"Nguyên nhân sâu xa và tính chất bao trùm cửa chiến tranh Mỹ-Việt là sự đối đầu của hai hệ thống thế giới: phe xã hội chủ nghĩa hiện thục và phe tư bản chủ nghĩa."
Chế độ độc đoán mà chiến tranh làm tăng thêm tính chất bịt kín, khép chặt, không có tự do báo chí, không có tranh luận trong quốc hội. Hỏi: Quan hệ Mỹ-Việt từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đã diễn biến như thế nào?
Trả lời: Tôi gặp mấy người Mỹ đầu tiên ở Hà Nội cuối tháng 8.1945, từ chiến khu Việt Bắc xuống. Đó là Pét-ti (A. Patti), Thô-mátx (Thomas)... trong nhóm sĩ quan tình báo quân sự. Họ chung vui với chúng tôi những ngày Cách mạng tháng Tám trong chi đoàn Việt-Mỹ do ông Quang Trung chỉ huy. Sau này ông Quang Trung, người Tày, lên tới cấp thượng tướng trong Quân đội Nhân dân Việt nam. Ông mất năm 1994.
Chính một số sĩ quan Mỹ ấy đã huấn luyện cho chi đoàn của tôi về bắn súng, ném lựu đạn... Chúng tôi tự coi là trong phe đồng minh, chống phát xít Đức ý-Nhật.
Cuối 1946, chiến tranh Việt-Pháp nổ ra. Chính phủ Pháp muốn khôi phục hệ thống thuộc địa cũ. Chính phủ Mỹ đã ủng hộ người Pháp.
Năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ đưa đến Hiệp định Giơ-ne-vơ (Geneve). Đất nước chia làm hai miền. Tổng tuyển cử dự định vào tháng 7.1956 không diễn ra. Chính quyền ở miền Nam do người Pháp dựng lên và yểm trợ, được Hoa Kỳ công nhận và tiếp sức theo chiến lược ngăn chặn cộng sản của chiến tranh lạnh...
Từ năm 1964, Hoa Kỳ đưa quân chiến đấu vào miền Nam và dùng không quân đánh phá miền Bắc Việt nam. Chiến tranh mở rộng ra cả nước Việt nam.
Từ đầu năm 1968, Mỹ chủ trương phi Mỹ hoá, "Việt nam hoá chiến tranh", rút chân dần ra khỏi cuộc chiến ở miền Nam Việt nam. Tháng 1.1978, Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt nam được ký kết. Mỹ rút hết quân. Tù binh hai bên được trao trả.
Nhưng chiến tranh vẫn tiếp diễn. Ngày 30.4.1975, cuộc tổng tiến công của Quân đội nhân dân Việt nam kết thúc, cả nước Việt nam thống nhất dưới chính quyền của đảng cộng sản.
Cuối năm 1978, Việt nam tiến công quân Khơ-me đỏ ở Căm-pu-chia. Quân đội nhân dân Việt nam chiếm Căm-pu-chia gần mười năm, bị phương Tây và các nước Đông - Nam á... cấm vận.
Tháng 7.1995, quan hệ hai nước Việt nam và Hoa Kỳ được bình thường hóa, rồi từ đó được mở rộng, phát triển dần trên nhiều mặt: thương mại, đầu tư tài chính, văn hóa, giáo dục, du lịch, ngoại giao, quân sự...
Theo tôi, các mối quan hệ Việt-Mỹ được cải thiện chậm, chưa đáp ứng được mong muốn của nhân dân hai nước. Nguyên nhân có lẽ là cuộc chiến tranh lâu dài, ác liệt đã để lại những vết thương sâu, chưa hoàn toàn thành sẹo cho cả hai bên. Nhưng nguyên nhân chính, theo tôi là vì những người lãnh đạo đảng cộng sản ở Hà Nội chưa có quan điểm đổi mới toàn diện, sâu sắc và nhất quán. Họ còn bị ý thức hệ cũ ràng buộc quá nặng. Họ nói: giở sang trang mới trong quan hệ với Hoa Kỳ, cho vào quá khứ những năm tháng chiến tranh, coi Hoa Kỳ là bạn v v.. Thế nhưng, trên thực tế, trong nội bộ đảng họ, họ vẫn cho "Mỹ vừa là bạn, vừa là thù", "vẫn còn phải cảnh giác với chính quyền Clin-tơn", nguy cơ "diễn biến hòa bình", nhằm lật đổ chế đổ hiện nay là đến từ phía Mỹ; chính quyền Mỹ đòi hỏi tôn trọng nhân quyền ở Việt nam, tự do cho tù chính trị ở Việt nam "can thiệp thô bạo vào tình hình nội bộ và chủ quyền của Việt nam"? Chính quyền cộng sản còn "tịch thu", chưa trả lại cho xã hội Việt nam quyền tự do và dân chủ là trở ngại chính cho quan hệ Việt-Mỹ.
Ngoại trường Mỹ Oa-ren Crít-xtốp-phơ (Warren Christopher), trong buổi nói chuyện với sinh viên Việt nam tại Hà Nội ngày 6.8.1995 ở câu lạc bộ Quốc tế, đã cho biết vài nét lý thú trong quan hệ Việt Mỹ:
Từ năm 1787, Thô-mátx Gie-phe-sơn (Thomas Jefferson), một nhà chính trị đấu tranh cho tự do và cũng là nhà khoa học kiệt xuất Mỹ, đã mang mẫu giống lúa Việt nam về trồng ở trang trại của ông ở bang Vớc-gi-ni-a (Virginia). Mười năm năm sau, khi Gie-phe-sơn trở thành tổng thống Hoa Kỳ, chiếc tàu buôn của Mỹ đầu tiên đã cập bến Việt nam...
Gần một trăm năm mươi năm sau, năm 1945, lời nói của Thô-mátx Gie-phe-sơn rằng "Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng..." lại được vang bên trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt nam (tháng 9.1945).
Chiến tranh Mỹ-Việt bắt nguồn từ đâu?
Đây là vấn đề tôi đã suy nghĩ kỹ đến từ mươi năm nay, về quan hệ Việt-Mỹ.
Mới đầu, tôi cho là vấn đề rất giản đơn, như cuộc chiến tranh Pháp-Việt trước đó. Đây là cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc của chúng tôi. Trong lịch sử nước Mỹ, các bạn cũng có cuộc chiến tranh giành độc lập. Càng về sau, nhất là gần đây, được nghe và đọc nhiều, tôi thấy quả thật đây là vấn đề phức tạp, rất phức tạp.
Các cuộc chiến tranh, tùy nơi, tùy lúc, tùy động cơ, điều kiện lịch sử cụ thể, mang tính chất khác nhau: chiến tranh đúng/sai, chính nghĩa/phi nghĩa, bảo vệ tổ quốc/xâm lược, nóng/1ạnh, xâm chiếm đất đai, ý thức hệ, dân tộc, tôn giáo, giai cấp, thiêng liêng thần thánh/sai lầm bẩn thỉu...
Khi còn trẻ, là binh sĩ và là sĩ quan sơ cấp, tôi cho chiến tranh mà chúng tôi thực hiện là đúng, là chính nghĩa, vì nó nhằm giành và bảo vệ nền độc lập, chống xâm lược, chống sự chiếm đóng của quân đội nước ngoài trên đất nước tôi. Đơn giản, rõ ràng!
Về sau, là người cộng sản, được giáo dục tuyên truyền của đảng cộng sản, tôi thấy đấy còn là cuộc chiến tranh để bảo vệ cả phe xã hội chủ nghĩa, chống lại "sự xâm lược của phe đế quốc" do Mỹ cầm đầu. Chúng tôi được giáo dục để coi phe xã hội chủ nghĩa, gồm Liên Xô, Trung Quốc, các nước Đông Âu, cộng với Bắc Triều Tiên, Cu-ba và về sau cả Ê-ti-ô-pi (Ethiopia), Ni-ca-ra-goa (Nicaragoa), Ăng-gô-la (Angola)... là Tổ quốc lớn của những người vô sản chúng tôi. Cao hơn nữa, chúng tôi coi đây là sứ mệnh của giai cấp vô sản quốc tế nhằm giải phóng tất cả các dân tộc và các giai cấp trên thế giới khỏi ách áp bức, bất công, xâm lược. Vì thế, chúng tôi tự hào, hăng say chiến đấu... Tôi đang cầm súng, đứng trên tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa, của nhân loại tiến bộ, vừa làm nhiệm vụ quốc gia, vừa làm nghĩa vụ quốc tế.
Nhưng đến nay, tôi đã nghĩ khác trước!
Từ bao giờ, quan niệm của ông về chiến tranh Việt-Mỹ thay đổi?
Tôi nghĩ là từ năm 1975! Sau ngày 30.4.1975, tôi ở miền Nam, tại Sài Gòn, nay gọi là thành phố Hồ Chí Minh, liền trong bốn năm. Một điều quan trọng diễn ra trong nhận thức của tôi và của nhiều người từ miền Bắc vào miền Nam. Chúng tôi đã trực tiếp "khám phá ra miền Nam, đúng như nó vốn có, không như trước đó được đảng tuyên truyền. Chúng tôi dần dần thấy rằng, chế độ chính trị ở miền Nam có những cái dở, cái kém, nhưng dù sao nó cũng có điểm trội hơn miền Bắc, như có tự do kinh doanh, đặc biệt là có tự do báo chí, ngôn luận, có báo tư nhân, có tự do xuống đường, biểu tình, tuần hành, tán phát truyền đơn, có tự do tín ngưỡng... là những điều ở miền Bắc chưa từng có.
Thêm vào đó, sau ngày 30.4.1975, các chính sách sai lầm của đảng cộng sản, như xóa bỏ vội vã tư bản tư nhân, hợp tác hóa nông nghiệp cấp tốc, đưa cả sĩ quan viên chức cũ vào trại cải tạo (thực tế là nhà tù), gây nên thảm cảnh hơn nửa triệu "thuyền nhân" năm 1978 do chính sách phân biệt đối xử, chiếm đóng quân sự lâu dài ở Căm-pu-chia... làm tôi nản lòng, phẫn uất..., đồng thời cũng làm cho nhận thức về chiến tranh Việt-Mỹ của tôi thay đổi. Tiếp đó, sự kiện làm nhận thức của tôi chuyển biến mạnh nhất về chiến tranh là sự sụp đổ bức tường Béc-lin (Berlin), sự tan rã của Liên bang Xô viết sự tiêu hủy đột nhiên của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu (từ mùa hè năm 1989 đến năm 1991). Gần đây, nhiều tài liệu tuyệt mật của thời Sta-lin về đảng Cộng sản Liên XÔ cũ được công bố từ Mát-xcơ-va (Moscow) nói lên sự thật lịch sử, cũng làm đảo lộn một số nhận thức của tôi về chiến tranh, về chính trị.
Theo ông, tính chất của cuộc chiến tranh Việt-Mỹ là gì?
Theo những lý luận của Mác (K. Marx), Ăng-ghen (F. Engels), hay của Tôn Tử (nhà chiến lược nổi tiếng thời cổ đại Trung Quốc), của Na-pô-lê-ông (Napoléon), Bít-xmác (Bismark), hoặc của học giả Héc-man Kan (Herman Kaln), Sten-lây Ka-nốp (Stanley Karnow) (Mỹ), tính chất của một cuộc chiến tranh gắn liền với chế dộ chính trị - xã hội. Về chế độ chính trị ở Liên xô, tôi được giáo dục và tuyên truyền là "tiến bộ nhất", "tuyệt vời", "mẫu mực". Chế độ chính trị một đảng, chuyên chính vô sản được áp dụng ở Việt nam với khẩu hiệu "Liên xô Việt nam trong tương lai!" Nó sẽ là thiên đường dưới trần thế: giàu có, không có áp bức, bóc lột... Tôi đã có dịp qua Liên xô hơn mười lần, từ năm 1965 đến năm 1990, qua hầu hết các nước Cộng hòa xô viết. Dần dần tôi nhận ra rằng, Liên xô có hai mặt: mặt tốt và mặt xấu, mặt phô ra và mặt giấu kín. Mặt thực tế và mặt trên lý thuyết.
Sta-lin đã tận dụng lòng yêu nước của nhân dân Liên xô để giành thắng lợi trong chiến tranh chống phát-xít, bảo vệ Tổ quốc. Nhưng đồng thời, ông ta đã chủ tâm xây dựng một kiểu "đế quốc xã hội chủ nghĩa" từ Âu sang á, coi các nước "dân chủ mới" ấy là "thuộc quốc,, "thuộc địa kiểu mới" với các đảng cộng sản không còn quyền độc lập, bình đẳng, coi Mát-xcơ-va là thủ đô lớn của toàn phe xã hội chủ nghĩa.
ở trong nước, Liên xô thực hiện học thuyết "đấu tranh giai cấp" một cách thô bạo, đàn áp thẳng tay mọi người chống đối, bất đồng chính kiến, tàn sát những đồng chí, đồng bào không chịu tuân theo hoàn toàn đường lối, chính sách của đảng cộng sản. Việt nam làm theo gương ấy, mô hình ấy - tuy ở quy mô thấp hơn - đàn áp mọi lực lượng yêu nước theo đường lối khác mình (như Việt nam Quốc dân đảng, đảng Duy Dân, đảng Đại Việt, nhóm Trốt-skít, Cách mạng Đồng minh hội...) Ngay cả những người đòi dân chủ cũng bị lên án là chống đảng, chống chế độ, phản bội. Tất cả những hành động đàn áp đều được che đậy dưới bức màn "yêu nước", "vì dân", "do dân", "cách mạng...
Do đó, tôi cho rằng chế độ chính trị - xã hội ở Việt nam từ năm 1945 đến nay vẫn còn lạc hậu, độc đoán, không dân chủ, là một kiểu phong kiến gia trưởng, phụ thuộc về cả lý luận lẫn vật chất, kinh tế tài chính, quân sự... vào nước ngoài.
Theo ông, chế độ chính trị xã hội như thế quyết định tính chất của cuộc chiến tranh như thế nào? Nóng, lạnh, hay chiến tranh ý thức hệ?
Do nhận thức về chế độ chính trị - xã hội không còn như trước, nên nhận thức về chiến tranh của tôi cũng thay đổi. Trong khi nhận thức chung của xã hội thay đổi chậm. Đối với nhân dân, nhất là đối với nông dân chiếm tỷ lệ 80% số dân ở cả miền Bắc và miền Nam Việt nam, nhận thức còn đơn giản, lại bị bộ máy tuyên truyền một chiều tác động, thì phần lớn vẫn cho đây là chiến tranh nhân dân, chiến tranh yêu nước, bảo vệ Tổ quốc, chống sự xâm lược của nước ngoài. Trước kia quân đội nước ngoài họ thấy được là lính Nhật, lính Pháp, lính Tàu, lính ấn, lính Anh (vào giải giáp quân đội Nhật sau Thế chiến thứ 2) và sau này là lính Mỹ. Họ chỉ giản đơn nghĩ: quân đội nước ngoài đến Việt nam là xâm lược!
Đối với trí thức, sinh viên, người thành thị có học thức và ít nhiều tiếp xúc với bên ngoài thời mở cửa, sau khi "khám phá" ra miền Nam đúng như thực tế như ở trên đã nói, họ cho rằng: nguyên nhân sâu xa và tính chất bao trùm của cuộc chiến tranh Mỹ-Việt là sự đối đầu của hai hệ thống thế giới: phe chủ nghĩa xã hội hiện thực và phe tư bản chủ nghĩa. Đây là cuộc chiến tranh nóng quyết liệt, dai dẳng, con đẻ của chiến tranh lạnh được khởi đầu từ sau Đại chiến thế giới thứ hai đến nay và kéo dài nửa thế kỷ.
Do đó, cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt nam, giữa chế độ chính trị miền Bắc và chế độ chính trị miền Nam, về hình thức là cuộc nội chiến giữa hai miền, về thực chất là cuộc chiến tranh ủy nhiệm (proxy), cuộc chiến tranh tiêu biểu giữa hai hệ thống thế giới đối chọi nhau, sống chết với nhau, đối lập nhau. Nó mang ý thức hệ quốc tế, có người còn gọi là cuộc chiến tranh thần thánh, guerre sainte: chống tư bản, đế quốc quốc tế, mà thực ra là chủ nghĩa tư bản tự do dân chủ đang chống lại sự bành trướng trên thế giới của phong trào cộng sản mang bản chất độc đoán.
Quan điểm của đảng Cộng sản Việt nam đối với nguồn gốc và tính chất của cuộc chiến tranh Việt-Mỹ như thế nào
Những người lãnh đạo đảng cộng sản luôn cố tình che giấu tính chất ý thức hệ của cuộc chiến tranh, tính chất giai cấp, thuyết chuyên chính vô sản, tính chất độc đoán của chế độ.
Từ cuối năm 1945, họ đã đưa ra việc giải tán đảng Cộng sản Đông Dương (thực tế là đảng rút vào bí mật và bành trướng rất mạnh. Tôi vào đảng vào thời điểm này, tháng 9.1946). Họ lấy tên là đảng Lao động Việt nam từ năm 1951 đến 1976. Đến năm 1976, sau khi toàn thắng, họ mới công khai lấy lại tên đảng Cộng sản Việt nam. Họ luôn dùng bức bình phong Mặt trận: Mặt trận Việt Minh hồi năm 1944-1945, Mặt trận Liên Việt hồi năm 1946, Mặt trận Tổ quốc ở miền Bắc và Mặt trận Giải phóng miền Nam sau đó... để che giấu kỹ độc quyền lãnh đạo kiểu độc đoán của đảng cộng sản.
Cũng cần nói thêm: những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt nam luôn coi Đông Dương là một thể thống nhất, là một chiến trường, coi hai đảng Cộng sản Miên và Lào là hai đảng đàn em, cùng chung một lãnh tụ là ông Hồ Chí Minh, luôn tự nhận trách nhiệm quốc tế là cộng sản hóa cả bán đảo Đông Dương và cả Đông Nam á?
Sau ngày 30.4.1975, tôi từng nghe một người lãnh đạo trong Ban bí thư đảng Cộng sản Việt nam nói trước cuộc họp cán bộ cấp cao, tỏ ý tiếc là lúc ấy đảng Cộng sản Thái Lan quá yếu, nếu không thì đã có cơ hội "giải phóng", cộng sản hóa cả nước Thái Lan rồi!
Từ phía ông, ông nhộn thấy người Mỹ nhận thức về cuộc chiến tranh như thế nào?
Tôi đọc khá nhiều sách Mỹ, dự một số cuộc hội thảo quân sự ở Chicago, Texas, California, Boston, Virgnia... tôi thấy người Mỹ có nhiều quan điểm, nhận thức rất khác nhau, nhiều khi đối chọi nhau. Do tính chất của cuộc chiến tranh có nhiều, xen kẽ nhau, lồng vào nhau, tùy theo chỗ đứng, góc nhìn, tùy theo là "diều hâu hay là "bồ câu trong chiến tranh mà nhận thức khác nhau. Do đó, không bên nào có chân lý, lẽ phải tuyệt đối cả.
Theo tôi, bên nào cũng có phần đúng của mình. Đây không phải là "ba phải", nhập nhằng, phi lý, mà do các tính chất khác nhau cùng tồn tại trong một hiện tượng.
Chế độ miền Bắc có mặt đúng, lại có mặt sai, có mặt tốt, lại có mặt xấu. Họ tập hợp được dân, họ động viên được quân đội dưới khẩu hiệu yêu nước, cứu nước, bảo vệ độc lập, đánh đuổi ngoại xâm. Nhưng chế độ họ lại độc đoán, thủ tiêu quyền tự do của công dân, lại thi hành chủ trương mở rộng chủ nghĩa cộng sản, theo một học thuyết xa lạ từ bên ngoài! Do đó, ông Mắc Na-ma-ra (Mc Namara) nhận định: đảng Cộng sản Việt nam tiêu biểu cho chủ nghĩa quốc gia chân chính là chỉ nói được "một cái chân voi, ông quên đi cái mặt độc đoán, phi dân chủ, thi hành học thuyết cộng sản kiểu Sta-lin... và như thế là thiếu sáng suốt, thiếu công bằng. Bộ não điện tử sống ở Lầu Năm Góc - như có người đề cao ông Mc Namara - chẳng lẽ không biết rằng những người lãnh đạo Cộng sản Việt nam theo học thuyết quốc tế vô sản, rắp tâm thi hành Tuyên ngôn Cộng sản và các chỉ thị của quốc tế Cộng sản; họ còn coi Nghị quyết của đảng Cộng sản Liên xô và đảng Cộng sản Trung Quốc là mẫu mực để tham khảo và thực hiện. Quốc gia chân chính mà như vậy?
Mc Namara từng gắn bó với chiến tranh Việt nam, với chính quyền Sài Gòn trên tinh thần đồng minh thân thiết, nay quay ngoắt lại nhận định những người đứng đầu chế độ Miền Nam Việt nam hồi chiến tranh là "cặn bã của cặn bã xã hội" thì thật là quá quắt trong ý đồ phỉ báng rất tùy tiện.
Ông cũng không công bằng khi lên án những người Mỹ chủ trương chiến tranh là sai lầm khủng khiếp", bởi vì trong số ấy nhiều người chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản quốc tế là có lý, có lẽ của họ; hơn nữa, theo nhận định của nhiều sử gia quốc tế, sự can thiệp của Mỹ đã có hiệu quả là trì hoãn việc cộng sản hóa Miền Nam Việt nam chừng một chục năm, ngăn chặn làn sóng đỏ lan sang Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương... Theo tôi, dù người Mỹ có lập trường "diều hâu hay "bồ câu, họ đều có cái lý của họ, có cái phần chân lý của họ mà ta cần tôn trọng. Cũng không nên lấy kết quả là sự chiến thắng hay sự thất bại trong chiến tranh để nhận định ai đúng, ai sai. Đó là cách nhìn cơ hội.
Chiến tranh chính nghĩa có nhiều điều kiện để chiến thắng, nhưng thực tế không phải bao giờ cũng như vậy. Người Mỹ, dù thời chiến có quan điểm đối nghịch nhau, nay chiến tranh đã kết thúc hơn hai mươi năm, nên bình tĩnh nhìn lại với quan điểm bao dung, khoa học, hòa giải với nhau. Bởi vì "cái đúng, "cái sai" của cuộc chiến tranh Việt-Mỹ lồng vào nhau, xoắn xuýt với nhau, chỉ có tính chất tương đối theo từng mặt xem xét. Không một ai có thể tự cho mình là đúng tuyệt đối, là có độc quyền lẽ phải. Tính chất đa diện, phức tạp, tương đối... cần chi phối việc nghiên cứu và nhận định về một cuộc chiến tranh lâu dài, phức tạp đã qua này. Phải đặt cuộc chiến tranh ấy trong bối cảnh quốc tế, theo cách nhìn toàn cầu và khu vực, theo quan điểm lịch sử và phát triển.
Chính vì vậy, theo tôi, ở cả hai phía "bồ câu và "diều hâu trước đây, đều tự cho mình là thành tâm mong muốn Việt nam có tự do, đến nay cần ủng hộ sự nghiệp dân chủ hóa ở Việt nam, góp phần sớm chấm dứt một chế độ độc đoán, chà đạp tự do, nhân quyền ở Việt nam, đấu tranh để những người dân chủ, bất bạo động, đang bị giam giữ sớm được tự do.
Khi nhìn lại, ông đánh giá ra sao về quân đội Hoa Kỳ ở Việt nam?
Vào những năm 1963, 1964, 1965... khi Hoa Kỳ bắt đầu chuẩn bị và đưa quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam Việt nam, chúng tôi rất lo. Từ lãnh đạo đến chỉ huy, cán bộ, binh sĩ ở miền Bắc và ở miền Nam đều rất lo. Vì ai cũng biết Mỹ là siêu cường số một của phương Tây. Địch thủ chính của Mỹ là Liên xô. Mỹ có lực lượng quân sự hùng hậu, hải-lục-không quân lớn bậc nhất thế giới. Khoa học kĩ thuật quân sự của Mỹ cực lớn. Mỹ là người khổng lồ! Chúng tôi thường so sánh: người lính Mỹ to lớn, cao khỏe vượt hơn hẳn người lính Việt nam một cái đầu, nặng hơn vài chục kí, ăn uống đủ chất, được nuôi dưỡng, huấn luyện tốt. Sức lực của người lính Mỹ áp đảo sức lực của người lính Việt nam. Xem sách báo, phim ảnh, chúng tôi thấy lính Mỹ vạm vỡ nhất là lính da đen, xốc vác, như những võ sĩ. Chúng tôi lo khó trụ nổi, khó đọ sức nổi với Mỹ khi giáp trận.
Tôi còn nhớ hồi năm 1965, khi cho ý kiến về bình luận quân sự, tướng Võ Nguyên Giáp có nói riêng với mấy phóng viên quân sự báo Quân đội nhân dân rằng: "Mỹ vào chừng mười bốn, mười lăm vạn đã thành vấn đề gay go ở chiến trường. Nếu số quân Mỹ lên đến hai mươi vạn hoặc hơn nữa thì sẽ rất gay go cho phía ta!" Bởi vì, trong thời gian 1965-1966, số quân của miền Bắc ở miền Nam cũng chưa đến mười hai vạn (120.000), đến năm 1968 cũng chỉ vào khoảng hai mươi hai vạn (220.000), trong khi số quân Mỹ ở miền Nam đã lên đến hơn nửa triệu.
Trong hàng ngũ quân đội nhân dân, từ Bộ tổng tư lệnh đến các sư đoàn, quân khu, từ các trường quân sự đến sĩ quan của các binh chủng đều nghĩ rằng, việc quân Mỹ trực tiếp tham chiến ở miền Nam là sự kiện lớn trong chiến tranh Việt-Mỹ, là một thay đổi về chất của cuộc chiến tranh, rất nghiêm trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi hiểu: quân đội Mỹ rất mạnh, rất đông đảo, trang bị cực kỳ hiện đại chưa từng thua ai, chưa biết thất bại là gì.
Khi hai bên đã giáp trận, các ông nhận xét ra sao về quân đội Mỹ?
Có lẽ trận Vạn Tường (tháng 8.1965) và trận Plây-me (tháng 10.1965) là những trận giáp chiến đầu tiên giữa Quân đội nhân dân Việt nam và quân đội Mỹ. Ngay sau đó ở Quân khu Năm, ở Bộ chỉ huy quân sự miền (đóng ở Tây Ninh), ở Bộ tổng tham mưu ở Hà Nội đã dựa vào báo cáo về hai trận ấy làm ngay tổng kết, rút kinh nghiệm rất tỉ mỉ.
Tôi còn nhớ, những điểm chính của tổng kết được phổ biến cho toàn quân, cho mọi cấp chỉ huy là: Quân Mỹ có hỏa lực rất mạnh, nhưng không đáng ngại bằng quân viễn chinh Pháp hồi trước. So với quân Pháp, quân Nhật, quân Anh-ấn, các đơn vị lê dương Pháp, quân Bắc Phi (gồm lính được tuyển từ các nước Ma-rốc, An-giê-ri, Sê-nê-gan...) thì quân Mỹ không có gì đáng sợ. (Chúng tôi hay so sánh với kẻ thù cũ, chỉ mới cách đó hơn mười năm. Quân Mỹ có nhiều chỗ mạnh (dễ thấy), nhưng lại có nhiều chỗ yếu. Đó là quân đội làm quân dịch, vào quân đội theo nghĩa vụ công dân chứ không phải lính chuyên nghiệp, nhà nghề. Lính Mỹ hầu hết còn rất trẻ, từ nước Mỹ xa xôi sang, động cơ chiến đấu mơ hồ, thiếu kinh nghiệm tác chiến ở chiến trường Việt nam, lạ địa hình, không hợp thủy thổ, lối sống, rất bỡ ngỡ với hoàn cảnh chiến đấu mới? Mặt khác, chế độ quân nhân Mỹ phục vụ ở Việt nam chỉ kéo dài có một năm, (đối với người lái máy bay chỉ cần bay đủ một trăm phi vụ) rồi sẽ "đến hẹn" trở về Mỹ bộc lộ một nhược điểm lớn, là chỗ rất yếu của quân Mỹ. Khi lính Mỹ đã phần nào quen với chiến trường, có ít nhiều kinh nghiệm chiến đấu cũng là lúc họ lên đường trở về Mỹ? Ngược hẳn lại, quân đội nhân dân Việt nam được giáo dục, động viên thường xuyên, có lý tưởng, xác định rõ ràng mục tiêu chiến đấu, có ý chí chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng - dù rằng trong giáo dục có cả phần áp đặt, bó buộc - lại quen thuộc địa hình, địa vật, sức chịu đựng gian khổ dẻo dai, kỷ luật nghiêm, hợp thủy thổ... Tức là họ có cả ba yếu tố nhà binh pháp nổi tiếng của Trung Hoa cổ đại Tôn Tử đã đúc kết là thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Tôi còn nhớ, vào dịp Tết âm lịch đầu năm 1966, có một cuộc họp lớn ở bộ Quốc phòng Hà Nội, tập trung các tư lệnh (của các quân khu, sư đoàn, quân chủng, binh chủng thiết giáp, pháo binh, phòng không, công binh, thông tin...) để phổ biến tỉ mỉ về chiến dịch Plây-me ở vùng Ya-drang (Tây Nguyên) diễn ra từ ngày 14 đến ngày 22.11.1965 do các trung đoàn 320, 66 và 24 của quân đội nhân dân Việt nam thuộc chiến trường Tây Nguyên thực hiện. Tại đó, hai tiểu đoàn của lữ không vận 173 Mỹ bị thiệt hại rất nặng, đặc biệt là trong trận bị phục kích ở cao điểm 875 gần Đắc Tô, một tiểu đoàn Mỹ bị loại khỏi vòng chiến đấu đến 75% quân số.
Kinh nghiệm chiến dịch Plây-me được viết thành văn kiện: tường thuật, bình luận, bản đồ, in trên báo Quân đội nhân dân, tạp chí Quân đội nhân dân, đọc trên Đài truyền thanh Hà Nội, Đài Giải phóng, đọc chậm cho các đơn vị ở xa ghi lại và phổ biến rộng rãi. Nhưng kinh nghiệm lớn rút ra là:
- Quân đội nhân dân Việt nam có thể đương đầu với quân Mỹ và có khả năng chiến thắng.
- Phía quân Mỹ có kĩ thuật, hỏa lực lớn (pháo bầy, máy bay B.52 ném bom rải thảm, hàng trăm trực thăng bắn được ba ngàn quả rốc-két yểm trợ rất gần quân Mỹ...) nhưng không thắng được khi bị đánh gần, bị bất ngờ. Quân Mỹ đến đâu là bắn phá phát quang cả vùng ấy bằng hỏa lực (từ chuẩn bị tiến, tiến công, xung phong... đều dùng hỏa lực) nên phô trương lực lượng, không giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ như quân đội nhân dân Việt nam.
Trong khi tác chiến, quân đội nhân dân Việt nam không dùng nhiều quân. ở Ya-drang, họ chỉ có năm đại đội chiến đấu, nhưng đã tiêu diệt gần hết cả một tiểu đoàn Mỹ (tiểu đoàn 2/7 của lữ 173). Trên cả địa bàn chiến dịch, họ chỉ có ba trung đoàn mà vẫn đủ sức đương đầu với mười hai tiểu đoàn Mỹ cộng với bốn tiểu đoàn Nam Việt nam và Tân Tây Lan.
- Bí quyết để chiến thắng là chuẩn bị chiến đấu kỹ, hiểu rõ địa hình, phán đoán chính xác hành động của đối phương để dụ đối phương đến đúng "bẫy" phục kích đã được nghi binh, bất ngờ đánh nhanh, rút nhanh. Luôn luôn tác chiến theo cách tiến công đối phương khi đối phương ở ngoài công sự áp dụng chiến thuật "đánh điểm, diệt viện", "vây điểm, diệt viện", biết khơi ngòi chiến dịch và biết kết thúc chiến dịch.
Có thể nói, chiến dịch Plây-me ở Tây Nguyên cuối năm 1965 là trận then chốt để phía chúng tôi viết nên cẩm nang chống Mỹ, một kiểu binh thư mới trong chiến tranh chống lại người Mỹ.
Vị tướng nào của Quân đội nhân dân Việt nam có trình độ cao về tổng kết kinh nghiệm chiến tranh?
Tôi có thể nói ngay là đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Hồi năm 1965, quân đội nhân dân Việt nam chỉ có hai đại tướng bốn sao là Võ Nguyên Giáp (Bộ trưởng quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh) và Nguyễn Chí Thanh (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị). Cả hai đều là ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương đảng.
Ông Thanh vào miền Nam từ tháng 10. 1964, ngay sau khi đoàn nghiên cứu đặc biệt của bộ Quốc phòng và Quân ủy Trung ương (mà tôi là một thành viên trong đoàn) vào miền Nam gần một năm, rồi trở ra báo cáo cho ông. Ông Thanh là đại diện của Bộ Chính trị ở miền Nam, là người chỉ huy cao nhất ở chiến trường miền Nam, cầm đầu Quân ủy miền đóng ở Tây Ninh sát biên giới Căm-pu-chia. Ông là người đọc nhiều, nói chuyện hay, rất quan tâm tổng kết kinh nghiệm. Khi viết những bài luận văn dài, ông thường ký tên Trường Sơn. Người bí thư của ông chuyên thảo ra luận văn để ông sửa lại là đại tá Mai Quang Ca, bạn tôi. Ngay từ cuối năm 1965 ông Thanh đã viết mấy bài luận văn lớn, như "Mỹ giàu nhưng không mạnh", "Mùa khô cay đắng của quân Mỹ", "Nắm thắt lưng địch mà đánh!" đăng ở báo Quân đội nhân dân và đọc trên Đài truyền thanh Hà Nội, Đài phát thanh Giải phóng nhiều lần. Ông đặc biệt chú ý rút kinh nghiệm cụ thể từ các trận đánh với quân Mỹ ở Đất Cuốc (8.11.1965), Bầu Bàng (12.11.1965) và Dầu Tiếng (20.11.1965). Đến đầu năm 1967, sau các trận càn lớn át-lê-bô-rố (Atleboro) trong tháng 10 và tháng 11 năm 1966 ở chiến khu Dương Minh Châu, các chiến dịch Xê-đa Phô (Cedar Fall) (2.1967) vào vùng Bến Cát, Củ chi; Và Gian-xơn Xi-ti (Junction City) (3.1967) vào chiến khu C, Bắc Tây Ninh... tướng Thanh lại tổng kết trong bài luận văn "Năm bài học trong mùa khô thắng lợi. Các bài học đó là: luôn giữ quyền chủ động ở chiến trường, buộc đối phương chiến đấu theo ý muốn của mình; cố gắng ở thế tiến công, thuận lợi cho ta thì chiến đấu, không thuận lợi cho ta thì né, tránh, lẩn đi, tự chọn thời gian, địa thế, thời cơ để nghênh chiến; luôn tìm cách đánh gần, đánh mãnh liệt, đánh nhanh kết thúc nhanh, không dây dưa kéo dài (một chiến dịch có thể chỉ từ hai, ba ngày đến năm, sáu ngày, một trận đánh có khi chỉ kéo dài mười lăm đến hai mươi phút). Cần chuẩn bị kỹ, hiểu đối phương, hiểu địa thế, hiểu quy luật hành động, phán đoán đúng phản ứng của đối phương, biết cơ động linh hoạt, tập trung vừa đủ quân, tập trung và phân tán nhanh, di chuyển nhanh; giữ thế bí mật và bất ngờ, chú trọng nghi binh, làm cho phán đoán của đối phương bị sai lệch...
Các tư lệnh và sĩ quan chỉ huy, sĩ quan tham mưu ở mọi đơn vị đều thuộc lòng các bài học kinh nghiệm ấy để vận dụng.
Ngoài ra còn có ai nữa?
Có tướng Lê Trọng Tấn, sau này được phong đại tướng. Ông vào bộ chỉ huy miền Nam hồi 1966 với mật danh Ba Long. Ông xuất thân từ một ông "đội tàu bay" của Pháp ở một đơn vị mặt đất tại sân bay Bạch Mai, Hà Nội hồi năm 1943. Ông gia nhập Việt Minh từ hồi ấy và sau là tư lệnh sư đoàn công-pháo (công binh và pháo binh) năm 1953. Năm 1967, ông là Tổng tham mưu trưởng toàn miền Nam, Tổng tham mưu trưởng toàn quân năm 1977. Năm 1986, ông chết đột ngột khi được cử làm Bộ trưởng quốc phòng. Ông là người rất ít nói và ít thấy viết bài trên báo. Là người nhiều mưu mẹo, nhiều kinh nghiệm chỉ huy, tham mưu, ông luôn có mặt ở các chiến dịch quan trọng. Luôn có ý kiến ngắn, gọn. Rất mưu lược sâu sắc, thâm trầm, được cấp dưới nể trọng.
Tướng Trần Văn Trà, sau năm 1975 lên thượng tướng. Ông là người gắn bó với chiến trường miền Nam từ thời chống Pháp, là tướng có mặt ở chiến trường lâu nhất. Ông thông minh, lanh lẹn, tài hoa (thích văn nghệ, thích chơi ảnh, thích nghe nhạc, đọc sách...) và có bí danh là Tư Chi. Ông có nhiều kinh nghiệm về cơ động, nghi binh, hiểu tâm lý chỉ huy các tư lệnh Mỹ...
Tướng Hoàng Minh Thảo (hiện là thượng tướng, Viện trưởng Học viện quân sự cao cấp ở Hà Nội). Có thể nói, ông là tướng có học thức, rất trí thức, uyên bác về lịch sử quân sự của dân tộc Việt nam, lịch sử chiến tranh đông tây kim cổ... Ông chỉ vào miền Nam một thời gian ngắn, làm Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên từ năm 1969 đến năm 1973. Không thể không kể đến tướng Nguyễn Hữu An, sau lên thượng tướng. Ông từng là một trung đoàn trường nổi tiếng, đánh trận giỏi thời chống Pháp. Năm 1975, ông là Tư lệnh Quân đoàn 2 (đơn vị chiếm dinh Độc Lập Sài Gòn), sau đó là Tổng thanh tra Quân đội và Hiệu trưởng Trường quân sự Đà Lạt (nơi bổ túc cán bộ chỉ huy cấp tiểu đoàn và trung đoàn). Năm 1965-1966, ông là Phó tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, chỉ huy chiến dịch Plây-me. Ông có ý chí cao, thông minh, hoạt bát, mưu mẹo, rất tỉ mỉ khi vạch kế hoạch tác chiến, đến tận nơi từng chiến sĩ phục kích để kiểm tra...
Tôi được biết năm 1991, ông An đã gặp tướng Mỹ Ha-rôn Mo (Harold Moore) ở Hà Nội. Ông Mo từng là trung tá, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1/7 (thuộc lữ đoàn 3) tham chiến ở trận Ya-drang, Plây-me năm 1965. Sau đó ông An đã chết vì ung thư.
Còn tướng Giáp?
Theo tôi, tài ba của tướng Giáp trong cuộc chiến với Hoa Kỳ không bằng thời chống Pháp. Đỉnh cao "thiên tài" của ông, công bằng mà nói, là chiến dịch Điện Biên Phủ tháng 1.1954, khi tự ông thay đổi phương châm tác chiến, từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" rồi từ đó giành thắng lợi. Điều này ông đã kể rành rõi cho riêng tôi nghe, đúng vào dịp 85 năm kỷ niệm trận Điện Biên Phủ, tháng 5.1989. Những điều ông kể đã được ghi lại trong bài "Quyết định khó khăn nhất" và được dành riêng cho báo Nhân dân Chủ nhật đăng, mà lúc ấy tôi là Trưởng ban biên tập.
Trong chiến tranh với Mỹ, từ khi chiến tranh bùng nổ năm 1946 đến khi kết thúc tháng 4.1975, ông Giáp chưa hề vào chiến trường miền Nam. Ông chỉ sống ở Việt Bắc và Hà Nội. Ông chỉ huy từ chiếc hầm chỉ huy của bộ Quốc phòng, nằm trong sân cung vua Lê cũ, ở gần cột cờ cổ của Hà Nội. (Ông chỉ đi cùng Phi-đen Cát-xtrô vào Quảng Trị trên quãng đường Hồ Chí Minh một đoạn ngắn sau hiệp định Paris được ký).
Do vậy, nên khi gặp các nhà báo quốc tế hay các đoàn đại biểu quân sự Liên xô, Trung Quốc, CHDC Đức, Cu Ba... khi nói về chiến tranh chống Pháp, về Điện Biên Phủ, tướng Giáp bao giờ cũng sôi nổi, sinh động hơn khi nói về cuộc chiến với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, năm 1966, 1967, khi ông nhận định về chủ trương "tìm và diệt" của tướng Oétx-mo-len (Westmoreland), lúc đó đang ở Sài Gòn, tướng Giáp đã có ý kiến hay. Ông nói với cán bộ Học viện quân sự cấp cao đầu năm 1967 rằng: "Tìm và diệt nói lên điều gì? Một là quân ta cơ động cao, ẩn hiện bất ngờ, nghi binh tốt, không cố định ở một chỗ, biết tận dụng địa hình rừng núi và dựa vào dân để giữ bí mật nơi trú quân và hành quân, buộc kẻ địch phải đi tìm, đi mò, điều này nói lên thế bị động của đối phương. Diệt nói lên điều gì? Nó nói lên cái chủ quan, mù quáng, kiêu ngạo của đối phương, ỷ vào hỏa mạnh (pháo, tăng, trực thăng, B52...) để khi mò thấy quân ta là dễ dàng hùng hổ lao vào như con thú đói luôn sẵn sàng thấy mồi là vồ. Do đó ta có điều kiện để nhử địch vồ mồi và làm cho nó vồ hụt! Từ đó, đối phương dễ mắc bẫy của ta..."
Sau khi chiến tranh kết thúc, nhất là vào năm 1986, khi bất đầu bước vào "đổi mới", uy tín tướng Giáp lên khá cao. Khi bầu đại biểu đi dự Đại hội đảng cộng sản VI, trong Đại hội đảng toàn quân, ông được tín nhiệm rất cao. Nhiều người nghĩ ông có thể thúc đẩy quá trình dân chủ hóa, hòa nhập với phương Tây, từ bỏ giáo điều... Nhưng ông quá dè dặt, e ngại, an phận, cờ đã đến tay mà không phất. Giới trí thức, sĩ quan thất vọng về ông. Đây là trường hợp điển hình cho thấy, một chế độ giáo điều có thể tiêu hủy một tài năng như thế nào.
Hồi còn ở trong nước, tôi rất quý mến tướng Giáp. Đến đại hội 6, cuối năm 1986, uy tín ông lên khá cao, ông được đại hội đảng toàn quân và một số ngành, địa phương nhắc đến như một nhân vật của tình thế, nhưng ông do dự, không quyết đoán. Để trôi qua một cơ hội cực hiếm? Tôi giảm ghê gớm niềm tin ở ông từ đó. Một số sĩ quan và cán bộ chê ông là hèn, là nhát, không dám bênh vực lẽ phải, công lý, không dám dấn thân cho dân chủ. Nay ông đã già. Tư duy lại không đổi mới kịp. Vì sao ông ngại? Vì: kinh cung chi điểu. Đã bị đe, bị dọa, bị giám sát nhiều lần, ông đâm ra sợ! ông còn sợ bị hiểu lầm là tham quyền, cố vị, là tranh giành quyền lực do động cơ cá nhân. Vẫn là suy nghĩ lẩn thẩn, từ cá nhân mình, không vì động lực cứu dân cứu nước vô tư, trong sáng. Ông cũng có thể nghĩ sự nghiệp cá nhân đến thế là lớn, là quý lắm rồi, cố giữ cho khỏi lọ lem thôi! Dù sao cũng chỉ có thể trông mong ở ông đến thế thôi. Mỗi con người đều có phần lớn và phần bé, phần sáng và phần tối!
Ông có nhận xét gì về cách điều hành chiến tranh của phía Mỹ ở Việt nam./
Về phía Mỹ, tôi cảm thấy các ông tướng không có toàn quyền đề ra và thực hiện các kế hoạch chiến đấu. Họ bị tổng thống, quốc hội, chính giới Mỹ kiểm soát chặt chẽ. Từ xưa, Tôn Tử đã chỉ ra rằng, hành động quân sự muốn có hiệu quả thì phải táo bạo, quyết đoán, dồn dập, bất ngờ. Các ông cũng hiểu điều đó. Nhưng do những ràng buộc chính trị, nên các ông phải leo thang từ từ, từng nấc một, vừa đánh vừa đàm phán, vừa đánh vừa thăm dò, vừa đe dọa, và luôn trông chờ rằng mỗi nấc leo thang sẽ là nấc cuối, đối phương sắp bỏ cuộc! Mỹ và Việt nam là hai nước rất xa nhau, nền văn hóa rất khác nhau, chế độ chính trị trái ngược nhau, cho nên cách điều hành chiến tranh của hai bên cũng khác nhau hoàn toàn. Mỹ có nếp sống dân chủ, cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt nam được bàn cãi công khai, hàng ngày trên báo chí, truyền hình Mỹ, trong quốc hội Mỹ. ở Việt nam, với một chế độ độc đoán, chiến tranh lại làm tăng thêm tính chất bịt kín, khép chặt, không có tự do báo chí, không có tranh luận trong quốc hội, khách nước ngoài đến Việt nam được sàng lọc kỹ, tin tức chiến tranh chỉ được đưa ở các thông báo của Bộ Quốc phòng, hầu như thư từ của tư nhân giữa trong và ngoài nước là con số không, báo chí của nhà nước bị cơ quan tuyên huấn của đảng và Bộ Công an kiểm duyệt chặt chẽ.
Trong điều hành chiến tranh, do khác biệt về chế độ chính trị, về bản chất của chính quyền, tôi có cảm giác như Mỹ và Việt nam đang chơi bài với nhau, bên Mỹ chơi bài ngửa (mọi sự đều công khai), còn phía Việt nam chơi bài úp (giấu kỹ). Thành ra, phía Việt nam am hiểu rõ mọi hành động chiến tranh của Mỹ: tăng quân bao nhiêu, đưa thêm vũ khí gì vào Việt nam, thay cấp chỉ huy thế nào, đánh ra sao, nấc thang sắp tới là gì, sự chia rẽ, ngập ngừng, tranh cãi trong giới quân sự, trong chính giới trong dư luận Mỹ ra sao... Trong khi đó, phía Mỹ phán đoán về đối phương rất khó khăn. Tất cả chỉ là phỏng đoán, ước đoán và thường khác xa với sự thật. Trong chiến tranh, một chế độ dân chủ, công khai, transparente (không che giấu) bao giờ cũng có những bất lợi. Một chế độ độc đoán, kín như bưng, kỷ luật khắt khe thường có nhiều lợi thế.
Phía Mỹ đã có những sai lầm nào lớn nhất trong cuộc chiến ớ Việt nam khi đánh giá về đối phương?
Có lẽ sự đánh giá của chính giới Mỹ về ý chí, tinh thần bền bỉ thực hiện chiến tranh đến cùng của đối phương, về việc chi viện cho quân đội của họ ở miền Nam về cả sức người, sức của, trước những bước leo thang chiến tranh của phía Mỹ (như tăng quân, tăng vũ khí, tăng cường ném bom ở cả miền Nam và miền Bắc) là những sai lầm lớn nhất của Mỹ khi đánh giá đối thủ của họ. Người Mỹ thường nghĩ, quân tăng, vũ khí nhiều hơn, tăng cường hành quân ném bom ở miền Nam... thì sẽ làm đối phương bị tổn thất nặng nề, không bù nổi với tổn thất, rồi mất dân mất đất, địa bàn bị thu hẹp, tất sẽ buộc phải bỏ cuộc, chịu chấp nhận một giải pháp chính trị nào đó do Mỹ đưa ra...
Các cuộc leo thang đánh phá miền Bắc của Mỹ ngày càng ác liệt, càng ngày càng gây nhiều tổn thất cho đối phương. Nhiều xí nghiệp, nhà máy, thành phố, đường xá, cầu cống được xây dựng với biết bao công sức từ sau chiến tranh chống Pháp, đã bị phá hoại, bị san bằng. Tình hình đó sẽ buộc đối phương chùn bước, ngừng chiến đấu ở miền Nam, tìm một kết thúc bằng thương lượng. Nhưng thực tế không diễn ra đúng với dự kiến của Mỹ. Mặc dù các nhà máy điện Vinh, Uông Bí, Hải Phòng, Hà Nội, khu gang thép Thái Nguyên, nhà máy cơ khí Hà Nội, các nhà máy xi-măng Hải Phòng, Bỉm Sơn, nhà máy dệt Nam Định, Việt Trì, các cầu Long Biên (Hà Nội), Thượng Lý, Cầu Rào (Hải Phòng), Việt Trì, Phủ Lý... đều bị đánh đi đánh lại, tổn thất nặng nề, có khi đến trăm phần trăm mà đối phương vẫn trơ gan, không có dấu hiệu gì tỏ ra là họ muốn bỏ cuộc. Những con tính của một số quan chức ở Oa-sinh-tơn đều cho đáp số sai!
Nếu Mỹ đánh mạnh hơn bằng không quân vào hệ thống đê điều[1] ở miền Bắc, sự thể sẽ ra sao? Liệu Hà Nội có chịu được không? Họ có bỏ cuộc không?
Không? Dứt khoát không!
Nhiều nhà báo Đức, Mỹ đã hỏi tôi như vậy từ khi chiến tranh đang tiếp diễn. Hiện nay vẫn còn một số người đặt câu hỏi đó với tôi.
Hà Nội không chịu bỏ cuộc, vì đảng cộng sản đã giáo dục, động viên và có phần ép nhân dân phải chịu hy sinh, từ sinh mệnh, của cải theo câu nói của ông Hồ Chí Minh: "Không có gì quý hơn độc lập tự do" và "Đến ngày thắng lợi, chúng ta sẽ xây dựng đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn".
Nghiến răng mà chịu. Im lặng mà chịu đau khổ, tổn thất, chết chóc... đã thành một nếp nghĩ một nếp sống nhẫn nhục của người Việt nam.
Nếu Mỹ ném bom vào các tháng nước sông Hồng lên cao nhất (các tháng 7, 8 và 9 hàng năm) để phá các đoạn đê xung yếu, cả vùng châu thổ sông Hồng sẽ bị ngập nước. Hà nội (thấp hơn mức nước cao hàng năm) có thể bị lụt. Người chết có thể lên đến hàng chục vạn, hàng triệu... sẽ thiếu gạo, nhà cửa, ruộng vườn ngập, trâu bò, gia súc bị chết hàng loạt thảm họa đói như hồi 1945 (hai triệu người chết, mười triệu người di chuyển...). Nhưng chính thảm cảnh ấy là dịp để đối phương dấy lên phong trào chống Mỹ mạnh hơn, tranh thủ thêm viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa và sự ủng hộ của thế giới...
Tôi nghĩ, với đặc điểm chính trị, xã hội, văn hóa, tâm lý của nhân dân Việt nam, chính quyền miền Bắc tuy có gặp khó khăn, nhân dân sẽ khốn khổ, nhưng họ không hề giảm ý chí chiến đấu. Họ có cả một bộ máy tuyên truyền, giáo dục, áp đặt, dồn ép gây lòng căm thù đối với Mỹ ở trong và ngoài nước.
Nếu tháng 12.1972 Hoa Kỳ kéo dài thêm các cuộc ném bom dữ dội ở miền Bắc, Hà Nội sẽ nhượng bộ?
Không? Nhất định không!
Nhiều bạn Mỹ cũng đã hỏi tôi câu này. Tôi cố nhớ lại những gì xảy ra vào cuối năm 1972 và trả lời "Không?" Tôi cũng đọc kỹ cuốn "Hồ sơ mật Dinh Độc Lập" (The Palace Files) của ông Nguyễn Tiến Hưng, có một đoạn kể lại rằng: theo những người đã từng sống ở Hà Nội, ở miền Bắc mấy ngày ấy, nếu Mỹ già tay một chút thì miền Bắc đã nhượng bộ? Có thể đây là suy nghĩ của một vài cá nhân, họ dự đoán và suy luận như thế. Hồi ấy, tôi sống ở Hà Nội. Ngày nào cũng ở trụ sở báo Nhân dân, ở căn cứ tên lửa Chèm (phía Bắc Hà Nội), hoặc ở sân bay Nội Bài (nơi máy bay MIG-21 cất cánh)... Cuộc ném bom của không lực Hoa Kỳ bắt đầu vào tối ngày 18.12, khi tôi đang dự buổi liên hoan ca hát của các đơn vị phòng không trong sân bay Gia Lâm, gần cầu Long Biên. Suốt 12 ngày - trừ ngày lễ Noel 24.12 - từng đoàn B.52, F.111, F.4 và F.l05 ném bom, bắn phá vùng Hà Nội, Gia Lâm, Phúc Yên, sân bay Nội Bài... Khu phố Khâm Thiên[2] gần nhà tôi bị bom B.52 rải thảm. Bệnh viện Bạch Mai ở ngay cửa ngõ phía Nam Hà Nội bị trúng bom khá nặng. Nhân dân Hà Nội từ đêm 18.12 đã sơ tán ra các vùng nông thôn bao quanh (Hà Đông, Sơn Tây, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Yên...), chỉ còn dưới một phần tư dân số ở lại. Cơ quan, nhà máy, công sở cũng sơ tán. Trong nội thành Hà Nội có sẵn nhiều hầm, hố, nhất là hàng chục vạn hầm cá nhân ở hai bên vệ đường. Mỗi cái sâu chừng một mét sáu, đường kính khoảng 70 cm, có nắp xi-măng đậy ở trên. Các đơn vị tự vệ gồm công nhân, sinh viên, viên chức có súng máy, súng trường trực chiến trong các công sự ở trên mái bằng của các tòa nhà cao tầng, chỉ đợi máy bay Mỹ đến ở tầm vừa và tầm thấp là nhả đạn. Tinh thần chiến đấu của phần lớn nhân dân khá cao, rất ít người tỏ ra nao núng. Hà Nội không có nhiều nhà cao tầng. Điện dùng cho nhân dân thành phố chưa phải nhu cầu sinh tử. Người thành phố vẫn nấu cơm bằng củi, than, trấu, lá khô.. là chính. Để thắp sáng, họ đã có đèn dầu hỏa, nến dự trữ.
Vào hạ tuần tháng 12.1972, ngày nào cũng có máy bay Mỹ bị bắn cháy trên bầu trời Hà Nội, đặc biệt là "pháo đài bay" B.52 bị bắn rơi ngay từ đêm 18 và ngày 19.12, một số người lái B.52 bị bắt. Tôi đã đến nhà giam Hỏa Lò (còn được gọi là "Khách sạn Hilton Hanoi") trưa 19.12.1972 để hỏi chuyện tù binh Mỹ, thu thập tài liệu. Sáng sáng, người ta xếp hàng rồng rắn dài tới vài trăm mét chờ đón mua báo Nhân dân in xong lúc 5 giờ sáng, đăng tin chiến sự, thông cáo của bộ Quốc phòng, điện khen của bộ Tổng tư lệnh, ảnh máy bay Mỹ cháy, ảnh tù binh Mỹ... Cả một đội quân nhiếp ảnh quân sự và dân sự đi săn cảnh máy bay cháy trên trời, khói dài, phi công Mỹ nhảy dù và bị nhân dân bắt làm tù binh, cảnh tên lửa SAM-2, SAM-3[3] vút lên, đuổi theo máy bay Mỹ... Báo, đài phát thanh, loa phóng thanh ra rả suốt ngày, đóng góp phần quan trọng vào việc cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân Hà Nội.
Quả thật, cũng có một số người hoảng hốt. Nhất là thời kì đầu của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, bắt đầu từ ngày 5.8.1964. Về sau ai cũng quen dần với còi báo dộng, với tiếng máy bay Mỹ ì ầm từ xa, cả tiếng bom nổ... Người yếu bóng vía, sợ sệt ở đâu cũng có. Có người nhát, mới nghe tiếng kẻng báo động, tiếng còi rú u...u... là đã cuống quít, phát hoảng. Số này không nhiều.
Cho nên, dù Mỹ ném bom tiếp sang đầu tháng giêng 1973 với cường độ mạnh hơn, tổn thất phía Việt nam có cao hơn, phía Mỹ cũng có thể bị mất thêm máy bay và người lái cũng chỉ làm cho chế độ miền Bắc phát động được căm thù mạnh hơn trong nhân dân, tố cáo Mỹ nhiều hơn với thế giới... Tôi hiểu rõ những người lãnh đạo đảng cộng sản. Tổn thất về tính mạng của bộ đội và dân thường có cao đến đâu, họ cũng không hề tính toán. Họ sẵn sàng trả giá rất cao về xương máu đồng bào họ để giành cho được thắng lợi. Họ luôn động viên và cả ép buộc toàn xã hội phải hy sinh cho mục đích mà họ theo đuổi.
Xin ông cho biết thêm, trong điều hành chiến tranh, Mỹ có những sai lầm lớn gì nữa?
Theo tôi, trong một thời gian dài các ông đã có những sai lầm khi lượng định về khả năng can thiệp trực tiếp của Liên xô và nhất là của Trung Quốc vào cuộc chiến ở Việt nam. Các ông e ngại khi tiến công miền Bắc Việt nam, Trung Quốc có thể vào tham chiến như ở Triều Tiên hồi năm 1952. Do đó, phía Mỹ leo thang thận trọng, vừa đánh vừa nghe ngóng, thăm dò phản ứng của Mát-xcơ-va và đặc biệt là của Bắc Kinh.
Do vậy, hành động quân sự của Mỹ ở Việt nam đã không thực hiện đúng những nguyên lý quân sự: tới tấp, liên tục, táo bạo, bất ngờ...
Tôi có thể kể ra những vấn đề, những sự kiện đã đi vào lịch sử, nay không còn là bí mật. Từ đầu năm 1963, khi Mỹ để lộ ý định đánh phá miền Bắc và đang đón đường dư luận, bộ Quốc phòng quân đội nhân dân Việt nam, Quân ủy Trung ương và các bộ tổng Tham mưu của Việt nam và Liên xô cũng như của Việt nam và Trung Quốc đã có những thỏa thuận bí mật về việc tăng cường chi viện cho Việt nam, vừa là một thành viên, vừa là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa. Một đoàn đại biểu quân sự cấp cao Liên xô do đại tướng Ba-tốp (Batov)[4] dẫn đầu và một đoàn đại biểu quân sự cấp cao của Trung Quốc do nguyên soái Diệp Kiếm Anh dẫn đầu đã sang Việt nam để tìm hiểu kỹ tình hình tại chỗ, nhằm triển khai thỏa thuận quan trọng ấy.
Giữa năm 1963, lại một đoàn quân sự của Trung Quốc do đại tướng La Thụy Khanh cầm đầu sang Việt nam. Lúc ấy tôi đang ở Bộ chỉ huy Quân khu 4 đóng tại Vinh, tướng Nguyễn Đôn là Tư lệnh và tướng Chu Huy Mân là Chính ủy. Tôi thuộc trong ban đón tiếp các đoàn trên, góp phần vào báo cáo tình hình mọi mặt của Quân khu, tổ chức cho các đoàn tham quan và giải trí (biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, thăm quê hương ông Hồ Chí Minh, thăm đền Bà Triệu, thăm vùng giới tuyến Vĩnh Linh...) Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc La Thụy Khanh và các tướng khác của Trung Quốc đi trong đoàn đã thỏa thuận với Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt nam một nguyên tắc: nếu Hoa Kỳ dùng không quân xâm phạm không phận miền Bắc, thì không quân Trung Quốc sẽ tham chiến; nếu Hoa Kỳ dùng hải quân xâm phạm hải phận miền Bắc, thì một bộ phận hạm đội Đông Hải của Trung Quốc sẽ tham chiến cùng với hải quân Việt nam và nếu Hoa Kỳ đưa bộ binh vào địa phận miền Bắc, thì lục quân Trung Quốc sẽ vào tham chiến. Địa hình Quân khu 4 (từ Thanh Hóa vào đến Vĩnh Linh) được coi là trọng yếu. Các sĩ quan cao cấp của Trung Quốc nghiên cứu tỉ mỉ khu vực này trên thực địa, từ bãi biển, sông ngòi, rừng núi đến đường xá, cầu cống, phương thức vận chuyển và đã bàn đến các phương án tác chiến có thể sẽ triển khai, cách phối hợp các đơn vị của hai quân đội Việt nam và Trung Quốc khi chiến đấu chống lại quân đội Hoa Kỳ. Các cán bộ chỉ huy của không quân Việt nam và không quân vùng Hoa Nam của Trung Quốc (gồm các Quân khu Quảng Tây, Quảng Đông và Vân Nam) đã tìm hiểu các sân bay ở miền Bắc Việt nam và vùng Hoa Nam Trung Quốc để làm quen, rồi sẽ sử dụng chung, để có thể hợp đồng chiến đấu chặt chẽ, có thể cất cánh ở sân bay Việt nam rồi hạ cánh ở sân bay Trung Quốc hoặc ngược lại v.v... Chính tướng Đào Đình Luyện, Tư lệnh không quân Việt nam (sau này lên Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt nam) đã kể lại cho tôi nghe những điều trên đây.
Thế rồi sự kiện vịnh Bắc Bộ (Tonkin Gulf) xảy ra vào đầu tháng 8.1964. Hải quân Hoa Kỳ xâm phạm hải phận miền Bắc Việt nam và đã chạm súng với hải quân Bắc Việt nam. Trung Quốc không hề có phản ứng gì! Vì sao? Vì Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh không thuyết phục được các ông Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh ngả hẳn về phía Bắc Kinh và công khai lên án "bọn xét lại Khơ-rút-xốp phản bội trong khi đảng Lao động Việt nam cố giữ thế đi dây đứng giữa, nhưng vẫn phần nào nghiêng về phía Trung Hoa. Trung Quốc cho Việt nam có thái độ ba phải, không rõ ràng. Đến đầu tháng 8.1965, Mỹ mở chiến dịch "Sấm rền" ("Rolling thunder") với cái cớ trả đũa căn cứ quân sự Mỹ đóng ở Plây-ku bị tiến công, oanh tạc bằng không quân một số nơi ở Quảng Bình, Nghệ An, Quảng Yên... thuộc miền Bắc Việt nam. Trung Quốc vẫn bất động! Chẳng những thế, thủ tướng Trung quốc lúc bấy giờ là Chu Ân Lai còn tuyên bố: "Người không động đến ta, thì ta không động đến người!".
Hồi đó ở Hà Nội, giới lãnh đạo miền Bắc rất lo Mỹ biết thái độ tráo trở của Trung Quốc và coi đó là tín hiệu khuyến khích họ leo thang mạnh hơn nữa ra miền Bắc. Nhưng nỗi lo ấy có vẻ thừa! Hồi ấy giới lãnh đạo miền Bắc lo nhất là Mỹ có thể cho quân đổ bộ vào đất liền, trấn giữ một đoạn trên đường mòn Hồ Chí Minh, hoặc chiếm một khu vực thuộc vùng "cán xoong" ở khu 4, làm đảo lộn kế hoạch vận chuyển chiến lược từ miền Bắc vào miền Nam. (Con đường vận chuyển trên biển qua Xi ha-núc-vin sau này chỉ chiếm dưới 2% tổng khối lượng hàng quân sự từ miền Bắc chuyển vào miền Nam). Nỗi lo này cũng lại thừa! Mỹ đã không hành động như giới lãnh đạo miền Bắc lo ngại. Cho đến năm 1971, quân đội Sài Gòn mới đánh vào đoạn đường vận chuyển vào miền Nam nằm trên đất Lào. Lúc đó, so sánh lực lượng hai bên đã khác hẳn. Quân Mỹ đã rút chân ra khỏi cuộc chiến, thế trận của họ ở miền Nam đã yếu đi rất nhiều.
Về phía Liên xô, thái độ rất rõ. Một mặt họ coi tình trạng Hoa Kỳ sa lầy ở Việt nam là dịp tốt để vươn mạnh lên đuổi kịp và vượt Mỹ về mọi mặt.. Mặt khác, họ luôn khuyến khích, ép Việt nam tìm con đường thương lượng với Mỹ vì sợ chiến tranh lan rộng họ bị vạ lây. Họ nói: Việt nam sức mấy mà đọ được với siêu cường Hoa Kỳ! Hãy thi đua hòa bình với Mỹ và các nước tư bản rồi cuối cùng thế nào phe xã hội chủ nghĩa cũng sẽ thắng? Nếu cứ liều lĩnh lao vào cuộc chiến, thì sẽ bế tắc. Những người lãnh đạo hàng đầu của Liên xô lúc đó như Khơ-rút-xốp, Mi-côi-an, Xu-xlốp, Cô-xư-ghin... đều chung một ý kiến ấy. Nguyên soái Grês-cô còn vỗ vai tướng Giáp nói: "Thế là đủ rồi, chớ có dại lao tiếp vào lửa chiến tranh, sẽ bị tàn phá hết, đến lúc cái quần đùi cũng chẳng còn!"
Hà Nội giấu kỹ thái độ lừng khừng, tráo trở của hai "ông anh lớn", lo Mỹ biết và khai thác. Để nghi binh, Hà Nội luôn nói to: cả phe xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên xô và Trung Quốc, trước sau đều ủng hộ mạnh mẽ, có hiệu quả sự nghiệp chống Mỹ của nhân dân Việt nam cho đến thắng lợi hoàn toàn. Phía Mỹ đã nhầm khi đáng giá quá cao "tinh thần quốc tế vô sản" của Mát-xcơ-va và Bắc Kinh đối với Hà Nội trong vấn đề chiến tranh ở Việt nam?
Trong chiến tranh, các ông hiểu tình hình chính tri của nước Mỹ bằng cách nào?
Chủ yếu qua báo chí, đài phát thanh và sách xuất bản ở Hoa Kỳ. Chúng tôi có các cơ quan ngoại giao và đại diện của Việt-nam thông tấn xã ở Paris, Niu Đê-li, La Ha-van... Các báo thế giới (Le Monde), Nhân đạo (Humanité), Thời đại (Times), Tuần tin tức (Newsweek), Bưu điện Oa-sinh-tơn (Washington Post) được gửi rất đều về Hà Nội. Việt nam thông tấn xã có một nhóm chuyên khai thác, dịch nguyên văn hoặc trích dịch các bài báo chính, in trong Bản tin đặc biệt hàng ngày và chỉ dành cho một số ít cán bộ từ cấp thứ trưởng, viện trưởng trở lên đọc. Tôi cũng tham gia việc dịch này. Cuốn sách "Những người tài giỏi nhất và xuất sắc nhất" (The Best and the Brightest) của Đa-vít Hem-bơ-xtem (David Hamberstam), cuốn "Tết" của Đông Ô-bên-đâu-phơ (Don Obendofer) tôi nhận được rất sớm và lược dịch ngay cho các vị lãnh đạo đọc. Về sau có trích in trên Tạp chí Cộng sản, báo Quân đội nhân dân. Những hồi ký của Giôn-xơn (L. Johnson), của Ních-xơn (R. Nixon), của Kít-xinh-giơ (H. Kissinger)... cuốn "Tổn thất đầu tiên" (The first casuality) của Thao-xen Húp (Towsend Hoopes) cũng rất bổ ích để hiểu chính giới Mỹ. Những sự tìm hiểu như vậy cũng có những sai lệch! Một số vị lãnh đạo miền Bắc ít học, chưa hề ra nước ngoài, chỉ quen đọc sách báo đã được lựa chọn cho có lợi, một chiều, có khuynh hướng cho rằng: các nghị sĩ Mỹ phần lớn đều như Morse, Gruning, Fulbright, Mansfield..., các nghệ Mỹ đều như Jane Fonda, Joan Baez..., các và vận động viê n đều như Mohamed Ali..., các trí thức phương Tây và Mỹ đều như Bertrand Roussel, Gábriel Kolko, Ramsey Clark, giám mục Thomas Grimbleton... các nhà báo đều như Walter Cronkite, Don Luce, Tom Hay den, John Hittinger... còn các sĩ quan Mỹ đều tàn ác như trung úy Calley[5] ở Mỹ Lai cả!
Cũng từ cách nhìn như thế, khi nói đến xã hội phương Tây và Mỹ là họ nghĩ ngay rằng, tại đó công nhân suốt ngày đình công, bãi công, sống trong các khu ổ chuột, còn lính Mỹ ở miền Nam luôn phản chiến, lính da đen chuyên ném lựu đạn giết sĩ quan da trắng... Các bức ảnh cựu binh và lính Mỹ đốt cờ Mỹ, vứt huân chương, cắm cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt nam trên tượng nữ thần Tự do ở New York, ôm đầu khóc lóc ở dưới hầm ở Khe Sanh... và các phi công Mỹ tiều tụy, cúi đầu bị giải đi trên đường phố Hà Nội... được phóng to, in đi in lại trên báo chí, bích trương để gây ấn tượng. Những hình ảnh đó, tuy phản ánh thiên lệch về nước Mỹ, nhưng đã góp phần nuôi dưỡng ý chí chiến đấu và niềm tin thắng lợi của chúng tôi trong chiến tranh..
Cách ra quyết định về quân sự của Quân đội Nhân dân như thế nào?
Trong thời gian chiến tranh, Đại hội đảng và Hội nghị Trung ương đảng rất ít họp. Các hoạt động quân sự được tiến hành theo từng năm và từng mùa (Thu - Đông và Xuân-Hè) và đều dựa vào nghị quyết của Bộ Chính trị, sau đó là nghị quyết của Quân ủy Trung ương. Bộ Chính trị thường có 11 hoặc 13 người, Quân ủy Trung ương có 7 hoặc 9 người. Tất cả đều theo nguyên tắc: đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện, thường xuyên và tuyệt đối quân đội. Các cuộc họp Bộ chính trị đều được chuẩn bị trước chừng hai tháng. Cục tác chiến Bộ tổng tham mưu phải báo cáo cho các ủy viên Bộ Chính trị cụ thể tình hình các chiến trường và đề ra chủ trương quân sự cho sáu tháng tới. Khi họp Bộ Chính trị, cục trưởng Cục tác chiến thường được dự để làm thư ký, ghi biên bản cuộc họp.
Sau đó là các hội nghị đảng ủy các Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng. Tiếp theo là hội nghị đảng ủy các sư đoàn họp để nghiên cứu nghị quyết Bộ Chính trị và ra nghị quyết của đảng ủy mình để thực hiện. Tiếp đến là hội nghị đảng ủy cấp trung đoàn, tiểu đoàn và cuối cùng là hội nghị chi bộ (thường ở cấp đại đội) ra nghị quyết và kế hoạch hành động cho đơn vị mình.
Dựa vào các nghị quyết đảng ủy, các tư lệnh, chính ủy, tham mưu trưởng, chủ nhiệm chính trị, chủ nhiệm hậu cần... ở các đơn vị đề ra các kế hoạch hành động cụ thể về các mặt huấn luyện, chuẩn bị chiến trường hành quân, đảm bảo kỹ thuật, phương án tác chiến... cho đơn vị mình. Thường thường, bí thư đảng ủy là chính ủy, tư lệnh là phó bí thư đảng ủy, nhưng cũng có khi tư lệnh kiêm bí thư đảng ủy, chính ủy là phó bí thư. Khi tư lệnh và chính ủy có ý kiến khác nhau, nếu là vấn đề quân sự, thì phải theo ý kiến của tư lệnh, đồng thời báo cáo lên trên.
Về mặt quân sự, các tỉnh ủy các tỉnh trong một Quân khu đều phải chấp hành nghị quyết của Bộ Chính trị và của Quân khu ủy về những vấn đề quân sự trong tỉnh mình như: tuyển quân, huy động dân công phục vụ chiến trường, huy động vật lực: gạo, thực phẩm và phương tiện giao thông cho quân đội đóng quân hoặc chiến đấu trong địa bàn của tỉnh. Tất cả các nghị quyết về các vấn đề quân sự của Bộ Chính trị, của đảng ủy các cấp trong quân đội, đều được xếp vào loại "tuyệt mật", được ghi chép trong sổ bảo mật, không được mang theo khi đi chiến đấu.
Các nghị quyết của Bộ Chính trị và đảng ủy các cấp thường có nội dung gì?
Trong chiến tranh, các nghị quyết của Bộ Chính trị về chỉ đạo chiến tranh và các nghị quyết đảng ủy trong quân đội thường có các nội dung như sau:
- Tình hình chung: những nét lớn của thời cuộc thế giới, tình hình đối phương (chủ trương, chiến lược, dự tính của chính quyền Mỹ, tình hình hậu phương Mỹ, tình hình quân sự ở miền Nam, hoạt động của đối phương, dự kiến kế hoạch sắp đến của đối phương... )
- Quyết tâm của Hà Nội: ở miền Bắc, ở miền Nam, phối hợp quân sự và ngoại giao, đánh và đàm, nhiệm vụ quân sự trong thời gian tới. Mục tiêu cần đạt Chỉ tiêu về mở rộng vùng giải phóng, giành dân, diệt địch, phá phương tiện chiến tranh, lực lượng huy động, phối hợp giữa chủ lực, quân địa phương, quân du kích, hướng tiến công, phương châm chiến đấu.
- Những chỉ dẫn cho các ngành, các đơn vị. Công tác tham mưu, chính trị, hậu cần. Phân công cho các quân đoàn, sư đoàn, binh chủng... Hệ thống chỉ huy, phương án thông tin liên lạc. Dự kiến xử trí các trường hợp đặc biệt. Quy định thời gian: công tác chuẩn bị, chiến đấu, tổng kết, công tác bảo mật, nghi binh...
- Kèm theo một số biểu đồ, thống kê, bản đồ chiến dịch, sơ đồ các trận chiến đấu chính...
Theo ông, đâu là nét đặc sắc nhất của Quân đội Nhân dân Việt nam trong khi chiến đấu với Mỹ?
Có nhiều nét đặc sắc: sức bền bỉ chịu đựng gian khổ vượt qua rất nhiều khó khăn, khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh, khôn ngoan, nhiều mưu mẹo. Theo tôi, nét đặc sắc nhất là thực hiện chiến thuật du kích với vũ khí hiện đại. Nói đến du kích, người ta thường nói đến vũ khí thô sơ: gậy, dao, kiếm, lựu đạn, chông, mìn, súng trường... Các đơn vị chúng tôi ở miền Nam luôn được cải tiến trang bị, khi chiến đấu với quân đội Mỹ đã có súng AK-47, trung kiên RPD, đại liên, súng chống tăng B-40, cối 60 mm và 82 mm, súng DKZ-75 mm, hỏa lực hơn hẳn thời chống Pháp. Về sau có cả pháo lớn, xe tăng, xe bọc thép... Các đơn vị tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn biên chế thống nhất, chính quy, vũ khí hiện đại, nhưng đóng quân, hành quân lại theo kiểu du kích, phân tán, không có doanh trại cố định, phân tán trong rừng, nằm võng.
Chiến đấu theo kế hoạch rất tỉ mỷ kiểu chính quy, hợp đồng giữa các đơn vị chặt chẽ nhưng vẫn theo tư tưởng "du kích chiến", lúc ẩn lúc hiện, tránh đối phương, chỉ chấp nhận đọ sức khi chắc thắng, đánh gần, đánh nhanh, táo bạo, bất ngờ, kết thúc thật lẹ để phân tán "nhập vào thiên nhiên". Cách đánh như thế mang bản chất Việt nam. Các trường quân sự Liên xô không dạy, các trường quân sự Trung Quốc cũng không? Liên xô chỉ dạy chiến đấu chính quy, theo trận địa, hợp đồng binh chủng quân chủng hải, lục, không quân, đọ sức bằng hỏa lực, xe tăng, tên lửa đủ loại... Còn các chuyên gia quân sự Trung Quốc thì luôn khuyên chúng tôi là ở miền Nam Việt nam chỉ nên đánh kiểu du kích thôi, chỉ dùng đơn vị cỡ đại đội là cao nhất. Đánh bằng đơn vị lớn hơn sẽ bị hỏa lực Mỹ (pháo binh, máy bay ném bom, trực thăng...) nghiền nát! Họ gọi kiểu đánh ấy là "du kích chiến" nhằm trường kỳ mai phục, có thời cơ chính trị thì nổi dậy khởi nghĩa bằng sức của đông đảo của quần chúng?
ở miền Bắc, khi chống cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ, nét đặc sắc trong chiến đấu của Quân đội nhân dân là gì?
Chúng tôi vừa chiến đấu, vừa phòng tránh. Phân tán, sơ tán, di chuyển về nông thôn, vùng rừng núi. Các thành phố, thị trấn trở nên vắng vẻ. Phần lớn người ở thành phố đều có gốc gác, bà con họ hàng ở nông thôn. Nhà máy, trường học cũng di chuyển về nông thôn.
Còn chiến đấu thì phối hợp cả súng trường, súng máy, súng cao xạ với tên lửa, máy bay, phối hợp các tầng hỏa lực thấp, vừa và cao. Riêng tôi, tôi cho nét đặc sắc nhất của miền Bắc trong cuộc chiến đấu chống máy bay Mỹ là máy bay MIG-2 1 của không quân miền Bắc đã nghênh chiến và bắn hạ những chiếc Thần sấm F-105 (Thunderchief), Con ma F-4 (Fantom) và cả Siêu pháo đài bay B-52 của Mỹ. Tôi đã ở trong hầm chỉ huy của các sư đoàn không quân tại các sân bay Gia Lâm, Nội Bài, Hòa Lạc gần Hà Nội, để theo dõi hơn mười cuộc chiến đấu của MIG-21. Thường chỉ có hai MIG hoặc bốn MIG tham chiến trong một trận đánh. Phía Mỹ là trên dưới mười máy bay, vòng trong, vòng ngoài, trên tầng cao, ở tầng trung, có khi vài chục chiếc. Kiểu chiến đấu của không quân miền Bắc vẫn là kiểu dùng vũ khí kĩ thuật hiện đại trong cách đánh mang tính chất du kích.
Ra-đa theo dõi máy bay Mỹ từ khi những máy bay đó bay vào bầu trời Việt nam. Các nữ chiến sĩ tiêu đồ theo thông báo của ra-đa, vẽ đường bay của các máy bay Mỹ bằng bút chì xanh trên bản đồ lớn bàng mi-ca. Người chỉ huy trận đánh (thường là sư trưởng hoặc tham mưu trưởng sư đoàn không quân) theo dõi chặt đường bay của máy bay Mỹ. Khi thuận lợi, ông ra lệnh cho MIG xuất kích. Các nữ chiến sĩ tiêu đồ theo thông báo của rađa vẽ đường bay của MIG bằng màu đỏ. MIG bay theo lệnh của người chỉ huy từ mặt đất, dẫn theo tốc độ và góc bay để tiếp cận phía sau máy bay Mỹ nào đó đã được chọn để công kích cho đến khi người lái MIG báo về: đã thấy mục tiêu. Khi đến gần mục tiêu, lệnh phóng tên lửa tìm nhiệt được phát đi (thường là trong khoảng cách từ hai trăm đến ba trăm mét, có khi gần hơn), máy bay tiến công (được gọi qua điện đài liên lạc là số 1) phóng một hoặc liên tiếp hai tên lửa về phía mục tiêu. Máy bay mang số 2 có nhiệm vụ yểm trợ cho số 1, khi thuận lợi cũng tham gia tiến công vào máy bay Mỹ, có khi cùng một mục tiêu với số 1, có khi một mục tiêu khác ở gần đấy. Ngay sau khi phóng tên lửa, MIG lập tức đâm bổ đầu xuống gần mặt đất rồi lao về hạ ở sân bay gần nhất, chui vào các công sự, có khi là hang lớn khoét trong sườn núi.
Các trận đánh diễn ra chớp nhoáng, từ khi xuất kích đến khi hạ cánh chỉ chừng sáu, bảy phút, có khi ngắn hơn. Trận đánh thật sự khi giáp trận chỉ mươi giây đồng hồ. Tôi đã một số lần nghe rõ người lái MIG-21 kêu lên trong ống nói truyền về sở chỉ huy: Trúng rồi!", "Cháy rồi?", "Báo cáo mục tiêu đã trúng!" và "Tôi thấy một tên đã nhảy dù "Báo cáo hai dù đã mở!". Có người lái là Nguyễn Văn Năm sau khi bắn rơi một F-105 đã la lên liên tiếp hàng chục lần: "Cháy rồi? Rơi rồi! Alô, Alô, cháy rồi, cháy rồi! Rõ quá! Rõ quá? ".
Tháng 12.1972, đại úy Phạm Tuân hạ một B-52 trong đêm tối cũng theo cách đánh như thế: bất ngờ xuất kích, bay lên cao khi ngang tầm B-52, phóng tên lửa vào chiếc đi cuối cùng rồi lao xuống thấp hạ xuống sân bay Kép. Trận xuất kích kéo dài không đến tám phút.