Đã lỡ hứa với ông Trần Văn Lý, tôi vào Huế khoảng cuối năm 1947. Tôi ở lại Huế vài tháng, nói chuyện với ông Lý khá nhiều. Lúc này tôi cũng có cơ hội gặp một số người trong đó có ông Ngô Đình Cẩn, Trần Điền, và dĩ nhiên là các cha sở Huế. Tôi ở lại Huế vài tháng, ông Lý đề nghị mời tôi làm giám đốc nha Văn hoá miền Trung, một nha chưa thành hình, có trách nhiệm như một bộ giáo dục thông tin thu hẹp mà ông Lý định thành lập. Ông Lý sống rất đơn giản gần như khắc khổ, mặc dù lúc bấy giờ uy quyền ông, sau người Pháp thì khá lớn.
Uy quyền đó, vào tay người khác đã hét được ra lửa. Riêng với ông Lý, tôi phải công tâm mà nhận xét rằng trong thời gian quyền thủ hiến Trung Việt, ông Lý cố gắng làm những việc tốt, cứu giúp một vài người bị Tây tình nghi nhưng ông biết không phải cộng sản.
Tôi thấy tình thế không cho phép tôi hay bất cứ ai làm việc gì. Tôi từ chối và chú tâm lo việc đọc sách tìm hiểu, qua lại với những người mà tôi thấy có tâm huyết.
Dịp này tôi có gặp ông Ngô Đình Cẩn một vài lần, nhưng không thân lắm, bà cụ Khả có vẻ mến tôi lắm, thường mỗi lần tôi đến thăm ông Cẩn, bà cụ hay chống gậy ra hỏi thăm dặn dò ông Cẩn làm các món ăm ngon đãi tôi. Bà cụ rất mộ đạo, và đôi khi ngồi lại nói chuyện đạo với tôi khá lâu.
Nhân một vài lúc rỗi rãnh tôi có vào thăm thành nội Huế, bùi ngùi nhìn cung điện nhà Nguyễn nay hoang tàn, đổ nát. Tôi chợt nhớ đến Bảo Đại, người đang được nhắc đến khá nhiều ở Pháp những ngày tôi sắp về nước cũng như ở Việt Nam những tháng vừa qua.
Tôi không tìm thấy hy vọng đẹp đẽ nào ở con người đó, chẳng hiểu tại sao. Tôi chưa gặp Bảo Đại, chưa thấy Bảo Đại, và những ý nghĩ của tôi có tính cáhc linh cảm hay trực giác mà thôi. Tôi không một lúc nào tin tưởng dù mong manh rằng Bảo Đại sẽ làm được chuyện gì lớn lao xoay chuyển được tình thế đất nước xứng đáng đối thoại một mặt với nước Pháp, một mặt với Việt Minh, để trở thành một cơ hội qui tụ những người Việt Nam yêu nước không cộng sản nhưng không thể theo Pháp.
Nhận thấy ở tại Huế chẳng ích lợi gì, chẳng làm được việc gì, tôi tính về Quảng Bình, thuộc địa phận Vinh.
Lúc bấy giờ quân Pháp đã đổ bộ lên cửa sông Gianh, tiến sâu vào đến hết huyện Quảng Trạch, Tuyên Hoá theo hai ngã sông Giang là Nguồn sơn và Nguồn nậy. Quân Pháp và lính bảo vệ đoàn đóng ở hai đồn lớn ở Quảng Khê và Ba Đồn. Những làng công giáo bắt đầu nổi lên chống lại Việt Minh, xin súng Pháp lập đồng hương vệ trong làng. Tôi muốn tìm hiểu cái giải pháp này, cũng muốn sống trọn vẹn đời sống một linh mục nên dứt khoát rời Huế đi Đồng Hới, rồi từ đây đi ca nô ra Quảng Khê lên Ba Đồn và về xứ Đan Sa.
Thời gian này tôi làm một cha xứ Đan Sa hết bổn phận, thay cha Dụng đã từ trần. Xứ Đan Sa, cũng như các xứ khác ở Hoà Ninh, Hướng Phương, Vĩnh Phước cũng lập đồn hương vệ, rào làng, xin súng Pháp để chống lại Việt Minh. Tôi không tin rằng giải pháp này là đúng, trái lại tôi lo sợ sẽ đem lại nhiều hậu quả tai hại hơn cho người công giáo mà thôi, nhưng giáo dân có vẻ hăng say, tin tưởng.
Lúc đó nếu người Pháp thực tâm thì tình thế không chừng có thể thay đổi, ít ra ở vùng tôi vừa đến, tức là vùng Quảng Bình từ Đèo Ngang trở vô phía Nam. Nhưng chỉ ít lâu tôi biết ngay rằng người Pháp không thực tâm, mà cũng không có phương tiện, vũ khí để võ trang đầy đủ cho dân làng nào muốn tự trị chống lại Việt Minh.
Hình như bộ phận lãnh đạo Việt Minh trong tỉnh Quảng Bình, các huyện Quảng Trạch và Tuyên Hoá đã được báo cáo nhiều về tôi, nên thỉnh thoảng tôi nhận được một thư mời của Chính uỷ huyện Tuyên Hoá. Lời lẽ có vẻ tha thiết, trình bày hơn thiệt, mời tôi hợp tác với chính phủ Việt Minh, tố cáo Pháp có những tội ác này nọ.
Tôi không hiểu rõ những thư mời này do tự ý Chính uỷ huyện bày ra, hay có chỉ thị từ trên. Tôi chẳng dám hy vọng rằng cụ Hồ còn nhớ đến tôi sau mấy lần gặp gỡ, chuyện trò, mặc dù tôi biết cụ có trí nhớ kỳ lạ. Cũng có những lá thư gần như là nhân danh cụ Hồ mời tôi nhưng tôi đoán điều đó chỉ là một thủ đoạn để vuốt ve tôi mà thôi.
Thời gian làm cha xứ ở Đan Sa tôi được cái an ủi là giúp đỡ dân chúng chẳng những về việc đạo, mà cả về những việc hết sức lẩm cẩm, bất ngờ, như chữa bệnh cảm gió cho một người đàn bà, bày thuốc giục đẻ cho bò cái.
Sau gần một năm, tôi lên Hướng Phương, tức là nơi cai quản các xứ công giáo trong hạt Quảng Bình thuộc địa phận Vinh (bên kia sông Gianh về phía Nam thì lại thuộc địa phận Huế). Lúc này tôi thường nhận được thư mời của Chính uỷ huyện Tuyên Hoá hơn trước, và cạnh những lời mời mọc, thỉnh thoảng có những đoạn ngụ ý đe doạ.
Tôi trình bày với các cha về cách rào làng chống Việt Minh như thế này xem chừng không bền vững được, thà rằng chấp nhận sống như mọi người khác, không lẽ Việt Minh lại giết hết người công giáo được sao, nhất là trong lúc họ cần thu phục lòng dân để đánh Pháp. Một vài cha đồng ý điều đó, nhưng nói rằng các giáo dân không chịu.
Tôi và cha Khẩn bàn nhau nên nói thẳng, hỏi ý định của người Pháp, và cho biết nếu họ thành thực giúp đỡ thì họ phải cho thêm súng ống, phương tiện xứng đáng. Tôi thay mặt các Cha đi Đồng Hới trình bày câu chuyện với đại tá cai quản vùng Quảng Bình. Ông nói thẳng là người Pháp không thể làm hơn được, mà cũng không đủ tin tưởng người Việt Nam, dù là ai để võ trang thêm.
Vào tháng tư 1948 có tin vua Bảo Đại về nước, và dân chúng những vùng Tây chiếm được kêu gọi dân lên huyện Ba Đồn tụ họp để nghe đọc hiệu triệu của hoàng đế. Tôi được cử làm đại diện dân chúng đi họp ở Ba Đồn. Trong lời hiệu triệu, tôi không thấy điều gì lạ, đáng mừng.