ quan từ Trung tá lên Thượng tá, rồi Đại tá Quân đội Nhân dân. Tôi gặp ông nhiều lần trong các cuộc hội nghị quan trọng của Quân đội, cửa đảng cộng sản, khi ông là chủ nhiệm chính trị Quân đoàn 2 hồi 30 tháng 4 năm 1975 và sau đó là chủ nhiệm chính trị Quân tình nguyện Việt nam ở Cam Bốt từ đầu năm 1979...
Bức thư này đã được đưa tận tay ông phiêu tháng 5-1997. Tôi đặt hy vọng rất dè dặt ở kết quả. Vì cho đến nay, ông Tổng bí thư mới vẫn giữ giọng điệu cũ công thức và giáo điều trong các bài phát biểu, ông còn về thăm quê ở Đông Sơn, Thanh Hóa với vẻ quan cách lễ nghi rớm, kiểu vinh qui bái tổ, còn làm lễ ở đền Vua Lê (với ngụ ý khai sáng một triều đại tân Hậu Lê) và thăm Mộ Tổ Hùng Vương rất ồn ào ở Vĩnh Phú...
Cái tầm cỡ lớn của "vĩ nhân" này được một nhà báo hóm hỉnh ở Bắc Hà nhận xét là: mèo mù vớ cá rán! Câu chuyện ngụ ngôn của La Fontaine về con ếch phình bụng để bằng con bò có thể là bài học bổ ích.
Tôi gửi lá thư này chỉ là để yên tâm rằng đã gửi một tín hiệu thiện chí, đã chân tình góp ý và cảnh báo về tình hình sẽ xấu tê hại nếu không có một quyết định hệ trọng về chính trị theo hướng dân chủ hóa, hòa nhập mạnh bạo với thế giới văn minh.
Người lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản vẫn còn quyến luyến với bóng đen của quá khứ và chưa muốn xua tan những mây mù của thế kỷ còn đè nặng lên hiện tại và tương lai của đất nước.
Thêm nữa, vừa qua (giữa năm 1998) một số quan chức ở Ban Văn Hóa và Tư Tưởng của Trung ương đảng cộng sản cùng một số quan chức ở ngành công an đã dựa vào việc tôi gửi bức thư này cho ông Lê Khả Phiêu để tung tin xuyên tạc rằng: Bùi Tín hiện đang ở trong tình trạng bị đát, sức khỏe giảm sút, xa vợ con, không bạn bè, cuộc sống chật vật cô đơn tinh thần sa sút... nên đã tô ra hối hận, ngô ý xin về nước sống yên thân (!)...
Do sự xuyên tạc trên đây, tôi thấy cần công bố bức thư này trước công luận để đồng bào trong nước và ngoài nước hiểu rõ việc tôi làm với tinh thần lạc quan, nhất quán, tin tưởng vững chắc ở tương lai ra sao.
Paris 1-3-1997
Kính gửi Anh Lê Khả Phiêu
Hà Nội
Tôi từng biết và gặp anh ở Sài Gòn (30-4-75) khi anh ở Quân đoàn 2, và hồi 1979 và 1980 ở Nom Pênh.
Nay đối với anh, tôi ở xa, về nhiều mặt. Năm nay đang thay một thế hệ lãnh đạo. Cờ đang đến tay anh, với trách nhiệm rất nặng trước đất nước, nhân dân, trước đảng cộng sản.
Đời một người chỉ thoáng qua giữa cái vô tận. Để lại được gì tốt đẹp trong lòng dân? Tiếng thơm sẽ còn lại lâu bền.
Tình hình đến nay đã chín cho bước đi mạnh dạn, quả đoán, thực hiện những cải cách chính trị tiến kịp với những cải cách kinh tế, để đổi mới được toàn diện, đồng bộ, hài hòa, không vấp váp, đình. Càng quý những thành tựu vừa qua, càng cần thúc đẩy đổi mới thêm một bước, như dư luận anh chị em trí thức, nhà kinh doanh, tuổi trẻ... có tâm huyết và trí tuệ yêu cầu, như dư luận quốc tế chờ đợi
Tôi chắc anh đã nghĩ đến những điều ấy. Những vật cản ngáng trở đổi mới về chính trị đã giảm bớt. Lúc này chính là thời cơ để đề xướng và chủ động thực hiện. Rất mong anh chọn những trợ lý tốt, thành một nhóm đồng lòng thúc đẩy cải cách toàn diện theo cách riêng của Việt nam, từ đó thuyết phục rộng rãi cơ quan Nhà nước, đảng theo hướng tích Ta có thể đi sớm, đi nhanh hơn Trung Quốc về mặt này.
Tôi nghĩ rằng đã đến lúc anh gặp một số anh em trí thức ở miền Bắc và ở miền Nam từng có những ý kiến xây dựng theo hướng dân chủ hóa; kể cả những người từng bị tù hay hiện đang còn ở tù chỉ vì những kiến nghị dân chủ hóa; anh em trẻ, các nhà kinh doanh ngay thật, các cụ tuổi cao đã về hưu mà trí tuệ còn trẻ... đều có thể tạo nên những cảm hứng chính trị mới mẻ cho người lãnh đạo. Tôi tin rằng anh sẽ có thái độ lắng nghe, bình đẳng, cân nhắc những gì là đúng thì tiếp thu, làm cho tư duy chính trị thêm giàu có, sắc sảo, khỏe và trẻ.
Tôi tin tường chắc chắn rằng cả một khối người lương thiện, yêu nước mình, thương dân mình, am hiểu tình thế và thời đại sẽ lập tức đứng dậy sau lưng anh! Cả một đại khối người Việt ở nước ngoài sẽ biểu đồng tình. Cả thế giới sẽ hoan nghênh những hành động sáng suốt ấy? Tất cả đều chờ! Rất nhiều anh em trong đảng và ngoài đảng mong rằng sẽ có một phiên họp đặc biệt của trung ương đảng bàn về một số vấn đề lịch sử còn tồn đọng, mà những kết luận cũ đã tỏ ra lỗi thời: như về vụ Nhân Văn Giai Phẩm; "vụ án xét lại chống đảng làm gián điệp cho nước ngoài"; việc bỏ tù hàng trăm ngàn viên chức sĩ quan cũ ở miền Nam; sự kiện thuyền nhân bị thảm; việc thu vàng, buôn bãi, bán tàu với vô vàn nạn nhân thê thảm...
Anh đã biết rõ những kết luận chính thức cũ: đảng luôn đúng; tất cả những người trong các vụ việc ấy đều có tội nặng, đảng hết sức nhân đạo, công minh, không có gì phải xem xét lại... là khiên cưỡng, trái đạo lý và trái với sự thật đến thế nào! Nếu không thanh toán sòng phẳng những vấn đề quá khứ nặng nề thì không thể giải quyết đúng các vấn đề hiện tại, để mở đường cho tương lai sáng rõ.
Mong anh sẽ là người đứng ra triệu tập một cuộc họp trung ương đảng như thế - một cuộc họp Quốc hội đặc biệt sẽ tiếp theo để mở rộng đồng thuận. Sinh lực của đất nước này, của nhân dân này vốn trọng chính nghĩa, công bằng, bao dung sẽ bật dậy! Tôi hình dung sẽ như là khí thế của Cách mạng tháng 8 hơn nửa thế kỷ trước!
Anh đã góp phần lãnh đạo đất nước đổi mới về kinh tế, bước đầu đổi mới nền hành chính, cải tiến quân đội, đấu tranh chống tham nhũng, xây dựng luật pháp... nay đất nước cần đổi mới tiếp theo cho sâu sắc hơn nhằm thúc đẩy đà phát triển với tốc độ cao và chất lượng cao hơn; mong rằng anh không phụ lòng ao ước và mong đợi của nhiều lớp người đặt ở nơi anh.
Tôi vẫn sống ở Pháp. Nhớ gia đình, nhớ quê hương khôn xiết. Tôi rất tự hào về những việc đã làm hơn sáu năm nay vì cảm thấy nó có ích phần nào cho đất nước. Đời sống riêng khó khăn nơi đất người, nhưng lương tâm tôi thanh thản. Tôi không hề có tham vọng cá nhân nào. Danh lợi tôi không màng. Tôi đã thất thập cổ lai hy. Sức lại yếu. Tôi chỉ mong sẽ góp phần làm một tờ báo tư nhân thật trung thực - một tờ báo tự do của công dân, rất cần cho đất nước để hình thành công luận, góp phần xây dựng xã hội có luật pháp.
Tôi luôn sẵn sàng góp ý kiến với các anh trên tinh thần xây dựng. Tôi cũng có thể là gạch nối để cải thiện quan hệ giữa Nhà nước ta với Hoa Kỳ, các nước phương Tây, và với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, mà tôi có một số quan hệ tốt. (Vài ngày nữa tôi đi Chicago dự cuộc họp tổng kết về Chiến tranh Việt nam, theo lời mời của Lầu Năm Góc và Viện Hải quân Hoa Kỳ). Tôi cũng quen khá thân với một số thượng nghị sĩ trong ủy ban Châu á Thái Bình Dương của Quốc hội Hoa Kỳ.
Tôi rất mong nhận được hồi âm của anh. Tôi sẵn sàng giữ liên hệ với anh qua thư, điện thoại, fax, qua những anh em làm việc ở chỗ anh. Tôi hy vọng anh hiểu đây là những suy nghĩ tâm huyết của tôi. Tôi vẫn tin rằng trong đảng cộng sản không thiếu những người không chạy theo bả phú quý giàu sang, thật lòng yêu nước thương dân, mong mỏi nước ta sớm hòa nhập thật sự với thế giới hiện đại, mà dân chủ là một giá trị lớn lao. Chắc anh hiểu rõ hơn hết là vấn đề nhân quyền, thái độ khe khắt với các tôn giáo, tù chính trị... đang là cản trở nguy hiểm cho sự hòa nhập. Tự sự lãnh đạo của đất nước mình nhìn xa trông rộng mới cất bỏ được sự cản trở ấy. Đó là hạnh phúc của dân tộc đã tìm lại thấy mình, một Việt nam ruột thịt, độc lập tự do, hãnh diện nhập chung hàng ngũ các dân tộc tự do của thế giới đang tiến tới thế kỷ 21.
Gửi anh lời chào tin cậy.
Bạn chiến đấu cũ,
Bùi Tín
Điện thoại và fax:
(0) 1.48367598
1 Guilletat 93120 La Courneuve
(Pháp)
______________________________________________
Phụ lục 1: (Do bạn đọc bổ xung)
Bức Thư của Đại Tá CSVN Nguyễn Trần Thiết
Đại tá: NGUYễN TRầN THIếT
NHà BáO - NHà VĂN
25A Phan Đình Phùng
Ngày 22 tháng 8 năm 1997
ĐT:280048
Kính gửi: Thủ Trưởng Tổng Cục Chính Trị
Sau ba tháng vào TP HCM, khi trở ra Hà Nội tôi được các bạn đồng nghiệp trao cho tập tài liệu kèm theo đây để phân tích. Tôi đọc tới lần thứ ba mới bầy tỏ chính kiến: đây là chuyện thật.
Tôi không rõ thủ trưởng TCCT [tức Tổng Cục Chính Trị] đã biết việc này chưa và đã có biện pháp ngăn chặn không cho chuyện tương tự xảy ra chưa, nên xin phát biểu ý kiến riêng.
Cách đây 3 hoặc 4 năm, Thư Viện Quân Đội giao cho tôi 4 tập "Đường Thời Đại " đề nghị tôi đọc và có tham luận trong hội thảo. Tôi nhận lời. Là người cầm bút, tôi rất trân trọng các tác giả. Tôi nghe kể nhiều huyền thoại về Đặng Đình Loan. Từ cán sự 3 hoặc 4 gì đó đã ra khỏi biên chế, Loan đã làm cách nào lọt vào các hội nghị tổng kết quân sự cấp chiến lược; Loan được nhiều cấp trung tướng, thượng tướng, đại tướng tiếp và đến thăm nhà; Loan đã xoay cách nào để có trên 300 triệu tài trợ để xuất bản "Đường Thời Đại ". Loan sắp phục hồi Đảng tịch, được nâng lên cấp chuyên viên 8; Loan rất giàu.
Tôi không quan tâm đến chuyện ngoài lề. Không cần vắt óc suy nghĩ, chỉ cần ngồi chép được 2000 trang đã đáng phục rồi. Tôi đọc "Đường Thời Đại ", là người trong cuộc, đã có nhiều tài liệu viết về đề tài chiến tranh, tôi nhận ra ngay nhược điểm không có gì bù đắp nổi của tác giả "Đường Thời Đại ": Đó là anh thiếu vốn sống, không có mặt ở chiến trường, trình độ khái quát yếu, lại tham vọng vươn quá cao. Tôi từ chối đọc tham luận vì mình khen lấy lệ sẽ không thật lòng; nếu mình chê sẽ không hợp ý Ban Tổ Chức và tác giả.
Gần đây tôi được thông tin là Loan đã xin tài trợ thêm được 900 triệu, được phục hồi Đảng; được nhận lương chuyên viên 9, tôi thoáng ngạc nhiên vì Loan chưa phải hội viên Hội Nhà Văn sao lại được ưu ái quá mức như vậy ? Hôm nay đọc tài liệu này, tôi mới rõ chân tướng của Đặng Đình Loan. Loan là kẻ đầu cơ chính trị, buôn chính trị. Loan hồ đồ, chủ quan, suy diễn những việc xảy ra theo sự hiểu biết hời hợt của mình. Tôi trách Loan một phần, nhưng trách Tỉnh ửy Thừa Thiên - Huế hai lần. Nếu lãnh đạo tỉnh không bật đèn xanh, không cho phép, làm sao Đặng Đình Loan có diễn đàn ? Có lẽ Loan là người đầu tiên của nước ta phê phán anh Giáp ở Điện Biên Phủ. Tôi là phóng viên của báo QĐND [tức Quân Đội Nhân Dân] ở Điện Biên Phủ, sống cạnh lán anh Giáp và trong suốt chiến dịch tôi không một lần gặp anh Nguyễn Chí Thanh, tại sao Đặng Định Loan dám đổi trắng thay đen khi mọi nhân chứng còn sống ? Nghị quyết 15 do ai soạn thảo đã có kết luận của Trung Ương, sao Loan còn dám nói ngược lại mà các thính giả - đặc biệt là các đồng chí có chức có quyền trong tỉnh ủy - không phản ứng lại ?
Tôi không đi vào tranh luận từng điểm với Loan vì khi người nói có động cơ không trong sáng với dụng ý bóp méo, xuyên tạc lịch sử theo nhận thức chủ quan của mình thì nội dung sẽ rất sai lệch. Tôi giật mình vì những nội dung cuối trang 3, đầu trang 4. Tại sao chuyện cung đình lớn như vậy, hệ trọng như vậy mà Loan dám đưa ra công khai phê phán ? Tôi hoàn toàn không tin anh Võ Văn Kiệt đánh giá anh Giáp là con số không, và chả có cơ sở nào để tin rằng việc Bộ Chính Trị không đồng ý anh Giáp là chủ tịch danh dự Hội Cựu Chiến Binh. Việc đồng chí Lê Đức Anh đưa ra lời khuyên Loan "nên đứng lơ lững có lợi hơn " là đúng hay sai sự thật? Tại sao anh Anh có quan hệ quá mật thiết với Loan như vậy? Phải chăng Loan dụng ý tô vẽ cho mình trong mọi cơ hội?
Dựa vào những ý kiến phân tích trên đây, tôi đề nghị:
1/ Tổng Cục Chính Trị ra thông báo không công nhận nội dung buổi nói chuyện của Đặng Đình Loan. Phê phán những người tổ chức cho Loan nói chuyện là sai nguyên tắc.
2/ Rà xét lại và thu hồi những quyền lợi Đặng Đình Loan hưởng bất hợp pháp như:
a/ Thu hồi toàn bộ tiền trợ cấp sáng tác cho Loan
b/ Xóa tên Đặng Đình Loan trong danh sách Đảng viên.
c/ Nếu thực sự đã có quyết định đề bạt Loan lên chuyên viên cấp 9 (hay chuyên viên 7, 8), ta nên thu hồi lại, trả Loan về vị trí xuất phát của anh ta.
d/ Tịch thu những tài sản bất minh của Đặng Đình Loan.
đ/ Cảnh cáo những người tổ chức nói chuyện.
Với trách nhiệm của Đảng Viên là Nhà Văn, tôi xin phản ảnh để thủ trưởng TCCT tường và có cách xử lý thích đáng
Kính
(ký tên)
Nguyễn Trần Thiết
**********
(Tài liệu 2, nguyên văn)
Bản Tường Trình
Về Việc Đặng Đình Loan Tổ Chức Nói Chuyện Với Một Số Cán Bộ Nhằm Đả Kích Một Số Đồng Chí Nguyên Là ủy Viên Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Một số tư liệu về Đặng Đình Loan:
Đặng Đình Loan sinh năm 1943 tại Phong Điền (Thừa Thiên - Huế). Trước 1966 là sinh viên Đại Học Tổng Hợp Văn ở Hà Nội. Năm 1966 vào làm phóng viên thông tấn xã ở Quân Khu Trị Thiên. Đã có vợ và 2 con ở Phong Điền, sau đó bỏ vợ con ra Hà Nội lấy vợ khác (cô Linh - bác sĩ, vợ liệt sĩ đã có 1 con gái với chồng liệt sĩ). Năm 1974, bị ốm ra điều trị ở Hà Nội (có tin khác là đào ngũ ra Hà Nội), bị khai trừ ra khỏi Đảng từ năm 1974 (theo cung cấp của một số cán bộ quen biết). Cũng có tin là tự ý bỏ sinh hoạt Đảng.
Nhưng lại có người có chức, có quyền (?) 1989 không biết vì động cơ gì đã tìm cách phục hồi đảng tịch cho Loan (dù đã bị khai trừ hoặc bỏ sinh hoạt Đảng hơn 20 năm rồi mà lại được phục hồi Đảng tịch là một việc làm sai nguyên tắc về Đảng - cần phải xem xét lại). Đã bằng nhiều cách thu nhập rất nhiều tư liệu của địch (miền Nam) và cả Bộ Quốc Phòng.
Từ một nhà báo không tên tuổi, mới viết mấy tập "Đường thời đại" mà đã tự phong mình ngang hàng với Tolstoi (Liên Xô) viết Chiến Tranh và Hoà Bình.
Chỉ một thời gian ngắn không biết từ nguồn tiền nào đã xây được một nhà 5 tầng ở Hồ Tây (Hà Nội).
Theo các nguồn tin chính xác:
Năm 1994, một lần tại Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) Loan cũng đã đả kích Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Và năm 1995, một lần nói chuyện ở Huế với nội dung như trên... có thể có nhiều buổi nói chuyện khác nữa với cá nhân và tập thể.
Cụ thể buổi nói chuyện của Loan ngày 20/11/1996 tại khách sạn Thắng Lợi số 10B đường Nguyễn Huệ (Huế).
Thời gian từ 8 giờ 30 đến 11 giờ 30 ngày 20/11/1996.
Danh sách mời dự kiến 16 đi 12 cán bộ (có danh sách cụ thể) Loan có nhờ một phó giám đốc công an tỉnh đi mời người.
Vào đề Loan nói: "Tôi vào Huế công tác để thăm các bác và để viết tiếp chiến tranh cục bộ. Hôm nay, nói chuyện có tính chất tâm tình. Trước khi vào có báo cáo anh Thắng (1) và các anh trong Thường Vụ Tỉnh ủy nhất trí cho nói chuyện."
Loan hỏi Thuyên (nguyên cán bộ thông tấn xã, bạn quen của Loan) là đã kiểm tra có ai gài máy ghi âm không, Thuyên trả lời "có kiểm tra rồi " không có gì.
Loan nói tiếp: "ý anh Mãn (Phó Bí Thư Tỉnh ủy) là nên tổ chức buổi nói chuyện này tại văn phòng Tỉnh ủy hoặc nhà khách của Tỉnh ủy. Anh Mãn nói không đồng tình nói chuyện ở khách sạn Thắng Lợi đâu ".
Đề nghị cho gọi bằng "anh" cho thân mật. "Các anh cứ nêu, có gì thì thằng em xin nói", lời Loan.
"Tôi là người viết sử nên tôi nói về sử kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cuộc kháng chiến thắng lợi là công của tập thể nhưng có nhiều người muốn ôm thành tích vào mình."
Ông Giáp:
Trong lịch sử thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Bác Hồ không giao cho ông Giáp mà giao cho ông Phùng Chí Kiên. Nhưng ông Giáp lại nói Bác Hồ giao cho ông ấy. Bác Hồ không giao, nhưng sau đó ông Giáp xu nịnh Bác nên Bác giao cho ông Giáp làm Bộ Trưởng Quốc Phòng. Ta quá ngây thơ chứ những tay chuyên gia Trung Quốc sang giúp ta cũng công nhận như vậy.
Chiến dịch biên giới ông Giáp không chỉ huy.
Chiến dịch Điện Biên Phủ ông Giáp nhát gan nằm suốt trong hầm, ông Giáp phạm sai lầm cho kéo pháo vào, rồi kéo pháo ra. Mà chỉ huy Điện Biên Phủ là đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thái, sau thắng lợi Điện Biên Phủ ông Giáp giành thắng lợi về mình.
Sai lầm năm 1958 của ông Giáp là giải giáp 8 vạn quân.
Khi ra Bắc, ý đồng chí Duẩn là số quân miền Nam ra Bắc tập kết phải giữ lại để đưa trở lại vào Nam. Nhưng ông Giáp cho 2 vạn quân ra nông trường. Khi ông Duẩn ra Bắc rất tức. Do vậy khi miền Nam và Trị Thiên cần thì không có quân.
Nghị Quyết 15:
Ông Giáp vỗ ngực tham gia biên tập nhưng thực chất ông Giáp không biết gì. Khi đồng chí Lê Duẩn ra Bắc đề xuất người viết là ông Duẩn chứ ông Giáp không biết gì.
Ai cũng phạm sai lầm, kể cả Bác Hồ trong cải cách ruộng đất để nội bộ đánh nhau tan tác, nhưng Bác Hồ biết sai và sửa. Nhưng đằng này họ thấy sai mà không chịu sửa.
Ông Trường Chinh thân Trung Quốc, bệ nguyên xi trường kỳ kháng chiến của Trung Quốc về Việt Nam làm sai mẹ. Kể cả cải cách ruộng đất. Sau thất bại dân không tin.
Chuyện 10 tướng tài của thế giới mà Hoàng gia Anh phong tặng ông Giáp làm gì có, mà do một nhà báo nước ngoài đưa tin rồi báo ta đưa tiếp thế thôi.
Tết Mậu Thân:
Cuối năm 1963 và đầu năm 1964 ta dự kiến sẽ đánh lớn. Người chỉ đạo là đồng chí Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thái. Người viết là thiếu tướng Vũ Quang Hồ. Nhưng tại sao ta không làm vì Mỹ mở chiến tranh cục bộ. Vì vậy, kế hoạch đó bỏ vào tủ sắt.
Năm 1967 chiến tranh lên đến tột đỉnh. Ta biết rằng Mỹ đã đuối sức. Vì vậy, ta thực hiện kế hoạch Tết Mậu Thân 1968 (theo dự thảo năm 1963, 1964). Thời kỳ đó ông Giáp nghỉ ở Mát-cơ-va gặp Khơ-Rút-Xốp thì làm gì có Giáp chỉ huy. Các điện ký đều do đồng chí Ba Duẩn ký, và Hoàng Văn Thái. Sau đó mới mọc thêm chữ Văn ra trước.
Tết Mậu Thân ta tập kích rồi rút chứ không giữ. Nhưng vì sai lầm của ông Giáp là trụ lại nên để mất đất, mất dân. Và sau Mậu Thân, Giáp mới bay về. Giáp rất sợ nguyên tử nên tránh qua Liên Xô, sau đó biết Mỹ không có khả năng sử dụng hạt nhân nên Giáp mới về.
Chiến thắng 1975:
Sau hiệp định Pari (1975) Lê Duẩn giao cho Bộ Tổng Tham Mưu chuẩn bị kế hoạch. Ông Giáp đề xuất kế hoạch 4 năm (1975 - 1979) ông Giáp chỉ đạo cho Hoàng Văn Thái làm, triển khai thông qua tại Đồ Sơn, ông Duẩn bảo: "Nếu 4 năm thì đừng có đánh nữa " nên không quyết định, sau đó ông Duẩn chỉ đạo ông Thái viết kế hoạch 1975 - 1976. Trong cuộc họp đó không có ông Giáp. Nhưng đến chiến thắng 1975 thì Giáp ôm thành tích về mình.
Suốt cả quá trình chống Mỹ, Giáp chỉ đạo bè lũ Đặng Kim Giang chống Đảng. Giáp thân Liên Xô, cung cấp tài liệu cho Liên Xô.
Bác Hồ dặn mọi việc không cho ông Giáp biết nên các cuộc họp Bộ Chính Trị chỉ có: ông Đồng, ông Duẩn, Trường Chinh và Bác Hồ (Loan đã nêu một ví dụ rất láo xược. Nó ví: Bác Hồ như Lê Lợi, còn Lê Duẩn như Nguyễn Trãi).
Loan nói: "Tại sao thời kỳ đó ta không loại Giáp. Vì đó là vấn đề sách lược. Giáp thân Liên Xô, để Giáp lại, Liên Xô mới chi viện cho ta, nếu loại ra Liên Xô sẽ cắt viện trợ.
- Đến thời điểm Đại hội Đảng lần thứ 5, ta kiên quyết loại Giáp ra khỏi Trung Ương. Nhưng có một thế lực bảo vệ cho ông Giáp là Học Viện Quân Sự (ông Thảo, ông Trà kết bè với nhau bảo vệ cho được ông Giáp).
Ông Lê Đức Thọ kiên quyết loại bỏ ông Giáp, Thọ báo cáo với ông Duẩn: "Để tôi loại bỏ Giáp ra cho rồi ". Nhưng ông Duẩn không đồng ý: "Làm như thế là tồi tệ ".
Khi đó ông Chinh cũng chống ông Giáp. Đến khi ông Duẩn ốm nặng. Ông Thọ muốn ông Duẩn giao Tổng Bí Thư cho mình. Ông Duẩn không đồng ý nên Thọ bất mãn và cấu kết với ông Giáp. Ông Duẩn cũng không muốn giao cho ông Chinh nên ông Chinh cũng bất mãn cấu kết với ông Giáp.
Vì vậy, vụ án Đặng Kim Giang cứ kéo dài mãi vì có thế lực bảo vệ cho nó, ông Duẩn muốn giao Tổng Bí Thư cho ông Nguyễn Văn Linh nhưng ông này hữu khuynh. Khi ông Linh mới lên làm có mặt tích cực, nhưng vì có cái đám tiêu cực trên, nên ông Linh cũng không làm gì được. Cuối cùng ông Linh cùng vô một phe với ông Giáp, Chinh và Thọ.
Các đồng chí có nhớ không, Đại Hội 6 định đưa Trần Xuân Bách lên làm Tổng Bí Thư và nhóm Giáp, Thọ, Linh định đưa ông Giáp lên làm Tổng Bí Thư Đảng. Phát hiện vấn đề này, đồng chí Lê Đức Anh kiên quyết chống, nên nhiệm vụ đồng chí Anh rất nặng nề. Đồng chí Anh là trung tâm điều hòa nên hiện nay bị đau là điều đáng lo.
Đối với cựu chiến binh tại sao tôi phải nói chuyện này. Vì CCB (kể cả cán bộ cao cấp) từ trước đến nay đều ngộ nhận ông Giáp.
Chính tôi đã gặp ông Kiệt, ông Kiệt đánh giá ông Giáp là con số 0.
Cựu chiến binh đã xác nhận, chúng ta có nhiệm vụ làm rõ để con cháu ta khỏi ngộ nhận tập đoàn Thọ, Linh, Giáp cấu kết với nhau, phải làm rõ để thấy.
Lúc đầu Bộ Chính Trị định đưa đồng chí Lê Quang Đạo qua làm chủ tịch CCB. Nhưng vì MTTQ cần nên qua làm Chủ tịch MTTQ. Sau đó, Bộ Chính Trị định đưa ông Đồng Sĩ Nguyên làm Chủ tịch Hội CCBVN, vì ông Nguyên cũng chống ông Giáp. Nhưng Tổng Cục Chính Trị nói là: Ông Nguyên không được tín nhiệm trong CCB. Sau đó mới đưa ông Trần Văn Quang vì ông Quang thời kỳ Điện Biên Phủ làm cục trưởng cục tác chiến biết ông Giáp nhát gan nên cũng sẽ đấu tranh chống ông Giáp. Tiếc thay ông Quang lại đưa ông Giáp làm Chủ tịch danh dự Hội CCBVN. Vấn đề này Bộ Chính Trị không đồng ý.
Loan nói: "Ông Linh cho thành lập Hội CCB là vội vàng".
Loan nói: "Năm nay tôi đã 53 tuổi, có chết cũng không sợ. Các anh cóc sợ gì nữa, phải đấu tranh với các sai trái".
Loan còn nói: "Tôi 53 tuổi, họ định bầu tôi làm Chủ tịch Hội liên lạc Quốc tế, nhưng đồng chí Anh nói tôi nên đứng lơ lửng có lợi hơn".
Tuy thế, Hội Nghị Quốc Tế Pháp, Mỹ, Loan đều có tham gia. Bộ Chính Trị giao cho Loan gặp cựu chiến binh Mỹ.
- Các đồng chí nên nhớ gần đây Bùi Tín đã gửi thư về cho nhóm này (Giáp, Linh, Quang...) là một ngày gần đây Tín sẽ về gặp lại nhóm này.
Loan còn kể thêm vụ đoàn du lịch Anh, Pháp, Mỹ, Nhật gần 40 người nhảy dù du lịch xuống Hòa Bình. Sau đó Bộ Chính Trị mới biết, một số cán bộ cao cấp bị cách chức.
(Một số tư liệu trên do đ/c T.L.C. trực tiếp cung cấp).
(Hồi 8 giờ ngày 26/12/1996 và 14 giờ ngày 28/12/1996 cho Thường vụ Tỉnh Hội Cựu Chiến Binh).
Sau khi phát hiện nội dung nói chuyện trên của Loan, có nhiều điều nguy hại đến an ninh quốc gia. Bằng nhiều nguồn khác nhau, đã báo cáo ra Thường Trực Bộ Chính Trị do một số đồng chí có tâm huyết đã trực tiếp kiến nghị:
1- Bộ Chính Trị rà soát lại đội ngũ cán bộ cao cấp quân đội và kể cả các cơ quan chức năng cao cấp, tại sao những nguồn tin tày đình này mà Loan nắm được. Những tin tức đó dù sai hay đúng chưa rõ. Tại sao Loan lại biết. Loan vỗ ngực là chuyên viên cao cấp của TCCT. Đề nghị Thường vụ Quân ủy Trung ương kiểm tra lại cho rõ.
2- Đề nghị Bộ Chính Trị trả lời cho biết: Đảng ta có đưa một đồng chí ra cân bằng các thế lực trong Đảng không?
3- Kiểm tra Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tại sao cho Loan nói chuyện đó ? Tại sao không phản ánh ra Bộ Chính Trị. Có ý đồ gì không?
4- Kiểm tra ai cho phép nó đi nói chuyện như vậy ? Báo cáo Bộ như thế nào?
5- Anh em CCB nghe nói phản ứng rất gay gắt, Thường trực Bộ Chính Trị cho hướng giải quyết ra sao ?
Trong buổi tọa đàm ngày 25-12-1996, anh Bảy cung cấp cho một số ý kiến của Loan khi nó tìm gặp anh:
Cung cấp thêm chi tiết việc dưới gậy chỉ huy của V.F.T. thúc ép các cơ quan Đảng phục hồi Đảng tịch cho Loan. 17giờ 30 ngày 20/12 Loan có gặp anh Bảy tại nhà riêng. Nó nói: "Tại sao em có nhờ Bạch Hiền (Phó giám đốc Công an Tỉnh) mời anh đi nghe mà anh không đi. Anh Mãn nói ở khách sạn Thắng Lợi không đảm bảo bí mật. 7giờ ngày 23/12 Loan lại đến gặp anh Bảy, hôm 20/12 nói thòm thèm quá nên có nhiều anh mời nói thêm. Nếu anh cần nghe cứ phôn cho anh Thi, anh Mãn, tôi sẽ ở lại nói cho các anh nghe. Loan nói: "Nó có gặp Trung ương và đề nghị đưa số trí thức vào Trung ương như Lê Mai, Nguyễn Đình Tứ. Nên thay bộ mặt Bộ Chính Trị bằng số không tham gia kháng chiến. Nó nói 40 tên du lịch nhảy dù ở Hòa Bình. Bộ Nội vụ bây giờ bê bối lắm. Trước tiên là ông Kiệt. Nó tự xưng là cán bộ biệt phái: còn làm gì, ở cơ quan nào thì không nói, xe ô tô số 80C khi nó nói tự sắm, khi thì nói của cơ quan đặc biệt cho nó đi. (4, 5 chữ trong tài liệu không đọc được)..... cử đi tiếp trợ lý Ngoại trưởng Mỹ và nó vào Tổng cục Chính trị lâý 4 văn công cùng đi tiếp khách với nó.
***
Sau buổi nói chuyện của Loan có tổ chức ăn tiệc ở khách sạn Thắng Lợi (có 12 người dự). Sau khi ăn xong Loan nói: "Nếu Tỉnh không thanh toán thì nó sẽ trả, có tin khá chính xác buổi tiệc đó chi phí hết 5.100.000 đ do cơ quan tỉnh ủy thanh toán.
Thái độ của số cán bộ được Loan mời nghe và phản ứng của cựu chiến binh:
- Tổng số trực tiếp nghe hôm 20/11/1996 có 12 cán bộ. Xong buổi nói chuyện của Loan không có ai công khai phản đối.
- Sau khi về có nhiều phản ứng khác nhau:
- Một số ít im lặng để theo dõi nó nói gì và sau đó ít nhất có 2 đ/c đã trực tiếp báo cáo với các cơ quan chức năng theo dõi điều tra nghiên cứu. Một số bảo cái thằng đó nói bậy nên ngồi đó nhưng không thèm nghe tiếp.
- Tâm (Điệm) nguyên là cán bộ tổ chức của tỉnh ủy, người đã xác nhận để Loan phục hồi đảng tịch nói: "Hắn nói đúng nơi, chuyện lịch sử có như vậy, nó nói có tổ chức. Thường vụ Tỉnh ủy biết chứ không phải thằng tào lao. Loan chắc nó làm chuyên viên cho các đ/c cao cấp chứ làm gì nó dám nói. Loan nó có quyền lực và thế lực. Ta phải tìm cách để bảo vệ nó ".
Có người đã nói: "Mãi lúc này mình không biết nên vẫn treo ảnh chụp chung với ông Giáp ". Có người đã gọi: "Thằng Giáp " (Phẩm).
- Một số đông anh em CCB được tin Loan nói bậy rất ức bảo rằng: "Nếu thằng Loan vác mặt về Huế nữa sẽ đánh gãy chân ".
Đảng đoàn cựu chiến binh Tỉnh đã gửi kiến nghị lên Tỉnh ủy yêu cầu kiểm tra việc này.
__________________
(1) Vũ Thắng, Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, Đại hội Đảng 8, Thắng bị thay thế.
______________________________________________