Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tôn giáo, Chính Trị >> GỬI LẠI TRƯỚC KHI VỀ CÕI

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 22433 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

GỬI LẠI TRƯỚC KHI VỀ CÕI
Vũ-Cao-Quận

Phần 3

Đang hưng phấn nghĩ được một ý thơ hay vội đưa lên máy chữ gõ lóc cóc thì bà xã của Tễu tôi đi chợ về. Nhìn cái làn đầy rau muống với cái mặt không vui của bả, Tễu tôi biết là nguy rồi! Thế nào cũng bị “ xóc óc” mấy câu cho vui vì bả là cái “hàn thử biểu” về giá cả mua được mớ rau, con cá rẻ được vài trăm bạc (nói theo giá trị trợ búa là rẻ được vài ba xu) là bả vui lắm. Suốt cả cuộc đời vì chồng con chưa một ngày sung sướng vì cái đồng lương hưu (không chết nhưng sống ngắc ngoải) của hai vợ chồng còn đè nặng trên vai bả cho đến lúc xuống mồ! May thay lần này bả nhẹ nhàng nói:
“Giá bố nó mang cái máy chữ lên ngồi ở cửa uỷ ban hoặc Đồn CA đánh thuê đơn “tứ khiếu” thì cũng thêm đồng rau mắm cho tôi ! Mèng đét ơi! Hôm nay bà xã tôi nói chữ mới lạ chứ! Tôi ngỡ ngàng hỏi lại: “Đơn tứ khiếu” là cái chi ? Bả thủng thẳng đáp: thì đó: “khiếu tố nè, khiếu nại nè, khiếu oan nè, khiếu kiện nè”... Nghe mấy chữ nè lê thê cứ ngỡ là bất tận. Còn bố nó cứ tí tách từ ngày này sang ngày khác, tốn công, tốn sức, tốn cả ru - băng! Nghe bà nói mà nghẹn lòng, hồn thơ bay đi đâu mất vội ngừng tay gõ. Rồi như người bói Kiều, với tay với hú hoạ một cuốn sách trên giá và mở một trang bất kỳ. Ôi! Không có cái hoạ nào lại không kèm theo cái may. Quyển sách hú hoạ tôi cầm trên tay là cuốn “thông tin công tác tư tưởng” số tháng 9 - 1999 trang 15 có bài viết của ông Nguyễn Phú Trọng với đầu đề “ Những nội dung chủ yếu của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII”. Lời “hịch” thì quá dài, Tễu tôi không làm sao lĩnh hội hết được. Chỉ nhặt nguyên văn sau đây để bàn về “vấn đề nguyên tắc phân phối theo lao động”!.
... Nhiều trường hợp người làm việc giản đơn thì được lương cao, trong khi người có đào tạo, làm việc có tính chất phức tạp, có trách nhiệm lớn thì lại hưởng lương thấp, thậm chí không đủ sống. Đã có người phàn nàn rằng một ca sĩ đi hát “chạy sô” mấy triệu một bài, một tháng sẽ có bao nhiêu triệu. Trong khi đó nhạc sĩ sáng tác, bỏ chất xám ra thì được hưởng bao nhiêu ?
Và ông phàn nàn rằng: ... Ngày càng bất hợp ý, trái với nguyên tắc phân phối lao động ?... và so sánh “Lính uỷ ban hơn quan bên Đảng”. Từ trước đến nay ai ai cũng quan niệm: Đảng với chính quyền “ Tuy hai mà một”. Hôm nay được nghe “lời vàng” từ miệng ông Uỷ viên Bộ chính trị thì Đảng với Chính quyền “Tuy một mà hai”!
Tễu tôi xin được bàn vấn đề “tuy hai mà một” hoặc “tuy một mà hai” sang một câu chuyện khác. Việc bàn chính là phân phối theo lao động! Tễu tôi không rõ ông Phú Trọng có đi du hành vũ trụ rời trái đất quá lâu mới quay trở về nên mới viết những đoạn Tễu mới nêu trên.
Theo đường lối của Đảng ta: Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Và phân phối lợi ích xã hội theo nguyên tắc phân phối theo lao động!...
Xin mạn phép ông Võ Đại Lược, người hiểu quá rõ cái gót “ASin của Mác”.
Trích đại ý một bài viết của ông: Anh đã chấp nhận “ Kinh tế thị trường” sao lại còn theo phân phối lao động. Giả thử anh mang một đôi giày ra chợ bán, anh đòi người mua phải trả anh 100.000 đ vì anh lý sự là anh mất 3 ngày công rồi tiền nguyên vật liệu và bao thứ phí kèm theo... Nghe ra thì rất hợp tình, hợp lý nhưng... trên đời vẫn còn chữ nhưng... người mua chê không thích mẫu giày của anh với đủ ngàn lẻ một lý do như: da xấu, cứng đường chỉ thô, si không bóng và không “niu phá - sần” và người ta không mua, khi đã không bán được thì một xu không có lấy gì mà phân phối theo lao động với nguyên tắc của Đảng. Còn trường hợp ví dụ khác (trong muôn ngàn ví dụ) có liên quan đến các ca sĩ mà ông Phú Trọng đề cập. Nói ra thì hơi “phạm thượng” một chút nhưng đó là sự thật hiển nhiên chứ Tễu tôi không hề có ác ý gì. Các ca sĩ ngôi sao như: TL, NT, H.NH, ML... trước khi bước ra sân khấu làm “Lao động Mi - cờ - rô” là cả một sự phấn đấu rèn luyện từ tấm bé cũng nhọc nhằn cực khổ. Trời lại phú cho một thân hình đẹp gương mặt khả ái và giọng hát khổ luyện và đầu tư cho mấy ưu thế trên cũng khá tốn kém. Nào là: giữ thân hình thon thả thì cũng phải “A- rê - rô - bích”.
Bộ mặt cho dễ nhìn thì cũng phải son phấn mỹ viện. Cái quan trọng nhất là “ cái cổ họng trời phú” thì không thầy đố mày làm nên. Nhìn bên ngoài thì cái việc lao động Mi - cờ - rô của mấy ca sĩ cũng không khác mấy các vị chức sắc hoặc mấy ông tuyên huấn hoặc mấy chú cán bộ tuyên truyền. Nhưng giản đơn thôi... cơ chế thị trường mà! Khi các ca sĩ ngôi sao về hát chỉ lơ thơ mấy cái “băng - đờ - rôn” mà thiên hạ chen chúc trước “ghi - sê” dốc tiền vào đó không tiếc. Thậm chí hết vé thì đã có “ dịch vụ vé chui” phục vụ với từ 200,300, đến năm bảy trăm nghìn một đôi vé. Nghe giá vé khi tình cờ Tễu tôi đi ngang qua cứ sây sẩm hết mặt mày, thế mà không còn một ghế trống. Cũng “lao động Mi-cờ-rô” của các vị chức sắc, tuyên huấn, tuyên truyền v.v... tất nhiên đều hiểu rằng bán vé thì một xu cũng không ai mua mời họ đến nghe thì không phải là “món ăn tinh thần” của các thị dân. Cho nên chỉ các vị nói thì các vị nghe với nhau. Vì các vị lao động là một thứ lao động ăn theo, thu vào như một băng cát-sét. Nhưng “cát-xê” cho “lao động Mi-cờ-rô” của các vị có điều rất đặc biệt mà cơ chế thị trường tự do không dám theo, nghĩa là người “lao động Mi-cờ-rô” được “cát-xê” 100.000đ, thì người được mời đến nghe (không mất tiền vé đã đành) khi ra về cũng được một phong bì chừng mươi nghìn tuỳ theo Ban tổ chức buổi nói chuyện moi từ túi nhà nước ra nhiều hay ít. Đến dòng này Tễu tôi tạm chia “lao động Mi-cờ-rô” ra thành hai loại: “Lao động Mi-cờ-rô chính trị” và “lao động Mi-cờ-rô nghệ thuật” để dễ so sánh! “Lao động Mi-cờ-rô nghệ thuật” đem tới cho xã hội một nhu cầu mà người ta cần đến nó một cách hoàn toàn tự nguyện và là một món hàng thật gần như 100%. Đôi khi cũng bị “ hàng giả” nhưng không nhiều và sớm bị loại trừ thậm chí còn được công kích công khai trên báo chí truyền hình các loại hàng nghệ thuật dởm đó. Cho nên tài năng của các ca sĩ có tài được khẳng định in đậm dấu ấn trong lòng người. Nếu “cát-sê” có năm bảy triệu cũng là xứng đáng. Còn “lao động Mi-cờ-rô chính trị” tự thân nó không đứng vững được trên chính đôi chân của nó, tự nó không kiếm nổi một xu thì lấy đâu ra mà phân phối theo lao động. Phần khác nó cũng để lại những dấu ấn không lấy gì làm vẻ vang lắm, nếu ví nó như một thứ hàng không ra thật, không ra dởm vì nói “ sáng đúng chiều sai... mai lại đúng!” thế nhưng toàn xã hội “câm lặng” không ai dám ho he lên tiếng phê bình hoặc tranh luận nó. Họ đành lặng lẽ tẩy chay nó, không tin nó và cũng khó mà bắt được họ “tự nguyện” nghe nó!...
Để giữ cho cái lý luận quái gở “cơ chế thị trường theo định hướng XHCN”, Đảng phải dùng tiền để nuôi sống cái lý luận của mình đề ra. Ngay cái nguyên tắc phân phối theo lao động tự nó cũng mâu thuẫn ngay chính trong bộ máy của Đảng qua câu “Lính uỷ ban hơn quan bên Đảng” mà ông Phú Trọng nói.
Khó vậy thay! Từ một lý luận sai đưa vào thực tiễn bịt được tạm thời cái sai ở đầu này thì nó lại thò cái sai ra đầu khác. Ngày nào cái “định hướng XHCN còn chung chăn gối với cơ chế thị trường” nó sẽ còn đạp nhau đến “rách” chăn ra và không sớm muộn gì thì cũng “ly hôn” thôi!
Ôi! Bà xã của Tễu đã bưng mâm cơm lên kia rồi. Vẫn đĩa rau muống luộc “chủ lực” đầy lùm với đĩa tép rang và bát nước mắm, bài ca muôn thuở trong bữa ăn của vợ chồng Tễu tôi. Cung cách này... thì ngày mai tôi cũng đành xách cái máy chữ ra trước cổng uỷ ban hay cổng Quận Công an phục vụ đánh máy các văn bản “Tứ khiếu” hoà mình vào cái “cơ chế thị trường theo định hướng XHCN” may ra sẽ được đổi đời!
Tương lai đang chờ phía trước, Tễu tôi quyết tiến lên!
Tiến lên! Ta quyết tiến lên
Tiến lên, ta quyết tiến lên hàng đầu
Hàng đầu, không biết đi đâu ?
Đi đâu... không biết, hàng đầu cứ đi...

Tễu

<< Phần 2 | Phần 4 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 617

Return to top