Chúc Thư Tình Yêu
Trần Quang Thiệu
(Lời người viết: Bài viết rất ngắn nầy nguyên có tên là ‘Tình Sông Nghĩa Biển’ nhưng tựa đề đó trùng với tên một truyện ngắn của nhà văn Phan Lạc Tiếp, một người bạn của chúng tôi, nên tên bài viết nầy được đổi thành ‘Chúc Thư Tình Yêu’ để tránh ngộ nhận.)
Tôi viết những dòng nầy cho bạn bè để chia sẻ một nỗi niềm, cho con tôi và cho H. như một lời trần tình, và cho chính tôi như một lời trăn trối.
Cũng như tôi, đa số các bạn đã từng trải qua những ngày tù đày đói khổ trên cao-nguyên hay núi rừng Bắc Việt. Nhưng những đau đớn thể xác đó không thể so-sánh được với niềm thống khổ mà tôi đã trải qua. Một năm sau ngày tôi bị cưỡng bách học tập cải tạo, nhà tôi mang đứa con chưa đầy năm tuổi vượt biên. Vợ con tôi được một tàu Hòa Lan cứu vớt và định cư tại xứ tự do nầy. Mười bốn năm tù đày là mười bốn năm hy-vọng, vì qua em gái tôi, tôi được biết rằng vợ con tôi đã có một đời sống yên lành.
Ngày tôi trở về thành phố cũng là ngày xót xa nhất cuộc đời, còn hơn cả lúc tôi lên xe đi cải tạo. Em gái tôi ngập ngừng cho tôi biết là vợ tôi đã sống chung với một người khác. Những lá thư cuối cùng H. viết về, em tôi đã giấu kín vì sợ rằng tôi không chịu được thêm niềm đau tinh thần trong lúc tù đày.
"Trăm nghìn lạy anh, xin anh tha thứ và quên đi người đàn bà không xứng đáng … ".
Tôi vò nát lá thư, đau và tủi, nhưng không có nước mắt để khóc cho mình, cho đời!
Nhưng niềm đau nào rồi cũng nguôi ngoai. Tôi vẫn còn đứa con mà 15 năm tôi chưa gặp mặt. Tôi viết thư cho người vợ cũ, chúc H. hạnh phúc và cám ơn H. đã thay tôi nuôi nấng con nên người.
Năm 1991, sau khi đã định cư ở Hoa-Kỳ, tôi lại nhận được thư H. . H. nhắc tới tình yêu đầu đời, êm như dòng sông nhỏ nơi quê nàng, và xin gặp tôi một lần: "Một lần với anh, rồi để tùy anh, em bao giờ cũng như dòng sông cũ".
Lòng tôi chùng xuống và tôi háo hức mong ngày tái ngộ như thủa mới yêu nhau. Mùa hè năm ấy, H. gọi tôi từ một góc phố, hỏi đường đến căn phòng trọ tôi chia sẻ với người bạn cùng cảnh ngộ. Tôi run-rẩy chải lại mái tóc đã điểm sương để đón H. và thấy mình lúng túng như thủa hai mươi, khi mới biết yêu lần đầu.
Đêm đó H. kể với tôi nỗi cô đơn và thống khổ vô-tận của người đàn bà với đứa con nhỏ trên xứ lạ. Từ con sông hiền-hòa, dòng đời đã đưa H. ra biển, và X., một sinh viên du-học, thông dịch viên trong phái đoàn cứu trợ, là cái phao cho H. bám víu, chịu ơn nghĩa, nuôi con và nuôi chồng trong tù.
"Chúng mình sống với nhau được mấy năm, anh thường đi xa, và cuối cùng đi biền biệt, không biết ngày về. Em lúc nào cũng thương nhớ anh, Nhưng X. cho em và con đời sống. Hơn 10 năm nay X. quanh quẩn bên em, tha-thiết và dịu dàng, đưa con đến trường ngày bé dại, đón em những chiều mưa, và hôm qua cặm cụi xếp quần áo cho em sang thăm anh. Đưa em ra phi-trường, X. không nói, chỉ cầm tay, nhưng ánh mắt có trăm điều gửi gắm. Trăm nghìn lạy anh, anh quyết-định sao em cũng chịu. Em không thể nào trọn cả nghĩa lẫn tình."
Tôi ứa nước mắt vì bồi hồi. Trong tù, tôi đau khổ, nhưng tôi không bao giờ cô đơn. Tôi có bạn bè xung quanh, có cái điếu cày và những cơn say choáng váng đủ để lãng quên đời. Tôi đã may mắn hơn vợ tôi nhiều mà tôi không biết. Lúc đó tôi mới thấy thương nàng, và thương cả X.. Tình yêu của chúng tôi như dòng sông, nhưng X. tới với H. bằng tấm lòng của biển.
"Em nên về bên đó. Con đã trưởng thành và anh cũng đã yên phận. X. cần có em hơn là anh. Cho anh gửi lời cám-ơn."
H. khóc, nhưng trong niềm đau như có cái gì rất an-ủi.
Mùa đông năm ấy con gái tôi cũng qua thăm. Cháu hầu như không nói được tiếng Việt mà tiếng Anh của tôi lúc đó còn rất kém. Người bạn giúp đỡ mỗi lần cha con tôi lúng túng. Tôi tuy nói rất ít nhưng cháu Âu Cơ hình như hiểu rất nhiều. Cháu gọi Bố rất rõ ràng, và trước khi trở về Hòa Lan, cháu mua một chậu hoa hồng, trồng ở đầu hè: "So you know that I m around, and that I love you".
Tâm hồn tôi bây giờ rất bình yên. Lâu lâu tôi lên chùa Từ Sơn nói chuyện thiền với thầy Đức. Một mai tôi ra đi, xin các bạn hỏa táng tôi và rắc tro ngoài biển. Gió sẽ đưa tôi về bên kia đại-dương:
Tro tàn theo dấu cố hương
Hồn theo ngọn sóng về đường biển xưa.
Như các bạn đã biết, quê tôi ở ven sông Hồng. Lúc đó tôi thật sự vẹn cả Tình Sông Nghĩa Biển’.
**
Phụ chú: Nhân vật chính trong câu chuyện nầy, anh Đ.V.M., đã qua đời năm 2006 tại California. Anh yêu cầu được hoả táng và mang tro tàn về quê hương, an táng cạnh mộ phần cha mẹ, thay vì trải ngoài biển như anh ước mong trước đây. Bạn bè đã làm tất cả những gì anh trăn trối, và người vợ cũ cũng từ Âu Châu sang để tang anh.
Ngày đưa hình Đ.V.M. lên chùa cho anh nghe kinh kệ chúng tôi cũng viết thêm vài hàng để tưởng nhớ anh:
Bạn thân,
Chúng mình tuổi trung bình cũng đã 60. Ra đi chỉ là vấn đề thời gian mà sao mỗi khi có đứa lìa đàn những người còn lại vẫn thấy thật là xót xa. Lần cuối cùng vào thăm bạn khi bạn còn tỉnh táo, bạn cười cười “… Bác sĩ nói tớ còn chừng 2 ngày nữa là hôn mê …”. Bạn nhắn nhủ bạn bè chuẩn bị cho bạn những giây phút cuối đời. Giọng bạn thản nhiên như kể chuyện “Đi gặp tụi thằng Đơn, thằng Lang và thằng Lộc. Đủ 4 chân mạ-chược, tha hồ vui. Mà nhớ phủ cho tớ lá cờ…”
Kim bỏ ra hành lang chùi nước mắt. Tôi cầm tay bạn ngậm ngùi. Ngày đó, khi mà chúng mình còn ‘mắt sáng môi tươi’, tôi từ biển Bắc về thăm bạn ở Đà Nẵng, bạn say mèm, ngồi khóc hu hu “Thông Sứt vừa tử trận đêm qua. Tiêu-Phong cũng mới chết ngoài Nhạn Môn Quan. Buồn quá.”
“Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”. Chúng mình như thế đã là muộn. Từ từ rồi anh em mình sẽ lại gặp nhau. Vài hàng trong góc riêng nầy viết cho bạn, dù bạn đang phiêu du hay ngồi xoa mạ chược trên trời. Thân.
Trần Quang Thiệu
June 2006