Sau đại hội sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ được ít lâu tôi lên Nữu Ước cùng với cha Jacques Houssa, và vẫn trọ lại mấy hôm tại nhà dòng các bà phước ở New Jersey. Những người quen ở Nữu Ước đến thăm và tiễn biệt tôi, cha Houssa tiễn đưa tôi đến phi trường Nữu Ước và không quên căn dặn tôi tiếp tục lo cho sinh viên du học. Bây giờ cha ở Mỹ đã lâu, quen biết nhiều, cho nên có thể xin được nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam, hơn nữa dư luận Mỹ bắt đầu thiện cảm đối với Việt Nam nhiều hơn trước.
Tôi đến Ba-Lê thì có Trần Hữu Phương ra đón. Câu nói đầu tiên của ông Phương là một lời báo hung tin. Giọng Phương nghẹn ngào:
- Thưa cha, Cảnh mất rồi.
Tôi lặng người một lúc. Đặng Vũ Cảnh người Hà Nội, là một thanh niên thông minh, ưu tú, đầy hứa hẹn mà tôi coi như một đứa em thân thiết. Xác Cảnh đang quàng tại nhà thương. Tôi đến viếng xác ngay, và đứng chủ tang, làm lễ đưa xác cho Cảnh. Một số đông anh em Việt kiều, sinh viên tại Pháp bùi ngùi đi đưa đám Cảnh.
Cái chết là một chuyện thường tình, ai cũng biết là không thể tránh được, nhưng cái chết của một người trẻ tuổi đã có nỗi bi đát của nó. Cái chết của một người Việt Nam trẻ tuổi ở nước ngoài lại càng bi đát hơn. Nhân đám tang, một số Việt kiều và sinh viên đã gặp tôi, và không quên hỏi sơ qua về kết quả chuyến đi Mỹ của tôi.
Tôi tường thuật những hoạt động của các sinh viên ở Mỹ, chiều hướng dư luận Mỹ, và kết luận rằng phải cố gắng thuyết phục cụ Diệm nên về chấp chánh ngay trong lúc này.
Vài hôm sau, tôi đến gặp ông Diệm, lúc đó vẫn còn ở trong nhà Tôn Thất Cẩn. Ông Diệm cho tôi biết ông đã xuống Cannes gặp Bảo Đại. Ông Diệm có vẻ buồn, kể lại chuyến gặp gỡ Bảo Đại ở Cannes.
Bảo Đại ở biệt thự hè sang trọng, ngày thì trượt nước, đêm thì vào sòng bạc, Nam Phương Hoàng Hậu không ở cùng với Bảo Đại mà chỉ có thứ phi Mộng Điệp đi theo ông. Tôi có cảm tưởng rằng Nam Phương Hoàng Hậu là một người đàn bà đức hạnh đã không tán thành cuộc sống của Bảo Đại.
Trong thời gian Bảo Đại về nước, Nam Phương Hoàng Hậu cũng đã không theo về, và đó là một điều đã gây nên nhiều dị nghị không có lợi gì cho Bảo Đại. Lúc ở Đà Lạt Bảo Đại chỉ sống với Mộng Điệp một cách bán chính thức. Mộng Điệp có một biệt thự riêng gần Lycée Yersin, tức là cuối thành phố Đà Lạt, còn Bảo Đại thì vẫn ở đầu kia thành phố.
Luúcthì Bảo Đại đến Mộng Điệp, khi thì Mộng Điệp đến biệt điện gặp Bảo Đại. Nhưng ở Cannes hai người sống hẳn với nhau trong biệt thự hè.
Ông Diệm mô tả con người Bảo Đại lúc này với một câu nói vắn tắt: uể oải mệt mỏi. Tôi lại nhớ đến dàng điệu Bảo Đại lần gặp ở Đà Lạt, và tôi mường tượng như thấy Bảo Đại lúc tiếp ông Diệm cũng choài người ra trên ghế bành, như người không xương sống.
Lắm lúc chỉ một lời nói, một cử chỉ vụng về mà mồi giao tình giữa quân vương và thần tử có thể tan vỡ. Tôi nhớ những câu chuyện xưa, lúc một ông vua tiếp một khanh sĩ, đang ăn nhổ cơm, đang rửa chân chải đầu thì quên xỏ dép chải tóc, để ra tận cửa đón khanh sĩ.
Chắc chắn là Bảo Đại không bao giờ có được phong độ đãi hiền tiếp sĩ như vậy, thành ra không lạ gì khi quanh Bảo Đại không có hiền thần lương tướng.
Ông Diệm cho tôi biết rằng trong câu chuyện, Bảo Đại có đề cập sơ sơ, một cách chiếu lệ về cái ý mời ông về chấp chánh. Bảo Đại không hề chính thức mời cũng không tỏ ra vẻ gì tha thiết ân cần đối với việc ông Diệm về chấp chánh.
Ông Diệm cho như thế là chưa được thuận tiện. Tôi hiểu ý ông là Bảo Đại và người Pháp chưa đủ tin ông để giao cho ông nhiều quyền hành. Quanh ông Diệm và quanh Cao ủy Pháp vẫn còn một số người Việt Nam mà ông Diệm cho là không tốt, không hợp với ông vẫn được trọng dụng.
Lúc này hình như Bảo Đại đã nghĩ đến việc đem Bửu Lộc ra lập chính phủ thay thế chính phủ Nguyễn Văn Tâm, một phần để làm hài long người Pháp, một phần để thỏa mãn những đòi hỏi âm thầm của dân chúng Việt Nam. Người Pháp tuy hài lòng về sự trung thành và ngoan ngoãn của cha con Nguyễn Văn Tâm và thuộc hạ, nhưng vẫn muốn có một chính phủ có cái dáng nhân dân một chút. Những ông công dân Tây, mang tên Tây chắc là không tạo được cái dáng nhân dân cho một chính phủ. Bửu Lộc ít ra có thể làm hài lòng nhóm hoàng phái và một số trí thức.
Ông Diệm kết luận rằng ông không thể về chấp chánh được, vì những điều kiện ông đưa ra bị Bảo Đại để ngoài tai. Thực tình thì Bảo Đại chẳng đủ can đảm để từ chối bất cứ điều gì, nhưng ngược lại ông không đủ cứng rắn quyết tâm để quyết liệt làm một cái gì. Những điều kiện của ông Diệm rất giản dị: được toàn quyền điều hành chính phủ Việt Nam, đối phó trực tiếp với người Pháp dĩ nhiên vẫn nhân danh Bảo Đại. Ý ông Diệm là muốn Bảo Đại đừng có trực tiếp hay gián tiếp (qua Nguyễn Đệ) xen lấn gì vào nội bộ chính quyền Việt Nam.
Ông Diệm thấy cần phải cải tổ hoàn toàn bộ máy hành chánh và quân đội, làm cho quyền hành Việt Nam mạnh thêm thoát dần khỏi sự lệ thuộc vào quân đội và Phủ Cao ủy Pháp. Ông Diệm cũng mong Bảo Đại đặt một số điều kiện cứng rắn dứt khoát với người Pháp trước khi ông về chấp chánh. Dĩ nhiên là Bảo Đại không muốn mệt đến người, cho rằng những điều mà ông Diệm coi như cần thiết chẳng quan trọng chi cả.
Ông Diệm đã từ chối. Ông đưa cho tôi một bức thư theo mật mã, gởi ông Nhu.
Ông nói sơ lược cho tôi biết nội dung bức thư căn dặn ông Nhu và ông Cẩn bên nước nhà hãy tiếp tục tăng cường các hoạt động chính trị, củng cố tổ chức đảng, thu phục thêm đảng viên, lôi cuốn thêm nhân tài, chuẩn bị không khí chính trị. Ông nói là tuy lúc này ông chưa thể về chấp chánh trong những điều kiện chưa thuận tiện; nhưng nếu bên nước nhà có một phong trào nhân dân mạnh mẽ đòi hỏi ông Diệm về chấp chánh, thì Bảo Đại và Pháp phải chấp nhận những điều kiện của ông Diệm.
Nếu phong trào nhân dân sớm phát khởi cùng với tình hình quân sự càng ngày thất lợi cho Pháp, thì chỉ trong vòng vài tháng nữa ông Diệm có thể được long trọng về nước.
Ông cho biết trong lúc chờ đợi cơ hội thuận tiện, ông sẽ đi tĩnh tâm ở một nhà dòng Benedictin bên Bỉ.
Tôi về Sài Gòn bằng máy bay, đến gặp ông Nhu ngay, lúc này đang ở Sài Gòn, và bắt đầu xuất bản một tờ tạp chí chính trị: tờ Xã Hội. Ghé Sài Gòn vài hôm tôi ra Huế ngay. Trong câu chuyện với ông Nhu tôi cũng chỉ nói qua về những nhận xét và cảm tưởng của tôi.
Ông Nhu giọng đầy tin tưởng cho tôi hay rằng càng ngày dân chúng càng bất mãn với người Pháp, với Bảo Đại và thêm nhiều thiện cảm với ông Diệm. Theo lời ông Nhu thì đa số những trí thức trẻ, có tinh thần yêu nước đều hướng về ông Diệm. Tuy nhiên tại miền Nam, ngoài khu vực Vĩnh Long thì sự ủng hộ của quần chúng chưa được mạnh lắm.
Ông Nhu không chính thức lập đảng vào lúc bấy giờ, nhưng bên trong hình thức một đảng chính trị, với đầy đủ các chi bộ, phân bộ, lý thuyết. Tài liệu học tập huấn luyện đã thành hình rõ rệt rồi.
Tôi về Huế, cũng đến thăm ông Cẩn. Ông Cẩn nôn nóng nghe tôi kể những cuộc tiếp xúc giữa tôi và ông Diệm, than phiền vì ông Diệm quá dè dặt không về nước lúc này.
Ông Cẩn đã quy tụ một số đông cán bộ, phần lớn là những người hăng say, cuồng nhiệt, có thể nói là hơi quá khích. Ông Cẩn chịu ảnh hưởng tinh thần của các thuộc hạ, muốn rằng ông Diệm về nước ngay lúc này rồi những điều kiện chưa thuận tiện thì sẽ tạo lấy sau.
Tôi có phần đồng ý với ông Cẩn, vì tôi sợ rằng đến một lúc nào đó tình hình chiến sự quá bất lợi cho Pháp, sẽ làm cho người Pháp nghĩ đến việc thanh toán chiến tranh bằng mọi giá mà không nghĩ gì đến một giải pháp quốc gia để đối đầu với Việt Minh.
Thời gian chưa chắc gì đã có lợi cho ông Diệm. Vả lại làm chính trị mà cứ đòi cho được tất cả những điều kiện thuận lợi nhất được hội đủ mới nhập cuộc, thì khó mà làm được vì chẳng mấy khi có những điều kiện lý tưởng như thế.