Tang lễ của Chung Duy Hiền do sở văn hoá lo hoàn toàn. Gia đình Trang Chi Điệp xét cho là người ngoài đơn vị, chỉ do Chu Mẫn truyền tin tức, theo dõi xem có chỗ nào sắp xếp chưa đúng mới góp ý kiến với sở. Vợ của Chung Duy Hiền dắt đứa con trai ngở ngẩn vào nhà xác bệnh viện giở chiếc khăn trải giường ra nhìn một lượt, đốt một xấp giấy tiền ở bãi đất ngoài nhà rồi sai con trai đập chậu con kỉêu có đựng tro tiền và mì sợi, sau đó bắt đầu dàm phán với lãnh đạo sở, ye6u cầu tổ chức trợ cấp năm ngàn đồng, yêu cầu nhận con trai ông vào làm việc. Cuộc đàm phán kéo dài ba ngày ba đêm, kết quả như thế nào, Trang Chi Điệp không quan tâm. Chu Mẫn cũng không hỏi. Còn Lý Hồng Văn thì ton hót với vợ Chung Duy Hiền, trước khi chết ông có giao cho Trang Chi Điệp một hộp gối. Bà ta liền tìm đến truy hỏi Trang Chi Điệp đòi hộp gối. Trang Chi Điệp đành phải mở hộp gối ra trước mặt bà, đồng thời cầm từng tập thư trong tay bảo:
- Bà xem này, đây toàn là thư nghiệp vụ gửi cho ban biên tập, ông Hiền bảo tôi thay ông giải quyết không hề có một xu nào nhé!
Bà ta nói:
- Thư của cơ quan quý hiếm đến thế cơ mà phải bỏ vào trong hộp gối, người chết rồi vẫn không quên giải quyết công việc nhà nước thế sao? Trong trái tim ông ấy không có chỗ dành cho mẹ con tôi. Tiền của ông ấy tiêu đi đâu thế nhỉ? Không để lại một đồng nào ư?
Bà bảo Trang Chi Điệp cầm lấy thư, còn chiếc hộp không thì mang về. Mấy ngày liền Trang Chi Điệp không ló mặt đi đâu, khi nghe đã viết xong lời điếu anh đến sở văn hóa gặp lãnh đạo, lấy lời điếu đọc sửa từng câu từng chữ. Lãnh đạo khuyên anh không nên xử lý công việc theo tình cảm. Trang Chi Điệp bảo, vậy thì tôi sẽ triệu tập hàng trăm người trong giới văn hoá đến để mọi người thảo luận. Đồng thời viết cáo phó cử Chu Mẫn đến toà báo đưa tin, toà báo trả lời, báo là báo đăng, phàm những ai đăng cáo phó, chỉ có thể là cán bộ lãnh đạo có cấp bậc nhất định. Trang Chi Điệp liền viết ngay trong đêm một bài ngắn tưởng nhớ đăng trên phụ san ở trang ba dưới hình thức tản văn. Trong hôm đó, đến sở văn hoá viếng vòng hoa không dưới một trăm người. Lãnh đạo sở văn hoá đồng ý lời điếu sau khi Trang Chi Điệp sửa chữa, đồng thời sắp xếp buổi sáng hai hôm sau đi vào chỗ lò thiêu tổ chức lễ truy điệu. Trong một buổi tối, Trang Chi Điệp viết xong câu đối viếng ở hai bên hội trường, viết xong thì bị đau đầu, đau tới mức như sắp vỡ óc. Mạnh Vân Phòng, Triệu Kinh Ngũ, Cẩu Đại Hải và Chu Mẫn đều đến thăm anh. Anh bảo:
- Hôm làm lễ truy điệu, những ai có thể báo được đều báo đến cả. Người càng đông càng tốt. Các bạn để tôi nghỉ ngơi, ngủ một giấc thật đẫy, tôi làm việc quá sức thôi mà. Đây là một câu đối viếng mình soạn, cùng không cầu kỳ bằng trắc, chữ nọ đối chữ kia, các bạn xem đã biểu đạt rõ ý chưa? Sửa chữa xong, xé hơn mười trượng lụa trắng, dù thế nào cũng phải tìm Cung Tịnh Nguyên, bảo anh ấy dùng mực viết trực tiếp, cứ treo trước một ngày ở khu tập thể sở văn hoá, sau đó treo vào hội trường.
Mỗi người cùng xem, thì là một đôi câu đối viếng khá dài:
Vế một: đừng than phúc cạn, bùn tanh sen mới tươi cây có bao dung chim biết ấm, sang đông mai đỏ đã trỏ bông
Vế hai: chớ cười phận mỏng, đêm tàn đom đóm mới tan tác, rạng sáng sao sẽ mờ, thu về tiếng ve đã thưa dần
Mạnh Vân Phòng, Triệu Kinh Ngũ và Chu Mẫn mỗi người đi một phía. Ngưu Nguyệt Thanh đi mua lụa đen, chuẩn bị cho đám bạn bè có quan hệ tốt với Chung Duy Hiền mỗi người một băng đen để đeo hôm làm lễ truy điệu. Khi trở về, thì Trang Chi Điệp chưa ngủ say, Đường Uyển Nhi thì ngồi ở cạnh giường. Liễu Nguyệt đang nấu nước gừng trong bếp. Chị vừa bước vào cửa, Đường Uyển Nhi cúi đầu lau nước mắt bảo:
- Cô Thanh, cô cũng đi nghỉ đi chứ, không khéo thì ốm đấy. Lần này không có đám anh em bạn bè, thì không biết việc tang lễ của ông Hiền sẽ xử lý qua quýt thế nào, cứ nhìn bà vợ ông ấy mà xem, chồng chết khóc được hai tiếng, còn là chỉ kể lể nỗi hờn tủi của mình, thế thì coi là vợ gì mới được cơ chứ?
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Em đâu có biết được chuyện đó, quan hệ của họ luôn luôn chẳng ra sao.
Đường Uyển Nhi bảo:
- Cứ cái kiểu ấy thì ma nó lấy bà ta.
Bất giác chị ta đưa tay gài góc chăn dưới người Trang Chi Điệp vào trong, Ngưu Nguyệt Thanh đã nhìn thấy, lừ mắt một cái, bước tới lôi góc chăn đã gài ra đè lại, Đường Uyển Nhi lập tức nhận ra mình lỡ tay, tỏ ra mất tự nhiên, rời từ mép giường sang ngồi ở ghế cạnh giường. Chị ta bảo:
- Ở Đồng quan em đã được nghe lời hát hờ người chết, họ hờ thế này: người sống trên đời chẳng có gì hay đâu, nói một tiếng chết là chết luôn, bạn bè thân thích chẳng ai biết. Lúc bấy giờ em chưa hiểu mấy nỗi buồn thương ấy. Ông Hiền vừa chết một cái, nghĩ tới lời hờ ấy, em lại chảy nước mắt.
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Khi ông Hiền mất, anh em bạn bè chẳng có mặt ở đấy là gì?
Đường Uyển Nhi đáp:
- Đây là bạn gì nào, ông ấy có người trong trái tim ông ấy.
Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Người trong trái tim, trong trái tim là người gì?
Trang Chi Điệp nói:
- Người mà Uyển Nhi nói là bạn học ở Túc Châu, An Huy ấy.
Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Em cũn biết chuyện này à, Uỷên Nhi?
Trang Chi Điệp nói:
- Anh đã kể cho cô ấy nghe.
Ngưu Nguyệt Thanh trợn mắt nhìn Trang Chi Điệp, bảo:
- Chuyện này anh dặn đi dặn lại hàng bao nhiêu lầ, không cho em nói với ai, song anh lại kể ra hết rồi à? Uyển Nhi này, ai cũng tưởng trong hộp gối của ông Hiền có tiền, thật ra đều là thư tình thầy Điệp em viết cho ông ấy với danh nghĩa là bạn học gái, chuyện này phải giữ kín, nói ra một là không hay với ông Hiền, hai là cũng không hay đối với thầy Điệp nhà em.
Đường Uyển Nhi đáp:
- Người chết rồi, sợ gì nữa chứ? Công khai nói rõ sự thật, người ngoài chỉ có thể ca ngợi ông Hiền và thầy Điệp là người tốt, đã làm những việc của tình yêu chân chính.
Ngưu Nguyệt Thanh bảo:
- Nếu nói ra mình chỉ có thể thông cảm với ông Hiền, tung ra sự thật, thì ngoài xã hội liệu có mấy người hiểu ông ấy như mình? Xét cho cùng thì ông ấy có gia đình, nói về tình yêu, thì hai đã sống một đời, lại có một đứa con ngở ngẩn, tại sao bảo không có tình yêu?
Đường Uyển Nhi đáp:
- Hai chuyện ấy khác nhau chứ? Đêm nằm ngủ trên giường em cứ nghĩ, cái ông Hiền ấy, bảo đáng thương thì cũng đáng thương, bảo không đáng thương thì cũng không đáng thương. Tóc bạc đầy đầu, hoa hồng đầy trái tim, ông ấy sống cũng thoải mái đáo để, chỉ tiếc người tình kia không có thật….
Ngưu Nguyệt Thanh bảo:
- Nếu có thật, thì chị kia có dám đến không?
Đường Uyển Nhi đáp:
- Sao lại không dám đến? Nếu là em, biết ông Hiền có tình cảm như vậy, em sẽ đến ôm xác ông khóc một trận hẳn hoi.
Ngưu Nguyệt Thanh bảo:
- Em ư? Ai bì với em được – nói xong lại thấy không hay liền bảo – Chị không chấp nhận nói người tình thế này thế kia, người tình chẳng phải là gái điếm, là bán dâm hay sao? Uyển Nhi nàym em nói với chị còn không sao, chứ nói với người khác không biết lại chuốc lấy rắc rối dị nghị cho mà xem! Liễu Nguyệt ơi, canh gừng đã được chưa?
Đường Uyển Nhi bị xạc cho một mẻ, ngượng chín mặt, không có chỗ nào để chui xuống đất, chị ta liền đứng dậy nói:
- Để em xuống xem nào?
Nói xong đi ra bếp, Ngưu Nguyệt Thanh nhìn Trang Chi Điệp hỏi:
- Anh xử lý như thế nào với những bức thư trong hộp gối kia? Có lẽ cho đốt cùng với ông Hiền nhỉ?
Trang Chi Điệp nói:
- Sáu lá bạn gái gửi ông Hiền, mười bốn lá ông Hiền gởi bạn gái, tất cả là hai mươi lá thư. Mỗi lá đều xấp xỉ từ năm đến tám ngàn chữ. Anh định tới đây sẽ viết một lời tựa dài hẳn hoi, cùng nộp cho một nhà xuất bản nào đó, in thành một quyển sách.
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Rành rành là anh viết, lại cứ xoen xoét người đàn bà kia, anh tạo ra một câu chuyện giả, mà bản thân thì cứ coi giả thành thật! nếu anh xuất bản, sao tránh khỏi ngoài xã hội sẽ đồn đại lếu láo. Cảnh phong ba Cảnh Tuyết Ấm chẳng phải là một bài học đó sao? chuyện này emcũng không nói với anh nữa, ông Hiền chết đi một cái, thì anh cũng đau buồn, tới mức đâm ra lẩn thẩn.
Trang Chi Điệp hỏi:
- Em hiểu cái gì nào?
Anh tỏ ra khó chịu buồn bực, Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Em không hiểu, em không cái gì cả cũng sợ anh lại hiểu quá đấy!
Đường Uyển Nhi bưng canh gừng lên, thấy hai người dang to tiếng, liền ho một tiếng ở cửa buồng ngủ, thấy họ im lặng, mới đi vào.
Hôm làm lễ truy điệu, đầu Trang Chi Điệp còn hơi đau, đã uống một viên thuốc giảm đau. Người đưa ma đông nghìn nghịt. Vòng hoa xếp kín trong đại sảnh đặt linh cửu ra tận bãi bên ngoài. Truy điệu xong thì đưa Chung Duy Hiền vào lò thiêu. Trang Chi Điệp đòi đích thân đi vào, mấy người đã khuyên anh ở ngoài. Có một người biết xoa bóp, đã giúp anh bóp đầu ở bậc thềm ngoài hội trường để linh cửu. Lý Hồng Văn chạy đến bảo:
- Trước lò thiêu xếp hàng dài dằng dặc, xem ngày mai vẫn chưa đến lượt đâu, Người ta bảo để xác vào kho lạnh đã.
Trang Chi Điệp nói:
- làm thế sao được. Ở nhà quê người chết chôn xuống đất mới yên, ở thành phố thì vào lò thiêu mới yên. Hôm nay đến đông như thế này, cuối cùng lại không đốt xác được, việc ấy sẽ kích thích tình cảm mọi người quá thể. Hơn nữa anh cũng biết tình hình của sở văn hoá chỗ anh, một khi không đốt xác được thì sau đây ai sẽ đến đây trông nom cụ thể?
Lý Hồng Văn nói:
- Tôi cũng đã nghĩ thế. Nói đi nói lại với người ta, người ta chỉ có mỗi một câu: đi xếp hàng. Anh là danh nhân, anh có thể đi nói giúp được không?
Lúc này Mạnh Vân Phòng vừa từ lò đốt xác chạy lại, bảo:
- Việc này dễ giải quyết.
Trang Chi Điệp hỏi anh làm thế nào thuyết phục được người ta. Mạnh Vân Phòng nói:
- Mình đi vào nhìn thấy có dán ở cửa một tờ giấy đỏ viết rõ "Ưu tiên phần tử trí thức". Hừ, bây giờ chính phủ đề xướng tôn trọng tri thức, tôn trọng nhân tài, lò thiêu xác này được đấy, cũng đã ưu tiên phần tử trí thức.
Lý Hồng Văn bảo, tại sao anh ta không nhìn thấy tờ giấy đỏ ấy nhỉ, Mạnh Vân Phòng quả là có con mắt tinh đời. Ba người liền đi đến giao thiệp, nói Chung Duy Hiền là trí thức cao cấp, bây giờ có thể đưa vào lò trước rồi chứ. Người quản lý kia bảo:
- Phần tử trí thức hả? Làm sao chứng minh được là phần tử trí thức?
Trang Chi Điệp đáp:
- Ông ấy là tổng biên tập tạp chí Tây Kinh.
Người kia hỏi:
- Có chứng từ gì không?
Trang Chi Điệp nói:
- Chứng từ gì nhỉ? Đến lò thiêu xác cũng đem theo chứng từ gì? Chúng tôi làm chứng cũng không được sao?
Lý Hồng Văn liền bảo:
- Đây là Trang Chi Điệp.
Người kia hỏi:
- Trang Chi Điệp là ai nhỉ? Một tỉ mốt người Trung Quốc, tôi nhớ sao nổi nhiều tên thế? Đơn vị nào nhỉ?
Lý Hồng Văn liền nói:
- Ngay đến Trang Chi Điệp anh cũng không biết à? Đơn vị là hội nhà văn.
Người kia đã nghe chệch âm thành làm giày, anh ta hỏi:
- Làm giày à? Hiệu làm giày có lẽ không có phần tử trí thức đâu. Chúng tôi ở đây chỉ nhận giấy chứng nhận chức danh cao cấp, nào là giáo sư, nào là tổng công trình sư.
Trang Chi Điệp bảo:
- Tôi làm giày gì mặc tôi, nhưng người chết này có chức danh cao cấp, hãy nhớ, là biên tập và thẩm duyệt, không phải là thím Trương, thím Vương gì đâu!
Người kia bảo:
- Anh nóng hơn tôi hả? Đưa giấy chứng nhận đây!
Cả ba người đều trơ mắt ếch ra, Trang Chi Điệp bảo Lý Hồng Văn đi tìm giám đốc sở đến. giám đốc sở đến bảo ông là giám đốc sở, người chết quả đúng là biên tập và thẩm duyệt, là trí thức cao cấp, chỉ có điều chưa kịp cấp giấy chứng nhận xuống, thì người đã chết, ông có thể chứng minh và xin gửi lại họ tên và điện thoại để đơn vị điều tra.
Người kia liền bảo viết giấy làm chứng. Viết xong, nhưng lại nói không có con dấu của văn phòng bình xét chức năng à, hiện nay ở Tây Kinh chỉ có một lò thiêu xác này, mà người chết đông quá, lại không kịp đốt xác, liền có kẻ mạo nhận là cán bộ lãnh đạo, đội lốt phần tử trí thức. Anh ta bảo:
- Người như thế này tôi đã đốt nhiều, không đánh lừa được tôi đâu, biết con dấu của văn phòng bình xét chức danh nó ra làm sao cơ chứ?
Hết cách Lý Hồng Văn và Cẩu Đại Hải liền đi xe của giám đốc sở phóng như bay đến văn phòng bình xét chức danh đóng dấu. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, hai người hớn hở quay về, còn mãi ở đàng xa đã giở quyển sổ bìa đỏ nho nhỏ ra, nói:
- Người của văn phòng bình xét chức danh vừa nghe tình hình đã phá lệ cấp sổ ngay!
Trang Chi Điệp liền đem tới đưa cho người kia xem. Người kia không nói gì, liền đẩy thi thể của Chung Duy Hiền đến trước lò. Trang Chi Điệp nghiến răng nghiến lợi mà nhìn. Đột nhiên anh ném ngay quyển sổ đỏ trong tay vào lòng lò, quay người đi ra. Đi một mạch đến bên ngoài hội trường đặt linh cửu, dận ga nổ máy xe "Mộc Lan", chẳng chào hỏi ai, cưỡi lên phóng như điên.