Về già, nghèo gì thì nghèo chứ “quĩ thời gian” của anh hưu trí như Tễu tôi thì rất “giàu”. Lang thang bách bộ đến một ông “sĩ phu” gần nhà. Thấy ông đang cặm cụi viết lách bên những bản thảo và các sách tra cứu ngổn ngang. Vì quen thân nhau và không muốn làm phiền, tôi lặng lẽ ngồi cạnh và tiện tay lục trong đống giấy tờ hỗn độn đó, nào là Hoàng Hữu Nhân, Phan Đình Diệu, Lê Giản, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Quế Dương. v.v và v.v... lại có cả T.A, Nguyễn Trung Trực... Đọc xong mà phát rợn cả người. Thầm nghĩ: Thôi chả dại gì mà “dính” vào: Táy máy thế nào mà Tễu tôi lục được một bài viết nằm lẫn trong tập “tán phát” đã cũ có “cái tít” ngồ ngộ “Tao ngộ chiến” kích động trí tò mò của Tễu tôi. Là một anh lính nghe chữ “Tao ngộ chiến” là nghĩ đến “oánh nhau” rồi. Nhưng không phải... đây chỉ là một lá thư riêng của cá nhân. Tuy vậy càng đọc, nhiều đoạn phải suy luận đoán chữ, đọc xong toát hết cả mồ hôi. Chả biết tác giả là ai, nhưng thấy hay Tễu tôi xin mạn phép “đạo văn” cho nhiều người cùng đọc. Thời buổi này khá nhiều nhà “đạo văn”: để thành những “phó tiến sĩ, tiến sĩ” lên đời nên Tễu tôi xin thanh minh cùng tác giả là Tễu tôi không có ý đồ xấu xa đó. Mà đem đăng báo thì không có tờ báo nào “thèm đăng hoặc dám đăng” nên không có tiền nhuận bút. Nội dung của tác giả, Tễu tôi đảm bảo ghi lại đúng 100% dù rằng còn có tiểu tiết Tễu tôi cũng chưa nhất trí với tác giả. Đã mấy chục năm qua “thần chân lý” trốn biệt lấy gì làm chuẩn mà phán quyết đúng, sai. Thôi thì... Tễu tôi thả cái “Tao ngộ chiến” cho dòng đời phân giải: Tao ngộ chiến...
Anh Hoà thân mến!
Chiều mồng 6 tháng 11 năm 1990, sau khi may mắn được xem bức tranh anh vẽ dở về. “Các cô gái đếm bom nổ chậm ở Ngã ba Đồng Lộc” để tham dự triển lãm toàn quốc lần này. Trên đường tôi trở về nhà đã xẩy ra trận “Tao Ngộ Chiến” giữa tôi và “Đại thi hào” Tố Hữu. Câu chuyện thật bất ngờ nhưng cũng rất thú vị và vui vẻ, tôi xin tường thuật lại anh nghe:
Tạm biệt anh ra về, đạp xe qua công viên Bách Thảo giữa dòng người, xe hối hả trong những giọt mưa rơi lất phất của đợt gió mùa sớm. Khi đến đầu đường Phan Đình Phùng, tự nhiên tôi nẩy ra ý định ghé vào thăm “Đại thi hào Tố Hữu”. Ý muốn được hân hạnh trực tiếp gặp thi sĩ đã có từ lâu trong tôi nên nhiều lần qua đường Phan Đình Phùng tôi đã cố tìm xem “Cây táo ông Lành” mọc ở chỗ nào, nhưng chưa phát hiện ra. Tôi biết rằng đường Phan Đình Phùng là những toà biệt thự sang trọng nhất Thăng Long của các quan “Đại thần” xưa và nay, nên tôi tin chắc rằng Nhà thơ phải chiếm một ngôi biệt thự sang trọng nhất. Tôi phán đoán thế nên khi đến số nhà 78 Phan Đình Phùng, thấy trước cửa có một quan chức đứng đó tôi liền hỏi dò. Được sự chỉ dẫn đúng với dự đoán của tôi, Nhà thơ chiếm ngự ngay toà biệt thự số 78 đường Phan Đình Phùng. Đứng trước chiếc cổng sắt đồ sộ sơn xanh chạm chữ Thọ to tướng của toà biệt thự hết sức lộng lẫy sang trọng, xây dựng theo kiến trúc cổ đại Phương Đông, hài hoà trong đường nét hiện đại Phương Tây, tôi vừa mừng, vừa hồi hộp lo lắng. Tổ tiên ta dạy rằng “Muốn bắt hổ thì phải vào hang”, chẳng biết trong hang có gì “Hổ” hay là “Gấu” ?.... Bắt được “Hổ” hay bị “Gấu” xơi ?... Tôi liều lĩnh thò tay bấm chuông điện trên góc cổng bên trái. Ba phút trôi qua không thấy động tĩnh gì. Tôi hơi thất vọng: thò tay lần thứ hai ấn chuông mạnh và lâu hơn. Một thiếu phụ bước ra cổng hỏi:
- “Ông là ai ?”
Ngắm nhìn thiếu phụ trắng trẻo, xinh xắn, có những nét hao hao của khuôn mặt Nhà thơ, tôi đoán chắc đây là “ái nữ” của Nhà thơ nên mạnh dạn: “cháu là con bác Tố Hữu phải không ?”
Thiếu phụ trả lời: “Vâng! Ông hỏi gì ?”
Tôi nói: “Chú ở Thái Bình lên đây, lên thăm “Bảo tàng Hồ Chí Minh” và vào viếng “Lăng Bác”, nhân tiện ghé vào thăm sức khoẻ bố cháu, mấy chục năm nay không gặp”.
Thiếu phụ trả lời: “Để cháu vào xem bố cháu có nhà không”.
Tôi chờ ba phút thì thiếu phụ ra mời tôi vào nhà.
Bước vào phòng khách tôi thấy một phụ nữ khoảng trên dưới sáu mươi tuổi đang ngồi tiếp khách, một thiếu phụ nói giọng Huế. Tôi lại phán đoán, đây có thể là phu nhân của Nhà thơ. Một nhân vật mà tôi đã từng quen biết trong mấy tư thơ “Trái tim chia ba mảnh, mảnh lớn nhất cho Đảng, mảnh vừa cho thơ và mảnh để em yêu”. Phán đoán và tự tin nên tôi mạnh dạn chào: “Chào chị Tố Hữu! Mấy chục năm qua rồi! Hôm nay nhân dịp được lên thăm “Bảo tàng Hồ Chí Minh” và viếng “Lăng Bác” tôi xin phép được đến thăm sức khoẻ anh, chị”.
Bà liền hỏi: “Thế cụ ở đâu lên ?”
Tôi trả lời: “Tôi ở Thái Bình”.
Bà nói: “Mời cụ ngồi chơi. Tôi lên mời anh Lành xuống gặp cụ”.
Tôi ngồi xuống ghế chờ và nhân tiện hỏi chuyện ngưòi khách được biết cô từ Huế ra thăm Hà Nội.
Hai phút sau Nhà thơ xuất hiện trước cửa phòng khách. Như bị điện giật, tôi đứng bật dậy, cố buột miệng: “Chào thủ trưởng”.
Nhà thơ trả lời: “Lên thăm nhau thì thủ trưởng gì!”. Sau câu nói đó Nhà thơ liền chỉ tay vào mặt tôi và hỏi: “Để râu à! Để râu để doạ ai đấy!”. Đồng thời Nhà thơ xoa tay trên cằm mình và nói: “Tớ không có râu!”.
Trước cử chỉ và thái độ bất nhã đó tôi liền trả lời: “Thưa Anh, Anh có biết Cụ Hồ để râu lúc bao nhiêu tuổi không ? Anh không có râu, không có nghĩa là anh không già! Tôi có râu không có nghĩa là tôi không trẻ. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Nam vô tu bất nghi. Nữ nhi không vú lấy gì nuôi con ?” Không có râu biết đâu cũng là một dạng quái thai thì sao ?”.
Hẳn Nhà thơ đã sửng sốt trước mấy câu trả lời của tôi. Ông bước vào, vừa đi vào ghế vừa nói: “Thôi không nói chuyện râu nữa! Ông ngồi xuống và hất hàm hỏi tôi: “Năm nay bao nhiêu tuổi rồi ?”.
Tôi trả lời: “Anh thử đoán xem Tôi khoảng bao nhiêu tuổi rồi!”.
Nhà thơ ngó nhìn tôi kỹ hơn và đoán: “Khoảng dưới 60 chứ bao nhiêu ?”.
Tôi trả lời: “Anh đoán sai rồi. Tôi gần bẩy mươi rồi đấy!”.
Nhà thơ hỏi tiếp: “Thái Bình ở đâu ?” Có ở Thuận Vi không ? ở đấy có HTX Toàn Thắng làm ăn khá lắm. Thái Bình là tỉnh năm tấn. Các chú Tiền Hải, Quỳnh Côi, Vũ Thư làm ăn tốt. Mình vẫn nhớ nhiều vùng Thái Bình lắm.
Tôi trả lời: “Tôi ở huyện Thư Trì, xã Hồng Lý cũng gần Thuận Vi. Nhưng thưa Anh, hợp tác xã “Toàn Thắng” bây giờ thành “hợp tác xã Toàn Bại” rồi. Thái Bình là tỉnh năm tấn nhưng bà con nông thôn còn đói rách lắm. Còn nhân dân Thái Bình cũng luôn nhắc đến Nhà thơ, thấy Nhà thơ mạnh khoẻ nhân dân cũng mừng.
Nhà thơ hỏi liền: “Thấy ở đâu”.
Tôi trả lời: “Trên tivi. Nhân dịp kỷ niệm Anh bảy mươi tuổi”
Nhà thơ tỏ vẻ hoài nghi hỏi: “Có thật hả ?”.
May quá! Người thiếu phụ xứ Huế đã giúp tôi giải đáp thắc mắc đó của nhà thơ: chứ mình cơm không đủ ăn và thời gian đâu mà xem tivi. Chỉ văn kỳ thanh mà bất kiến kỳ hình!
Thiếu phụ vui vẻ nói: “Thưa Bác có thật đấy! Cháu ở trong Huế cũng thấy Bác trong tivi. Thấy Bác không những khoẻ mà còn rất trẻ nữa.”
Nhà thơ gật đầu mỉm cười tin tưởng.
Tôi liền nói: “Thưa Anh, đối với thi sĩ Tố Hữu bây giờ có nhiều ý kiến khác nhau lắm, Kẻ khen, người chê! Tôi thì tôi cho rằng: sông có khúc, người có lúc! Cũng như thơ Tố Hữu có nhiều bài hay nhưng cũng có nhiều bài rất dở!
Nhà thơ liền ngắt lời tôi, giơ tay vỗ vào ngực và ưỡn người ra hỏi: “Bây giờ dân nói gì về Tố Hữu ?”
Tôi bình tĩnh trả lời: “Thưa ông, bây giờ dân người ta nói về Tố Hữu như thế này. Xưa kia cùng với “Con cá chột nưa” ở trong tù thì Tố Hữu với dân là một. Còn bây giờ ôtô, nhà lầu rồi, quyền cao chức trọng rồi lầu son gác tía lại có bày chim Hoàng Anh nó hót bên cạnh thì Tố Hữu quên dân rồi!”.
Nhà thơ đổi sắc mặt: “Dám nói thế hả ?”.
Tôi nói tiếp: “Thưa ông, người ta vẫn còn nhắc đến câu chuyện “Cây táo ông Lành” đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội mấy chục năm trước đây!”.
Tới đây Nhà thơ không bình tĩnh được nữa và nói dằn giọng: “Dân thì cũng năm bẩy loại dân. Có loại dân ăn cắp! Có loại dân lưu manh!”.
Tôi đáp lại liền: “Thưa ông đúng quá! Ông định nghĩa hay quá! Ai chẳng phải là dân. Ông cũng là dân! Nhưng những thằng dân mà lưu manh, ăn cắp thì phạm vi tai hại của nó nhỏ thôi, ít thôi. Còn những thằng dân mà quyền cao chức trọng đề ra những đường lối lãnh đạo sai lầm, chủ quan duy ý chí thì nó làm cho cả đất nước này, cả dân tộc này đau khổ, lầm than. Chúng tôi là những người dân ở thôn quê, chúng tôi có nhận xét như thế này: người nông dân Việt Nam ở thôn quê tuy nghèo nhưng có năm đặc điểm thế này: Thứ nhất là: “Cần cù”, thứ nhì là “Trung thực”, thứ ba là “Tự tin”, thứ tư là “Dám nghĩ”, thứ năm là “Dám làm”. Đó là mười chữ, con số mười theo thuyết “Âm dương ngũ hành”, là “Can”. Can là “Gốc”, gốc là hạ tầng cơ sở. Người nông dân Việt Nam nói ít, làm nhiều; thế mà đã từng có những tên vô lại dám nhận xét người nông dân Việt Nam lười lao động, bảo thủ, hẹp hòi, nên mới đói rách. Còn tầng lớp tiểu trí thức thị dân Việt Nam có năm đặc điểm: Thứ nhất là “Quan liêu”, thứ nhì là “Kiêu ngạo”, thứ ba là “Hèn nhát”, thứ tư là “Vô trách nhiệm”, thứ năm là “Vô liêm sỉ”!
Có lẽ bị ù tai nên Nhà thơ hỏi lại: “Thứ năm là gì ?”
Tôi trả lời rõ ràng từng tiếng: “Vô trách nhiệm”.
Tôi nói tiếp: “Đó là mười hai chữ, mười hai là Chi, Chi là ngọn. Ngọn là thượng tầng kiến trúc. Tôi xin phân tích. Ví dụ mấy chục năm qua các ông ở trên Bộ chính trị và Ban bí thư đã đề ra bao nhiêu nghị quyết, chủ trương, đường lối sai lầm, chủ quan duy ý chí. Là những đảng viên dưới cơ sở, ở địa phương làm tròn trách nhiệm của đảng viên quy định trong điều lệ Đảng, chúng tôi ra sức tuyên truyền, động viên quần chúng tổ chức thực hiện những nghị quyết, chủ trương, đường lối sai lầm của các ông đề ra. Qua mấy chục năm thực tiễn chứng minh điều gì chắc các ông đã rõ. Xã hội khủng hoàng ngày càng trầm trọng, tiêu cực phát triển, nhân dân đói rách, đạo đức xuống cấp. Hiện nay người nông dân chỉ thẳng vào mặt chúng tôi hỏi: các ông tuyên truyền tổ chức, động viên, cưỡng bức chúng tôi vào hợp tác xã, rồi làm ăn lớn xã hội chủ nghĩa để có cơm no, áo ấm, xoá bỏ áp bức bóc lột, công bằng xã hội. Bây giờ chúng tôi đói rách cả, con cháu hư hỏng hết, các ông đảng viên thấy thế nào ? Là những đảng viên trực tiếp ở địa phương chứng kiến tất cả sự đau khổ, thiếu thốn của đồng bào, chúng tôi thấy rõ trách nhiệm của mình đã tuyên truyền láo, chúng tôi có tội, chúng tôi xin lỗi bà con nông dân, nhận tội với đồng bào chỉ muốn quỳ xuống tạ tội với đồng bào về những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài của Đảng. Còn các ông, là những người trực tiếp đề ra những nghị quyết, chủ trương, đường lối sai lầm đó thì các ông chẳng chịu trách nhiệm gì về những hậu quả của những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài đó. Tôi xin hỏi các ông: căn cứ vào đâu mà các ông luôn luôn tự cho mình và ca ngợi lẫn nhau là học trò xuất sắc của “Bác Hồ”. Tôi lại xin hỏi các ông: Hồ Chủ Tịch có dám nhận “Huân Chương Lênin” không? Và Bác đã trả lời như thế nào? Khi Quốc hội đề nghị trao tặng “Huân Chương Sao Vàng” cho Bác. Còn các ông chủ quan duy ý chí để phạm sai lầm nghiêm trọng và kéo dài trong mấy chục năm, cái giá mà Tổ quốc phải trả và đồng bào đau khổ và lầm than như thế nào thì các ông đã thấy. Thế mà các ông dám nhận hết Huân Chương này đến Huân Chương khác. Tôi cho rằng đây là một thái độ hết sức vô trách nhiệm và rất vô liêm sỉ!...
Có lẽ huyết áp của Nhà thơ lúc này bắt đầu tăng. Tôi vừa nói xong Nhà thơ chỉ tay vào mặt tôi và nghiêm giọng nói: “Vấn đề này đi nói với ông Nguyễn Văn Linh”.
Tôi trả lời: “Thưa ông, ông Nguyền Văn Linh bây giờ còn hơn gấp mấy lần các Hoàng đế ngày xưa! Làm sao mà những người nông dân như chúng tôi lại có thể lên gặp ông Nguyễn Văn Linh được. Cả ông nữa, cách đây mấy năm thôi, khi ông còn là Uỷ viên Bộ chính trị, Thường trực Ban bí thư, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thì chắc chắn là chúng tôi không thể có cuộc gặp gỡ vui vẻ và đầy ý nghĩa này được. Hơn thế, trong thời gian ông lãnh đạo kinh tế, ông đã viết bao nhiêu lý luận, bao nhiêu nghị quyết, chỉ thị bao nhiêu cách làm ăn lớn xã hội chủ nghĩa, dùng sức mạnh tổng hợp của chuyên chính vô sản để xây dựng CNXH...và... Bây giờ chắc ông quên hết lý luận ấy rồi, quên hết mọi nghị quyết chỉ thị do Nhà thơ sáng tạo ra. Nhưng chúng tôi là những cán bộ ở địa phương, chúng tôi phải học tập nghiên cứu thấm nhuần để lãnh đạo quần chúng thực hiện những sáng tạo vĩ đại đó để rồi thu hoạch được gì và cái giá mà quần chúng phải trả ra sao thì chúng tôi không bao giờ quên cả. Hiện nay hàng đống văn kiện chỉ thị, nghị quyết được báo chí đăng tải còn nằm nguyên đó.
Tôi nói tới đây Nhà thơ ngắt lời tôi một cách nhẹ nhàng, chuyển sang hỏi hoàn cảnh và cuộc sống hiện nay của tôi.
Nhà thơ hỏi: “Bây giờ về địa phương cuộc sống thế nào ?”
Tôi trả lời: “Thưa anh cuộc sống hưu trí khó khăn lắm!”. Tháng hơn hai chục ngàn đồng lương hưu, thiếu thốn, vất vả lắm!”
Nhà thơ hỏi: “Thế ở nhà quê anh có đất đai gì không ?”
Tôi trả lời: “Thưa anh có, nhưng đất đai chẳng được bao nhiêu, không đến một sào”.
Nhà thơ nói: “có đất đai là tốt lắm!” Về nhà bây giờ phải chịu khó cuốc... cuốc... cuốc... Vừa nói Nhà thơ vừa làm động tác như đang cuốc đất.
Lúc này tôi cảm thấy như bị xúc phạm, tôi liền ngắt lời Nhà thơ và nói: “Thôi đi! Chẳng nhẽ tôi là một thằng nông dân có mảnh đất ở nhà quê, tôi lại chẳng biết cuốc như thế nào mà ông còn phải dạy tôi cuốc... cuốc... cuốc... Chính các ông chẳng bao giờ cầm cái cán cuốc mà cứ đi dạy người ta cuốc thì đất nước này mới khổ như thế này đây!
Một lần nữa tôi làm nhà thơ sững sờ và cụt hứng! ...
Đến đây tôi thấy Nhà thơ như đang mơ màng. Tôi quay lại nói với người thiếu phụ từ nãy vẫn đang theo dõi cuộc đối thoại giữa tôi và Nhà thơ: Cháu quê ở Huế phải không ? Đồng hương với Bác Tố Hữu ? Tôi chỉ vào người thiếu phụ và nói: “cả cháu cũng vậy, bây giờ đất nước mình còn khó khăn, đồng bào còn đang hết sức đói rách, nhất là những người nông dân và công nhân không có công ăn việc làm, con em gia đình thương binh, liệt sĩ, đi làm cách mạng tuyên truyền quần chúng mà cháu còn ăn diện sang trọng như thế này, quần là áo, lụa dép Thái Lan, sức nước hoa hảo hạng đắt tiền, mà bảo quần chúng phải thắt lưng buộc bụng, chịu đựng gian khổ để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì họ chẳng nghe đâu. Muốn quần chúng nghe mình thì phải đồng cam cộng khổ với nhân dân. Luận điểm “Tiên thiên hạ chi ưu như ưu, hậu thiên hạ chi lạc như lạc” đã trở thành một trò hề mà nhân dân cho là một luận điệu bịp bợm chẳng lừa dối nổi ai nữa đâu! Hôm nay Bác lên thăm Bác Tố Hữu, tình cũ nghĩa xưa, là người nông dân cục mịch, ăn nói dùi đục chấm nắm cáy, có sao nói vậy, nói thật, nói thẳng, nói hết! Cháu nghe đâu bỏ đấy nghe!
Người thiếu phụ cầm tay tôi nói: “Cháu rất cảm ơn Bác. Hôm nay Bác nói rất đúng, rất hay. Cháu hoàn toàn tán thành quan điểm của Bác”.
Tôi thấy cuộc “Tao ngộ chiến” đã đến lúc rút quân. Nhỡ phải gọi đến cấp cứu vì bệnh xuất huyết não và nhồi máu cơ tim thường hay xuất hiện ở các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước trong cái tuổi bẩy mươi này thì tai hoạ to. Tôi quay lại phía Nhà thơ chỉ tay vào bức tượng Lênin và nói:
Bây giờ ở bên Châu Âu người ta đang ném đá và cà chua, trứng thối vào Lênin. Tôi đang nghĩ cách phải bằng mọi cách để bảo vệ bằng được những tư tưởng khoa học chân chính của Lênin. Cứ ngồi đây mà hô một tiếng vang trời: muôn năm, muôn năm Mác - Lênin thì chẳng giải quyết được gì cả. Xin phép anh, tôi về!”
Tôi đứng dậy! Người thiếu phụ đứng dậy! Nhà thơ cũng đứng dậy đưa tôi ra cổng phòng khách. Tôi dừng lại bắt tay Nhà thơ và nói:
- Hôm nay tôi rất hân hạnh được gặp anh. Xin kính chúc anh luôn luôn mạnh khoẻ để chúng ta cùng nhau xem xét lại con đường tiến lên: “Thiên đường cộng sản” của chúng ta.
Tôi cúi đầu chào nhà thơ và quay ra cổng chính. Tôi tự mở chiếc cổng sắt và nặng nề khép chặt nó lại! Tiếp tục đạp xe đạp ngược chiều đường Phan Đình Phùng... Cái gì vừa xẩy ra như một chuyện huyền thoại, diễn ra một cách tự nhiên không do bàn tay nào đạo diễn cả... Đi giữa Thăng Long trong bầu không khí thoáng lạnh của đợt gió mùa sớm tôi không hiểu mình đang vui hay đang buồn... Đạp xe đến cửa Bắc nhìn vào vết đạn đại bác nham nhở của bọn thực dân Pháp cách đây hơn một thế kỷ, tôi thấy rùng mình và thương hại một tầng lớp tiểu tri thức thị dân của Tổ Quốc vẫn chưa thoát khỏi những tư tưởng quan liêu, kiêu ngạo, đế vương, sùng bái một cách mù quáng nền văn minh thực dụng Phương Tây mà quên mất truyền thống văn hiến tình người trong sáng, tình nghĩa thủy chung tiết hạnh của dân tộc, của tổ tiên ông bà, cha mẹ mình. Hình ảnh Nhà thơ thể hiện trong óc tôi và tôi thầm nghĩ: “Không hiểu Nhà thơ Tố Hữu đang suy nghĩ gì về cuộc “Tao ngộ chiến” chiều nay ? Không hiểu Nhà thơ có để lại một vần thơ để kỷ niệm cuộc gặp gỡ vui vẻ này chăng ? Riêng tôi đạp xe trên cầu Long Biên, một chiếc cầu nham nhở đầy vết tích của chiến tranh đã từng nổi tiếng nhất Châu Á cách đây gần một thế kỷ, một cây cầu bắc qua sông Hồng đã chứng kiến bao chiến công cũng như bao đau thương của các dân tộc và Tổ Quốc Việt Nam một cây cầu mà mấy chục năm qua đã gắn bao nhiêu niềm tin hy vọng, bao vần thơ và định luật, bao cay đắng và tủi nhục, bao mồ hôi và nước mắt. Và hôm nay lại đang chứng kiến những dòng suy nghĩ miên man, vui buồn lẫn lộn của tôi sau cuộc gặp gỡ không hẹn trước nhưng đầy ý nghĩa và lý thú với “Đại thi hào Tố Hữu”.
Tuy không phải là Nhà thơ, nhưng để kỷ niệm những xúc cảm của tâm hồn trong cuộc gặp gỡ này, tôi đã làm vần thơ thẩn.
Tượng thần...
(Kỷ niệm buổi “Tao ngộ chiến” với Tố Hữu.
Chiều ngày 6 tháng 11 năm 1990)
Cả khối “Quan Liêu” đang rữa thối.
Mơ màng “Hoàng Đế” sống chơi vơi.
Vẫn quen thói dậy đời nên thế.
Rồi chỉ tay bày lối cách người...
Đã lẻ bẩy mươi còn chưa biết.
Cuộc đời thơ lại, kiếp đười ươi.
“Tượng thần chân lý” đâu còn nữa
Muôn thuở cháu con vẫn nực cười...
Tố nhau
Tôi xin ghi lại câu chuyện anh xem cho vui và có gì góp thêm ý kiến. Rất mong Anh có thời gian quá bộ sang cầu, trong cảnh đồng quê bình dị có nhiều điều rất nên thơ để góp vào những kiệt tác sắp tới của anh.
Kính chúc Anh khoẻ và mong sớm gặp Anh.
Thăng Long sáng 12 tháng 10 Canh Ngọ
(Lê Huy Hoà: Hoạ sĩ)
Địa chỉ: Xóm Nam Gia thượng
Ngọc Thuỵ - Gia Lâm - Hà Nội 25 -11 -1990
Kính chào thân ái
Hồng Quang
Vài lời: Tôn trọng nguyên văn của tác giả, những chữ thuộc danh từ chung nhưng Tác giả có ý “Viết hoa” Tễu tôi “copy” i xì.
Một lá thư riêng gửi bạn mà tác giả đã khắc hoạ khá rõ nét chân dung “Một Nhà thơ - Một lãnh tụ Chính trị - Một Đại thần Cộng Sản”. Chợt nhớ tới một câu ngạn ngữ phương Tây: Hãy chỉ cho tôi biết ai là bạn anh thì tôi sẽ biết anh là ai! Tất nhiên không cần Tố Hữu phải giới thiệu thì chúng ta cũng đều biết “Ai là bạn của Tố Hữu” và cùng được đúc từ “cái khuôn” nào ra!
Câu chuyện đã trôi qua 10 năm mà vẫn “nóng hổi tính thời sự” nên Tễu tôi sưu tầm để các bạn xa gần được biết một xã hội “khẩu hiệu trồng trên khẩu hiệu, mọi ý định tốt đẹp của Chúa chỉ dừng trên văn kiện giấy tờ cùng với những lời hô hào rỗng tuếch” để định lại giá trị của “một đồng xu sứt” vì khi đưa “ đồng xu sứt” vào lò đúc lại nó vẫn có giá trị của “một đồng xu”!
Còn “đồng xu sứt” của cuộc đời!
Hà nội vào thu năm 2000
Tễu