Một hôm, vào buổi sáng, khi bác sĩ theo lệ thường đang làm việc trong phòng của mình, người hầu đã đưa cho ông một tấm danh thiếp tinh xảo và kiều diễm theo lệ thường ở Anh. Trên danh thiếp ghi: M. TUYĐOR BRAUN, còn bên dưới viết thêm bằng những chữ nhỏ: “on board the Albatros", nghĩa là: Ông Tuyđor Braun, tàu Albatros. - Ông Tuyđor Braun? - Bác sĩ nghĩ ngợi, cố nhớ lại người có cái tên như thế. - Ngài ấy muốn gặp ngài bác sĩ. - người hầu nói. - Thế có để ông ta đến vào giờ tiếp khách của tôi được hay không? - Ngài ấy nói rằng ngài ấy đến đây có việc riêng. - Thôi được, thế thì mời ông ấy vào. - Bác sĩ thở dài đáp. Sau khi nghe tiếng cửa mở, ông ngẩng đầu lên và hơi ngạc nhiên nhìn người khách lạ có cái tên quí tộc Tuyđor kết hợp Braun của một dân thường. Độc giả hãy tưởng tượng đó là một người đàn ông tuổi trạc năm mươi, những mớ tóc xoăn nhỏ màu cà rốt xõa trên trán nom giống như những búp len hơn là tóc; cái mũi khoằm, trên đó chễm chệ một chiếc kính râm gọng vàng nặng nề; răng dài như răng ngựa; đôi má cạo nhẵn thín được chống đỡ bằng chiếc cổ áo hồ cứng đơ; chùm râu cằm hung hung đỏ, nom như cây bút lông từ dưới cổ áo thọc lên; cái đầu kì quái được chụp lên bằng chiếc mũ hình trụ, chiếc mũ như thể bi xoáy chặt vào đầu bởi vì chủ nhân thậm chí chẳng nhấc nó lên một chút. Và toàn bộ cái "công trình" ấy được yên vị trên một thân hình gầy gò, xương xẩu dường như được lắp ghép lại một cách vội vàng và khoác ra ngoài bằng một bộ đồ len hình ca rô, màu xanh xám. Chiếc kim găm trên cà vạt đầu đính kim cương to bằng hạt hồ đào, sợi dây xích đồng hồ uốn khúc theo các nếp áo gilê với hàng khuy bằng thạch anh tím, không dưới mười chiếc nhẫn được đeo trên những ngón tay bị xoắn chặt lại như ngón tay con hắc linh tinh - tất cả những thứ đó làm cho người lạ mặt có vẻ kiêu ngạo, lố bịch, nực cười đến mức khó hình dung nổi. Kẻ ấy bước vào phòng làm việc của bác sĩ như người ta vào nhà ga - thậm chí không chào hỏi. Gã dừng lại giữa phòng và bắt đầu nói bằng một giọng mũi the thé của anh hề. - Chính ngài là bác sĩ Svariênkrôna? - Vâng, tôi đây. - Bác sĩ trả lời, lấy làm bất bình trước thái độ suồng sã của gã. Bác sĩ định gọi người hầu và yêu cầu đưa tên xấc xược ra khỏi nhà thì vừa lúc đó những lời tiếp theo của kẻ lạ mặt đã lập tức buộc ông phải từ bỏ ngay ý định ấy. - Tôi đã đọc thông báo của ngài về Patric Ô Đônôgan - người lạ mặt nói - và đã quyết định báo cho ngài biết những gì tôi biết về anh ta. - Xin mời ngài ngồi! - bác sĩ sốt sắng trả lời. Và ngay lúc đó bác sĩ nhận thấy vị khách không đợi mời đã tự chọn một cái ghế bành mà ông ta thấy tiện nhất, đẩy lại gần bàn và ngồi xuống, hai tay đút túi, nhấc chân lên, tì gối vào bậu cửa sổ, nhìn người cùng nói chuyện với vẻ tự tin. - Tôi nghĩ - người lạ mặt nói - ngài muốn biết một số điều cụ thể, một khi ngài đã bỏ ra năm trăm đồng sterling tiền thưởng. Chính vì vậy mà tôi đến đây để báo cho ngài biết những điều ấy. Bác sĩ im lặng. - Chắc chắn là - vị khách nói tiếp bằng giọng mũi - trước hết, ngài muốn biết tôi là ai. Tôi có thể nói với ngài điều ấy. Có lẽ tự bản thân ngài đã đọc trên tấm danh thiếp của tôi, tôi là Tuyđor Braun, công dân Anh. - Thế ngài không phải người gốc Ailen à? - bác sĩ tò mò muốn biết. Người lạ mặt tỏ ra rất lúng túng trước câu hỏi ấy, lưỡng lự hồi lâu mới trả lời: - Không, người Xcôtlen... Ồ, tôi biết là tôi không giống người Xcôtlen và người ta thường nhầm tôi là người Mỹ. Nhưng, biết làm sao được. Tuy nhiên, tôi là người Xcôtlen. Và sau khi tuyên bố như vậy, ông ta chăm chăm nhìn bác sĩ, như muốn nói: "dù ngài có nghĩ về tôi như thế nào đi nữa thì tôi cũng cóc cần!" - Có thể là ngài sinh ở Invernes chăng? - bác sĩ vẫn chưa thôi, vì không muốn dứt khỏi đề tài thích thú nhất của mình. Người tiếp chuyện nấn ná một chút. - Không, tôi ở Êđinbua, nhưng chuyện ấy chẳng dính gì đến việc này. Tôi có một gia tài lớn, và tôi chẳng bị lệ thuộc vào ai cả, nếu tôi xưng danh với ngài tôi là ai thì có nghĩa là tôi muốn như thế, chứ không ai có thể bắt buộc tôi cả! - Nhưng, xin ngài cho phép tôi nhận xét là tôi hoàn toàn không hỏi về điều đó. - Bác sĩ mỉm cười đối đáp lại. - Không hỏi ư? Càng tốt. Đừng cắt ngang tôi, kẻo chúng ta chẳng bao giờ kết thúc được câu chuyện. Ngài cho đăng thông báo, mong muốn nhận được những tin tức về Patric Ô Đônôgan, có đúng thế không? Nghĩa là ngài tìm những ai biết anh ta, thế thì, tôi biết anh ta đó! - Ngài biết anh ta? - Bác sĩ hỏi lại, đẩy sát chiếc ghế bành lại gần Tuyđor Braun. - Phải, tôi biết anh ta! Nhưng, trước khi kể về anh ta, tôi muốn hỏi, ngài cần anh ta để làm gì? - Ngài có quyền đặt câu hỏi ấy - bác sĩ trả lời. Và ông đã kể qua lai lịch của Êrik cho người lạ mặt nghe, ông ta đã lắng nghe một cách chăm chú. - Nghĩa là thằng bé vẫn còn sống? - Người lạ mặt hỏi. - Sống và khỏe mạnh, nó đang học để chuẩn bị tháng mười này sẽ thi vào trường y khoa Đại học Tổng hợp Upxal. - Vậy, thế là... - Vị khách nói vẻ đăm chiêu - Xin ngài cho biết, chẳng lẽ ngài không thể khám phá được điều bí mật về nguồn gốc chú bé mà không cần qua Patric Ô Đônôgan được sao? - Không, tôi không thấy có khả năng nào khác - bác sĩ trả lời. Sau khi tìm kiếm rất lâu, tôi đã xác định được rằng chỉ có một mình Patric Ô Đônôgan mới có thể giải thích nổi điều bi ẩn đó mà thôi. Chính vì thế tôi đã đăng thông báo trên các báo, nhưng thật ra hầu như không hy vọng kết quả. - Thế tại sao ngài không hy vọng đạt kết quả? - Tôi có đủ mọi cơ sở cho rằng Patric Ô Đônôgan muốn lẩn tránh hơn, chứ dại gì anh ta lại lên tiếng đáp lại những điều thông báo của tôi. Tuy nhiên, tôi đang định sắp tới đây sẽ áp dụng những biện pháp khác. Tôi định cho nhận dạng tỉ mỉ của anh ta, và tôi còn biết anh ta thường hay lui tới những cảng nào hơn cả. Tôi hy vọng phát hiện được anh ta ở đó với sự giúp đỡ của những thám tử đặc biệt. Bác sĩ Svariênkrôna đã thông báo tất cả những điều đó không phải do nông nổi, mà hoàn toàn có ý thức. Ông định kiểm tra những điều ông nói gây ấn tượng như thế nào đối với người lạ mặt. Và ông đã thấy rõ hai mí mắt của vị khách thoảng động đậy và hai khóe mép trên khuôn mặt cạo nhẫn nhụi của Tuyđor Braun hơico giật, mặt dù ông ta cố làm ra vẻ thờ ơ. Nhưng, ngay tức khắc ông khách lạ đã lấy được vẻ điềm tĩnh. - Đành vậy chứ sao, thưa bác sĩ - ông ta nói - nếu ngài không thể khám phá bí mật qua Ô Đônôgan thì có nghĩa là ngài sẽ không bao giờ khám phá được đâu!... Patric Ô Đônôgan đã chết rồi. Cái tin ấy đối với bác sĩ như sét đánh ngang tai, ông không thốt nên lời, mà chỉ chăm chú nhìn người đối thoại với mình. - Anh ta đã chết và đã được chôn cất - người lạ mặt nói - nói đúng hơn là đã được bỏ xuống độ sâu ba trăm xagiên (mỗi Xagiêng bằng 2,134m) dưới biển! Tình cờ con người ấy - con người mà quá khứ cũng làm cho tôi thấy bí ẩn, và vì vậy tôi đã chú ý đến anh ta - ba năm trước đây đã được thuê vào làm thủy thủ quan sát trên chiếc tàu buồm “Albatros" của tôi. Cần nhận xét rằng tàu buồm của tôi là một chiếc tàu đã được thử thách. Đôi khi tôi làm việc trên chiếc tàu này bảy - tám tháng liền. Đôi ba năm trước đây, khi chúng tôi cho tàu chạy thẳng đến đảo Mađâyra, Patric Ô Đônôgan đang quan sát đã bị ngã xuống biển. Tôi lập tức cho tàu dừng lại và hạ xà lan. Sau những cuộc tìm kiếm kỹ lưỡng, đã tìm thấy anh ta. Anh ta đã được cấp cứu kịp thời trên boong, nhưng cố gắng đem lại sự sống cho anh ta đều không thành công: Patric Ô Đônnôgan đã chết. Đành phải trả lại cho biển miếng mồi mà chúng ta đã định cướp đi của nó. Tất nhiên, trường hợp rủi ro này đã ghi nhận trong nhật ký của tàu theo đúng mọi quy định. Nghĩ rằng chúng từ này có thể ngài sẽ cần đến, nên tôi đã cho đưa đến phòng công chứng sao lại và mang đến cho ngài. Nói xong, Tuyđor Braun rút ví lấy ra một tờ giấy có dán những con tem thuế và đưa cho bác sĩ. Bác sĩ nhanh chóng làm quen với chứng từ. Quả thật, đấy là một bản trích sao trong nhật ký của tàu "Albatros" thuộc quyền sở hữu của Tuyđor Braun. Bản chứng từ đã xác nhận cái chết của Patric Ô Đônôgan trên đường thẳng tới đảo Mađâyra. Bản trích đã được nhân viên phòng công chứng thị thực theo đúng qui định và đã được đăng ký ở Luân Đôn, tại Sommerset House (tòa nhà ở Luân Đôn, nơi đóng trụ sở của các cơ quan chính phủ.). Tính xác thực của tờ chứng không có gì đáng ngờ vực. Nhưng bản thân sự xuất hiện đột ngột của ông khách làm cho bác sĩ thấy lạ lùng đến mức không thể kìm chế để khỏi nói to lên điều ngạc nhiên của mình. Hơn nữa, bác sĩ đã làm điều ấy theo bản tính lịch sự của ông. - Thưa ngài, ngài cho phép tôi hỏi một câu thôi, được chứ? - bác sĩ hỏi. - Bác sĩ cứ hỏi. - Bằng cách nào mà ngài lại có trong túi một tài liệu được chuẩn bị sẵn từ trước và hợp pháp hóa như vậy?... Ngài mang nó đến cho tôi để làm gì? - Nếu tôi chưa quên đếm, thì đây không phải một mà hai câu hỏi - Tuyđor Braun đáp - Tôi sẽ trả lời thứ tự. Tài liệu này tôi có được trong túi là vì hai tháng trước đây, sau khi đọc thông báo, muốn có điều kiện trao cho ngài những tin tức mà ngài quan tâm, tôi đã cố làm sao cho những tin tức ấy càng đầy đủ và càng chắc chắn càng tốt... Còn tôi đã mang tài liệu đến đây là vì tôi đang thực hiện một chuyến du ngoạn trên chiếc tàu buồm dọc theo bờ biển Thụy Điển, tiện thể mang luôn tờ giấy này đến cho ngài, như vậy sẽ thỏa mãn sự tò mò của bản thân tôi cũng như của ngài. Với những lý do như thế thì chả còn phản đối vào đâu được, và bác sĩ đã phải chấp nhận giải đáp duy nhất có thể. - Thế nghĩa là ngài đã đi tàu "Albatros" đến đây? - bác sĩ mau mắn hỏi. - Đúng rồi. - Thế trên tàu Ngài còn có những thủy thủ biết Patric Ô Đônôgan chứ? - Tất nhiên là có, và không ít đâu. - Ngài cho phép tôi gặp họ được chứ? - Tùy ngài muốn thế nào cũng được. Có thể bây giờ ngài đi cùng tôi lên tàu được không? - Nếu ngài không phản đối. - Không mảy may - Người Anh đáp và đứng dậy. Bác sĩ gọi người hầu, sai anh ta mang đến cho mình chiếc áo khoác bằng lông, mũ và cây can, rồi cùng Tuydor Braun đi ra. Năm phút sau họ có mặt ngoài bến, nơi tàu "Albatros" thả neo. Đón gặp họ là một thủy thủ lão luyện mặt đỏ như gấc, râu tóc bạc phơ. Bác sĩ cảm thấy ông ta là một con người hẳn phải rất cởi mở và thành tâm. - Ông Uôrd, - Tuyđor Braun nói với người thủy thủ - Quý ông muốn hỏi thăm về Patric Ô Đônôgan. - Về Patric Ô Đônôgan? - Người thủy thủ già hỏi lại - Xin thượng đế hãy xóa cho vong linh của ông ta! Anh ta đã đem lại cho chúng tôi bao nhiêu là điều bận rộn tuy chúng tôi với anh ta cùng trên đường đi Mađâyra! Tôi hỏi các ngài tất cả những chuyện bận bịu, phiền toái ấy cần để làm quái gì? Bởi vì đằng nào thì cũng đành thí mạng anh ta làm mồi cho cá kia mà! - Ông quen anh ta có lâu không? - bác sĩ hỏi. - Cái tên xỏ lá ấy à? May quá, không lâu, một hoặc hai năm thôi, không hơn. Hình như chúng tôi đã thay hắn ở Dandibar, có phải thế không hả Tomi Đaf? - Ai gọi tôi đấy? - Một thủy thủ trẻ đang miệt mài dùng phấn đánh bóng những tay vịn cầu thang bằng đồng lên tiếng. - Tôi - ông già đáp - Chúng ta đã nhận Patric Ô Đônôgan lên tàu ở Dandibar phải không nhỉ? - Patric Ô Đônôgan ấy à? - Người thủy thủ nói chậm rãi, dường như nhớ lại một cách lờ mờ cái tên ấy - À, phải rồi, tất nhiên là chính cái anh chàng thủy thủ quan sát bị ngã xuống biển trên đường đi Mađâyra đấy chứ gì? Thế thì đúng rồi, ông Uôrd, anh ta vào làm với chúng tôi ở Dandibar. Bác sĩ Svariênkrôna đã yêu cầu miêu tả hình dạng bên ngoài của Patric Ô Đônôgan và tin chắc rằng sự miêu tả ấy hoàn toàn khớp với những đặc điểm nhận dạng mà ông đã biết. Ông cảm thấy những người thủy thủ đây đều là những người trung thực thật thà. Điều ấy được thể hiện qua nét mặt cởi mở chân tình của họ. Quả thật, những câu trả lời rập khuôn của họ có thể gợi cho người ta nghĩ rằng đấy là một sự chuẩn bị từ trước, nhưng biết đâu sự thật hiển nhiên nó lại đúng như vậy bởi vì những người thủy thủ biết Patric mới chỉ một năm hoặc hơn một chút, nên những tin tức họ cung cấp còn nghèo nàn: nêu những đặc điểm nhận dạng và nhắc lại câu chuyện về cái chết bi thảm của anh ta. "Albatros” được trang bị tốt, nếu có thêm vài khẩu súng nữa thì nó có thể biến thành một tàu quân sự. Trên tàu rất vệ sinh sạch sẽ, đoàn thủy thủ coi bộ rất phấn khởi, sung sức, ai nấy đều mặc tốt và tỏ ra có kỷ luật cao, mặc dù tàu đậu ngay sát bờ biển nhưng mọi người vẫn có mặt ở những vị trí của mình. Nhìn chung, tất cả những điều ấy đã gây cho bác sĩ ấn tượng tốt đẹp. Ông tuyên bố hoàn toàn hài lòng về những tin tức thu thập được và, vốn là người mến khách, thậm chí ông đã miễn cưỡng mời Tuyđor Braun lúc ấy đang lăng xăng đi tới đi lui trên tầng hai, miệng huýt sáo hoài một điệu mà ông ta biết - đến nhà mình dùng bữa trưa. Nhưng, ông Tuydor Braun, thấy không thể nhận lời được và đã lựa lời từ chối: - Không, tôi không thể, tôi không bao giờ ăn trưa trong thành phố cả! Bác sĩ không còn biết làm gì nữa, bèn ra về. Tuyđor Braun thậm chí không thèm gật đầu chào tạm biệt ông. Trước hết, bác sĩ vội vàng kể cho Brêđêzhor biết sự bất ngờ của mình. Trạng sư chăm chú lắng nghe không sót một lời, nhưng lại thầm quyết định bắt tay vào điều tra tỉ mỉ. Giữa trưa, khi Êrik đi học về, Brêđêzhor đã cùng với chàng đi thăm dò, nhưng đã vấp phải khó khăn không lường trước được: “Albatros" đã rời Xtôckhôm, không cho biết hướng đi lẫn địa chỉ của chủ tàu. Bằng chứng duy nhất của chuyến đến thăm lạ lùng này là tờ xác nhận về cái chết của Patric Ô Đônôgan còn để lại nơi bác sĩ. Văn bản ấy có đáng tin cậy không? Đó là điều mà Brêđêzhor cho phép mình nghi ngờ, mặc dù đã có sự xác nhận của viên tổng lãnh sự Anh ở Xtôckhôm về tính chân thực của con dấu và các chữ ký có trên tờ khai tử đã xuất trình. Ông trạng sư còn nghi ngờ một sự việc nữa là theo các tin tức thăm dò được thì không có ai ởÊđinbua biết về Tuyđor Braun cả.
Nhưng, dần dà những điều nghi ngờ càng tiêu tan do sự tác động của một bằng chứng không thể chối cãi được là: từ đó đến nay, không có thêm tin tức gì về gã thủy thủ ấy, và tất cả thông báo trên báo chí đều vẫn không thấy có sự hồi âm nào.
Thế là Patric Ô Đônôgan mất hút, còn nguồn hy vọng cuối cùng về sự khám phá ra bí mật về nguồn gốc của Êrik thìcũng mất theo hắn luôn. Bản thân Êrik hiểu rất rõ và đã buộc phải thừa nhận là những cuộc tìm kiếm tiếp theo trở nên vô ích. Bởi vậy, chú đã cam chịu mùa thu này sẽ vào học khoa y trường Đại học Upxal theo ý của bác sĩ. Nhưng, chú vẫn muốn dự thi lại bằng thuyền trưởng viễn dương, và ýđịnh ấy đã chứng tỏ một cách hùng hồn rằng Êrik vẫn không từ bỏ niềm hy vọng tha thiết là hiến dâng đời mình chonhững cuộc du hành đến nhiều nước.
Vả lại lòng chàng thanh niên bây giờ đang ngổn ngang nhiều mối lo âu nặng nề đến nỗi chàng cảm thấy như chỉ có thay đổi hoàn cảnh thì mới có thể thoát được. Bác sĩ thậm chí không ngờ rằng Êrik muốn trong một tương lai không xa nữa sẽ tìm được cái lý do chính đáng để rời khỏi ngôi nhà của ông. Cái lý do ấy là đi biển một chuyến lâu ngày. Nguyên nhân thúc đẩy Êrik đi đến quyết định đó là thái độ hằn học mỗi ngày một thêm tăng của cô cháu gái bác sĩ Svariênkrôna, Freken Kaisa, đối với chàng. Ở bất kỳ chỗ nào cô ta cũng thế. Chàng thanh niên cứ muốn nhất định giấu, không cho người đỡ đầu nhân hậu biết nỗi phiền lòng của mình.
Mối quan hệ của Êrik và cô gái trẻ lúc nào cũng rất căng thẳng. Nhưng sau bảy năm quen biết, chàng vẫn thấy “cô tiên nhỏ” là một sự điển hình về sự kiều diễm và phong thái quí tộc, y như hồi chàng mới đến Xtốckhôm vậy. Chàng thấy vô cùng khâm phục cô gái và cố hết sức để được thân thiện với cô. Nhưng Kaisa không muốn chấp nhận cái điều là “anh chàng cầu bơ cầu bất” này đã đến trong nhà của bác sĩ, được đối xử như là con nuôi, và lại nhanh chóng trở thành “chú bé cưng” của cả ba người bạn. Những kết quả học tập của Êrik, lòng nhân hậu và tính dịu hiền của chàng chẳng những đã không làm cô gái bớt giận làm lành, mà ngược lại còn là một nguồn gốc nảy sinh tính ghen ghét và ganh tỵ của cô. Trong thâm tâm, Kaisa không tha thứ cho Erik về chuyện chàng xuất thân từ gia đình đánh cá và nông dân. Cô cảm thấy điều ấy làm mất vẻ trang nghiêm của ngôi nhà bác sĩ Svariênkrôna và cô ta - Kaisa, do vậy sẽ bị truất quyền chiếm địa vị cao trên chiếc thang xã hội mà cô ta cho rằng bấy lâu nay cô ta vẫn giữ.
Và cô ta đã phẫn nộ biết bao khi biết Êrik thậm chí không phải là một đứa con trai nông dân nữa, mà chỉ là một đứa con nuôi! Cô ta chẳng xa lạ gì với ý nghĩ cho rằng trong xã hội Iêrakhia (“Chiếc thang” chức tước và danh vọng từ thấp tới cao xác định vị trí của con người xã hội tư sản) thì địa vị của đứa con rơi chẳng khác gì như mèo hay như chó. Thái độ của cô ta được thể hiện bằng cái nhìn khinh bỉ, bằng lối làm thinh hết sức xúc phạm và bằng lời lăng mạ thô bạo. Nếu Êrik được mời cùng cô đến nhà bạn bè của bác sĩ để ăn mừng một ngày vui của con cái trong gia đình thì cô nhất mực không chịu nhảy múa với Êrik. Ngồi trên bàn, Kaisa đã tỏ thái độ không thèm trả lời hoặc tuyệt nhiên không để ý đến những điều Erik nói. Hễ có dịp là cô ta cố ýhạ thấp Erik.
Đúng là từ lâu Êrik đã đoán được lý do của thái độ đối xử nhẫn tâm như thế, nhưng chàng không thể hiểu nổi tại sao một nỗi bất hạnh đáng sợ như mất gia đình và Tổ quốc lại là lời buộc tội đối với chàng và gây cho Kaisa lòng căm ghét thực sự. Một lần nọ, khi chàng quyết định giảng hòa với cô gái và buộc cô phải thừa nhận thái độ định kiến bất công và tàn nhẫn của mình, thì cô ta thậm chí không thèm nghe. Ở tuổi mười tám, Kaisa bắt đầu giao du rộng rãi. Nhiều người săn đón cô và tìm mọi cách chiều chuộng cô, một người thừa kế giàu có, và điều đó lại càng khẳng định hơn trong ý nghĩ của cô ta rằng cô ta thuộc loại người khác hẳn, chứ đâu phải như những người trần mắt thịt.
Lúc đầu thái độ phân biệt đối xử như thế có làm cho Êrik buồn phiền, nhưng cuối cùng, chàng đã phẫn nộ và thề phục thù. Cảm giác bị làm nhục quá đáng mà bấy lâu nay chàng phải chịu đựng đã càng thôi thúc chàng hăng hái học tập. Chàng ước mơ bằng lao động quên mình chàng sẽ giành được một vị trí xứng đáng trong xã hội, khiến mọi người phải tôn trọng chàng. Vì vậy, Êrik đã quyết định hễ có cơ hội là rời bỏ ngay ngôi nhà mà cứ mỗi ngày chàng lại phải chịu đựng thêm một nỗi bực mình mới. Chỉ có điều phải thu xếp ra sao cho bác sĩ không đoán ra được điều gì cả. Hay, để cho bác sĩ nghĩ rằng việc chia tay với Êrik là do chàng ham thú du lịch, không kìm chế nổi!
Sau khi đã quyết định chuẩn bị cơ sở, lý lẽ cho việc ra đi, chàng trai thường nhắc đến ý định sau khi học xong sẽ tham gia vào một đoàn thám hiểm nào đấy. Trong khi tiếp tục ở trường Đại học Tổng hợp Upxal, chàng đã tập nhiều bài thể dục khác nhau, luyện rèn thân thể một cách nghiêm khắc, dần dần chuẩn bị cho cuộc sống gian nguy và thiếu thốn là số phận của nhà du hành vĩ đại.