Liễu Nguyệt về ở nhà Đại Chính, giống như nhà Trang Chi Điệp, gia đình cũng đông khách đến. Nhưng khách nhà họ Trang Chi Điệp đều là khách nghèo, còn khách nhà Đại Chính hầu hết đều là lãnh đạo các ban các cục, giám đốc các nhà máy, giám đốc công ty, thương trường. Những khách này chẳng có ai đến tay không bao giờ. To thì tủ lạnh, bé thì thuốc, rượu, quả dưa, người đem quà đến biếu dường như thành quy luật, khi bước vào cửa thay dép lê, thì quà biếu cũng đặt luôn vào trong gian nhỏ chứa giày dép, sau đó ngồi trong phòng khách nói chuyện với chủ nhà, người biếu quà chẳng bao giờ nói quà để ở chỗ kia, người nhận quà cũng không hỏi han cám ơn. Khi họ nói chuyện, Liễu Nguyệt không ra chào hỏi, chỉ khi nào chồng hay mẹ chồng gọi một tiếng:
- Liễu Nguyệt ơi, con (hoặc em) cũng ra đây chứ?
Liễu Nguyệt mới tươi cười hớn hở từ buồng ngủ bước ra, bước ra rồi, cô ta biết mỉm cười chào hỏi khách đến một cách hấp dẫn, thỉnh thoảng lại nói xen vào một hai câu chuyện phiếm. Nhưng cô ta biết chính xác chén nước trà của khách nào đã uống cạn hay chưa, cô ta không đi rót thêm nước mà gọi:
- Tỉêu Cúc, rót thêm nước đi em!
Tiểu Cúc là con ở giúp việc trong nhà Đại Chính. Sáng sớm hôm sau về làm dâu, Liễu Nguyệt đã biết Tiểu Cúc. Lúc ấy Tiểu Cúc đang nhặt rau hẹ ở nhà bếp, Liễu Nguyệt cũng vô tình cúi xuống bốc nắm rau hẹ lên nhặt, chưa nhặt xong đã bỏ xuống ngay, đứng lên lấy xà phòng thơm rửa tay trong bể nước. Tiểu Cúc hắng một tiếng, Liễu Nguyệt vừa rửa vừa hỏi:
- Cô tên là gì?
Tiểu Cúc đáp:
- Tiểu Cúc!
Liễu Nguyệt bảo:
- Tiểu Cúc này, hôm nay mình ăn bánh chẻo, cho nhiều tôm khô vào, khi cho, cô gọi tôi một tiếng, tôi xuống tự tay làm nhân bánh.
Tiểu Cúc im lặng, vẫn nhặt rau hẹ như cũ, đột nhiên nói:
- Gia đình chủ tịch uỷ ban nhân dân thành phố ăn bánh chẻo, chưa bao giờ cho tôm khô vào nhân, thưa chị!
Liễu Nguyệt thừ người ra một lát, thay đổi sắc mặt, bảo:
- Thì ta muốn ăn bánh chẻo có tôm khô đấy!
Nói rồi cô ta vẩy vẩy nước trên tay, cũng chẳng thèm đóng vòi nước, nước chảy xoè xoè. Lên đến buồng cưới rồi, cô ta nói trống không:
- Vặn vòi nước vào chứ!
Sang ngày thứ mười, Liễu Nguyệt ở nhà buồn tẻ quá, cô ta bảo Đại Chính cô ta muốn làm việc. Đại Chính bảo đã cử người đi làm thủ tục hộ khẩu thành phố cho cô ta, ngay một lúc chưa làm xong thì đi làm ở đâu được? Liễu Nguyệt bảo, mặc kệ việc ấy, cô ta cần làm việc. Đại Chính liền nói với mẹ yêu cầu của Liễu Nguyệt. Bà vợ ông chủ tịch nghĩ đi nghĩ lại, liền gọi điện thoại cho Nguyễn Tri Phi, yêu cầu anh sắp xếp cho con dâu vào tiệm ca múa của anh. Ngày hôm sau Liễu Nguyệt đã đi làm.
Liễu Nguyệt không biết ca múa, nhưng Liễu Nguyệt có khuôn mặt xinh, có dáng người đẹp, nên cô ta đi theo đội mốt thời trang, học cách biểu diễn trên sân khấu. Đội mốt thời trang đều là những cô gái lưng ong chân dài, đẹp thì rất đẹp, nhưng trình độ văn hóa thấp nên nét mặt cứ đần đần. Liễu Nguyệt đọc nhiều sách, có khí chất tốt, biết biểu diễn phong thái của mình, nên chỉ trong thời gian rất ngắn đã trở thành một người nổi bật nhất trong đội mốt thời trang. Dân trong thành phố này thưởng thức biểu diễn mốt thời trang, không phải chỉ đến thưởng thức thời trang, mà cái họ muốn xem là mặt, hay nói một cách khác, cho dù thợ thiết kế ra thời trang kiểu gì, đối với họ, mốt trên sân khấu đều là những tấm thân hở hang, trần truồng. Họ chỉ trỏ cô này mặt xinh, nhưng mông to, cô kia gầy quá, vú lép kẹp. cuối cùng người mà họ cảm thấy mê ly nhất, khêu gợi nhất vẫn là cô gái tên Liễu Nguyệt. Mỗi lần Liễu Nguyệt ra sàn diễn, thì ở bên dưới người xem cứ kêu lên ồ ồ và huýt sáo ầm ĩ. Bỗng chốc loan tin, ở chỗ Nguyễn Tri Phi có một cô người mẫu hết ý, khách đến xem cứ nườm nượp, phen này tha hồ mà hốt bạc. Trưa nay Mạnh Vân Phòng dắt ông lão có cuốn "thiệu tử thần số" độc nhất ở Bắc giao đến gặp vị đại sư từ Tân Cương đến, giám đốc khách sạn Trường Hồng đã bố trí ăn ở không phải trả tiền để cám ơn giám đốc, cũng là để mỗi bên trổ tài cho đối phương xem. Hai vị khách lạ này đã phát công chữa bệnh cho giám đốc, lại dự đóan làm ăn buôn bán cho khách sạn, quần nhau suốt một ngày. Đương nhiên vị giám đốc này đã tặng Mạnh Vân Phòng một nồi lẩu bằng đồng hoa sen kiểu cổ và hai ký rưỡi thịt dê đã thái sẵn, cùng gia vị ba màu để cám ơn lòng tốt của anh.
Mạnh Vân Phòng vui vẻ nhận quà đem về nhà nấu, gọi Trang Chi Điệp và Triệu Kinh Ngũ đến ăn. Trang Chi Điệp rầu rĩ, ăn chẳng được mấy, tiện tay mở tivi đang chiếu bộ phim đánh nhau của nước ngoài gồm năm mươi tập. Trước khi chiếu phim, đã quảng cáo tiệm ca múa của Nguyễn Tri Phi. Mạnh Vân Phòng bảo:
- Chi Điệp này, anh có biết không, hiện giờ Liễu Nguyệt đi làm trong tiệm ca múa, cô ấy làm người mẫu, ăn khách lắm.
Trang Chi Điệp nói:
- Thế thì tốt, Liễu Nguyệt thích hợp với công việc này. Sao anh biết chuyện ấy? Anh thường đi nhảy à?
Mạnh Vân Phòng bảo:
- Mình đâu có đi!
Hạ Tiệp bảo:
- Anh ấy không đi, nhưng con trai anh ấy thường hay đi!
Trang Chi Điệp nói:
- Mạnh Tần còn choi choi thế thì đi cái gì, nó có tiền mua vé à?
Hạ Tiệp đáp:
- vấn đề là ở chỗ đó. Hôm trước Nguyễn Tri Phi gặp tôi bảo, cậu con trai của chị thông minh lắm, dăm ba hôm lại dẫn bạn học đến xem một buổi. Người soát vé hỏi vé, nó bảo Nguyễn Tri Phi là chú cháu, Liễu Nguyệt là chị cháu, thế là vào. Sau đó người soát vé hỏi tôi có thằng cháu ấy không, tôi ra xem, thấy Mạnh Tần, thằng nhóc này được, tương lai sẽ giống anh Phòng, cũng sẽ là một nhân vật. Khi về tôi nói lại với anh Phòng, bảo anh ấy giáo dục dạy bảo tử tế, nhưng anh ấy đã nhăn mặt lại. Anh nhìn kìa, mặt anh ấy đã tối sầm lại rồi.
khuôn mặt tối sầm của Mạnh Vân Phòng lại ngượng ngập cười, bảo:
- Mình đâu có tối sầm mặt lại cơ chứ? Chi Điệp này, bao giờ mình đến đấy thăm Liễu Nguyệt nhé, đừng để Liễu Nguyệt cảm thấy con gái đi lấy chồng như chậu nước hắt đi.
Trang Chi Điệp đáp:
- Được thôi, anh liên hệ đi.
Mạnh Vân Phòng nói:
- việc gì phải liên hệ? Ăn cơm xong, mình phải đi đến ban tuyên truyền một chuyến. Ông trưởng ban hôm qua gọi điện đến bảo mình chiều nay đến. Có việc gì thế không biết! Chẳng phải là mời sư phụ của Mạnh Tần phát khí công thải sỏi bọng đái cho vợ ông ấy sao? Hôm nay mình đi không chữa đâu, chỉ hẹn thời gian thôi!
Hạ Tiệp bảo:
- Xem ra anh tích cực nhỉ, lúc thì đi thăm con dâu của chủ tịch thành phố, lúc thì đi khám bệnh cho vợ ông trưởng ban tuyên truyền, bỏ mặc nhà văn ở đây chẳng đoái hoài gì đến hả?
Mạnh Vân Phòng đáp:
- Em nói thế, hóa ra anh là kẻ tiểu nhân chạy theo quyền thế và lợi lộc phải không? Mình đi đến nhà ông trưởng ban tuyên truyền không đến ba mươi phút đâu. Các anh cứ ngồi đây nói chuyện, bốn giờ chiều chúng ta gặp mặt ở tiệm ca múa đúng giờ.
Triệu Kinh Ngũ nói:
- Nếu các anh đi, tôi không đi đâu.
Mạnh Vân Phòng hỏi:
- Kinh Ngũ, cậu hẹp hòi thế. Liễu Nguyệt không làm vợ cậu, thì cậu không dám gặp mặt cô ấy, có phải không? Người không dám gặp mặt phải là Liễu Nguyệt chứ? Nếu cậu không muốn gặp, cậu có thể không gặp, cậu sẽ nhảy ở sàn nhảy, chưa biết chừng sẽ gặp một cô vừa ý.
Hạ Tiệp nói:
- Anh có đi thì đi mau mau lên, lôi thôi mãi, sốt cả ruột. Vân Phòng này, em phải nói với anh, hôm nay muốn đi đến đó cho khuây khoả thì cứ ở khuây khoả thoải mái, đừng có bám theo Mạnh Tần đi, kẻo người soát vé lại phàn nàn, em không thể bẽ mặt nữa đâu!
Mạnh Vân Phòng hậm hực ra đi. Hạ Tiệp vội vàng thu dọn chén bát, cũng không rửa, liền gọi người hàng xóm bên cạnh sang, ngồi vây quanh đánh mạt chược.
Mạnh Vân Phòng đi đến chỗ trưởng ban tuyên truyền không phải do chữa sỏi thận cho vợ ông mà để nói một việc lớn có liên quan đến dân chúng cả thành phố. Thì ra, để tiến thêm một bước lấy chủ trương văn hoá dựng sân khấu để diễn kịch, sau khi vườn thú Bắc Kinh tặng vườn thú Tây Kinh ba con gấu mèo to, chủ tịch uỷ ban nhân dân thành phố chợt nẩy ra ý định liệu có nên tổ chức một tết văn hoá ở thành phố cổ? hơn nữa, cũng nghĩ sẵn huy hiệu của tết này là con gấu mèo to. Chủ tịch thành phố triệu tập các nhân viên hữu quan của ban tuyên truyền và cục văn hoá đến họp, ai cũng nhất trí khen hay, bảo đây là một ý kiến tôi, một là mở rộng tuyên truyền của thành phố ra ngoài, hai là lấy đó làm sống động nền kinh tế, đây cũng là một sáng kiến trong cả nước. Thế là đã thành lập một uỷ ban trù bị khổng lồ. Trưởng ban gọi Mạnh Vân Phòng đến là để trưng cầu ý kiến của anh về nội dung của tết văn hoá. Mạnh Vân Phòng nghe xong, đầu tiên nêu ra phải để Trang Chi Điệp tham gia việc này. Trưởng ban bảo đương nhiên là như thế rồi ,nhưng Trang Chi Điệp là nhà văn, những việc thông thường không cần phải phiền đến anh ấy, chỉ chờ sau này có nhiều văn bản phải viết mới nhờ đến anh ấy khởi thảo. Mạnh Vân Phòng đã đọc được các dự án thiết kế của tết văn hoá viết đầy ba tờ giấy, chợt cảm thấy nếu cứ tiếp tục bàn bạc như thế này, thì có bàn đến tối cũng chưa xong. Anh liền bảo đây là một chủ trương lớn, để anh đem bản kê dự án này về suy nghĩ cẩn thận, chiều mai sẽ đến trình bày cụ thể ý kiến của mình. Anh vội vàng gỡ ra, hấp ta hấp tấp đi đến tiệm ca múa.
Trong tiệm ca múa, biểu diễn thời trang vừa kết thúc, vũ hội mới bắt đầu. Người đến nhảy đông nghìn nghịt, đều là từng đôi, từng đôi áp sát vào nhau đung đưa tại chỗ, ánh sáng lốm đốm xoay tròn, làm cho tất cả khách nhảy giống như ảo ảnh và quỷ sứ không sao nhìn rõ ai với ai. Mạnh Vân Phòng đã từng nghe Mạnh Tần nói, Liễu Nguyệt thường hay tiếp bạn nhảy liền ngồi xuống cái bàn ngay cạnh, ra sức tìm Liễu Nguyệt trong đám đông. Nhưng mắt phải của anh đã hỏng, thị lực mắt trái cũng bắt đầu kém. Anh nhìn cô nào cũng mặc quần áo mới lạ, khuôn mặt xinh đẹp vô cùng, cứ tưởng là Liễu Nguyệt nhưng mỗi bản nhạc kết thúc, các cô gái từ sàn nhảy đi xuống thì chẳng có ai là Liễu Nguyệt. Không có Liễu Nguyệt thì tìm Nguyễn Tri Phi vậy. Nhạc lại nổi lên, từng đôi trai gái lại ùa ra sàn nhảy. Tất cả lại không biệt ra ai với ai. Lúc này Mạnh Vân Phòng mới cau có tại vì không liên hệ trước. Nếu bọn Trang Chi Điệp đến không gặp Liễu Nguyệt và Nguyễn Tri Phi chắc sẽ chửi mình. Đang lúc sốt ruột thì đột nhiên có người hỏi:
- Anh có phải là Mạnh Vân Phòng không ạ?
Khi Mạnh Vân Phòng quay đầu nhìn, thì ra tiếng nói ngay ở bên cạnh, một người đàn bà xinh đẹp ngồi đối diện cùng bàn đang đưa hai tay tì vào cằm ngắm nhìn anh. Mạnh Vân Phòng hỏi:
- Chị hỏi tôi phải không? Tôi là Mạnh Vân Phòng đây, xin lỗi chị là ai?
Người đàn bà kia giơ tay ra, đương nhiên Mạnh Vân Phòng đã bắt tay, lại nói một câu:
- Trông mặt thì quen lắm, đầu óc tôi yếu kém, ngay một lúc không nhớ ra, thành thật xin lỗi chị.
Người đàn bà nói:
- Khỏi cần xin lỗi, thật ra chúng ta chưa bao giờ gặp mặt nhau bao giờ. Em chỉ nhìn hình dáng của anh mà hỏi thôi đấy, quả nhiên là anh thật.
Mạnh Vân Phòng hỏi:
- Chị thấy tôi chột mắt có phải không?
Người đàn bà cười đáp:
- Nghe nói anh Phòng nhộn lắm, quả có nhộn thật. Nhưng em không phải là người vui nhộn, em làm việc ở viện kiểm sát, chắc chắn anh sẽ biết em là ai. Còn chưa nhận ra ư? Cảnh Tuyết Ấm là chị hai của em.
Mạnh Vân Phòng quả thật giật mình, gần như anh muốn đứng dậy bỏ đi, nhưng anh đã lập tức cười đáp:
- biết rồi, biết rồi! Chị đâu phải người không vui nhộn, gặp được chị ở đây quả thật là một điều vinh hạnh đối với tôi. Tôi biết chị hai của chị, quả thật không phải người cùng một nhà, không đến với nhau. Chị và chị ấy có phần giống nhau. Thế chị hai của chị có khoẻ không?
Người đàn bà đáp:
- Chị ấy khoẻ thế nào được? Vụ kiện bạn anh, dường như khiến chị ấy muốn tự vẫn!
Mạnh Vân Phòng bảo:
- Sao lại nói thế, đại thể tôi có biết sơ sơ về vụ kiện này. Theo ý kiến của tôi hà tất phải đến nông nỗi này? Trước kia đều là bạn bè tử tế với nhau! Hiện nay Trang Chi Điệp ở nhà đang buồn khổ, oán hận Chu Mẫn đã gây ra chuyện rắc rối, biến một người bạn tốt đẹp hẳn hoi thành kẻ thù.
Người đàn bà hỏi:
- nếu anh thật lòng quý mến tình bạn cũ, thì tại sao lại cung cấp chuyện riêng tư kín đáo của anh ấy và chị hai em? Vì thanh danh của mình, anh ấy làm tổn thương một người bạn trước kia, chuyện này cũng quá ư mất đạo đức.
Mạnh Vân Phòng nói:
- Sự việc không hoàn toàn như chị nói. Thôi nhé, chúng ta không nhắc đến chuyện ấy nữa, may mà vụ kiện cũng đã kết thúc.
Người đàn bà bảo:
- Anh Phòng không hiểu luật pháp. Toà án trung cấp phán quyết không có nghĩa là vụ án đã chấm dứt, còn phải được phép trình lên toà án cao cấp cơ mà!
Mạnh Vân Phòng hỏi:
- còn gửi đơn kiện ư? Việc gì phải thế nhỉ?
Người đàn bà đáp:
- Dù thế nào đi chăng nữa, thì chị hai không nuốt hận được đâu anh ạ. Chị ấy đã dốc toàn bộ sức lực và trái tim vào vụ kiện này, thì chị ấy sẽ theo kiện đến cùng. Anh hiểu ý em chứ.
Mạnh Vân Phòng đáp:
- đương nhiên tôi hiểu, chưa kể đến đàng sau chị ấy có người, riêng đàng trước có một bà cô như chị đây, thì cũng nghĩ thế nào được thế.
Người đàn bà cười bảo:
- Vậy thì em cũng không nói nữa. nếu anh cho phép, thì xin được nhảy một đoạn nhạc?
Mạnh Vân Phòng đáp:
- Thật lòng xin lỗi chị, tôi một chút xíu cũng không biết nhảy, đây là lần đầu tiên tôi vào đây, tôi muốn tìm một người.
Người đàn bà nói:
- Vậy thì đáng tiếc, tôi đành phải mời người khác.
Nói xong, chị ta vẫy tay mời người phục vụ đến, trả tiền rồi bảo:
- Đem đến cho an hnày một lon cô ca.
Sau đó ngẩng đầu đi luôn. Mạnh Vân Phòng tự thấy bị làm nhục, liền hỏi người phục vụ Liễu Nguyệt có ở đây không. Người phục vụ đáp:
- Hôm nay cô ấy không đến sàn nhảy, có lẽ ở buồng của cô ấy. Anh đi từ đây, ra cửa kia, bên tay phải là cầu thang, số mười tám gác ba là phòng làm việc của cô ấy.
Mạnh Vân Phòng cám ơn, móc tiền ra đưa cho người phục vụ nói:
- Lát nữa cô trả tiền lon nước cô ca cho người đàn bà kia, cứ bảo tôi nói, hẹn người tình đi chơi, sao lại để người tình trả tiền!
Mạnh Vân Phòng bấm chuông phòng số mười tám gác ba. Trong phòng im ắng, anh lại ấn mấy cái nữa, thì nghe thấy Liễu Nguyệt hỏi:
- Ai đó?
Mạnh Vân Phòng đáp:
- Tôi đây.
Liễu Nguyệt đáp:
- Có việc gì đến phòng doanh nghiệp nhé, tôi hiện đang có khách quan trọng.
Mạnh Vân Phòng vội vàng đáp:
- Liễu Nguyệt, tôi là thầy Phòng của em đây.
Cửa buồng mở ra, Liễu Nguyệt son phấn rực rỡ, dường như Mạnh Vân Phòng không dám nhận ra. Anh bảo:
- Bây giờ khó gặp em thế hả, Liễu Nguyệt? Người em vẩy nước hoa gì vậy, khó ngửi quá, chẳng khác gì mùi trên người nước ngoài.
Liễu Nguyệt vội vàng liếc mắt ra hiệu, khe khẽ nói:
- Ở đây em đang có một khách nước ngoài – sau đó hất hàm vào gian trong, gian trong khép cửa.
Liễu Nguyệt giục Mạnh Vân Phòng đi vào, nói to:
- Thầy Phòng ơi, gả em đi rồi, các thầy cô chẳng ai đến thăm em nữa! Hôm nay thầy dẫn ai đến nhảy thế?
Mạnh Vân Phòng đáp:
- Tôi chột một mắt, tai nghễng ngãng, dẫn được ai cơ chứ? Thầy Điệp của em gần đây tâm tư tồi tệ lắm, bọn tôi cùng đến thăm Liễu Nguyệt mà!
Liễu Nguyệt bảo:
- Đến cho khuây khỏa thì khuây khoả, lại bảo đến thăm em? Có chuyện gì mà tâm tư thầy Điệp tồi tệ, Liễu Nguyệt đi khỏi nhà, thì nhẹ nhõm cho anh ấy biết bao nhiêu tâm tư rồi còn gì?
Mạnh Vân Phòng nói:
- Em là con ma khỉ nhỏ, không có lương tâm – rồi kể cho Liễu Nguyệt nghe một lượt, tại sao Đường Uyển Nhi mất tích, Ngưu Nguyệt Thanh lại bỏ đi như thế nào, còn Trang Chi Điệp thì đang sống thui thủi một mình thật đáng thương.
Liễu Nguyệt nghe xong, tròng mắt tấy đỏ, cô ta hỏi:
- Thế thầy Điệp đâu?
- Bọn tôi hẹn bốn giờ đến đây, ở dưới sàn nhảy tôi tìm mãi không thấy Liễu Nguyệt đâu, chờ lúc nữa anh ấy đến, em chịu khó động viên an ủi anh ấy, cũng khuyên anh ấy đi gặp chị cả cúi đầu nhận lỗi, đoàn tụ trở lại.
Liễu Nguyệt nói:
- Sau khi em đi làm dâu, em chỉ bận bịu đến đây làm việc, cứ bảo đi thăm các anh, nhưng không có thì giờ, may mà ở đây không bị người ta coi thường, cũng đang định mời thầy cô cùng đến xem em biểu diễn, không ngờ Nguyễn Tri Phi bị người ta đánh, đã tạm thời giao cho em lo liệu công việc này, thành thử không có thời gian đến khu nhà hội văn học nghệ thuật, ở đấy đã xảy ra những chuyện ấy cơ chứ!
Mạnh Vân Phòng hỏi:
- Em nói sao, Nguyễn Tri Phi bị người ta đánh à?
Liễu Nguyệt đáp:
- thầy không biết chuyện này à? Tối nào đóng tiệm, Nguyễn Tri Phi cũng đến nhận tiền. Tối hôm trước, đột nhiên có người chặn anh ấy ở cửa cầu thang, hỏi "Ông là Nguyễn Tri Phi phải không?" Nguyễn Tri Phi không biết người này, hắn ta bảo hắn là thư ký riêng của công ty Thái Bình Dương, công ty định tổ chức lễ khánh thành, hy vọng đội mốt thời trang đến biểu diễn cho rầm rộ, Nguyễn Tri Phi bảo ở đây làm việc bình thường, không đi ra ngoài biểu diễn. Hắn ta bảo "Giám đốc của bọn tôi đang ở trong xe dưới gác, liệu có xuống gặp mặt được không?" Nguyễn Tri Phi liền đi xuống. Trong xe quả nhiên có ba người cùng ngồi, trong đó có một người béo giơ tay ra bắt, Nguyễn Tri Phi vừa giơ tay chạm vào, thì bị kéo, đứng không vững, tên tự xưng là thư ký riêng kia đứng ở sau đẩy vào. Nguyễn Tri Phi đã bị đẩy lên xe, chiếc xe tu tu phóng đi luôn. Nguyễn Tri Phi biết ngay có chuyện chẳng lành, ôm két tiền hỏi người ta định làm gì, tên béo kia giáng cho một quả đấm vào mắt, chiếc kính râm vỡ tan, mảnh kính găm vào mắt anh, máu chảy ra. Tên béo kia nói "Làm thế đó, thằng họ Nguyễn này, biết nhà ngươi phát tài, song không thể cứ để bọn này đói bụng, mượn nhà ngươi nhà ngươi không chịu, quả thật xin lỗi nhé, đành phải làm thế này vậy". Nguyễn Tri Phi còn đang bảo "Ban ngày ban mặt các anh ăn cướp hả? Liễu Nguyệt là người của tiệm ca múa chúng tôi, các anh biết Liễu Nguyệt chứ?" Tên béo đáp "biết! Cô ấy là con dâu của chủ tịch thành phố thì sao nào? Tiền nhà ngươi đã kiếm đủ, giữ con mắt trái này để nhận ra bọn ta phải không?" một quả đấm nữa lại thụi vào mắt trái của Nguyễn Tri Phi. Xe phóng đến đường vòng phía nam, thì bọn chúng thả Nguyễn Tri Phi xuống đường rồi chạy mất tăm mất tích. May sao có một người bán rau phát hiện đưa vào bệnh viện, hai con mắt kia đã chảy hết thuỷ tinh dịch. Chuyện này ầm ĩ lên như bấm chuông mà thầy không hay biết gì ư? Bố Đại Chính cũng điên tiết yêu cầu công an tróc nã tội phạm, đương nhiên cục công an đã tăng thêm trạm gác ở bốn cổng thành kiểm tra xe cộ đi lại, nhưng không thấy ai khả nghi. Hỏi Nguyễn Tri Phi thì anh cũng không nói rõ được dáng vóc của ba tên kia, chỉ bảo có một tên béo, xe thì màu đỏ.
Mạnh Vân Phòng nghe mà nổi da gà, Liễu Nguyệt còn bảo cục công an hiện đang truy bắt tội phạm ở khắp nơi, nhưng đâu có phá án nhanh chóng được. Mạnh Vân Phòng không quan tq^mùi đến điều đó, hỏi Nguyễn Tri Phi nằm ở bệnh viện nào, vết thương chạy chữa ra sao, Liễu Nguyệt bảo ở bệnh viện trực thuộc của học viện Tây y, cụ thể chữa chạy thế nào, cô ta không có thời gian chưa đi thăm được. Mạnh Vân Phòng bảo:
- Nguyễn Tri Phi bảo em tạm kinh doanh ở đây là sáng suốt đấy, nhưng em cũng phải cẩn thận. Ở đây không bì với làm người hầu giúp việc được đâu.
Liễu Nguyệt nói:
- Bọn lưu manh côn đồ, ngay đến chủ tịch uỷ ban nhân dân thành phố cũng có sợ đâu. Cứ để bọn chúng đến, đến cần bao nhiêu thì em cho bấy nhiêu. Em đâu có giống Nguyễn Tri Phi chỉ cần tiền, không cần mạng sống?
Mạnh Vân Phòng liền mỉm cười đưa mắt ra hiệu sang phòng bên, khẽ hỏi:
- Khách ngoại quốc này là người nước nào thế? Tiệm ca múa các bạn làm ăn với người nước ngoài à?
Liễu Nguyệt đáp:
- Ông ta là giáo sư do học viện ngoại ngữ mời sang dạy, nói được vài câu tiếng Trung Quốc, thường hay đến nhảy nên chúng em mới quen biết. Thầy có gặp chàng trai người Mỹ này không?
Mạnh Vân Phòng đáp:
- Tôi không ngửi quen mùi nước hoa trên người họ. Anh ta ngồi lâu rồi, sao vẫn chưa đi?
Liễu Nguyệt đáp:
- Anh ta rảnh rỗi đến tán chuyện ấy mà. Người Mỹ tự nhiên đáo để. Thầy nghi ngờ phải không?
Mạnh Vân Phòng đáp:
- Em bây giờ không còn là cô bé nữa, là cô dâu của chủ tịch uỷ ban nhân dân thành phố cơ mà, bao nhiêu con mắt đang nhìn vào em.
Liễu Nguyệt nói:
- Em lớn thế này rồi, em không mắc lừa đâu.
Mạnh Vân Phòng nhìn đồng hồ, đã bốn giờ chiều, liền bảo anh đi xuống gác chờ Trang Chi Điệp ở cổng, một lúc nữa cùng lên thăm em. Liễu Nguyệt bảo cô không đi xuống đón bọn họ được, cô sẽ nhanh chóng chia tay với vị khách nước ngoài, cốt dành thời gian nhảy với Trang Chi Điệp tử tế. Mạnh Vân Phòng liền từ trên gác phóng ra cổng. Nhưng Mạnh Vân Phòng chờ ở cổng lâu lắm không thấy bóng dáng của Trang Chi Điệp đâu cả. Chia tay tiễn vị khách nước ngoài ra về, Liễu Nguyệt cũng xuống chờ, vẫn không thấy đến. Mạnh Vân Phòng lo lắng tới Nguyễn Tri Phi, liên nêu ra ý định đến bệnh viện thăm bạn. Nhưng căn dặn Liễu Nguyệt khi nào bọn Trang Chi Điệp đến, không nên nói đến chuyện của Nguyễn Tri Phi, để mọi người chán nản trong cuộc vui, chờ lúc nữa anh từ bệnh viện trở về nhà, hỏi thăm cụ thể bệnh tình, rồi sắp xếp thời gian cùng nhau đến thăm.
Liễu Nguyệt cảm động tấm lòng tốt của Mạnh Vân Phòng, cũng không dám rời đi chỗ khác, cứ chờ ở tiệm ca múa cho đến tối, Trang Chi Điệp không đến, cũng không thấy Mạnh Vân Phòng từ bệnh viện tạt về đây, suốt một đêm cô nơm nớp không yên.
CHƯƠNG 44
Mạnh Vân Phòng đến bệnh viện không gặp Nguyễn Tri Phi. Bác sĩ bảo đã mổ thay mắt, không cho phép bất cứ ai đến thăm. Mạnh Vân Phòng được biết đã mổ, ca mổ lại đặc biệt thành công, thì đã đỡ lo, nhưng anh không rõ hai mắt Nguyễn Tri Phi đã chảy hết thuỷ tinhd dịch, thì mổ thay mắt như thế nào, mắt thay được ư? Bác sĩ trả lời:
- Đương nhiên thay được, con mắt này của anh hỏng bao giờ vậy, lúc đó sao anh không đến mổ?
Mạnh Vân Phòng đáp:
- Tôi còn một con mắt cũng đủ dùng. Hiện giờ giữa ban ngày ban mặt cũng có kẻ dám cướp giật, chuyện đời mù mịt như thế này, thêm một con mắt để nhìn, chỉ tổ bực mình nhiều hơn.
Nhưng bác sĩ lại nôi cáu:
- Cái đồng chí này, sao lại ăn nói như vậy hả?
Mạnh Vân Phòng thầm nghĩ anh chàng này không hiểu hóm hỉnh, vội cười xoà rồi hỏi Nguyễn Tri Phi thay mắt gì.
Bác sĩ đáp:
- Mắt chó.
Mạnh Vân Phòng ngạc nhiên hỏi lại:
- Mắt chó ư? Vậy thì sau này chẳng phải nhìn bằng mắt chó, thì con người thấp đi sao?
Bác sĩ hừ một tiếng rồi hầm hầm bỏ đi. Mạnh Vân Phòng buồn thiu, ra khỏi bệnh viện, thấy trời muộn cũng không tạt qua tiệm ca múa mà về thẳng nhà. Về đến nhà thì Trang Chi Điệp, Triệu Kinh Ngũ và Hạ Tiệp đang có mặt, hơn nữa lại có cả Chu Mẫn. Ai nấy buồn rũ rượi như cà chua bị trận sương muối, chẳng ai nói gì được cả. Mạnh Vân Phòng lên tiếng:
- Chết thật, mình chờ ở tiệm ca múa đến mức chân mọc rễ lên, mà các bạn vẫn còn ở đa6y không hề nhúc nhích. Mình người lớn chứ có phải trẻ con đâu, lời nói chứ có phải cái rắm đâu, có phải chơi trò khỉ đâu cơ chứ!
Hạ Tiệp gí ngón tay vào trán chồng, nói:
- Hư, tôi hận anh lắm đấy!
Rồi chị kéo anh xuống bếp nói chuyện. Hạ Tiệp kể lại với Mạnh Vân Phòng. Bọn họ đánh mạt chược đến ba giờ bốn mươi phút, vừa đứng dậy định đi thì Chu Mẫn bước vào. Anh ta mới từ Đồng Quan về, anh ta không cứu được Đường Uyển Nhi ra, mà ở trán dán một miếng băng to. Mọi người thấy anh ta thiểu não biết ngay đã đánh nhau ở Đồng Quan, hỏi về Tây Kinh lúc nào, tại sao không gọi điện thoại để ra bến xe đón? Chu Mẫn bảo anh đã về Tây Kinh hai hôm nay. Trang Chi Điệp hỏi:
- Về Tây Kinh hai hôm rồi ư? Hai hôm rồi ai im như thóc thế hả?
Chu Mẫn đáp:
- Tôi cảm thấy không cần thiết nói với mọi người.
Anh ta giục đánh bài, để anh ta góp một chân. Trang Chi Điệp thì điên tiết, sa sầm nét mặt, nói:
- Chu Mẫn, cậu trở về với cái dáng như thế này hả? Mọi người mong ngày ngóng đêm cậu trở về tới mức sắp sửa đổ máu mắt, cậu về đã hai ngày mà không thèm ló mặt, khi giáp mặt thì đùa cợt thế hả? cậu nói đi, Đường Uyển Nhi đâu?
Chu Mẫn sợ quá đáp:
- Tôi không cứu được cô ấy!
Trang Chi Điệp nói:
- Tôi biết cậu không cứu được cô ấy, vậy thì tình hình cô ấy ra sao cậu cũng không biết chứ?
CM mới bắt đầu kể. Anh ta về đến Đồng Quan thì đâu đâu cũng ầm ĩ tiếng chửi rủa chê cười anh ta, ban ngày anh ta không dám xuất hiện ở ngoài phố, cắt cử mấy anh em đồng bọn lân la chung quanh nhà Đường Uyển Nhi thăm dò tin tức mới biết. Sau khi Đường Uyển Nhi bị bắt về, người chồng kia đà lột hết quần áo của cô ta ra đánh, đánh tới mức thâm tím hết mình mẩy, không sót một chỗ nào, bắt cô ấy nói từ nay trở đi yên tâm sinh sống, nhưng Đường Uyển Nhi vẫn không hé răng, không nói có, cũng chẳng nói không, người chồng kia liền lấy dây thừng trói chân tay cô vào, rồi cưỡng hiếp vài lần, lần nào cũng ngước đãi tình dục, lấy đầu mẩu thuốc châm vào âm hộ, nhét đèn pin vào bên trong..Mới nói như vậy nước mắt Trang Chi Điệp lã chã rơi xuống. Nhưng Chu Mẫn lại cười bảo:
- Thôi đi, đừng khóc vì cô ấy nữa, kiếp này chúng ta có thể không bao giờ gặp cô ấy nữa. Cũng phải học cách quên dần cô ấy đi.
Thế là anh ta tiếp tục kể, anh ta bảo đã từng cử một người anh ta biết và cũng biết anh chồng kia đi gặp Đường Uyển Nhi, bởi vì anh ta đã thoả thuận với người của toà án ,chỉ cần Đường Uyển Nhi gửi đơn xin ly hôn, cho dù chồng cô ấy có đồng ý hay không, đều có thể xoá bỏ hôn ước. Nhưng người cử đi không gặp được Đường Uyển Nhi, cô ấy bị nhốt trong căn phòng nhỏ ở sân sau khoá trái. Chu Mẫn bảo quả thật không chịu nổi, cuối cùng vào một buổi hoàng hôn, anh đã đội một cái mũ lá xong vào ngôi nhà ấy, người chồng kia đã nuôi sẵn bốn tay võ, đề phòng anh ta đến, anh ta vừa vào cửa, bọn kia hồi hộp, giơ hai nắm đấm lên, mắt nhìn nẩy lửa. Anh ta bảo:
- Tôi đến đây không phải để đánh nhau.
Anh ta ngồi trước bàn đầu tiên, móc túi lấy ra một chai rượu, bảo đem chén ra cùng uống. Người chồng kia thấy anh ta như vậy, cũng mở mấy lon đồ hộp ra làm thức nhắm, sáu người cùng uống rượu. Chu Mẫn nói:
- Người anh em, sự việc đã đến mức này, thì chúng ta nói chuyện với nhau nhé! Đường Uyển Nhi theo tôi đến Tây Kinh. Tôi biết cô ấy chưa cắt đứt quan hệ vợ chồng với anh, nhưng tôi yêu cô ấy, cô ấy cũng yêu tôi, đây là chuyện đã hết cách, không bàn cãi gì nữa. Anh đã tìm được cô ấy ở Tây Kinh trở về, tìm cô ấy về cũng được thôi, nhưng anh cũng nên có một lời để tôi cho cho Uyển Nhi.
Người chồng kia bảo:
- Thế này nhé, tôi là người thô vụng, cũng chơi được dao cuốc trong đêm trăng, cứ phải rõ ràng dứt khoát. Anh là nhân vật có tên tuổi trong huyện Đồng Quan, nhưng tôi cũng là thằng đàn ông cao bằng bức tường, anh để tôi phải đội cái mũ xanh lâu nay, tôi đã chịu nhịn tất cả. Bây giờ ngồi lại được với nhau, tôi không chửi anh, cũng không đánh anh, tôi chỉ cầu xin anh đừng bao giờ đến tìm cô ấy nữa. Anh không quan tâm đến cái thân tôi, thì cũng nên xét tới số phận đứa trẻ.
Chu Mẫn hỏi:
- Anh cầu xin tôi sao?
Người chồng kia đáp:
- Tôi đang cầu xin anh đấy.
Chu Mẫn đáp:
- Nhưng làm sao tôi có thể tha thứ cho anh được. Anh đã lấy thừng trói cô ấy bắt về, đánh tới mức thân tàn ma dại, lại ngược đài tình dục như vậy thử hỏi cô ấy là vợ anh hay là một con trâu, con ngựa của anh, tình yêu, cưỡng đánh như vậy mà có ư?
Người chồng kia trả lời:
- Không việc gì mà anh phải lo chuyện ấy, cô ấy là vợ tôi. Tôi dậy dỗ cô ấy như thế nào, người ngoài không can thiệp được.
Chu Mẫn nói:
- Nhưng tôi không cho phép anh ngược đãi cô ấy như vậy! Anh muốn chung sống, anh phải đối xử tử tế với cô ấy. Nếu anh hành hạ cô ấy thì anh ly hôn.
Người chồng kia đáp:
- Đừng hòng tôi cắt đứt. Có chết tôi cũng không ly hôn.
Chu Mẫn nói:
- Vậy thế này, anh cầu xin tôi thì tôi cũng cầu xin anh, anh để tôi được gặp mặt cô ấy.
Chu Mẫn đã viết một đơn xin ly hôn, chỉ cần anh ta gặp được Đường Uyển Nhi, bảo cô điềm chỉ ngón tay vào đơn là anh ta có thể nộp cho toà án. Nhưng người chồng kia không cho gặp. Hai bên tranh cãi nhau. Chu Mẫn cứ hùng hục ra sân sau tìm, một tên đứng cạnh đã phang một gậy. Chu Mẫn ngã gục. Người chồng kia liền hô hét:
- Đánh, đánh chết thằng lưu manh vô lại này đi! Nó đến đây gây chuyện rắc rối, có đánh chết, mình cũng không phạm pháp đâu mà sợ!
Bốn tên vô lại xông vào đấm đá. Chu Mẫn ngay tức khắc nhảy lên bàn, hai chân đá ngã hai tên, người chồng kia ôm lấy anh ta, anh tóm tay cắn hắn. Hắn bị cắn lòi xương ra trắng hếu, nhưng cùng lúc ấy một tên khác đã đập chai rượu vào trán anh ta, thủng một chỗ chảy máu. Tiếng đánh chửi đã làm náo động cả bà con hàng xóm, Chu Mẫn thấy vậy, đội mũ lá lên đầu, mặt mũi bê bết máu bỏ ra về. Về đến nhà nằm vật ra, xấu hổ tới mức ba ngày ba đêm không ra khỏi cửa. Ngày thứ tư nghe tin cửa hàng xén của mẹ mở ở phố cũng bị đồng bọn của người chồng kia đập vỡ tủ kính. Anh ta vuột dậy khỏi giường, lại định đi liều mạng một phen. Bố mẹ anh ta đã ôm con giữ lại, xin anh ta để bố mẹ được yên, bố mẹ anh ta bảo, vì một đứa con gái mà làm ầm ĩ cả huyện lỵ, ai chẳng nói con đã cuỗm mất vợ của người ta? Bố mẹ ra khỏi cửa cũng bị người ta chỉ trỏ sau lưng, cho dù bọn họ đập phá cửa hàng, người đến xem đông là thế cũng có ai nói giúp mình đâu. Nếu lại đi gây sự, thì coi như con đã giết chết bố mẹ đi cho rảnh. Đàn bà dưới gầm trời này thiếu gì, sao con không yêu, lại đi yêu vợ người ta? Con đã lớn bằng ngần này, nh con nhà người ta, đều đã bắt đầu phụng dưỡng cha mẹ, cha mẹ không mong tiêu của con một xu, không ràng buộc con một sợi chỉ, nhưng con cũng không được để bố mẹ lo cho con nữa chứ, con ơi! Chu Mẫn đã nghe lời bố mẹ, dần dần nguôi cơn giận, lại nằm bảy tám ngày nữa, rồi trở lại Tây Kinh.
Nghe vợ kể rõ ngọn nguồn, tâm tình Mạnh Vân Phòng cũng nặng trĩu. Anh đi ra, mở tủ lạnh lấy rượu nói:
- Đường Uyển Nhi không trở lại, không trở lại cũng tốt. Chu Mẫn đã trở lại, trở lại cũng tốt. Hôm nay mình uống rượu ăn thịt, Hạ Tiệp ơi, em ra quán đặc sản rừng mua về đây hai ký thịt chó nhé.
Hạ Tiệp đáp:
- Ăn thịt chó uống rượu cuốc lủi, anh định để mọi người đều bốc lửa lên à?
Mpv đáp:
- Bảo em đi thì em cứ đi, việc gì lắm lời thế.
Hạ Tiệp đi ra phố, ai nấy vẫn im lặng. Chu Mẫn đã cất tiếng:
- Tại sao các anh cứ im lặng thế? Đường Uyển Nhi là vợ tôi, tôi không buồn đau, các anh buồn đau nỗi gì? Chuyện đời như mộng, chúng ta hãy cho qua giấc mộng này, chúng ta vẫn là người sống cho chúng ta chứ?
Trang Chi Điệp đưa hai tay cầm chai rượu, cố sức mở nắp, nhưng mở không được. Chu Mẫn bảo đưa cho anh ta mở, song Trang Chi Điệp đã lấy răng cắn, cắn đến mức kêu tnành tiếng cắc cắc, cuối cùng đã cắn được, tự rót co mình một chén uống luôn. Chai rượu đầy như thế, anh một chén, tôi một chén, dốc ừng ực vào cổ họng.
Hạ Tiệp đem được thịt chín về, thì rượu trong chai chỉ còn một một ngón tay. Mạnh Vân Phòng lấy ra chai thứ hai.
Hạ Tiệp nói:
- Vân Phòng ơi, anh có biết không, ở quán đặc sản rừng ai ai cũng bảo Nguyễn Tri Phi bị bắt cóc, hai con mắt chảy hết thuỷ tinh dịch!
Mạnh Vân Phòng liếc mắt ra hiệu cho Hạ Tiệp, nhưng anh liếc ở mắt chột, nên Hạ Tiệp không hiểu ý, vẫn đang nói:
- Họ còn bảo, bệnh viện dã thay cho anh ấy bằng mắt chó, mắt chó thay cho mắt người được à?
Triệu Kinh Ngũ và Chu Mẫn đều ngạc nhiên, liền dừng chén rượu. Nhưng Mạnh Vân Phòng cứ nhìn Trang Chi Điệp. Trang Chi Điệp nấc liền mấy cái song vẫn im lặng, bưng chén rượu uống dữ dội hơn. Vân Phòng hỏi:
- Chi Điệp, anh vẫn được chứ?
Trang Chi Điệp không trả lời, vẫn đang rót rượu cho mình.
Hạ Tiệp nói:
- Mời người ta uống rượu, còn tiếc rượu hay sao? uống say thì ở đây có giường.
Mạnh Vân Phòng giục:
- Vậy thì uống nhé, uống! Nguyễn Tri Phi bị cướp giật là đúng thế, mình đã vào bệnh viện thăm. Anh ấy cũng đáng đời, ai bảo đã phát tài, lại hay khoe khoang, hôm nay tài trợ cái này, ngày mai tài trợ cái kia, tự nhiên có kẻ đòi tính sổ với anh ấy. Nào Chi Điệp, hôm nay mình cũng say một mẻ, cạn chén này nhé.
Trang Chi Điệp mắt đỏ ngầu, đứng lên bảo:
- Mình phải về đây!
Nói xong đi về luôn. Mọi người ngẩn ra, cũng không dám nói giữ anh lại, cứ nhìn anh xiêu xiêu vẹo vẹo thất thểu từ trong cửa đi ra. Mạnh Vân Phòng tự uống tiếp chén rượu đó, một mắt sáng một mắt mù, cùng một lúc chảy xuống hai giọt lệ.