Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tập Truyện ngắn >> Sự nhầm lẫn

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 28393 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Sự nhầm lẫn
Đàm Lan

CÂY KHÔ

Thấy tôi lặc lè với cái bụng gần sanh , chồng tôi lo lắng :
               _ Em đã tin cho má biết là sắp sanh chưa ?
               _ Em báo cho má biết từ tháng trước rồi , không biết má còn bạn gì mà chưa thấy lên nữa .
               _ Nhắm chừng má không lên được thì anh phải coi nhờ ai lo cho em chớ , sanh tới nơi rồi .
             Nhìn xuống cái bụng tròn căng , nặng nhọc mỗi khi đi lại , tôi hiểu nỗi lo của chồng tôi . Không lo sao được , ảnh thì đi làm suốt ngày , tôi ở nhà một mình , cũng chẳng dám làm gì nặng , nhưng chỉ loay hoay một chút đã mệt đuối ra rồi . Thực tình hơn nửa tháng nay tôi mong má tôi lên lắm . Sanh con đầu lòng , mọi sự còn lúng túng cần những gì cũng không rõ , cứ hỏi chừng mấy chị em chung quanh thôi . Nghĩ đến má , tôi tự nhiên muốn khóc . Má tôi có đến sáu đưá con gái , đứa nào sanh đẻ là cũng kéo về để một tay má lo . Đêm hôm lục cục chăm con chăm cháu , mà lúc này má tôi cũng tuổi tác lắm rồi , bắt má phải chịu cực như vậy nữa , thực tôi không đành lòng . Cha mẹ nào cũng vậy , nuôi con cho lớn chẳng mong cậy nhờ gì , chứ mà có chuyện gì lại quày quả lo toan . Chồng tôi có ý hay , phải tìm người phụ giúp tôi lúc sanh đẻ , để má không phải cực nhọc nữa . Nghĩ vậy , tôi nói :
               _ Anh à , hay anh cứ tìm người giúp em đi , chứ má giờ cũng cao tuổi rồi , lâu nay em lại nghe má hay đi chùa , để má phải lo chuyện này khổ má quá . Kiếm ai mình nhờ độ vài tháng thôi .
               _ Anh cũng tính vậy dó , nếu mình không có điều kiện thì phải đành phiền má , chớ mình lo được mà , để má nghỉ ngơi tuổi già cho thư thả đi .
               _ Kiếm thì kiếm người lớn tuổi một chút anh à , họ có kinh nghiệm , chớ em đã không rành lại gặp người lơ ngơ nữa thì chết .
               _ Yên tâm đi cô nương , tui biết rồi .
             Đùa cho tôi vui thế rồi mấy ngày sau anh dắt về một người đàn bà tuổi độ ngoài năm mươi . Vừa nhìn thấy , tôi than thầm , trời ơi , đã già quá lại trông ốm yều thế kia . Liệu có làm gì được không , hay vài bữa đổ bệnh ra thì khổ mình nữa .
               _ Em à , đây là dì Ba , có chị bạn cơ quan anh giới thiệu giùm , dì chuyên chăm sóc sản phụ đó .
             Có lẽ thấy vẻ mặt nghĩ ngợi của tôi , dì Ba rụt rè :
               _ Cô Hai à , cô yên tâm đi . Tui nuôi đến chín đứa con rồi , ba cái chuyện sanh đẻ này tui hổng lạ gì đâu .
             Tôi trố mắt :
               _ Trời đất ! Dì tới chín đứa lận hả ?
               _ Thì cái thời tụi tui có biết kế hoạch…kế hoach gì đó…
               _ Kế hoạch hóa gia đình .
               _ Ưa phải rồi , có biết chi cái đó đâu , nên cứ bầu là đẻ thôi .
             Tôi buột miệng :
               _ Hèn gì..
             Chồng tôi ngắt ngang :
               _ Con nói thiệt với dì , tụi con mới có đứa đầu , nên mọi sự nhờ dì cả đó . Có dì là tụi con yên tâm lắm rồi . Dì ráng giúp tụi con nghe .
             Dì Ba cười móm mém :
               _ Cậu đừng có lo , bổn phận của tui mà .
             Thế là dì Ba ở lại nhà tôi , nói thật là tôi rất áy náy , thuở bé đến giờ nào có quen chuyện người ăn kẻ ở đâu , dì cũng không ít tuổi hơn má tôi là mấy . Mình còn trẻ mà để người già cả phải lo toan phục dịch mình , thiệt nghĩ ngợi làm sao . Nhưng phải chịu thôi , vào lúc này thì không còn giải pháp nào tôt hơn . Vấn đề là do xử sự ở mình vậy , đừng để người ta phải buồn và mặc cảm là được rồi . Tôi tự dặn mình như thế . Ngày đầu tiên , dì vừa nấu xong cơm thì chồng tôi về , dì nhanh nhẹn dọn cơm ra bàn rồi nói :
               _ Mời cô cậu ăn cơm .
               _ Cha , dì Ba khéo tay ghê há , nhìn mâm cơm đói bụng quá . Dì còn làm gì nữa đó , ăn với tụi con luôn đi .
               _ Dạ , cô cậu cứ ăn trước cho nóng ,tui còn dở chút chuyện .
               _ Chuyện gì , dì cứ để đó , ăn cơm đã .
             Nói rồi chồng tôi ngồi vào bàn , chúng tôi vừa ăn vừa có ý chờ , nhưng mãi cho đến lúc no ồi vẫn chưa thấy dì lên . Tôi bỏ chén đi xuống bếp , thấy dì đang giặt quần áo , tôi kêu lên :
               _ Trời , dì Ba , dì không ăn cơm luôn , cái này lát nữa làm cũng được mà .
             Dì Ba vội vã bỏ chậu quấn áo đứng dậy :
               _ Cô cậu ăn xong rồi hả ? Để tui dọn .
             Nói rồi dì le te đi lên bê mâm cơm xuống , bây giờ dì mới lấy chén xúc cơm ăn , tôi cảm thấy bất nhẫn :
               _ Sao dì làm vậy ?
               _ Dạ…nói thệt với cô , hồi giờ tui cũng đi giúp việc nhiều nơi rồi , nên quen  , không dám ngồi ăn chung với chủ đâu .
               _ Dì nói chi kỳ vậy . Con không thích thế đâu , người ta khác , tụi con khác , dì mà còn làm như vầy nữa tụi con giận đó .
             Dì Ba cười cúi xuống chén cơm  , nhìn một người đàn bà đã tuổi tác , vơi mâm cơm thừa ngồi xệp ở nền bếp , tôi không hiểu tại sao có những người đã chấp nhận cái cảnh này một cách đương nhiên được . Họ cho rằng thế mới xứng đáng đồng tiền họ bỏ ra sao ? Đồng tiền của họ không chỉ mua công sức thời gian , mà còn muốn mua cả giá trị nhân phẩm của người khác nữa . Họ làm thế mới thỏa mãn được cái quyền làm chủ trước sự khép nép , khúm núm của kẻ tôi đòi . Thật buồn quá cho những ý tưởng phân ranh phi lý và vô tình như vậy . Người ta có khó khăn , người ta mới phải đến phụ giúp mình để kiếm sống , suy cho cùng , đó là sự trao đổi công bằng hai người đêu cần đến nhau , mỗi người có một lợi thế , sự tương quan giữa hai bên chỉ là sự trao đổi những lợi thế đó , để cùng được cho cả hai , hà tất phải bắt người ta phục lụy mình . Chỉ cần có một thái độ tôn trọng , phép tắc khi cần thiết là đủ . Nhưng mà ai cũng nghĩ như tôi thì đời này làm gì có câu  “ Giàu – Sang “ “ Nghèo- Hèn “ . Người giàu tự cho mình cái quyền trên chốc , và họ lấy đó làm sang , người nghèo nói to một tiếng cũng khó , nên riết đâm hèn đi . Trước người giàu ,lại nhất là phải phụ thuộc đời sống vào người đó , tự nhiên có tính hành xử của kẻ dưới , không biết đã tự hạ thấp phẩm giá mình , không biết đã vô tình nâng cao người kia hơn vốn có , và tạo ra một thứ tâm lý khó chịu cho cả đôi bên . Lan man suy tư , tôi chợt nghĩ đến những người con của dì . Cả chín người con ấy , đã có ai từng thấy mẹ mình trong cảnh này chưa ? Chín người con ấy lớn đến đâu rồi ? làm được những gì rồi ? sao cả chín người mà không nuôi nổi một mẹ mình ? mà để mẹ chừng này tuổi còn đi cơm bưng nước rót hầu hạ người ? Rồi một hôm , thủ thỉ trò chuyện với dì , tôi được biết .
             Dì Ba có bốn con trai , năm con gái . Sáu người trong số đã có gia đình riêng , nhưng không khác gì cảnh ngộ của cha mẹ , cũng tất bật quanh năm suốt tháng mà chẳng đủ ăn  , cũng vay đầu nọ đắp đầu kia , và cũng…nhiều con . Vốn vùng nông thôn , mùa màng khi được khi thất , khi hạn khi lũ , không mấy ai nở được nụ cười nhẹ nhõm lúc trời chiều . Không mấy ai mà trán không hằn những nếp nhăn xếp lớp . Và cũng không mấy ai leo nổi qua cổng trường cấp một của xã . Nghèo đói và thất học là mũi tên chỉ sẵn một con đường lao lực . Chồng dì cũng đã ngã xuống trên con đường đó , còn lại đì chèo chống giữa bầy con , bầy cháu nheo nhệch . Thương con cháu , còn chút hơi sức nào dì cũng ráng đem đổi lấy hạt gạo , cọng rau mà đỡ đần . Đã tuổi tác lại sức vóc chẳng còn bao nhiêu , dì chỉ còn mỗi nước đi ở mướn . Giọt nước mắt cay cực của dì khi nhớ đến những cung cách đối xử của một số nhà chủ trước , tôi xót xa :
               _ Vậy dì đi làm được bao lâu rồi ?
               _ Cũng có gần mười năm rồi cô .
               _ Các con diì biết cả chứ ?
               _ Biết thì cũng biết tui đi làm vậy , chớ có những chuyện không vui , tui đâu có cho tụi nó biết . Cái số mình nó vậy rồi , biết làm sao được . Lâu lâu dành dụm được chút ít gửi về cho chúng nó cũng thấy vui bụng . Hổng biêt rồi trong mấy đứa có đứa nào ngẩng mày ngẩng mặt được không ? Hổng lẽ cứ vầy hoài .
             Trong cái thế giới người này , mãi mãi hai từ “ công bằng “ chỉ là ước lệ . Bao nhiêu kẻ no say phè phỡn , thừa mứa , hoang phí cà vào những thú vui có hại , thì bao con người đang trầy trật vật lộn với cuộc sống hàng ngày .
               _ Con nghe nói nhà nước có cho vay vốn xóa đói giảm nghèo mà dì ?
               _ Có thì cũng có đó , nhưng mà hổng dễ vay được đâu cô ơi . Họ có cho vay cũng nhìn mặt cả đấy . Hổng đến lượt mình đâu . Với lại tui cũng sợ lắm  , vay rồi lỡ không có trả , còn mỗi cái nhà dột mất nốt thì sao . Thôi thì còn sống ngày nào , cứ ráng đắp đổi ngày đó , hồi nào hết hơi hết sức thì đi theo ba nó vậy .
               _ Dì đừng quá bi quan thế , cuộc đời có luật bù trừ mà .
               _ Tới tuổi này rồi còn mong bù trừ được gì nữa .
             Nói an ủi dì vậy thôi , chứ tôi cũng biết , chẳng còn khả năng nào để cho dì Ba thay đổi được cuộc sống một cách tốt đẹp hơn .
               _ Dì có nghĩ cảnh nhà mình như vậy là do đông con quá không ?
               _ Có chớ , lâu nay nghe người ta nói nhiều về chuyện đó , nhưng mà biết thì cũng đã muộn rồi .
               _ Đời dì thì thực là đã muộn rồi , nhưng còn mấy anh chị , dì nói họ rút kinh nghiệm của thế hệ trước cho đỡ khổ .
               _ Tụi nó đứa nào cũng ba bốn đứa rồi , hổng biết nó có biết đường mà tránh không . Nhà quê cũng khó lắm cô .
               _ Vấn đế là ở mình thôi dì ạ . Đừng có nghe người xưa nói “ đông con nhiều của “ . Không có đâu , vì làm thì ít ăn thì nhiều , có đâu mà dư dã được . Con cái không đủ ăn , không phát triển trí óc được , lại không có điều kiện học hành cho tới nơi tới chốn . Mà thời buổi bây giờ , không có học thì chẳng thể nào thay đổi được cái nghèo , ngay như làm nông nghiệp bây giờ cũng cần phải có tri thức , trình dộ . Mà cũng đừng nên cố để có đủ trai đủ gái , con nào có hiếu thì mình cũng được nhờ cả . Khối người đẻ được con trai thì mừng húm , rồi khi nó lớn nó hư lại than khổ . Dì về nói với mấy anh chị vậy nghe .
             Dì Ba cười vui thích :
               _ Cô nói phải quá , được rồi để kỳ tới tui về , tui sẽ nói tuị nó đừng có đẻ nữa , quá tiêu chuẩn nhà nước cho phép rồi , nhiêu đó nuôi cho ăn học nên người là được rồi . Thiệt hồi xưa mà biết như vầy thì đâu có khổ .
             Nhìn dì Ba cười , tôi liên tưởng đến một thứ cây đã khô xác , còn cố chắt chiu chút nhựa để nuôi những chồi non xanh nhú đầu cành .
             Bất giác , tôi dặt tay lên bụng mình  , một cảm giác hạnh phúc cồn lên khi chân đứa bé đạp gồ lên một chỗ , tôi thì thầm “ Con yêu của mẹ , ba mẹ sẽ cố gắng để cho con có một cuộc sống tốt nhất , chắc chắn đời con sẽ không phải chịu cảnh lầm lụi như một số mảnh đời không may khác đâu . Nhưng mà con phải thật ngoan đấy nhé .”  

<< BA ĐÀO | ĐẬP PHÁ >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 243

Return to top