Những năm gần đây Tễu tôi đã an phận xác định mình là một công dân loại 2 ngồi trên cỗ xe nhân quyền, là mẩu đầu thừa đuôi thẹo của xã hội nên đã “rửa tay, gác bút”, dù tôi chẳng phải là nhà văn, nhà báo gì. Vậy mà, hôm nay chiếc máy chữ cổ lỗ đã phủ đầy bụi lại buộc phải lọc cọc lên tiếng.
Khoảng vài ba tháng trở lại đây, tôi luôn luôn nhận được một số thư - gửi qua bưu điện - đến với tôi với các danh xưng cuả quý ông mà Tễu tôi chưa từng được hân hạnh quen biết. Những nội dung thư dó chẳng liên quan gì tới tôi mà chỉ “tán phát” những lời thoá mạ, chửi bới một người cách xa tôi hàng trăm kilomet - ông tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang.
Sáng 17 tháng 1 năm 2005 tôi lại nhận được thư của ông Nguyễn Thiện Tâm với những lời đầy lo lẵng và suy tư, làm tôi rất xúc động và đồng cảm với ông Tâm.
Con đường đi tới cái đích dân chủ hoá đất nước không của riêng ai. Ai cũng muốn đi tới đích đó bằng trí tuệ, biện pháp riêng của mình. Tư duy về dân chủ là đa ngả, đa phía, không chỉ có một con đường duy nhất như đường ray xe lửa. Vậy sự suy tư, cảm thụ, phân tích rồi tiến tới hành động khác nhau là lẽ thường tình. Quá khứ của lịch sử đã có tiền lệ đó, vết mòn đó rồi. Ngay những buổi ban đầu của cuộc cách mạng vô sản của Việt Nam cũng vậy. Những năm 30, đất nước nô lệ, nhân dân lầm than trong ách kìm kẹp, thống trị của chế độ thực dân tàn bạo, những người hoạt động cách mạng trải qua muôn vàn gian nan nguy hiểm: chui rúc, đói khổ, tù đầy, chết chóc … Thế mà các ông lãnh đạo tiền bối vô sản lúc ấy cũng đã từng bất đồng ý kiến ghê gớm ở buổi đầu trứng nước. Từ những quan điểm khác nhau trong cái đích chung của cách mạng là cứu dân cứu nước, tuy là tình đồng chí, nhưng từ chỗ phủ nhận cương lĩnh của nhau, tiến tới triệt hạ lẫn nhau. Ông này vu ông kia là dân tộc chủ nghĩa, báo cáo với điện Kremlin để toan đẩy đồng chí mình vào con đường tù đầy Xibêri lạnh giá xứ người Khốn nạn, hồi đó đã có xôi thịt gì đâu, ngai bệ gì đâu ! Tận diệt đồng chí mình đã manh nha và lây nhiễm từ đó. Và lịch sử còn ghi lại như - một vết đau, một sự ghê rợn.
Tôi nhắc lại thực tế đó chỉ mong để ông Nguyễn Thiện Tâm giảm được phần nào nỗi buồn trước những hiểu lầm không nên có, không đáng có. Tôi cũng buồn không kém gì ông, nhưng hoàn toàn không giảm lòng tin và kính trọng, quý mến tất cả những ai đang dấn thân cho nền dân chủ đầy gian truân và khúc khuỷu này, nhưng nhất định sẽ mạnh bước đi lên tới ánh ngày dân chủ rạng rỡ - nỗi khát vọng ngàn đời của nhân dân ta.
Nói tào lao, Tễu tôi xin được chọc cười một chút. Hồi vợ chồng tôi còn nghèo, còn rất nghèo, chiếc xe đạp mini 2 gióng là một niềm mơ ước. Ki ca ki cóp, khi đủ tiền mua, nguyên việc chọn mầu : mầu đỏ chiến đấu – ý tôi -, mầu xanh cốm dịu hiền – ý vợ tôi -, một việc tưởng là cỏn con mà cũng thành tranh cãi gay gắt để đến nỗi tối hôm đó, bà ấy cấm cửa phòng khuê. Mâu thuẫn trong cái đồng nhất đầu gối tay ấp mà cũng còn đến vậy thì những bất đồng của toàn những bậc trí giả về một mục tiêu to lớn thì âu cũng là lẽ đương nhiên.. Dân chủ là mục tiêu, là ước vọng của muôn đời. Nhất định những người đấu tranh cho dân chủ sẽ gặp nhau ở chân thành La-Mã và sự cố này rồi sẽ chỉ như bọt bong bóng xà phòng tan mau mà thôi.
Tuy nhiên, tôi vẫn phải lên tiếng mạnh mẽ là vì tôi không đồng tình với sự đánh hôi của một số vị ác ý mà các vị nhân danh đủ thứ ngôn từ thiêng liêng : Vì Tổ quốc, Vì nhân dân, Đại diện cho những người lính dưới cái nhãn cựu chiến binh. Cái trò nhân dânh này nọ cho những mưu toan bất nhân đã cũ quá rồi. Ví dụ các ông cố bới móc một câu cắt xén kiểu “Đầu thằng Ngô, đuôi con đĩ”, coi đấy như “tử huyệt” để kích động người đọc, để hạ gục ông Nguyễn Thanh Giang rồi phồng mang, trơn mắt phán một câu tanh lợm mùi máu : “Đó là quan điểm của kẻ phản bội Tổ quốc, phản bội dân tộc”.
Thưa quý ông ! ông nhân danh cái gì mà làm tên đao phủ trên giấy như thế ? Chẳng nhẽ tôi phải giảng giải lại a, b, c với quý ông. Đừng manh tâm trộn lẫn mục đích của cuộc chiến với phương tiện, kỹ thuật tiến hành cuộc nội chiến để được phép phán nhăng phán cuội. Đấy là hai phạm trù khác hẳn nhau đấy các quý ông ạ.
Tuổi trẻ hăng say, tôi cũng dã từng xông vào tuyến đầu quyết tâm “đánh Mỹ đến cái lai quần cuối cùng” và đã từng đánh Mỹ tơi bời. Nhưng, bây giờ ta thử đặt lại mấy câu hỏi hơi cũ này :
Mục đích của Mỹ khi nhẩy vào cuộc chiến Việt Nam là gì ?
1 – Chứng tỏ vai trò sen đầm quốc tế, bắt Việt Nam phải đi vào quỹ đạo của Mỹ và thị uy với thế giới
2 – Ngăn chặn làn sóng Cộng sản tràn vào thế giới tự do theo thuyết con bài Domino. Cụ thể là chống chủ nghĩa Cộng sản với đối thủ chính là Liên Xô và Trung Quốc. Sân chơi xương máu Việt Nam là nơi thử sức mạnh vũ khí của hai phe.
3 – Xâm chiếm lãnh thổ, đặt ách thống trị, vơ vét tài nguyên kiểu thực dân cũ ? (Hãy xét theo thực tế lịch sử xem Mỹ đã làm việc này bao giờ chưa ? Ngay những năm gần đây, Mỹ đánh Afganistan, đánh Cosovo, đánh Iraq rất khốc liệt nhưng đánh xong rồi lại rút quân)Dù các ông có đặt nghìn lẻ một mục đích xấu xa của Mỹ nhẩy vào Việt Nam tuỳ thích, nhưng quan điểm và nhìn nhận về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam lại tuỳ thuộc tư duy tự do của từng người. Kể cả quan điểm không coi Mỹ là kẻ thù. Toà án nào, pháp luật nào được quyền phán xử và người có tri thức, có đạo lý nào dám tự cho phép mình lên án một quan điểm, một ý kiến ngược là phản bội Tổ quốc, phản bội dân tộc ?
Nếu các ông thực sự thấm tận tâm can, đã ghi xương khắc cốt các khẩu lệnh tuyên huấn của Đảng : Đế quốc Mỹ là kẻ thù số một của nhân dân Việt Nam, tên hung nô thế kỷ đã gây tội ác tầy trời với nhân dân Viêt Nam, mối thù giặc Mỹ là mối thù muôn đời muôn kiếp không tan - thì hẳn các ông phải thét lên đau đớn khi người ta trải thảm đỏ đón Tổng thống Mỹ, cử quốc ca Mỹ, kéo cờ Mỹ phần phật bay trước dinh cụ Hồ và chỉ cách Đài Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ Việt Nam vài trăm mét. Thử hỏi lúc ấy hàng triệu linh hồn các anh hùng liệt sỹ nghĩ gì ? Và, có cần mời các nạn nhân chất độc mầu da cam cùng đến đón mừng Tổng thống Mỹ và chào cờ Mỹ không ?
Những lúc ấy, hình như nghe đâu đó từ thẳm sâu, tiếng thở dài thốt lên câu nói của ông Nguyễn Thanh Giang : “Cuộc chiến tranh Việt – Mỹ vừa qua là vô nghĩa với cả Việt Nam và Hoa Kỳ !”
Thử hỏi ai là người có quyền cho nhân dân Việt Nam được căm thù Mỹ, và ai là người bắt nhân dân phải kính trọng Mỹ ?
Mồm thì cứ oang oang : Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, thế mà ai muốn thực sự làm công việc đó thì lại bị các ông xuyên tạc, chửi bới, kết tội. Hay là các ông chỉ muốn độc quyền khép lại quá khứ để được đi đêm cầu lợi với nhau trong khi buộc người khác phải hô căm thù để làm bình phong ?
Nhân ăn cơm ngày hôm nay lại nói chuyện ngày qua của cá nhân tôi nhưng có dính dáng chút ít đến quan điểm của ông Nguyễn Thanh Giang. Hồi đầu năm 2003 tôi có vào Thủ Đức-Sài Gòn thăm các cháu. Sáng sáng tản bộ trên đường Tô Ngọc Huân và uống cà phê tại một tiệm gần nhà thờ Giáng Sinh. Tình cờ ngồi cùng bàn với một ông bạn già qua đường. Trước lạ, sau quen, sau khi nhâm nhi ly càphê, biết ông là một kỹ sư cầu đường, một nhà trí thức có hàm thiếu tá quân đội Sài Gòn. Chuyện xã hội, chuyện trên trời, dưới đất, đến lúc sắp chia tay, tôi giới thiệu tôi cũng là một sỹ quan quân đội Hà Nội. Ông mỉm cười, vẫn cái giọng châm biếm của dân Sài thành với giọng Ba Phi: “Thưa ông, nghĩ cũng hay hay…, trong Nam … bọn “Cháu Lạc” chúng tôi được Mỹ dúi cho một nắm kẹo cao su và khẩu AR15 để khạc đạn diên cuồng vào “Làn sóng Đỏ” từ phía Bắc tràn vào thế giới tự do. Còn ngoài Bắc, các ông Nga Đại đế và Chú Khách bá quyền trao tay gói lương khô và khẩu AK47 cho “Con Hồng” nhân danh tiền đồn phe Cộng sản xối xả bắn chí mạng vào các “Cháu Lạc” ở Miền Nam với cuồng vọng A-B-C-K … rồi T nữa, dưới cái khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước” để làm cuộc cách mạng mà quý ông goi là cách mạng vô sản toàn thế giới. Hôm nay ngồi uống cà phê với quý ông mới thấy cuộc chiến tranh thật là vô nghĩa trong cảnh huynh đệ tương tàn. Tôi thì bắn hộ Mỹ, các ông thì bắn hộ Nga-Tầu. Chúng ta bắn giết lẫn nhau làm gì ?! Thật là chuyện vô duyên xương máu”.
Chuyện cũ tưởng đã qua, đúng sai để cuộc đời phán xét, nhưng quan điểm của một sỹ quan Sài Gòn về cuộc chiến tưởng cũng không thể không suy ngẫm..
Cho dù ai yêu, ai ghét, công bằng mà nói, tên Mỹ hung nô tàn bạo đó quan hệ “chủ tớ” với “ngụỵ quyền Sài Gòn” cũng góp hơn 5 vạn sinh mạng những người con, những người chồng yêu quý của những bà mẹ Mỹ, những người vợ Mỹ – bỏ xác trong cuộc bại trận ê chề của mình. Không ai cân đong đo đếm được chuyện máu xương, nhưng “Đầy tớ nguỵ Sài Gòn” cũng chọn được “Ông chủ tử tế”.
Còn thử hỏi mấy ông Bonsevich Nga và mấy chủ Tầu “Mặt trời hồng” chỉ để được vài nắm xương tàn trên đất Việt Nam, nhưng các lãnh tụ của họ thì vừa chơi bóng bàn với nhau, vùa nâng ly Mao Đài, Voska “toạ sơn quan hổ đấu” và hào hiệp cung cấp súng đạn để “Trung Quốc chống Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng” !
Lịch sử có con mắt thần của nó. Hôm nay chưa phán xét thì ngày mai sẽ phán xử.
Thật ra, cái quan điểm của ông Nguyễn Thanh Giang có thật là “Phản bội Tổ quốc, phản bội dân tộc” đi nữa thì cũng chưa làm hại đất nước, làm hại nhân dân ghê gớm như hàng loạt sự việc xấu xa dộng trời đang diễn ra trước mắt. Nếu các ông có lòng yêu nước vĩ đại và có lập trường vững vàng của một người lính thì hãy lên tiếng về vụ T4 của Tổng cục 2 để bảo vệ tướng Giáp – vị tướng kính yêu của nhân dân Việt Nam, và bảo vệ một danh sách rất dài các vị ở chót vót ngôi cao đang bị vu khống là dính với CIA đấy ! Có gan thì nói lên cho đáng bậc trượng phu. Hãy lo cho cây đại thụ Việt Nam dang bị tàn phá vì tham nhũng, đang bị lẽo đẽo vì tụt hậu, chứ xúc xiểm nhau hùa vào bẻ cái lá dân chủ bé nhỏ Nguyễn Thanh Giang làm gì.
Một lần nữa nhắc lại, xin các vị đừng gửi những lá thư không thuộc trách nhiệm của một anh dân quèn như Tễu tôi. Nếu các vị vẫn cố tình gửi đến, kể cả gửi để chửi bới tôi thì xin có địa chỉ cụ thể cho đàng hoàng và nếu có số phôn càng tốt để cuộc tranh luận là cuộc chơi tử tế. Tôi cũng xin thanh minh rằng tôi chưa bao giờ tự coi mình là người dấu tranh cho dân chủ. Tôi chỉ là tôi thôi. Vì đất nước này dân là Chủ, các vị quan chức công quyền là Tớ nên Dân có mất chức Chủ đâu mà đòi, mà đấu tranh.
Tễu tôi hay riễu, tự coi mình như một anh hề trong một tích chèo sắp rã đám và già yếu lắm rồi. Nói vui và cười cợt để rồi thanh thản về cõi. Chỉ mong giờ dây “dây oan cừu nên cởi ra, đừng thắt chặt lại nữa” các ông ạ !
Hải Phòng ngày 24 tháng 1 năm 2005
Vũ Cao QuậnTB – Nếu cần, các vị nên tham khảo hồi ký “Thăm nước Mỹ” của nhà lão thành cách mạng Đặng văn Việt – Con hùm xám của Đường 4 rực lửa - để sáng thêm cái đầu một chút về nước Mỹ. Đừng làm con đà điểu rúc đầu vào cát, hãy làm một con người !