TP đã chết trong vòng tay xiết chặt tay TT. Nàng cố tận tâm lực níu giữ mà chàng vẫn thoát ra đi, vĩnh viễn ra đi khỏi nàng.
Thế là chín năm tình mộng đã thành ảo ảnh; hai năm huyết não công lao đã cuốn trôi theo dòng định mệnh phũ phàng! Hy vọng đã trở thành ảo vọng, nàng bơ vơ một bóng cô đơn.
Ca khúc màu xanh, khúc ca của yêu đương và hy vọng, đã nghẹn tắt nửa chừng, đành dang dở ngàn thu.
Ý chí phấn đấu, nghị lực kiên cường của TT thoắt gẩy vỡ, nàng thực sự chới với giữa biển đời bi thương, cơ hồ chẳng còn thiết gì nữa.
Suốt mấy tháng liền, cuối Xuân, hết Hạ, sắp tàn Thu... nàng vẫn không viết cho XC một bức thư nào cả. Nàng không muốn, không dám thông báo hung tin cho em gái biết.
Trong khi đó, XC lại đinh ninh TT – TP đã làm đám cưới như đã dự định, XC đã năm lần bảy lượt gởi thư về tới tấp, lớp thư chúc mừng, lớp quà tân hôn, tặng phẩm tuần trăng mật và biếu cả một số vật dụng cho một tiểu gia đình vợ chồng mới kết hôn, với đồ đạc chuẩn bị cho một hài nhi sắp chào đời... cứ mỗi lần nhận được thêm thư và quà như thế là thêm một lần TT càng tan nát tâm can, rã rời từng đoạn ruột.
Nhưng rồi, sự thật vẫn là sự thật, cuối cùng TT cũng phải cho em gái rõ tự sự.
XC bàng hoàng sửng sốt, đòi cấp tốc trở về nước một thời gian, để được trực tiếp an ủi chị, khiến TT phải dùng đến quyền làm chị, ngăn cản quyết liệt, XC mới chịu gác qua ý định. Tuy nhiên, XC và GK lại gởi thư về liên miên, gần như mỗi tuần một bức thật dài, hết sức khích lệ, chí tình an ủi... Đồng thời, còn có cô Hai, thường nhật vận dụng tinh thần để vỗ về bằng mọi cách, nhờ vậy TT cũng quên được đôi phần buồn khổ.
Nàng lại cố làm việc để quên sầu, làm việc ở bệnh viện, làm việc tại gia, giành lấy việc chấm bài vỡ các học sinh cô nhi, thay cho cô Hai.
Thiều quang tuế nguyệt vẫn luân lưu, mà cơ hồ nàng không còn nhớ rõ là; ngày Xuân hay tháng Hạ, tiết Thu hay trời Đông.. nàng chẳng quan tâm đến.
Thắm thoát, TP mất đã giáp năm.
Chính XC từ ngoại quốc gởi thư về, nhắc một điều, thì ra XC đã không ngớt quan hoài đến tình cảnh cô đơn của chị, đến nỗi đếm cả thời gian, chờ đúng một năm, cho TT khuây khỏa thương tâm, để nhắc lại chuyện "chung chồng" mà ngày nọ chị em từng đề cập.
Lời lẽ trong thư, XC viết rất chân thành, hâm nóng câu nói của chính TT thuở ấy. "Chị em mình chẳng những chung hoạn nạn, chung phú quí, mà cũng có thể chung tình ái". Rồi tha thiết van khuyên TT hãy chấp thuận lời cầu hôn tuy đã cũ nhưng vẫn luôn luôn còn mới của GK, ngõ hầu chị em cùng thực hiện được điều tâm nguyện "vĩnh viễn chẳng xa rời nhau".
Được thư, TT rất hiểu bụng dạ trung thực, thuần khiết của em, dù đã lưu ngụ ở ngoại quốc ba năm rồi, song tuyệt nhiên chẳng học đòi thói đổi thay, vẫn một mực vẹn bền tình nghĩa cốt nhục như ngày nào. Nhưng nàng làm sao chiều ý XC cho được!...
o0o
Chiều nay, TT sắp mãn giờ làm thì có lịnh bác sĩ giám đốc mời lên văn phòng.
Ông chân thật nhờ TT một công tác mới:
- Tôi có người bạn trung niên, ông Phùng Hưng Long. Vợ ông ấy đau tim nặng, nhưng lại không ưng đến bệnh viện nằm điều trị, chỉ chữa trị tại gia thôi. Cho nên ông ấy cần mượn một nữ điều dưỡng đặc biệt để túc trực chăm sóc cho vợ. Ông ấy nhờ tôi giới thiệu một người, tôi muốn cậy cô cán đáng việc đó, chẳng hay cô có vui lòng chăng?
Khỏi nói, ai cũng hiểu ông họ Phùng ấy nhất định là hạng giầu to, nếu không thì dễ gì đủ tư cách dám mượn riêng cán sự điều dưỡng về nhà.
Khổ nỗi, nguyện vọng của TT rất rõ rệt ngay từ khi bước vào nghề cán sự điều dưỡng, là nhằm phục vụ hạng bệnh nhân bình dân; thành thử nàng chẳng muốn ưng thuận nhận lãnh vai trò phục dịch riêng cho người phú quí.
Đáng lẽ nàng có thể trả lời ngay với bác sĩ giám đốc là nàng từ chối. Nhưng nàng thầm nghĩ mình còn đang thiếu bệnh viện một số tiền to, và nhất là nàng đã từng tự nguyện với bác sĩ giám đốc – lúc TP còn sống – nàng sẽ sẵn sàng gánh vác bất luận công tác gì, khi bệnh viện cần sai phái.
Thấy nàng trầm ngâm không đáp, bác sĩ giám đốc đoán hiểu, vội nói tiếp:
- Kỳ thực, tại đây rất cần cô, vì cô giỏi mà lại siêng năng, đầy đủ tinh thần trách nhiệm và được lòng hầu hết bệnh nhân...
TT mau mắn nắm lấy cơ hội lên tiếng:
- Thưa bác sĩ giám đốc, theo như bác sĩ vừa dạy thì cháu ở lại đây phục vụ cho đa số bệnh nhân vẫn hợp lý hơn là được phái đến Phùng gia trang? Vả lại, cũng còn nhiều những điều dưỡng viên khác, đủ khả năng hơn cháu, tưởng bác sĩ có thể chọn mà biệt phái đến Phùng gia trang tốt hơn.
Bác sĩ giám đốc khẽ gật đầu:
- Cô chưa rõ, chớ bà Phùng là một bệnh nhân khó tính ghê gớm lắm. Chỉ trong vòng một tháng, tôi đã giới thiệu đến đó những sáu cô tá viên điều dưỡng, nhưng mỗi cô chỉ có thể làm việc được vài ba ngày, là không còn kham nổi nữa, phải nghĩ ngay. Tánh tình của bà Phùng quả nhiên khó có ai chìu cho nỗi. Tôi còn lạ gì, đã định không giới thiệu thêm ai nữa, song ông Phùng lại khẩn thiết yêu cầu mãi. Ông Phùng vốn là một người bạn tốt, rất giàu lòng nghĩa, luôn nhiệt tâm với mọi công tác công ích, ông ấy đã từng giúp đỡ mạnh mẽ nhiều cơ sở từ thiện và cụ thể ngay như đối với bệnh viện này cũng đã được ông ấy trợ lực nhiều lần rồi, nên bệnh viện mới còn đứng vững và phát triển như ngày nay. Vì ơn ông ấy như thế, nên tôi không thể từ chối lời ông yêu cầu. Và... tôi nhận thấy, chỉ còn có cô là có thể giúp được tôi việc này mà thôi.
Nghe qua lời trần tình ấy, TT cảm thấy khó có thể từ chối. Đồng thời, tự dưng nàng lại nãy ý khác thường, muốn chấp nhận một cuộc thử thách xem sao. Hơn nữa, nàng cũng biết đây là một cơ hội để cho nàng báo đáp phần nào ơn nghĩa đối với vị giám đốc tốt bụng này, nên nàng vui vẻ gật đầu:
- Vâng, vậy thì cháu xin tuân theo sự phân công của bác sĩ và cháu sẽ ráng cho được việc, nếu rủi mà lại bị bà Phùng chê thì cháu sẽ trở về đây, cũng chẳng hề chi.
Bác sĩ giám đốc mừng rỡ:
- Hay quá! Được cô bằng lòng giúp, thật tôi rất mừng. Vậy để tôi viết thơ giới thiệu cô đến gặp ông Phùng. Tôi tin rằng cô sẽ chu toàn nhiệm vụ. Nhân đây, tôi xin nói rõ luôn cô đến chăm sóc bà Phùng, là một công tác biệt phái của bệnh viện, tất nhiên bệnh viện phải trả lương cho cô như thường, ngoài ra, còn phải phát thêm công tác phí phụ trội nữa. Phần ông Phùng có hứa là sẽ dành một số tiền thù lao trọng hậu, gọi là đền ơn, khi cô bắt tay vào công tác mà được bà Phùng hài lòng. Vấn đề tiền bạc, tôi hiểu, không phải là vấn đề đáng cho cô quan tâm, nhưng tôi đề cập ở đây là muốn mọi việc đều minh bạch đâu ra đó.
- Thưa bác sĩ, đến chừng nào thì cháu có thể đến đằng ông Phùng ạ?
- Tôi biên thư giới thiệu xong, cô muốn đi ngay cũng được, nếu cô cần có thì giờ chuẩn bị, thì sáng mai sẽ đến. Rồi đây, nếu cô công tác lâu dài ở đó, cô vẫn có dịp gặp tôi thường xuyên, vì cứ đến ngày thứ sáu hàng tuần, tôi phải thân hành đến khám nghiệm bệnh trạng bà Phùng một lần. Bà ấy tuy nằm nhà nhưng thật ra là do bệnh viện chúng tôi phụ trách điều trị, nên ngày nào ở đây cũng phái bác sĩ đến trị cho bà ấy.