Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Dưới Ngàn Thông

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 21460 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Dưới Ngàn Thông
Trần Thị Bảo Châu

Chương 5

Mặc cho Hạnh Lâm gục đầu than chóng mặt, Long tiếp tục nói :
− Anh biết vì Phú bỏ tiền ra mở shop Song Hạnh nên em mới theo hắn phải không ?
Đang gục đầu, Hạnh Lâm ngẩng phất lên :
− Ai bảo với Long là cái shop ấy của Phú ? Long thừa hiểu tôi không nhờ vào người yêu kiểu đó mà .
Long cười nửa miệng:
− Anh biết . Nhưng Út Phú là cáo gìa . Hắn bỏ vốn ra nhờ gã tên Thái nào đó mở shop cho chị em ... Song Hạnh . Hắn y như một bố già đứng sau chỉ đạo, em dính vào lưới của hắn một cách êm dịu nên đâu có hay . Sau này, hắn sẽ toàn quyền quyết định cuộc đời em .
Hạnh Lâm ngỡ ngàng nhìn Long :
− Sao Long biếtt ?
− Thì Hương Thảo kể . Hôm đó nhờ Thảo ... tiếp thị bia cho Phú nên nghe hết đầu đuôi .
Lâm hết sức bất ngờ . Cô hoàn toàn không hiểu Phú làm thế với dụng ý gì . Anh ta là chủ một số nhà hàng, quán bia ở thành phố này . Ai mà biết nhưng nói đó có phải là ... hắc điếm không ? Nếu đúng là ... hắc điếm, chắc sớm muộn gì hắn cũng bán đứng chị em cô cho khách .
Tuy nghĩ thế và hết sức hoang mang lo lắng, Hạnh Lâm vẫn nói cứng :
− Vì yêu tôi, tôn trọng tôi, Phú mới làm thế . Tôi tin Phú là người tốt .
Long cay cú :
− Hắn vung tiền cho em nhiều gấp mười lần tôi, nên hắn dĩ nhiên tốt rồi .
Hạnh Lâm nuốt nghẹn xuống :
− Long về đi . Không thôi chị Lan Anh lại tới .
Long mím môi :
− Chị sẽ tới, nhưng vì ông Phú chớ không phải vì tôi .
Rồi Long hạ giọng :
− Quay lại với anh đi Hạnh Lâm . Anh không câu nệ, chấp nhất gì cả, vì anh yêu em .
Lâm mệt mỏi :
− Tôi không xứng . Thật sự không xứng với tình yêu của Long .
Dứt lời, những giọt nước mắt tủi hận chợt tràn đầy trên má Hạnh Lâm . Long bàng hoàng :
− Phú đã làm gì em à ?
Hạnh Lâm nức nở :
− Đừng hỏi nữa . Long về đi .
Mắt dúm đỏ vì đau khổ, Long ngồi chết trân trên ghế . Thời gian như ngừng lại, hai người im lặng . Nhưng chính sự im lặng đã nói lên tất cả . Lâm cứ để nước mắt tuôn trào trong khi Long hút thuốc cho mù khói . Hộc cầu thang đã tăm tối, như càng tăm tối hơn, ngột ngạt hơn .
Mãi đến khi có tiếng gọi, Long mới đứng dậy, kéo tấm ri-đô qua . Ánh sáng ùa vào chói lòa, cùng với ánh sáng là dáng sừng sững của Phú .
Không nói không rằng, Long vứt điếu thuốc và xông ngay tới . Phú giơ tay đẩy mạnh anh vào tường.
Mắt long lên sắc lạnh, Phú tóm cổ Long siết chặt, giọng gầm gừ :
− Mầy đến đây làm gì hả Nhải ranh ? Tại sao cô ấy khóc ? Nói đi.
Long nghẹt cứng cổ . Anh không thở cũng không nói được lời nào mà chỉ lo cố gỡ tay cứng như gòng kềm của Phú ra.
Phú cười gằn :
− Công tử bột như cậu không phải là đối thủ của tôi đâu . Hãy nhớ cho rõ, Hạnh Lâm là người yêu của tôi . Cấm cậu làm phiền cô ấy.
Buông tay ra, khiến Long chúi nhủi, Phú khinh khỉ quát :
− Đi! Đi !
Long vừa bước thụt lùi, vừa gân cổ lên :
− Mầy là thằng chó chết . Lâm không bao giờ yêu mầy đâu.
Phớt tỉnh như chẳng nghe Long nói gì, Phú bước tới chỗ gốc giường tận nơi Hạnh Lâm đang ngồi co lại.
Nãy giờ cô không nói lời nào, mặc kệ hai gã đàn ông hậm hực với nhau . Nhìn Long bỏ đi, lòng cô chạnh đau.
Khác với giọng điệu dữ dằn như tướng cướp lúc nãy, Phú dịu dàng ngồi xuống bên Lâm :
− Ghé shop Song Hạnh mới hay em lại chóng mặt . Tôi cho rằng em phải đi khám bệnh.
Hạnh Lâm khô khan :
− Dẹp cách ra lệnh với tôi đi.
Phú nhỏ nhẹ :
− Không phải là ra lệnh . Tôi năn nỉ đây . Em vừa ý chưa ?
Hạnh Lâm bỉu môi :
− Ông đúng là một con cáo già. Cáo già từ cách nói tới hành động . Ông ra khỏi nhà tôi ngay, tôi ghét xem ông đóng kịch lắm.
Phú lì lợm :
− Tôi sẽ đi, với điều kiện, em chịu tới bệnh viện để xem em đang bệnh gì.
Hạnh Lâm mím môi :
− Không đời nào tôi đi chung với ông.
Vừa nói, Lâm vừa lồm cồm leo xuống, cơn chóng mặt chợt đến làm cô hụt chân té nhào vào người Phú . Anh được dịp ôm Lâm và được dịp lên mặt :
− Em không ổn thật rồi . Phải đi khám tổng quát xem sao.
Hạnh Lâm xô anh ra, giọng quạu quọ :
− Tôi chỉ hơi mệt thôi mà . Ông đừng lợi dụng cơ hội đó.
Phú vẫn giữ cô trong tay :
− Tôi chỉ tận dụng cơ hội thôi . Nào ! Mời em đi khám bệnh.
Mắt nhắm lại vì xây xẩm, Lâm nhăn nhó :
− Buông ra . Tôi sắp ói đây nè.
Vừa nói, Lâm vừa gập người xuống . Phú vội vớ cái thau nhựa gần đó cho cô . Chống tay lên giường, Hạnh Lâm bắt đầu ói thốc vô thau rồi nằm lã ra chiếu, người như sắp hết hơi.
Phú lấy cái khăn, nhúng nước, rồi ân cần lau mặt cho cô . Lâm chẳng còn sức đâu để phản đối.
Anh xót xa nhìn gương mặt xanh xao của Lâm :
− Em thường bị thế này không ?
Hạnh Lâm trả lời đứt quảng :
− Thỉnh thoảng . Những chỉ vào những lúc thức khuya để học thi, chớ không bị hoài như dạo này . Tôi bị suy nhược thật rồi.
− Bởi vậy, em phải đi bác sỉ.
− Rồi cũng qua thôi . Đâu phải mỗi sổ mũi, nhức đầu là vào nhà thương như các bậc tiểu thư khuê các.
Phú trầm giọng :
− Với tôi, không có tiểu thư, công chúa nào sánh ngang em . Tôi rất sót ruột khi thấy em như vậy . Tôi sẽ đưa em đi khám bệnh.
Hạnh Lâm nóng ran cả người, vì những lời qúa âu yếm của Phú . Cách nói của anh như vừa ra lệnh, vừa dịu dàng, năn nỉ lẫn với vẻ yêu thương, khiến Hạnh Lâm như trôi đi trong cảm giác ngọt ngào hạnh phúc với người đàn ông đầy uy quyền, nhưng cũng rất mực đa tình.
Cái Hạnh Lâm cần lâu nay là sự che chở, gánh vác của một người vững vàng, bản lãnh trong cuộc đời . Với gia đình nhỏ gồm ba người, Lâm luôn đứng mũi chịu sào . Cô đã qúa mệt với vai trò can cường . Cô luôn thèm được chăm sóc, thèm được nhõng nhẽo, thèm điệu một chút như bao cô gái khác trước người khác phái . Nhưng Lâm chưa bao giờ có được phút giây đó.
Dù Long rất yêu cô và chiù cô hết mình, nhưng bên cạnh anh, Hạnh Lâm có cảm giác bị quấy rầy, chứ không thích thú.
Giọng Phú lại vang lên :
− Em thay quần áo rồi đi với anh.
Lâm im lặng . Tại sao hắn lại tốt với cô ? Hắn chăm sóc Lâm để đến lúc nào đó bán đứng cho khách phải không ?
Nhớ tới lời Long nói lúc nảy, Hạnh Lâm chợt giật mình . Cô chưa biết phải thoái thác bằng cách nào thì Phú nói tiếp :
− Chắc trước khi mất, bác gái đã dặn em đừng tin đàn ông, khéo lại gặp phải kẻ xấu . Tôi không phải là người tốt, nhưng nếu tin tôi, em sẽ không bao giờ thất vọng.
Hạnh Lâm bật cười chua chát :
− Tại sao tôi phải tin khi đã bị ông hại cả đời ?
Phú thở ra :
− Nếu tôi nói lý do em sẽ cho rằng tôi giả dối . Nhưng chẳng lẻ suốt đời em không tin một ai ? Sống trong thế giới đầy hoài nghi, em sẽ vô cùng đau khổ . Hãy thử tin tôi một lần xem . Biết đâu, em sẽ nhẹ nhỏm.
Rồi mặc Hạnh Lâm nằm trên giường, Phú bưng cái thau đi . Cô gọi giật lại :
− Anh làm gì vậy ? Để đó cho tôi.
Phú thản nhiên :
− Em đừng ngại . Đàn ông như tôi không gớm những chuyện ói mửa nầy đâu.
Hạnh Lâm gắng gượng ngồi dậy :
− Tôi sợ ông qúa rồi . Ông định khám bệnh ở đâu ?
Phú tươi hẳn lên :
− Tôi quen nhiều lắm . Dĩ nhiên sẽ chọn bệnh viện tốt nhất.
Hạnh Lâm dựa lưng vào tường :
− Ông bày lắm chuyện như thế để làm gì ?
− Tôi có bày chuyện gì đâu.
− Shop Song Hạnh là của ai ?
Phú thản nhiên :
− Của tôi và Thái hùn hạp . Nếu em nghĩ tôi mở shop ấy vì em thì lầm to . Tất cả với tôi là tiền . Bỏ tiền ra mà không thủ lợi nhuận, tôi không bao giờ làm . Chị em em cần kiếm tiền, tôi cũng thế . Hợp tác vui vẻ và sòng phẳng mà.
Lâm ấm ức :
− Nếu biết shop ấy của ông, tôi không bao giờ làm.
Phú nhún vai :
− Bây giờ em nghĩ cũng được . Nhưng mà người khôn ngoan và thực tế, tôi dám cá, em sẽ không làm thế, trừ khi em sợ sẽ yêu tôi mới bỏ việc.
Hạnh Lâm nhìn Phú căm ghét . Cô mà yêu hắn à ? Chắc trời sập . Hắn đã nói thế, cô sẽ làm tình làm tội cho hắn biết.
Giọng lạnh lùng, Lâm ra lệnh :
− Ông ra ngoài cho tôi thay đồ.
Phú hỏi nghiêng người :
− Xin tuân lệnh . Tôi sẽ tới bãi xe trò chuyện với Lập.
Lâm cau có :
− Để thằng bé yên . Ông định làm hư nó bằng thuốc lá và bia à ?
Phú dang hai tay :
− Tôi chưa thấy ai hư vì bia và thuốc lá hết.
− Nhưng tôi ghét hai thứ đó.
Giọng Phú nghiêm nghị :
− Vậy tôi sẽ bỏ.
Hạnh Lâm ngỡ ngàng :
− Thật à ?
Lấy trong túi áo ra gói con mèo, Phú đi vô bếp , rồi vứt vào sọt rác trước khi bước ra ngoài kéo ri- đô lại.
Hạnh Lâm gắng gượng thay quần áo. Cô đã quá sợ chứng chóng mặt buồn nôn này, nên đi khám bệnh là điều nên làm. Nhưng lâu nay Lâm cứ ngần ngừ vì ngại nhiều thứ. Cô sợ bác sĩ định cho mình một chứng bệnh nan y khó chữa nào đó, nên thà ở nhà chịu cảnh đất trời nghiêng ngã còn hơn.
Hôm nay, nếu Phú không năn nỉ một cách nhiệt tình, chắc chắn cô đã tiếp tục nằm lì ở nhà.
Nhìn mình trong gương, Lâm hốt hoảng nhận ra một bộ mặt xơ xác đến mức thê thảm. Bộ mặt nầy mà đi cạnh vẻ mạnh mẻ, xông xáo nhanh nhẹn lẫn đểu giả, cao giá của Phú thì không hợp chút nào.
Nhưng tại sao Lâm lại nghĩ tới việc hợp hay không kìa? Anh ta và cô là hai thái cực chẳng có gì tương đồng hết. Lâm vẫn nhớ tới Phú, nhưng nhớ với tất cả hận thù, oán ghét của một nạn nhân bị bại.
Đứng dậy một hồi cho bớt choáng, Hạnh Lâm lần theo vách ra ngoài. Nắng chói chang làm cô lòa mắt, nhưng Lâm vẫn thấy Lập đang quơ tay quơ chân nói gì đó với Phú trong rất say sưa.
Cái thằng đúng là không có lập trường. Hôm trước mới hùng hùng hổ hổ xông vào đòi đánh người ta, hôm nay đã thân thiết.
Thấy Lâm ra tới, Phú vổ vai Lập rồi bước đến bên cô:
− Sao không gọi tôi vào đỡ em?
Hạnh Lâm càu nhàu:
− Tôi vẫn còn đi nổi mà.
Nhìn nụ cười tủm tỉm của Lập, cô cáu kỉnh nạt:
− Cười cái gì?
Lập lém lỉnh:
− Em cười anh Phú mà. Anh đụng phải bà Tám thứ thiệt rồi. Ở nhà em và chị San xếp de... bả đó.
Phú nháy mắt:
− Anh cũng xếp de chớ có khác gì em.
Hạnh Lâm đỏ mặt liếc gã... cô hồn sống, trong tiếng cười ha hả của Lập.
Hừm! Cái thằng... khôn nhà dại chợ này đáng bị nhịn đói lắm. Nếu không chóng mặt, cô đã cho nó vài cái véo rồi.
Phú mở cửa xe cho Lâm rồi đỡ cô vào ngồi. Tự dưng cô thấy mình run lên trong vòng tay ôm của anh. Đúng lúc Phú bóp tay cô, Lâm rút vội tay lại.
Hai người chợt im lặng suốt đường. Đến phòng khám, Phú lại dìu Lâm vào. Anh kiên nhẫn ngồi kế Lâm trước cái nhìn tò mò lẫn ngưỡng mộ của người cùng ngồi gần đó.
Tới phiên Lâm, Phú lại dịu dàng dìu cô vào phòng khám rồi nôn nóng ngồi đợi bên ngoài.
Đây là lần đầu tiên trong đời, Phú hết lòng như thế với phụ nữ. Anh lo lắng bồn chồn vì chờ khá lâu mới thấy Hạnh Lâm bước ra.
Phù nóng nảy:
− Sao rồi?
Hạnh Lâm lắc đầu:
− Không biết. Nhưng bắt thử máu, thử nước tiểu rồi siêu âm lung tung.
− Họ không nói gì hết sao?
Lâm mệt mỏi:
− Chờ nửa tiếng nữa sẽ có kết quả.
Phú càu nhàu:
− Lại chờ. Người ta sốt ruột muốn chết.
Lâm nhỏ nhẹ:
− Ông về đi. Tôi chờ một mình được mà.
Phú vội vã:
− Ý tôi không phải thế. Tôi sốt ruột vì tình trạng của em ấy chứ.
Hạnh Lâm nhíu mày mỉa mai:
− Rất cám ơn ông. Lở tôi bị chứng nan y nào đó, ông sốt ruột cũng vô ích.
Phú nhíu mày:
− Sao lại nói vậy? Em không nghĩ là tôi rất đau lòng à?
Lâm mím môi:
− Tôi chỉ không nghĩ ra vì sao ông tốt thế? Ông muốn bù trừ để lương tâm thanh thản. Đúng không?
Phú im lặng trán nhíu lại. Anh tìm gói thuốc trong túi nhưng không có. Phú chép miệng:
− Em muốn nghĩ thế nào cũng được.
Cô y tá ngồi sau bàn gọi tên Hạnh Lâm, Phú mau mắn bước đến trước:
− Cô ấy có sao không?
Liếc xéo Phú với nụ cười tỉm tỉm, cô ta nói:
− Chà! Lo cho vợ gớm. Bà xã không sao. Có điều phải bồi dưỡng nhiều vào.
Lâm bối rối:
− Nhưng thật ra tôi bệnh gì?
Cô y tá đưa toa thuốc cho Phú rồi nói:
− Cô em không phải bệnh mà là ốm nghén đấy. Gần hai tháng rồi mà không biết à?
Một luồng điện cháy ran khắp người Lâm khiến cô như tê đi. Lâm ngơ ngác nhìn người y tá rồi nhìn sang Phú với vẻ không hiểu gì cả.
Phú bàng hoàng không kém. Anh ấp úng:
− Nghĩa là... nghĩa là chúng tôi có con hả?
Cô y tá gật đầu:
− Chớ sao nữa. Bộ hai người không muốn à? Nếu thế phải giải quyết sớm, qua tháng thứ ba thì hơi khó đấy.
Phú vội vàng nói:
− Chúng tôi muốn có con lắm chứ. Tại tôi muốn hỏi lại cho rõ.
Giọng người y tá dịu xuống:
− Nếu là thế thì ráng chăm sóc vợ. Thấy hơi yếu đấy.
Hạnh Lâm bước theo Phú như cái xác không hồn. Cô vẫn chưa tỉnh táo để nhận thức sâu hơn những gì vừa nghe.
Có con mà không có chồng à? Thật kinh khủng.
Lảo đảo như sắp té, Hạnh Lâm thều thào:
− Tôi không muốn. Trời ơi! Tôi không muốn.
Phú đỡ cô ngồi xuống băng đá ngoài khuôn viên, giọng ôn tồn:
− Em bình tỉnh lại đi.
Hạnh Lâm gào lên:
− Bình tỉnh à? Ông thử nói xem, tôi phải làm sao đây?
Phú giữ chặt vai Lâm và nhìn thẳng vào mắt cô.
− Anh sẽ lo cho em và con. Chúng ta sẽ làm đám cưới ngay.
Hạnh Lâm lập lại như máy:
− Chúng ta sẽ làm đám cưới ngay à?
Phú gật đầu:
− Đúng vậy.
Lâm chợt hết sức trầm tỉnh:
− Không thể nào.
Phú sửng người:
− Tại sao?
Mặt Hạnh Lâm bừng bừng oán hận:
− Vì tôi thù ông, ghê tởm ông. Tôi sẽ tự giải quyết được chuyện của mình.
Dứt lời Lâm đứng dậy, định bước ra nhưng rồi cô lại loáng choáng ngồi xuống trước ánh mắt thống khổ của Phú.
Anh không đỡ, cũng không vỗ về Hạnh Lâm mà để mặc cô khóc. Tiếng nức nở của cô như những nhát dao đâm nát tim Phú. Anh biết từ giờ trở đi, trái tim kiêu hảnh của mình sẽ không được ngủ yên nữa.
oOo
Hạnh San chống tay rầu rỉ:
− Chị không thể ngờ chuyện xảy ra như thế. Vậy mà em dấu biệt, để chịu khổ một mình.
Nhìn lên nóc mùng, Lâm thở ra:
− Lúc đó nói ra, nhắm được gì hay chỉ làm chị lo thêm? Em thì không ngờ số mạng khốn nạn đến mức nầy.
Nghe giọng nói như nghẹn lại của Hạnh Lâm. San chắc lưỡi:
− Giờ phải tính sao đây?
Hạnh Lâm mím môi:
− Em không giữ nó đâu.
San bó chân:
− Nếu còn má, má sẽ không đồng ý cách giải quyết của em, vì tội lắm.
Nước mắt Lâm ùa ra, thút thít khóc trong khi San vẫn đều giọng:
− Chị thấy Phú là người tốt, anh ta không chối bỏ trách nhiệm của mình, sao em lại từ chối? Dù thể nào đứa nhỏ cũng phải có cha.
Hạnh Lâm phản ứng khá gay gắt:
− Em không bao giờ tin hắn tốt. Thà con em không có cha, chứ nếu lấy hắn em sợ rồi sẽ khổ giống má. Đàn ông đã quen thói phóng đãng thì coi như bỏ đi.
San vẫn giữ lập trường của mình:
− Nói như em chưa chắc đúng, vì đâu phải người đàn ông nào cũng tệ bạc như ba.
Lâm căm tức:
− Đừng nhắc tới ổng nữa. Nếu không vì ổng, chị em mình đâu khổ thế này.
Hạnh San ứa nước mắt:
− Phận làm chị như chị đây thật vô dụng.
Hạnh Lâm cười buồn:
− Mọi người có một số phận. Chị đừng tự trách mình nữa.
San bỗng hạ giọng nài nỉ:
− Nghe lời chị, đừng bỏ đứa nhỏ. Làm vợ Phú em sẽ hạnh phúc, chị tin như vậy.
− Chị một phe với ông Thái, thảo nào hết lời nói vào cho Phú.
Lâm vừa dứt lời thì đã nghe tiếng anh gọi cửa. Trùm mền kín mặt, cô bảo:
− Chị nói em ngủ rồi. Dặn lão ta đừng làm phiền em nữa.
Hạnh San ngao ngán lắc đầu, kéo ri- đô đi ra, cô thấy Phú tay xách, nách mang đủ thứ linh kỉnh.
San ngạc nhiên:
− Chuyện gì thế này?
Phú ngập ngừng:
− À! Vài món bồi dưỡng cho Hạnh Lâm ấy mà.
− Nhưng cụ thể là món gì?
− Trái cây và vài thang thuốc ban an thai, dưỡng thai.
Hạnh San lạnh nhạt:
− Lâm ngủ rồi. Tôi cũng chẳng có thời gian sắc thuốc. Anh mang những thứ này về đi. Lâm không muốn thấy anh.
Phú tỉnh queo:
− Cô ấy ngủ được càng tốt. Tôi sẽ sắc thuốc bằng siêu điện. Lâm thức dậy, sẽ có thuốc uống ngay. San cứ để mọi việc cho tôi làm hết.
San nhướng mày:
− Anh rảnh rổi dữ vậy sao?
− Cũng không rảnh, nhưng nhờ biết sắp xếp thời gian, tôi có thể thoải mái ở đây đến chiều để nấu cơm cho cả nhà.
Nghe Phú nói thế, Hạnh Lâm không chịu nổi, cô tung mền ngồi dậy:
− Ông đi ngay cho tôi nhờ. Tôi không cần và không muốn thấy ông.
Phú xoa hai tay vào nhau:
− Nếu không muốn thấy tôi thì em quay mặt vào vách ngủ. Bao giờ cơm chín tới, tôi sẽ gọi em dậy.
Hạnh Lâm nhìn Hạnh San cầu cứu, nhưng bà chị vốn hời hợt của cô không hiểu nên nói:
− Tùy anh. Chị em tôi không yêu cầu anh làm như thế.
Hạnh Lâm tức tối khi nghe Phú vui vẻ :
− Tôi tự nguyện tự giác mà.
Quay sang Lâm, San bảo :
− Vậy em nằm nghỉ đi . Chị đến trường đây.
Giận dỗi, Hạnh Lâm trùm chăn kín đầu, mặc kệ Phú ở lại trong hốc cầu thang một mình . Cố nhưng không làm sao ngủ được, Lâm nghe tiếng Phú lục đục bên ngoài rồi tiếng anh... độc thoại nhưng cố ý là để Lâm nghe.
− Đường dây điện nầy phải câu lại cho an toàn hơn. Phải thêm một quạt máy cho thoáng.
Mím môi, cô lặng thinh, mặc xác Phú lải nhải. Nhưng nằm thế này thì ngộp quá. Hạnh Lâm len lén kéo mềm xuống và len lén ... hí hí mắt xem Phú đang làm gì.
Thì ra anh ta đang vừa rửa trái cây vừa canh siêu thuốc bắc. Nhìn những trái mận trắng nằm kế những trái lê vàng tươi Hạnh Lâm ứa ướt nước bọt vì thèm. Để tránh bị quyến rũ, cô nhắm mắt lại trong khi Phú tiếp tục nói :
− Chà ! Mận này chắm muối ớt thì phải biết. Anh để sẵn, em có khát thì ăn nha.
Hạnh Lâm trở mình, nhưng vẫn lặng thinh như không thấy, không nghe, không biết những chuyện đang xảy ra xung quanh.
Mùi thuốc bắc xông lên nồng làm Lâm thấy khó chịu. Cô bật dậy, chạy đến cái thau và ói liên tục.
Phú vội vàng lấy chai dầu đưa cô, Lâm ngồi tựa vào tường, thở dốc, nước mắt, nước mũi ràn rụa trong thật thảm. Phú lại nhúng khăn ướt đem lại cho cô.
Giọng anh ngập ngừng :
− Anh không ngờ người phụ nữ khi mang thai khổ như vậy.
Hạnh Lâm vừa lau mặt, vừa nói :
− Nhưng ông chỉ xem chúng tôi là trò chơi thôi mà.
Phú thừa nhận :
− Phải. Anh đã từng như thế, nhưng từ giờ trở đi sẽ không còn chuyện đó nữa. Anh đã muốn dừng chân với một gia đình ấm êm cùng vợ hiền con ngoan.
Hạnh Lâm chớp mắt, cô nghe giọng Phú xúc động :
− Ba má anh mất từ lúc anh mới mười hai tuổi. Anh được ông chú ruột nuôi cho ăn học khá tử tế. Bù lại, anh phải làm việc và từ sáng tới tối ở quán cơm rất đông khách của ông ấy. Quán xa lạ môi trường giúp con người trưởng thành nhanh nhất, và lúc nào đầu óc cũng phải đối phó với đủ loại người trong xã hội. Nơi đó đã biến anh từ một đứa bé nhút nhát với mặc cảm mồ côi, thành một thằng láu cá, biết qua mặt người lớn để giàu những đồng tiền riêng cho mình. Năm mười lăm tuổi, rời ghế nhà trường với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, anh được vào đại học, nhưng cũng là lúc cuộc sống biến anh thành một tay anh chị với những trận đánh nhau nhầm bảo vệ hàng quán của mình.
Thoáng một chút ngậm ngùi, Phú nói tiếp :
− Lúc này chú anh làm ăn rất khá, từ một quán cơm bình dân, ông từ từ mở thêm một nhà hàng khá lớn trong Chợ Lớn và một quán nhậu ở Biên Hoà. Mở rộng kinh doanh phải có người để quản lý, chú anh nghe lời bà thím rước vào nhà một gã đàn ông mà chỉ vừa nhìn qua, anh đã không ưa nỗi. Hắn ta quản lý nhà hàng trong Chợ Lớn một thời gian thì chú anh chết vì ngộ độc thực phẩm.
Phú nhếch môi :
− Hừ ! Một cái chết bất ngờ đầy nghi vấn mà tới bây giờ anh vẫn thấy có gì đấy không rõ ràng, minh bạch. Nhất là khi sau đó, ông ta đã cưới vợ góa của chú anh để danh chánh ngôn thuận trở thành ông chủ những quán xá mà ngày xưa chú anh phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới làm nên.
Thấy Hạnh Lâm có vẻ chú ý nghe mình kể lể, Phú tới siêu thuốc, đổ ra vừa vặn một chén, rồi bưng lại để trước mặt Hạnh Lâm.
− Uống đi. Anh kể tiếp cho mà nghe.
Cô bĩu môi :
− Xí ! Chuyện của anh có hay ho gì đâu mà định dụ người ta uống ba cái thứ đen thúi này.
Phú nhỏ nhẹ :
− Thuốc bổ đấy. Người ta bảo, chỉ cần uống một thang là hết bị ói ngay.
Hạnh Lâm đẩy tay anh ra :
− Tôi không tin. Lúc nãy mới nghe mùi đã thối rồi, nói chi uống.
Phú vẫn kiên nhẫn bưng chén thuốc kề miệng Lâm :
− Tin anh đi.
Hạnh Lâm tránh ánh mắt của Phú. Cô ậm ự :
− Nóng gần chết.
Phú nhiệt tình :
− Để anh thổi.
Lâm nhăn mặt :
− Thôi, đừng. Tôi không quen cũng không thích đâu.
− Anh sớt ra làm đôi cho mau nguội vậy.
Hạnh Lâm ngó ngoáy những ngón chân trên giường. Không có cha chăm sóc chìu chuộng từ nhỏ, nên trước sự ân cần của Phú, Lâm chợt mũi lòng. Nếu so với Long, anh tỉ mỉ và chịu khó chìu hơn nhiều. Phải chi cô có một ông anh như Phú. Phải chi thằng nhóc Lập biết chăm sóc chị gái, chắc Lâm cũng đỡ tủi.
Cầm nửa chén thuốc Phú đưa, Lâm khách sáo :
− Cảm ơn.
Anh mỉm cười :
− Đừng cảm ơn. Đây là bốn phận của tôi.
Hạnh Lâm lầm lì :
− Không liên quan đến anh. Tại tôi không biết giữ mình. Nhưng giá như cuộc đời đừng có hạng đàn ông xem phụ nữ là phương tiện giải trí như anh thì ...
Phú ngắt ngay lời cô :
− Đừng suy nghĩ nhiều nữa. Anh xin em mà.
Hạnh Lâm mím môi, nín thở, uống từng ngụm thuốc. Mồ hôi chảy ướt đẫm, cô vừa uống vừa chắc lưỡi, hít hà thật khổ sở. Nhưng cuối cùng cũng hết thang thuốc. Điều này khiến Phú vui lòng. Anh hớn hở ra mặt :
− Vậy phải ngoan không. Rồi em sẽ khoẻ lại, nếu ăn được.
Lâm nhắc :
− Tôi uống hết thuốc rồi, nhưng câu chuyện về anh vẫn còn dang dỡ đây.
Phú cười mỉm :
− Tôi kể tới đâu rồi nhỉ ?
− Tới chổ chú anh đã mất vì ngộ độc.
− À ! Đúng rồi. Tôi đang nói về người chồng sau của bà thím mình. Đó là một người khá miệng lưỡi. Khi chú tôi còn sống, lão ta đã tằng tịu với bà thím, nên tôi luôn nghi ngờ cái chết của chú mình, nhưng vì không bằng chứng nên đành chịu.
Hạnh Lâm tò mò :
− Rồi sau đó thì sao ?
Phú nghiêm nghị :
− Còn một chén thuốc nữa kìa cô nương.
Hạnh Lâm phụng phịu, bưng lên trước cái nhìn ấm áp của Phú.
Anh đợi cô uống cạn mới kể tiếp :
− Dĩ nhiên ông ta không để tôi tiếp tục làm việc chung rồi, dù chỉ mình tôi đang quản lý nhà hàng Sao Đêm.
Lam thắc mắc :
− Lúc đó anh bao nhiêu tuổi ?
− Mới hai mươi. Nhưng trong tôi già đời lắm rồi.
− Ông ta có đuổi anh không ?
Phú nhếch môi :
− Có chứ. Nhưng nhờ miếng đất và toàn bộ nhà hàng ấy là của bà nội tôi để lại cho tôi thừa kế, nên ông ta và bà thím không lấy lại được. Họ tệ đến mức dọn sạch phần trang trí bên trong, thế là nhà hàng coi như dẹp.
Hạnh Lâm ái ngại :
− Rồi anh làm sao sống ?
Phú không trả lời mà mỉm cười, hỏi lại :
− Em lo cho tôi à ?
Kéo cái gối ôm vào lòng, Lâm khinh khỉnh :
− Hổng dám đâu. Tôi nghe kể chuyện và thắc mắc cho số phận của nhân vật thôi.
Phú thở than :
− Vậy tôi đâu còn hứng thú đế kể tiếp nữa. Nhất là bị cấm thuốc lá, nhạt miệng quá.
Hạnh Lâm nói :
− Ai thèm cấm. Nhưng có hút thì ra ngoài đường ấy.
Phú đắm đuối nhìn cô :
− Ngồi đây ngắm em vẫn hạnh phúc hơn vạn lần.
Lâm liếc xéo anh :
− Đúng là mồm mép của dân bán quán nhậu.
Phú nhấn mạnh :
− Mồm mép của ông chủ nhà hàng chứ.
Hạnh Lâm nhún vai :
− Mồm mép của chủ quán nhậu hay chủ nhà hàng cũng thế thôi.
− Nhưng em có thích nghe tiếp chuyện kể về cuộc đời của hắn ta không ?
− Không có gì giải trí, nghe cũng đỡ buồn.
− Chỉ thế thôi sao ?
Lâm nhướng mày :
− Chớ anh còn muốn gì hơn nữa ? Lời yêu thương hay sự xúc động tràn đầy nước mắt ? Thật ra, nước mắt tôi rơi vì anh rất nhiều, nhưng không có giọt lệ nào vì yêu cả.
Phú lơ lửng :
− Rồi sẽ tới lúc.
Hạnh Lâm khịt mũi :
− Không bao giờ.
Phú chưa kịp nói tiếp thì thấy Lập bước vào với một cô gái.
Vừa thấy anh, cô ta đã tái mặt :
− Anh ... anh làm gì ở đây vậy ?
Phú hất mặt thay câu trả lời :
− Thế còn em ? Em tới đây làm chi ?
Cô gái ấp úng :
− Em nghe Lập bảo chị Hạnh Lâm bệnh nên tới thăm.
Nhìn xoáy vào mắt Lập, giọng Phú đã bớt gay gắt :
− Tụi em học chung à ?
− Dạ.
Phú lên giọng bảo Lập :
− Phải tử tế với em tôi đấy. Tuy nó là con chú, nhưng tôi thương nó như em ruột.
Lập cười toe :
− Em tử tế với Hoàng Điệp không thua anh với chị Lâm đâu.
Lâm cười khẩy :
− Đều đó còn xét lại. Không ngờ Hoàng Điệp có một ông anh họ trời đánh ... mẻ búa vẫn không chết.
Hoàng Điệp le lưỡi :
− Eo ơi ! Sao chị nói anh Phú như vậy ?
− Vì đó là sự thật mà.
Phú nháy mắt :
− Anh hùng chết vì ánh mắt của mỹ nhân chớ mấy ai chết vì búa của thiên lôi. Phải không Lập ?
Lập vỗ đùi :
− Chí lý. Nhưng em lại thấy anh từ chết tới bị thương vì bà ... Tám của nhà em.
Hạnh Lâm gạt :
− Cái thằng nhiều chuyện. Lo ra giữ xe đi.
Lập nói :
− Thấy cả rồi. Giờ này của mấy thằng bạn em, bộ chị quên rồi sao ? Hay chị muốn tụi em ... biến để hai người được tự do ?
Hoàng Điệp nhăn nhó :
− Lập này kỳ.
Phú vỗ vai Lập :
− Hai anh em mình biến cho hai chị em họ được tự do thì đúng hơn.
Lập gật đầu, đi theo Phú :
− Ý kiến hay. Em đang thèm cà phê đấy.
Hoàng Điệp ngồi xuống kế Lâm :
− Chị bớt bệnh chưa ?
Hạnh Lâm ngập ngừng :
− Cũng đỡ rồi.
− Nhưng trông chị còn xanh xao lắm.
Thấy Lâm làm thinh, Hoàng Điệp hỏi tiếp :
− Chị quen anh Phú hồi nào mà em không hay kìa ?
Lâm trả lời lấp lửng :
− Cũng vài ba tháng nay thôi.
− Ảnh lo cho chị lắm phải không ?
Lâm nhíu mày, dè dặt :
− Điệp hỏi thế là sao ?
Cô gái bật cười :
− Em nghe anh Lập khen bồ chị rất chu đáo, nhận xét đó chính xác lắm đấy.
Hạnh Lâm cải chính :
− Anh Phú không phải bồ chị.
Điệp hấp háy mắt :
− Thì là bạn. Chị quen với anh Phú em mừng. Chẳng ai như ảnh, đã ba mươi mà vẫn lông bông, xung quanh con gái hàng đống, nhưng chưa ai trói chân ảnh được một năm.
Lâm bĩu môi :
− Vậy chị dại dột gì mà lao vào một con ngựa bất kham.
Hoàng Điệp hạ giọng :
− Ngựa chứng lúc nào cũng là ngựa giỏi. Chị chê anh Phú là uổng lắm đó.
Hạnh Lâm hơi cúi đầu :
− Chị không dám trèo cao đâu.
Điệp phụng phịu :
− Em không thích chị nói như vậy chút nào.
Lâm im lặng. Hoàng Điệp đang rất yêu Lập. Cậu em trai cô rất tự tin, nó không hề mặc cảm vì cái tội vừa mồ côi, vừa nghèo thi tại sao cô lại gợi cho Điệp cái to tướng đầy mặc cảm của mình chứ ?
Giọng Hoàng Điệp vang lên :
− Chị biết không ? Anh Phú khó tánh lắm. Anh bảo em quen ai phải dắt đến cho ảnh xem mặt. Em sợ nên lâu nay dấu anh Lập rất kỹ. Hồi nãy thấy ảnh ngồi đây, thú thật hồn vía em lên mây hết.
Lâm ngạc nhiên :
− Điệp sợ ông ta dữ vậy sao ?
Hoàng Điệp ngập ngừng :
− Nói là sợ cũng không đúng, em không muốn làm ảnh buồn. Hồi nhỏ anh Phú rất cưng chìu em. Khi ba mất, ảnh càng lo cho em hơn. Tại mẹ em đi thêm bước nữa, anh Phú không thích ông bố dượng, nên không ở nhà em nữa.
Lâm hỏi :
− Sao anh Phú ghét dượng em vậy ?
Hoàng Điệp nhún vai :
− Tại ổng thấy ghét lắm. Ai cũng bảo ổng chỉ lợi dụng mẹ chớ chẳng có yêu thương gì, nhưng mẹ không tin.
Hạnh Lâm tò mò :
− Thế em có tin ông ta không ?
Hoàng Điệp cay đắng :
− Tin sao nổi mà tin. Anh Phú dặn em luôn luôn cẩn thận với ông ta. Cửa phòng lúc nào em cũng khóa trái. Thậm chí chính anh Phú cho người làm nhà vệ sinh, nhà tắm trong phòng em luôn.
Lảm kêu lên :
− Ông Phú thận trọng và đa nghi đến thế sao ? Nhưng dượng em có biểu hiện gì xấu không ?
Hoàng Điệp lắc đầu :
− Chưa. Chưa bao giờ. Nhưng đâu có nghĩa là sẽ không, trong khi ổng ăn chơi trác táng lắm. Anh Phú vẫn thấy ổng vào nhà hàng của ảnh đế tán tỉnh các cô gái đáng tuổi con mình mà. Mẹ em đi đánh ghen nhiều lần rồi đòi ly dị, nhưng đâu lại vào đó. Ông ta mồm mép lắm. Mẹ em mù quáng vì yêu làm sao bỏ ổng được.
− Hai người có thêm con không ?
Hoàng Điệp lắc đầu :
− Mẹ em đã mổ nên không sanh được nữa. Ông ta trước đây chưa vợ, nên cũng chẳng có con riêng, bởi vậy mẹ em lúc nào cũng nơm nớp lo bị bỏ rơi.
Hạnh Lâm chạnh lòng nhìn cô gái, Hoàng Điệp cũng không cha như chị em cô. Điệp tuy còn mẹ, nhưng trong trái tim của bà mẹ ấy, chỗ đứng của cô thật nhỏ nhoi. Lâm chợt thấy thương Điệp hơn. Cô dịu dàng siết tay con bé.
Hai người im lặng ngồi bên nhau. Hoàng Điệp chợt lên tiếng trước :
− Em rất muốn có một người chị. Chị sẽ là chị của em nghe ?
Hạnh Lâm nói :
− Chị là chị của Lập, đương nhiên là chị em rồi.
Điệp lém lỉnh :
− Ngược lại. Lập rất muốn anh Phú làm anh mình. Chị thấy được không ?
Lâm nghiêm giọng :
− Chuyện đó khó lắm. Dù có nhiều ràng buộc chị vẫn không tự trói mình đâu.
Hoàng Điệp tròn mắt :
− Nghĩa là sao ? Em không hiểu.
Hạnh Lâm lắc đầu. Cô chả biết phải giải thích thế nào với Diệp nữa.
Vứt bỏ giọt máu đang mang là thất đức. Lâm chỉ nói thế thôi, chớ cô không đời nào dám làm. Nhưng nếu giữ nó ? Trời ơi ! Lâm chưa bao giờ tưởng tượng ngày mai của mình như thế nào, khi cô vẫn còn muốn đến trường, muốn dung dăng dung dẻ với bạn bè chớ không muốn có con, nhất là con không cha và cô lại quá khó khăn về kinh tế.
Dẫu tới bây giờ, Phú vẫn không chối bỏ trách nhiệm của mình, nhưng làm sao Lâm tin được một người có thể chung chạ với bất cứ cô gái nào như Phú.
Qúa khứ Phú chả tốt lành gì, hiện tại biết đâu anh đang vờ tu tâm dưỡng tánh, đế rồi tương lai sẽ vẫn lập lại các thói quen của quá khứ ?
Cuộc đời của mẹ luôn là bài học để chị em cô rút kinh nghiệm. Nếu số phận đã nghiệt ngã, Hạnh Lâm thà mang tiếng không chồng có con, còn hơn phải khổ vì có chồng chả ra gì.
Nhìn bàn thờ nơi đặt di ảnh mẹ, Hạnh Lâm như thấm trong nỗi hoang mang cùng cực :
− Mẹ ơi ! Con phải làm sao đây ? Hãy cho con một lời khuyên đi mẹ.
Hút gần hết hộp sữa tiệt trùng, Hương Thảo mới nhả ống hút ra, nói :
− Nhỏ Hạnh Lâm dạo này "lên voi" . Đi học có người rước bằng xế hộp . Long nhà ta bị cho rơi đài là cái chắc . Chỉ tội nghiệp cậu ta bỏ một thời gian đã xúc tép nuôi cò . Mà nuôi cò nào cũng làm sao bằng chủ nhà hàng nuôi được.
Cẩm Tiên bênh Hạnh Lâm :
− Tại ông ta theo nó chớ bộ.
Thảo bĩu môi :
− Vậy Long thì sao ?
− Nó có bao giờ yêu Long đâu.
− Xí ! Mày chả cần nói tốt cho nó . Hạnh Lâm là đứa vô ơn, ăn cháo đá bát, ai lại không biết . Chỉ tội Long mù quáng.
Cẩm Tiên mỉa mai :
− Lúc nào cũng Long . Mày yêu thầm nên ganh tỵ chứ gì ?
Hương Thảo giảy nẩy :
− Mày đừng nói bậy.
Tiên hất hàm :
− Nếu không phải vậy, mày kể với Long chuyện nghe lóm ở nhà hàng Sao Đêm làm gì ?
− Tao nói cho anh chàng sáng mắt ra.
Tiên bĩu môi :
− Đúng là nhiều chuyện . Long ra tới kìa . Còn chuyện gì nữa nói hết luôn đi.
Hương Thảo mím môi, liếc Cẩm Tiên rồi cô nhoẻn miệng cười thật điệu khi thấy Long ngồi xuống.
Anh hỏi Cẩm Tiên :
− Hạnh Lâm đâu hả Tiên ?
Tiên nhún vai :
− Nó không có đi học.
Long nhíu mày :
− Lý do.
Tiên cộc lốc :
− Bệnh.
Hương Thảo trề môi :
− Lại bệnh ? Tao thấy nó ốm thì đúng hơn . Mặt mày xanh mướt, cổ cao ba ngấn, không phải ốm nghén, mày đem đầu tao đi chặt.
Cẩm Tiên sững người vì nhận xét táo tợn của Hương Thảo . Còn Long thì ngồi chết trân trên ghế.
Cẩm Tiên nạt :
− Mày độc mồm vừa thôi . Hạnh Lâm đâu phải hạng mất nết.
Hương Thảo phớt lờ lời Cẩm Tiên, quay sang Long, cô nàng chua ngoa :
− Long nghĩ gì về nhận xét của tôi ? Phải ông là tác giả không ? Nếu phải thì... "Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em ?", mau mau hỏi Hạnh Lâm di.
Long xô cái ghế đánh rầm, rồi hầm hầm bỏ đi . Anh phóng xe như bay tới chỗ cầu thang, tới cửa Hạnh Lâm với tất cả bức xúc, đau khổ . Lẽ nào Hạnh Lâm lại... lại... có con với thằng khốn ấy ? Chỉ tưởng tượng thôi, Long đã muốn giết Phú rồi . Nhưng giết bằng cách nào khi anh không đối đầu nổi với hắn.
− Thằng đểu ! Thằng chó !
Long gầm gừ chui và đau khổ khi nhận ra anh sẽ không làm gì được Phú và Hạnh Lâm đã từ chối anh.
Vừa tấp xe vào lề, Long đã hết sức ngạc nhiên khi thấy Lan Anh và hai thằng nhân viên của siêu thị hấp tấp bước từ cầu thang ra.
Long chặn bà chị mình lại :
− Chị dến đây làm chi ?
Lan Anh gạt tay Long ra :
− Đó là chuyện của tao . Còn mầy ? Vẫn u mê vì con quỷ ấy à ?
Hất hàm, Lan Anh ra lệnh :
− Lôi cổ nó về.
− Chị đừng có hòng . Tôi la lên đó.
Lan Anh rít lên :
− Lôi nó đi.
Long thủ hai cục đá xanh vừa nhặt bên đường, mặt đằng đằng sát khí :
− Thằng nào ngon nhào vô . Tao đập chết mẹ !
Ngay lúc ấy có tiếng ô tô thắng gấp sát lề . Trên xe, Phú bước xuống . Anh ngỡ ngàng nhìn hai chị em Lan Anh rồi đanh giọng :
− Hạnh Lâm ! Các người làm gì Hạnh Lâm rồi ?
Không trả lời, Lan Anh vội vàng đi như chạy . Phú hốt hoảng phóng vào hốc cầu thang . Vừa kéo ri- đô ra, anh đã kinh hoàng khi thấy Lâm té ngồi dưới đất, đầu tựa vào giường, quanh chỗ cô bệt máu đỏ.
Phú xốc Lâm lên, miệng liên tục gọi tên cô . Hạnh Lâm chỉ ú ớ không nên lời rồi ngất di.
Long bước vào và đứng chết trân trước cảnh tượng trên.
Giọng Phú lạc hẳn :
− Giúp tôi đưa Lâm tới bệnh viện.
Phú bế Lâm chạy vội ra đường . Anh để Lâm nằm ở băng sau với Long rồi phóng xe bạt mạng tới bệnh viện phụ sản.
Đưa cô vào phòng cấp cứu xong, Phú diện thoại về shop Song Hạnh cho San biết tin . Quay trở ra, Phú điểm ngay mặt Long :
− Tao không tha cho Lan Anh đâu . Nói với cô ta chuẩn bị tinh thần đi . Phần mầy, hãy xéo ngay khỏi đây.
Long gằn giọng :
− Anh không có quyền duổi tôi . Lâm là nạn nhân của anh . Cô ấy chỉ yêu tôi thôi . Lâm bị như vầy cũng vì anh, một thằng yêu râu xanh độc ác.
Mặt Phú tái xanh vì tức . Cằm bạnh ra, mắt tóe lửa, anh định thoi cho Long vài ba cái, nhưng không hiểu sao, Phú rút tay lại . Anh đi tới đi lui dọc theo hành lang, người nóng bừng bừng.
Cảm giác lo lắng, sợ hãi y như lần đưa ông chú ruột vào bệnh viện năm nào bỗng trỗi dậy trong anh . Phú chịu không nỗi, nếu như Hạnh Lâm có bề gì.
Cửa phòng cấp cứu mở ra . Người y tá cao giọng :
− Người nhà của Hạnh Lâm dâu ?
Phú nhanh nhẩu :
− Tôi... là... chồng cô ấy.
− Bệnh nhân mất máu nhiều, anh phải mua đấy.
Phú liếm môi :
− Còn đứa bé thì sao ?
− Dĩ nhiên là bỏ rồi.
Phú thẩn thờ cầm mảnh giấy người y tá đưa để đi thanh toán tiền mua máu . Anh nhìn những vết vấy đỏ đầy áo mình và xót xa vì biết rằng trong kia, Hạnh Lâm đang trải qua bao nhiêu là đau đớn nguy hiểm . Có lẽ Long nói đúng . Anh đã gây cho Lâm nhiều đau khổ hơn là hạnh phúc . Cô luôn từ chối những cố gắng bù đắp của anh về vật chất cũng như tinh thần . Điều ấy khiến Phú càng quý Lâm hơn . Phong trần, già dặn như anh rồi cũng tới lúc trúng tên của thần ái tình . Khổ nổi, người con gái anh yêu vẫn còn căm ghét anh ra mặt.
Đứa bé trong bụng là sợi dây mong manh hy vọng Lâm sẽ chấp nhận tình cảm của anh đã đứt rồi . Phú chẳng còn gì dể ràng buộc Hạnh Lâm . Anh chua xót nhớ tới những lời Long nói . Lâm đúng là nạn nhân của Phú . Anh không tìm được lý do nào để lay chuyển trái tim khá kiêu ngạo của cô.
Điều này dối với Phú thật đáng sợ . Nhưng vẫn chưa sợ bằng lỡ như Hạnh Lâm vĩnh viễn chia tay cuộc sống nầy.
Hạnh San cùng Thái hớt hải chạy vào . Mặt thất thần, San hỏi :
− Lâm như thế nào rồi ?
Phú vuốt mặt :
− Còn trong phòng cấp cứu.
− Nhưng chuyện gì dã xảy ra với con bé ?
Phú lắc dầu :
− Tôi không rõ lắm . Khi tới nhà đã thấy Lâm té trên đất, máu ướt cả ra nền.
San rầu rĩ :
− Chắc là tệ rồi . Bị chóng mặt còn cố làm chi cho khổ không biết.
Cửa phòng cấp cứu mở toang, hai cô y tá đẩy băng ca ra . Hạnh Lâm nằm thiêm thiếp, mặt trắng bệch, lạnh tanh như băng sáp . Phú và Long không hẹn cùng chạy đến kế bên và cùng gọi tên cô . Nhưng Lâm vẫn nhắm nghiền mắt, bờ môi tái xanh, cắn chặt, trông cô khổ làm sao.
Nhìn bịch máu máng trên cây móc, Phú không ngăn được xúc động . Anh quay di, sóng mũi cay xè khi nghĩ đến giọt máu của mình vừa tan biến khỏi cuộc đời này.

<< Chương 4 | Chương 6 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 344

Return to top