Trở về nhà ông Auberty, tôi lo thu xếp ngay việc đi gặp Nguyễn Đệ. Theo các bạn cho tôi biết, Nguyễn Đệ và đoàn tuỳ tùng đang đóng đô tại một khách sạn lớn ở Ba-Lê.
Đệ với tôi cũng là chỗ quen biết, thời gian Hồ Chí Minh sang Ba-Lê, chúng tôi lại có dịp gặp gỡ nhau nhiều lần.
Ỷ vào sự quen biết này, tôi điện thoại thẳng cho Đệ và hẹn sáng mai sẽ đích thân lại thăm. Hôm sau, vừa gặp Đệ, không để Đệ kịp hỏi thăm gì, tôi hỏi ngay:
- Tôi lại thăm anh là vì chuyện ông Diệm. Tôi muốn biết ý anh với việc để ông Diệm về nước chấp chánh? Câu hỏi của tôi có vẻ sỗ sàng quá khiếin Nguyễn Đệ lúng túng một giây, rồi mới trả lời:
- Cha hỏi đột ngột quá làm con chưa biết trả lời cha ra sao cho đúng ý. Nhưng hẳn cha cũng rõ, việc ông Diệm về nước hay không còn tuỳ thuộc nhiều yếu tố, phần ở quốc dân, phần ở Đức quốc Trưởng, phần ở chính ông Diệm…
Tôi nói thẳng với Đệ:
- Trước đây tôi nhờ anh em can thiệp giùm cho xuất ngoại, chỉ tính là để sang Mỹ coi chừng bọn sinh viên, nhưng khi tôi ghé lại Ba-Lê thì mục đích chính là để gặp ông Diệm và gặp anh. Tình hình trong nước lúc này chắc anh cũng rõ là tuyệt vọng lắm rồi. Mọi lá bài đều đã được dùng hết mà chẳng mang lại gì. Quốc dân lúc này không còn tin được vào ai nữa ngoài ông Diệm. Mới hôm qua đây tôi đã gặp ông Diệm để yêu cầu ông thu xếp về nước. Ông Diệm có nói là lúc này chính ông cũng mong trở về, nhưng ông sang Ba-Lê đã lâu mà vẫn không nghe thấy anh cũng như ngài Quốc Trưởng nói gì. Do đó tôi mới thấy cần biết ý kiến anh về vụ này.
Nguyễn Đệ yên lặng nghe tôi nói một hồi, rồi mới trả lời:
- Cha đã gặp ông Diệm và biết hết mọi chuyện rồi, thành thử con cũng xin thưa thật với cha: Đức Quốc Trưởng cũng như con đầu đã nghĩ tới ông Diệm, không phải bây giờ mà từ năm 1948, khi đón cha lên Đà Lạt. Nhưng kẹt cái là anh em họ Ngô xưa nay vốn kiêu ngạo quá lố. Dù con có muốn lo cho ông Diệm về đi nữa, thì chính ông cũng phải gặp Đức Quốc Trưởng mà trình bày với ngài. Không lẽ cha đòi con phải đưa Đức Quốc Trưởng tới lạy ông Diệm sao?
- Vấn đề chỉ là ý kiến của anh ra sao đối với ông Diệm thôi, chứ đâu có gì đến nỗi trầm trọng như vậy.
Nguyễn Đệ vẫn còn có vẻ hậm hực:
- Con không biết ông Diệm đã kể với cha chưa, nhưng mới cách đây ít hôm, ngay khi vừa tới Ba-Lê, con đã lại thăm ông Diệm ngay. Thực sự ý con khi lại thăm là muốn mời ông Diệm gặp Đức Quốc Trưởng. Nhưng cha biết sao không? Thay vì phải nói chuyện công việc thì vừa gặp nhau, ông Diệm đã sa sả trách móc con về những chuyện xích mích riêng tư từ cả chục năm trước. Không những thế ông không thèm tiếp con một mình mà gọi cả lô người đâu đâu vào chật cả phòng. Con hỏi cha, ông ta đã cố chấp đến vậy, làm sao con có thể nói chuyện quốc sự với ông ấy được. Với lại, cha cũng biết con chỉ là người được Đức Quốc Trưởng uỷ cho thăm dò sơ bộ thôi chứ có quyền hạn gì đâu...
Câu chuyện, theo lời Nguyễn Đệ, quả đã đến chỗ bế tắc. Tôi suy nghĩ một lát, rồi cố nói hết ý mình cho Đệ nghe:
- Tôi cũng xin nói thất với anh, mình biết nhau đã lâu, thiết tưởng cũng chẳng cần quanh co úp mở làm gì. Dù ông Diệm về nước hay không đối với cá nhân tôi chẳng ăn thua gì, nhưng lúc này cả quốc dân trông vào ông, vì ngoài ông cụ ra, cũng chẳng còn ai cứu vãn nổi tình thế.
Tôi chẳng biết khi về nước, ông Diệm sẽ thành hay bại. Nhưng dù sao cũng phải để cho ông có cơ hội trở về. Anh nói không có quyền gì là nói không thật. Đứa con nít cũng rõ là lâu nay Bảo Đại chỉ biết có chơi bời, săn bắn, uỷ thác hết mọi việc cho anh. Như vậy, ông Diệm có về nước được hay không là hoàn toàn ở trong tay anh, anh phải lo liệu cho ông về. Nếu không anh sẽ là người có lỗi trước lịch sử.
Tôi còn nói nhiều lắm với Nguyễn Đệ, để dồn Đệ tới chỗ phải xoá mọi hiềm khích với ông Diệm mà lo cho ông về. Hình như tôi cũng thành công phần nào, vì cuối cùng, trước khi tôi ra về, Nguyễn Đệ đã đành phải hứa:
- Thôi, cha yên tâm. Con xin hứa với cha nội trong mùa hè này, bằng mọi cách con sẽ thu xếp để đưa ông Diệm xuống Cannes gặp Đức Quốc Trưởng. Cha có gặp lại ông Diệm, xin cha nói rõ lòng con cho ông biết.
Thuyết phục được Nguyễn Đệ nhận lời không cản trở ông Diệm về nước tôi an tâm phần nào. Nhưng ngoài Đệ ra tại Ba-Lê, lúc ấy, vẫn còn không ít thế lực chống lại việc đưa ông Diệm về nước.