Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Bài Viết >> Mây mù thế kỷ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 33208 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mây mù thế kỷ
Bùi Tín

Phần 2
Một số người bị quan, thậm chí cho rằng dân Việt nam quá mệt mỏi trong chiến tranh triền miên, quá nghèo đói, lạc hậu, đã trở nên hèn, sợ bạo quyền, không dám đứng dậy đòi tự do.
Đó là một cách nhìn phiến diện, hời hợt; xã hội nào cũng có người hèn, người không hèn. Tùy theo điều kiện sinh sống, giáo dục, rèn luyện, quan hệ xã hội, quá trình sống. Dân tộc Việt nam ta có những đức tính, truyền thống bền vững qua lịch sử lâu dài đầy thử thách. Đó là truyền thống bất khuất trước cường quyền, truyền thống nhân ái, chuộng công lý lẽ phải. Anh hùng, sĩ phu nước ta thời nào cũng có, tiêu biểu cho lương tâm dân tộc. Đất nước hiện nay cần nhất là tự do để phát triển bằng người. Một loạt nhân vật kể trên là tiêu biểu cho lương tâm dân tộc hiện nay. Họ không sợ cường quyền. Hãy nghe khẩu khí của họ - nhà thơ Bùi Minh Quốc, bạn tôi, viết mấy dòng thơ, gửi sang Pháp:
Có lẽ nào?
Có lẽ nào?
Lịch sử
Lại như con thò lò trong ván bài quỷ dữ
Máu nhân dân tuôn chảy đúc ngai vàng
Bạo chúa ngồi lem lém tụng "nhân dân"...
Đó "Hèn" như vậy đó? Dám gọi kẻ cầm quyền thối nát là quỷ dữ, ngồi trên "ngai vàng đúc bằng máu nhân dân, gọi chúng là "bạo chúa" lem lém tụng "nhân dân"?
Những vần thơ bộc trực, khảng khái đó là vết chàm kết tội, in dấu trên trán bọn cầm quyền tham nhũng.
"Hèn nữa của Bùi Minh Quốc là câu thơ kết thúc bài thơ Những người tháng Tám:
ở trong tôi là triệu người đã khuất
Đang thét đòi máu nợ:
Tự do! Tự do!
Nhà thơ Phùng Quán cũng có khí phách như vậy:
Yêu ai cứ bảo là yêu,
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu...
va:
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá!
Một tuyên ngôn rõ ràng, lẫm liệt, đập thẳng vào mặt chính quyền độc đoán. Tôi xin được nhắc thêm mấy câu thơ của Bùi Minh Quốc đang bị quản thúc ở Đà Lạt chỉ vì nhà cầm quyền khiếp sợ những câu thơ cảm khái của anh chửi thắng vào mặt bọn tán tận lương tâm cướp đoạt mọi tài sản chung:
Chúng đang nhậu từng cánh đồng dải núi
Từng mảng trời, ruột đất lòng khơi
Nhậu mọi thứ từ Vua Hùng để lại
Nhậu tới nàng Tô Thị rã thành vôi...
và lời cảnh cáo dõng dạc:
Đến người chết cũng đội mồ đứng dậy
Khi trên đời còn một mảng bất công!
Đây là khẩu khí văn học, tiêu biểu cho khẩu khí dân gian đang ngày đêm vang khắp hang cùng ngõ hẻm đòi công lý, nhân phẩm, kết tội những kẻ chà đạp quyền sống tự do của dân đen.
Nỗi sợ đối với chính quyền độc đoán có thật sự giảm bớt nhiều trong đồng bào ta ở trong nước không?
Khó mà đo cho chính xác được. Nhưng có thể cảm thấy rõ.
Đây là một kết quả nổi bật của thời mở cửa. Sau hơn 10 năm mở cửa, nhất là từ đại hội 7, sau khi Liên xô sập đổ, người dân trong nước không còn bị bưng bít như xưa. Trước kia dân ta như ở đáy giếng, không hiểu gì xung quanh. Đảng cho biết gì thì biết. Nay đã có giao lưu rộng. Thư từ. Bà con thăm viếng. Khách du lịch. Phim, ảnh, thu thanh, video, ti vi
Thêm nữa, đảng đổ đốn, tham nhũng tràn lan, bất công khủng khiếp, dân đen nghèo khổ, nỗi căm giận tăng, thì nỗi sợ giảm. Người ta chửi công khai bọn tham nhũng, coi như dòi bọ lúc nhúc. Cần nói thêm là nỗi sợ di chuyển - chuyển từ dân sang quan. Gương Đại Hàn, hai cựu tổng thống vào tù vì tham nhũng. Gương Tổng Thống Marcos, hét ra lửa một thời bị kết án, trốn đi. Gương tướng Suharto ở Nam Dương mới đây, bị dân chỉ mặt: cướp đoạt 4 tỷ đô la cho gia đình, cả một triều đình nháo nhác... Cho nên khẩu hiệu chống tham nhũng, bình đẳng trước pháp luật, họ rất sợ.
Họ sợ nên rất muốn trừng trị ông Trần Độ nhưng phải vừa dọa, vừa xoa. Lê Khả phiêu gặp hai lần ông Hoàng Minh Chính; Lê Khả phiêu cũng đến chúc Tết (?) ông Trần Độ. Vừa để đe nẹt, vừa thăm dò, vừa xoa dịu. Nhưng chưa dám khai trừ ông. Sợ phản ứng ở trong đảng, ở ngoài xã hội.
Sợ cho nên hèn. Ông Phạm Thế Duyệt, ủy viên thường vụ, thường trực Bộ Chính Trị, coi như nhân vật số 2 của đảng, cũng đến thăm ông Trần Độ, sau khi báo Nhân Dân và báo Quân Đội Nhân Dân đăng gần 20 bài lên án, phê phán, chụp mũ bằng giọng điệu phỉ báng ông Trần Độ. Họ trích dẫn, cắt xén, xuyên tạc bức thư của ông Trần Độ nhưng lại không dám nêu một lần tên ông! Hèn hơn nữa là khi ông Trần Độ hỏi ông Duyệt: Có phải các anh mở chiến dịch công kích tôi trên báo đảng không" thì ông Duyệt chối bai bải là không có chủ trương, không có chiến dịch công kích như thế! Họ sợ lẽ phải, sợ công luận. Cái thế của họ sa sút đến thế đó Làm đó rồi chối đó. Thật là miệng quan trôn trẻ. Dân ta bớt sợ nhiều rồi. Tôi xin kể một chuyện. Khi nhà báo Pháp của RFI sang Việt nam và lên tận nhà tù Thanh Cẩm (Thanh Hóa), có hai người Việt nam hướng dẫn tỷ mỷ để họ đi đến nơi, về đến chốn nơi xa lạ đối với họ. Đó là hai người tù chính trị cũ, từng là đại úy trong quân đội thời ông Bảo Đại sau 1954. Một ông tên là Kiều Duy Vĩnh, một ông có biệt danh là Văn thợ mộc (muốn biết thêm về ông này, xin đọc Đêm Giữa Ban Ngày của nhà văn Vũ Thư Hiên - nhà xuất bản Văn Nghệ). Ông Vĩnh và ông Văn còn đàng hoàng trả lời vô tuyến truyền hình Pháp về vấn đề tù chính trị ở Việt nam, đâu có sợ, đâu có ngán chính quyền độc đoán?
Hơn nữa khi công an hỏi hai ông, hai ông đều trả lời đàng hoàng: họ hỏi đường do không biết, chúng tôi biết thì chỉ cho họ. Chúng tôi cho là họ làm điều tốt thì giúp, vậy thôi..
Khi ra tới cửa trạm công an, ông Văn còn chỉ ảnh ông Hồ Chí Minh treo trong phòng lớn, nói: Các chú còn để ảnh cái ông già kia làm gì! Vì ông già kia mà gia đình tôi tan nát và biết bao bà con ta khổ cực!
Mấy tay công an trẻ nghe rõ hết, không dám phản ứng, chỉ cười hì hì xoa dịu: sao bác lại nôi thế! rồi tiễn ra cửa... Trước kia mà nói vậy là mang tội chết chắc chắn!
Sự thay đổi trong nỗi sợ cường quyền được đo" qua những cảnh sống động như thế.
Hiện nay cuộc vận ông dân chủ đã đạt đến đỉnh cao chưa.
Theo tôi, đến mùa xuân Mậu Dần đầu năm 1998 này, cuộc vận động dân chủ đã đạt đến một đỉnh cao. Điều này không phải ngẫu nhiên. Nó do tình thế tạo nên. Do những nguyên nhân xa và nguyên nhân gần. Đổi mới nửa vời đạt kết quả khả quan về kinh tế thôi thúc người lao động đóng góp cho phát triển, quý trọng, giữ gìn những thành tựu, không để mai một. Không tiến lên thì có nguy cơ mọi thành tựu bị triệt tiêu. Họ hiểu rõ cuộc sống có khấm khá lên là không phải công ơn của đảng, mà là do đảng đã buộc phải trả lại xã hội cái quyền tự do làm ăn mà đảng đã tịch thu từ lâu. Cuộc khủng hoảng rộng lớn về kinh tế tài chính ở châu á thúc ép thêm mọi suy nghĩ tích cực để thoát hiểm. Đại hội 8 chứng tỏ không đoán bệnh và bốc thuốc đúng đắn. "Cơn bão Thái Bình" là lời cảnh cáo nghiêm khắc đối với cường quyền. Nguồn đầu tư từ nước ngoài sút giảm, khiến đường xa nghĩ đến sau này mà kinh! Sự chia rẽ, chửi bới nhau trong nội bộ đảng chưa bao giờ tệ hại như hiện nay: một phó thủ tướng cũ viết hồi ký gọi một đại tướng là "y", một tài liệu nặc danh tán phát rất rộng kể tội viên đại tướng có 7 tội lớn (như sớ thất trảm hồi xưa), một thư lưu truyền trong quân đội kể tội "bốn tên họ Lê: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu", đòi "đưa bốn tên họ Lê này ra trước Tòa án quân sự", cáo giác thủ tướng Phạm Hùng đã đội tử trên bụng bà Trần Thị Trung Chiến, hiện là bộ trưởng, ủy viên Trung ương đảng... Đảng chẳng còn ra cái thể thống gì nữa. (Xem phụ lục, do độc giả cung cấp thêm)
Chúng tôi luôn nhận được những thông tin đáng phấn khởi từ trong nước. Luật sư Đàm Văn Hiếu từng cãi cho ông Lê Hồng Hà trước tòa án đã gửi đơn yêu cầu tòa án xem lại vụ án ấy vì nó đã xét xử không đúng luật. Đây là cuộc dấn thân của một nhà luật học gây tiếng vang lớn trong hệ thống tư pháp. Ông Trần Quang Huy, một cựu ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bộ trưởng, trước khi mất đã dứt khoát từ chối chỗ "nghỉ" trong Nghĩa trang Mai Dịch vì "nó thối lắm rồi", và yêu cầu được hỏa thiêu.
Một bạn từ Sài Gòn điện thoại sang Paris cho biết tang lễ "Cụ Già Chợ Đệm" Nguyễn Văn Trấn có khá đông sinh viên trẻ đi dự. Các em thắp hương trước linh cữu và khấn to, rất to: chúng cháu xin hứa đấu tranh bất khuất theo gương bác để giành tự do, dân chủ, trước hết là tự do báo chí cho đến thắng lợi. Các bạn trẻ một số trường đại học cho ra báo Thao Thức được giới trẻ chuyền tay nhau đọc. Chúng tôi cũng nhận được bài viết của ông Trần Dũng Tiến một sĩ quan có chiến tích vang dội, quyết tử quân Thủ đô hồi 1946, tố cáo đích danh Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương Đảng phịa ra "bức thư mách bu" ký tên Hoài Việt - một Việt kiều ở Ca-li (Mỹ) nhằm bôi nhọ tướng Trần Độ; rồi bức thư ngỏ mang chữ ký 10 nhân vật cao cấp của đảng cộng sản tố cáo ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt cùng phó chủ tịch Hà Nội Đinh Hạnh về tội tham nhũng.
Thế kỷ 20 chỉ còn có hơn một năm nữa là kết thúc. Lịch sử loài người như muốn rảo bước, thanh toán mọi điều, xấu xa còn lưu cữu để bước vào thế kỷ mới, cũng là thiên niên kỷ mới với nhiều hứa hẹn.
Chính do những điều kiện ấy mà xuất hiện những kiến nghị mới với nội dung mới, tập trung đòi dân chủ và công lý. Có thể nói một thế lực đối lập khá vững chắc đang hình thành ở trong nước, một thế lực bao khắp nhiều vùng của đất nước, từ thành thị đến nông thôn, bao trùm mọi giới, đang tìm mọi cách liên hệ với nhau, phối hợp với nhau, tập họp lại gần như công khai để đi đến nội dung đấu tranh thống nhất. Thống nhất trong nước với nhau, thống nhất trong với ngoài nước, hỗ trợ cho nhau, truyền âm, tăng âm cho nhau dựa vào những phương tiện truyền thông hiện đại.
Do đó sau đỉnh cao vận động dân chủ đầu xuân năm 1998 này sẽ có những đỉnh cao hơn nối tiếp nhau theo kiểu triều dâng trong mùa nước lên. Tôi mong và, tin rằng cuộc vận động dân chủ đẹp đẽ đầy triển vọng sẽ lôi cuốn mọi tấm lòng yêu nước, thương dân trong nước và ngoài nước tham gia một cách thiết thực, trên tinh thần góp gió thành bão. Một cuộc dấn thân tự nhiên, nhẹ nhàng, hào hứng của triệu con em đất Việt. Thời cơ đã đến rồi.
Đảng cầm quyền không thể cầm quyền như hiện nay được nữa.
Người dân không thể sống như vừa qua và hiện nay được nữa.
Thế giới hiện đại không thể để cho nhân dân Việt nam sống không có tự do và dân chủ được nữa.
Dòng chảy của lịch sử thế giới ngày nay đang thừa sức cuốn đi mọi sức ỳ tệ hại, cuốn đi những di sản nặng nề cùng những mây mù trong nhận thức của thế kỷ 20 đang kết thúc.

Cộng đồng người Việt ở nước ngoài nên làm gì trước thời cơ ấy?
Sức ỳ của chính quyền độc đoán còn tồn tại chỉ vì sức ép từ bên ngoài chưa đủ mạnh. Gần đây, Hà Nội hay nói đến nội lực, cái sức ở bên trong cơ thể. Nội lực của đáng đã yếu, yếu lắm rồi, nó sa sút rất nhanh sau khi đảng cộng sản Liên xô, đảng đàn anh, đảng trụ cột - quê cha đất tổ của chủ nghĩa cộng sản - sụp đổ tanh bành, nó tan nát trong kinh tế thị trường vì bị vi-rút tham nhũng thâm nhập vào xương tủy, nó rã rời vì các phe nhóm kình chống, chửi bới nhau, dành ăn với nhau, bôi nhọ nhau loạn xạ.
Trong lúc họ bối rối, gặp khó khăn gay gắt, đất như rung chuyển dưới chân họ, thì thật đáng tiếc cuộc đấu tranh của bà con ta ở hải ngoại, tuy có khá hơn trước, nhưng vẫn còn yếu. Sức ép của người Việt ở nước ngoài đối với chính quyền độc đoán ở trong nước chưa tương ứng với khả năng tiềm tàng của nó?
Ông nói đến sự thức tỉnh cần thiết như thế nào đối với người Việt ở hải ngoại hiện nay?
Với tất cả lòng ngay thật và quý trọng với tất cả khoảng 2 triệu bà con ruột thịt trải khắp trái đất này, tôi thấy bà con ta cần làm một cuộc nhìn lại mình cho thật rốt ráo, rút ra những kinh nghiệm quý báu nhất, từ đó cùng nhau đề ra một định hướng đấu tranh chung, những biện pháp đấu tranh thích hợp nhất có hiệu quá nhất, rồi tổ chức hành động thật mạnh mẽ, đồng bộ. Với tất cả tâm huyết với cộng đồng, tôi nói lên điều này.
Ông nói đến một cuộc kiểm điểm, một cuộc phản tỉnh, một cuộc kiểm thảo, tự phê bình ư?
Vâng, có thể đại loại là như thế. Không ồn ào, nhưng sâu sắc, bình tĩnh, có thực chất. Những người có trình độ, có uy tín, nhất là có tâm huyết nên gặp nhau làm việc này. Họ là élite, là tinh hoa, là "màng bơ" của cộng đồng. Tôi có thể kể một số tên các nhân vật như thế, nhưng lúc này chưa tiện, dễ gây hiểu lầm và rắc rối. Tôi tin ở cộng đồng ta vì có nhiều nhân tài và tâm huyết. Họ bị che khuất, ẩn mình, ít lộ diện. Có khi họ bị kèn cựa, chụp mũ, vu cáo...
Xin ông thử kể ra những vấn đề gì cần nghiên cứu, thảo luận, kiểm điểm?
Từ những vấn đề lịch sử chân thực của đất nước nửa thế kỷ qua; từ những mặt mạnh, mặt yếu của người Việt "quốc gia"; những sai lầm, thiếu sót khi còn cầm quyền ở miền Nam; những thành tích (khách quan), những đóng góp và những hạn chế, tiêu cực hiện tại của cộng đồng; phương hướng và biện pháp đấu tranh có hiệu quả là thế nào? Rồi tổ chức cộng đồng ra sao cho thích hợp. Hiện nay, quá nhiều tổ chức, rối tinh rối mù, nhiều nhân danh..., nhiều lạm dụng danh nghĩa... Rồi tác phong làm việc ra sao là tốt thiết thực, có hiệu quả. Một số bạn nhà báo, giáo sư ở Ca-li, Hao-xtơn - Tếch-dớt (Texas) cho tôi biết rằng một số vị lên gân, chống cộng hết mình chỉ là để kiếm phiếu, củng cố ghế ngồi theo kiểu tiên chỉ ở đình làng thòm thèm cái thủ lợn! Họ lợi dụng sự nhẹ dạ của bà con ta. Nhưng rồi họ cũng bị lộ tẩy. Cần có một số người lãnh đạo có tài, có đức có uy tín, tập họp được lòng người. Và rất cần "trẻ hóa" phong trào, huy động tuổi trẻ vào cuộc, tăng sinh khí, kiến thức, khoa học, nhiệt huyết... Mỗi công việc ta làm đều phải lấy đại khối đồng bào trong nước làm đối tượng. Vì đồng bào trong nước là lực lượng chủ lực, đông đảo, chiếm đến 95% số dân Việt ở mọi nơi, lại là lực lượng trực tiếp làm xoay chuyển tình thế, kết thúc chính quyền độc đoán. Tôi thấy các phong trào của cộng đồng ta còn có phần xa cách, chưa nắm kỹ nhận thức, suy nghĩ, ước muốn, tâm tư chung của đồng bào trong nước. Cần tập trung sức mở rộng quan hệ về trong nước, góp phần nâng cao dân trí về dân chủ, xóa tan những mây mù trong nhận thức của đồng bào do tuyên truyền của chế độ. Những lời chửi bới kiểu "chống cộng kiên định không có tác dụng gì mấy so với việc kiên nhẫn, bền bỉ đối thoại với người Việt trong nước một cách ôn tồn, thẳng thắn, gỡ dần những lầm lẫn trong suy nghĩ của họ bằng sức thuyết phục cao của lẽ phải và chân lý. Đó mới là phương sách có hiệu quả để mau kết thúc chế độ độc đoán đã về chiều.
Không bắc cầu nối cho thật chặt chẽ với trong nước thì kiểu cách "chống cộng ở hải ngoại còn rất ít hiệu quả và tác dụng, còn xa cách thực tế, mặc vào bệnh duy ý chí chẳng kém gì những người lãnh đạo cộng sản.
Xin ông cho biết một vài thí dụ về sự xa cách ấy?
Từ khi ở trong nước, tôi đã đọc một số báo tiếng Việt ở hải ngoại và nghe một số đài từ nước ngoài. Gần đây tôi có gặp một số anh em trí thức, cán bộ từ Hà Nội, Sài Gòn sang Pháp và đưa cho anh em xem khá nhiều báo, tạp chí tiếng Việt xuất bản ở Mỹ, Pháp, Đức... Một số tờ báo thật khó đọc, một số bài đọc trên đài khó nghe (khó nghe lọt tai vì nội dung chứ không phải vì kỹ thuật). Anh em phát biểu: họ nói về Việt nam như nói về một hành tinh nào? họ giàu tường tượng quá? Báo đài trong nước tô hồng, bôi đen, thì báo đài hải ngoại cũng tô đen, bôi hồng tùy tiện! Nhà cầm quyền trong nước nuôi dưỡng hận thù, thì một số giới ở hải ngoại còn nuôi dưỡng hận thù hăng hơn? Người lãnh đạo cộng sản dấu diếm sai lầm, khuyết điểm, tự cho là luôn sáng suốt, đúng đắn, thì các vị quốc gia cũng luôn tự cho là luôn đúng đắn, không hề phạm sai lầm? Tôi xin nói thật rằng những người "quốc gia" chưa tạo nên niềm tin đối với đồng bào trong nước. Bà con ta, đại khối gần 80 triệu người trong nước, tuy bị bộ máy tuyên truyền trong nước khống chế, điều kiện hóa, đã qua kinh nghiệm bản thân, hiểu được sự thật, chán ngấy với sự lãnh đạo cổ lỗ của đảng cộng sản, nhưng vẫn chưa được thuyết phục bởi những người "quốc gia". Có người tuy biết rõ sự thật, hiểu tình hình đất nước, nếu phải lựa chọn, họ vẫn lựa chọn những người "cộng sản" hơn là người "quốc gia". Không phải họ mù quáng đâu, mà họ thận trọng. Họ cần tìm hiểu, đánh giá qua thực tế đã. Họ băn khoăn tự hỏi: những người quốc gia từng cầm quyền ở miền Nam, từng có cơ hội biểu lộ khả năng kinh bang tế thế, sao lại gắn mình với thực dân Pháp? sao không xây dựng được miền Nam cho tốt đẹp? sao lại thất bại đến thế trong chiến tranh? nay để họ cầm quyền thì sẽ ra sao? Họ đã nhìn lại mình ra sao? Hơn nữa họ hận thù như vậy thì họ sẽ trả thù đến như thế nào?
Hiện nay, theo tôi hiểu đại khối đồng bào trong nước, từ nông dân, công nhân, trí thức đến bộ đội, sĩ quan, nhà kinh doanh, sinh viên, tuổi trẻ - mà tôi vẫn có quan hệ trực tiếp và gián tiếp - có một mong muốn chung là thay thế cho sự lãnh đạo độc đoán, bảo thủ "loạng choạng" hiện nay sẽ có một tập thể lãnh đạo mới mẻ, "mô đéc", gồm những người lương thiện, có kiến thức bất kể "cộng sản" hay "quốc gia, chủ yếu ở trong nước, được tiếp sức bởi một số nhân tài từ ngoài nước trở về. Những nhân vật này cần có ý thức dân tộc sâu sắc, có tinh thần dân chủ, có kiến thức hiện đại, để nắm vận mệnh " quốc gia.
Cái nhãn hiệu "cộng sản", "quốc gia", đã thuộc về dĩ vãng rồi. Các giá trị mới là: dân tộc, dân chủ, kiến thức mới. Tinh thần dân tộc là gốc, dân chứ là giá trị phổ cập của thời đại khơi dậy mọi tiềm năng, kiến thức là kho tàng văn hóa tích lũy của toàn nhân loại. Nước Việt nam nghìn năm văn hiến được nối tiếp đến nay để kéo dài, phát triển qua các giá trị: dân tộc, dân chủ, kiến thức hiện đại. để mà trường tồn..
Cho nên cái khẩu hiệu "chống Cộng" kiên định chống Cộng đến cùng, đòi cộng sản phải rút lui toàn bộ, phải ra đi hết, phải chuyển giao chính quyền, phải bàn giao lại cho người quốc gia, hay "đánh sập chính quyền cộng sản", "quang phục quê hương"... là không thích hợp, không thực tế, nếu không nói là lạc điệu với đồng bào trong nước..
Với đồng bào trong nước, các khẩu hiệu trung tâm, hấp dẫn, cấp bách nhất là: chống tham nhũng, chống bất công, chống cường hào mới, đồng thời đòi tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do xuất nhập cảnh, đòi thả hết tù chính trị, đòi quyền dân chủ, giải quyết các khiếu nại, kiện cáo của dân, đòi trả lại ruộng đất, nhà cửa cho dân, chống sa thải lao động...
Vậy người quốc gia có tương lai gì đối với nước Việt nam sắp tới hay không?
Tôi đã nghe một số vị "quốc gia" hỏi rằng liệu "bọn mình có thể về nước tham chính, nắm chính quyền không? Nếu cần chuẩn bị thì chuẩn bị cái gì?. Tôi rất cảm kích về sự chân thành của các vị. Và tôi trả lời rằng: Có lẽ nên để cho cánh trẻ nắm vận mệnh đất nước. Nhiều nước có tổng thống, thủ tướng... chỉ 38, 40, 50 tuổi. Hơn nữa tuổi trẻ không bị sự ràng buộc nặng nề của quá khứ. Hiện nay, nên để cho những người sinh ra trong nửa sau của thế kỷ 20 chấp chính.
Và cũng có lần tôi nói: tùy thuộc ở chính các vị. Tuy tuổi có cao, nhưng các vị có sức khỏe, có sức nghĩ trẻ, nhất là có tinh thần dân chủ thì tôi thấy các vị có thể được nhân dân chọn lựa chứ! Vì lúc ấy đã có dân chủ.
Còn bà con ta đã chán ngấy với các vị quan cộng sản rồi. Họ rất sợ các quan mới, đọc diễn văn kêu chan chát, lời lẽ hết sức hùng hồn, luôn dạy bảo "úy lạo nhân dân, nhân danh trung ương này, trung ương nọ... ra mệnh lệnh chỉ thị tới tấp... mà họ không sao nhận diện ra là người của dân, người của bà con ta... Trong cộng đồng ta số nhân vật như thế không thiếu, nhưng may thay những người có tấm lòng nhân nghĩa, có tâm huyết thật, khiêm tốn, giản dị, có kiến thức rộng... cũng không quá hiếm.
Hòa họp và hòa giải bị chống đối dữ dội, bị một số coi là thủ đoạn, là cạm bẫy của cộng sản, ông làm sao thuyết phục nổi họ?
Tôi rất tự tin là lẽ phải sẽ dược phần lớn bà con ta thừa nhận.
Tôi cũng bác bỏ, phản đối kiểu hòa hợp mà những người lãnh đạo cộng sản kêu gọi. Theo họ hòa hợp là cúi đầu phục tùng, chịu sự lãnh đạo của họ. Hòa hợp ấy hòa hợp giả cầy, kiểu ban ơn, trịch thượng. Một số người cộng sản cực đoan vơ đũa cả nắm, khinh thị nhân dân miền Nam, dùng khái niệm "ngụy quân", "ngụy quyền" và "dân ngụy" nữa. Một số người "quốc gia cực đoan cũng có ý niệm: "chống cộng tùm lum, chống cộng đến tên cộng sản cuối cùng, rồi có người còn thành kiến với đồng bào miền Bắc mà họ cho là dân cộng sản, tiêm nhiễm cộng sản. Riêng bởi vì có những thành kiến ấy mà "hòa giải, hòa hợp" là cần thiết. Khi còn "cộng sản" còn "quốc gia do lịch sử để lại thì còn cần đến hòa giải và hòa hợp, để hóa giải những hận thù, những hiểu lầm, những khác biệt.
Tôi viết báo, gặp anh em "cộng sản" và "quốc gia" trao đổi, nói chuyện ngay thật như thế này là tôi làm công việc hòa hợp, hòa giải giữa những người Việt nam với nhau, bắc cầu nối giữa những người tốt ở cả hai bên để phối hợp làm điều tốt cho đất nước.
Bà con ta, ở hai miền Nam Bắc, có quan hệ họ hàng, làng xóm, đồng hương, đồng học... gặp nhau nói chuyện, thảo luận, giúp đỡ nhau về vật chất, tỏ lòng quý mến tương trợ nhau... bỏ qua mọi khác biệt, hiềm khích do hoàn cảnh tạo nên, thế là hòa giải hòa hợp. Do đó hòa giải hòa hợp ta từng làm ở mọi nơi, suốt 23 năm nay, vô vàn, khôn xiết, là thực tế hiển nhiên, làm sao bác bỏ hay phủ nhận? Nay ta cần làm tiếp, có ý thức và chủ động hơn. Nên làm nhiều hơn nói.
Ông có kinh nghiệm riêng gì về hòa giải, hòa hợp? Tôi có kỷ niệm khá sâu sắc. ở Pháp, tôi gặp lại một bạn học cũ ở Huế thời xưa. Sau Cách Mạng tháng Tám, anh ấy vào bộ đội (lúc ấy gọi là Quân Đội quốc Gia Việt nam, sau là Quân Đội Nhân Dân) học ở trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn khóa 1, rồi làm việc ở bộ Tổng Tham Mưu ở Hà Nội. Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ tháng 12-1946 anh ấy lên Việt Bắc. Có sang Vân Nam (Trung Quốc) để vận chuyển vũ khí. Đến năm 1953, bị ốm, nhớ nhà, có phần bất mãn vì bị khiển trách, anh ấy vào thành rồi vào Nam. Bị động viên, anh lại được cử đi học ở Đà Lạt, rồi về làm việc ở Bộ Chỉ Huy Vùng chiến thuật 2, cấp trung tá. Chúng tôi cùng nhau nhắc lại chuyện thời học sinh trung học: các thày giáo, ký túc xá,. các bạn cũ; rồi chuyện ở Việt Bắc hồi kháng chiến chống Pháp, các bạn cũ ở bộ Tổng Tham Mưu, các cuộc chiến dấu ở Bình Trị Thiên, ở Việt Bắc... Chúng tôi cho thời kỳ 1947-1948 là thời kỳ đẹp nhất, vui nhất của thời trai trẻ, vô tư, hăng hái, lãng mạn. Thế rồi chúng tôi cùng nhau hát, say sưa các bài hành khúc Diệt Phát Xít, Bắc Sơn, Sông Lô, rồi cả những bài trữ tình: Suối Mơ, Thiên Thai...
Năm 1963, khi tôi vào vùng giải phóng ở Bình Định, Quảng Ngãi, anh cũng dự cuộc càn lên chiến khu, gần Đỗ Xá. Thật là thú vị. Hai bạn học, hai trận tuyến, gặp nhau thì có thể bắn nhau không chút lường lự, nay lại gặp nhau nơi quê người, và bàn về cuộc phấn đấu cho dân chủ ở quê hương. Cung nhau ca hát những bài hát hào hứng xưa. Đó là hòa giải, hòa hợp rất đẹp, còn là gì khác được? ở Hanover (Đức) mới đây, tôi dự một tối văn nghệ với nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sỹ Kiều Hưng ở miền Bắc sang. Hai nhạc sĩ từ hai chân trời đối lập tay bắt mặt mừng, nói chuyện thả giàn về hát, các bài hát, các nhạc sĩ hai miền, cứ như là bạn cũ gặp nhau, thân thiết vô cùng. Đó là hòa giải hòa hợp chứ gì? Sau đó ca sỹ Mai Huyền (từng là sĩ quan Sư Đoàn 304 quân đội Nhân Dân song ca với ca sỹ Nam Sơn (từng là sỹ quan Thủy Quân Lục Chiến quân đội Việt nam Cộng Hòa). Hai người từng giáp trận nhau ở chiến trường Trung Bộ hồi 1972 và 1975. Thật vui, thật cảm động, khán giả yêu cầu hai anh hát lại hai lần, vỗ tay không ngớt. Có cả những giọt nước mắt. Niềm xúc động về hòa giải hòa hợp dân tộc, giữa hai anh em thù địch. Không ai nói đến các chữ hòa giải, hòa hợp, nhưng đích thực là đó.
Ông có kỷ niệm nào sâu sắc nữa về hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Có thể nói là nhiều kỷ niệm. Tôi gặp lại nhiều bạn học thời xưa, là sĩ quan Việt nam Cộng Hòa. Gặp nhau, thăm hỏi hòa nhã. Có lúc cãi nhau, hơi to tiếng, cuối cùng hiểu nhau, đồng thuận, rồi thân nhau hơn xưa nữa. Tôi có hầu chuyện cụ Phạm Đình Liệu nay đã 96 tuổi, sáng lập viên Quốc Dân Đảng cùng thời với đảng trưởng Nguyễn Thái Học. Con cháu cụ người ở "bên này", người ở "bên kia". Cụ có con trai cả là anh Phạm Lợi, trung tá quân đội Việt nam Cộng Hòa, tuẫn tiết ngay sau ngày 30 tháng 4. Anh từng gặp và quen tôi ở Tân Sơn Nhứt hồi tháng 1-1973, trong Ban Liên Hợp Quân Sự bốn bên. Chúng tôi từng nói chuyện hòa nhã với nhau, trong thâm tâm có cảm tình với nhau. Tôi đã thắp nén hương tường nhớ anh trong niềm hòa giải và hòa hợp anh em và tự coi mình như con cụ Phạm, một nhà cách mạng lão thành thâm thúy về nho học.
Tôi đã nói chuyện về hòa giải và hòa hợp với giáo sư Phan Ngô (chị Phan Ngô là bạn thân với chị tôi hồi xưa ở Huế), với giáo sư Lê Đình Duyên, con cụ Lê Đình Thám, bác sĩ nổi tiếng về am hiểu Phật Học ở Huế (có anh ruột là Lê Đình Luân bạn rất thân của tôi, chết trận hồi chống Pháp) đều là H.O, sang Hoa Kỳ sau khi bị tù cải tạo lâu năm. Tôi có nói: căm thù là chuyện bình thường của con người, cần thông cảm và thông hiểu. Nhưng vượt được lên căm thù, có lòng độ lượng thì thật là cao thượng, do tự vượt lên mình. Độ lượng, bao dung với kẻ thù cũ đã tỏ ra hiểu biết, để hướng tới tương lai của dân tộc thì thật là cao cả.
Tôi cúi đầu hai lần cảm phục các anh, sau những năm tháng tù đày, bị tra tấn, cùm chân... mà tự tưởng cao đẹp đến vậy.
Rồi chúng tôi nói đến lòng từ bi, hỉ xả của đạo Phật; lòng thương yêu chúng sinh. Chúng tôi nói về kinh nghiệm "thiền", về sống theo tư tưởng biến hóa, siêu thoát của Dịch... và ước mong cộng đồng ta ở hải ngoại và đại khối dân tộc trong nước sớm hòa đồng trên nền văn hóa rất cổ mà lại rất tiên tiến và hiện đại ấy...
Đó là thuốc bổ bổ nhất, thức ăn tinh thần ngon lành nhất, sự giàu sang quý báu nhất của tâm hồn... trong cuộc sống con người.
Hòa hợp do cộng sản đề ra, ta có nên dùng không?
Họ đề ra nhưng họ đã tráo trở, không thực hiện. Nay thì họ chỉ nói đến "cùng nhau hòa hợp", với cái nghĩa là phải cúi đầu theo tôi! Đây là kiểu hòa hợp, của ông "đại trí thức" Phó Bá Long, về nước dự họp, đấm ngực sám hối, nhận tội với đảng cộng sản và còn xin chính phủ Hà Nội ra một sắc lệnh đại ân xá cho những người trốn ra nước ngoài (?). Đó là kiểu hòa hợp làm trò cười cho thiên hạ! Những người dân chủ bác bỏ kiểu hòa hợp ấy. Chúng ta không thể hòa giải hòa hợp với những người độc đoán. Chúng ta có nội dung hòa giải hòa hợp phong phú, đúng đắn của nhân dân với nhau.
Đối với những kỷ niệm trong chiến tranh, theo ông, các cựu chiến binh nên có thái độ ra sao?
Mỗi người lính chiến đều có cả một kho kỷ niệm thường là sâu sắc, khó quên. Những hoàn cảnh căng thẳng, có khi gay gắt, hiểm nghèo, tình đồng đội san sẻ từng củ sắn, hớp nước, dòng thư nhà cho nhau; nghĩa cấp trên với cấp dưới theo tình phụ tử chi binh, cứu nhau trong hoạn nạn; tình quân dân cá nước trong khói lửa chiến tranh... ở bên nào cũng có. Rất nên giữ lấy trong tâm khảm những kỷ niệm sâu sắc ấy... Đó là quyền tự do của mỗi người, không ai có quyền can thiệp...
Biết bao người của mỗi bên đã hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc chiến đấu mà mình cho là đúng đắn, cần thiết. Nay nhìn lại, mỗi người có thể có một chỗ đứng khác, một cách nhìn khác, nhưng theo tôi, mỗi người có thể hoặc giữ chính kiến cũ, hoặc hối tiếc những việc đã làm - theo lương tâm và trí tuệ tự do của mình - nhưng không nên có thái độ cơ hội, a dua, vị kỷ mà quay lưng lại một cách giả tạo với những kỷ niệm mà mình từng cho là quý báu, thiêng liêng...
Mỗi cựu chiến binh ở cả hai phía nên có cách nhìn mới trên tinh thần hòa giải và hòa hợp. Thật là xót xa khi chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, nay nhớ lại những kẻ thù của nhau tìm cách diệt nhau trên chiến trường chính là anh em ruột thịt của nhau, "ai" cũng như "ta", đều có bố mẹ, có vợ, có con xiết bao yêu quý, nhìn lại, niềm xót thương càng lớn khi hồi ấy, chúng ta coi một trận đánh đáng vui mừng là trận diệt được nhiều "địch", nghĩa là anh em ruột thịt giết nhau càng nhiều! Như đã nói, tôi mong cả nước tổ chức một cuộc cầu siêu lớn theo đạo Phật cũng như theo các tôn giáo khác, để hóa giải mọi hận thù sau cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn.
Còn có bạn hỏi về những huân chương, ảnh quân nhân, ảnh chiến trường cũ, quân phục cũ... tôi thấy nên coi đó là những kỷ niệm riêng mà mỗi người có quyền tự do gìn giữ làm kỷ niệm riêng, không có ảnh hưởng gì đến nền an ninh của đất nước... Đất nước đã có hòa bình hơn 20 năm. Không nên ngăn cấm, phê phán, đe dọa như một số cán bộ cơ sở và cán bộ an ninh ở phường xóm một số đô thị và nông thôn miền Nam từng làm hồi sau 1975, bắt buộc anh em cựu chiến binh Việt nam Cộng Hòa và gia đình phải cất dấu, phá hủy hết những ảnh kỷ niệm, huân chương, bằng khen quân phục đi cùng với chủ trương cần thiết thu hồi hết vũ khí các loại..
ý kiến của ông về mỗi quan hệ giữa cộng đồng ta với bà con ở trong nước ra sao?
Tôi dã nói về vấn đề này ở trên. Xin nói thêm đôi chút vì đây là vấn đề rất lớn, một vấn đề sinh tử của mọi phong trào ở hải ngoại. Có nhiều ý kiến khác nhau, đối lập nhau.
Trước kia, đã có lúc, có chủ trương bao trùm trong cộng đồng là theo chủ trương cấm vận chung, tuyệt đối không có chuyện trở về làm ăn, thậm chí gửi giúp gia đình người thân cũng rất hạn chế, giúp đỡ từ thiện cũng rất bị cản trở, cho rằng làm thế là giúp cho chế độ cộng sản kéo dài, nuôi dưỡng tham nhũng.
Cho đến khi Mỹ từ bỏ cấm vận giữa năm 1994, quan hệ bình thường Mỹ-Việt được khôi phục từ giữa năm 1995, tình hình đã có khác. Nhiều bà con trở về thăm viếng quê hương, gửi tiền về giúp thân nhân cũng nhiều hơn, giúp đỡ từ thiện có nhích lên, nhưng vẫn còn như muối bỏ biển, còn dưới khả năng khá xa. Vấn đề này, vẫn còn là vấn đề tranh cãi trong cộng đồng. Đã có nhiều ý kiến cho rằng cứu bệnh hiểm nghèo (lao, cùi...) như chữa lửa, cấp bách, không thể trì hoãn, chờ đợi. Ngăn cản là bất nhân. Từ năm 1992, khi tôi gặp một số thượng nghị sỹ có thế lực ở Quốc Hội Hoa Kỳ, họ đã báo tin là chính quyền Mỹ đã xác định hướng từ bỏ cấm rận, bình thường hóa với chính quyền Hà Nội, và hỉ thời gian ngán nữa là thực hiện. Mong cộng đồng Việt nam được thông báo, hiểu rõ tình hình chủ xướng mới của chính phủ Hoa Kỳ để cùng phối hợp thuận lợi, tránh trống đánh xuôi, kèn thổi ngược...
Phía Mỹ lập luận: hồi 1979 sau khi Việt nam chiếm đóng Cam Bốt, việc cấm vận để trừng phạt, cảnh cáo là cần thiết. Nay Việt nam đã rút hết khỏi Cam Bốt vào năm 1987, cần có cách đề cập khác. Mỹ hành động theo quyền lợi của Mỹ, cũng là quyền lợi của cộng đồng người Việt trên đất Hoa Kỳ, trong khi vẫn giữ ý định thúc đẩy quá trình dân chủ hóa Việt nam, góp tay vào việc kết thúc chính quyền độc đoán. Mỹ đã tính kỹ, không thể để Việt nam lại lâm vào nội chiến, bạo loạn, thành một khoảng trống hỗn loạn mà cuối cùng Mỹ phải gánh vác việc vãn hồi trật tự với chi phí nặng nề... Sự tránh khả năng hỗn loạn cũng phù hợp với lợi ích của cộng đồng người Việt.
Chủ trương của Mỹ là: tình hình thay đổi, biện pháp thay đổi. Trước kia là cấm vận, là tẩy chay, là bao vây, không quan hệ. Sắp tới là: cần sự có mặt của Mỹ. Cờ Mỹ, sứ quán Mỹ, lãnh sự Mỹ, sách báo Mỹ, tài liệu Mỹ, nhà buôn Mỹ, giáo sư mỹ, khách du lịch Mỹ, đô la Mỹ, ngân hàng Mỹ, hàng hóa Mỹ, viện trợ Mỹ... tất cả đều cần, đều vào cuộc để tác động tới quá trình dân chủ hóa Việt nam. Phía Mỹ rất mong cộng đồng ta sẽ chia sẻ với chính quyền Mỹ về phương hướng ấy. Họ cho rằng trong tình hình mới cần có sự có mặt của Mỹ ở Việt nam. Có mặt càng nhiều càng tốt. Và cộng đồng cũng nên theo hướng ấy. Hơn nữa, bà con ta sống trên đất Mỹ, theo luật pháp Mỹ, khá đông còn là công dân Mỹ, thì theo đúng đường lối chính sách Hoa Kỳ trong quan hệ với Việt nam là cần thiết, còn là lẽ đương nhiên và làm tăng thêm sức đấu tranh. Ai vắng mặt sẽ bị "thiệt", sẽ tự đứng riêng, đứng ngoài quá trình dân chủ hóa Việt nam. Hồi ấy, chúng tôi đã có dịp kiến nghị với cộng đồng: nên lập một số quỹ và cử người, lập tổ chức chăm lo: chi viện, giúp đỡ các thương binh vừa và nặng, các thương binh tàn tật của miền Nam trước đây hiện ở trong tình trạng rất bi thảm... lập các học bổng cho các tỉnh, thành trong nước như là phấn thưởng cho học sinh giỏi (không tính lý lịch, thành phần xã hội, địa phương), học trong nước và du học ngoại quốc, lập quỹ góp phần tu bổ, gìn giữ các di tích, lịch sử và văn hóa ở.các địa phương; các đền chùa, nhà thờ bị hủy hoại, lập quỹ từ thiện giúp các người bị bệnh hiểm nghèo, hủi (cùi), ho lao...
Ngoài ra, cộng đồng Việt nam có thể tham gia hùn vốn, làm kinh tế ở trong nước và cử chuyên gia về kinh doanh, kinh tế, kỹ thuật về thực hiện một số công trình quan trọng.
Chính qua những sự trở về, tiếp xúc, tham gia chi viện, làm từ thiện như thế mà thúc đẩy nề nếp dân chủ, chống tham nhũng, nâng uy tín của cộng đồng đối với đồng bào trong nước. Ta không làm thì các nước khác cũng làm. Ta vẫn cứ đứng ngoài thôi?
Đây là tương kế tựu kế với chính quyến trong nước. Họ cần vốn, cần kỹ thuật, ta cần có mặt để nâng cao dân trí về dân chủ, để đối thoại với đồng bào.
Quan hệ với trong nước là cả một cuộc đấu tranh. Không phải nhất nhất làm theo yêu cầu của chính quyền cộng sản, mà là mặc cả, thương lượng, đề ra điều kiện, tương nhượng, có phần lợi này bù cho bất lợi kia, nhưng người có tiền, có vốn, có kiến thức bao giờ cũng ở lợi thế, theo nguyên tắc ai chi tiền, người đó chi phối... Trong muôn vàn mối quan hệ, ta nên đề cao luật pháp, tập trung vào những công trình lợi ích chung mang tính lâu dài, bền vững. Nếu làm những việc trên đây từ hồi 1994, 1995 thì nay ta đã có khá nhiều đòn bẫy hữu hiệu để đất nước mau chuyển biến theo hướng tiến bộ. Từ bỏ cách làm cũ, tiến hành biện pháp mới cần có một sự đồng thuận rõ ràng, cần sự sáng suốt và quả đoán đoạn tuyệt với cách làm đã lỗi thời, bắt tay vào cách suy nghĩ và một loạt công việc mới mẻ.
Sự đoạn tuyệt nào cũng đau đớn. Nhưng để theo kịp với tình thế mới thì đau chỉ là tạm, niềm vui kết quả sẽ lớn, rất lớn... Việc lớn bao giờ cũng cần chí lớn, gan to. Cần khắc phục những tình cảm bồng bột. Giận quá mất khôn.

<< Phần 2 | Phần 2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 756

Return to top