Cầm Thi mở mắt, ánh sáng từ cửa sổ ùa vào khiến cô bị chói, Thi khép hờ mi và từ từ nhổm dậy.
Vết thương vẫn còn nhói đau dù đã hai ngày sau cái đêm tăm tối ấy.
Mím môi, Thi bước xuống giường một cách khó nhọc. Nghe tiếng động, bà Mười từ ngoài hành lang lật đật chạy vào.
– Trời ơi! Sao không kêu dì đỡ, đi một mình lỡ xảy ra chuyện rồi sao?
Cầm Thi nói:
– Dì còn muốn có chuyện gì nữa? Xui như con là hết mức rồi, chỉ còn chết là hết.
Bà Mười kêu lên:
– Nói bậy không hà. Mà cũng chẳng ai như con, cứ giỏi chen vào chuyện của người khác để bị ăn đòn. Cô Lan giận cũng phải.
Cầm Thi làm thinh. Cô nhìn đồng hồ. Giờ này đang giờ làm việc, sẽ không ai vào thăm cô đâu. Mà ai là ai nhỉ? Cô không dám trông Trình, dù Thi rất muốn gặp, mà gặp anh rồi không biết sẽ nói gì với nhau đây mới khổ.
Cầm Thi nhếch môi chua chát. Không ai nhắo tới những chuyện đã xảy ra với Thi để dẫn đến việc giữa đêm cô phải bỏ nhà đi. Cầm Thi cũng không dám hỏi. Cô đã ngộ ra một điều:
Quan hệ giữa người và người tưởng chừng như đơn giản, song thật ra rất khó, chính vì vậy mới có những cái gọi là bí mật. Người này giữ bí mật, không hé môi cho người kia biết một vấn đề nào đó đôi khi là vì muốn người đó sống vô tư, hạnh phúc trước những bí mật mình không bị biết.
Mọi người trong dòng họ muốn Cầm Thi được yên với những gì cô đang có, song tất cả như đã quên định mệnh. Chính định mệnh khiến cô gặp Trình rồi gặp bà Aline Chu. Mọi bí mật đang dần phơi trải và Cầm Thi phải đối diện với số phận của mình.
Thật ra, Trình và cô có quan hệ huyết thống không? Thi vẫn chưa rõ. Nếu cô đặt lại vấn đề này với ba mình và cô Lan thì thật khó mở lời. Nhưng nếu cứ sống giữa hoang mang đầy nghi vấn thế này, Cầm Thi sẽ không chịu nổi. Rồi cô và Trình sẽ đối xử với nhau như thế nào, nếu quan hệ của hai đứa vẫn chưa rõ ràng minh bạch?
Ôi chao, càng nghĩ đầu óc Thi càng rối. Cô chỉ muốn chìm trong cơn mê dài như tối hôm đó. Được rơi vào cõi u mê như thế thật êm và cũng thật kinh khủng.
Có tiếng gõ cửa. Bà Mười lầm bầm:
– Ai vầy kìa? Con có muốn gặp không để dì biết mà nói với họ?
Cầm Thi ngần ngừ:
– Con không gặp ai hết. Dì cứ nói con còn ngủ.
Dứt lời, Cầm Thi trở lại giường nằm. Thật sự cô chẳng muốn gặp ai hết.
Thoại Oanh, Thoại Yến chỉ giỏi những lời đầu môi chót lưỡi ông Kỳ và vợ thì giỏi rao giảng đạo đức. Ba cô như một nốt lặng trong một bản trường ca của dì Bích Vi. Càng nhìn ông, Cầm Thi càng buồn khi nghĩ tới bản thân mình.
Vừa nhắm mắt vờ ngủ, cô đã nghe giọng bà Mười ngạc nhiên:
– Ủa, ông ... dạ .... ông vào ạ. Cầm Thi nó dậy rồi.
Thi cũng ngạc nhiên khi biết người khách cô không ngờ là ông Bửu Cầm.
Chẳng là cô Lan và ba Cầm Thi đã nhất trí với nhau sẽ giấu ông nội chuyện xui xẻo này của Thi. Vậy sao nội lại biết mà vào thăm cô kìa?
Gắng gượng ngồi dậy, Cầm Thi ấp úng thưa ông.
Ông Bửu Cầm chẳng ừ hử gì. Chăm chú nhìn cô, ông chép miệng nói như than:
– Xanh quá! Mất biết bao nhiêu là máu hả Cầm Thi? Con thật đáng ăn đòn.
Cầm Thi chớp mi. Cô bối rối thật sự khi nghe ông trách một cách nhẹ nhàng như thế.
Bà Mười rối rít:
– Dạ .... ông ngồi ghế.
Ông Cầm nhìn bà:
– Cám ơn. Lâu quá không gặp, nhưng trông cháu vẫn như xưa.
Bà Mười xoắn hai tay vào nhau:
– Dạ, cháu già lắm rồi ông ơi. Ngôi nhà ngoài xóm Chài của ông và cháu đều thuộc hàng đồ cổ rồi. Nhưng nhà cổ còn có giá chớ người thì ... Chậc! Chỉ chờ ngày vô hòm.
Ông Cầm có vẻ bồi hồi:
– Lần đầu tôi gặp chắc cháu trạc tuổi Cầm Thi bây giờ.
Bà Mười gật đầu:
– Dạ đúng. Cháu nhỏ hơn cô Quỳnh mấy tuổi nhưng trông già hơn nhiều.
Thời gian qua lâu quá rồi, chẳng biết bây giờ cố ấy sống ra sao, có nhớ khu xóm Chài, nhớ tới ông cháu mình không.
Mặt ông Cầm chợt nghiêm lại rồi ông lảng sang chuyện khác.
– Con thấy trong người thế nào Cầm Thi?
Thi vò vò cái chéo mền:
– Dạ, bình thường ạ.
Ông Cầm nhìn Thi:
– Thật chớ? Đừng tưởng nội không biết chuyện gì đã xãy ra khiến con phải vào đây.
Cầm Thi nói một hơi:
– Tại con nhiều chuyện, thích xen vào nhưng việc của người khác, giống như dì Vi nói con là đứa ngông, khoái chơi nổi.
Ông Cầm lắc đầu:
– Không. Nội muốn nói đến lý do khiến con rời khỏi nhà vào giờ mà con gái nhà đàng hoàng phải trở về kìa.
Cầm Thi im lặng. Ông Cầm nói với bà Mười:
– Tôi cần nói chuyện riêng với Cầm Thi. Cháu chịu khó một chút.
– Vâng.
Đợi bà Mười đóng cửa phòng lại xong, ông Cầm mới nói:
– Trong những đứa cháu, Cầm Thi là đứa nội thương quý nhất. Ngay lúc mời sinh ra con đã bất hạnh hơn những đứa trẻ khác vì mất mẹ và cá vì người cha đang sợ hãi trước trách nhiệm làm cha không hề mong đợi của mình.
Dịu dàng nhìn Cầm Thi, ông Cầm nói tiếp:
– Con đã lớn rồi, con cần biết sự thật về nguồn gốc, về họ hàng bên ngoại.
Nói với con vào lúc sức khỏe thế này là không nên, nhưng nội nghĩ tinh thần rất quan trọng. Nếu những mắc mứu trong đầu được thông suốt, con sẽ mau phục hồi.
Cầm Thi hỏi thẳng vào vấn đề:
– Thật ra ba con là ai?
Ông Cầm mỉm cười:
– Là ba con chớ ai.
Rồi ông nói tiếp:
– Hồi đó, mẹ con mới mười sáu tuổi, còn rất dại dột và thơ ngây. Mẹ con rất thích Luận, một người hàng xóm. Nhưng Luận là một anh chàng đào hoa thường lấy tình yêu làm trò đùa, anh ta chỉ xem Diễm Chi là một con búp bế xinh xắn để ngắm nhìn chớ chưa dám động tay vào. Có thể vì Luận ngán dì Thúy Quỳnh của con. Lúc ấy Thúy Quỳnh nổi tiếng đẹp và cũng nổi tiếng lạnh lùng, sắt đá, hơn nữa quanh Luận còn rất nhiều cô gái khác, nên Diễm Chi không phải đối tượng để Luận đeo đuổi, nhưng thỉnh thoảng buông vài câu ỡm ờ cho vui thì Luận vẫn vô tư. Tội nghiệp, Diễm Chi cứ ngỡ những lời đùa vui ấy là thật, nên đã nuôi ảo vọng. Thúy Quỳnh biết Luận không thật lòng, nên ra sức ngăn cản em gái. Nhưng khi đã yêu người ta thường mù quáng. Diễm Chi cũng thế. Cô ấy đâu chịu nghe lời chị mình.
Im lặng như chìmm về dĩ vãng, một lát sau ông Cầm nói:
– Ngôi nhà ở xóm Chài gần trăm năm trước là do cụ cố của con từ Huế vào dựng nên, sau đó vì nhiều lý do phải bán cho người khác. Trước khi chết, ông rất muốn sau này con cháu sẽ mua lại ngôi nhà ấy. Chính vì trở về xóm Chài để tìm cách mua lại ngôi nhà nên nội mới biết dì Quỳnh và mẹ con. Dì Quỳnh đã tạo một ấn tượng rất đẹp đối với nội. Dĩ nhiên tình cảm so le ấy không thể đi tới đâu, Thúy Quỳnh và nội đã làm một cuộc thương lượng mua bán có nhiều nỗi buồn hơn là niềm vui.
Cầm Thi bất ngờ trước những lời như thú tội của ông nội. Chả dám nói năng gì cô im re nghe tiếp.
– Nội đồng ý giúp chị em Thúy Quỳnh ra nước ngoài, đáp lại ngôi nhà ở xóm Chài sẽ là của nội. Nhưng tới giờ đi, Diễm Chi đã lên cơn tim, thế là con bé ở lại để đi vào dịp khác, thật ra Diễm Chi cố tình ở lại là vì Luận chớ không phải vì bị đau tim. Không có Thúy Quỳnh, Chi chẳng còn sợ ai ngăn cấm. Sợ cô ấy buồn nội đã bảo ba và cô Lan của con từ Sài Gòn về xóm Chài ở. Lúc đó ba con, cô Lan mới quen biết Luận. Không hiểu số phận sắp xếp thế nào mà Luận lại để mắt tới Thoại Lan. Cả hai thường chuyện trò qua lại trước sự chứng kiến của Diễm Chi. Dĩ nhiên cô Lan xiêu lòng trước những lời đường mật của một kẻ có nhiều kinh nghiệm tình trường. Chỉ tội nghiệp Diễm Chi. Tới lúc đổ bệnh tim mới thật sự hành hạ con bé. Cũng nhờ có cô Mười lúc nãy săn sóc lúc Diễm Chi thất tình.
Cầm Thi buột miệng:
– Thì ra dì Mười biết rất nhiều nhưng dì lại nói dối mỗi khi con hỏi.
– Con đừng trách cô ấy.
– Vậy con phải trách ai?
Ông Cầm thở dài:
– Ông không trả lời được.
Im lặng một chút, ông kể:
– Lúc đó nội ở Sài Gòn nên đâu biết chuyện gì đang xảy ra ở xóm Chài. Cô Lan quen Luận một thời gian mới phát hiện ra anh ta là một gã đểu, bắt cá nhiều tay nên đã chủ động dang anh ta ra. Thời gian Luận và cô Lan yêu nhau, Diễm Chi rất đau khổ, cô thường tâm sự với Sang, ba con vốn hiền lành nên đã là chỗ dựa tinh thần cho Diễm Chi. Hai người thân thiết với nhau như hai anh em. Ba con trước sau duy nhất yêu thương mỗi dì Bích Vi. Thời gian đó, thỉnh thoảng Diễm Chi có lén uống rượu. Nghe đâu có một đêm mưa, Diễm Chi mua rượu uống, ngăn không được Vĩnh Sang đã uống cùng con bé. Kết quả của tiệc rượu ấy là con đó Cầm Thi.
Cầm Thi cười gượng gạo mà không biết tại sao mình lại cười trong lúc này.
Giọng ông Bửu Cầm ngậm ngùi:
– Sự thật trần trụi quá phải không con? Sau đêm say điên loạn ấy, Vĩnh Sang về Sài Gòn ngay. Ít tháng sau, Sang đám cưới với Bích Vi, đúng theo ngày đã định từ trước. Sang không hề gặp lại Diễm Chi cho đến khi Diễm Chi qua đời.
Vĩnh Sang không hề biết Diễm Chi đã có thai với mình. Trước khi sinh con, có lẽ con bé đã linh cảm trước về cái chết của mình nên đã nhắn cho nội và cô Thoại Lan ra Vũng Tàu. Diễm Chi tha thiết muốn con mình có tên cha trong khai sinh và được cô bác bên nội nhìn nhận họ hàng, vì bên ngoại đã không còn ai. Ông và cô Lan đã làm đúng nguyện ước của Diễm Chi. Nhưng với vợ chồng Vĩnh Sang đây quà là một cú sốc lớn, dì Bích Vi đã bỏ về nhả ba mẹ ruột ở, mặc dù trong bụng đang có Thoại Yến.
Cầm Thi nhếch môi:
– Chính vì vậy nên cô Lan đã mang con về nuôi để ba con được sống hạnh phúc với gia đình riêng của ông.
Ông Cầm thở dài. Hai người im lặng một hồi, ông Cầm mới lên tiếng:
– Càng sống nhiều, ta càng thấy số phận của con người thật lạ kỳ. Dường như nó đã được viết sẵn khi người đó vừa lọt lòng. Có những cái người ta cố tránh cũng không được. Có những điều mong gặp lại không xong. Cô Lan không muốn con biết gì về dì Quỳnh giống như dì ấy không hề tồn tại. Nhưng định mệnh đã sắp xếp để hai dì cháu quen nhau.
– Tại sao cô Lan lại không muốn con gặp dì Quỳnh?
Ông Cầm ngập ngừng:
– Vì sự đố kỵ, vì sợ mất con. Với cô Lan hiện giờ, con là thứ quý nhất mà cô ấy có được. Đâu ai lại dễ dàng trao báu vật của mình cho người khác.
Cầm Thi gật đầu:
– Con hiểu rồi. Cô Lan chính là mẹ của con, không có cô Lan, cuộc sống của con đâu có nghĩa lý gì.
Ông Cầm mỉm cười:
– Giờ con còn hoài nghi không biết bố mình là ai chưa?
Cầm Thi chớp mi:
– Vẫn có người cho rằng ba con là người khác.
Trán ông Cầm cau lại:
– Nội biết mục đích của người ta và nội rất khó chịu. Nhưng con không phải lo, con là đứa cháu nội thương quý nhất, dù hoàn cảnh nội không được gần gũi con nhiều bằng tụi Bảo Hòa, Thoại Oanh, Thoại Yến. Vẫn có lời ong tiếng ve về ngôi nhà gỗ ở xóm Chài, Vũng Tàu, ngôi nhà ấy tuy do cụ cả dựng nên, nhưng nó cũng là ngôi nhà của ông bà ngoại con để lại cho mẹ và dì Quỳnh của con. Nội muốn con sở hữu nó là đúng, sẽ không ai khiến nội thay đổi ý định này.
Nhìn Cầm Thi, ông hỏi:
– Con đã thấy nhẹ nhõm chưa?
– Vâng. Cám ơn nội đã cho con biết sự thật.
– Dù thế nào cũng đừng oán trách người đã cho con cuộc sống mà hãy nhớ cuộc sống này là của con. Phải sống cho thật tốt cuộc đời mình. Ráng ăn uống và nghỉ ngơi cho mau lại sức để còn tiếp tục hành hiệp cứu người nữa chớ.
Cầm Thi bật cười vì câu nói sau cùng của ông Cầm:
– Cô Lan rất ghét việc làm này của con.
– Vì nó quá nguy hiểm. Với con gái lại càng nguy hiểm hơn. Nội cũng sợ nữa là cô Lan.
Cầm Thi nói:
– Nếu không ... ra tay nghĩa hiệp, con đã không quen với dì Quỳnh, bởi vậy dù có gặp nguy hiểm, con cũng tiếp tục ... hành hiệp giang hồ. Đó cũng là số phận của con mà.
Ông Cầm chép miệng:
– Tánh khí cứng cỏi rất giống Thúy Quỳnh. Nội mừng vì con theo đường nghệ thuật, nếu không thương trường sẽ biến con thành một phụ nữ khô khan lạnh lùng mất.
Lấy trong túi ra một phong bì đựng tiền ông bảo:
– Nội cho con để xài vặt. Giờ nội về.
– Con đâu có xài gì.
Ông Cầm lắc đầu:
– Con gái nào lại không xài vặt. Đừng xa lạ với nội như vậy, nội buồn lắm.
Ra tới cửa ông dừng lại, giọng trầm hẳn xuống:
– Nội không cấm nếu anh chàng tên Trình thật sự thương con. Nhưng nội sẽ không để hắn yên nếu hắn giống tánh chú ruột mình ở điểm thích đùa chơi trên tình yêu chân thành của các cô gái hắn quen.
Cầm Thi đỏ mặt. Cô không ngờ ông nội lại nói thế. Thì ra chuyện gì ông cũng biết hết. Ông già lợi hại thật!
Bà Mười bước vào, mặt căng thẳng:
– Ông cụ nói gì mà lâu vậy?
Cầm Thi nằm xuống giọng hiu hiu tự đắc:
– Con đố dì Mười biết.
– Chắc là lên lớp con cái tội lang thang giữa khuya cho sanh sự chứ gì.
– Trật lất! Giờ đó chị Oanh cũng còn ngoài đường chớ đâu phải mình con.
Bà Mười nôn nóng:
– Vậy thì tao chịu, con nói phứt cho rồi.
Nhìn xoáy vào mắt bà Mười, CầmThi buông từng tiếng:
– Nội nói hết những gì dì Mười và cô Lan đã giấu con, dối con hai mươi mấy năm nay.
Bà Mười ú ớ:
– Dì ... dì có giấu con chuyện gì đâu?
Cầm Thi nói:
– Dì từng biết rất rõ về dì Quỳnh và mẹ cháu. Vậy bây giờ dì kể thật về họ cho con nghe đi.
Bà Mười lúng túng:
– Kể ... kể như thế nào đây?
Im lặng, bà Mười bứt rứt nhìn Thi:
Con rất giống cô Quỳnh chớ không giống Diễm Chi là mấy, có lẽ lúc mang thai con, Diễm Chi luôn bị ám ảnh bởi bà chị nghiêm khắc nhiều hơn là nghĩ tới cha đứa bé, nên con không giống mẹ cũng chẳng giống cha mà giống dì ruột.
Ngặt một nỗi, những người bên nội con rất ghét dì Quỳnh, nên họ cũng không ưa con. Nhất là bà nội con. Hồi bà còn sống, bà đâu có chịu cho mang con về nuôi, thế là cô Lan phải ở lại xóm Chài với con.
Cầm Thi thắc mắc:
– Lúc đó dì ở đâu?
Bà Mười kể:
– Trước đây dì đã giúp việc cho gia đình ông ngoại con và được xem như người nhà. Khi hãng nước mắm suy sụp, ông bà ngoại mất vì tai nạn giao thông, dì van xin ở lại để chăm sóc hai chị em Thúy Quỳnh. Tới lúc cô Quỳnh cho biết sẽ đi ra nước ngoài dì mới đi làm chỗ khác. Chưa được bao lâu thì Diễm Chi xảy ra chuyện, dì phải trở xuống xóm Chài phụ việc cho người ta rồi lấy tiền đó lo cho con bé.
Chắc lưỡi, bà Mười nói tiếp:
– Thời đó dì cũng ngu, thấy Diễm Chi nôn lên nôn xuống bệnh hoạn rề rề dì cứ nghĩ đơn giản là con bé bị trái tim trở chứng hành, chớ có biết gì đâu chuyện bầu bì của đàn bà. Đến khi dì và cả Diễm Chi biết thì đã quá trễ. Bác sĩ đã cảnh báo rằng tánh mạng Diễm Chi không bảo đảm khi vượt cạn. Và điều cảnh báo ấy đã đúng.
Diễm Chi chua chát:
– Như vậy con quả là khắc tinh của mẹ rồi.
Bà Mười thở dài:
– Phần số Diễm Chi chỉ bao nhiêu đó, biết làm sao được.
Cầm Thi tò mò:
– Tại sao bên nội con lại ghét dì Thúy Quỳnh hả dì Mười?
Bà Mười bật cười:
– Chắc ông nội con không dám nói lý do rồi.
Cầm Thi kêu lên khiến vết thương đau nhói:
– Là ... là vì ông nội à?
Bà Mười gật đầu:
– Thúy Quỳnh hồi trẻ rất cao ngạo, khó có anh chàng nào dám ngỏ lời tán tỉnh. Gã thanh niên nào Thúy Quỳnh cũng chê không xứng với mình. Mãi đến khi dì Quỳnh gặp ông Bửu Cầm, cái thôi kiêu căng ấy mới như quả bóng bị xì hơi dẹp lép. Dì Quỳnh của con đã mê ông Cầm bất chấp tất cả. Dĩ nhiên, chuyện yêu đương trái khoáy ấy chẳng thể đi tới đâu ngoài cuộc chia tay.
Cầm Thi gật gù:
– Thì ra cuộc mua bán, thương lượng có nhiều nỗi buồn hơn niềm vui của ông nội con là đó.
Giọng bà Mười trầm xuống:
– Bà nội của con vì buồn bực mà đổ bệnh rồi mất.
– Nhưng dì Quỳnh đã đi rất xa rồi còn gì.
– Thúy Quỳnh mang cả hồn vía ông Cầm đi theo, nên bà nội con làm sao chịu nổi khi phải sống với một cái xác. Bà bị bệnh gọi là trầm cảm gì đó trước khi mất. Tội nghiệp! Rốt cuộc chẳng có ai sung sướng. Cô Thoại Lan của con còn thảm hơn. Làm thân gái chưa chồng lại nuôi đứa con nít còn đỏ hỏn ở cái xóm Chài hẻo lánh, cô ấy nhận không ít lời dị nghị từ những kẻ không biết chuyện. Rồi những anh chàng từng đeo đuổi cô Lan cũng không đủ kiên nhẫn khi thấy cô nuôi con người khác, họ dần dần xa và quên hẳn cô ấy. Sau khi bà nội chết, con mới được về sống ở Sài Gòn. Lúc ấy cô Lan cũng quá thời lỡ lứa.
Con vẫn nhớ bữa đó. Con khóc vì dì Mười không đi với con.
– Dì mà đi thì lấy ai chăm sóc ngôi nhà này rồi mồ mả ông bà ngoại của mẹ con. Dì không muốn ngày nào đó lỡ dì Thúy Quỳnh của con quay về sẽ không trách dì đã bỏ mặc không khói hương cho người đã khuất.
Cầm Thi ngạc nhiên:
– Bộ dì Mười không biết dì Thúy Quỳnh đã về à?
Bà Mười thảng thốt:
– Ai nói với con vậy?
Cầm Thi nói:
– Ai cũng giấu, nhưng con đã gặp mà không biết là dì của mình.
Bà Mười thẫn thờ:
– Đã về sao cô Quỳnh không tới thăm dì. Hay cô ấy trách vì dì đã để Diễm Chi chết?
Ngay lúc đó cửa phòng bật mở, bà Lan bước vào và hỏi:
– Ông nội đâu Cầm Thi?
– Dạ về rồi.
– Nội đã nói gì với con?
Cầm Thi chưa kịp trả lời, bà Mười đã cao giọng:
– Sao cô lại giấu tôi việc cô Quỳnh đã về nước? Cô đúng là thù dai và ích kỷ.
Tôi thất vọng về cô quá!
Dứt lời, bà đùng đùng bỏ ra ngoài. Bà Thoại Lan mệt mỏi ngồi xuống ghế cạnh giường của Cầm Thi.
Trong tích tắc Thi bỗng thấy cô Lan già đi cả chục tuổi. Cả nửa cuộc đời, cô Lan đã vì Cầm Thi, cố lo cho Thi còn hơn cho bản thân. Ấy vậy mà đã nhiều lúc Thi ngang bướng thích làm trái ý của cô, làm cô buồn.
Giọt nước mắt hiếm hoi chợt rưng rưng trên bờ mi, Cầm Thi nói:
– Con không bao giờ rời xa cô, cho dầu cô có đuổi con thêm vài chục lần nữa.
Trình nhìn bà Lan và từ tốn nói:
– Chào xin phép được vào thăm Cầm Thi.
Giọng bà Lan lạnh tanh:
– Con bé vừa thiếp đi, tôi nghĩ cậu nên về để cho con nhỏ ngủ.
Trình mềm mỏng:
– Cháu sẽ ngồi đây chờ.
Bà Lan cười nhạt:
– Cậu kiên nhẫn lắm. Nhưng chẳng lay chuyển được tôi đâu.
Trình nhỏ nhẹ:
– Cháu chỉ mong sự kiên nhẫn của mình sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Cầm Thi, giúp cô bé mau bình phục.
– Cậu còn dám múa mép trước mặt tôi sao? Hừ! Càng nhìn cậu càng giống ông chú Luận của mình. Thật dễ ghét!
Trình bắt đầu mất kiên nhẫn:
– Nếu vì cháu giống chú Luận mà cô ngăn cháu đến với Cầm Thi thì quả là bất công.
Bà Lan vênh mặt lên:
– Bất công à? Chẳng qua tôi muốn lấy lại sự công bằng cho cả ba đứa cháu gái. Sẽ không có đứa nào khổ khi trót nghe lời mật ngọt trên môi của cậu.
Trình chưa biết nói gì, bà Lan đã ... nã tiếp phát súng thứ ba:
– Vì cậu, Cầm Thi mời ra nông nỗi. Nếu nó không đánh nhau với bọn lưu manh ngoài xóm Chài thì đâu bị bọn nó thù rồi lụi cho một nhát chí mạng. Trên đời này không có bậc chú bác cô dì nào dám giao con cháu mình cho một kẻ có dính líu, có án oán với những kẻ xấu trong xã hội.
Trình phân bua:
– Trong chuyện đó, cháu chỉ là nạn nhân của một sự thù hằn dai dẳng từ ông chú Luận. Nếu cô sớm cho bà Aline Chu biết về Cầm Thi thi chuyện đấy đã không xảy ra.
– Cậu trách tôi à? Hừ! Nếu ba cậu không thủ đoạn trong làm ăn, chú cậu không làm người ta hận thì cậu đâu phải lãnh hậu quả.
Trình chợt hỏi:
– Vậy Cầm Thi lãnh hậu quả gì từ cô? Phải đó là hậu quả của lòng đố kỵ hẹp hòi không?
Bà Thoại Lan giận tím mặt. Thằng ranh này khá lắm, mới dám tay đôi với bà. Đứng trước nó, bà thấy dao động như ngày xưa đứng trước Luận. Vẫn đôi mắt ánh lên những tia quyến rũ chết người, vẫn khóe miệng có vẻ lạnh lùng khi mím lại, nhưng hết sức nồng ấm khi cất lời. Ngày xưa bà từng mê mệt gã đàn ông ấy nên chả trách chi ba đứa cháu gái nhà bà ngày nay không thoát khỏi tay Trình.
Mà hồi xa xôi ấy đâu chỉ mỗi mình bà mê Luận. Diễm Chi không từng đau khổ triền miên vì anh là gì. Ấy vậy mà bà bằng thủ đoạn của mình đã đánh gục luôn cả tình yêu đơn phương của Diễm Chi, khiến cô không dám nghĩ tới Luận nữa. Để rồi sau đó bà bẽ bàng nhận ra Luận chả yêu gì bà. Anh ta là người thích chơi trò tình ái mà thôi. Nếu biết trước bản chất trăng hoa của Luận, có lẽ bà không để xảy ra chuyện của ông Sang Diễm Chi, và nếu thế có lẽ cuộc đời bà đã không lẻ loi đơn độc như vầy. Suốt hai mươi mấy năm qua, bà lặng lẽ nuôi Cầm Thi trong ray rứt, ân hận. Con bé là tất cả cuộc đời bà, lý nào bà ... để nó yêu cháu của Luận, kẻ đã khiến bà trở nên như vầy.
Giọng Trình trầm hẳn xuống:
– Cháu thật sự rất quý Cầm Thi.
– Và cúng rất quý Thoại Oanh, Thoại Yến? Cái từ quý hết sức chung chung này đã gieo vào lòng bao nhiêu cô gái hy vọng rồi? Hừ! Tôi không lạ gì thói trăng hoa, lơi là của chú cháu cậu.
Trình nóng mặt vì những lời của bà Lan.
Anh đanh giọng:
– Cháu và chú Luận hoàn toàn khác xa, cô không thể có thành kiến như vậy.
Mà cho dù cô thành kiến cháu vẫn yêu Cầm Thi và nhất định không chùn bước trước bất cứ khó khăn nào.
Bà Lan gật gù:
– Khá lắm! Tôi chờ xem cậu sẽ vượt khó khăn như thế nào. Chớ ngày xưa ấy hả, chú Luận của cậu đã vượt khó bằng cách bỏ cô gái này và ra nước ngoài với cô gái khác.
Trình tiếp lời bà Thoại Lan:
– Và cũng chính vì vậy mà cô gái bị bỏ rơi đâm ra hận đời, hận người, cô ấy không tin vào những mối tình chân thật.
Bà Lan tái mặt:
– Đủ rồi! Cậu về đi!
Dứt lời, bà mở cửa bước vào phòng bệnh mặc kệ Trình đứng lại bên ngoài hành lang. Tựa vào tường bà thở dốc vì bị xúc phạm. Rõ ràng thằng ranh ấy đã xúc phạm bà bằng những lời hết sức cay nghiệt. Tại sao nó dám hỗn láo như thế khi luôn mồm nói yêu Cầm Thi Trình xem ra bản lĩnh cá tính hơn gã chú của nó nhiều. Chính sự mạnh mẽ này của nó khiến lũ con gái chết mê chết mệt.
Đang nằm trên giường, Cầm Thi nhổm lên nhìn bà với cặp mắt buồn thiu làm bà chột dạ như bị bắt quả tang làm điều xấu.
Cố ra vẻ tự nhiên, bà Lan hỏi:
– Con không ngủ được à?
Cầm Thi lắc đầu:
– Dạ không.
Hai người chợt rơi vào sự im lặng đầy ngại ngùng. Cuối cùng bà Lan lên tiếng:
– Trình tới thăm, nhưng cô tưởng con còn ngủ nên bảo nó về rồi.
Cầm Thi có vẻ cam chịu:
– Vâng, con hiểu mà.
Có tiếng gõ cửa, bà Lan cau mày khi nghĩ tới Trình. Môi mím lại bà bước nhanh ra cửa rồi mở ra.
Mặt sững sờ bà nhìn như thôi miên vào vị khách không mời mà đến.
Bà Aline Chu nhếch môi, giọng khiêu khích:
– Tôi làm cô sợ sao cô Thoại Lan?
Bà Thoại Lan như bừng tỉnh, giọng đanh đánh lẫn hằn học:
– Tôi có cảm giác buồn nôn chớ không có cảm giác sợ. Chị muốn gì?
Bà Aline Chu thản nhiên:
– Tôi tới thăm đứa cháu côi cút của mình. Còn điều tôi muốn thì nhiều lắm.
Chỉ e cô không đáp ứng nổi thôi.
Bà Lan khinh khỉnh:
– Bao nhiêu năm rồi mà chị vẫn còn giữ cách ăn nói ngạo mạn như xưa.
Đúng là giang sơn dễ đổi bản chất khó dời. Tiếc rằng ba tôi bây giờ già rồi, chị có mua triệu đóa hoa hồng cũng không làm trái tim già nua của ông cụ tươi trẻ lại được đâu.
Bà Aline Chu phớt lờ những lời đầy khiêu khích của bà Lan.
Bước thẳng vào phòng, đến gần giường của Cầm Thi, bà mỉm cười:
– Cô Quỳnh ... à không ... Dì Quỳnh rất mừng đã tìm được con. Từ giờ trở đi, dì sẽ thay Trúc Bi lo lắng cho con, dì sẽ thay thế mẹ ruột của con. Dì mừng lắm, mừng lắm con biết không?
Nói tới đó, giọng bà Quỳnh như nghẹn lại khiến Cầm Thi cũng xúc động.
Giọng bà Thoại Lan chua loét:
– Cũng may con bé chưa chết, nếu không chắc cái đám côn đồ được chị thuê mướn phải được trả tiền hậu hĩnh lắm. Hừ! Chị đúng là giả dối, độc ác.
Bà Quỳnh nghệch mặt ra:
– Cô nói thế nghĩa là sao? Đám côn đồ nào mà tôi thuê mướn?
Bà Lan gằn:
– Đừng giả bộ nữa. Cái thằng làm Cầm Thi bị thương chính là thằng đã đánh nó và thằng Trình ngoài Vũng Tàu. Nếu không phải tại chị làm chuyện độc ác thì Cầm Thi đầu mém vong mạng.
Bà Quỳnh ấp úng:
– Tôi hoàn toàn bất ngờ. Tôi thề là ... là không biết vụ đó có dính tới Cầm Thi.
Cầm Thi vội nói:
– Dì không phải ray rứt. Cháu cũng tin như vậy. Tất cả chỉ là ngẫu nhiên.
Bà Lan hừ một tiếng khô khốc rồi bước ra ngoài sập mạnh cửa lại.
Bà Quỳnh nhếch mép:
– Sống với cô Lan, chắc chắn con không được sung sướng rồi. Trước đây không có dì thì khác, từ giờ trở đi, dì sẽ lo cho con. Ông bà đã từng nói Sẩy mẹ bú dì mà, ăn thua gì mụ cô nỏ mồm đó.
Cầm Thi lắc đầu:
– Cô Lan có nóng nảy thật, nhưng cô rất thương con ...
– Chã lẽ dì không thương con? Ngoài con ra, Thoại Lan vẫn còn những đứa cháu khác, riêng dì thì không. Con là duy nhất, dì nhìn con mà nhớ Diễm Chi.
Ngày xưa vì cuộc sống, đi phải tha phương cầu thực, giờ của chất đầy nhà, nhưng nhà lại vắng tanh. Tìm được con rồi, coi như dì đã có người thừa kế. Dì sẽ để lại tất cả cho con, hãy về sống với dì.
Cầm Thi im lặng trong khi bà Quỳnh không thôi huyên thuyên về những kế hoạch tương lai nếu Cầm Thi chịu ở với bà.
Cuối cùng bà Quỳnh gút lại:
– Dì không bắt con trả lời ngay về quyết định cho tương lai của mình. Cứ ...
thư thả suy nghĩ, xong xuôi con điện thoại cho dì, dì sẽ bảo tài xế tới đón bất cứ lúc nào.
Cầm Thi ngập ngừng mãi:
– Con ... con đã quen sống với cô Lan. Cô Lan đã thay mẹ nuôi con từ lúc mới lọt lòng, con không thể bỏ cô Lan một mình để ở với dì.
Bà Quỳnh vỗ nhẹ lên tay Thi:
– Dì đâu cần con vội vàng trả lời như thế. Cứ từ từ ... Nếu con muốn, dì sẽ cho con sang Mỹ du học.
Cầm Thi lắc đầu:
Lòng con trước sau như một. Bây giờ hay mai mốt cũng thế, con không muốn dì kỳ vọng ở con rồi thất vọng.
Bà Quỳnh xịu mặt, một lát sau bà nói:
– Dì dúng là bất hạnh, tìm ra được máu mủ ruột rà rồi cũng như chưa. Nhưng thật lòng dì không trách con đâu. Trái lại, dì mừng vì con là người có trước có sau chớ không phải đưa vô hậu. Ở với ai, con vẫn là cháu của dì.
Cầm Thi ôn tồn:
– Con rất vui nếu dì và cô Lan dẹp hết mọi bất đồng từ xưa để con được chăm sóc cả hai người.
Bà Quỳnh nhẹ nhàng:
– Dì chẳng có bất đồng gì với cô Thoại Lan hết. Với giòng họ bên nội của con, dì luôn muốn có mối quan hệ tốt, nhưng họ cứ thích dằn vặt đi vì những chuyện cũ thì biết làm sao? Chính vì họ chưa cho qua chuyện cũ nên mới giấu không cho dì biết về con. Họ là những người có trái tim bằng đá, chả biết thông cảm với những mối tình oan trái như chuyện tình của dì và ông nội con.
Bà Quỳnh nhìn Thi một hồi mới hỏi:
– Con yêu rồi phải không? Dì hỏi thật, Trình đối với con ra sao?
Cầm Thi đỏ mặt:
– Dạ cũng tốt lắm ạ. Nhưng Trình không được bên nội con hoan nghênh.
Bà Quỳnh cau mày:
– Lại vì ông chú đào hoa của nó chứ gì? Nói thật, dù cũng không hoan nghênh, vì bản thân Trình nghe nói cũng chẳng thua kém ông chú là mấy. Yêu nó con sẽ khổ.
Cầm Thi im lặng. Cô không thích nghe những lời như vậy chút nào. Lẽ ra ở buổi đầu nhận nhau là dì cháu, Cầm Thi và bà Aline Chu Thúy Quỳnh nên nói những chuyện vui nhiều hơn, hoặc là nhắc đến người mẹ đoản mệnh của Thi, nhưng hai dì cháu lại nói đến chuyện khác khá nhạy cảm khiến Thi buồn lòng.
Yêu một người không đơn giản chút nào, nhất là khi người đó mang tiếng đa tình như Trình.
Lúc nãy nằm trên giường, Cầm Thi nghe gần hết những lời Trình và cô Lan nói với nhau. Thi vẫn còn buồn vì sự cương quyết của cô Lan, giờ cô lại buồn hơn vì lời tiên đoán như đinh đóng cột của dì Quỳnh.
Yêu Trình, cô sẽ khổ, nhưng nếu đừng yêu Trình, liệu cô có hạnh phúc?
Ngày xưa, cũng vì một chữ tình, mẹ cô đã đồng hành với khổ đau cho đến khi lìa đời. Bây giờ Cầm Thi cũng đang tập tễnh bước vào con đường đau khổ ấy đấy.
Giọng bà Quỳnh chợt vang lên:
– Ngày xưa dì đã cố hết sức ngăn cấm Diễm Chi nhưng có được đâu. Con người luôn có khuynh hướng chấp nhận mọi đau khổ để được yêu. Dì sẽ không ngăn con và Trình. Con tự đinh đoạt số phần của mình nhưng nên nhớ lúc nào dì cũng ở bên con để chia sẻ và thương yêu.
Nhìn đồng hồ, bà nói:
– Bây giờ dì về. Nhớ ăn uống cho nhiều vào. Biết không!
Cầm Thi khẽ gật đầu. Yêu Trình, cô sẽ khổ, nhưng vì yêu Trình, cô phải tranh đấu cho tình yêu của mình.
Nhớ những lời Trình nói lúc nãy với cô Lan, Cầm Thi cợt đổi buồn đau thành niềm tin. Nếu Trình yêu cô thật lòng thì đúng là khó khăn nào hai người lại không vượt qua được.