Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> PHẾ ĐÔ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 34632 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

PHẾ ĐÔ
Giả Bình Ao

Chương 21

Hôm nay Trang Chi Điệp rảnh rỗi, chỉnh lý chép lại xong tiểu thuyết ma quái gửi cho Toà báo liền đi đến ban biên tập Tạp chí Tây Kinh. Anh không biết Chung Duy Hiền nhận được thư từ Túc Châu tỉnh An Huy có tình hình gì không, chỉ sợ bị lộ tẩy. Vừa đẩy cửa phòng làm việc của ban biên tập thì đã thấy tất cả nhân viên của toà soạn đang ghép ba chiếc bàn con lại ăn cơm Tây. Vừa nhìn thấy, Lý Hồng Văn đã lên tiếng:
-          Thế này gọi là người không mời thì trời mời. Hôm nay toà soạn tạp chí ăn mừng thắng lợi, bảo không mời anh người trong cuộc ngoài biên chế, nhưng anh đã đến một cách êm ru, chúng tôi đành bớt ăn đi vậy.
Chu Mẫn đã sốt sắng bê ghế mời Trang Chi Điệp ngồi xuống. Chung Duy Hiền nói:
-          Anh em bảo chúc mừng thắng lợi, đòi ăn cơm, ăn thì ăn, song lại đòi ăn  cơm Tây, mà ăn ngay ở ngôi nhà này, liền ra khách sạn Tây Kinh mua đồ ăn đem về. Anh đã đến đây cũng là xứng đáng có khó khăn cùng khắc phục, có hạnh phúc thì cùng hưởng, mời anh em cùng nâng cốc chúc nhà văn.
Trang Chi Điệp uống đầu tiên. Anh nói:
-          Tôi đã làm liên luỵ đến các vị, các vị lại đồng lòng cố gắng mới có hôm nay, tôi xin cám ơn quý vị.
Chu Mẫn nói:
-          Nếu nói liên luỵ, thì tôi đã làm liên luỵ đến toà soạn, lại làm liên luỵ đến thầy Điệp, tôi xin được xin lỗi các thầy.
Lý Hồng Văn nói:
-          Không cần xin lỗi, không cần cám ơn ai cả. Muốn cám ơn, thì cám ơn vị phó chủ tịch tỉnh phụ trách văn hoá kia!
Mọi người lại nâng cốc chúc nhau. Ăn xong, Lý Hồng Văn định thu tất cả hộp đựng cơm bằng nhựa chỉ dùng một lần, xâu vào sợi thép đem treo ngoài cửa sổ. Chung Duy Hiền bảo làm thế không hay, chướng mắt quá. Lý Hồng Văn bảo thế cho chướng mắt Cảnh Tuyết Ấm và Vũ Khôn. Chúng ta không đốt pháo treo khẩu hiệu là đã khoan hồng rộng lượng rồi. Trang Chi Điệp ngồi cạnh Chung Duy Hiền khẽ hỏi:
-          Bây giờ không đăng tuyên bố nữa, bên kia có phản ứng gì không?
Chung Duy Hiền đáp:
-          Chị ta vừa khóc vừa làm ầm ĩ ở chỗ giám đốc Sở. Vũ Khôn cũng gây sức ép với lãnh đạo, nói chị không sao thanh minh được trước mặt chồng, trước kia chị ta làm chủ gia đình, bây giờ ông chồng nắm được chỗ yếu đã ra mặt hống hách, chị ta đau khổ đến mức mấy lần định tự vẫn. ai tin được điều đó, có khi khó tin! Lý Hồng Văn bảo, chiều hôm kia đã nhìn tận mặt Cảnh Tuyết Ấm và chồng xoắn xuýt bên nhau đi dạo thương trường.
Trang Chi Điệp hỏi:
-          Liệu có tin được lời Lý Hồng Văn hay không?
Chung Duy Hiền đáp:
-          Cho dù anh ta có nói dối, thì Cảnh Tuyết Ấm cũng không đến nỗi phải tự vẫn. Người đàn bà này không phải là người tự sát, hoàn toàn do Vũ Khôn khuấy trộn lên trong đó, hắn định lấy Cảnh Tuyết Ấm để tấn công mình. Chị ta chỉ không gỡ ra được mà thôi!
Trang Chi Điệp không nói thêm gì nữa, Cẩu Đại Hải đi vào, bê một tập thư báo. Chung Duy Hiền vội hỏi:
-          Có thư của mình không?
Cẩu Đại Hải đáp:
-          Không.
Chung Duy Hiền hỏi:
-          Không có à? - Ngồi xuống lại hỏi – Đưa mình xem nào, xem có kẹp vào trong tờ báo không.
Tìm một lúc, vẫn không có thư của ông. Cẩu Đại Hải liền móc túi lấy ra một bức thư:
-          Ông Chung Duy Hiền này, tôi biết thế nào ông cũng hỏi thư mà. Đây, thư đây, ông phải khao đấy nhé, không khao thì tôi xé ra đọc tại chỗ cho mà xem!
Chung Duy Hiền đỏ mặt nói:
-          Cậu Hải này, không được đâu. Lần trước mình đã khao rồi, lần này lại đòi khao. Từ nay trở đi, có thư cứ làm thế mình phải nuôi sống bao nhiêu người hả?
Giọng ông Hiền tỏ ra đáng thương lắm, đột nhiên ông thộp luôn bức thư vội vàng đút vào túi.
Trang Chi Điệp hỏi:
-          Thư gì mà quan trọng thế?
Chung Duy Hiền cười đáp:
-          Bọn họ trêu đùa lão già, thư của một người bạn.
Lý Hồng Văn nói:
-          Chi Điệp ơi, anh lại đây nói chuyện bao giờ nộp bản thảo cho chúng tôi hả? Tổng  biên tập Hiền định ra nhà vệ sinh đấy.
-          Vừa ăn xong đã đi ra nhà vệ sinh, công xuất nhập khẩu cách nhau gần thế!
Lý Hồng Văn nói:
-          Người ta định đọc thư! Lần trước vừa nhận được thư đã đi ra nhà vệ sinh liền, đã đi là ngồi lâu lắm, mình cứ tưởng ông già buồn đại tiện quá, mò xem, thì cánh cửa nhà vệ sinh đóng im ỉm, ông Hiền đang khóc ở bên trong.
Lý Hồng Văn nói đến mức Chung Duy Hiền xâu hổ ngượng chín mặt liền kéo Trang Chi Điệp đi ra hành lang.
Trang Chi Điệp và Chung Duy Hiền đứng đó nói chuyện một lúc, thấy Chung Duy Hiền đã không mời anh đến gian nhà nhỏ của ông ngồi, mà câu chuyện cũng không thắm thiết, thỉnh thoảng lại thò tay vào túi, biết ông Hiền đang sốt ruột đọc thư, Trang Chi Điệp liền chia tay ra về. Đi qua chỗ ngồi của hành lang, nhìn thấy có nhà vệ sinh, anh cũng đi vào đại tiện, liền nhìn thấy trên cánh cửa nhà vệ sinh viết và vẽ chi chít những dòng chữ và hình vẽ. Những dòng chữ và hình vẽ này dường như có nội dung, và hình thức na ná như hình và chữ anh đã từng nhìn thấy trong nhà xí ở các địa phương trong  cả nước mà anh đã đi qua, nhưng cuối cùng đã phát hiện ra một câu: Địa điểm bảo hộ văn vật cấp một nhà nước, nơi Chung Duy Hiền đọc thư chảy nước mắt. Trang Chi Điệp muốn cười ,song thấy lòng chua chát, kéo quần lên vội vàng xuống gác ra về.
Về đến khu hội văn học nghệ thuật, Liễu Nguyệt không sang nấu cơm, Trang Chi Điệp lại viết một bức thư cho Chung Duy Hiền. Viết xong thư, chợt nghĩ lá thư này giả nhưng Chung Duy Hiền lại quý trọng đến thế, ông lão đã ngần ấy tuổi đầu, vẫn còn thương nhớ không quên người yêu ngày xưa, còn mình thì sao nhỉ? Trước đây tốt với Cảnh Tuyết Ấm là thế, mà bây giờ lại đối xử với nhau như kẻ thù, không khỏi óan hận anh chàng Chu Mẫn. Rồi lại nghĩ, vừa rồi ăn cơm Tây chúc mừng nhau ở toà soạn tạp chí, mình cũng  vui sướng vô cùng, nhưng Cảnh Tuyết Ấm hôm nay tâm tình thế nào, tình cảnh ra sao đây? Vũ Khôn nói chị ấy định tự tử, không thể tự tử được, nhưng gia đình lục đục là cái chắc.
Trang Chi Điệp liền cảm thấy đáng thương, cầm bút định viết cho Cảnh Tuyết Ấm một lá thư. Viết được một nửa, lại xé đi, ngẩng lên viết lại thành một lá gửi cho Cảnh Tuyết Ấm và chồng  chị, giải thích bài văn ấy anh không được duyệt, nếu duyệt sẽ quyết không cho đăng, nói rõ tác giả là người không có kinh nghiệm, song cũng tuyệt đối không có y hãm hại phỉ báng, mong hai anh chị tin ở điều này, cũng mong thông cảm bỏ qua cho. Cuối cùng nhấn đi nhấn lại, anh suốt đời không bao giờ quên  sự quan tâm và giúp đỡ của chị đối với anh trước đây, cho dù hiện giờ đã nổi cơn sóng gió, đem lại sự bất hoà trong gia đình chị, một lần nữa anh xin được thứ lỗi, còn điều mà anh làm được, cũng là điều anh xin hứa là ở đâu trong trường hợp nào anh cũng có thể nói là Cảnh Tuyết Ấm không có quan hệ yêu đương. Viết xong thư, trái tim anh mới dần dần bớt xúc động, ngồi tại chỗ chấm một điếu thuốc hút, rồi mở máy cassette do Liễu Nguyệt đưa từ bên Song Nhân Phủ sang, nghe băng nhạc đưa ma. Một tia nắng đỏ rọi vào cửa sổ bằng kính, trời đã sắp tối, Trang Chi Điệp cầm hai bức thư đi ra phố, trong lòng đã định liệu đâu vào đấy, sang sớm mai sẽ đến gặp Lan, nhờ chuyển bức thư của Chung Duy Hiền tới An Huy. Nhưng khi ra gửi thư cho Cảnh Tuyết Ấm, lẩn thẩn thế nào Trang Chi Điệp đã nhét cả hai bức thư vào thùng thư một lúc. Thư nhét vào rồi mới thừ người ra tại chỗ hối hận.
Bao nhiêu năm trước quan hệ với Cảnh Tuyết Ấm trong sạch quá, bản thân tự ty nhút nhát quá, nếu thời ấy giống như bây giờ thì hôm nay sẽ ra sao? Trang Chi Điệp đấm vào mình một cái thật mạnh, song lại nghi hoặc thời ấy mình đúng hay bây giờ mình đúng. Chợt thấy trong lòng buồn nôn, oẹ oẹ định nhổ ra. Mấy người đi đường ngang qua bên cạnh liền bịt mồm bịt mũi.
Trang Chi Điệp vừa ngẩng đầu lên, lại đã nhìn thấy một người đeo băng nhân viên, theo dõi vệ sinh giữ gìn bộ mặt thành phố đang đứng gần đó chăm chú nhìn mình, hơn nữa đã móc hoá đơn phạt tiền ra. Trang Chi Điệp bực tức phải đi đến miệng đường ống thoát nước, nhưng oẹ oẹ mãi mà không nôn ra được.
Về đến nhà, đầu óc mụ mị thế nào, Trang Chi Điệp đưa tay gõ cửa, mới nhận thấy Ngưu Nguyệt Thanh đâu có ở nhà bên này. Anh lặng lẽ mở cửa, đứng bần thần trong phòng khách, chợt cảm thấy cô đơn hiu quạnh. Vì Chung Duy Hiền, anh có thể viết thư, vì gia đình Cảnh Tuyết Ấm anh có thể đi chứng minh, song đứng trước mâu thuẫn của gia đình mình, anh không giải quyết nổi và cũng không biết giải quyết như thế nào.
Giữa lúc này có tiếng gõ cửa. Trang Chi Điệp cứ tưởng Liễu Nguyệt đã sang, nào ngờ người đến lại là Đường Uyển Nhi.
Đường Uyển Nhi nói:
-          Sao anh đáng thương thế này? Ban ngày cô Thanh và Liễu Nguyệt ăn uống vui chơi cả ngày ở nhà thầy Phòng, còn anh thì một mình lẻ loi ở đây ư?
Trang Chi Điệp đáp:
-          Anh có âm nhạc.
Nói rồi lại mở băng nhạc đám ma.
Đường Uyển Nhi hỏi:
-          Sao anh lại nghe nhạc đưa đám thế này? Nhạc này không tốt lành lắm đâu!
Trang Chi Điệp đáp:
-          Chỉ có loại nhạc này mới làm yên lòng người.
Trang Chi Điệp kéo tay Đường Uyển Nhi ngồi xuống mep giường. Anh hôn chị ta, cười không thành tiếng, rồi cúi đầu xuống. Đường Uyển Nhi hỏi:
-          Anh và chị ấy mâu thuẫn ư?
Trang Chi Điệp không trả lời, song Đường Uyển Nhi lại rưng rưng nước mắt, gục đầu vào ngực anh nức nở, khóc lóc thế, càng làm Trang Chi Điệp rối ruột rối gan, anh lấy khăn tay lau nước mắt cho chị ta, sau đó cầm tay chị ta vuốt ve xoa bóp, vuốt ve xoa bóp như kỳ cọ một cục tẩy, cả hai đều lặng lẽ không nói gì. Chợt chị ta gỡ tay ra, từ trong túi xách để đàng sau, chị ta lấy ra từng thứ. Một chai nước quả vitamin C, một gói giấy bánh rán, trong bánh rán đã kẹp sẵn hành tây và tương mì, ba quả cà chua, hai quả dưa chuột, đều được rửa sạch sẽ, đựng trong một túi ny lông nhỏ. Đường Uyển Nhi khe khẽ nói:
-          Trời đã tối thế này, chắc chắn anh chưa ăn cơm.
Trang Chi Điệp cầm lên ăn, Đường Uyển Nhi nhìn anh ăn chăm chú, khi anh ngẩng lên nhìn lại, thì chị ta cười ngặt nghẽo, định nói những gì, song không biết nói ra sao. Sau đó đã kể:
-          Hôm nay Hạ Tiệp nói một chuyện vui, buồn cười lắm. Chị ấy kể, có một người nhà quê đi trên đại lộ Bắc, tìm khắp nơi không thấy nhà vệ sinh, nhìn chỗ chân tường vắng người, liền vội vàng tụt quần đại tiện một cái cực nhanh, vừa nhấc quần lên, thì cảnh sát đi tới, anh ta liền cầm cái mũ lá trên đầu chụp lên đống phân và cứ thế giữ chặt mũ. Cảnh sát hỏi "Anh làm cái gì vậy?" Anh nhà quê đáp "Bắt được con chim sẻ". Cảnh sát đòi nhấc mũ ra. Anh nhà quê đáp "Không được nhấc, xin chờ tôi ra cửa hàng kia mua một cái lồng đã". Nói xong hấp tấp chạy trốn, còn người cảnh sát thì cứ cẩn thận ấn chặt cái mũ lá. Câu chuyện có ý nghĩa đấy chứ?
Trang Chi Điệp cười đáp:
-          Hay đấy, nhưng anh đang ăn mà em lại kể chuyện đại tiện.
Đường Uyển Nhi liền kêu lên:
-          Chết cha, anh nhìn em…
Đường Uyển Nhi liền giơ nắm tay đấm vào đầu mình, sau đó cười, đi vào nhà bếp lấy khăn rửa mặt. Đôi chân thon dài của chị ta đi giày cao gót, bước thành hình chữ nhất. Khăn tay đã đưa tới, Trang Chi Điệp vừa lau miệng vừa nói:
-          Uyển Nhi này, ngày thường anh không để ý, em đi bộ tư thế đẹp lắm.
Đường Uyển Nhi đáp:
-          Anh đã nhìn ra chân trái em vốn hơi choãi ra, gần đây em có ý nắn lại, bước đi thành chữ nhất.
Trang Chi Điệp giục:
-          Em đi lại lần nữa cho anh xem nào.
Trang Chi Điệp tránh ánh mắt của chị ta, ôm đầu chị ta vào lòng nói:
-          Uyển Nhi ơi, hiện giờ hư hỏng rồi, anh hư hỏng thật rồi!
Đường Uyển Nhi chui đầu ra, nhìn Trang Chi Điệp một cách ngạc nhiên, ngửi thấy mùi rượu và mùi thuốc lá nồng nặc, nhìn thấy trên cằm anh có một sợi râu lưỡi dao cạo còn để sót, liền đưa tay nhổ đi và hỏi:
-          Anh đang nghĩ đến chị ấy phải không? Anh coi em là chị ấy phải không?
Trang Chi Điệp không trả lời, đang trong cấp tập hơi dừng lại, Đường Uyển Nhi đã cảm giác thấy những điều mà anh nghĩ tới không chỉ là Ngưu Nguyệt Thanh mà có cả Cảnh Tuyết Ấm. Trong giây phút này Trang Chi Điệp không thể nói rõ vì sao nhớ tới họ, vì sao lại như thế này đối với Đường Uyển Nhi? Qua câu hỏi của chị ta, anh càng phát điên phát rồ lên lật sấp chị ta xuống, bảo hai chống lên giường, không nhìn vào mặt chị ta, chỉ biết cắm đầu cắm cổ hùng hục luồn ra đàng sau.
(tác giả cắt bỏ ba trăm chữ)
Trang Chi Điệp cười nhăn nhở, nói anh định chủân bị viết tác phẩm, ý tưởng gần như đã thai nghén lâu lắm, định viết một tiểu thuyết rất dài.
Anh nắm vai Đường Uyển Nhi nói:
-          Anh phải nói với em một việc Đường Uyển Nhi ạ, em phải thông cảm với anh việc này. Người nào cũng có khó khăn cả, nhưng khó khăn của anh còn lớn hơn bất cứ người nào, anh phải đi sáng tác, sáng tác có lẽ sẽ giải thoát được anh. Viết tác phẩm dài, cần phải có thời gian, cần phải yên tĩnh. Anh phải tránh xa nơi ồn ào, tránh xa mọi người, tránh xa cả em. Anh định đi xa, ở trong thành phố, anh không làm được việc gì, cứ tiếp tục như thế này mãi, anh sẽ đi toi hết!
Đường Uyển Nhi nói:
-          cuối cùng anh đã nói ra điều đó, cũng là điều mong đợi của em. Anh bảo em đã kích thích sức sáng tạo của anh, nhưng thời gian qua anh không viết được bao nhiêu. Em cũng nghĩ cớ phải em tham quá chăng, đã ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của anh? Nhưng em không có nghị lực, thường muốn đến thăm anh, đến rồi anh…
Trang Chi Điệp nói:
-          Đây không phải là lỗi tại em, Uyển Nhi ạ, chính vì có em, anh mới phải viết cho tốt tác phẩm ấy, quả thật còn cần em ủng hộ anh, động viên anh. Anh không định nói việc này với bất cứ người nào, sau khi đi anh sẽ gửi thư cho em, nếu anh gửi thư bảo em đến với anh một chuyến, em có đi được không?
Đường Uyển Nhi đáp:
-          Em sẽ đi, chỉ cần anh yêu cầu em.
Nhưng khi Trang Chi Điệp gọi điện thoại cho mấy anh bạn ở huyện ngọai thành, anh liền quyết định đi tìm giám đốc Hoàng ở ngoại ô phía tây nam thành phố. Giám đốc Hoàng đã từng nói với anh nhà ông ấy có căn phòng bỏ không, nếu đến đấy sáng tác thì yên tĩnh hết ý, hơn nữa chị vợ chẳng phải làm gì, chỉ ở nhà nấu cơm, có thể cán ra những mẻ mì sợi ngon tuyệt vời. Trang Chi Điệp liền viết mấy chữ "Đi xa sáng tác" để tại nhà, rồi cưỡi xe máy đi. Buổi trưa thì đến nơi. Gia đình Hoàng Hồng Bảo quả nhiên mới xây một biệt thự nhỏ, bên ngoài gắn toàn gạch men, nhưng lầu cổng thì hình như xây bằng những hòn đá kiểu cổ, giữa mái ngói có lắp một gương tròn, một đôi đèn lồng đỏ treo ở góc hiên chạm trổ bằng gạch cong vút lên. Trên bậc cửa sổ ngô đồng căng dây thép và đinh tán viết bốn chữ "trí thức nông dân". Cổng nửa khép nửa mở. Trên cánh cổng có người cầm bút chì, viết xiêu xiêu xẹo xẹo. Trang Chi Điệp lại gần xem thì một bên là "Tuyệt đỉnh thông minh", bên kia là "Thông minh tuyệt đỉnh". Không biết là ý gì. Nhìn vào khe cổng thấy sân rất rộng. Chính diện là cửa nhà của ngôi lầu to cao, trông y như phòng họp của đơn vị. Ngôi lầu có ba tầng, mỗi tầng năm cửa sổ, trước cửa sổ có sân phơi, tấm lan can của sân phơi lại vẽ cỏ hoa sông núi, bốn mùa xuân hạ thu đông. Ngôi lầu hình con số bảy, trong tường sân nối liền với bên trái cửa chính là một dãy nhà mái bằng một tầng, nóc nhà có ống khói cao, đó là nhà bếp. Từ cổng vào cửa nhà chính là một lối đi lát đá, trên không chăng ngang một dây thép, không có quần áo giặt phơi. Trang Chi Điệp ho một tiếng, không thấy động tịnh gì, liền cất tiếng hỏi:
-          Giám đốc Hoàng có nhà không?
Vẫn không có người đáp lại. vừa đẩy cánh cổng một cái, thì đột nhiên một con chó vàng xộc ra, cắn rú lên, kéo theo tiếng xích sắt. Con chó trông như con sói ở đầu hè, dây xích chó buộc vào sợi dây thép kia. Tuy nhiên bởi sợi dây xích có hạn, nên con chó không vồ được vào người Trang Chi Điệp, ở cách anh nửa thước con chó cứ sủa rống lên tru tréo như con báo. Trang Chi Điệp giật nảy mình, vội lùi ra cổng, thì từ trong nhà bếp có một người đàn bà đi ra, hai mắt sưng vù nhìn khách đến cũng ngẩn người ra hỏi:
-          Anh tìm ai?
Trang Chi Điệp đáp:
-          Tôi tìm giám đốc Hoàng, đây là nhà giám đốc Hoàng phải không chị?
Trang Chi Điệp nhìn người đàn bà. Chị ta vội vàng nhổ nước bọt vào lòng bàn tay, vuốt phẳng mái tóc rối bung trên đầu, nhưng mái tóc thưa quá nhìn rõ cả da đầu đo đỏ. Trang Chi Điệp biết ngay chị ta là vợ của giám đốc Hoàng Hồng Bảo. Hoàng Hồng Bảo có cái đầu hói, không chỉ có một mình ông chồng hói, mà bà vợ này cũng không có tóc, vậy thì câu đó ở cánh cổng, chẳng phải trò tinh nghịch của kẻ háu chuyện đó sao? Anh tự giới thiệu:
-          Tôi là Trang Chi Điệp ở trong thành, chị là phu nhân của giám đốc Hoàng phải không ạ? Chị không biết tôi, nhưng tôi quen biết giám đốc Hoàng.
Người đàn bà đáp:
-          Sao tôi lại không biết anh cơ chứ, anh là nhà văn viết bài cho nhà máy thuốc trừ sâu 101. Mời anh vào trong nhà.
Nhưng con chó cứ sủa inh ỏi, chị chủ nhà liền mắng chó, mắng chó nghe chối tai như mắng người. Sau đó chị bước tới kẹp hai chân vào đầu con chó, tươi cười mời Trang Chi Điệp đi vào nhà. Đương nhiên Trang Chi Điệp đi vào cửa nhà chính, chị chủ nhà bảo:
-          Mời anh đi sang đây, chúng tôi ở bên này.
Nói xong đi lên trước mở cửa nhà bếp. Đây là ngôi nhà ba gian, có bức tường thấp ở giữa, bên này có ba cái bếp đun nấu, bên kia là một cái giường lò, cạnh đó có ghế xa lông, ghế tựa, tivi. Trang Chi Điệp ngồi xuống hút thuốc, chị chủ nhà đi đun nước, quay chiếc quạt gió kêu phành phạch, căn nhà lập tức khói mù mịt. Trang Chi Điệp hỏi:
-          Gia đình không dùng  bếp ga hả chị?
Chị chủ nhà đáp:
-          Mua thì có nhưng tôi e nguy hiểm, đun bằng củi cháy đùng đùng. Không quay quạt gió cứ cảm thấy mình không phải người bếp núc trong nhà.
Trang Chi Điệp cười hỏi:
-          Ngôi nhà gác cho người ta thuê rồi phải không?
Chị chủ nhà đáp:
-          Đâu có, không có người ở.
Trang Chi Điệp hỏi:
-          Sao anh chị không ở bên ấy?
Chị chủ nhà đáp:
-          Ở trên gác không quen, nằm giường lò dễ chịu hơn nằm giường tây, lưng không đau. Anh Hoàng hút thuốc cả đêm, muốn khạc nhổ , thì thảm nền nhà sao tiện bằng nền gạch.
Nước sôi được bưng ra, nhưng không phải là nước sôi, ở dưới đáy bát nằm lù lù bốn quả trứng ốp lết. Trang Chi Điệp vừa ăn, vừa nhắc tới lời mời của giám đốc Hoàng trước đây, nói ra mục đích anh đến lần này. Chị chủ nhà nói:
-          Tốt quá! Anh cứ ở đây mà viết, anh cứ viết về tôi cho hay vào, anh phải đứng ra giúp tôi, anh không đến, tôi đang định đi tìm anh cơ đấy!
Trang Chi Điệp cười, biết chị không hiểu việc viết văn, liền hỏi giám đốc Hoàng có ở nhà máy không, bao giờ thì về. Chị Hoàng đáp:
-          Anh đến đây, anh ấy không về mà được ư? Một lát nữa tôi sẽ cho người đi tìm anh ấy về.
Nói xong chị hỏi Trang Chi Điệp có mệt không, mệt thì lên gác nằm nghỉ. Hai người liền đi ra mở cửa nhà chính. Bước vào cửa là một sảnh lớn chiếm cả gác một, kê một cái bàn rất to, chung quanh là ghế. Bên trái có cầu thang trên mỗi tay vịn đều vễ hoa lan trúc. Lên tầng hai, tầng ba, phòng nào cũng trải thảm, giường nào  cũng có khung che đình màn, bào thô sơ nhưng được chạm trổ chim hoa sâu cá, sơn xanh xanh đỏ đỏ. Đệm giường sô pha thì đặt trên mặt giường khung gỗ tấm, lại cố tình để lộ mép gỗ, mép giường gắn lớp nhôm mạ vàng. Trên tường có gương, mặt gương vẽ hình rồng phượng, dưới gương treo hai dải tua. Có bàn chải lau giày, có bàn tay bằng tre gãi ngửa, song trên nền nhà, trên giường, trên bàn đêu phủ một lớp bụi dày bằng ngón tay. Chị chủ nhà vỗ chăn giường bồm bộp, chửi lò luyện kim loại mới xây ở đầu làng, ống khói chẳng khác nào lò thiêu xác ở bãi hoả táng, đem tai họa đến cho dân làng. Bụi đen thế này bay đi, cô dâu nào mới cưới về đây đi  giải ba năm liền nước vẫn còn đen.
Trang Chi Điệp miệng thì nói:
-          Anh chị quả thật đã phát tài, chủ tịch thành phố cũng không có nhà ở rộng rãi như thế này.
Song anh cười thầm trong bụng, đúng là kiểu trang trí của gia đình địa chủ sẵn tiền! Chị Hoàng kéo anh ngồi xuống mép giường mới. Chị rất vụi trước đây nghe anh Hoàng nói anh sẽ đến, anh ấy bảo anh thích ăn bánh đúc ngô, trời đất ạ những thứ nông dân không ai thích ăn mà anh còn ăn ư? Người thành phố như anh khổ thế ư, cá mực hải sâm chê ngón quá phải không?
Trang Chi Điệp giải thích cho chị, song giải thích không rõ, chỉ biết cười. Chị Hoàng hỏi:
-          Văn chương anh viết thế nào. Anh có định viết thì nhất định phải viết tôi vào, để ai ai cũng biết tôi mới là vợ của anh ấy!
Trang Chi Điệp nói:
-          Đương nhiên chị là vợ của anh ấy!
Chị Hoàng liền nhăn nhó, trông rất khó coi. Trang Chi Điệp giật mình nhìn lại thì hai hàng nước mắt đã lã chã chảy xuống, chị nói:
-          Tôi giúp anh ấy làm ra "101", đã phất lên, song anh ấy lại ruồng bỏ tôi. Tôi không sợ xấu mặt, tôi nói hết với anh, khi anh ấy yêu tôi, anh ấy ôm tôi vào lòng, khi không dùng nữa, anh ấy đẩy tôi xuống vực. Ngày nào anh ấy còn nghèo xác nghèo xơ, đói rài đói rạc, đặt trên dất, ai nhìn thấy nhặt hòn ngói vỡ đậy lên rồi đi. Tôi đã lấy anh ấy, đẻ con cho anh ấy, bởi số phận anh không giữ nổi đứa con thứ hai, lại cứ trách tôi làm con chết bỏng. Anh thử xét xem, tôi đốt bếp, bắc nồi to đun nước, thấy hết củi, tôi ra sân vơ vào lúc quay trở lại không thấy con đâu, vừa nhìn vào nồi, thì đứa con đã ở trong đó! Thì ra đứa con chơi trên sàn bếp  đã sơ ý ngã vào nồi. Anh bảo quở trách tôi sao được? bây giờ anh ấy chê tôi răng đen người lùn tìn tịt. Mẹ tôi đẻ ra tôi đã như thế! Ngày xưa sao anh ấy không chê? Bây giờ đêm nằm ngủ với tôi anh ấy thường cầm quyển hoạ báo điện ảnh, vừa cưỡi trên người tôi, vừa xem những con bé ngứa nghề trong hoạ báo. Tôi bảo đàn bà ai cũng thế cả, cái khoản kia chẳng phải như cái hốc mắt của con lợn chết đó ư? Anh ấy bảo đàn ông "lấy" đàn bà là "lấy mặt", cô hãy nhìn cái dáng buồn nôn của cô xem nào. Thế là chúng tôi đánh nhau. Đánh nhau xong, từ đó anh ấy không  về nhà nữa, anh ấy đòi cắt đứt. Tôi bảo cuộc hôn nhân này cắt đứt được ư? Anh ấy không để tôi sống ra gì, tôi cũng không để anh ấy sống yên ổn, trừ phi tôi đã chết! Tôi còn sống sờ sờ, thì xem con chó chết nào dám bước vào ngôi nhà này? Con đĩ chó chết ấy đừng hòng nằm trên giường xô pha mềm mại của nhà gác này!
Trang Chi Điệp nghe đến mức tê dại cả da đầu, anh biết ngay không thể nào sáng tác ở đây được. Chị Hoàng có cán mì ngon đến đâu, bánh đúc ngô có nấu ngon đến đâu, anh cũng chẳng thể viết nổi một chữ. Anh liền đứng dậy nói:
-          Tại sao giám đốc Hoàng lại thế nhỉ? Hôm nay tôi đến thăm trước, hôm nào sã đến viết riêng về chị nhé?
Nói xong, anh xuống cầu thang, ra sân nổ xe máy.
Chị Hoàng nói:
-          Úi chà, sao anh nóng nảy giống tôi thế, bảo đi là đi ngay ư?
Trang Chi Điệp đẩy xe ra đến đầu làng, còn nghe thấy chị Hoàng đang nói bô bô với một người ở cổng:
-          Nhìn thấy chưa? Đó là nhà văn viết sách, anh ấy sẽ đến viết về tôi, sẽ bênh vực phụ nữ mình. Ấy ấy, xin chớ đi  vào, trên đấy có dấu chân của nhà văn để lại!
Đi một mạch đến cửa nam thành phố, trong bụng cứ chửi suốt dọc đường, trong thành Tây Kinh to thế này, mà không có chỗ nào yên tĩnh dành cho anh. Vừa đi vào cổng thành, người đã mềm nhũn, không biết về khu nhà hội văn học nghệ thuật, hay về bên Song Nhân Phủ, hoặc đến nhà Đường Uyển Nhi. Trang Chi Điệp đứng thẫn thờ ra một lúc. Sau đó đỗ xe lại, một mình leo lên tường thành, xua đi nỗi buồn một cách chán chường vô vị. Lúc này, Trang Chi Điệp thật tình muốn gặp Chu Mẫn, nếu Chu Mẫn mang huyên đến thổi, nhất định anh sẽ bảo Chu Mẫn dạy thổi, anh cũng tuyệt đối tin tưởng mình có thể thổi được một đoạn nhạc cực nhanh. Nhưng tường thành lúc này vắng vẻ không một bóng người, ngay một con chim cũng không có. Chỗ mạch nối từng viên gạch bát vuông vức, mọc đầy cỏ xanh, nhìn hết tầm mắt, giống như một bức thảm trắng kẻ ô xanh trải dài. Đi theo bờ tường thấp có những khe ngắm bắn hình thước thợ trên mặt thành. Ở trong rừng cây đấy chân tưỡng thành ngoài, từng đôi từng đôi trai gái gục vào nhau giữa các vạt cỏ hoang. Những đôi nhân tình này chỉ chú ý đồng loại đi lại bên cạnh, song hoàn toàn không để ý vẫn còn có đôi mắt trên đầu họ. Trang Chi Điệp nhìn bọn họ như nhìn những con dã thú trong vườn thú. Anh bước đi thong thả, hy vọng mắt nhìn thấy một nơi cảnh vật trong lành sạch sẽ. Cứ thế anh bước, đã đi đến chỗ góc ngoặt của tường thành, chợt nhìn thấy bầy chim bay liệng đan kín bầu trời rồi đột nhiên mất hút trong bãi lau sậy hoang. Trang Chi Điệp có phần nào an ủi, định nhìn xem rút cuộc bầy chim kia đã đậu xuống chỗ nào trong bãi lau, trong đám cỏ lau của thành phố như thế nào? Nhưng giữa lúc đó anh đã phát hiện một người đang ngồi ở đó, lúc đầu cứ tưởng hòn đá, sau đó nhìn rõ là người. Anh nghĩ, vẫn có người tìm nơi yên tĩnh như mình ư? Không nén nổi cảm động, anh định chào anh ta một tiếng. Anh nhìn kỹ người đó, thì ra anh ta đang ở đó thủ dâm, hai chân duỗi thẳng, sau đó ngã ngửa trong khóm lau hoang, mồm kêu "ôi a" "ối a", bầy chim đậu vù vù bay lên như cơn lốc. Trong chốc lát Trang Chi Điệp lúng túng chân tay, thẫn thờ tại chỗ như kẻ mất hồn, khi tỉnh táo quay lại, anh quay người cắm đầu cắm cổ chạy. Trong lúc chạy lại hối hận tại sao mình còn đứng đấy lâu thế. Anh thấy đau bụng, nôn oẹ liên tục, anh bám vào mặt dốc thoai thoải đi xuống khỏi tường thành, lại oẹ oẹ nôn nôn một đống nước vàng vàng. Nôn xong thì mắt tối sầm lại, song anh nghĩ hay mình hoa mắt, hoặc đã có ảo giác, trogn khóm lau hoang kia vốn quanh năm có nước kia mà, có lẽ điều mà mình nhìn thấy liệu có phải là cái bóng của mình đổ xuống chân tường? Anh liền nhìn thấy ông già kéo xe cải tiến đang đi trong ngõ vắng ở chân tường thành rộng dài kia, miệng rao tiếng cao tiếng thấp:
-          Đồng nát đây! Nhận mua đồng nát nào!
Ông già đang đi tới, hơn nữa lại đang đọc một đoạn ca dao:
         Một hai chai rượu chưa say
         Mạt chược dánh bốn năm ngày vẫn hăng
         Nhảy năm sáu bước rất sành
         Khoản kia tám chín người tình dâm chơi

<< Chương 20 | Chương 22 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 754

Return to top