Các báo chí đăng Trang Chi Điệp thua kiện, trong thành Tây Kinh lập tức đồn rầm lên. Những người trước đây còn chưa biết vụ kiện này lại đi tìm khắp nơi để mua số "tạp chí Tây Kinh" có đăng bài của Chu Mẫn. Lý Hồng Văn đã bí mật đem số tạp chí ấy còn niêm phong giữ lại ở toà soạn bán cho một con buôn sách cá thể với giá cắt cổ, con buôn sách lại na6ng giá bán cho các hiệu sách ở ngoài phố. Càng có những tờ báo và tạp chí lá cải đến phỏng vấn toà soạn tạp chí và Cảnh Tuyết Ấm, viết nhiều bài nói về vụ kiện này, nhằm tăng thêm lượng phát hành của mình. Bỗng chốc các phố to ngõ nhỏ xôn xao bàn tán chuyện gì cũng có. Hàng ngày có người đến gõ cửa gia đình Trang Chi Điệp mười mấy lần, mà anh vẫn không mở cửa, còn điện thoại thì reo hết hồi này đến hồi khác, người hỏi tình hình rút cuộc thế nào, kẻ thì an ủi, người thì bất bình hậm hực, kẻ thì chửi bới trách móc. Trang Chi Điệp liền chặt phéng dây điện thoại, không thể tiếp tục ở nhà được nữa, một mình đeo kính râm đi ra phố vốn định đi đến một nơi nào dó, chẳng hạn đến nhà Mạnh Vân Phòng đánh bài, chẳng hạn đi tìm Triệu Kinh Ngũ hoặc Hồng Giang lấy một ít tiền tiêu, chẳng hạn đến bệnh viện tâm thần thăm A Lan. Nhưng hễ đến ngã tư phố, Trang Chi Điệp lại băn khoăn không biết nên đi đâu. Một cái xe đạp đang đi đến trước mặt, anh vội vàng lái sang bên trái nhường đường, thì chiếc xe đạp cũng lách sang bên trái, anh rẽ sang phải nhường đường thì chiếc xe đạp cũng rẽ sang phải. Người kia kêu cuống lên:
- A..a…
Cả người lẫn xe tránh nhau đã đổ kềnh. Trang Chi Điệp lồm cồm bò dậy, thấy ai đi trên đường cũng nhìn anh cười, hối hả đi theo phố. Người đi xe đạp cưỡi xe đi bên cạnh anh, quay đầu chửi một câu:
- Gà nó mỏ mất mắt rồi hả?
Trang Chi Điệp bỗng chốc nghẹn ứ cổ, đứng đực người tại chỗ không nhúc nhích. Người đi xe đạp đã đi lên trước, song lại ngoặt xe lại đi qua Trang Chi Điệp một lần nữa, vừa đạp chầm chậm vừa hỏi:
- Trang Chi Điệp phải không?
Trang Chi Điệp không nhận ra người đó, mặt anh ta có đầy mụn trứng cá. Người đó bảo:
- Hơi giông giống, không, không phải Trang Chi Điệp.
Xe đạp đã đi qua, Trang Chi Điệp nghĩ bụng, may mà anh ta không nhận ra mình, không thì khó coi quá. Anh đi về phía trước một cách không có mục đích, song lại nghĩ, cho dù anh ta có nhận ra, thì mình cũng không thừa nhận là Trang Chi Điệp! Thế là anh cười không thành tiếng. Chợt nhìn thấy trong ngõ nhỏ bên cạnh có một lá cờ vàng nho nhỏ đang bay dưới cây liễu, trên lá cờ vàng nho nhỏ ấy có viết một chữ "rượu", đi tới quả nhiên là một quán rượu nhỏ, liền vào quán gọi rượu ngồi uống. Sau khi uống một chén rượu gạo, mới chợt nhớ ra mình đã từng vào cái quán này. Hôm ấy, lúc uống rượu anh đã nhìn thấy con hiền cháu thảo đưa ma đi ngang qua đây, đã từng nghe bản nhạc du dương đưa đám tang trầm bổng rất hay, bỗng chốc anh cảm thấy quán rượu này vô cùng gần gũi, liền không đi đến nhà Mạnh Vân Phòng chơi bài nữa, cũng chẳng thiết đi tìm Triệu Kinh Ngũ và Hồng Giang, móc ở trong giày ra một tờ tiền giấy mua chén rượu thứ hai. Cứ như vậy uống một tiếng đồng hồ, ánh nắng trên bàn đã trượt dần xuống mép bàn. Trang Chi Điệp thỉnh thoảng nhìn ra ngoài cửa sổ và đã nhìn thấy một người đang hối hả đi qua, hình như là Liễu Nguyệt, liền gọi một tiếng, nhưng không được trả lời. Đi ra tựa cửa nhìn xa xa, Người đang đi ở phía trước chính là Liễu Nguyệt. Anh lại gọi một tiếng "Liễu Nguyệt!", một luồng gió phả vào mồm, chạy lên phía trước được chục mét, thì uỵch một tiếng, say ngã kềnh ra đất, oà oà nôn ra hẳn một đống.
Khi Liễu Nguyệt đang đi lên phía trước, hình như có tiếng người gọi, cô ta đi chậm lại, song không nghe thấy tiếng gọi thứ hai, cứ tưởng nghe nhầm, lại tăng tốc độ. Đã đi khá xa lại cảm thấy không đúng, liền quay đầu lại, thì vừa vặn nhìn thấy một người ngã xuống, trong lòng thấy nghi nghi, liền quay trở lại và kêu a một tiếng:
- Thầy Điệp ơi! Thầy Điệp, thầy say rượu đấy à?
Liễu Nguyệt vội vàng đỡ anh, song đỡ không nổi, liền nhảy sang bên đường vẫy một chiếc taxi. Một chiếc xe taxi phóng qua nhưng lại đang chở đầy người. Lại một chiếc khác đi đến, vẫn chở người. Khó khăn lắm mới vẫy được một chiếc, lại phải năn nỉ với lái xe mãi, cuối cùng mới cùng với cô khiêng người say lên xe. Nhưng khi quay lại thì nhìn thấy con chó đã ăn hết bãi nôn bên cạnh Trang Chi Điệp, nó đang thè lưỡi dài ngoằng liếm vào mặt Trang Chi Điệp. Trang Chi Điệp không đủ sức đủôi con chó, tay giơ ra, mồm nói:
- Đánh chó! Đánh chó!
Liễu Nguyệt đá con chó ra xa rồi cùng với lái xe khiêng Trang Chi Điệp lên xe, phóng vun vút về khu hội văn học nghệ thuật và dìu anh lên nhà rửa mặt súc miệng.
Liễu Nguyệt trông nom Trang Chi Điệp cho tới khi tỉnh dần và trở lại bình thường, thì cô ta oán trách anh không nên uống như vậy có hại đến sức khoẻ, nói xong cô ta mở ví da lấy ra một xấp giấy tiền. Trang Chi Điệp hỏi:
- Em làm gì vậy?
Liễu Nguyệt đáp:
- Em biết hiện nay anh thiếu tiền, nhưng anh thiếu tiền thì cứ bảo với em. Liễu Nguyệt này bây giờ tuy không có vạn quan tiền giắt ở lưng, song cũng không phải như lúc còn làm người hầu việc trong nhà ngày nào. Anh nói với em một câu, cho dù có hạ thấp thân phận của anh, nhưng anh không nên đem thanh danh của mình đi chà đạp bản thân đổi tiền uống rượu!
Trang Chi Điệp nghe đến nỗi đâm ra lẩn thẩn. Liễu Nguyệt liền bảo:
- Anh còn nói dối em hả? Hồng Giang đã kể hết với em rồi.
Trang Chi Điệp càng chẳng hiểu thế nào cả. Từ trong túi áo, Liễu Nguyệt lấy ra một quyển sách mỏng, nói:
- Anh xem đi.
Trang Chi Điệp cầm quyển sách nhỏ xem. Trang bìa hầu như không có vẽ vời gì, trên giấy trắng chỉ in giòng chữ "quá trình vụ kiện chơi bời của Trang Chi Điệp", bên dưới là mấy dòng mục lục chương tiết chủ yếu, thứ tự là:
Tình cũ khó quên Cảnh Tuyết Ấm, Chu Mẫn viết bài kể trăng hoa. Người đẹp nổi cơn tìm lãnh đạo, một bức thư riêng trơ mặt van xin, toà án trong ngoài mù mịt khói, Chu Mẫn bị phản bội, đáng đời!
Trang Chi Điệp quăng luôn quyển sách nhỏ, hỏi:
- Sao thế nhỉ?
Liễu Nguyệt đáp:
- Ở trong tiệm ca múa, em thấy có người cầm quyển sách này, em giật mình, hỏi mua ở đâu, trả lời mua ở nhà sách "Đại chúng", em đến nhà sách "Đại chúng" tra hỏi thì Hồng Giang đang ở đó giúp người ta bó loại sách này phát cho bưu điện huyện ngoại thành. Em hỏi Hồng Giang ai viết sách này, đây chẳng phải chà đạp lên thầy Điệp để kiếm tiền ư? Tại sao anh cũng tham gia vào việc này? Hồng Giang đáp anh cũng không biết, loại sách này đã kiếm ra tiền, thì tại sao để người khác kiếm mà mình không kiếm? Chị cả Ngưu Nguyệt Thanh và thầy Điệp đã ở riêng, thầy Điệp ngượng không đến đó lấy tiền, đành phải đến chỗ tôi xin, hiệu sách của mình phải có tiền chứ. Hồng Giang bảo anh cũng ngấm ngầm đồng ý chuyện này, bảo em quan tâm vừa vừa thôi, nói cũng in ít thôi. Sự việc có đúng như thế không?
Trang Chi Điệp nổi giận đùng đùng mắng:
- Cha cái thằng Hồng Giang, nó cũng dám bôi xấu tôi à?
Chửi mắng xong, lại khẽ cười bảo:
- Hì hì, Liễu Nguyệt này, anh không chửi hắn nữa, hắn quả là một người biết buôn bán, anh mắng hắn làm cái quái gì? Anh cũng chẳng truy hỏi ai viết. Chu Mẫn cũng được, Triệu Kinh Ngũ hoặc bọn Lý Hồng Văn cũng được, cứ để cho bọn họ viết, bây giờ cả thành phố đã ầm ĩ lên rồi, anh có thể bịt một hai cái mồm, chứt bịt sao nổi mồm dân toàn thành phố. Thầy Phòng của em đã từng nói chung quanh anh có một loạt người viết văn đang ăn anh, nào ngờ cái hiệu sách mà mình mở, cũng in trộm loại sách này để kiếm tiền, như vậy đã đến phiên anh ăn anh rồi đó!
Liễu Nguyệt nghe Trang Chi Điệp nói thế cũng chua xót trong lòng, liền nói an ủi:
- Thầy nghĩ như thế cũng được. Thầy còn choáng đầu không? Em dìu thầy lên giường nằm một lát.
Trang Chi Điệp lắc đầu, anh bảo không được anh không ngủ, lại nhìn Liễu Nguyệt một cách đáng thương, nói:
- Tại sao anh sống thành như thế này nhỉ? Liễu Nguyệt ơi, em bảo vụ kiện đã kết thúc, sự việc ấy đã xong, tại sao lại trở thành thế này?
Liễu Nguyệt đáp:
- Anh là danh nhân mà!
Trang Chi Điệp bảo:
- Là danh nhân, anh là danh nhân. Bây giờ anh càng là một danh nhân, một cái tên để cười, một cái tên để chửi!
Liễu Nguyệt nói:
- Thầy Điệp này, thầy cũng đừng quan tâm nhiều đến chuyện ấy, thầy là nhà văn, xét đến cùng nhà văn nói chuyện bằng tác phẩm, chẳng phải thầy định viết một truyện dài đó sao? Thầy nên bình tâm lại, dồn sức viết tác phẩm, thầy sẽ có thể vì chính danh của thầy, thầy vẫn có thể tạo ra thanh danh lớn hơn, tốt hơn.
Trang Chi Điệp hỏi:
- Vậy ư? Vậy ư?
Liễu Nguyệt đáp:
- Đúng vậy.
Nhưng Trang Chi Điệp lại nói bô bô:
- Anh không viết nữa, anh không cần thanh danh này nữa!
Trang Chi Điệp tiễn Liễu Nguyệt về rồi, liền kiên định ý nghĩ của mình không viết nữa. Không bao giờ viết nữa mới gỡ bỏ được thanh danh của mình! Cuối cùng anh đã kết thúc cuộc đời sáng tác của mình bằng một bài viết cuối cùng, anh đã viết một tin dài một ngàn không trăm hai mươi tám chữ nói rõ bở mất ngủ nặng nề dẫn đến mất khả năng sáng tác. Trang Chi Điệp hiện nay thích thú tuyên bố rút khỏi văn đàn. Bài viết xong, ký tên tác giả, gửi tới "văn đàn đạo bảo" đã đăng, các báo và các tạp chí lá cải ở thành Tây Kinh đã đăng tin sốt dẻo này. Tối hôm đó Mạnh Vân Phòng đã đến nhà Trang Chi Điệp hỏi:
- Chi Điệp ơi, anh có biết bên ngoài lại tung tin nhảm nhí về anh không? Họ bảo anh mất khả năng sáng tác, đã rút khỏi văn đàn, đây chẳng phải trò cười ư? Trưa nay, chủ tịch thành phố có gọi mình đến hỏi chuyện gì, mình đáp không thể có chuyện ấy. Chủ tịch thành phố cũng buồn lắm, nói nếu là đồn nhảm nhí thì phải tra hỏi chuyện này ở đâu ra, báo chí ở Tây Kinh tại sao lại có thể bóp chết danh nhân của mình như vậy? Chi Điệp có biết ai viết tin này hay không?
Trang Chi Điệp đã cạo trọc đầu, cái trán bóng loáng, anh đáp:
- Tôi viết đấy.
Mạnh Vân Phòng hỏi:
- Anh viết ư? Tại sao anh chơi đùa với chính mình như thế? Tâm tình anh có tồi tệ đến đâu chăng nữa, thì cũng không được làm như vậy. Anh thử nghĩ, ngoài sáng tác ra, anh còn biết làm được cái gì nữa hả? Ra phố đánh giày ư? Bán bánh quẩy à?
Trang Chi Điệp đáp:
- Tôi không đói là được chứ gì, cho dù có đói, thì tôi đến nhà anh ăn mày, anh cũng không cho ư?
Mạnh Vân Phòng nói:
- Vậy thì thôi, xưa nay có bao giờ anh nghe tôi đâu nhưng tôi xin nói với anh, hiện nay anh không phải là Trang Chi Điệp của Trang Chi Điệp nữa, anh là Trang Chi Điệp của thành phố Tây Kinh anh có lý lẽ thì đi gặp chủ tịch thành phố mà nói! Hôm nay tôi đến còn có một nhiệm vụ, đây cũng là chỉ thị của chủ tịch thành phố, đó là trong ngày tết văn hoá của thành cổ cần anh viết mấy bài quan trọng, trong đó có một bài về huy hiệu bỉêu tượng của ngày tết. Mình bảo với chủ tịch thành phố, gần đây anh không được khoẻ, chủ tịch thành phố bảo mình viết bản thảo ban đầu đã. Mình viết xong, ông ấy xem, cảm thấy không lý tưởng, nhất định đòi người cao tay như anh sửa chữa tỉa tót cho hay hơn.
Nói xong đưa ra cuốn bản thảo. Trang Chi Điệp cũng không thèm xem, quẳng sang một bên và nói:
- Tôi mất khả năng sáng tác rồi, viết không nổi, chữa cũng không nổi.
Mạnh Vân Phòng đáp:
- Anh nói dối người khác, chứ nói dối Mạnh Vân Phòng này ư? Cho dù anh yên tâm không lên tiếng nữa, bài văn này coi như ký tên mình, anh cũng vẫn phải sửa chữa giúp.
Trang Chi Điệp nói:
- Tôi có thể giúp anh, cũng chỉ giúp anh được lần này, nhưng không được để lộ với chủ tịch thành phố một chữ nào đâu đấy nhé?
Mạnh Vân Phòng ra về. Trang Chi Điệp bắt đầu đọc và sửa bài. Anh rất buồn cười ngày tết văn hoá ở thành phố thiếu gì thứ để làm huy hiệu, là biểu tượng mà lại phải chọn con gấu mèo to cơ chứ! Gấu mèo to là con vật mà Trang Chi Điệp ác cảm hơn cả, tuy nó hiếm ở trên đời, nhưng nó đần, biếng nhác, ấu trĩ, nhất là cái dáng thơ buồn cười, làm sao có thể tượng trưng cho thành phố này và nền văn hoá của thành phố này? Trang Chi Điệp quẳng bút đi không sửa nữa. Không sửa nữa song lại nghĩ, có lẽ lấy gấu mèo to làm biểu tượng ngày tết là thích hợp chăng, cái thành phố bé nhỏ này lấy gấu mèo to như thế để tượng trưng là đáng đời lắm. Anh không muốn viết một đề nghị thay đổi vật tượng trưng, ví dụ con chim ưng, con ngựa, con bò, thậm chí con chó sói, nhưng anh không muốn sửa bài văn ca ngợi con gấu mèo này tới mức vô cùng tốt đẹp hay ho, thế là cố ý gạch xoá mấy đoạn, cho thêm nhiều lời vào, những lời ấy lộn xộn, trục trặc lung tung. Viết xong, hôm sau không gọi Mạnh Vân Phòng đến lấy, mà trực tiếp gửi cho chủ tịch thành phố. Vừa ra khỏi bưu điện, không ngờ lại gặp Nguyễn Tri Phi. Trang Chi Điệp quả thật ngạc nhiên, Nguyễn Tri Phi không đeo kính râm, hai con mắt đen lay láy. Anh hỏi:
- Mắt anh chữa khỏi rồi à?
Nguyễn Tri Phi đáp:
- Chữa khỏi rồi, vừa ra viện định đi thăm anh, nhưng chủ tịch uỷ ban thành phố cứ giữ lại, cử đi Thượng Hải mua một bộ nhạc cụ, tôi bị cử vào ban trù bị ngày tết văn hoá! Chứ không à, vừa mới ba hôm nay, đang bận mải rối tinh rối mù lên, vẫn chưa đến thăm anh được.
Nguyễn Tri Phi nhìn Trang Chi Điệp, đột nhiên nghi ngại hỏi:
- Anh làm sao thế? Mắc bệnh gì phải không? Anh đừng có xảy ra chuyện gì nữa, giống như Uông Hy Miên để tôi phải lo đấy!
Trang Chi Điệp hỏi:
- Hy Miên làm sao?
Nguyễn Tri Phi hỏi lại:
- Thế anh không biết gì ư? Việc này đầu tiên không nên để bất cứ ai biết, Hy Miên lại vẽ tranh giả các ngành hữu quan đang kiểm tra truy tìm.
Trang Chi Điệp hỏi:
- Có quan trọng lắm không?
Nguyễn Tri Phi đáp:
- Hiện giờ chưa nói được, xem ra không quan trọng lắm. Chi Điệp ơi, anh phải đi bệnh viện khám sao, chắc chắn anh bị ốm.
Trang Chi Điệp đáp:
- Không có bệnh gì đâu.
Nguyễn Tri Phi hỏi:
- Vậy thì tại sao bỗng chốc lùn đi thế?
Trang Chi Điệp đâu có bé nhỏ đi, nhìn vào thể mình, anh cười bảo:
- Anh từ Thượng Hải về, đừng ăn nói bậy nhìn cái gì cũng trái mắt!
Nguyễn Tri Phi nói:
- Chuyện ấy cũng đúng. Thượng Hải người ta….
Trang Chi Điệp cười cướp lời:
- Được rồi, được rồi, nói anh chân nhỏ đủ vịn tường đi chứ gì, mỗi lần đi Thượng Hải, khi về Tây Kinh, cũng cảm thấy đường phố Tây Kinh hẹp đi, bẩn đi, người Tây Kinh ai cũng quê mùa, dăm ba hôm sau, cảm giác này không còn nữa. Không sao đâu, đến chỗ tôi uống rượu nhé!
Hai người đến nhà Trang Chi Điệp uống rượu. Trang Chi Điệp hỏi tình hình điều tra Nguyễn Tri Phi bảo đã thay mắt chó. Anh hỏi:
- Anh không phát hiện ra chứ?
Trang Chi Điệp không phát hiện ra nhưng cười hì hì.
Nguyễn Tri Phi hỏi:
- Anh cười gì vậy? Lúc đầu tôi cứ tưởng thay mắt chó vào sẽ xấu xí khó coi, sau đó mới biết con người mắt như nhau cả. Những cô gái xinh đẹp có cặp mắt tốt lắm, nhưng anh móc con ngươi của cô ta ra, để lên bàn tay anh bảo là mắt người cũng được, là mắt lợn cũng xong, đẹp hay xấu ở chỗ, nó được lắp vào một khuôn mặt như thế nào.
Trang Chi Điệp nói:
- Khuôn mặt anh đẹp lắm, lắp vào cũng đẹp, chỉ có điều anh nhìn tôi thấp đi, có lẽ mắt chó như vậy chăng?
Nguyễn Tri Phi nổi cáu, giơ nắm đấm thụi một quả, nói:
- Nhìn anh thấp đi thật mà, chưa biết chừng con mắt chó này lại khiến cho mình có công dụng và tính năng mà người thường không nhìn thấy!
Rồi đột nhiên Nguyễn Tri Phi ngạc nhiên hỏi:
- Trên tường tại sao lại có một tấm da bò to thế này! Mua ở đâu thế, chuẩn bị may áo khoác da phải không? Có bán cho tôi được không? Văn hoá lần này tôi có ý định, ngoài việc tổ chức bỉêu diễn triển lãm tất cả nghệ thuật dân gian, còn chuẩn bị trang trí tử tế lại gác chuông và gác trống, trong thời gian tết văn hoá, hàng ngày bảy giờ sáng chuông phải gõ chuông, bảy giờ tối trên gác trống phải đánh trống. Đây là âm thanh của trời đất mà sách cổ đã viết. Hơn nữa trên bốn lầu cổ đông, tây, nam, bắc cũng phải đặt mười tám cái trống và mười tám cái chuông. Đến lúc ấy, trên lầu chuông, trống vừa vang lên tiếng chuông, trống thì trên bốn lầu cổng thành cũng đồng loạt hưởng ứng, không khí sẽ như thế nào nhỉ? Tấm da bò của anh đẹp quá, bán cho bọn tôi làm một cái trống lớn, sẽ đặt trên lầu cổng thành cửa bắc hùng vĩ nhất, được chứ?
Trang Chi Điệp im lặng một lúc rồi đáp:
- Bán thì không bán nhưng các anh có thể lấy đi bịt trống. Chỉ cần bảo đảm cái trống này ngoài tết văn hóa ra, từ nay về sau vẫn còn trưng trên lầu cổng bắc, để nó vĩnh viễn giữ âm thanh trong thành phố này là được.
Nguyễn Tri Phi hớn hở ra mặt, lập tức gỡ tấm da bò trên tường xuống, Trang Chi Điệp cũng giúp một tay, tấm da bò xoà xoà rơi xuống trùm kín người Trang Chi Điệp, lâu lắm không chui ra được. Nguyễn Tri Phi cuộn da bò, định ra về, Trang Chi Điệp lại có phần không chịu nổi, anh bảo:
- Anh mang đi thật à?
Nguyễn Tri Phi đáp:
- Sao lại không thật? Lại tiếc phải không?
Trang Chi Điệp nói:
- Vậy anh để lại cho tôi cái đuôi.
Từ buồng bếp, Nguyễn Tri Phi lấy ra con dao, đặt lên thớt gỗ, cắt cái đuôi để lại, rồi cuộn da bò đi vẫy một chuyến xe taxi chở về. Trang Chi Điệp không ngờ lại để Nguyễn Tri Phi lấy đi tấm da bò, trong lòng anh có phần nào luyến tiếc. Mấy hôm nay, bà chủ quán mì phở thái Sơn Tây đưa mì phở lên, anh ăn không thấy ngon. Anh hỏi:
- Mì phở này không ngon bằng trước. Mấy hôm đầu, bà chưa kịp bưng lên, tôi đã thèm nhỏ dãi cơ mà?
Bà chủ quán chỉ cười. Trang Chi Điệp hỏi:
- Hay là tôi ăn ngũ cốc muốn sáu vị?
Bà chủ quán đáp:
- Tôi nói thật với anh, anh chớ có bép xép với ai, nói ra quán ăn của tôi sẽ bị đóng cửa. Đã đóng cửa, thì tôi chịu tội, mà anh thì cũng đói bụng. Anh cảm thấy mì phở trước đây ngon, anh đâu có biết trong nước phở có cho vỏ thuốc phiện.
Trang Chi Điệp kêu lên:
- Có vỏ thuốc phiện ư? Thảo nào ngon thế. Để kiếm tiền sao bà lại làm như vậy hả?
Bà chủ quán đáp:
- Tôi hối hận quá đã nói với anh. Không nên cho vỏ thuốc phiện vào, nhưng đấy không phải bắt người ta hút thuốc phiện, nó chỉ làm cho người ta nghiện một chút, đến quán ăn nhiều hơn, đông hơn mà thôi, không ảnh hưởng gì lắm đến cơ thể. Bây giờ anh còn ăn nữa không? Tôi sợ anh đã biết, nên mấy hôm nay không tới ăn nước phở đấy.
Trang Chi Điệp đáp:
- Vậy thì ăn.
Buổi chiều bà chủ quán quả thật bưng lên bát mì phở thái, mùi thơm ngon sực nức. nếu bà chủ quán không nói trong mì phở có vỏ thuốc phiện, thì Trang Chi Điệp ăn vào chỉ thấy ngon mà thôi, nhưng biết trong phở có rưới nước ninh vỏ thuốc phiện, thì ăn phở vào, liền cảm thấy mình có tác dụng hút thuốc phiện, ngả người xuống giường, trong đầu cứ lơ mơ hoang hoảng. Cảm giác này càng ngày càng ghê gớm, dẫn đến tình trạng anh thường xuyên lâm vào cảnh lẫn lộn giữa hiện thực và ảo giác. Tối nay anh đang ngồi ghể sa lông da xem tivi, xem mãi, xem mãi, liền cảm thấy anh đi vào trong tivi, người trong tivi cũng bước ra dắt anh vào, thế là anh đi sâu vào trong cái hình vuông ấy như một đường hầm, liền nhìn thấy hai bên đường hầm có nhiều hang nhỏ, có một cái hang nhỏ viết trên cửa hai chữ "lên đồng", liền đẩy cửa bước vào, quả nhiên có bốn người đang lên đồng trên bàn cát ở bên trong. Anh liền chê cười lên đồng xem tướng có cái gì đáng tin đâu, bắt đầu chửi bới các sản phẩm bảo vệ sức khoẻ dang trỗi dậy trong thành phố Tây Kinh, quảng cáo rùm beng, làm cho ai nấy mê mẩn, chỉ nghĩ cách phải bảo vệ sức khoẻ của mình và đương nhiên có hàng đống những chụp đầu, bó bụng, đệm giày mác thầncông, mác ma lực. Bây giờ của cải không là của cải, mà là của cải dinh dưỡng bảo vệ sức khoẻ bổ dạ dày, tráng dương, rau cải cũng không phải là rau cải mà là rau cải dinh dưỡng bảo vệ sức khoẻ nhuận âm bổ khí. Người bán hàng ở chợ rau cũng mặc áo blu trắng, đội mũ y tế có chữ thập đỏ! Bốn người kia thấy anh ăn nói quàngxiên, liền đe nẹt anh không được ăn nói linh tinh. Họ bảo lên đồng là việc hết sức linh nghiệm. Anh liền bảo tôi viết một chữ để thần viết ý lên bàn cát xem thế nào, ngay lập tức anh với một chữ "b". Không ngờ trên bàn cát lại xuất hiện một bài thơ, anh ngạc nhiên tới mức kêu lên thành tiếng. Tiếng kêu ngạc nhiên này, làm cho Trang Chi Điệp đột nhiên mở to mắt, lại nhìn rõ trên màn hình còn đang chiếu một bộ phim đánh nhau, anh biết vừa rồi mình đang trong cơn mơ. Nhưng trước đây Trang Chi Điệp tỉnh lại sau giấc mơ không bao giờ nhớ rõ sự việc trong cõi mộng, còn hôm nay lại nhớ mồn một câu thơ trên bàn cát:
Đứng là nhơ sự chắp hai tay
Ngồi là bông sen xoè nở
Đừng tác yêu tác quái nữa
Chốn chui ra của mi đó, thằng kia!
Thế là anh nghi nghi hoặc hoặc, trong đêm ấy bị câu thơ ám ảnh, liền nhớ tới những cuộc đi lại với Đường Uyển Nhi trước đây, lại lơ mơ thấy mình đi sang căn nhà ở Song Nhân Phủ định gặp Ngưu Nguyệt Thanh.
Ngưu Nguyệt Thanh đi vắng, mẹ vợ thì đứng ở cổng kéo anh hỏi:
- Sao lâu nay con không sang thăm mẹ? Bố con giận lắm đấy! Mẹ đã nói dối thay con. Mẹ bảo anh đi viết lách, nhưng rút cuộc con bận việc gì, ngay đến ghé qua một lần cũng không có thời gian hay sao? Cô vợ của Chu Mẫn đã về chưa? Mẹ bảo buộc quần áo và giày của cô ta bằng dây thừng tre trong giếng, thì cô ta sẽ trở về, con có làm như thế không?
Trang Chi Điệp hỏi:
- Cô vợ của Chu Mẫn, cô vợ của Chu Mẫn là ai?
Bà già đáp:
- Con quên cô ta rồi à? Hôm qua mẹ gặp cô ấy, cô ấy khóc lóc trong một căn nhà, đi cũng chẳng thể đi, hai chân cong thế này này. Mẹ hỏi sao vậy hả cô? Cô ấy cho mẹ nhìn, ối trời ơi, nửa người phía dưới cô bê bết máu, bên trên khóa một cái khóa sắt to. Mẹ hỏi sao lại khóa ở chỗ này? Cô không đi tiểu à? Cô ấy trả lời không ảnh hưởng đến tiểu tiện, chỉ có điều nước tiểu làm han rỉ khoá, cô ấy không mở được. Mẹ hỏi, thế chìa khoá đâu để ta mở cho. Cô ấy bảo chìa khoá Trang Chi Điệp đang giữ. Tại sao con có chìa khóa mà không mở cho cô ấy?
Trang Chi Điệp hỏi:
- Mẹ ơi, mẹ nói điên gì thế?
Bà già đáp:
- Mẹ nói điên gì ư? Mẹ nhìn thấy Đường Uyển Nhi thật đấy. Con hỏi bố vợ con mà xem, bố vợ con cũng có mặt tại chỗ, mẹ còn đẩy bố con sang một bên và hỏi, ông nhìn cái gì? Chỗ này để ông nhìn hay sao?
Trang Chi Điệp thế là lại bừng tỉnh, mồ hôi trộm đổ túa ra hết trận này đến trận khác, anh không dám ngủ tiếp nữa, pha cà phê uống, mắt mở trừng trừng, ngồi cho đến sáng.
Sau khi trời sáng, Trang Chi Điệp đi tìm Mạnh Vân Phòng. Anh muốn kể những hiện tượng này với Mạnh Vân Phòng, có lẽ Mạnh Vân Phòng sẽ giải thích được. Nhưng Mạnh Vân Phòng đi vắng. Hạ Tiệp đang ở nhà khóc sướt mướt. Hỏi mới biết Mạnh Vân Phòng dẫn con trai Mạnh Tần và cùng với người sư phụ kia của Mạnh Tần đến Tân Cương. Hạ Tiệp nước mắt ngắn nước mắt dài sụt sịt nói với anh, sư phụ của Mạnh Tần đầu tiên bảo Mạnh Tần có tính hiểu biết cao, tương lai trở thành một nhân vật ghê gớm, Mạnh Vân Phòng không tin lắm, sau đó thấy con trai tuy nhỏ nhưng chỉ cho học kinh "Kim Cương", có sáu tháp thì thằng bé đã đọc thuộc làu làu như cháo chảy cũng cảm thấy có lẽ sẽ nổi đình đám, chứ chẳng phải chuyện chơi, cũng có ý định cho con trai tụng kinh đọc thiền, luyện khí công, tu mắt pháp, lại than vãn, tại sao đã già nửa đời người, mà mình chẳng làm nên việc gì, chắc chắn ông trời bắt mình xuống phục dịch hướng dẫn Mạnh Tần, nên đã có ý định theo con đường học vấn. Sư phụ Mạnh Tần muốn dẫn Mạnh Tần đi du lịch ở Tây Cương, lúc đầu anh không định đi, nhưng chủ tịch thành phố gọi anh đến bảo, ông đã xem bài sau khi sửa, tại sao sửa xong lại không bằng chưa sửa là như thế nào? Quả thật Trang Chi Điệp mất khả năng sáng tác rồi ư? Lúc này Mạnh Vân Phòng mới biết dụng ý của Trang Chi Điệp sau khi sửa chữa đã trực tiếp gửi bài cho chủ tịch thành phố, cũng phụ hoạ luôn, nói Trang Chi Điệp hỏng thật rồi, chủ tịch thành phố liền giao cho anh một mình đứng ra viết cũng được. Trở về nhà, Mạnh Vân Phòng luôn mồm kêu khổ, chi qua quýt chép lại bản thảo cũ, rồi gửi cho chủ tịch thành phố và dứt khóat cùng Mạnh Tần đi Tân Cương. Do đó, Hạ Tiệp không đồng ý. Hai người cãi nhau một trận, song Mạnh Vân Phòng cứ đi. Hạ Tiệp kể xong lại nói với Trang Chi Điệp nỗi oan ức của mình trong nhà này, ca cẩm chị và Mạnh Vân Phòng không chung sống với nhau được nữa. Trong cuộc đời Mạnh Vân Phòng, bất cứ lúc nào cũng có một đối tượng sùng bái, sùng bái đi sùng bái lại, đã sùng bái đến con trai mình, một người như vậy thì chung sống làm sao nổi? Trang Chi Điệp nghe xong không nói gì, bước khỏi cửa đi luôn. Hạ Tiệp lại khóc, nhìn thấy Trang Chi Điệp đã bỏ đi, liền đưa cho anh một mẩu giấy, bảo Mạnh Vân Phòng nhờ chị chuỷên cho anh. Trong mẩu giấy không viết chữ nào, chỉ có một dòng chữ số Ả rập gồm sáu chữ số. Trang Chi Điệp hỏi đây là châm ngôn gì dành cho tôi vậy, chắc bảo tôi đọc để trừ hoạ tránh nạn chăng? Hạ Tiệp bảo, số điện thoại đấy. Mạnh Vân Phòng chỉ nói với chị, có một người hỏi anh về tình hình gần đây của Trang Chi Điệp, nhưng anh ấy không nói là ai, Mạnh Vân Phòng chỉ dặn đưa cho Trang Chi Điệp, Trang Chi Điệp sẽ hiểu. Trang Chi Điệp cầm mẩu giấy, song không nghĩ ra điện thoại của ai, nếu là người quen, vậy thì họ hoàn toàn không cần thăm dò tình hình gần đây của anh qua Mạnh Vân Phòng làm gì. Trang Chi Điệp chợt giật mình, đút mẩu giấy vào túi áo, cắm cổ đi ra.
Trang Chi Điệp không gặp được Mạnh Vân Phòng trong lòng nghi nghi hoặc hoặc, đi qua chỗ hàng thịt ở dưới gác chuông, liền định mua một mật lợn, nếu về nhà hễ nhắm mắt vào một cái, chưa thấy những hiện tượng quái gở kia, thì liếm mật đắng cho tỉnh ngủ. Nghĩ vậy, anh đã đứng xuống hàng mua thịt trước quầy. Giữa lúc ấy, chủ tịch thành phố đang ngồi xe đi kiểm tra tình hình tiến độ cải tạo thi công hội trường lớn tổ chức lễ khai mạc văn hoá của thành cổ, khi xe con đi qua gác chuông, đã nhìn thấy Trang Chi Điệp đang xuống hàng mua thịt, đầu cạo trọc, râu thì dài, liền bảo lái xe đỗ lại, nhìn qua cửa kính xe. Trang Chi Điệp đã đứng trước quầy bán thịt, người bán hàng hỏi:
- Lấy mấy cân?
Trang Chi Điệp đáp:
- Tôi mua mật lợn.
Người bán hàng hỏi:
- Mua mật lợn ư? Anh điên à? Ở đây bán thịt lợn, đâu có bán mật lợn?
Trang Chi Điệp đáp:
- Thì tôi mua mật lợn mà, chị mới là con điên!
Người bán thịt đập con dao lên bàn thịt, nói:
- Không mua thịt thì tránh sang một bên, nào người tiếp theo.
Người đàng sau chen lên, đẩy Trang Chi Điệp ra khỏi hàng, nói:
- Người này điên rồi, người này điên rồi!
Trang Chi Điệp bị đẩy ra khỏi hàng nhưng vẫn đứng tại chỗ, nét mặt cười gượng gạo. Chủ tịch từ trong xe nhìn ra, thì lái xe hỏi:
- Có xuống gặp anh ấy không ạ?
Chủ tịch thành phố vẫy tay một cái, chiếc xe nổ máy phóng đi. Ông chủ tịch nói:
- Đáng tiếc cho anh chàng Trang Chi Điệp này!
Không có mật lợn, trong đêm ấy Trang Chi Điệp ăn xong mì phở thái, vừa nằm xuống lại mơ hoang hoảng. Anh cảm thấy mình đang viết thư, viết thư cho Cảnh Tuyết Ấm, mà đây là lần thứ tư hay thứ năm gì đó, nội dung anh viết đại thể là mặc dù vụ kiện này, kiện đến đâu đi chăng nữa, thì anh lại càng ngày càng yêu chị ta. Chị ta đã luôn luôn bất hòa với chồng, chồng chị bây giờ lại gẫy chân đã tàn phế, anh hy vọng hai người cắt đứt mà xây dựng với anh để trọn ước nguyện ngày nào. Anh cảm thấy anh gửi thư đi rồi liền ngồi ở nhà chờ chị ta trả lời. Đột nhiên có tiếng gõ cửa, anh cứ tưởng bà chủ quán cơm đưa cơm lên. Cửa mở ra, Cảnh Tuyết Ấm đã bước vào. Họ đứng tại chỗ nhình nhau, không ai nói với ai câu nào, dường như còn có phần xa lạ, còn có phần ngượng nghịu, nhưng họ đã nói chuyện bằng mắt rất nhanh. Cả hai người đều hiểu rõ nguyên nhân tìm đến với nhau, lại đọc được nội dung trong mắt của nhau cùng một lúc hai người sà vào lòng nhau! Thế là họ ra tay chuẩn bị lễ cưới. Trong gian phòng này anh dã nhìn thấy các kiểu tóc của chị: búi ở sau gáy, bện thành một chiếc đuôi sam, bỏ xoã xuống hai vai, đã nhìn thấy một đôi chân mũi giày trắng thò ra dưới rèm cửa, đã nhìn thấy đôi chân ngồi xê bằng trên ghế đệm da, đã nhìn thấy đôi chân giày cao gót từ mặt bên dưới bàn. Anh giục chị ta đi sắm đồ dùng gia đình cao cấp, sắp đặt đồ ở trên giường, anh sẽ đăng tin mừng lễ cưới của hai người trên tất cả các tờ báo và tạp chí, sau đó lại tổ chức lễ cưới ở khách sạn sang trọng hào hoa chờ đến tối sẽ làm xong thủ tục, động phòng vui vẻ nhưng anh không cho khách đến ra về, đầu tiên đóng cửa buồng lại, anh học kiểu của người xưa ở Trung Quốc, cũng học cả kiểu của người hiện đại phương Tây, mời chị ta lên giường, đọc cho chị ta nghe một đoạn trong "Kim Bình Mai", cho chị ta xem băng hình. Mặc quần áo đi ra, cất to giọng anh tuyên bố trịnh trọng với khách khứa dang ngồi trong phòng khách: từ giờ phút này trở đi, tôi và Cảnh Tuyết Ấm xoá bỏ đăng ký kết hôn! Hơn nữa cũng lập tức phát tuyên bố này trên tivi. Các vị khách ai cũng ngạc nhiên, hỏi lại:
- Anh chẳng phải vừa mới kết hôn với Cảnh Tuyết Ấm đó sao? Tại sao lại định ly hôn?
Cuối cùng anh cười ngất:
- Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của tôi rồi.
Hành hạ suốt một đêm như vậy, khi trời tang tảng sáng, Trang Chi Điệp vẫn không rõ chuyện kết hôn rồi ly hôn với Cảnh Tuyết Ấm là một thứ ảo giác hay là từng trải thật, nhưng tư tưởng tình cảm của anh vô cùng thoải mái. Trong buổi sớm ấy anh đã uống hết nửa chai rượu gạo, nói thầm trong bụng:
- Trong thành phố này, những việc cần làm ta đều đã làm, đúng thế, nhưng việc cần làm đều đã làm xong.
Màn đêm buông xuống, Trang Chi Điệp xách một chiếc va li da to đi một mình ra nhà ga. Sau khi xếp hàng mua vé xong, đột nhiên cảm thấy sắp sửa bỏ thành phố này, trong thành phố này chỉ có một người đàn bà của anh. Trên người đàn bà có có một bản thân anh nhỏ xíu. Sắp sửa đi rồi, anh nên chia tay từ biệt với bản thân nhỏ ấy. Anh xách va li quay lại, đi tới trạm điện thoại công cộng. Nhà ga ở ngoài cổng thành bắc, trạm điện thoại vừa vặn ở dưới gốc cây hoè cổ, bên trái nhà cổng thành. Trời tối lắm, xa xa ánh điện rực rỡ, gió thổi ù ù. Trang Chi Điệp đi vào, nhưng phát hiện trong trạm đã bị kẻ nào phá hoại, trong chữ số của máy điện thoại đầy cát là cát, quay không được, ống nghe treo lơ lửng ở đó, giống một con nhện đen to tướng, đang treo trong không gian, hay giống như chiếc giày rách đang treo lơ lửng. Trong mấy việc tốt lớn mà ủy ban nhân dân thành phố làm cho quần chúng trong năm nay thì các trạm điện thoại công cộng trên đường cái này được ghi vào danh sách hàng đầu. Nhưng cái trạm điện thoại mà Trang Chi Điệp nhìn thấy, thì chỉ trong một thời gian ngắn ngủi cứ mười trạm thì có ba bốn trạm bị người ta làm hỏng như thế này. Trang Chi Điệp định chửi một tiếng, nhưng đã há mồm mà không chửi thành tiếng, bản thân cũng co cẳng đá ống nghe một cái thật mạnh, nghe thấy một tiếng kêu rất khoái trá.
Anh quay ra, dưới ánh đèn mờ ảo, đã nhìn thấy trên cây hoè già kia, dán chi chít những tờ quảng cáo nhỏ. Nội dung quảng cáo cái thì truyền đạt võ công phòng thân, cái thì phương thuốc bí mật gia truyền chuyên trị chứng không dẻo dai, cái thì báo cáo mang khí công của đại sư trường phái nào đó đời nào đó, còn có một tờ báo lá cải, trên đó đăng hai mẩu tin "chuyện lạ Tây Kinh", Trang Chi Điệp liếc mắt qua, bất giác xô đến gần đọc một lượt, một mẩu tin viết rằng, có người đàn bà X ở ngõ Y phố Những của thành phố, nhà hàng xóm thấy gia đình chị ta mấy ngày không mở cửa, cứ tưởng xảy ra tai nạn gì, liền phá cửa vào xem, quả nhiên chị ta nằm trên giường, người đã chết cứng. Kiểm tra toàn thân không có vết thương nào, không phải người khác giết, nhưng ở cửa mình lại cắm một cái lõi ngô. Mà ở góc giường vẫn còn một đống lõi ngô.
Còn mẩu chuyện lạ kia thì viết: ở bệnh viện X của thành phố, ngày Y tháng này, đỡ đẻ cho một phụ nữ, có thai sinh ra cái đầu, không có chân tay, da bụng trong suốt, nhìn rõ lục phủ ngũ tạng, cách gọi của đông y. Lục phủ gồm, dạ dày, mật, tam tiêu, bàng quang, đại tràng, tiểu tràng. Ngũ tạng gồm tim, gan, lá lách, phổi, thận. Bác sĩ hoảng quá vứt cái thai vào sọt rác, song người mẹ cởi áo gói lại mang đi. Không hiểu sao Trang Chi Điệp đã xé tờ báo lá cải ấy xuống, vừa bước đi vừa hồi hộp, trong lòng hốt hoảng. Anh móc túi lấy thuốc ra hút, trong gió bụi, quẹt liền ba que diêm đều tắt ngấm. Gió nổi lên mỗi lúc một to, liền nghe thấy một âm thanh rất lạ lùng, quái gở, như ma kêu, như sói gầm. Ngẩng đầu nhìn lên, trên hang cửa bắc có treo vắt ngang một băng khẩu hiệu "Nhiệt liệt chúc mừng ngày tết văn hoa của thành cổ". Phía trên khẩu hiệu có treo một cái trống to bịt da bò. Trang Chi Điệp nhận ra ngay đó là cái trống làm bằng tấm da bò già kia. Trong gió thổi, trống tự kêu ùng ùng u u.
Trang Chi Điệp quay người di vào trong phòng đợi, lại gặp Chu Mẫn đang đi đến. Hai người đứng sững sờ. Trang Chi Điệp hỏi một tiếng:
- Chu Mẫn, cậu có khoẻ không?
Chu Mẫn chỉ đáp một chữ:
- Điệp. Không, gọi là thầy Điệp…Xin chào!
Trang Chi Điệp hỏi:
- Cậu cũng đến đi tàu hoả ư? Cậu định đi đâu vậy?
Chu Mẫn đáp:
- Tôi phải đi khỏi thành phố này, đi xuống phương nam. Thế anh đi đâu?
Trang Chi Điệp đáp:
- Chúng mình lại có thể đi cùng một lối.
Hai người đột nhiên cùng cười. Chu Mẫn liền giúp Trang Chi Điệp vác chiếc va li da, bảo Trang Chi Điệp ngồi trên một chiếc ghế dài, rồi bảo đi mua mấy lon nước uống, liền chen vào gian hàng ở sảnh lớn. Khi Chu Mẫn quay lại thì Trang Chi Điệp đang nằm trên chiếc ghế dài, trên mặt che nửa tờ báo lá cải. Chu Mẫn bảo:
- Anh uống một lon nhé!
Trang Chi Điệp không động đậy. Chu Mẫn mở nửa tờ báo kia ra, thì hai tay Trang Chi Điệp đang ôm cái ba lô con con có đựng cái huyên gốm của Chu Mẫn, nhưng hai mắt trợn trắng dã, cái mồm nghẹo sang một bên. Ở ngoài phòng đợi, ông già kéo cái xe cải tiến bánh sắt lọc cọc, đang đứng dưới một con gấu mèo to tướng được ghép bằng một ngàn chậu hoa, rao to:
- Đồng nát…nào! Đồng nát nào! Ai bán đồng nát nào?
Chu Mẫn đập thình thình vào tấm kính cửa sổ trong phòng đợi. Tấm kính đã bị vỡ, tay anh ta bị mảnh kính găm vào chảy máu, máu đang chảy xuống ngoằn ngoèo như một con giun ven theo tấm kính vỡ, từ trong má. Chu Mẫn nhìn thấy ông già thu mua đồ nát không nghe thấy tiếng hét gọi của anh, nhưng có một người đàn bà xương xương áp sát má vào tấm kính có máu, cặp môi mỏng đang mấp máy. Chu Mẫn đã nhận ra chị ấy là vợ Uông Hy Miên.
HẾT Viết xong bản thảo buổi sáng 2 tháng 10 năm 1992
Sửa và chép lại xong tối ngày 20 tháng 01 năm 1993
Sửa lại xong chiều ngày 21 tháng 02 năm 1993